BONG BÓNG KINH TẾ VIỆT NAM SẮP VỠ TUNG

BONG BÓNG KINH TẾ VIỆT NAM SẮP VỠ TUNG

Ai cũng biết, vay nợ mới để trả nợ cũ chưa bao giờ là biện pháp giải quyết hay, nó chỉ là “giật gấu vá vai” cấp thời cho các chủ nợ khỏi phải “siết nợ”, không bao giờ trả được hết nợ mà về lâu về dài số nợ vay sẽ ngày càng lớn hơn, cuối cùng dẫn đến kết cục tất yếu được báo trước là vỡ nợ.

 Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 nợ công của Việt Nam chiếm gần 95% GDP, nhưng theo báo cáo tài chính được trình Quốc hội thì nợ công vẫn “chưa vượt mức nguy hiểm”, tức là chưa đến 65% GDP. Nguyên nhân có sự chênh lệch quá xa này là do WB đã cộng tất cả các khoản doanh nghiệp quốc doanh vay nước ngoài (có Chính phủ Việt Nam ký bảo lãnh) vào nợ vay, còn Bộ Tài chính thì không cộng, coi như đó là chuyện riêng của doanh nghiệp.

Đây là một cách tính để lừa bịp dư luận khi phải trình con số nợ công công khai ra cuộc họp Quốc hội, tất nhiên thông qua báo chí người dân cũng biết. Cách tính của WB là chính xác, bởi lẽ doanh nghiệp quốc doanh chủ sở hữu cuối cùng chính là Chính phủ, người bảo lãnh đi vay là Chính phủ, doanh nghiệp không trả được nợ (Ví dụ: vụ Vinashin, Vinaline) thì Chính phủ phải trả thay, định giựt nợ mà được à?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn đưa ra những nhận định và số liệu nóng: Chúng ta mất cân đối ngân sách nhà nước kéo dài, bội chi từ 112.000 tỉ đồng năm 2011 lên đến 226.000 tỉ đồng năm 2015. Đó là chưa kể nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư để ngoài cân đối ngân sách và giải ngân nguồn vốn ODA.”, “nợ công của nước ta tăng rất nhanh, bình quân khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm qua, từ 1,3 triệu tỉ đồng năm 2011 lên đến dự kiến 2,7 triệu tỉ đồng năm 2015.”

Như vậy, thực tế con số nợ công của Việt Nam hiện nay rất là khổng lồ, có thể vượt cả 100% GDP. “Trong khi đó từ năm 2013 đến nay, ngân sách không cân đối được đủ nguồn để trả lãi nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả, mà phải vay nợ mới để trả một phần nợ cũ.”

Năm 2013, lần đầu tiên vay đảo nợ với 40.000 tỉ đồng, năm 2015 là khoảng 125.000 tỉ đồng. Sự bị động của ngân sách nhà nước đã thể hiện qua việc phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi tài sản đang sinh lời, phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay nước ngoài trả trong nước, huy động cả cổ tức của doanh nghiệp nhà nước để đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.” (Tuổi Trẻ ngày 04/11/2015)

Người dân khi vay nợ mới trả nợ cũ, phá sản, bị bắt giam với tội danh “lừa đảo”. Chính phủ Việt Nam cũng đang dùng cách y như vậy, nhưng được che đậy bằng từ ngữ mỹ miều, thơm tho hơn, đó là “đảo nợ”, “cơ cấu lại nợ”, nhưng thực chất đó chính là hành vi lừa đảo.

Trong khi đó, tiền thuế của dân vẫn cứ tiếp tục đổ vào các công trình tượng đài ngàn tỷ trải dài từ Nam ra Bắc. 63 tỉnh thành từ Bắc vào Nam đố có tỉnh, thành nào thiếu vắng cái gọi là “đền thờ Bác Hồ” được xây dựng quy mô, hoành tráng từ tiền ngân sách để các quan chức nhà cầm quyền cộng sản “tự sướng” với nhau và để mị dân. Đầu tư xây dựng cơ bản thì công trình ngàn tỷ vừa thông xe đã sụt, lún, nứt, nghiêng, sụp… với các lý do trời ơi đất hỡi như: thời tiết, đất mềm, nhựa rải đường đời cũ, xe quá nặng… để xây rồi sửa, sửa rồi xây, xây rồi lại sửa tiếp… đến mức độ người dân chán ngấy không còn muốn theo dõi vụ việc hay chửi bới nữa. Nhà cầm quyền cộng sản cố tình không nhìn thấy các công trình hạ tầng xây dựng ở miền Nam từ thời ông Ngô Đình Diệm vẫn cứ tồn tại chình ình mà không thấy thời tiết, đất mềm, nhựa đời cũ, xe nặng… ảnh hưởng gì đến chúng, nhưng người dân miền Nam vẫn nhìn thấy chúng, điển hình là Xa lộ Đại Hàn ở Sài Gòn, nhờ chúng mà thấy rõ hơn bộ mặt dối trá, tham nhũng của nhà cầm quyền cộng sản.

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của VN những năm tới rất lớn, nhưng dự kiến đến tháng 7.2017 có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.” (Thanh Niên ngày 11/5/2016)

Đến mức này thì không thể sử dụng chiêu “đảo nợ” hay “cơ cấu lại nợ” được nữa rồi. Việt Nam sẽ vỡ nợ trong một tương lai rất gần. Các đại gia chứa vàng trong nhà chuẩn bị tâm lý trở thành “đại gia oan” đi nhé, các vị đừng lo, thời nay bất quá mất vàng, không đến nỗi mất mạng như bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long năm nào.

Báo Thanh Niên cho hay: “Ngày 13.5, giá USD trên thị trường tự do được giao dịch ở mức 22.290 đồng/USD, thấp hơn trong hệ thống ngân hàng 50 đồng/USD”. Điều này chứng tỏ ngân hàng nhà nước đang cố gắng thu hút USD vào và hạn chế bán đồng ngoại tệ mạnh này ra, có nghĩa là USD đang “trống vắng” trong ngân khố quốc gia.

Báo chí cộng sản Việt Nam cũng luôn “bơm” lên rằng nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế mạnh đứng thứ hai sau Mỹ và trong mười năm tới sẽ vượt kinh tế Mỹ, cho nên kinh tế Việt Nam cần dựa vào kinh tế Trung Quốc để phát triển. Đó cũng là tuyên truyền mị dân, lừa bịp để ngụy biện cho việc tại sao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cứ cố “đu bám” theo Trung Quốc, đi ngược lại ý chí phần lớn người dân Việt Nam, thực chất việc cộng sản Việt Nam cứ “bám riết” Trung Quốc chỉ vì lợi ích nhóm mà thôi. Bởi lẽ ai cũng biết kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đầy chất độc cả thế giới đều sợ, ăn cắp, kém chất lượng, là công xưởng hàng giả lớn nhất thế giới; nên không thể so sánh với nền kinh tế Mỹ an toàn, chất lượng và liên tục sáng tạo được.

Không nói thì ai cũng biết nạn đói đang bắt đầu ngấp nghé Việt Nam khi mà thiên tai, địch họa bủa vây.

Chưa nói đến nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế FDI, phụ thuộc vào vốn FDI. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần rút vốn về nước hay chuyển sang đầu tư ở Lào, Campuchia chẳng hạn, thì kinh tế Việt Nam hấp hối, ngáp ngáp như cá mắc cạn.

Nhà cầm quyền cộng sản rất “thâm thù” với các quỹ đầu tư mua bán nợ và gọi đó là những “quỹ kền kền”. “Ghét của nào trời trao của nấy”, theo tình hình này, bóng dáng bầy kền kền ấy đang ở rất gần nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Khủng khoảng kinh tế sẽ kéo theo khủng hoảng chính trị, đó là quy luật tất yếu từ xưa đến nay của xã hội loài ngoài, chế độ cộng sản cứ cho rằng mình đứng ngoài hệ thống kinh tế tư bản, vẫn không thể tránh khỏi vỡ vụn như bong bóng một khi khủng hoảng nổ ra.

Nguồn: Blog:Tạ Phong Tần

[post-views]
Pin It

Gửi phản hồi