BỨC HỌA HÔN NHÂN


BỨC HỌA HÔN NHÂN 
 
Đời sống hôn nhân và hình ảnh về đời sống này đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tiến hóa, những tư tưởng và lối sống tự do làm đảo lộn, và biến dạng. Nhiều người hoang mang và tự hỏi: “Thế nào là một hình ảnh trung thực về hôn nhân, và thế nào là đời sống hôn nhân đúng nghĩa?”.

NHỮNG HIỆN TƯỢNG MỚI VỀ HÔN NHÂN

Ngày nay nhiều nơi trên thế giới, và riêng tại Hoa Kỳ, tình trạng trai gái sống chung với nhau không hôn thú đã trở thành một lối sống được xã hội chấp nhận. Trai gái, đàn ông đàn bà cứ việc sống thoải mái với nhau như vợ chồng, có con với nhau. Họ vẫn coi nhau như bạn trai, bạn gái hoặc tình nhân, chừng nào thấy không thích thì tìm người khác.

Về mặt luân lý và xã hội, không những danh từ ngoại tình không còn ý nghĩa nữa, mà những danh từ khác như hoang thai, chửa hoang thường dùng để gọi những phụ nữ không lập gia đình mà có thai và có con, cũng được thay thế bằng những mỹ từ như single mother (người mẹ đơn chiếc), hoặc có thai ngoài hôn nhân. Người ta không còn ngại ngùng, xấu hổ khi nói về tình trạng hoang thai, hay con của họ là những người con không cha nữa, vì ly dị đã mang tính cách phổ biến.

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, những người mẹ đơn chiếc đã chiếm hơn 60% những gia đình do phụ nữ làm chủ, và những người cha đơn chiếc chiếm hơn 40% những gia đình do đàn ông làm chủ. Số gia đình còn lại khoảng 30% không do ai làm chủ cả. Số này bao gồm những thành phần độc thân, đồng tính luyến ái, hoặc trai gái sống chung với nhau.

Cũng theo tài liệu thống kê cho thấy trong năm 1991, có 2.371.000 vụ kết hôn thì đã có 1.187.000 vụ ly dị, tức trung bình cứ hai cặp kết hôn có một cặp ly dị.

Hiện tượng đồng tính luyến ái tại các quốc gia Âu Mỹ cũng đang làm biến thái đời sống hôn nhân bằng những cuộc tình và những hôn nhân giữa hai người cùng phái tính. Hai người đàn ông con trai, hoặc hai người đàn bà con gái sống với nhau như vợ chồng, trao đổi tình dục với nhau, và gọi nhau là người yêu.

Trong khi những cuộc tranh luận còn đang ồn ào xẩy ra về tính chất luân lý, xã hội, và tâm lý của nhóm người này, ngày 8 tháng 2 năm 1994, Nghị Viện Âu Châu với 159 phiếu thuận và 94 phiếu chống, đã cho phép những người đồng tính luyến ái được quyền làm hôn thú theo luật định, và cho những cặp vợ chồng này được quyền nhận những con nuôi. Một số tôn giáo, những nghi thức hôn nhân tôn giáo đã được cử hành cho những cặp vợ chồng này.

Đời sống hôn nhân và quan niệm về hôn nhân như trên đối với phần đông người Việt Nam là một điều không thể chấp nhận. Nói như thế không có nghĩa là ảnh hưởng của các trào lưu hôn nhân mới mẻ kia không vào được nhà của người Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây của một giáo sư đại học ở San Diego đã cho biết tỷ lệ ly dị trong các gia đình người Việt tại Hoa Kỳ là 42%. Đó là chưa kể tình trạng của những người đã bỏ nhau nhưng không ly dị và đang sống với người khác như vợ chồng. Nhiều tác phẩm và nhiều nghiên cứu đã được viết hoặc trình bày về đề tài hôn nhân. Mỗi cuốn khảo cứu về một khía cạnh khác nhau với những lối nhìn khác nhau. Đời sống hôn nhân phức tạp thế nào, các sách vở viết về hôn nhân cũng phức tạp như vậy.

Có những tác phẩm trình bày khuynh hướng trữ tình, tự do luyến ái, tự do kết hôn, hôn nhân đồng tính luyến ái, hoặc hôn nhân lãng mạn. Đời sống hôn nhân theo khuynh hướng và lối sống của thời đại bao gồm giữa tình yêu, tình bạn, và tiền bạc. Thí dụ, hai vợ chồng sống chung với nhau dưới một mái nhà, nhưng tiền của ai làm người nấy giữ. Tiền ăn, tiền ở, tiền trang trải việc nuôi nấng con cái mỗi người bỏ ra một nửa. Một cuộc sống sòng phẳng, tự do và không bị ràng buộc. Nếu không thấy thoải mái với nhau, họ sẵn sàng ly dị và đi tìm một cuộc tình mới một cách tự nhiên, không thắc mắc.

Nhưng đa số các tác phẩm trình bày về hôn nhân đều ca tụng nếp sống gia đình, đề cao những giá trị hôn nhân gia đình, đề cao trách nhiệm của hôn nhân như bổn phận người chồng, bổn phận người vợ, tình yêu, và lòng chung thủy. Và mặc dù viết về hôn nhân và những giá trị của hôn nhân, phần lớn các tác phẩm này chú trọng nhiều đến hình thức tiểu gia đình, khía cạnh tự do hôn nhân, thái độ bình quyền, hình thức chia sẻ trách nhiệm và bổn phận.

Riêng đối với những tác phẩm trình bày về hôn nhân bằng Việt ngữ, đa số thuộc loại dịch thuật, diễn tả những mô thức hôn nhân xa lạ với thực tế xã hội và cuộc sống người Việt. Do đó, đối với độc giả Việt Nam, những tác phẩm như thế chỉ đóng vai trò giới thiệu hơn là giáo dục, hoặc hướng dẫn.

Đối với những tác phẩm do người Việt viết hay sáng tác, phần lớn thuộc loại phóng tác. Nội dung thường chứa đựng những lời Thánh Kinh, những lời răn dạy của Khổng Tử, những câu ca dao, tục ngữ về hôn nhân và gia đình. Mục đích những tác phẩm này là nêu lên những lý tưởng và mẫu mực cho đời sống hôn nhân, trình bày những mẫu gia đình có nề nếp gia phong và lý tưởng. Khi cần giải quyết các vấn đề đang làm đổ vỡ nhiều gia đình, phần lớn các tác giả chỉ quan tâm đến những khía cạnh luân lý, đạo đức, hay thanh danh gia đình, mà ít khi đề cập đến những gì đang xẩy ra chung quanh cuộc sống có ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân.

Trước những biến thái về hôn nhân ngày càng lan rộng do ảnh hưởng của những triết lý sống mới, ai cũng cho rằng những hiện tượng tha hóa đó đang gây nên những rạn nứt, làm sụp đổ nền móng của tòa nhà hôn nhân, và làm biến dạng gia đình và văn hóa thế giới. Nếu chỉ quảng diễn hôn nhân theo những khuôn mẫu đạo đức cổ kính và truyền thống sẵn có, ta dễ trở thành xa lạ và lập dị. Vì thế, muốn thăng tiến hôn nhân, muốn giữ được bản chất giá trị của nền tảng gia đình, điều cần thiết là phải nghiên cứu và tìm được những lý do tại sao khiến nhiều người coi thường, và không quí trọng những giá trị đó nữa.

CÁI NHÌN KHÁI QUÁT VỀ HÔN NHÂN

Hôn nhân có thể được định nghĩa bằng nhiều cách. Tùy theo phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, và cũng tùy theo tiến trình tiến hóa của nhân loại, hôn nhân được quan niệm thế này hoặc thế khác. Nhưng ý nghĩa cuối cùng và căn bản nhất của hôn nhân vẫn là một cuộc sống lứa đôi giữa người chồng và người vợ.

Trong cuộc sống hôn nhân, người chồng và người vợ được trói buộc bằng những sợi giây vô hình nhưng bền vững gồm sợi giây tình cảm, sợi giây tình yêu, sợi giây tình dục, sợi giây luật pháp, sợi giây luân lý, và sợi giây tinh thần. Tất cả những ràng buộc này có một mục đích rõ ràng là nhằm củng cố, thắt chặt mối tình và đời sống của hai người, giúp họ vượt qua những khủng hoảng, những sóng gió cuộc đời, và để họ cùng nhau tạo lập một cuộc sống hạnh phúc.

NHÃN QUAN TINH THẦN: 

Trong khi ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng mới đang biến đổi đời sống hôn nhân, đôi khi thái quá đến trở thành biến dạng đời sống này tại nhiều quốc gia tân tiến trên thế giới, thì đối với phần đông người Việt Nam, hôn nhân vẫn được tôn trọng qua hình thức tôn giáo và truyền thống.

Đa số người Việt Nam vẫn còn nhìn hôn nhân bằng một cái nhìn mang nhiều tính chất thần linh. Dưới nhãn quan tôn giáo, hôn nhân là một cơ duyên trời định.

Khi bàn về hôn nhân, phần đông người Việt Nam cho rằng hôn nhân của họ là do trời cao đã xếp đặt, đã thúc đẩy, và đã tạo cơ hội để họ nối kết với nhau. Hình ảnh ông tơ, bà nguyệt chính là những hình ảnh thực tế hóa của suy luận tâm linh về ý nghĩa tiền định trong hôn nhân đối với người Việt Nam.

Để diễn đạt ý nghĩa quan trọng và siêu nhiên của niềm tin đối với hôn nhân, nhiều người đã liên kết hôn nhân của họ với định mệnh, và coi đó như “thiên duyên”, “duyên phận”, hay “duyên kiếp”. Một số người còn mê tín trao phó cả tương lai của mình cho số mệnh mà họ nghĩ là đã được sắp đặt từ Thượng Đế.

Trong ngày vui mừng của đôi tân hôn, mọi người trong gia đình, gia tộc hai bên đều cầu chúc cho cô dâu, chú rể sống lâu trăm tuổi, sắt cầm hòa hợp, đông con, nhiều cháu. Những lời chúc này phản ảnh sự tin tưởng vào hoa trái tinh thần và phúc lộc cao cả của đời sống hôn nhân.

Lịch sử văn hóa Việt Nam đã cho thấy trong quá khứ, xã hội Việt Nam vì bị ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Nho Giáo, nên quan niệm hôn nhân trên ngoài việc nâng cao giá trị đời sống tinh thần của những ai sống trong đời sống hôn nhân, nó cũng là một điều yên ủi, có khả năng làm lắng dịu những bùng nổ trong tâm tư nhiều người, nhất là nữ giới giữa một xã hội trọng nam, khinh nữ. Giữa một triết lý sống mà người đàn ông được coi như chúa tể trong gia đình và ngoài xã hội, còn người đàn bà chỉ là phụ thuộc.

Ngày nay, ảnh hưởng của những tư tưởng trên tuy không còn mạnh mẽ nữa, nhưng nhiều đàn ông Việt Nam vẫn cố bám bứu vào đó, và vẫn còn ngụy biện ý nghĩa đạo đức khi dùng tam tòng, tứ đức của Nho Giáo để giải thích những hành động sai trái của họ trong hôn nhân. Tuy nhiên, đối với nhiều phụ nữ Việt Nam lúc này, những lối giải thích đó đã không trả lời thỏa đáng những vấn nạn về vai trò của nữ giới trong hôn nhân, giữa một thế giới đang biến chuyển do những tư tưởng nam nữ bình quyền, tự do yêu thương, bổn phận và trách nhiệm.

Nhưng bên ngoài lớp vỏ sần xùi và nặng nề của hình thức mà nhiều người Việt nam vẫn thường cho là đạo đức đó, hôn nhân của người Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với quan niệm hôn nhân của những dân tộc ảnh hưởng Kitô Giáo. Khi đề cập đến hôn nhân theo nhãn quan tôn giáo, phần đông người Việt Nam tuy không dùng từ ngữ “bí tích” hoặc “ơn gọi” để nói về cuộc sống này, nhưng vẫn coi hôn nhân như một sự ràng buộc tinh thần. Ngoài ra, những hành động của đời sống hôn nhân cũng được coi như một đạo lý sống, gọi là đạo vợ chồng. Người ta có thể nhìn thấy tính chất tôn giáo trong bất cứ một đám cưới nào tại Việt Nam. Trong ngày thành hôn, cô dâu và chú rể phải đến thánh đường, chùa miếu, thánh thất, hoặc trước bàn thờ tổ tiên tại tư gia để trao cho nhau lời hôn thệ, và để được chúc phúc.

Đạo lý hôn nhân của người Việt Nam, nếu được phân tích một cách kỹ lưỡng và khách quan, nó cũng diễn đạt cùng một tư tưởng mà Kitô Giáo đã quan niệm về hôn nhân. Theo Kitô Giáo, cuộc sống hôn nhân bắt nguồn từ Thượng Đế. Thánh Kinh Kitô Giáo kể rằng, trong buổi đầu tạo dựng, Thượng Đế đã tạo nên con người bằng bùn đất, thổi sinh khí vào và làm cho sinh động. Sau đó, Ngài cho Adong ngủ say, lấy một xương sườn của Ông làm nên Evà, rồi dẫn đến trước mặt Adong, khiến Ông đã sửng sốt thốt lên: “Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (Gn 2:23). Thượng Đế đã chúc phúc cho sự kết hợp giữa hai người khi nói với họ: “Hãy sinh sản ra nhiều trên mặt đất, và hãy thống trị trái đất"(Gn 1:28). Có lẽ do lời chúc phúc này mà người Việt Nam coi việc đông con, nhiều cháu là hoa trái tốt của hôn nhân.

Bức tranh sáng tạo, và đôi vợ chồng đầu tiên của lịch sử nhân loại đó, sau này đã được Đức Kitô vẽ lại khi trả lời những tranh biện của người Do Thái đương thời về luật ly dị. Lợi dụng dịp này, Ngài đã tái xác định giá trị tinh thần của hôn nhân, và nói với họ rằng từ đầu Thượng Đế đã không có ý định cho phép con người ly dị. Rồi Ngài khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mt 19:6). Điều Đức Kitô trả lời cho người Do Thái, cũng chính là tư tưởng về đạo sống vợ chồng của người Việt Nam, đó là “nhất phu, nhất phụ” – một vợ, một chồng.

BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM: 

Như trên vừa trình bày, quan niệm hôn nhân của người Việt Nam đã bị ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng và đạo lý của Nho Giáo. Những tư tưởng này đặt nặng bổn phận và trách nhiệm hôn nhân, trực tiếp liên quan tới đời sống đại gia đình.

Nhưng cũng như sự lạm dụng lối diễn đạt ý nghĩa tinh thần, trách nhiệm và bổn phận hôn nhân của Nho Giáo đã bị bóp méo qua những cắt nghĩa lệch lạc hoặc chủ quan của một số người. Vì thế, khi bước vào đời sống hôn nhân, nhiều thiếu nữ đã khóc không phải chỉ vì vui với đời sống mới, nhưng vì lo sợ cho viễn ảnh tương lai của mình. Bị đối xử tàn tệ ở nhà chồng. Bị làm lụng vất vả và bị sai khiến như những người ở. Nhiều phụ nữ trong xã hội Việt Nam, cho đến nay vẫn còn bị ám ảnh rằng họ phải có nhiệm vụ sinh con, để chồng có con nối dõi tông đường. Vì thế, để diễn tả biến cố một người con trai và một người con gái bước vào đời sống hôn nhân, người Việt Nam đã dùng từ ngữ “lập gia đình” hay “đi gánh vác”.

Thật ra, ý nghĩa cuối cùng của hôn nhân theo Nho Giáo, không phải chỉ là những gò bó và trói buộc bằng những luật lệ vô lý, khe khắt, và thiếu uyển chuyển. Cũng không phải chỉ chú tâm vào những trách nhiệm đối với nhà chồng, nhà vợ, với họ hàng bên chồng hay họ hàng bên vợ, với đại gia đình hai bên. Trách nhiệm chính của hôn nhân phải hiểu là những bổn phận trực tiếp liên quan đến một gia đình mới giữa hai vợ chồng, và những trách nhiệm liên quan đến cuộc sống mới của hai người.

Khổng Tử luôn đề cao vai trò đạo đức trong mọi góc cạnh của cuộc sống con người, kể cả đời sống hôn nhân. Như vậy, đạo vợ chồng đúng nghĩa theo Nho Giáo, trước hết là phải chu toàn cách tốt đẹp bổn phận và trách nhiệm của người chồng đối với vợ, và người vợ đối với chồng. Ở quan niệm này ta mới tìm thấy ý nghĩa đẹp đẽ mà vợ chồng thường dùng gọi nhau, và đã được thực tế hoá bằng một từ ngữ hết sức đơn sơ nhưng rõ ràng, đó là người vợ hay người chồng nói về nhau trước mặt người khác là “nhà tôi”. Nhà tôi hôm nay bận công việc ở sở làm. Nhà tôi mới đi công chuyện.

Hình ảnh diễn tả cuộc sống mới, phải bắt nguồn từ một căn nhà nhỏ bé trong đó có hai người đã thề nguyền yêu nhau, và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Chính trong căn nhà tinh thần của đời sống hôn nhân, và căn nhà vật chất của hai người đang ở đó, tình yêu họ sẽ triển nở, và những người con trai, con gái của họ sẽ chào đời.

Rồi trong trách nhiệm tương thân, tương ái, và đồng thuận, họ mới có thể gọi nhau bằng “mình”. Mình ơi! Tôi yêu mình. Mình ơi! Tôi thương mình. Đại danh từ tôi, ở những câu nói này tuy rất mộc mạc, đơn sơ nhưng nói lên và đại diện rõ ràng cho một người, mà người đó không phải là ai khác hơn là chính tôi.

Vợ chồng gọi nhau bằng mình tuy không lãng mạn, tình tứ như khi gọi nhau bằng cưng, bằng người yêu, bằng em, hoặc bằng anh. Nhưng cưng, người yêu, em, hoặc anh vẫn nói lên một cái gì còn xa lạ, còn cách biệt, và không cận kề, không thuộc trọn về tôi, như khi tôi nói với chính mình tôi.

Mình là gì? Nếu không phải là “xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”, mà Adong đã vui mừng diễn tả khi đứng trước người yêu của Ông. Và mình là gì, nếu không phải là chính con người của tôi, của anh, hay của chị. Gọi vợ hay chồng bằng “mình”, có lẽ là một lối diễn tả đẹp đẽ nhất, thân thiết nhất, mà chỉ người Việt Nam mới có.

Vì mình là tôi, và tôi là mình, nên dẫn đến ý nghĩa của sự kết hợp vợ chồng một cách trọn vẹn, chặt chẽ đến độ: “Hai ta tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Hai tâm hồn, hai thân xác nhưng sẽ trở thành một trong hôn nhân. Ý nghĩa này chỉ tìm thấy trong hôn nhân mà thôi. Kitô Giáo cũng đề cập tới sự kết hợp này qua việc trình bày về hôn nhân giữa Adong và Evà: “Người đàn ông sẽ luyến ái vợ mình, và cả hai trở nên một huyết nhục” (Gn 2:24).
 

Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt

 

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *