AI LÀ KẺ GÂY KÍCH ĐỘNG: ĐỨC CHA PHAOLÔ HAY CHÍNH VTV1?
#GNsP – “Giám mục Vinh đã ra bản Thư Chung diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân ..” là những nhận định của Đài Truyền hình VTV1 về “ thảm họa ô nhiễm môi trường Biển tại miền Trung ” của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp .
Có câu “Bút sa Gà chết ” với ý nói người viết phải chịu trách nhiệm về những điều đã mình viết. Vì đó là bằng chứng tốt nhất để người khác trích dẫn cho nhận định của họ về bài viết của mình . Như vậy nếu cho rằng “bản Thư Chung diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân ..” thì Đài VTV1 phải trưng dẫn được những câu chữ cụ thể trong Thư Chung chứ không thể quy chụp một cách chung chung.
Đoạn đầu của bản Thư Chung nêu lên thực trạng “thảm họa ô nhiễm môi trường biển” và nêu lên sự “hoảng loạn, bần cùng là những khốn khổ mà người dân đang nếm trải” là đã “diễn tả sự việc thiếu khách quan”? Hay là sự thật còn thê thảm hơn những gì Thư Chung đã nêu? “Chất thải có chứa độc tố kim loại thải ra từ khu công nghiệp” cũng là một sự thật đã và đang xảy ra tại Vũng Áng . Vậy thì nếu như có “nhiều người đinh ninh rằng đó là nguyên nhân thảm họa trên” thì có gì là “thiếu khách quan” ? .
Đoạn tiếp theo , Thư Chung nêu lên “hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người” không chỉ trong hiện tại và ngay cả thế hệ mai sau là để “thổi phồng và gây hoang mang” cho dư luận sao? Trong khi chỉ cần một cái nhấp chuột, ai cũng có thể kiểm chứng được thông tin này tại các nước trên thế giới, cụ thể là thảm họa vịnh Minamata tại Nhật Bản .
Khi được phóng viêc Trần Hiếu – Phụ Nữ Việt Nam hỏi : “Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của cơ quan chức năng trong thời gian qua”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN đáp :
“Tôi cho rằng cơ quan chức năng xử lý lòng vòng, phản ứng chậm và có nhiều khuất tất”. Ông nói tiếp : “Tôi mà được giao làm vụ này. Chắc chắn chỉ trong một ngày tôi sẽ tìm ra”.
Như vậy, việc Thư Chung viết rằng “ … đã hơn một tháng qua, các nhà chức trách vẫn tránh né việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa này” sao gọi là “gây hoang mang” trong khi các nhà khoa học cũng như dư luận xã hội đều lên tiếng về “phản ứng chậm và nhiều khuất tất” vể cách xử lý của các cơ quan chức năng trước “tầm mức nguy hiểm to lớn của thảm họa” ?
Và nếu cho rằng Thư Chung lên tiếng về “việc khuyến khích dân chúng tiêu thụ hải sản” là thiếu căn cứ khoa học” là một cách “ thổi phồng, gây hoang mang” thì VTV1 lại mâu thuẩn với nhận định của chính mình. Bởi lẽ trong khi các cơ quan hữu trách còn chưa chính thức công bố nguyên nhân gây cá chết thì căn cứ vào đâu chính quyền khuyến khích người dân cứ tiếp tục ăn cá và tắm biển?
Ngay cả khi Thư Chung nêu lên sự “khó hiểu khi nhà cầm quyền lại nặng tay đàn áp những người biểu tình ôn hòa đòi trả lại môi trường trong sạch cho người dân” thì ai ai cũng dễ dàng kiểm chứng thực trạng này trên tất cả các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội.
Nghĩa là , Thư Chung không “diễn tả” hay “thổi phồng” thêm điều gì ngoài những gì đã và đang xảy ra trong thực tế để gây “hoang mang” , dẫn dắt dư luận.
Đoạn tiếp theo, Thư Chung nhắc đến thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxico với lời trích “Chúng ta không thể dửng dưng trước bất cứ điều gì của trái đất”. Đồng thời cũng nêu lên lời dạy của Công Đồng Vaticano II, Gaudium et Spes, số 1 : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng , ưu sầu và lo âu của người môn đệ Chúa” , để thấy rằng tất cả những gì đã được nêu ở phần trên của Thư Chung đều được viết, được xây dựng trên nền tảng là giáo huấn của Hội Thánh.
Phần cuối cùng của Thư Chung, Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp thiết tha kêu gọi các tín hữu “hãy thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường ” , và có lẽ lời kêu gọi mọi người hãy : “Thực hiện quyền công dân được Hiến Pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước; cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý “ , là những “lời lẽ kích động giáo dân” mà Đài VTV1 đã nhận định . Trong khi việc biểu tình trong ôn hòa là một trong những quyền công dân được Hiến Pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế quy định. Và thực tế, đáp lại lời kêu gọi của Thư Chung, nhiều linh mục và giáo dân đã thực hiện những cuộc tuần hành với một thái độ rất ôn hòa, không hề có chút “ kích động” nào cả.
Sự việc của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp hôm nay khiến chúng ta không thể không nhớ đến một vị chủ chăn khác cũng là nạn nhân của truyền thông Cộng Sản : Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Lúc bấy giờ, Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mọi người được nghe phát ngôn của Tổng Giám Mục Hà Nội – Ngô Quang Kiệt, với một đoạn trích không đầy đủ: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái Hộ chiếu Việt Nam” Dư luận buộc phải hiểu là Ông Ngô Quang Kiệt cảm thấy nhục vì phải mang quốc tịch Việt Nam, là công dân nước CHXHCNVN, cộng thêm thủ thuật bài trí một diễn đàn ném đá công khai của báo giới, thế là TGM Ngô Quang Kiệt nghiễm nhiên trở thành cái một cái đích rất tốt cho những trận mưa đá về các loại tội danh như : phản bội Tổ Quốc, miệt thị , xúc phạm nơi sinh ra mình , xuyên tạc sự thật , kích động giáo dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, coi thường Pháp luật và không xứng đáng là người dân Việt Nam.
Cũng thế ngày nay, theo nhận định của VTV1 , Thư Chung của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp là một trong những “bình luận mang tính quy kết, suy đoán một chiều về nguyên nhân sự cố , dẫn dắt dư luận theo hướng nguyên nhân đã rõ , chính quyền đang tìm cách bao che. Đây là thủ đoạn hướng lái dư luận biến sự cố ngoài ý muốn trở thành cái cớ chống phá, công kích chính quyền …”
Tưởng cũng nên nhắc lại vụ việc dàn dựng clip “ Cây Chổi quét rau” cũng do Đài Truyền Hình Việt Nam thực hiện cho thấy việc truyền thông sai sự thật vốn không phải là điều hiếm xảy ra của giới truyền thông trong xã hội ngày nay.
Tuy nhiên, trong một thời đại được mệnh danh là thời đại của truyền thông và thông tin thì không khó khăn gì để mọi người có thể tiếp cận được sự thực của các vấn đề. Dù vậy, những nạn nhân của một nền truyền thông thiếu đạo đức vẫn phải chịu những thiệt thòi, mất mát và đau khổ. Đặc biệt, khi nạn nhân đó là những vị chủ chăn, những ngôn sứ của Đức Kitô trong thời đại hôm nay. Nhưng có lẽ khi dám lên tiếng cho công lý và sự thật, các Ngài đã sẵn sàng đón nhận sự chống đối, vu khống, triệt hạ. “Là ngôn sứ, ông phải chết. Không hẳn là chết thân thể, nhưng là sự chết dần chết mòn do bắt bớ, hành xích và lên án. Đó là thân phận ngôn sứ. Và chỉ khi dám chết như hạt lúa mì, vị ngôn sứ mớ trổ sinh nhiều bông hạt như Lời Đức Kitô đã dạy những ai dám bước theo Người” ( Vi Sương, GNsP ).
Trong một xã hội có quá nhiều sự giả dối thì “có sao nói vậy” chắc chắn sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Xin cho mỗi người trong chúng ta chấp nhận lội ngược dòng để lên tiếng bảo vệ sự thật vì Chúa Giêsu cũng dạy rằng : “ Sự thật sẽ giải phóng các con” (Jn 8:31-32). Và xin mượn câu Kinh Thánh : “NẾU TÔI NÓI SAI THÌ SAI CHỖ NÀO? NẾU TÔI NÓI ĐÚNG THÌ SAO ÔNG LẠI ĐÁNH TÔI? ” để thưa cùng Đài Truyền Hình Việt Nam về những nhận định của họ về Thư Chung của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp .
Điền Phương Thảo