Những chức sắc tôn giáo trong Quốc Hội: Cóc mà mang guốc ai ưa

Những chức sắc tôn giáo trong Quốc Hội: Cóc mà mang guốc ai ưa

 

Bầu – Cử: Màn kịch cũ

Thông thường, mỗi kỳ "Đảng cử, dân bầu" để tạo nên cái gọi là Hội đồng Nhân dân hoặc cao hơn là Quốc Hội, thì cuộc tuyên truyền rình rang, tốn kém và đầy công phu được khởi động. Rằng thì là "sáng suốt lựa chọn những người có tài, có đức vào Quốc hội". Rằng thì là "Đi bầu cử là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân"…

Cũng mỗi đợt như vậy, tiền thuế của dân cứ chi bạt ngàn và thoải mái để bầu cử được "Cơ quan quyền lực cao nhất" của đất nước. Thế nhưng cái cơ quan quyền lực đó thực chất là gì và có thực sự là của dân hay không lại là vấn đề khác, kể cả từ lý thuyết đến thực tế.

Ở đây, chúng ta không bàn đến việc cái gọi là Quốc hội kia là của ai. Bởi câu trả lời đã rõ ràng: Quốc hội là của Đảng, dân đừng mơ cái gọi là "cơ quan quyền lực cao nhất" này là của họ.

Để chứng minh điều này không khó khăn gì, bởi nó rõ như ban ngày. Nào là "Đảng cử, dân bầu". Khi đảng đã cử, thì dân chỉ được bầu. Oái oăm thay, cái đảng cử, chỉ đáp ứng cái của đảng cần. Đó là đảng chỉ cử những đối tượng luôn đảm bảo cho cái độc quyền cai trị của mình là chính, những vấn đề ảnh hưởng đến điều này, đều bị loại hoặc thậm chí bị coi là thù địch ngay.

Không chỉ có thế, dù được rêu rao là "Cơ quan quyền lực cao nhất" của đất nước với hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, cái "cơ quan quyền lực cao nhất" này vẫn phải đứng dưới một cơ quan "không có quyền lực cao nhất" là Đảng Cộng sản – một tổ chức của gần 3 triệu đảng viên. Và do vậy, mọi quyết định của cơ quan này phải tuân theo cây gậy Nghị quyết của đảng.

Điều này tưởng chừng nghịch lý giống như chuyện trong gia đình bố phải tuân phục con, ông bà ông tổ tiên phải vâng lời cháu chắt. Nhưng nó là thực tế ở đất nước Việt Nam hiện nay. Chính ông Tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng đã từng tuyên bố: "Nghị quyết của Quốc hội, Hiến pháp của Quốc Hội ban hành là hết sức quan trọng, nó chỉ đứng sau Nghị quyết của Đảng" đấy thôi. Nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, có một cơ quan siêu quyền lực mà dân không cần bầu, cơ quan đó cử cho dân bầu mà thôi.

Chính vì thế, cái cơ quan đó chứa những thành phần nào? Chỉ cần nhìn vào "cơ cấu" mà chủ trương của đảng được thực hiện với cái gọi là Quốc hội, thì chỉ được phép có từ 10-15% người ngoài đảng hoặc phải đảm bảo tỷ lệ đảng viên trong "Quốc hội" phải đạt 90%. Điều này tự nó vả vào mồm những ai luôn bô bô rằng"Quốc hội là của dân, quyết sai thì dân chịu". Bởi chắc chắn rằng đó là cái "Quốc hội" của đảng, đâu phải của dân.

Vậy những thành phần ít ỏi còn lại "ngoài đảng", đó là ai? Trong số khoảng 500 đại biểu ở đó, có mấy chục người ngoài đảng, ngoài một số được cơ cấu để làm ví dụ thì ở đây có cơ cấu một số chức sắc tôn giáo.

Họ là ai?

Những vị tu hành làm chính trị

Dường như, mỗi kỳ "bầu cử Quốc hội" người ta cũng phân bổ cho các tôn lớn giáo vài ghế cho đủ bộ mặt thành phần, cho đẹp mặt Quốc Hội. Ở đó có một vài linh mục, một số nhà sư, một số chức sắc các tôn giáo khác. Họ hớn hở khi đứng chụp ảnh, họ cứ đến hẹn lại lên có xe đón xe đưa về Hà Nội họp "Quốc hội", họ tên trong đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh. Mỗi năm, tiền thuế của người dân đổ vào họ không biết bao nhiêu để họ tồn tại và họp hành.

Xem xét trong thành phần các "đại biểu Quốc hội" Việt Nam là các chức sắc tu hành, thì phía Công giáo lúc nào cũng được bố trí vài vị trong Nam và ngoài Bắc. Phía Phật giáo quốc doanh cũng có dăm vị được bố trí chỗ ngồi trong đó, và thêm một vài vị thuộc Hòa Hảo nhà nước.

Họ đã làm những gì?

Với Công giáo, từ xa xưa, kể từ khi người Cộng sản cướp được chính quyền và vững ghế chắc chân, thì người Công giáo được xếp vào "Công dân hạng hai" của đất nước. Giáo hội Công giáo bị bách hại trắng trợn bởi nhiều chính sách, tuyên truyền và các hình thức bách hại khác nhau trong mọi lĩnh vực đời sống tôn giáo. Duy có điều, niềm tin của người Công giáo là mãnh liệt và sự hy sinh với tổ chức chặt chẽ của Giáo hội, người Cộng sản đã không thể tha hóa hết và không thể lũng đoạn một tôn giáo đã có quá nhiều vị mục tử nhân lành, nhiều giáo dân mạnh mẽ và hy sinh. Do vậy, đến một lúc nào đó, nhà nước CSVN đã chuyển phương hướng tấn công. Việc lập ra các tổ chức giả danh Công giáo, để chống lại Giáo hội Công giáo được tiến hành.

Những linh mục Công giáo, được đảng cử để "dân bầu" vào Quốc hội cho đủ thành phần, hầu hết đều thuộc cái gọi là "Ủy ban Đoàn kết Công giáo" – Một tổ chức mà ngay người có thời đứng đầu nó là Linh mục Phan Khắc Từ đã khẳng định: Nó là của đảng".

Thế nhưng, điều oái oăm, là theo lề luật Công giáo, dù Đức Giáo Hoàng Fanxico có khuyên nhủ người dân nên tham gia chính trị để làm xã hội thay đổi tốt hơn, thì Giáo luật vẫn cấm ngặt các linh mục, tu sĩ tham gia các tổ chức chính trị, bất kể tổ chức đó của ai. Bởi khi tham gia tổ chức chính trị, hẳn nhiên sẽ rất khó chu toàn bổn phận của người mục tử là yêu thương và phục vụ mọi đối tượng bất kể đó là ai, không được có xu hướng phân biệt cả con người và chính kiến.

Có lẽ vì thế, khi buộc phải hoặc bất đắc dĩ đâm lao phải theo lao, các vị linh mục ngồi trong ghế "Quốc hội" của đảng hầu như biết thân phận mình, nên hầu như không hề có ý kiến gì những khi tranh luận. Ngay cả khi tranh luận những vấn đề cốt tử đối với tôn giáo của mình như Luật hoặc Pháp lệnh tôn giáo – Một công cụ quản lý, trói buộc các tôn giáo ở Việt Nam. Cho đến tuổi này, hơn 50 năm qua, được chứng kiến các kỳ Quốc hội đều có các đại biểu là linh mục Công giáo, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe một câu phát biểu nào từ phía họ kêu lên sự đàn áp, chèn ép của nhà nước cộng sản đối với Giáo hội Công giáo.

Mới đây, Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã gửi bản Góp ý cho Dự thảo Hiến pháp, và gần đây nhất, HĐGMVN cũng như một số Tòa Giám mục khác đã phản ứng vớiDự thảo Luật tôn giáo, đang cố tình bóp nghẹt đời sống tôn giáo ở Việt Nam bằng những điều luật mơ hồ, bằng những quy định phản nhân quyền, những văn bản đó làm dậy sóng xã hội, làm nức lòng các giáo dân thì các vị đại biểu Công giáo trong Quốc hội vẫn cứ coi như… điếc.

Tự họ đã biến mình thành những con rối cho đảng giật dây.

Còn các thành phần thuộc Giáo hội Phật giáo Quốc doanh thì sao?

Giáo hội Phật giáo quốc doanh ở Việt Nam được nhà nước thành lập từ các hệ phái Phật giáo khác nhau cho dễ bề "quản lý" – nên nhớ rằng với nhà nước CSVN thì "quản lý" hẳn nhiên là được định nghĩa có quyền "sở hữu". Những hệ phái đã từng ủng hộ CS miền Bắc nhiều nhất trong cuộc chiến chống lại hai nền cộng hòa Miền Nam Việt Nam, khi đã tàn cuộc săn, thì câu chuyện con chó và người đi săn đã được lập lại cho chính họ. Phần còn lại, đều thống nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của đảng.

Khi mà một đảng CS vô thần đã lãnh đạo tuyệt đối một tôn giáo, thì nhiều hệ lụy xảy ra với đạo pháp và tôn giáo đó là điều không cần bàn cãi. Những yếu tố đạo đức, luân lý bị xuyên tạc, giáo lý bị vô hiệu và biến tướng, nhân sự bị lũng đoạn, đạo đức bị tha hóa… và tôn giáo đó đi vào thời kỳ mà người ta gọi là "mạt pháp".

Trong khi trên báo chí, trên thực tế, những hình ảnh và những thông tin về hệ thống sư sãi ngày càng nhiều biểu hiện mất đạo đức, lối sống tồi tệ đi ngược giáo lý nhà Phật. Chẳng hạn như sư giết bạn gái vì không chịu nạo thai, sư hiếp dâm trẻ em, nhà sư chửi bới đánh lộn ở sân bay, hoặc mới đây trên mạng và báo chí lan truyền những đoạn video được cho là của một nhà sư. Thậm chí một số phật tử đã phải biểu tình phản đối sư pede bay lắc và lừa đảo… Nhưng Giáo hội Phật giáo quốc doanh vẫn không có những động thái quyết liệt bảo vệ đạo pháp trước những vấn nạn đó.

Trước hết là hình ảnh một vị sư khoe khoang có siêu xe, đập hộp điện thoại đời mới, điện thoại đắt tiền giá cả nửa tỷ đồng để cho thiên hạ biết cuộc sống xa hoa của những người tu hành thời nay. Không chỉ có thế, vị đại đức này còn đưa lên mạng những hình ảnh mang những hình ảnh sặc mùi bạo lực, áo rằn ri, mang súng và những hình ảnh chụp với các chàng trai trẻ tuổi và đẹp trai, khỏe mạnh… Đó là những hình ảnh, việc làm tự nó đã đi ngược với giáo lý nhà Phật. Những hình ảnh ấy, trong một chừng mực nào đó đã bóc trần bản chất của người tu hành được trọng dụng trong cái Giáo hội Phật giáo Quốc doanh ngày nay.

Cũng một ông sư, chuyên đi giảng đàn thuyết pháp cho cả ngàn người với những lời lẽ như: "Lý Thường Kiệt đưa quân đánh Trung Quốc là hỗn", hoặc ông ta cho rằng Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sản phẩm mà thế giới phải học theo… Nghe ông ta thuyết giảng, cứ như nghe một cán bộ tuyên giáo của đảng không sai.

Thế nhưng, nhiều vị sư sãi trong cái gọi là "Quốc hội" đã lên tiếng cao giọng chửi bới, chỉ trích người tu hành không đồng chính kiến phò đảng như mình. Lớn tiếng kết tội người khác thay quan tòa và những hành động, lời nói của một số vị mang áo vàng trên diễn đàn Quốc Hội" làm người dân ngỡ ngàng không hiểu ông ta có thuộc vào nhà Phật hay không.

Chừng như họ biết rằng phật tử Việt Nam vốn mang đậm tính chất con người Việt Nam, chẳng ai làm gì hay quan tâm đến họ, nhất là khi những tin đồn trong xã hội ngày càng nhiều rằng đa số sư sãi bây giờ hoặc là công an, hoặc là được nhà nước điều hành, quản lý… nên nhiều người ái ngại tránh xa hoặc "im cho nó lành" và kệ sự đời. Và thế là họ được dịp múa may biểu diễn những điều mà nhiều khi các phật tử cũng phải lắc đầu e ngại.

Mới đây, Đại đức Thích Thanh Quyết, với tư cách một nhà tu hoạt động chính trị, nhà tu hành này thường có những ý kiến trên diễn đàn quốc hội. Những lời của ông ta gây nên những trận bão cười nghiêng ngả và xót xa trong toàn xã hội. Nhà sư này đã trở thành một hiện tượng, một vấn nạn của Phật giáo thời Cộng sản.

Thực ra, những lời phát biểu này không có gì là cao siêu hay trí tuệ, chỉ là những lời nịnh bợ hết sức thô thiển với lực lượng bạo lực của đảng. Thay vì để bảo vệ chúng sinh khỏi cảnh oan khuất, ông ta cho rằng, tỷ lệ án oan sai trong điều tra, tố tụng hình sự hiện nay là rất nhỏ. Thậm chí, ông còn viện dẫn móc ruột như sau: “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết”

Trước đó, để nịnh bợ đám Công an "Còn đảng, còn mình" ông đã không ngần ngại ca ngợi "Công an ta giỏi nhất thế giới". (Câu này dường như bị phản ứng quá mạnh nên tờ báo đã không tìm thấy trên bài báo này nữa!). Nghe những lời từ miệng ông sư, người ta buộc phải có liên hệ với lời đồn dân gian rằng đây là sư công an cũng không có gì là lạ?  

Thậm chí, là một nhà sư, nhưng ông ta tuyên bố trước diễn đàn Quốc hội rằng: "Cần xây dựng quân đội ta mạnh như quân đội… Bắc Hàn" – Một nhà nước đang được mệnh danh là côn đồ quốc tế – thì quả là Giáo lý nhà Phật đã sụp đổ từ khi nào trong chính ông ta.

Để làm gì?

Trong một đất nước do một đảng vô thần lãnh đạo, kiên quyết thực hiện cái gọi là ba cuộc cách mạng, trong đó "cách mạng tư tưởng và văn hóa" được coi như một nhiệm vụ trọng yếu, thì các tổ chức tôn giáo vô thần không bị chèn ép, không bị bách hại mới là chuyện lạ. Biết bao cơ sở tôn giáo bị cướp, bao nhà thờ, tu viện bị cướp trắng, bao chùa chiền bị đập phá, giáo dân, phật tử oan khuất đi đầy đường, đầy đất nước… Nhưng, tuyệt nhiên các nhà tu hành trong Quốc hội không nửa lời nói đến họ, không hề để mắt đến họ. Vậy họ sinh ra để làm gì?

Xin thưa, họ chẳng có tác dụng gì hơn là được dùng để tô vẽ cho cái gọi là "Quốc hội" của đảng được đủ màu sắc và đa dạng theo ý đảng trước con mắt thiên hạ mà thôi.

Từ xa xưa, cha ông ta đã dạy:

"Thế gian mỗi kẻ một nghề.
Con Phượng thì múa, con nghê thì chầu"

Và cha ông ta cũng đã có lời khuyên cho những người ngồi nhầm chỗ, rằng:

"Cóc mà mang guốc ai ưa
Đỉa đeo chân hạc, sao vừa mà mong"

Hãy để nhà tu hành chân chính được có những hình ảnh thật của họ và trả về đúng vị trí những kẻ ngồi nhầm chỗ trong cuộc sống ngày nay.: Linh mục làm linh mục, sư là sư còn công an thì hãy làm công an.

Nhất là những kẻ lợi dụng chiếc áo tu hành làm công cụ cho chủ nghĩa vô thần thì càng cần phải vạch mặt.

Hà Nội, ngày 16/6/2015

·       J.B Nguyễn Hữu Vinh

 
Pin It

Gửi phản hồi