Cánh cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị đã được mở. Đây là một định hướng mục vụ có ý nghĩa ngôn sứ. Bởi lẽ, xã hội hôm nay đang thiếu vắng lòng thương xót trong mọi lãnh vực. Những chuyên viên nghiên cứu đã nhận định và đưa ra những dự đoán bi quan về tương lai. Thế giới phương Tây cũng như châu Mỹ đang lo sợ trước sức mạnh và mức độ huỷ diệt dã man của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hậu quả là rất nhiều Kitô hữu vô tội bị sát hại, hoặc bỏ quê hương xứ sở, nơi có mồ mả cha ông để tìm một nơi cư ngụ mới. Tiếp đến là những khủng hoảng kinh tế tại một số quốc gia châu Âu, dẫn đến hiện tượng di dân ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Rồi đến vấn đề an ninh xã hội, xung đột vũ trang, nhất là nạn khủng bố đang là nỗi ám ảnh một số quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đứng đầu về quân sự và kinh tế. Những hiện tượng xã hội này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ luỵ và ảnh hưởng lâu dài đối với những quốc gia có liên quan. Trước những vấn để nóng bỏng đó, Giáo Hội do Đức Phanxicô lãnh đạo muốn thổi vào thế giới một thông điệp: Thực thi lòng thương xót là phương thế hữu hiệu, có thể cứu nhân loại khỏi những chia rẽ hận thù sâu sắc ở mức độ toàn cầu hiện nay, và có thể cứu thế giới khỏi “chiến tranh thế giới lần thứ ba” như có nhiều người đã cảnh báo. Vì thế mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang tính ngôn sứ, là một “dấu chỉ thời đại” nhằm đáp ứng những nhu cầu và giải quyết những khúc mắc của xã hội hôm nay.
Chứng từ Tin Mừng của Giáo Hội hôm nay chỉ mang tính khả tín nếu Giáo Hội loan báo Lời Chúa và thực thi lòng thương xót. Đức Thánh Cha đã quả quyết như thế. “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội” (Misericordiae Vultus, số 10). Theo Đức Thánh Cha, nếu thiếu lòng thương xót, đời sống Giáo Hội sẽ trống rỗng, trở nên như thanh la não bạt vang rền cho vui tai như một thứ phương tiện giải trí.
Giữa một xã hội đầy xáo trộn và bất an, Giáo Hội công giáo phải làm gì? Đức Thánh Cha đã trả lời: phải loan truyền lòng thương xót của Chúa và phải thực thi lòng thương xót đối với nhau. Ngài ước mong Giáo Hội sẽ là nơi ẩn náu của những ai đang đi tìm lòng nhân hậu và sự bao dung thứ tha. “Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hoà lòng thương xót” (Sđd, số 12). Như các “thành trú ẩn” của thời Cựu ước được nhắc tới trên đây, Giáo Hội của Chúa hôm nay phải là nơi trú ẩn cho các tội nhân, những người đang tìm một nơi ẩn nấp cuối cùng, khi họ bị xã hội xua đuổi và xa lánh. Nơi đó, con người gặp được lòng thương xót và nhân ái, giữa một xã hội dầy rẫy những bất công và hỗn loạn. Những cộng đoàn Đức tin ở các cấp độ khác nhau, phải là những nơi con người thời nay tìm đến để hưởng một môi trường tâm linh thánh thiện, cảm nhận rõ sự hiện diện của Đấng Tối cao. Cũng trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha đã công bố một Tự sắc có tên “Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus), với nội dung cải tổ và đơn giản hoá một số thủ tục liên quan đến việc xét xử và tuyên bố những trường hợp hôn nhân vô hiệu. Vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội muốn giới thiệu với thế giới một hình ảnh Giáo Hội, có sứ mạng cứu rỗi con người chứ không phải để kết án, trừng phạt hay giam hãm.
Thực thi lòng thương xót là một trong những điều kiện căn bản, làm cho lời rao giảng và chứng tá của Giáo Hội có tính khả tín đối với con người thời nay. Để có thể thực hiện được điều này, chúng ta phải khởi đi từ những canh tân nội bộ, từ chính đời sống của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Giáo Hội công giáo Việt Nam, sau những năm tháng “ngủ đông”, do những khó khăn khách quan và chủ quan, hiện đang chuyển mình và phát triển trong nhiều lãnh vực: mục vụ, giáo huấn, bác ái, hội đoàn, mở mang kiến thiết các công trình… Đó là những tín hiệu đáng mừng cho một đất nước và Giáo Hội đã trải qua bao tàn phá của chiến tranh. Tuy thế, để Giáo Hội diễn tả trung thực chân dung Đức Giêsu, “gương mặt của lòng thương xót Chúa Cha”, thì những hoạt động bề nổi chỉ là một phần. Mỗi tín hữu, tuỳ theo địa vị và chức năng của mình trong Giáo Hội, cần canh tân bản thân, nhận ra mình đang rất cần đón nhận lòng thương xót của Chúa và có sứ mạng trở thành cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, đem đến cho con người thời đại này, ơn chữa lành và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã giúp người phụ nữ xứ Samaria thay đổi lối suy nghĩ, chấm dứt thành kiến, quên đi hận thù, và hơn nữa, chị đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu, nhiệt thành vội vã lên đường giới thiệu Đấng Thiên Sai cho những người quen biết. Chị đã cảm nhận lòng thương xót đến với mình trước hết, và rồi cảm nhận ấy là nguồn nghị lực giúp chị can đảm nói về Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria phải là nguồn gợi hứng cho những hoạt động truyền giáo của chúng ta, trong bối cảnh xã hội hôm nay.
Một người bạn nước ngoài mới đây đã đặt cho người viết bài này câu hỏi: “Tôi đến Việt Nam, rất khâm phục một Giáo Hội công giáo, mặc dù khó khăn mọi bề, các nhà thờ đầy người tham dự thánh lễ Chúa nhật, các chủng viện, dòng tu đầy những tu sĩ và chủng sinh, nhưng tại sao cộng đoàn công giáo Việt Nam chỉ là hơn 7% trong tổng dân số tại đất nước này?”. Câu trả lời không đơn giản. Chúng ta có thể nêu nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, nhưng chắc chắn một điều, trong cuộc sống cụ thể của chúng ta với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta chưa diễn tả được gương mặt thương xót của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã làm và luôn kêu gọi chúng ta hãy bắt chước Người.
Giới thiệu lòng thương xót của Thiên Chúa và thực hiện lòng thương xót trong cuộc sống hằng ngày, đó sứ mạng của mỗi chúng ta. Đây là con đường Đức Phanxicô đã lựa chọn, làm định hướng cho Giáo Hội công giáo, để hướng tới một Giáo Hội phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa nơi trần gian.