Đời sống đức tin của Hillary Clinton
Vũ Văn An
Nhiều người lắc đầu khi nghe nói tới đời sống đức tin của một người như Hillary Clinton, nổi danh phò phá thai, ngay trong lúc đang tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong số báo gần đây của tờ tuần báo Công Giáo The America, ký giả Michael O’Loughlin, vẫn khổ công tìm hiểu đời sống đức tin của người rất có thể được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào tháng 11 này.
Ký giả này thuật lại cảnh tượng sau đây tại Đại Hội Đảng Dân Chủ vừa qua: sau khi đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của mình (chấp nhận được Đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống), Hillary Clinton bước vào hậu trường Trung Tâm Wells Fargo ở Philadelphia. Ở đấy, nắm tay chồng, Bà cùng vợ chồng Tim Kaine, ứng cử viên phó tổng thống, vây quanh màn truyền hình nhỏ, theo dõi lời chúc lành kết thúc đại hội của Mục Sư Bill Shillady. Lời chúc lành này rút ra từ một điệp khúc rất quen thuộc đối với tín đồ Methodist, vốn là Giáo Hội của Hillary: “Làm mọi điều tốt chúng con có thể, bằng mọi phương thế chúng con có thể, cho mọi người chúng con có thể, bao lâu chúng con có thể”. Mục Sư Shillady vốn làm lễ an táng cho thân mẫu của Hillary, chủ lễ kết hôn cho con gái Chelsea của bà. Và người ta thấy bà lau nước mắt.
Khán giả biết được cảnh trên vì đoàn quay phim đã quay nó và chiến dịch tranh cử đã đăng nó lên chương mục Twitter của bà. Có lẽ đây là giây phút thân mật nhất trong suốt chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton và việc này gây nhiều phản ứng tức khắc.
Nhiều người chế nhạo, cho rằng Hillary hửi thấy mùi hấp dẫn, muốn lợi dụng khúc phim để lôi cuốn các cử tri tôn giáo vốn thất vọng với thái độ coi thường tôn giáo của Donald Trump khi ông này nói đến việc hiệp lễ: “tôi uống chút rượu nho” và “ăn chút bánh giòn”. Nhưng cũng không thiếu người, kể cả những người biết rõ bà xưa nay, thấy phấn khích khi Hillary mời công chúng nhìn bà trong giây phút chân thực nhất đang thực hành đức tin của mình, một đức tin mà họ cho đã hướng dẫn bà từ lúc tuổi thơ qua suốt sự nghiệp chính trị công cộng.
Đó không phải là lần đầu người ta nghe nói tới đức tin của Hillary trong chiến dịch tranh cử. Hồi tháng Giêng, khi một cử tri ở Iowa vặn hỏi về đức tin, bà đã trả lời: “Tôi là một người có đức tin. Tôi là một Kitô hữu. Tôi là một tín đồ Methodist”. O’Loughlin cho rằng dựa vào 3 yếu tố do chính bà kể ra, người ta có thể hiểu phần nào về việc đức tin đã ảnh hưởng ra sao đối với đời sống và các quyết định của Hillary.
Một Tín Đồ Methodist
Trong diễn trình lớn khôn, Bà Clinton sinh hoạt tại First United Methodist Church ở Park Ridge, Ill., một khu ngoại ô của người Mỹ da trắng thuộc giai cấp thượng trung lưu. Trong một số bài diễn văn và trong hồi ký của mình, bà thường nhắc lại cảnh cha mình cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ và mẹ mình phục vụ tại một số thừa tác vụ của Giáo Hội.
Lúc là một thiếu niên, Hillary rất mộ mến vị mục sư trẻ tuổi đang coi sóc Nhà Thờ này, đó là Mục Sư Don Jones. Theo một bài viết hồi năm 2014 của CNN, vị mục sư này gây ấn tượng lớn tại Nhà Thờ First United, vì đã nhấn mạnh tới truyền thống công bằng xã hội của giáo phái Methodist, nhiều hơn là nhấn mạnh tới việc cứu rỗi bản thân. Ông hay đưa các người trẻ của nhà thờ mình tới các khu nghèo nàn của Chicago để họ mục kích cảnh sống của những người cùng trang lứa. Ông khuyến khích các em tra vấn đức tin của mình, có lần sắp xếp một cuộc tranh luận với người vô thần về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông còn đưa các em tới một hội đường Do Thái để khai tâm các em về các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, phong thái của vị mục sư này không được đa số tín hữu bảo thủ ở Park Ridge ủng hộ, nên sau hai năm, vị mục sư này phải ra đi. Phần mình, Bà Clinton chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi phương thức xã hội của ông, nên vẫn giữ liên lạc với vị mục sư này trong nhiều thập niên về sau. Khi rời nhà để vào đại học, bà vẫn thư từ qua lại với ông và ông được mời tham dự cả hai lần “đăng quang” của chồng là Tổng Thống Bill Clinton.
Khi Mục Sư Jones qua đời vào năm 2009, Bà Clinton cho rằng, nhờ lấy hứng từ các nhân vật như Mục Sư Martin Luther King Jr. và Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt, nên mục sư này đã “giúp hướng dẫn tôi trên hành trình tâm linh và chính trị của tôi suốt hơn 40 năm qua”.
Dù Bà Clinton cho rằng mình chịu ảnh hưởng của nhiều nhân vật tâm linh thuộc các cộng đồng đức tin khác nhau, nhưng Mike McCurry, giáo sư thần học tại Chủng Viện Thần Học Wesley và là cựu tùy viên báo chí của Tổng Thống Bill Clinton, cho rằng hành trình đức tin của bà, về chiều sâu, vẫn là hành trình Methodist.
Giáo phái này đặt căn bản trên điều vẫn được gọi là Tứ Trụ Wesley (Wesley Quadrilateral), nghĩa là bốn nguyên tắc của nhà sáng lập ra giáo phái là John Wesley, dùng để “soi dẫn cốt lõi đức tin Kitô Giáo của tín hữu”. Bốn nguyên tắc đó là: Thánh Kinh, truyền thống, lý trí và kinh nghiệm. Theo một truyền thuyết của gia đình, Wesley là người đã thu phục đức tin của tổ tiên bà Clinton ở Anh thế kỷ 18.
Thập niên 1960, Hillary vốn là độc giả trung thành của một tập san nay đã đình bản của Phong Trào Sinh Viên Methodist, một tập san chuyên chống chiến tranh, phò công nhân và chống vũ khí nguyên tử, trong đó, có sự cộng tác của nhiều nhân vật nổi danh kể cả các nhân vật Công Giáo như Đan Sĩ Thomas Merton, O.C.S.O., và Nữ Tu Mary Corita Kent, người nổi tiếng trong phong trào hòa bình thập niên 1960 và sáng lập ra phong trào nghệ thuật bình dân phục vụ linh đạo.
Bà Clinton và chồng kết hôn dưới sự chứng giám của một mục sư Methodist ở Arkansas và khi dọn về Washington D.C., hai ông bà dự phụng vụ tại Foundry United Methodist Church, không xa Tòa Bạch Ốc bao nhiêu. Lúc ấy, người trông coi Nhà Thờ này là J. Philip Wogaman, một mục sư cấp tiến cả về phương diện thần học lẫn xã hội. Năm 1997, lúc gia đình Clinton còn tham dự phụng vụ tại nhà htờ này, Mục Sư Wogaman ký kiến nghị, bất đồng với Giáo Hội United Methodist trong việc từ khước phong chức cho những người công khai đồng tính luyến ái hoặc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính. Không lạ gì, 15 năm sau, bà Clinton đã công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Một trong các người viết tiểu sử cho gia đình Clinton cho hay: chính trong thời gian làm đệ nhất phu nhân, Bà Clinton bắt đầu cảm thấy nên dè dặt khi thảo luận về đức tin của mình. Kristin Kobes Du Mez, một giáo sự sử tại Trường Cao Đẳng Calvin, từng viết một cuốn sách về quá trình lòng đạo của Bà Clinton, nói rằng trong một bài diễn văn năm 1993, đệ nhất phu nhân có kêu gọi “một nền chính trị mới về ý nghĩa”. Và với việc chính phủ của chồng gặp rắc rối, bà lên tiếng kêu gọi người Hoa Kỳ ủng hộ “một triết lý hành động mới có tinh thần trách nhiệm và chăm sóc cá nhân”, đồng thời nhìn nhận rằng “chúng ta là thành phần của một điều gì đó lớn hơn chính chúng ta”.
Những lời lẽ trên đã bị truyền thông phê bình gay gắt và theo Du Mez, đó là lý do khiến bà Clinton từ đó ít khi phát biểu đức tin của mình trước công chúng.
Đức Tin của Một Ứng Cử Viên
Tuy thế, trong thời gian ấy, vẫn có những dấu chỉ cho thấy lòng đạo nơi bà Clinton. Nhiều người quả quyết: ngày nào bà cũng đọc một mẩu Thánh Kinh. Bà cũng thường trích dẫn nhiều nhân vật quen thuộc của trường phái thần học cấp tiến, trong đó, có Paul Tillich, Reinhold Niebuhr và Henri Nouwen, coi họ như những người gợi hứng; và trong thời gian chồng bà tằng tịu với một người học việc ở Tòa Bạch Ốc, nhiều người cho hay Bà đã đặc biệt dựa vào đức tin.
McCurry quả quyết: “Những thời khắc tôi thấy bà dựa vào đức tin một cách sâu xa hơn cả là những thời khắc có tính rất riêng tư… Các thời khắc này liên hệ tới các biến cố mà tôi phải xử lý một cách công khai khi tôi còn ở Bạch Ốc. Trong những lúc đau đớn lớn lao của bản thân, tôi nghĩ chính đức tin của bà đã nâng đỡ bà”.
Burns Strider, một nhà hoạt động chính trị theo giáo phái Baptist Miền Nam, từng gặp Bà Clinton năm 2006, khi họ liên kết với nhau về việc đức tin đã hướng dẫn các vấn đề công bằng xã hội ra sao, sau đó, phục vụ trong tư cách giám đốc liên lạc tôn giáo trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của bà, và hiện nay, tuần nào cũng nhiều lần gửi e-mail cho bà với những câu trích từ Thánh Kinh hoặc từ các nhân vật bà quen đọc tác phẩm của họ trong đó có nhà văn Công Giáo Flannery O’Connor, thi sĩ Mary Oliver và văn sĩ Kitô Giáo Jim Wallis.
Ông Strider cho rằng ông hài lòng khi thấy chiến dịch của bà phản ảnh đức tin và ông hy vọng chiều hướng này tăng tiến thêm khi tiến dần tới tháng Mười Một.
Ca ngợi việc đăng tải khúc phim nói trên lên Twitter, ông cho rằng “Các chiến dịch tốt đều cho thấy con người thực của huy hiệu ứng cử viên”. Ông cũng cho hay: ông thường thấy Bà Clinton cầu nguyện ở hậu trường trước và sau mỗi biến cố lớn, nhiều khi bà còn đi gặp các giáo sĩ ở địa phương nữa.
Trở lại câu chuyện hồi tháng Giêng vừa qua, khi một cử tri ở Iowa vặn hỏi bà về đức tin, Bà đã trích dẫn nhiều đoạn Thánh Kinh Tân Ước. Bà nói: “Giới răn quan trọng nhất là yêu mến Chúa hết mình và yêu người lân cận như mình”. Bà nói tới các giới răn của Thánh Kinh liên quan đến việc “săn sóc người nghèo, thăm viếng tù nhân, tiếp đón khách lạ, tạo cơ hội cho người khác được thăng tiến”.
Sau đó, bà còn đặt câu hỏi về Bài Giảng Trên Núi và đưa ra lời giải thích của bà: “Nó mời gọi ta làm gì và hiểu điều gì? Vì rõ ràng nó ủng hộ người nghèo và người có lòng thương xót và những ai, theo cái nhìn trần thế, không có bao nhiêu (của cải) nhưng có dư tinh thần mà Thiên Chúa vốn nhìn nhận nằm ở cốt lõi tình yêu và ơn cứu rỗi”.
Cuối cùng, bà tỏ ra thất vọng khi thấy Kitô Giáo “đôi khi bị sử dụng để lên án quá vội vã và phán xử quá khắc nghiệt” và kết luận rằng suy nghĩ về đức tin của mình là “một điều tôi vốn coi rất trọng”.
Không ai chối cãi chủ trương xã hội của Bà Clinton không phù hợp với phe hữu tôn giáo ở Hoa Kỳ. Nhưng đó là chủ trương của Giáo Hội Bà, một Giáo Hội đứng hàng ba trong các Giáo Hội Kitô Giáo ở Hoa Kỳ, sau Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Baptist Miền Nam. Thập niên 1960, số tín hữu của họ là 11 triệu người, nay vào khoảng 7.5 triệu, nhưng vẫn giữ vị thứ ấy. Họ có quan điểm cấp tiến về chính trị hơn là tín hữu Công Giáo hay Tin Lành.
Du Mez cho rằng lòng đạo của Bà Clinton nên được nhìn qua lăng kính Kitô Giáo cấp tiến về xã hội của cả truyền thống riêng của Bà cũng như các truyền thống của các mục sư Mỹ Da Đen, vốn là những người đã tạo nên khối đa số ủng hộ căn bản chính trị của bà.
Theo Du Mez, quan điểm của bà về các vấn đề xã hội tuyệt đối đi đôi với quan điểm của Giáo Hội Methodist, ngoại trừ vấn đề chiến tranh và án tử hình.
Katey Zeh, một người tranh đấu cho quyền phá thai, vốn làm việc cho Giáo Hội United Methodist, thì cho rằng bà cũng khác với chủ trương của Giáo Hội này về vấn đề phá thai. Chủ trương của Giáo Hội này xem ra tương hợp với chủ trương của chính phủ Clinton thập niên 1990: nó phải “an toàn, hợp pháp và họa hiếm”.
Các “Nguyên Tắc Xã Hội” của Giáo Hội này quả quyết rằng: “Niềm tin của chúng tôi vào tính thánh thiêng của sự sống chưa sinh ra của con người khiến chúng tôi không sẵn lòng chấp thuận việc phá thai”. Nhưng các nguyên tắc này cũng “thừa nhận các mâu thuẫn bi thảm của sự sống này chống lại sự sống kia làm cho việc phá thai có thể được biện minh, và trong các trường hợp như thế, chúng tôi ủng hộ giải pháp cho phép phá thai bằng các thủ tục y khoa thích đáng do các người cung cấp y khoa có bằng cấp thực hiện”. Giáo phái này còn là một trong các thành viên sáng lập ra một nhóm vô vị lợi nhằm thúc đẩy việc gia tăng quyền phá thai, dù mới đây đã rút lui khỏi nhóm này.
Chủ trương phá thai của Bà Clinton mấy năm gần đây đã đi tới cực đoan, vì hiện nay bà đang vận động để bãi bỏ lệnh cấm dùng tiền liên bang để tài trợ các vụ phá thai. Tuy nhiên, Bà Zeh cho rằng Bà Clinton vẫn nằm trọn trong truyền thống Methodist về vấn đề này.
Giáo Hội Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, chống việc phá thai, bất luận Bà Clinton dựa vào truyền thống nào, nên hiển nhiên là người Công Giáo không nên ủng hộ Bà.
Với việc nhiều người Tin Lành và Công Giáo xưa nay vẫn ủng hộ Đảng Cộng Hòa nhưng nay tỏ ra không ủng hộ Donald Trump, chắc chắn Bà Clinton sẽ nói công khai nhiều hơn về đức tin của Bà. Kẻ thù của Bà chắc chắn sẽ coi việc này như một thứ giả hình dối trá. Nhưng nếu quả bà làm thế, có người cho Bà sẽ theo mô thức bài diễn văn bà đọc năm 2014 tại Đại Hội Phụ Nữ của Giáo Hội United Methodist ở Louisville.
Tại Đại Hội đó, Bà được giới thiệu với hơn 7,000 bậc nữ lưu và được ca ngợi như là “một người tranh đấu không ngừng cho phụ nữ, trẻ em và tuổi trẻ”. Điều đáng nói là người giới thiệu Bà, Yvette Richards, cho cử tọa hay: Bà Clinton đã tự động chịu mọi chi phí và đã từ chối nhận tiền thù lao tiêu chuẩn của Đại Hội, ngược với thù lao khoảng 300 ngàn đôla mỗi lần Bà nói chuyện tại các ngân hàng ở Wall Street hay các đại học công.
Trong bài diễn văn hôm đó, như thường lệ, Bà nói đến nhu cầu phải củng cố các cơ hội cho người thua thiệt, nhất là phụ nữ, nhưng lần này, dưới lăng kính đức tin. Bà dựa vào truyền thống công bằng xã hội của Giáo Hội Bà cũng như Tin Mừng, nhất là câu chuyện năm chiếc bánh và 2 con cá và cho cử tọa hay triết lý chính trị của bà đã được lên khuôn ra sao bởi các giáo huấn này.
Bà cho hay: “Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm ngơ, chúng ta không thể nói với những người túng thiếu phải tự lo liệu mà sống với chúng ta. ‘Các con phải cho họ ăn’, Chúa Giêsu nói thế, ‘các con phải cứu vớt họ, chữa lành cho họ, yêu thương họ’”.
Có thể nói: đạo đức học Kitô Giáo của Hillary Clinton là một đạo đức học lựa lọc những điều phù hợp với mình, có lợi cho mình mà bỏ qua những điều cũng không kém phần quan trọng cho sự cứu rỗi của bản thân và người khác.
Như muốn củng cố thế đứng Kitô Giáo của mình, Bà đã chọn Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine, một người Công Giáo. Nhưng Tim Kaine cũng là một nhà đạo đức học lựa lọc như Bà, có khi còn hơn thế nữa vì chủ trương xã hội của ông không hẳn là chủ trương của Giáo Hội Công Giáo mà chỉ là của một trào lưu tư tưởng trong Giáo Hội này mà thôi, đó là Thần Học Giải Phóng.
Theo Ken Blackwell (Tim Kaine’s radical roots, The Hill, 9/9/2016), Thần Học Giải Phóng của Tim Kaine không phải là thứ Thần Học Giải Phóng đã được tái tạo, phi Mácxít sau này, thứ thần học mà vị đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý hiện thời, Đức Hồng Y Muller, vốn có cảm tình, mà là thứ Thần Học Giải Phóng Mácxít của thời Chiến Tranh Lạnh ở Châu Mỹ La Tinh, thập niên 1980, lúc ông ta tới đó. Có người cho rằng, khi tới Honduras năm 1980, ông ta gặp Karl Marx chứ không gặp Chúa Giêsu Kitô.
Kỳ sau: Trump dành chỗ cho Đức Tin
Nguồn: Vietcatholic