… mỗi năm ít là một lần!


… mỗi năm ít là một lần!

 

… mỗi năm ít là một lần!

WGPSG — “Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện”, đã là người thì ai ai (dù công khai tin nhận, hay âm thầm đồng ý) cũng cho rằng con người là một hợp thể duy nhất của hai phần: Tinh thần (linh hồn) và thể xác!

Để phần thân xác được trẻ lâu chậm già, thường mạnh ít ốm, đẹp mãi chứ không “xuống cấp”, người ta đổ ra không biết bao nhiêu tiền của, sức lực và thời gian để duy trì “một thân thể tráng kiện”. Hằng năm (ít ra là vậy) người ta đi khám sức khỏe từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Có thể gọi đó là Kiểm tra sức khỏe thân thể – hay ngắn gọn hơn là KIỂM THÂN!

1. KIỂM THÂN

Đã qua thời “ăn no mặc ấm”, và giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp” cũng đang bị lướt qua dần, ngày nay người ta chú trọng hơn đến “ăn khỏe mặc mốt”. Đúng vậy, tiêu chuẩn của việc ăn uống đã biến thiên từ việc đáp ứng nhu cầu bản năng sinh tồn, sang bậc hai là thưởng thức những nhu cầu thường nhật đó, rồi con người thời đại đang vượt qua những nhu cầu sinh tồn như ăn như uống lên mức làm khỏe đẹp cho cơ thể, kéo dài tuổi thọ.

Do nhu cầu sống khỏe sống đẹp và việc áp dụng y tế dự phòng, mà các bác sĩ khuyên nhủ rằng: Mỗi năm khám sức khỏe tổng quát một lần!

Khám tổng quát nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh tật để từ đó có phương án điều trị kịp thời đúng thuốc, hoặc nếu may mắn không có dấu hiệu ốm đau thì việc khám tổng quát cũng giúp cho người ta biết tăng cường sức khỏe và phòng tránh nguy cơ bệnh tật thông qua bồi bổ những yếu tố cần thiết cho cơ thể!

Khi đi khám tổng quát, người ta không được khám chi tiết tận “chân tơ kẽ tóc” (vì lãnh vực liên quan đến vẻ đẹp của tóc, chúng ta nên dành riêng cho các spa, các tiệm uốn tóc…), nhưng cũng coi như được khám toàn bộ thân thể từ trong ra ngoài, từ trên cao xuống dưới thấp, thật kỹ càng với biết bao là dụng cụ: thô sơ như dao, kéo…; hiện đại tỉ như: máy đo điện tâm đồ, siêu âm màu, xquang kỹ thuật số, máy đo loãng xương…

Bên cạnh những y cụ phong phú và tinh vi, hiện đại, người đi khám còn được các bác sĩ tài giỏi cố vấn: ăn gì uống gì để bồi bổ cơ thể. Thời gian gần đây, chúng ta thấy quảng cáo nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng một loại thực phẩm mới lạ: thực phẩm chức năng [1] để bồi bổ cơ thể mạnh khỏe tráng kiện.

Ngoài ra, bác sĩ còn khuyên chúng ta thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, và họ cũng đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể cho từng đối tượng: nên tập luyện những gì, theo thời lượng thích hợp để thân thể cường tráng.

Nói vậy để thấy rằng người ta không ngại đầu tư thật nhiều tiền của cũng như thời gian để thân thể có được sắc đẹp và vóc dáng hoàn mỹ.

Nhưng dường như cũng không hiếm người quên bẵng đi một phần rất quan trọng làm nên con người tổng thể và hài hòa, toàn diện: Tâm hồn hay gọi chính xác hơn là Linh hồn! Khá nhiều người quên lãng việc chăm sóc sức khỏe tâm hồn, mà chúng ta gọi là Kiểm Tâm!

2. KIỂM TÂM

Giáo hội Công giáo có một điều luật hay gọi đúng tên là một lời khuyên hữu ích: “Mỗi năm xưng tội ít là một lần!”, tương tự như việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm vậy!

Thân thể cần được khám (ít là một lần trong năm) để phát hiện cũng như phòng tránh những bệnh tật, đồng thời tìm kiếm những phương pháp điều trị, bồi bổ cơ thể cách hợp lý.

Mỗi khi phạm lỗi, phạm tội là mỗi lần nguy cơ “bệnh tật-cái xấu” xâm chiếm tâm can và hủy hoại vẻ đẹp tâm hồn của chúng ta. Lời khuyên “mỗi năm xưng tội ít là một lần” xem ra chỉ là biện pháp phòng tránh tối thiểu, chứ không đủ để đáp ứng nhu cầu của một người biết tận tâm chăm sóc sức vóc tâm linh.

Cho nên, đối với tâm hồn, chúng ta cần thực hiện kiểm tâm đều đặn và thường xuyên hơn. Ít là đôi mươi phút trước khi đi vào giấc điệp, sau một ngày vất vả lao động hay học tập, chúng ta nên xét mình: ngày hôm nay, tôi đã làm được điều gì tốt, đẹp và hữu ích cho cho tha nhân cũng như bản thân? Tôi cần loại trừ những hành vi, lời nói và suy nghĩ tiêu cực nào khiến tôi mất vui hay gây phiền lòng người khác?

Kiểm tâm mỗi tối là tốt, nhưng nếu thiếu phương thế tinh vi để nội soi thì việc kiểm tâm khó đạt kết quả chính xác. Đâu là những phương thế hiệu nghiệm giúp kiểm tâm?

Trước hết, chúng ta cần đến ánh sáng Lời Chúa, vì “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người ” (Dt 4,12). Chỉ nhờ ánh sáng Lời Chúa, việc siêu âm tâm hồn mới chuẩn xác và việc cải hóa nội tâm mới hiệu nghiệm!

Thế nhưng, Lời Chúa được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người, mà ngôn ngữ nào, dù phổ thông đến đâu, cũng vẫn bị giới hạn như chính thân phận bất toàn và hạn hẹp của con người, nên phương thế cần thiết bổ trợ cho Kiểm tâm, chính là những giáo huấn của Hiền Thê Chúa Kitô! Khi học hỏi và đối chiếu những gì mình đã suy nghĩ, hành động và ứng xử với lời chỉ bảo của Mẹ Hội Thánh, thì điện Tâm đồ của chúng ta sẽ cho thấy những bất thường và thất thường của con tim còn bị chi phối nhiều bởi thất tình và lục dục [2].

Tuy nhiên, các phương thế kể trên chỉ mới là điều kiện cần, để cho đủ, chúng ta còn phải đến với các Bác sĩ chuyên khoa để học biết xem phải “ăn gì, uống gì, tập gì” cho Tâm được mạnh khỏe, dẻo dai và đẹp! Bác sĩ giỏi nhất, đáng tin cậy nhất, không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần, Thầy dạy Chân Lý.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể chạy đến với các môn sinh nối nghiệp vị Lương Y-xuất chúng: các linh mục, những vị linh hướng hay đồng hành thiêng liêng, hoặc những người bạn đạo đức!

Ngoài Lời Chúa, sự soi sáng và dìu dắt của Thánh Thần, giáo huấn của Mẹ Hội Thánh, sự đồng hành của các vị linh hướng…, chúng ta còn cần đến các “thực phẩm chức năng” là các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Giao hòa. Những “lương thực thần linh” do Chúa Giêsu tặng ban này vừa bồi bổ cho sức khỏe và vẻ đẹp của Tâm, vừa chữa lành và hồi phục cho Tâm sau những tổn thương do sai phạm và vấp ngã.

Tóm lại, lời khuyên “mỗi năm ít là một lần” rất thực tế cho việc Kiểm Thân cũng như Kiểm Tâm. Tuy nhiên, để Thân-Tâm tránh bị lão hóa và được khỏe-đẹp, thì “một lần trong năm” cũng là “ít” phải không nào?!

———————————–

[1] Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life Science Institute – ILSI) thì "thực phẩm chức năng là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại". Theo IFIC, thực phẩm chức năng là những thực phẩm hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản. Thực phẩm chức năng có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, và người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm – thuốc. (xem "thực phẩm chức năng").
[2] (xin xem định nghĩa “Thất tình – lục dục”).

Nguồn: tgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *