SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – C

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – C

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

 là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105).

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 19, 1-10)

           Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

          Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.

  Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ & LỄ CÁC ĐẲNG

Sự thánh thiện Tin Mừng là gì?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Trg 3

Bài học sinh tồn

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trg 5

Sao không nói khi em còn sống

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trg 7

Mùa tưởng nhớ tri ân

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trg 9

Mối Phúc

Lm. Mặc Nhân

Trg 11

SUY NIỆM TIN MỪNG CN XXXI TNC

Ánh mắt yêu thương

 ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trg 12

Người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham

 Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Trg 14

Sống đức ái

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trg 16

Nghê thuật cảm hóa lòng người của Chúa Giêsu

 Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Trg 18

Một sáng kiến trong sự hối cải

 Lm. Mặc Nhân

Trg 20

Cấm vào nhà kẻ có tội!

 PM. Cao Huy Hoàng

Trg 22

Hạnh ngộ thần kỳ

 AM. Trần Bình An

Trg 24

Có một cái nhìn như thế

 Thiên Phúc

Trg 27

 

 

Sự thánh thiện Tin Mừng là gì?

(Lễ Các Thánh Nam Nữ)

Có vẻ như ý nghĩa của hai ngày lễ, lễ các Thánh Nam Nữ và lễ Cầu Hồn (thói quen vẫn gọi thế), đã quá rõ ràng và đơn giản: một lễ mừng chung tất cả mọi vị thánh, nhất là các vị không có ngày kính riêng, và lễ kia là dịp để cầu nguyện chung cho các linh hồn nơi luyện tội, chưa được lên thiên đàng vui hưởng hạnh phúc với các thánh. Mừng cho các vị đã thành công, và hỗ trợ các vị chưa đạt tới đích. Chỉ đơn giản thế thôi! Tuy nhiên dưới nhãn quan Tin Mừng cứu độ, nhất là dựa trên Lời Chúa, ta mới vẫn thấy lối suy nghĩ đó có điều gì không được ổn cho lắm.

Khái niệm ‘thánh’ như chúng ta có ngày nay (beatified, canonized, blessed, saint), tức là các vị được tuyên phong, được Giáo Hội công nhận là thánh thiện, không hề có trong Thánh Kinh, nhất là trong Tân Ước. Phaolô gọi các tín hữu Côrintô là những người đã được hiến thánh, là dân thánh (1Cr 1, 2-3), cho dầu ngay sau đó, trong cùng lá thư ấy, ngài thẳng thắn vạch ra tất cả các tội lỗi họ phạm, thậm chí cả tội tà dâm và loạn luân. Nói chung ngài gọi tất cả mọi Kitô hữu là thánh và cộng đoàn qui tụ họ là Hội Thánh, bất luận họ đã hoàn thiện hay chưa, chỉ vì duy một điều là họ hội đủ điều kiện duy nhất là tin Đức Kitô Giêsu là Cứu Chúa. Trong cuộc khải hoàn thiên quốc được sách Khải Huyền mô tả, thiên đàng sẽ là nơi cư ngụ của ‘một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ’. Điểm chung nhất của đoàn người này là họ ‘đứng trước Con Chiên’ và ‘đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’ (Kh 7,9-17).

Trong cách nhìn đó, các Thánh Nam Nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay đâu phải chỉ là ‘các thánh’ đã được tuyên phong. Chúng ta mừng kính tất cả những ai đã đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô Cứu Chúa; đúng hơn chúng ta đang mừng chính sự bao quát của lòng từ ái Chúa đang tràn ngập nhân loại, một lòng thương xót vô biên đang chủ động len lỏi tới từng con người. Thánh Gioan đã tóm lược điều này cách rất tài tình: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Trong ngày lễ này, hay trong mọi việc tuyên phong các thánh nói chung, không phải các vị thánh là trọng tâm, mà chính Con Chiên – Đức Kitô Cứu Độ mới là trọng tâm thực sự chúng ta phải qui hướng về để ca ngợi. Phúc cho tất cả những ai đã biết đón lấy ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Kitô Giêsu. Vì đây là mối phúc duy nhất và vĩ đại nhất dành cho toàn thể nhân loại, cho nên tất cả những gì đưa tới nó, hay đóng góp vào việc tiếp nhận nó, đều được coi là ‘có phước’. Tự nó vế thứ nhất của các điều được Đức Giêsu liệt kê trong bài giảng trên núi không phải là ‘phúc’. Chúng không thể mang bất cứ thứ hạnh phúc nào đến cho con người. Duy trong bối cảnh Tin Mừng chúng mới có thể được gọi là ‘phúc’, vì là những phương thế hay qui tắc đưa con người tới đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa cống hiến cho; để ‘giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’. Lễ các Thánh Nam Nữ chính là ngày chúng ta ca ngợi và chúc mừng lòng thương xót cứu độ Chúa đã thành công đến được với rất nhiều người, kể cả những người tội lỗi nhất, thậm chí các tên tử tù bị xã hội lên án.

Thế còn ngày lễ ‘cầu cho các tín hữu đã qua đời’, hay ‘lễ cầu cho các đẳng linh hồn nơi luyện tội’ thì sao? Nếu lấy ơn cứu độ của Chúa làm trọng tâm thì ngày này là dịp để nhìn vào sự đón nhận ơn đó nơi từng người chúng ta. Nếu đã mừng lòng từ ái Chúa trải rộng bao la tới hết mọi người và từng người không trừ một ai, thì ta lại càng có lý do để thôi thúc, để mong mỏi mọi người và từng người nhận biết và đón lấy tình yêu thương xót này với tất cả cõi lòng mình.

Tuy nhiên thực tế cho thấy điều trên đã không thực sự xảy ra, ngay cả đối với nhiều Kitô hữu. Trong số những người được coi là tốt lành thánh thiện nhất trong chúng ta, kể cả hàng giáo phẩm trong Giáo hội hay các tu sĩ, đã mấy ai biết trọn vẹn ném mình vào vòng tay nhân ái của Chúa Cha? Chúa không hề đòi chúng ta phải hoàn toàn sạch hết mọi tội… để được vào thiên quốc, như nhiều người vẫn thường nghĩ. Điều duy nhất Người đòi hỏi là ta mở lòng đón nhận ơn tha thứ vô điều kiện của Ngài. Trường hợp tên cướp cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su là một điển hình.

Ấy vậy mà mấy người Công Giáo chúng ta đã thực sự chân nhận điều này? Khi đi xưng tội chẳng hạn, người ta nhấn mạnh nhiều tới việc được sạch mọi tội lỗi đã phạm, hơn là đón nhận lòng thương xót hài hà của Thiên Chúa. Do đó người ta vẫn thường nghĩ rằng luyện tội là nơi hoặc thời gian các ‘tín hữu’ đã qua đời chờ đợi để được thanh luyện sạch mọi tội lỗi đã phạm, hơn là tình trạng gia tăng khát vọng đón nhận lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa?

Đối với riêng tôi, sống trong sạch bằng việc sửa chữa các lỗi lầm hay là đón nhận cách triệt để ơn cứu độ của Chúa, điều nào quan trọng hơn?

Lạy Chúa, con vững tin vào sức mạnh của tình yêu thương xót Chúa qua việc mừng kính Các Thánh Nam Nữ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Con ca ngợi Con Chiên bị Sát Tế đã mở ấn niêm phong để mọi người chúng con có thể tới giặt và tẩy áo mình trong Máu Thánh đã đổ ra. Con cậy trông lòng từ ái Chúa sẽ mạnh hơn cả sự cứng cỏi của con và của nhiều tín hữu đã qua đời; và lòng nhân hậu Chúa một ngày kia sẽ chinh phục được toàn thể  vũ trụ. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Bài học của sinh tồn

Có một người đã hỏi một chuyên gia leo núi như sau:

- Nếu chúng ta ở lưng chừng núi đột nhiên gặp mưa lớn thì phải làm sao?

- Anh phải cố leo lên đỉnh núi!

- Tại sao không chạy xuống dưới? Gió mưa ở đỉnh núi chẳng phải lớn hơn sao?

- Đi lên đỉnh núi, cố nhiên mưa gió có thể lớn hơn, nhưng không đủ uy hiếp mạng sống của người. Còn chạy xuống dưới núi, xem ra khá an toàn, nhưng có thể gặp tuyết trượt bộc phát chôn sống. 

Anh nói thêm:

-… đối với mưa gió, chạy trốn nó, thì anh sẽ bị lũ cuốn trôi; đương đầu với nó, thì anh lại có cơ may sống sót!

Xem ra để sống sót trước khó khăn không phải là an phận“sống chung với lũ” mà phải “chiến đấu với lũ” để tồn tại. Và như vậy,  quy luật chung để tồn tại là phải đối diện với khó khăn, với thử thách để vươn lên. Không lẩn tránh khó khăn. Không trốn chạy sự dữ. Nhưng phải tìm cách tồn tại trong những hoàn cảnh đầy khó khăn nhất.

Trong đời sống luân lý, lẽ thường cũng rất nhiều cám dỗ bủa vây. Cám dỗ như những cơn lũ muốn nhậm chìm chúng ta. An phận sống chung với chúng e rằng sẽ có ngày “mưa lâu thấm đất” khiến chúng ta cũng sa vào cám dỗ. Sự khôn ngoan nhắc nhở chúng ta phải chiến đấu với cám dỗ, phải chiến thắng cám dỗ và xua tan cám dỗ. Điều này chính Chúa Giêsu đã làm và đã chiến thắng trong cuộc cám dỗ 40 đêm ngày. Ma quỹ cũng đã bầy ra trước mặt Chúa những nhu cầu hưởng thụ rất đỗi bình thường của con người, nhưng chỉ với điều kiện là quay lưng lại với Thiên Chúa. Chúa đã Giêsu nhắc ma quỷ quy tắc là phải vâng lời Thiên Chúa, và điều quan yếu trong cuộc sống, không phải là sự đói khát thể xác mà còn tìm kiếm thỏa mãn cái đói của tâm hồn là chính Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta mừng kính các thánh nam nữ, họ là những người con ưu tú của Giáo hội. Họ đã chiến thắng cám dỗ. Họ đã vượt qua thử thách để hôm nay cùng nhau cầm cành lá vạn tuế tung hô Chúa cửu trùng chí thánh. Họ đã đi qua những dòng đời vấn đục khác nhau nhưng lòng họ giống nhau ở chỗ luôn giữ lòng thanh khiết không chiều theo cám dỗ xác thịt. Họ sống giữa dòng đời đầy thị phi cùa sự bất công gian dối nhưng họ vẫn tỏa lan hương thơm của lòng bác ái, vị tha dấn thân phục vụ mọi người. Họ không để lòng tham trỗi dậy để rồi sống tham lam bất chính. Họ không để dục vọng thống trị để sống đam mê trụy lạc. Họ đã sống một đời yêu và yêu cho đến cùng, một tình yêu không toan tính thiệt hơn. Một tình yêu cho đi và cho đi mãi. Họ đã đối đầu với nghi nan, bách hại, tù đầy, tra tấn . . . nhưng vẫn một lòng trung thành sống theo thánh ý Chúa.

Điều quan yếu là họ đã chiến thắng cám dỗ, chiến thắng những nghịch cảnh đời sống không bằng sức mình mà bằng cách cậy dựa vào ơn Chúa. Chỉ với ơn Chúa mới đủ sức cho họ vượt thắng nghi nan. Chỉ với ơn Chúa họ mới chiến thắng được những cám dỗ nằm sâu trong bản tính con người như tính kiêu căng, thói hưởng thụ . . . Họ đã biết cậy dựa vào ơn Chúa để làm chủ chính mình, để chiến thắng cám dỗ và dấn thân xây dựng Nước Chúa trên trần gian. Hôm nay họ đang được ân thưởng hạnh phúc Nước trời nhờ một đời sống để ý Chúa thể hiện trong cuộc đời họ. Họ đã đạt được hạnh phúc viên mãn vì đã chiến thắng thế gian đầy cám dỗ bon chen này.

Cuộc sống luôn có rất nhiều cám dỗ. Cám dỗ hưởng thụ vật chất, hưởng thụ xác thịt. Cám dỗ ở ngay trong lòng mình khi tìm kiếm sự dễ dãi bản thân, tìm kiếm sự đồng lõa của dục vọng, của tính tham lam . . . Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực trước biết bao cám dỗ lôi kéo. Chúng ta cũng từng đứng dậy sau rất nhiều lần vấp ngã nhưng rồi vẫn ngã quỵ trước cám dỗ.

Mừng kính các thánh nam nữ là một dịp khơi lên trong chúng ta một niềm hy vọng về cuộc sống. Dầu cuộc sống có cám dỗ nhưng không đánh gục chúng ta nếu biết cậy dựa vào ơn Chúa. Dầu có những lần thất bại trước cám dỗ nhưng vẫn có thể đứng dậy để canh tân, để sửa đổi nhờ ơn Chúa. Chính nhờ sức mạnh và quyền năng của Chúa chúng ta sẽ mãi đứng vững và chiến thắng trong trận chiến nhiều cam go cám dỗ này.

Ước gì chúng ta luôn biết noi gương các thánh biết bám vào Chúa như cành liền cây để sức sống của Chúa mãi tuôn chảy trên chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ thất vọng về mình nhưng luôn biết đứng dậy làm lại cuộc đời nhờ ơn Chúa. Và xin cho chúng ta luôn biết hoàn thiện mình mỗi ngày tốt hơn trong ơn thánh của Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Sao không nói khi em còn sống

(Lễ ở Nhà Thờ)

Thông thường khi sống bên nhau chúng ta ít đối đãi ân cần với nhau. Chúng ta ít dám nói những lời ngọt ngào chân thành dành cho nhau. Tất cả như đang bị chôn tận đáy lòng khiến chúng ta ngại ngùng khi bày tỏ tình yêu thương đối với người thân. Nhưng đáng tiếc, chúng ta lại thay vào đó là những đối xử vô tâm, những lời nói vô tình làm buồn lòng nhau. Để đến khi ta mất đi người thân, vĩnh viễn không còn thấy nhau nữa thì cảm xúc yêu thương được xuất phát từ trái tim mới biểu lộ. Buồn thay, người đã chết rồi không còn nghe được nữa!

Có thể những lời yêu thương, ngọt ngào như thế, lúc còn sống người thân chúng ta khao khát muốn được nghe biết bao nhiêu! Thế mà chúng ta chỉ biết cho nhau những lời chì chiết, lạt lẽo, vô tình.

Có một bài hát có câu: “… sao anh không nói khi em còn sống…”. Một câu trách thật là nhẹ nhàng nhưng cứ xoáy vào tim… Sao anh không nói khi em còn sống, bây giờ khi em không còn nữa, anh muốn nói thì đã muộn, những lời nói mà nếu lúc còn sống được nghe anh nói, em sẽ hạnh phúc biết dường nào.

- “Sao không nói khi em còn sống  ..  .” là những lời yêu thương tôn trọng lẫn nhau, mà lại nói những lời thóa mạ làm đau lòng nhau để khi người thân đã ra đi thì tiếc nuối cũng bằng không.

- “Sao không nói khi em còn sống . . .” là những lời xây dựng vun đắp hạnh phúc cho nhau, mà lại nói những lời cay đắng thô bỉ với nhau.

- “Sao không nói khi em còn sống . . .” là những lời cảm thông, tha thứ cho nhau mà lại nói những lời chì chiết làm đau lòng nhau.

Cuộc sống chung quanh chúng ta vẫn là vậy. Tôi vẫn thấy những người con đùn đẩy cho nhau để chăm sóc cha mẹ, đôi khi còn chì chiết  làm đau lòng cha mẹ, thế nhưng khi cha mẹ qua đời mới thấy hối tiếc vì mình đã chẳng làm tròn bổn phận báo hiếu mẹ cha. Tôi vẫn thấy vợ chồng thường cơm chẳng lành canh chẳng ngọt vì vợ chồng khắc khẩu, thế nhưng, một khi người bạn không còn thì kẻ ở lại cũng cảm thấy chơi vơi, hối hận vì đã để những ngày tháng trôi qua quá buồn đau. Tôi vẫn thấy những người hàng xóm bên nhau vẫn nói những lời bóng gió làm đau lòng nhau, nhưng khi xa nhau mới thấy lòng xót xa.

Cuộc sống vẫn vô thường. Hôm nay đoàn tụ ngày mai chia ly. Cái chết lúc nào cũng rình mò, chực chờ bên ta và tất cả người thân yêu của ta. Hãy sống, hãy yêu thương, hãy nói những lời thật ngọt ngào xuất phát từ trái tim đối với những người thân yêu của mình, vì có thể bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể mất nhau, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, không phải theo quy ước cứ mãi đến già 70, 80 hay 100 tuổi mới mất.

Tháng 11 phải chăng cũng gợi nhớ cho chúng ta một niềm nuối tiếc nào đó về một người thân mà ta đã đối xử thiếu tình người mà nay họ không còn. Chúng ta tiếc nuối vì đã không nói những lời yêu thương dành cho họ. Chúng ta nuối tiếc về những lần chúng ta đối xử bất khoan dung với nhau. Chúng ta nuối tiếc vì nhiều cơ hội để phục vụ cho họ mà ta cố tình bỏ qua. Và bây giờ, khi xa cách, họ cũng đang nói với chúng ta: “Sao không nói khi em còn sống”.

Tháng 11 không dừng lại việc nhớ đến người quá cố mà là dịp để ta làm điều gì đó cho họ. Họ đang cần chúng ta yêu thương. Hãy yêu thương họ bằng việc cầu nguyện, làm việc lành phúc đức cho họ. Họ đã an nghỉ trong Chúa, thế nên, họ chẳng cần chúng ta nói gì với họ. Điều họ cần là hãy thay họ đền tội và lập công cho họ. Hãy tạo công nghiệp cho họ như là cách thể hiện lời nói yêu thương dành cho họ.

Cuộc sống con người luôn thiếu sót trong đức ái và đức mến. Những người đã chết cần chúng ta đền bù cho họ bằng chính đời sống bác ái yêu thương của chúng ta dành cho họ. Chúng ta hãy dành cho họ một kinh lạy cha, một kinh tin kính để xin ơn toàn xá cho họ nhân lễ các đẳng linh hồn. Chúng ta hãy dành cho họ những tràng chuỗi Mân Côi để xin ơn cứu độ cho họ. Chúng ta hãy làm một hy sinh hay một việc bác ái nào đó để đền bù cho thiếu sót trong cuộc đời bác ái của họ.

Đây là những cách mà chúng ta có thể đền bù với những người thân yêu của chúng ta. Những con người đáng lẽ ta phải yêu thương nhưng chúng ta đã phụ tình thương với họ. Hãy biết tận dụng tháng 11 như là tháng báo hiếu cho tổ tiên, tháng làm việc bác ái cho người đã khuất.

Ước gì tháng 11 là dịp để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến với người đã khuất bằng những việc mang lại ơn ích thiêng liêng cho họ. Xin Chúa Giê-su đầy lòng thương xót đón nhận những tâm tình và việc làm của chúng ta để ban ơn cho các linh hồn là những người thân yêu của chúng ta. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Mùa tưởng nhớ tri ân

(Lễ tại Nghĩa Trang)

Tháng 11 là tháng tưởng nhớ và tri ân cha mẹ. Tưởng nhớ những người đã khuất và tri ân những người còn sống. Tưởng nhớ và tri ân cha mẹ như là hành vi hiếu thảo mà con cái cần phải làm cho cha mẹ. Có thể nói trong các món nợ thì nợ ân nghĩa cha mẹ là quan trọng nhất mà chẳng bao giờ đền đáp cho đủ. Vì chưng,

Cả cuộc đời mẹ cha tất bật

Cho chúng con lẽ sống tình yêu

Đại dương bao la đâu đã là nhiều

Với chúng con cha mẹ là tất cả

Cha mẹ đã hy sinh cho con cả một bầu trời hạnh phúc. Tuổi thơ của những người con luôn hồn nhiên, an vui trong tình thương trời bể của mẹ cha:

Tuổi thơ con có một thời hạnh phúc

Gọi Mẹ ơi! Khi đói khát, chán chường

Lòng vui lên thấy mẹ cười trước mặt

Được vỗ về, được âu yếm yêu thương.

Và dần dà theo năm tháng, cho dù khi đã lớn khôn vào đời mải mê chạy theo những khát vọng của danh vọng tiền tài mà quên lãng hay cố tình xa rời mẹ cha, nhưng:

Có đôi lúc, mải mê quay với dòng đời vồn vã

Những đô hội thị thành

Những phương trời xa lạ

Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.

Vì tình cha mẹ là tình yêu ngọt ngào, chân thành nhất. Một tình yêu không bao giờ thay đổi theo thời gian. Một tình yêu cho con dù không tính toán nhưng lòng con vẫn cảm thấy mắc nợ mẹ cha:

Con nợ căn nhà sập xệ bàn tay mẹ mòn tháng năm

Để con lớn khôn mắt xanh hồn lữ thứ

Con nợ những trưa hè oi bức, cha gồng gánh gia đình

Con đứng đó dửng dưng để thắt từng nhát đau xuyên qua ngực.

Nợ ân nghĩa mẹ cha đòi buộc chúng ta phải thể hiện tấm lòng biết ơn chân thành bằng những việc làm cụ thể để làm vui lòng mẹ cha. Điều này không đợi khi cha mẹ già mới làm, và càng không đợi khi cha mẹ khuất núi mới tri ân mà ngay bay giờ, vào lúc này cần phải làm điều gì đó cho mẹ cha:

Con không đợi một ngày kia

Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

Ai níu nổi thời gian? Ai níu nổi?

Thế nên, hãy biết trân trọng sự hiện diện của cha mẹ ngày hôm nay. Cho dù cha mẹ đã già yếu, kiệt quệ theo năm tháng thì đạo làm con vẫn mời gọi chúng ta đền ơn “chín chữ cù lao” như lời tha thiết khẩn khoản sau:

Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu

Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân

Những lúc ăn mẹ thường hay vung vãi

Hay tự cha không mặc được áo quần

Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu

Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng

Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa

Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông.

Và rồi nếu một mai mất đi bóng hình già yếu ấy, hãy thắp lên cho các ngài một nén hương lòng:

Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ

Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương

Dù bao năm dù có hóa vô thường

Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.

Hôm nay, trong không gian nghĩa trang đang ấm dần bởi những nén hương của biết bao người con đang thắp lên trên phần mộ của những bậc sinh thành. Chúng ta cũng trào dâng niềm cảm mến tri ân về biết bao nghĩa cử cao đẹp mà cha mẹ, anh chị đã làm cho chúng ta nhưng nay họ đã không còn. Họ đã lặng im nơi chín suối hay dưới nấm mồ hoang lặng. Điều họ cần nơi chúng ta không chỉ là một nén hương tỏ lòng tri ân, mà quan yếu là nhớ đến họ để cầu nguyện cho họ, để làm việc hy sinh phúc đức cho họ. Đây là bổn phận đối với Thiên Chúa mà họ phải làm, thế nhưng trong thân phận bất toàn họ đã thiếu sót. Họ đã không chu toàn vì còn phải lao nhọc vì chúng ta. Họ còn phải hy sinh vì chúng ta. Nay họ cần được thanh luyện để xứng với tình yêu của Chúa. Thế nhưng, “lực bất tòng tâm”. Họ lại không còn cơ hội hay khả năng để lập công cho mình.

Truyền thống Giáo hội vẫn xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ thời Cựu Ước. Đây là việc bác ái mà chúng ta có thể làm cho anh chị em những người đã khuất. Theo sách Macabe 2 kể lại việc: “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội. Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sống lại . . . Đó là lý do ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát tội lỗi” (Mac 12, 43-46).

 Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lịch sử về cuộc tử nạn và phục sinh của chính Chúa Giê-su. Ngài đã chết và đã sống lại là niềm hy vọng cho mọi người tín hữu. Chúng ta tin có sự sống lại nên chúng ta cầu nguyện trong niềm mong đợi người chết sẽ sống lại trong ngày sau hết. Từ đó, việc cầu nguyện cho kẻ chết đã trở thành truyền thống trong Giáo hội cho đến nay.

Sách giáo lý mới của Giáo hội số 958 và số 1032 cũng khuyến khích cầu nguyện cho kẻ chết là cách chúng ta giúp cho các tín hữu được thanh luyện nơi luyện tội được sớm kết thúc và mau hưởng hạnh phúc Nước Trời. Trong sách giáo lý đã viết: “Chúng ta hãy cứu giúp và tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Nếu con cái ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của ông, thì tạo sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy? Vậy chúng ta đừng ngần ngại giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ”.

Ước mong tháng 11 sẽ là cơ hội để chúng ta tỏ lòng tri ân với cha mẹ, ông bà, anh em bạn hữu không chỉ bằng nén hương thắp lên trước phần mộ mà bằng cả tấm lòng mong muốn làm điều gì đó để đền bù cho họ vì những thiếu sót trong phận con người.

Xin cho các linh hồn sớm được nghỉ yên trong tình yêu Chúa qua những lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta trong tháng dành cho các đẳng linh hồn này. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Mối Phúc

Mỗi năm vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11, Hiến chương Nước Trời được nhắc lại cho các Công dân Nước Chúa. Đối với người Kitô hữu – kẻ đạo đức – thì đây là những bài học rất quí giá mà họ ao ước thực hiện để mỗi ngày nên thánh. Còn đối với người kitô hữu – theo đạo, giữ đạo mà không sống đạo – thì đây là những điều ràng buộc phiền toái, gây khó khăn cho họ, chỉ đem lại cho họ sự thiệt thòi mà thôi. Và thậm chí trong cuộc sống họ luôn tìm cách bứt phá những điều trong Hiến Chương Nước Trời, mà họ nghĩ rằng đó là những rào cản làm cho họ mất tự do, chứ họ không muốn vì ông bà, cha mẹ tôi họ đạo giòng, đạo nòi…

Còn đối với những người không thuộc Kitô giáo, cách khách quan có lẽ cũng sẽ có những nhận định na ná như thế.

Nếu ta đọc lại phần đầu của mỗi phúc, quả là có sự khác biệt và đối nghịch rất lớn đối với các Hiến pháp của mỗi quốc gia trên thế giới.

           "- Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó…

           - Phúc cho những ai hiền lành…

           - Phúc cho những ai đau buồn…

           - Phúc cho những ai đói khát điều công chính…

           - Phúc cho những ai hay thương xót người…

           - Phúc cho những ai có lòng trong sạch…

 - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà…

 - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính…

 - Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy,    họ vu  khống cho các con mọi điều gian ác… ” ( Mt 5, 1 – 12a )

Đối với trần gian này, hiến pháp là để bảo vệ dân tộc, đất nước và con người của mỗi nước nên không thể nào mang tính chất giống như “ Hiến Chương Nước Trời ”. Vì đất nước của họ dễ bị các nước láng giềng xâm chiếm và dân tộc bị bắt làm nô lệ. Cho nên trên thế giới luôn xảy ra chiến tranh bằng các chiến thuật, chiến lược khác nhau, bằng  các loại vũ khí khác nhau, để giành phần thắng về mình. Và dĩ nhiên nước nào cũng có chiến thuật, chiến lược, vũ khí tùy theo mức độ và khả năng của đất nước họ. Đôi bên đã dẫn đến sự chết chóc, tiêu diệt lẫn nhau. Và cuối cùng chỉ để lại được ‘ bia mộ chiến sĩ anh hùng, bia mộ liệt sĩ…’

Còn đối với Nước Trời, không có chiến lược, chiến thuật, vũ khí các loại; các công dân phải dùng  ‘Các Phúc’ để chiến đấu, để bảo vệ, xây dựng Nước Trời và tự cứu lấy mình nhờ Ân Sủng của Thiên Chúa. Hơn nữa lại “ chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. ” ( Eph 6, 12 ). Nhưng với sức lực của con người quá yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi dễ chán nản, dễ sa ngã, dễ đầu hàng, dễ thất bại thoái lui…Nhưng tại sao Các Thánh Nam Nữ đã làm được điều đó.

Thánh Gioan Tông đồ đã nói sao về các ngài? " Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao, Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên "  ( Kh 7, 14 ). Các ngài là những con người cùng đồng loại như chúng ta, nhưng các ngài đã hiểu về thân phận thụ tạo của mình mà “mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” ( Dt 12, 2a)  “Và bất cứ ai đặt hy vọng như thế nào vào Đức Kitô, thì làm cho mình nên thanh sạch cũng như Người là Ðấng thanh sạch”.  ( 1Ga 3, 3 ). Như thế qua Hội Thánh, sự thánh thiện của Thiên Chúa được thể hiện nơi trần gian này.

Hôm nay, cùng với Hội Thánh mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, trước hết, cùng với các ngài chúng ta chúc tụng, tôn vinh, và tạ ơn tình thương của Chúa. Thứ đến noi gương các ngài, mỗi người chúng ta cũng sẽ nên thánh theo kiểu cách riêng của mình và tuỳ theo khả năng mà cộng tác với ân sủng đời sống đức tin để trở thành là chứng nhân Tin Mừng.

Lm. Mặc Nhân

 

Suy niệm Tin Mừng CN 31Thường Niên – C

Ánh mắt yêu thương

Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.

Đó là ánh mắt quan tâm. Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng vì ánh mắt quan tâm của Chúa.

Đó là ánh mắt khiêm nhường. Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước mắt nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.

Đó là ánh mắt tha thứ. Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.

Đó là ánh mắt tin tưởng. Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng nên không nhìn về quá khứ mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.

Đó là ánh mắt yêu thương. Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Chúa nhìn Giakêu bằng ánh mắt thế nào?
  2. Giakêu đã đáp lại ánh mắt của Chúa ra sao?
  3. Bạn có bao giờ nhìn thấy ánh mắt Chúa nhìn bạn chưa?
  4. Bạn có muốn nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham

Việc chủ động xin vào trọ trong nhà ông Dakêu, thủ lãnh nhóm thu thuế, lại một lần nữa cho thấy đời Đức Giêsu luôn gắn liền với các người tội lỗi… Có thể Ki-ô hữu chúng ta đã dần quen với hình ảnh này, nhưng không phải vậy đối với các Biệt Phái và đám quần chúng Do Thái. “Mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Lý do duy nhất Đức Giêsu đưa ra để biện minh cho quyết định này là: “Bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”, cho dầu ông ta có tội lỗi bất xứng tới đâu.

Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Bằng nhiều cách nói khác nhau, Đức Giêsu đã không ngừng xác định sứ mệnh của mình khi đến trần gian là để cứu vớt. Phải chăng mục tiêu và lẽ sống của Người chính là đây? Do vậy tin và chấp nhận Đức Kitô sẽ không là gì khác hơn là chân thành nhìn nhận rằng mình đáng bị hư mất. Ai không nhìn nhận như thế sẽ không thể là Kitô hữu, đơn giản vì họ cho là mình không có lý do gì để đón nhận ơn cứu độ Đức Kitô đem đến. Nhưng để giải thích được điều này, tối hậu Đức Giêsu chỉ trưng ra có một lý giải duy nhất qua việc long trọng công bố: “người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Đó là nói theo ngôn ngữ của đám quần chúng Do Thái, còn nếu nói theo kiểu người Công Giáo ngày nay sẽ là: “vì người tội lỗi này cũng là con cái Thiên Chúa”.

Đối với quần chúng Do Thái, nhất là các luật sĩ và nhóm Biệt Phái, thì các người thu thuế nói riêng, và mọi kẻ tội lỗi nói chung, không còn là con cháu tổ phụ Abraham nữa. Họ đã phản bội, họ phải bị khai trừ, họ đáng bị khinh miệt và ghét bỏ, họ sẽ bị coi như người dân ngoại. Mọi người Do Thái chân chính đáng danh con cháu tổ phụ Abraham buộc phải xa tránh họ, và nếu có thể, tiêu diệt họ bằng cách ném đá cho chết. Tiếp xúc hoặc trú ngụ trong nhà họ có thể bị coi là ‘mắc ô uế’. Lối suy nghĩ như thế là hoàn toàn hợp lý và rất phổ biến trong bất cứ tập thể xã hội nào, kể cả xã hội Kitô giáo chúng ta ngày nay. Vậy mà Đức Giêsu đã xác định ngược lại: thu thuế hay tôi lỗi tới đâu cũng vẫn là con cháu tổ phụ Abraham! Và vì thế cần phải đi tìm và cứu vớt họ.

Suy nghĩ thông thường vẫn là: anh sai phạm thì anh phải cải tà qui chính để may ra được thứ tha và được nhận trở lại chăng. Nếu anh thành tâm sám hối và sửa mình thì anh mới được tha, và được cho hội nhập trở lại. Rất thường khi sự tha thứ này còn kèm theo nhiều điều kiện hoặc thử thách khắc nghiệt. Trường hợp của Dakêu cho thấy ngược lại: Đức Giêsu chủ động tới với ông ta, vào nhà và muốn chia sẻ cuộc sống của ông, trước cả khi ông hứa sẽ đền bù thỏa đáng những lầm lỗi của mình. Người giải thích: “hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Nếu sau đó ông có thưa với Người: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” thì đó vẫn không phải là lý do tại sao Đức Giêsu quyết định vào nhà ông. Đó chẳng qua chỉ là hậu quả của việc Người đến trú ngụ trong nhà. Nếu vậy thì khi Đức Kitô có quyết định đến với bất cứ tội nhân nào thì lý do không phải là vì họ đã có công trạng gì, kể cả có lòng thống hối chân thành. Người cứu chuộc chúng ta chỉ vì là Thiên Chúa, Người muôn đời luôn coi chúng ta, cho dầu có tội lỗi đầy mình tới mấy, vẫn là con cái của Thiên Chúa, là con cái của tình yêu thứ tha. Đối với Người, con chiên dầu có đi lạc thì vẫn là chiên của chủ chăn. Đồng bạc dầu có bị mất thì cũng vẫn là đồng bạc của bà chủ, đứa con có đi hoang thì vẫn luôn là con của ‘cha già’. Vì như Người khảng định: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Một trong các tư tưởng căn bản của nền thần học Kitô giáo là: ơn cứu độ của Thiên Chúa hoàn toàn là một quà tặng biếu không (gratuitous). Chúng ta chỉ có thể khiên tốn đón nhận với lòng tri ân sâu xa chứ không bao giờ xứng với nó. Nếu có ai cho rằng mình xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, hoặc vì lắm công nhiều nghiệp, hoặc vì đầy dẫy các nhân đức, thánh thiện, trung thành tới mức tử đạo, hoặc tối thiểu, vì đã chân thành thống hối ăn năn, thì người đó đã mắc sai lầm cực kì nghiêm trọng. Ngay cả Mẹ Têrêxa Konkata, vị nữ tu cả đời chỉ làm toàn việc thiện và bác ái, được mọi người đương thời, bất luận thuộc tôn giáo nào, tán dương như một vị đại thánh, một vĩ nhân, cũng vẫn phải chân thành nhìn nhận: “Thiên Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng tôi cố gắng trở nên tốt lành vì biết rằng Chúa thương yêu tôi”.

Thế đấy, khi nói lên các việc đền bù mình sẽ làm, Dakêu cũng đang cố gắng trở nên tốt hơn vì nhận thức rằng Thầy Giêsu chủ động yêu thương và tha thứ cho mình. Thiết nghĩ nỗ lực sửa mình và cố gắng vươn lên không phải là điều kiện để được Chúa tha thứ và thương mến, nhưng chỉ là hiệu quả của niềm tin đó mà thôi. Và đương nhiên việc vươn lên đó còn tùy thuôc rất nhiều vào mức độ ta nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương. Hình như có một tỷ lệ thuận nào đó giữa hai vế, nhưng thứ tự lại ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường. Không phải ‘ai yêu nhiều thì được tha nhiều’ nhưng là “Ai được tha nhiều (và nhận thức rõ điều đó) thì yêu nhiều hơn”.

Ôi sức mạnh của việc nhận biết lòng thương xót Chúa: vừa dịu êm lại vừa mạnh mẽ biết bao!

Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cho con không ngừng nhận biết lòng Chúa xót thương, nhất là trong các dịp xét mình hay đi xưng tội. Ngay cả trước khi bước vào tòa giải tội để xưng thú tội lỗi, trước cả khi giục lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình, con biết Chúa đã tha thứ cho con vô điều kiện rồi. Với niềm thâm tín này, xin cho các nỗ lực vươn lên của con luôn xuất phát từ niềm tin vào tình yêu tha thứ của Chúa, để ngay cả những lúc tội lỗi và thấp hèn nhất, niềm tin của con vẫn luôn hòa quyện trong tâm tình tri ân cảm tạ sâu xa. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Sống Đức Ái

Một ngày nọ, Mẹ Têrêsa nhận được 15 đôla do một người bị bất toại đã 20 năm gửi tặng. Ông ta bị toàn thân bất toại chỉ còn bàn tay phải là có thể cử động được. Ông sống trong cô đơn và chỉ có một người bạn duy nhất là điếu thuốc lá. Hôm ấy, Mẹ Têrêsa đến thăm, an ủi ông và ông đã nói với Mẹ:

- Thưa Mẹ, con đã ngừng hút thuốc từ một tuần nay, và đây là số tiền con dành dụm được. Con xin biếu Mẹ để Mẹ mua cơm bánh cho những kẻ nghèo khó.

         Thật quý hóa cho một tâm hồn cao thượng. Biết tích góp từ những đồng tiền ít ỏi của mình để trao tặng tha nhân. Người ta nói rằng: trên đời này, không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác và cũng không ai giàu đến độ không thể nhận thêm được cái gì của người khác! Với số tiền nhỏ bé 15 đôla kia, Mẹ Têrêsa đã mua cơm bánh cho người nghèo đói, và cả hai -người bất toại trong việc cho  đi và người nghèo đói trong việc nhận lãnh- đều cảm nhận được một niềm vui sâu xa. Có lẽ nhiều lần chúng ta đã dễ dàng quên đi một sự thật căn bản này là: mỗi một dịp chia sẻ với người khác tức là một lần đón nhận niềm vui của một tâm hồn biết cho đi. Thế nhưng, chúng ta vẫn để cuộc đời trôi qua trong tẻ nhạt vì lạnh vắng tình người.

            Thực ra, giá trị cuộc đời con người nằm ở chỗ có khả năng trao ban. Người càng trao ban nhiều thì càng có giá trị với cộng đoàn, với xã hội. Ai không biết trao ban sẽ trở thành vô ích với xã hội loài người. Cho dù họ có lắm tiền nhiều của hay chức vọng cao sang thì cũng vô giá trị với anh em nếu không biết sống trao ban. Trao ban còn cho ta niềm vui của cuộc sống khi nhận ra mình thật có ích với tha nhân. Chúng ta có thể trao ban cho tha nhân tiền tài, tình yêu, sự chia sẻ, lòng cảm thông. Chúng ta có thể trao ban lời nói và hành động ngay cả ánh mắt của sự đồng cảm yêu thương. Trao ban sẽ tạo cho ta mối giây liên hệ gắn kết với tha nhân, cộng đoàn. Trao ban sẽ tạo cho ta niềm vui vì thấy người khác vui nhờ sự chia sẻ của chúng ta.

            Đây là niềm vui của Gia-kêu khi ông biết cho đi. Có lẽ cuộc đời ông trước kia chỉ đón nhận, chỉ biết vun quén, có khi vun quén bằng những hành vi bất chính. Ông có tiền và rất giầu. Ông có kho lẫm tích trữ rất nhiều nhưng ông không có niềm vui tâm hồn. Ông biết rằng khi trao ban mới có niềm vui nhưng ông không tìm được lý do để trao ban. Cho tới khi ông gặp Thầy Giê-su, ông mới mạnh dạn làm cái điều mà mình hằng thổn thức, hằng ước mong. Thầy Giê-su là động lực để ông dám trao ban cả một khối gia tài mà trước đây ông vun quén, ông xây kho lẫm để chất cho đầy. Khi có Thầy Giê-su, ông chỉ muốn dùng tài sản của mình để đền bù cho những ngày tháng mình quá ích kỷ. Ông muốn làm việc nghĩa. Ông sẵn sàng làm tất cả để chuộc lại lỗi lầm. Giờ đây ông biết rằng: tiền bạc chẳng mua được hạnh phúc và càng không mua được Nước trời.

Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao cơ hội để ta trao ban nhưng dường như chúng ta vẫn để cơ hội ấy lặng lẽ trôi qua. Chúng ta vẫn sợ cho đi mình sẽ thiệt thòi. Chúng ta vẫn ích kỷ không dám cho đi vì sợ người ta hơn mình. Chúng ta vẫn cố nắm giữ cho mình mà ít nghĩ tới việc trao ban. Thế nên, cuộc đời chúng ta vẫn lặng lẽ trôi qua trong âm thầm tẻ nhạt.

Ước gì mỗi lần chúng ta đến với Chúa sẽ cho chúng ta cơ hội để trao ban. Có Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc vượt trội hơn mọi danh vọng, vật chất trần gian. Có Chúa là lẽ sống sẽ giúp chúng ta làm một điều gì đó cho Chúa vui lòng như Gia-kêu đã thành tâm sám hối chuộc lại lỗi lầm. Ông đã bố thí, đã trao ban nhờ đó ông ngập tràn niềm vui trong tâm hồn. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Chúa biết sống cho đi mà không tính toán, cho đi cả mạng sống mình vì hạnh phúc tha nhân để nhờ đó chúng ta được sống mãi trong tình thương của Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Nghệ thuật cảm hóa lòng người của Chúa Giêsu

Đứng trước tội nhân hay những người sa ngã, hư hỏng, dư luận xã hội thường lên án, khinh miệt, loại trừ…  Đó là thái độ vốn có của những người Do-thái có tiếng là đạo đức như các thầy tư tế, các luật sĩ và biệt phái đối với những người tội lỗi như Giakêu.

Ngay cả Chúa Giêsu, dù Người chỉ tiếp đón những người tội lỗi thôi thì cũng đã bị tai tiếng rồi. Khi “Các người thu thuế và các người tội lỗi lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng.  Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." (Lc 15, 1-2)

Chính thái độ khinh thị và loại trừ người tội lỗi như thế lại càng xô đẩy người sa ngã lún sâu hơn trong tội lỗi của mình. Cư xử như thế là dìm xuống chứ không phải là nâng lên. Còn về phần Chúa Giêsu, Người có cách cư xử rất đẹp đối với người tội lỗi và chính cách cư xử tao nhã nầy có một sức cảm hoá thần diệu. Cung cách đối xử của Chúa Giêsu là niềm nở tiếp đón và trân trọng họ, coi họ như bạn bè. Thế nên dư luận hồi ấy đã xem Ngài “là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Mt 11,19)

Chúa Giêsu thừa biết Giakêu là ai và thuộc hạng người nào, nhưng Chúa Giêsu không nhìn Giakêu bằng ánh mắt khinh miệt của người Do-thái, nhưng đối xử với ông bằng tấm lòng trân trọng và yêu thương.

Khi thấy Giakêu vắt vẻo trên cành cây chờ xem Chúa Giêsu đi qua, Chúa vui vẻ thân mật vẫy chào ông trước: "Này ông Giakêu…”

Chúa Giêsu gọi đích danh ông như đã từng quen biết từ lâu. Việc gọi tên thân mật nầy khiến ta nhớ lại lời Chúa Giêsu nói về quan hệ gắn bó giữa người chăn chiên tốt và đoàn chiên của mình: “Chiên nghe tiếng của anh và anh gọi tên từng con chiên” (Ga 10,3).

Rồi Chúa Giêsu tiếp: “Xuống mau đi!” Đây không hẳn là lời thúc giục mà chỉ là lời thân mật giữa bạn bè. Rồi Chúa Giêsu lại muốn thắt chặt mối tình bằng hữu qua việc cùng ăn uống đồng bàn với Giakêu, và hơn thế nữa, đề nghị ở lại tại nhà ông để rộng giờ hàn huyên tâm sự: “Hôm nay, tôi sẽ ở lại nhà ông.”

Sáng kiến tình yêu của Chúa Giêsu lúc đó chắc hẳn phải khiến cho Giakêu sửng sốt. Một bậc thầy khả kính và danh tiếng như Đức Giêsu mà lại đến trọ tại nhà một người tội lỗi như Giakêu ư? Chuyện thực mà tưởng như mơ! Thế là Giakêu vô cùng sung sướng đón tiếp Đức Giê-su vào nhà mình.   

Thái độ yêu thương, trân trọng và quý mến của Đức Giêsu đối với Giakêu đã làm cho ông đổi đời thật sự, một sự thay đổi tận căn ít ai ngờ tới.

Bấy giờ Ông Giakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."

Dám đem nửa phần gia sản lớn lao của mình trao ban cho người nghèo khó, lại chấp nhận đền gấp bốn những thiệt hại đã gây ra… quả là một quyết định anh hùng! Thế là từ một người đáng khinh, Giakêu bỗng trở thành một người rất đáng khâm phục!

Kho tàng văn học thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm. Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng vào chỗ đó.

Trong đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy. Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ nói mấy lời yêu thương: “Áo con ướt đẫm sương đêm rồi! Mau vào thay áo ngay kẻo cảm lạnh!” Thế là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.

Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc.

Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người rất khôn khéo mà Chúa Giêsu đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người Giakêu, biến cải một con người tưởng là ‘hết thuốc chữa’ trở thành một người mới rất đáng khâm phục.

Lạy Chúa Giê-su, trước người lầm lỗi,

- Xin cho chúng con thay thế những lời kết án bằng những lời lẽ yêu thương;

- Xin cho chúng con biết thay đổi cái nhìn khinh khi bằng cái nhìn tôn trọng;

- Xin cho chúng con biết thay thế thái độ xa lánh bằng thái độ tiếp đón ân cần;

- Nhờ đó, chúng con sẽ tạo cơ hội cho nhiều anh em lầm lỗi có cơ may phục thiện và đổi mới cuộc đời.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Một sáng kiến trong sự hối cải

Nhân vật Giakêu được ghi nhận trong  bối cảnh Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô là một con người trong  xã hội lúc bấy giờ thường bị lên án. Ông là trưởng ty thuế vụ Giêricô, và theo cách đánh giá của người Do Thái, thì ông thuộc hạng tội lỗi. Một thứ tội lỗi công khai. Dầu tội lỗi như thế, nhưng tận đáy sâu thẳm của tâm hồn ông ta ngọn lửa thần linh mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng con người chưa bị dập tắt. Câu chuyện Gia kêu gặp gỡ Đức Giêsu quả thật có rất nhiều ý nghĩa về đời sống tâm linh cho con người.

Trước hết, cái nhìn của Đức Giêsu rất khác với cái nhìn của con người. Người đời thường bảo: ‘Con mắt là cửa sổ tâm hồn’. Thật vậy, có những ánh mắt thông cảm, tha thứ, nhưng cũng không thiếu những ánh mắt kết án, ghen ghét hay dửng dưng, xa lạ. Đa số dân chúng theo Đức Giêsu không thích và kết án ông. Trái lại, Đức Giêsu nhìn rõ tâm hồn ông với ánh mắt nhân từ, tha thứ khi nhìn đến thái độ bên ngoài của ông tìm cách gặp gỡ Ngài. Nhờ cái nhìn ấy mà đã biến đổi cả con người ông. Tâm tình hối cải là đón nhận Chúa đến trong đời mình, không phải chỉ là chuyện xã giao, bề mặt, nhưng còn là chấp nhận cả cung cách sống theo đòi hỏi của Chúa, đó là ý nghĩa thứ hai của sự trở lại và đó là điều cần thiết.

Vì thế, hối cải không phải là một tâm tình chợt bừng lên trong giây lát, nhưng là cả cuộc sống được xây dựng lại theo những giá trị đòi hỏi của Tin Mừng. Đây cũng là công việc của cả ý chí nữa, chứ không chỉ dừng lại ở tình cảm nhất thời…. Và lời tha tội của Đức Giêsu đã ban ra: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ”. ( Lc 19, 9 )

Trước mặt Thiên Chúa không có ai là vô tội trừ Đức Maria. Và ai cũng có thể hối cải, canh tân đời mình. Thiên Chúa không tuyệt vọng và định kiến về một ai cả. “Nhưng Chúa xót thương hết mọi người vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải ”. ( Kn 11, 23 ). “Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh báo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.” ( Kn 12, 2 )

Quả thật, Đức Giêsu là Đấng đã khai mở lòng tin bằng ngọn lửa mà chính Ngài đã đem đến từ trời, và cũng chính Ngài sẽ kiện toàn lòng tin nơi con người bằng tình yêu, lòng thương xót và tha thứ.

Thánh Phaolô đã nhắc lại trong thư gửi tín hữu Thessalonica: “Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin.” ( 2Thes 1, 11b )

Như thế, trong mọi việc Danh Thiên Chúa sẽ được tôn vinh nơi con người, nếu chúng ta ý thức hối cải và canh tân đời sống trong Thánh Ý của Thiên Chúa.

Chúng ta thử nhìn lại vóc dáng con người Ông Giakêu. Một con người thiếu thước tấc, không thể trông thấy Đức Giêsu ở giữa đám đông, và ông đã nghĩ ra cách để được gặp Đức Giêsu. Một sáng kiến hay trong việc tìm gặp gỡ Chúa… Tội lỗi đã làm cho con người trở nên thấp hèn, làm cho tâm hồn trở nên lụn bại trong đời sống đức tin. Không dám ngẩng cao đầu mà tiến bước đến với Chúa và mặc cảm với tha nhân. Không tìm thấy Chúa ở giữa muôn vàn sự xa hoa, phù phiếm thế gian. Khi ấy ta cũng nên tìm cách gặp gỡ Đức Kitô để đối thoại với Ngài giống như Ông Giakêu vậy.

Lạy Chúa, để được Chúa thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm, xin Chúa giúp chúng con mạnh dạn hối cải và canh tân đời sống mình như hình ảnh Ông Giakêu đã đến với Chúa, hầu chúng con lãnh được ơn cứu độ của Chúa và làm vinh danh Chúa luôn mãi.

Lm. Mặc Nhân

 

Cấm vào nhà kẻ có tội!

Tháng Mân Côi vừa hết. Bà con Giáo Dân đọc kinh Mân Côi và Kiệu Đức Mẹ đến từng nhà trong Giáo Họ. Thế là Đức Mẹ đã đến thăm và ở lại nhà con cái Mẹ ít là một đêm. Mỗi gia đình chăm chút từng cánh hoa dâng Mẹ. Ông bà, cha mẹ, con cháu sum họp bên Mẹ, kinh nguyện sốt sắng. Ông Trùm Họ tổng kết tháng Mân Côi rành rành rằng: Xóm 1, 28 gia đình, trừ 2 nhà rối; Xóm 2, 24 gia đình, trừ 3 nhà rối, Xóm 3, 27 gia đình, trừ 2 nhà chống đối cha sở, 1 nhà rối; Xóm 4, 16 gia đình, trừ 3 nhà bỏ đạo, 2 nhà có con làm nghề tội lỗi, 2 nhà không đóng niên liễm 3 năm rồi !

Đêm 15 tháng 10, kiệu Đức Mẹ về đến nhà ông bà N, xóm 1. Chị H, bên cạnh nhà ông bà N, biết mình trong tình trạng “rối không gỡ được” đã 12 năm nay, và biết Đức Mẹ sẽ không được người ta cho phép đến nhà mình, nên chị đã sang nhà ông bà N, cầu khẩn: “Ông bà làm ơn cho con lén khiêng kiệu Đức Mẹ sang nhà con một tí, một tí thôi, rồi con đem trả lại ngay”. Ông N trả lời: “Nếu bên trùm họ mà biết thì chết tui !”

Như thế là Đức Mẹ bị… cấm vào nhà kẻ có tội. Tội nghiệp Đức Mẹ ghê ! Nhưng mà ai đã ban lệnh cấm nầy ?

Thật đáng tiếc ! Cho đến hôm nay mà vẫn còn những lệnh cấm không phù hợp với Tin Mừng tí nào! Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã đả phá cái luật bất nhân này rồi, mà sao đến bây giờ, 2013, chúng ta vẫn còn giữ ?

Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tường thuật việc Chúa Giêsu chủ động “vào nhà kẻ có tội”. Và chính ý hướng chủ động của Chúa đã làm cho con người tội lỗi ấy hoàn lương, nên công chính.

          Dakêu, một người thu thuế và đứng đầu những người thu thuế trong vùng, bị xem là tội lỗi công khai và bị xã hội ruồng bỏ. Những tưởng ông ta cũng chẳng màng đến chuyện chấp nhận hay loại trừ tương quan xã hội, bởi vì ông có thiếu thốn điều chi trên đời này đâu. Đứng đầu những người thu thuế thì hẳn nhiên là ông có dư giả bạc tiền, tiện nghi, phương tiện, có tất cả, thì cần gì phải bận tâm đến chuyện chấp nhận hay ruồng bỏ ?!?

Nhưng không, ông vẫn cảm thấy thiếu thốn điều gì đó quan trọng hơn của cải, quyền thế của ông. Chính cái “cảm thấy thiếu” nơi ông đã thôi thúc ông “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Việc ông vượt qua cản trở về ngoại hình thấp bé bằng cách leo lên cây sung cho thấy quyết tâm của ông là phải nhìn xem cho bằng được. Điều đó đã nói lên việc gặp gỡ Đức Giêsu là cần thiết cách tuyệt đối nơi ông.

Có thể đám dân chúng theo Chúa Giêsu dự đoán là Chúa Giêsu sẽ chẳng màng tới ông Dakêu tội lỗi kia. Nhưng không, điều ngược lại đã xảy ra là: Chúa dừng lại, ngước nhìn lên ông đang đeo trên cành sung, và ân cần nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Thánh Luca thuật rằng ông Dakêu “vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người”. Hình ảnh rất sống động diễn tả trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc của người tội lỗi, người bị thiên hạ tuyệt giao, loại trừ, xua đuổi, nay được Con Thiên Chúa viếng thăm.

Thế là Chúa Giêsu đã “vào nhà người tội lỗi”. Lệnh “cấm vào nhà người tội lỗi” như một bản luật vẫn còn sắc nét trong tâm khảm của dân chúng, nên họ mới xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Nhưng cách nào đó, Chúa Giêsu đã đả phá công khai, và viết nên một bản luật mới: Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.

Tình thương của Thiên Chúa có sức biến đổi con người từ chỗ bất chính nên công chính, từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ toàn thiện. Cụ thể nhất là biến đổi con người Dakêu hôm nay: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Như thế, cuộc gặp gỡ trực tiếp rất ít lời trò chuyện mà quí hơn biết bao câu nói, biết bao lời nhắn gửi. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Đúng là gặp gỡ Đức Giêsu, biến đổi cuộc đời mình và đón nhận ơn tái sinh.

Rõ ràng là Chúa Giêsu không giữ luật “cấm vào nhà người tội lỗi”, mà còn, ngược lại, Chúa đến với người tội lỗi để người tội lỗi được cứu rỗi.

Thiết tưởng, Tin Mừng hôm nay gửi đến chúng ta những thông điệp quí giá:

- Thông điệp cho người tội lỗi: Hãy cảm thấy thiếu Chúa Giêsu, cảm thấy cần Chúa Giêsu, khát khao, tìm, và gặp Lời Thiên Chúa, gặp Đức Giêsu cho bằng được.

- Thông điệp cho những người cho mình là công chính: Đừng khinh bỉ, loại trừ người tội lỗi, nhưng hãy cảm thông nỗi đau của họ, hãy mở lòng đón nhận họ, hãy tạo điều kiện tốt nhất để mở đường cho họ đến với Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu đến với họ…

- Thông điệp cho các mục tử: Thường xuyên đến thăm con chiên của mình, nhất là những con chiên đau yếu, bệnh tật, nguội lạnh, rối rắm, tội lỗi… Một lần thăm của các mục tử có giá trị biết bao đối với con chiên. Ước gì không có con chiên nào phàn nàn về việc mục tử ở với chiên vài ba năm rồi mà chưa hề thăm một nhà ai cả, huống chi nhà người tội lỗi !

Trở lại với câu chuyện của chị H trên đây, ước gì mọi người hiểu và cảm thông cho chị cũng như cho những người như chị. “Ông bà làm ơn cho con lén khiêng kiệu Đức Mẹ sang nhà con một tí, một tí thôi, rồi con đem trả lại ngay”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khao khát Chúa, biết cần có Chúa, biết tìm và gặp Chúa cho bằng được, để chúng con được ơn biến đổi và tái sinh.

Xin cho chúng con biết cảm thông và xoa dịu nỗi đau của những người khát khao nên công chính. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 31.10.2013

 

Hạnh ngộ thần kỳ

Ngài vận một chiếc áo trắng kiểu dân tộc cách điệu nhẹ nhàng, đi đôi dép “tổ ong” màu trắng, khuôn mặt Ngài hồng hào, phúc hậu, đôi mắt sáng lấp lánh sau cặp kính lão, vầng trán cao cương quyết, uyên bác. Ngài mỉm cười trìu mến, nhìn chúng tôi mới leo lên tới nơi, còn đang thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt và lưng áo. Mặt ai cũng đỏ ửng vì không quen leo núi nhưng khi trông thấy Đức Tổng và nụ cười dễ mến của Ngài, bao nhiêu mệt mỏi như tan biến hết, thay thế vào đó là những nụ cười đáp lại, những câu pha trò hài hước, ánh mắt ngưỡng mộ, yêu mến…

Đợi tất cả chúng tôi lên tới nơi và lấy lại nhịp thở bình thường, Đức Tổng bắt đầu nói chuyện, hỏi thăm tình hình học tập và sức khỏe cũng như những hoạt động của chúng tôi trong suốt quãng thời gian qua. Chúng tôi ngồi quây tròn thân mật xung quanh Ngài, chăm chú lắng nghe từng lời chia sẻ của Ngài. Giọng nói của Ngài trầm ấm, nhẹ nhàng nhưng tất cả đều rất ý nghĩa và hấp dẫn. Ngài khuyên những sinh viên chúng tôi phải biết lựa chọn và đón lấy những điều tốt, đào thải ra khỏi tâm hồn những cái xấu, cái không tốt, để trở nên những con người toàn diện, can đảm làm chứng nhân cho Chúa. Ngài còn lấy ví dụ rất dễ hiểu để diễn giải cho chúng tôi: Cũng như cái cây biết hút vào mình khí CO2 – có ích cho sự sinh tồn của nó, và nhả ra khí O2 – có ích cho con người, cho môi trường sống, thì chúng ta cũng phải biết sáng suốt cân nhắc lựa chọn đâu là điều tốt cho mình, cái gì là tốt đẹp và hành động theo đó, tránh xa những cái xấu và dịp tội để làm đẹp cho tâm hồn mình, trở thành người có ích cho Giáo Hội, cho xã hội…

Riêng về tôi, tôi cảm nhận được những thay đổi trong suy nghĩ và tâm hồn mình, chính những thay đổi đó đã làm cho cuộc gặp gỡ với Đức Tổng hôm nay trở thành “cuộc gặp gỡ kì diệu” với tôi. Không phải là một cuộc gặp gỡ khách sáo trong phòng khách sang trọng nhiều nghi thức, không phải một cuộc nói chuyện xã giao về những vấn đề vĩ mô, to tát… mà là một cuộc gặp gỡ thân thiết, chân thành, hơn cả đó là cuộc gặp gỡ của những tâm hồn, cuộc gặp gỡ Đức Tin. (Thu Trang, Gặp gỡ kỳ diệu của SVCG Hà Nội với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, Vietcatholic)

Hôm nay, trích thuật Tin Mừng Thánh Luca kể chuyện ông Giakêu khát vọng gặp Chúa. Cũng như các sinh viên Công Giáo Hà Nội diện kiến ĐTGM Ngô Quang Kiệt, ông Gia kêu đã toại nguyện và biến đổi tức thời.

Khát vọng gặp Chúa

Tuy Giakêu giàu có, quyền cao chức trọng, nhưng không thể sống thanh thản, bình an, hạnh phúc, bởi vì bị dân chúng Giêricô khinh miệt, oán ghét, vì thu thuế nối giáo cho giặc, vì tham lam, lộng quyền, nhũng nhiễu dân đen. Cho nên, ông khao khát được gặp gỡ Chúa Giêsu. Đấng hằng gần gũi, thân thiện, an ủi, hòa giải, chăm sóc, chữa lành và cứu thoát biết bao kẻ tội lỗi, mại dâm, thuế quan, đầu trộm đuôi cướp, cũng như kẻ đui mù, què quặt, cùi hủi, quỷ ám.

Giakêu đã vượt qua trở ngại thể lý, là thiếu chiều cao, nhất là vượt qua trở ngại thể diện, danh giá, để can đảm trèo lên cây, hy vọng tìm gặp được Chúa đi qua. Mấy thuở nào có một vị Trưởng chi cục thuế dám thản nhiên đu đeo, vắt vẻo, trèo lên cây, để có thể nhìn thấy, gặp gỡ quý nhơn, trước con mắt miệt thị, khinh ghét của cả hàng trăm, hàng ngàn bá tánh? Nỗi khát khao cháy bỏng, niềm hy vọng vững chãi, đã chiến thắng mọi trở ngại, mọi thách đố, mọi sự dèm pha, chế giễu, mọi khích bác, hay mạ lỵ. Nếu trịch thượng, quan liêu, kiểu cách hay sĩ diện, Giakêu đã âm thầm sai bộ hạ đến mời Đức Giêsu, để gặp riêng kín đáo. Nếu ngại dư luận đàm tiếu, Giakêu đã lẳng lặng chờ đến tối khuya, thoải mái diện kiến và đàm đạo cùng Đức Giêsu. 

Nhưng không, Giakêu can đảm công khai bày tỏ nỗi niềm khao khát gặp Chúa, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đám đông thù hằn, ngay chốn phồn hoa đô hội. Leo lên cây, Giakêu đã khôn khéo biến thế yếu, sở đoản của mình thành thế mạnh, ưu thế. Dù vóc dáng Giakêu hạn chế, không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn!

Mặc cho thiên hạ chỉ chỏ chê cười, tiếng bấc tiếng chì, ông Giakêu đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin thật dứt khoát, sẵn sàng và nhiệt thành đáp lại lời mời gọi chân tình của Đức Giêsu: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ sẽ mở cho” (Lc 11, 10). Ông đã hoàn toàn toại nguyện, khi Đức Giêsu quan tâm ngẩng đầu, nhìn lên, âu yếm gọi chính xác tên ông. "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”

Ông Giakêu đã sớm tỉnh ngộ, nhiệt tình cho đi của cải phù vân, để đổi lấy sự sống vĩnh cửu. Tôi lại trái lại, cứ vẫn mãi tham sân si, mù quáng, mê muội vơ vào, kiếm chác, tích lũy, làm sao được cứu rỗi? Tôi còn đê hèn, nhát đảm, sợ dư luận đàm tiếu, sợ những kẻ ngoại đạo, kẻ vô thần chế giễu, sợ mất thể diện, sợ mất bổng lộc, chức tước. Tôi tránh né nói đến Chúa, tránh tuyên xưng Đức Tin, tránh xác nhận công khai mình là Kitô hữu, để dễ bề thỏa hiệp, để sẵn sàng hòa đồng, toa rập, đồng lõa, cùng hội cùng thuyền với kẻ chống Chúa, sỉ nhục Chúa, đóng đinh Chúa, hầu được ăn chia, hay chung hưởng cái bả danh lợi phù vân.

Hơn nữa, tôi còn lại tệ bạc, phản phé, bất trung, chạy trốn Chúa, chạy trốn những Đức Giêsu bị bỏ rơi, nhắm mắt làm ngơ trước bất công, trước đàn áp, trước cái xấu, cái ác đang ngang nhiên, nhởn nhơ, lộng hành ngay trước mặt. Tôi giả mù, giả điếc, giả câm trước nỗi thống khổ, nỗi đau khổ của tha nhân, của người bần cùng, của những kẻ đấu tranh cho công lý và sự thật.

Biến đổi cấp thời

Mặc cho thiên hạ dè bỉu, mặc lời ong tiếng ve khinh bỉ, châm chích, giễu cợt, mặc những tia nhìn chung quanh oán ghét, Giakêu vẫn cứ ngây ngất, hân hoan vui mừng quá đỗi. Bởi vì cái nhìn tha thứ, độ lượng của Lòng Thương Xót, vì lời nói dịu dàng thân thiết, yêu thương, vì nét mặt nhân hậu, chan chứa trìu mến của Đức Giêsu, đã quá đủ cho ông Giakêu cảm động và biến đổi tức thì.

Ông vội vàng tụt xuống khỏi cây, mừng rỡ đón tiếp Người. Bỏ ngoài tai những lời xầm xì bất bình của thiên hạ. Không dao động, cũng chẳng e ngại, xấu hổ, hay tự ái, buồn phiền trước lời mỉa mai, chế giễu của đám đông bất đồng, Giakêu chỉ cần gặp được Đức Giêsu mà thôi. Tức thời, Người giải thoát ông khỏi cái ác, khỏi ngục tù tội lỗi, đã giam giữ và xiềng xích ông lâu nay. Khát vọng đổi đời của ông được mãn nguyện ngay lập tức. Một sự biến đổi thần kỳ và tuyệt diệu, vô cùng bất ngờ và sáng lạn."Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19, 8).

Đức Giêsu không chỉ dạy ông Giakêu, phải làm thế nào hòa giải với tha nhân và với Thiên Chúa. Người không đặt điều kiện, cũng không ép buộc, hay đòi hỏi điều gì khó dễ ngoài khả năng. Khi gặp Người, ông Giakêu liền sốt sắng thi hành dễ dàng ngay những việc tưởng chừng như Mission Impossible trước đây.

Còn tôi, hằng ngày dễ dàng được gặp Chúa qua Tin Mừng, hằng ngày diện kiến, hội ngộ Chúa qua Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, thế mà tôi lại cứng lòng, chai đá, lạnh lùng, vô cảm trước nghĩa vụ phục vụ tha nhân, trước nhu cầu cấp bách của những người hoạn nạn, đau khổ, túng bấn, cùng cực, những thân phận dật dờ sống bên lề xã hội.

Hãy sống bên Chúa và con sẽ nên thánh, thiên đàng không gì khác là Thiên Chúa hiện diện. (Đường Hy Vọng, số 242)

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin ban cho chúng con luôn mãi củng cố niềm khát vọng Chúa, tìm và gặp gỡ Chúa luôn mãi, để chúng con có thể thoát khỏi cám dỗ thế gian, khỏi đam mê của cải danh vọng, để biến đổi cuộc đời chúng con nên tốt lành, hòa giải với tha nhân và Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nuôi dưỡng nung nấu trong tâm hồn chúng con niềm khát khao gặp gỡ Thiên Chúa, luôn ao ước kết hiệp với Chúa trong từng giây phút cuộc đời, để chúng con được tái sinh trong ân nghĩa Chúa mãi. Amen.

AM Trần Bình An

Có một cái nhìn như thế

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:

  • Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy?

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi.

Ông Giakêu là một trưởng ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào số những kẻ tội lỗi, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung; một cái nhìn nhân từ như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Người nói với ông: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.

Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đến gấp bốn”. Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Thật vậy ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Abraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.

Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa “tìm đến và cứu chữa” bao giờ cũng trổi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.

Lạy Chúa, có rất nhiều người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa, có rất nhiều người mong chúng con ghé thăm.

Xin cho chúng con một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêu, để cả thế giới này trở nên con cái Abraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Thiên Phúc

Nguồn: Lời Chúa hàng tuần

(28)

Bài viết liên quan

  • THI CA CẦU NGUYỆN 135 (0)
    THI CA CẦU NGUYỆN 135   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 17, 5 – 10)     Khi ấy, các Tông đồ...
  • THI CA CẦU NGUYỆN 133 (0)
    THI CA CẦU NGUYỆN 133   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 1-13)       Khi ấy, Chúa Giê...
  • Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – CCác bài suy niệm CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – C (0)
    Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN - C Lời Chúa: Kn. 9,13-18; Plm. 9-10.12-17; Lc 14,25-33 MỤC LỤC 1. Như người tôi tớ. 2 ...
  • Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN – C (0)
    Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN - C Lời Chúa: Am 8, 4-7; 1Tm 2, 1-8; Lc 16, 1-13 MỤC LỤC 1. Tên quản lý khô...
  • Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – C (0)
    Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - C Lời Chúa: Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14 MỤC LỤC 1. Cây cao dễ g...
  • Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – C (0)
    Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN - C Lời Chúa: Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16, 19-31 MỤC LỤC 1. Tiền. 2 2. Tiền bạc. ...

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Gửi phản hồi