Chiếc bánh cuộc đời

Chiếc bánh cuộc đời


Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa,

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).

Đã đọc lâu lắm rồi, nhưng tôi vẫn không quên bài báo năm xưa với tựa đề “Nửa Điểm Và Số Phận”. Câu chuyện kể về hai anh em song sinh cùng thi đại học, người anh vừa đủ điểm đậu, còn người em thiếu 0,5 điểm nên sẽ đi nghĩa vụ quân sự. Thương người em tính tình nhút nhát khó thích nghi ở quân trường, người anh nhường cho em số điểm của mình để vào đại học, vì hai anh em trông giống hệt nhau. Thời gian trôi mau, người em xong đại học với bằng kỹ sư, cưới vợ và sống ung dung ở Thành Phố; còn người anh mãn thời gian quân ngũ, trở về quê lấy vợ và sống vất vả với nghề nuôi vịt.

Cao trào của câu chuyện không phải chuyện anh nhường nửa điểm cho em để rồi “thân bại danh liệt” mà là chàng thanh niên hào hiệp đó đã bị người em đối xử cách tệ bạc, khinh miệt.

Tôi cũng không quên bài diễn văn của Micheal Lewis nhân lễ tốt nghiệp năm 2012 của Đại Học danh tiếng Princeton. Ông khuyên các sinh viên: “Đừng ăn cái bánh do may mắn đem lại”[1] qua nghiên cứu sau: Người ta làm phép thử với các nhóm toàn nam hoặc toàn nữ, và chọn một người cách ngẫu nhiên làm trưởng nhóm, sau đó phân phát cho họ một đĩa bánh luôn có dư một cái. Quan sát cho thấy, người được chọn làm trưởng nhóm cách ngẫu nhiên luôn là người tự cho mình quyền được lấy cái bánh may mắn đó.

Thế giới này chẳng bao giờ phẳng như ý tưởng của Thomas L. Friedman trong cuốn sách best selling một thời “the world is flat” đâu. Làm thế nào mà mọi người đều có cơ hội ngang nhau cơ chứ? Sinh ra ở Bắc hàn hay Nam Hàn thôi đã là khác biệt lắm rồi. Sẽ có những người may mắn hơn. Vấn đề là: ai nhận mình là người may mắn đó? Ai cho mình quyền được hưởng phần bánh thêm mà người khác không bao giờ dám nghĩ tới?

Người em trong câu chuyện trên đã không thể từ chối nửa điểm của anh mình, bởi anh ta nghĩ rằng mình đáng được như vậy mà không cần phải mang ơn. Người trưởng nhóm cách ngẫu nhiên cũng tự cho mình quyền lấy cái bánh dư may mắn. Những nhóm đặc quyền đặc lợi trong xã hội cũng cho mình quyền được hưởng bổng lộc từ công khó của kẻ khác. Thậm chí Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 26/11/2014 mới đây còn đổ lỗi tình trạng tham nhũng cho các doanh nghiệp: “Tham nhũng là do doanh nghiệp. .. Doanh nghiệp là tác nhân gây tham nhũng rất lớn. .. doanh nghiệp phải nói không với tham nhũng,. .. không được đưa tiền cho quan chức”[2] vv… Nói như thế chẳng khác nào quan chức thì được quyền hưởng bổng lộc, còn nếu có sai thì do doanh nghiệp?

Chính vì các ích lợi bất thường, nảy sinh tình trạng chạy việc hàng trăm triệu để được vào biên chế nhà nước với số lương căn bản có vài triệu trên tháng. Khi sự việc vỡ lỡ, người ta có thể đặt câu hỏi viết hoa tại sao có tình trạng chạy 600 triệu mới vào được trường công an trong khi lương của thiếu úy, trung úy, chỉ từ 5-6 triệu. Hơn nữa, như Đại tướng công an Trần Đại Quang ngậm ngùi “mỗi ca trực CSGT chỉ mua được cái bánh mì”[3]. Họ mất số tiền đó để làm gì vậy? Để mua cái nóng, cái nắng, cái bụi của ca trực ngoài trời sao?

Bởi thế, những người dám bỏ biên chế nhà nước để ra ngoài làm việc bằng khả năng của mình thật khó hiểu nhưng rất đáng trân trọng. Họ đã dám từ bỏ chiếc bánh may mắn của cuộc đời. Họ muốn sống công bằng với bản thân và với mọi người. Chấp nhận thách thức để biến chúng thành cơ hội. Đó chính là những người lạc quan, những người làm cho cuộc đời hạnh phúc, vì như ai đó đã nói: “Kẻ bi quan luôn nhìn thấy sự khó khăn trong mỗi cơ hội; người lạc quan luôn nhìn thấy các cơ hội trong mọi khó khăn”.

Ngay cả trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây cũng kêu gọi các giáo sĩ mạnh dạn từ chối đặc quyền đặc lợi. Từ chối, không phải vì “khiêm nhường” mà chính là vì “công bằng” với những người khác. Và khi từ chối một ưu đãi, hãy thực hiện cách hết sức tự nhiên, chứ đừng gây chú ý. Về mặt tâm lý bề trên, người ta dễ dàng có thể khước từ một vinh dự khi được mời ngồi ghế nhất trên một chuyến xe, ghế quan trọng trong các bữa tiệc; và đồng thời, rất có thể sẽ khó chịu, ấm ức khi không được quan tâm, mời vào vị trí vinh dự. Làm một hành vi xem ra cao thượng trước đám đông đang chú ý thật là dễ dàng; còn sống một cách thanh thản, nhẹ nhàng trong bất cứ tình huống nào, cho dù không được ai quan tâm, thì chỉ ai có tâm hồn cao thượng mới làm được. 

Hy sinh phần lớn tài sản cho công tác từ thiện như Bill Gate là điều rất quý, xã hội cần có những tấm lòng cao cả như vậy. Ta ước gì ta có nhiều tiền để ta có thể làm như thế. Tuy nhiên, hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cả cuộc sống như một số tu sĩ để sống với những người phong hủi, với những người bệnh aids thì hoàn toàn không dễ chút nào. Đó là cuộc sống của các thánh. Và ta đã không dám ao ước điều đó.

Cách thức Chúa Giêsu nhập thể rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi người ta chỉ biết Người là con của bác thợ mộc. Người không chỉ từ chối chiếc bánh may mắn của cuộc đời, nhưng còn “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang”. Người không chỉ khuyên ta từ chối sự ưu đãi, từ chối chiếc bánh may mắn, nhưng Người thật sự muốn chúng ta trở nên tấm bánh bẻ ra cho cuộc đời này. Đó là Tin Mừng cho thế giới.

Tất cả chúng ta, lúc nào đó trong cuộc đời, đều nhận được chiếc bánh may mắn. Nếu chúng ta dám từ chối nó, hay ít ra biết chia sẻ với mọi người, thế giới này sẽ tươi đẹp hơn.

“Giàu có không phải vì những gì ta có, nhưng là vì những gì ta có thể cho đi”.

Long Xuyên, Chúa Nhật thứ I mùa Vọng 2014

[1] http://www.princeton.edu/main/news/archive/S33/87/54K53/

[2] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/pho-thu-tuong-doanh-nghiep-khong-duoc-dua-tien-cho-quan-chuc-3112819.html

[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/moi-ca-truc-cua-csgt-chi-du-mua-cai-banh-my-2918271.html

(39)

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: