22:36 EDT Thứ năm, 07/06/2012

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 1


Hôm nayHôm nay : 271

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1566

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18503

website security

» Tin Tức » Chia Sẻ

Tìm Kiếm Trên Google

CÁCH YÊU

Thứ năm - 24/05/2012 22:33

CÁCH YÊU

Ai sống trên đời cũng cần tình yêu. Một cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc sống chưa trọn vẹn. Chỉ có hơi ấm của tình yêu mới đủ năng lực làm cho tâm hồn hạnh phúc tròn đầy. Để biết tình yêu có sức hấp dẫn kì diệu như thế nào, không cần nhìn vào con người là thụ tạo có tình yêu mà chỉ cần nhìn vào phản ứng của cô chó, chú mèo để thấy cô chú tự nhiên quấn quýt với người nào tỏ ra dịu dàng với cô chú





CÁCH YÊU

 
Ai sống trên đời cũng cần tình yêu. Một cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc sống chưa trọn vẹn. Chỉ có hơi ấm của tình yêu mới đủ năng lực làm cho tâm hồn hạnh phúc tròn đầy. Để biết tình yêu có sức hấp dẫn kì diệu như thế nào, không cần nhìn vào con người là thụ tạo có tình yêu mà chỉ cần nhìn vào phản ứng của cô chó, chú mèo để thấy cô chú tự nhiên quấn quýt với người nào tỏ ra dịu dàng với cô chú.
 
Một người bình thường mang tâm trạng bình thường sẽ có nhu cầu bình thường là diễn tả tình yêu trong lòng mình đối với người mình thương mến. Bản chất của tình yêu thương đích thực là tốt lành, xinh đẹp, thánh thiêng. Nhưng lại có một hiện tượng đáng tiếc vẫn xảy ra trong cuộc sống thường nhật là: sự diễn tả tình yêu thương đôi khi lại gây ra khó chịu, bực tức, thất vọng cho người được quan tâm. Bầu khí sau khi diễn tả yêu thương đâm ra nặng nề hơn trước đó. Tại sao kì vậy?
 
Có một người phát hiện ra hiện tượng này và bắt đầu tìm kiếm lý giải. Anh nhìn lại hành trình mình đã đi qua với những trường hợp cụ thể. Cách đây khoảng một năm, anh gọi điện cho một người bạn.
“Alo, cậu khỏe không?”
“Cảm ơn cậu, tớ khỏe. Cậu thì sao?”
“Tớ cũng tạm tạm. Lâu rồi không thấy tin cậu, gọi điện xem tình hình thế nào. Chắc cậu bận rộn lắm hả?”
“Kì này công việc cũng bớt căng thẳng hơn trước một chút rồi cậu.”
“Ồ, vậy mà không gọi điện cho tớ. Lúc nào tớ cũng gọi cho cậu trước. Hay là kì này có nhiều người hâm mộ quá rồi cậu không còn nhớ đến người bạn này….”
Người bạn được quan tâm bỗng cảm thấy khó chịu về cuộc gọi lẽ ra đã rất thân tình, vui vẻ. Người gọi cũng thấy nặng nề.
 
Một lần khác cách đây ít tháng, anh đi uống cà phê với một đồng nghiệp. Trong cuộc chuyện trò, anh bạn kia hỏi thăm anh về công trình xây dựng anh đang tự tin thực hiện. Không biết chính xác anh bạn kia đã nói thế nào mà sau đó anh cảm thấy khá bực mình vì không được tin tưởng đến nỗi anh có ý không bao giờ chia sẻ chuyện làm ăn với người đó nữa.
 
Cách đây mấy tuần, xảy ra một việc bực mình giữa anh và cô cháu gái. Anh thương cháu gái lắm nên thường chăm sóc cô còn kĩ hơn là bảo mẫu hay vú nuôi: “Cháu đừng có mặc chiếc áo đó, nhìn không đẹp”, “Cháu ngưng nói chuyện với thằng đó đi, cậu thấy không có cảm tình với nó”, “Cháu phải uống sữa nhiều vào, phải ăn uống cho đầy đủ, phải …”, …. Hôm ấy, cô cháu gái phản ứng: “Trời ơi, con 20 tuổi rồi đó cậu, đâu còn con nít nữa đâu!” Lúc ấy anh sùng lên giận dỗi: “Cậu có lo thì mới quan tâm như thế. Người dưng nước lã thì đừng hòng.” Mặc dù biết rằng cậu làm thế là vì thương, cô vẫn cảm thấy ngột ngạt giống như bị tước mất tự do. Cả hai đều cảm thấy nặng nề khó chịu. 
Còn nhiều lần khác nữa làm anh ngày càng thấy nản lòng chẳng thiết quan tâm ai nữa. Anh tự hỏi sao mỗi lần “làm ơn” lại hay “mắc oán” thế. Mệt cái thân! Bế tắc!
***
Thế rồi một ngày nọ trong mùa Phục Sinh, anh đi dự Lễ tại ngôi giáo đường nhỏ gần chỗ làm việc. Đầu óc đang ngổn ngang. Mệt mỏi. Chán chường. Lời Chúa hôm ấy vẫn là những bài anh đã nghe nhiều lần, nhiều đến nỗi phát nhàm. Không sốt sắng nên cảm thấy Lễ dài, anh ngao ngán liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường. Đúng lúc ấy anh nghe linh mục đọc đến câu: Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” (Gioan 15:12) Anh bỗng giật mình! Chính câu nói ấy là chìa khóa quan trọng để tháo gỡ các bế tắc anh đang gặp phải bấy lâu. Yêu thương nhau thì các môn đệ vẫn yêu thương nhau đấy thôi, nhưng để đảm bảo tình yêu thương ấy được diễn tả cách đúng đắn nhất thì Thầy dặn “như Thầy đã yêu thương anh em.” Phải chăng Thầy hiểu rõ khó khăn trong tương quan giữa con người với nhau nên mới dặn: “Như Thầy đã yêu thương”? Đây chính là chìa khóa, là bí quyết cho nghệ thuật yêu thương.
***
Muốn hiểu rõ bí quyết này cũng đơn giản thôi: chỉ cần nhìn ngắm cho kĩ cách thức diễn tả tình yêu của Thầy. Tất cả những cử chỉ, lời nói, hành động của Thầy khi diễn tả tình yêu là: tự hiến sự sống cho người mình yêu. Đó vừa là nền tảng bảo đảm cho tình yêu đích thực vừa là đỉnh cao của nghệ thật diễn tả yêu thương; cho nên, Thầy khẳng định: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu.” (Gioan 15:13)
 
Anh chợt tỉnh ngộ: Khi quan tâm, Thầy không bao giờ muốn kiểm soát cuộc đời người khác, không tỏ vẻ thiếu tin tưởng, không đòi hỏi người khác phải quan tâm lại mình, và không muốn chiếm giữ lối sống của họ. Tất cả đến từ tình yêu thương vô điều kiện của Thầy. Thầy để cho việc đáp lại tình yêu của Thầy được diễn ra hoàn toàn trong tự do và tự nguyện. Nếu có thì Thầy mừng vui hạnh phúc lắm; còn nếu không có thì Thầy đón nhận điều ấy một cách vẫn đầy yêu thương. Yêu như thế là yêu của một trái tim vĩ đại. Con người được sinh ra để trở nên vĩ đại trong tình yêu.
 
Từ ngày ấy, anh bắt đầu ngắm nhìn Thầy để học hỏi. Và anh đã hiểu: Yêu thương đích thực là hướng đến sự bình an và hạnh phúc của người khác chứ không phải để mình cảm thấy thoải mái. Chừng nào lòng mình còn hướng về chiếm hữu cho lợi ích bản thân thì chừng ấy mình vẫn chưa biết yêu thương thật sự, mình vẫn đang yêu bản thân mình là chính. Bây giờ, những người được anh quan tâm cảm thấy nhẹ lòng hơn, bình an hơn, ấm áp hơn mỗi lần gặp gỡ anh.
***
Ta cùng chiêm ngắm Thầy để cách yêu thương của ta có thêm nghệ thuật và hiệu quả, bạn nhé!



 
CHÔN SỐNG
 
 
“Chôn một người đang còn sống có là tội ác không?”
 
Giữa dòng đời đang trôi chảy với mọi sự được coi là bình thường, nó tự hỏi như thế vì chợt giật mình nhận ra một vấn đề, một vấn đề rất thường nhưng lại rất hại, có chi tiết nhỏ nhưng hậu quả lại to. Nó thấy rợn người dẫu rằng đối với một kẻ vô tâm thì cái rợn người ấy chỉ là biểu hiện của một sự nhạy cảm quá đáng. Ngày xưa nó cũng thế. Nhưng gần đây, chứng kiến một biến cố, nó chợt nhận ra điều quý giá nhất của cuộc đời một con người và từ đó nó hạ quyết tâm sống nghiêm túc cái gọi là tương quan.
***
Biến cố thay đổi cách nhìn cách sống của nó là một điều vẫn diễn ra mỗi ngày trên trần gian này. Chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời, người ta vẫn nói vậy, nhưng nó thì khác.
 
Chiếc xe lăn chầm chậm trong buổi chiều thu tiến về một nơi xa xăm trong cảm nhận của đoàn người đưa tiễn. Tiếng kèn tây thỉnh thoảng nổi lên chen lẫn tiếng người nức nở. Chút nữa đây, họ sẽ dừng lại. Tiếng khóc sẽ tạm lặng xuống nhường chỗ cho ít khoảnh khắc cầu nguyện và lời từ biệt cuối cùng. Rồi tiếng khóc sẽ lại vang lên, vang lên đến nghẹn thở, như thể đây là lần cuối cùng được khóc, khi họ cùng nhau cử hành một việc bình thường như tất cả mọi việc bình thường khác. Chút nữa đây, họ sẽ chôn một người đã chết. Còn chuyện gì bình thường hơn thế đâu.
 
Sau khi chôn cất xong, mọi người trở về với cuộc sống bình thường. Mọi sự lại diễn ra bình thường theo cái nhìn bình thường của người bình thường, cùng nhau sống bình thường cho đến khi lập lại một biến cố bình thường nữa là chôn thêm một người qua đời. Nó cũng ở trong vòng quay bình thường ấy và cũng cứ nghĩ mọi sự là bình thường cho đến khi nó chợt nhận ra một sự rất bất thường trong lối hành xử mà người ta coi là bình thường. Nó giật mình phát hiện ra những vụ “chôn sống” xảy ra chung quanh. Người ta “chôn sống” nhau hoặc tự “chôn sống” mình giữa thanh thiên bạch nhật một cách vô tâm, vô tình, vô ý, vô lý, vô duyên, vô cùng đáng tiếc. Trong đầu nó thoáng hiện về những vụ “chôn sống” mà nó đã từng chứng kiến. Xin kể vắn tắt như sau:
 
Lần kia đang ngồi uống nước trong quán cà phê, nó nghe một người đàn ông ở bàn kế bên hằn học nói chuyện với vợ: “Bà hồ đồ thế! Không hiểu biết về tính toán mà cũng lanh chanh.”
 
Một lần đi dạo công viên, nó gặp lại thằng bạn cùng lớp hồi trung học. Hỏi thăm cuộc sống của nhau những năm qua, thằng bạn tâm sự: “Tao làm đâu thất bại đó, chẳng bao giờ thành công. Chán như con gián!”
 
Lúc nó học phổ thông, mấy lần cô giáo nhận xét một đứa bạn cùng lớp: “Em không có khả năng ngoại ngữ. Cô dạy hết cả hơi mà vẫn chẳng hiểu gì.” Nản quá, thằng bạn tính bỏ học. May thay gia đình thúc ép hắn tiếp tục học. Rồi cuộc đời đưa đẩy thế nào đó mà bây giờ hắn đang làm giáo viên cho một trung tâm ngoại ngữ.
 
Một lần khác, có người bà con kể cho nó nghe chuyện một thanh niên từ quê lên thành phố làm việc nhưng lại sa lầy vào con đường hút chích. Gã thanh niên ấy tán gia bại sản rồi nhiễm thói trộm cắp đồ đạc của người khác trong chung cư. Người ta đã bắt hắn đi cai nghiện ba lần rồi nhưng sau khi ra khỏi trại thì ngựa lại quen đường cũ. Người bà con có ý hỏi nó có muốn cùng góp chút tài chính để tìm cách giúp gã này thoát khỏi cái vòng nghiện ngập điêu đứng. Nghe kể không nó đã sùng cả máu, nói chi đến việc giúp đỡ. Nó trả lời ngay: “Ông tưởng tiền bạc của tui từ trời rơi xuống hả? Cái thứ đó không sửa đổi nổi đâu!” Gã nghiện đáng thương ấy đã bị đẩy thêm một bước nữa vào con đường… Chí Phèo. Đường hoàn lương của gã bỗng gồ ghề gấp bội.
 
Còn nhiều vụ nữa vẫn đang xảy ra…
 
Bàng hoàng trước những vụ “chôn sống” mà chính nó cũng vướng vào, nó loay hoay đi tìm đường giải thoát. Nó ý thức vấn đề nguy hại này nhưng không biết phải làm sao. Loay hoay. Loay hoay.
***
Một buổi sáng mùa xuân, nó tắp vào một cửa hàng bán quần áo để mua một món quà tặng sinh nhật bạn. Đang chọn đồ, nó nghe cuộc nói chuyện rất bình thường của cô nhân viên và chủ tiệm.
- “Em lại làm sai nữa. Xin lỗi chị Thảo vì em không tốt. Buồn quá!”
- “Không sao đâu em. Hồi trước mới vào nghề, chị cũng chưa tốt được như bây giờ. Chị cũng phải đi từng bước thôi em. Xin lỗi em vì lúc nãy chị chưa đủ kiên nhẫn và cảm thông!”
 
Đầu óc nó bỗng chốc bừng tỉnh và tìm ra lối thoát cho vấn nạn mà chính nó đang loay hoay. Chìa khóa để hóa giải những vụ “chôn sống” kia hóa ra rất đơn giản: thay từ “không” bằng từ “chưa” vào thái độ và cung cách ứng xử hằng ngày. Áp dụng thử vào những trường hợp trên, nó thấy mọi sự bỗng trở nên nhẹ nhàng, tích cực, nhiều cảm thông, nhiều hy vọng và lạc quan hơn.
***
Suy nghĩ và hành xử theo chữ “không” có thể sẽ chặn đứng sự lớn lên của một tiềm năng. “Không” đào mồ chôn chết người đang còn sống và thay đổi mỗi ngày. “Không” là đóng các cánh cửa dẫn đến bất ngờ. “Không” trói chặt chân tay người bằng sợi xích vô hình. “Không” là từ chối tin tưởng. “Không” là một thái độ “vô thần”.
 
Người biết sống chữ “chưa” là người mang trong mình sự hy vọng, là người nhìn đâu cũng thấy cơ hội. “Chưa” nghĩa là luôn hướng về phía trước, không đầu hàng với khó khăn, nghịch cảnh. “Chưa” là mở ra cánh cửa cho những tài năng tiềm ẩn được bộc lộ. “Chưa” tạo thêm không gian, thời gian cho những gì cần hoàn thiện được hoàn thiện. “Chưa” là thể hiện bản lãnh kiên nhẫn. “Chưa” nghĩa là tin vào chính mình, tin vào tha nhân và tin vào Đấng có quyền năng biến đổi tất cả. “Chưa”“sẽ”, là tiến về tương lai đang chờ đón.
 
Dĩ nhiên, một sự tỉnh táo và quân bình giữa hai thái độ sống trên là điều cần thiết của người trưởng thành.
***
Bây giờ nó đã biết cách tránh “chôn sống” người khác và bản thân. Nó sẽ tiếp tục phá đi những “mồ chôn” trong cuộc sống. Nó xác định rõ mình là người của niềm tin, của hy vọng, của kiên nhẫn, của lạc quan vì nó là người mang trong mình sức sống của Thầy Giêsu Phục Sinh, Đấng đã phá tung mồ chôn của sự chết. Alleluia.
 
 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: tình yêu
  • Xem phản hồi
  • -- Gửi phản hồi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ TÂN LỘC

  LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ TÂN LỘC Giáo xứ Tân Lộc, trực thuộc giáo phận Vinh, được ghi vào biên niên sử của Giáo Hội hoàn vũ, chúng tôi xin được phép ôn lại một vài nét sử liệu với những sự nghiệp mà cha ông chúng tôi đã gầy dựng trong suốt mấy thế kỷ qua, và nhận...

Đăng nhập thành viên