Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN – B

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN – B

Lời Chúa: 1V. 17, 10-16; Dt. 9, 24-28; Mc. 12, 38-44

 

MỤC LỤC

1. Tinh thần chia sẻ. 2

2. Quy luật của sự sống là nhận và trao. 4

3. Giá trị của một món quà – Lm. Ignatiô Trần Ngà. 7

4. Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 10

5. Quảng đại và tự do – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.. 13

6. Tấm lòng người nghèo – Cố Lm. Hồng Phúc. 16

7. Từ thiện – Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 18

8. Tấm lòng quảng đại 23

9. Bỏ vào tất cả. 26

10. Cho. 29

11. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt. 31

12. Cõi lòng góa phụ – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực. 34

13. Cho tất cả – Jean Yves Garneau. 39

14. Tất cả những gì bà có. 42

15. Những tấm lòng vàng. 44

16. Suy niệm của Noel Quesson. 47

17. Cho con tim.. 49

18. Đồng tiền của bà góa. 52

19. Tấm lòng. 54

20. Nghèo túng. 57

21. Đồng tiền. 59

22. Cho đi. 62

23. Tâm tình hiến dâng – Lm. Anmai. 64

24. Đạo đức giả và quảng đại thật 70

25. Chú giải của Noel Quesson. 75

 

1. Tinh thần chia sẻ

Chuyện cổ tích Ảrập kể lại rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, nên cửa hàng của anh ta luôn bị ế ẩm. Anh ta đã làm đủ mọi cách để câu khách, nhưng chẳng ai thèm đến. Ngày kia có một người ngồi ăn xin nơi lề đường. Ông thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng trên chiếc vỉ sắt. Cuối cùng ông móc trong bị ra một miếng bánh mì, rồi lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh một cách ngon lành. Anh chàng bán thịt thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo người ăn mày đòi tiền, nhưng người ăn mày phân trần: Tôi đâu có lấy thịt anh nướng cùa anh. Khói thịt đâu có phải là thịt. Anh hàng thịt quát lớn: Khói thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi. Hai người đưa nhau lên quan toà xin xét xử. Quan toà truyền cho người ăn mày móc ra một đồng tiền cắc và bảo ném xuống nền nhà, phát ra một tiếng keng. Rồi quan toà nói: Đây là giảp pháp công bằng nhất. Người ăn mày hưởng khói thịt của anh còn anh thì hưởng tiếng keng đồng tiền của ông ta.

 Nghe câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ mỉm cười trước thái độ keo kiệt của anh hàng thịt. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác như vậy. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện kể về một người cha tham ăn đang ngồi nướng mấy con cá để nhậu lai rai. Đứa con nhỏ khóc đòi ăn, người mẹ liền dỗ: Con nín đi để mẹ xem có con nào nhỏ, mẹ sẽ xin ba cho con. Ông bố nghe vậy liền quắc mắt quát lên: Cho cái gì? Không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau.

 Tình thương không chia sẻ chỉ là tình thương giả dối, không có thật. Đứng trước những nhu cầu cần thiết của người khác, đôi lúc chúng ta đã tránh né, đã chạy trốn bằng cách trả lời: Chừng nào tôi đủ ăn đủ mặc tôi sẽ cho. Hãy để lúc khác, bây giờ tôi không có khả năng. Và cái lúc khác ấy không bao giờ đến. Chúng ta có tới 1001 lý do để biện minh cho thái độ thiếu thông cảm, thiếu yêu thương của mình.

 Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã lên ái thái độ giả dối này: Nếu có ai xin các ngươi áo ngoài, thì hãy cho họ cả áo trong nữa. Nếu có ai xin các ngươi đi với họ một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng ca ngợi ba goá nghèo chỉ bỏ vào hòm tiền được có 2 đồng tiền kẽm, thế nhưng bà là người đã dâng cúng nhiều nhất bởi vì bà dám hy sinh cả những cái thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã phán dạy: Hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi.

 Yêu thương anh em là chấp nhận, khoan dung và hết lòng phục vụ với trọn tình bác ái chân thành của mình.

2. Quy luật của sự sống là nhận và trao

    (Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Ba bài đọc hôm nay đều đề cập đến vấn đề trao ban. Đang lom khom kiếm củi, bà goá Sarepta gặp ông khách bộ hành xin nước. Trong cơn đại hạn, một giọt nước quý như vàng. Thế mà bà không tiếc những giọt nước trong mát đang cần cho cơ thể mình giữa cơn nắng cháy. Bà vui lòng đem vò nước lại cho người qua đường không quen biết. Đã uống cạn vò nước, người bộ hành lại xin ăn. Bà goá trả lời: “Tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi bữa cuối cùng. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Nhưng rồi không cầm lòng được, bà đã lượm củi, lấy chút dầu và bột cuối cùng của gia đình, làm bánh cho người khách lạ ăn. (bài đọc I Vua 17, 10-16) Và thế rồi, hũ bột sẽ không vơi, bình dầu không cạn cho đến ngày mưa xuống dồi dào cho hoa màu tốt tươi.

 Lại một bà goá khác trong đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giêsu. Bà chỉ có hai đồng tiền kẽm, giá trị chỉ bằng một phần tư đồng xu Rô-ma, là tất cả gia sản của mình. Bà đã quảng đại bỏ vào hòm dâng cúng đền thờ. Vì lợi ích chung, bà cống hiến tất cả những gì cần thiết để nuôi sống mình. (bài Tin Mừng Mc 12, 44)

 Thư Do-Thái hôm nay lại đề cập đến một Vị Thượng Tế cao cả là Đức Ki-tô, không chỉ trao ban những gì mình có, mà còn trao ban cả bản thân, trao ban đến giọt máu cuối cùng, “tự hiến tế chính mình để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (thư Do-Thái 9,28). Hiến trao là quy luật Thiên Chúa truyền ban để duy trì sự sống cho con người. Thánh Phan-xi-cô At-xi-di xác nhận chân lý nầy: “Chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính khi quên mình là lúc nhận lại bản thân.”

Nhưng có người chủ trương ngược lại: Dại gì tôi phải cho, dại gì phải hiến mình làm thân trâu ngựa cho người khác được nhờ! Đối với tôi, sống là thu vén, là tận hưởng những công lao và thành quả của người khác cũng như của tôi. Của tôi, tôi hưởng tôi xài; đèn nhà ai nấy sáng, việc gì phải cống hiến, phải trao ban!. Chủ trương như thế là “bế môn toả cảng”, là cắt đứt tương quan với tha nhân, đồng nghĩa với tự huỷ diệt.

 Trái tim của chúng ta luôn biết trao ban. Trái tim nhận máu rồi thì nó liền trao ban cho toàn thân. Nhờ đó, toàn cơ thể được sống. Ngày nào trái tim ngừng trao ban, đó là tim đứng và toàn thân phải chết. Hai lá phổi của chúng ta cũng không ngừng trao ban. Chúng liên tục tiếp nhận khí trời rồi chuyển đến cho toàn thân được sống. Ngày nào phổi ngừng trao ban là ngày phổi bệnh và toàn thân phải chết. Bao tử, ruột non, ruột già trong con người chúng ta cũng không ngừng trao ban. Mỗi khi nhận được thức ăn từ ngoài đưa vào, nó ra công chuyển hoá thành chất dinh dưỡng rồi chuyển đi nuôi toàn thân, nhờ đó toàn thân được lớn lên và mạnh sức. Ngày nào chúng ngừng trao ban, là ngày hệ tiêu hoá lâm trọng bệnh và toàn thân phải chết. Các tế bào cần trao đổi chất dinh dưỡng cho nhau để duy trì sự sống cho mình. Các cơ quan như tim, phổi, ruột gan.. cũng phải trao đổi những gì chúng nhận được để duy trì sự sống cho mình và cho toàn thân.

 Cuộc sống của các thành viên trong gia đình được phát huy và tồn tại cũng hệ tại ở việc nhận và trao. Cuộc sống của cộng đồng quốc gia được phát huy và tồn tại cũng nhờ tinh thần tương thân tương ái. Cuộc sống của cả nhân loại cũng đặt nền trên nguyên tắc mình sống cho mọi người và rồi mọi người sống cho mình. Mỗi cá nhân là một tế bào làm nên một Thân Thể lớn lao là nhân loại nên nó phải trao đổi với tha nhân. Nhận và trao là quy luật sinh tồn.

Ở Israen có hai biển hồ lớn: một là biển hồ Galilê, hai là biển chết. Biển hồ Galilê nằm phía bắc nước Do-thái, nó luôn luôn tiếp nhận nước từ sông Jordanô và sau đó cho chảy thoát ra phía hạ lưu, luôn trao ban những gì vừa nhận được. Nhờ đó, dòng nước luôn luôn trong lành, trở nên môi trường sống lành mạnh cho bao loài tôm cá, cung cấp nước uống cho cư dân quanh vùng, tưới xanh những cánh đồng và vườn cây ăn trái, nhiều người đến dựng nhà lập nghiệp quanh bờ của nó, thuyền bè tấp nập trên các bến cảng của nó. Nó đem lại phì nhiêu và sức sống cho đất cằn, đem lại ấm no, hạnh phúc và nguồn vui cho bao triệu người qua các thời đại. Chính Chúa Giêsu cũng thường lui tới rao giảng Tin Mừng nơi đây. Nhưng cách đó không bao xa, về phía nam nước Do-thái cũng có một biển hồ lớn được gọi tên là Biển Chết. Nó là biển chết vì nó cũng nhận nước từ dòng sông Jordanô như biển hồ Galilê, nhưng nó cứ khư khư giữ lại cho mình, không ban phát cho ai, không cho chảy đi đâu cả. Vì thế, nước của nó trở thành nước độc, nó mặn đến độ không sinh vật nào sống được. Chung quanh biển nầy, không nhà cửa, không cây cối, không sinh vật nào có thể lập cư… (dựa vào tập sách Lẽ Sống)

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận được tất cả từ nơi Chúa và tha nhân, vậy mà con muốn nắm ghì thật chặt cho riêng mình. Nếu ai cũng ích kỷ như con, chỉ biết khư khư giữ chặt mọi thứ cho mình mà không biết mở tay chia sẻ, thì nhân loại sẽ như ra sao?

Xin cho con nhận ra rằng: Sống là sống với, sống là trao đổi, là nhận và trao. Dù có nghèo tiền, con cũng còn nhiều thứ khác để cống hiến, trao ban. Xin đừng để con trở thành biển chết.

3. Giá trị của một món quà – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Chúa Giêsu quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Người thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giêsu cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.

 Đối với Chúa Giêsu, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà.

 Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà lòng ta chẳng muốn cho. Nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.

 Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng. Em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ nầy.

 Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Người nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả to lớn mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành rỗng không và chẳng có giá trị gì.

Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều nầy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (I Cr 13, 1-3)

 Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phao-lô nên Mẹ không chủ trương làm những công việc lớn, nhưng chỉ làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Trong bức thư gửi cho Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Têrêxa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công tác ta làm, nhưng là mức độ tình yêu mà ta đặt vào trong mỗi công tác.” Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, Mẹ đem lòng yêu thương người ấy như thể đó là người duy nhất trên đời trong giây phút đó.

 Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu ban đầu cũng muốn dâng cho Thiên Chúa những món quà vĩ đại. Chị ước mơ “làm linh mục, phó tế, tông đồ, tiến sĩ Hội Thánh và chết vì đạo thánh” để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn; nhưng về sau, Chị khám phá được ơn gọi của mình là làm những việc bổn phận nhỏ nhặt hằng ngày với tất cả lòng yêu thương. Châm ngôn của Chị là: “sống mỗi phút giây hiện tại với tất cả lòng yêu thương.” Khi thực hiện châm ngôn nầy, Chị Thánh có vô vàn món quà cao đẹp dâng lên Thiên Chúa trong từng phút giây đời mình.

 Thánh Phaolô dạy: “Dù anh em ăn, dù anh em uống hay làm bất cứ việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự vì Danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.”

 Trong tinh thần đó, chúng ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu để làm các công việc bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến Chúa.

 Rồi chúng ta hãy đem những lễ vật đó đặt lên đĩa thánh và trong chén rượu, để cùng dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ hằng ngày hiệp với Mình Máu thánh Chúa Giêsu. Chắc chắn Thiên Chúa Cha sẽ rất vui lòng đón nhận và ban ơn cứu độ cho chúng ta cũng như cho các linh hồn.

4. Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

BÀ GOÁ NGHÈO TIỀN, NGHÈO CỦA NHƯNG LẠI GIẦU TẤM LÒNG

Nếu hỏi rằng ai là người có giá trị trong cuộc đời của bạn? Có lẽ không phải là người có tiền, có địa vị mà là người đã từng hy sinh cho bạn. Nếu hỏi rằng ai là người có ích với bạn? Có lẽ không phải là người có quyền lực, có danh giá mà là người tận tuỵ dìu dắt bạn. Vậy theo bạn ai là người nghèo đáng thương nhất trong cuộc đời? Có lẽ người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Sự ích kỷ đã đẩy họ đến bần cùng đến nỗi không mua được bạn bè, không mua được niềm vui của sự trao ban. Sự tham lam đã khiến họ chơi bần với anh em, dẫn đến sự xa cách lạnh lùng.

 Có một gia đình kia rất giầu có. Một hôm ông bố dẫn con về quê với ý định cho con thấy người nghèo sống ra sao. Hai bố con ở chơi mấy ngày với một gia đình nông dân mà người ta vẫn coi là rất nghèo trong làng. Lúc trở về, ông bố hỏi con: Con đã thấy người nghèo sống ra sao? Đứa con trả lời: Cám ơn bố đã cho con thấy mình nghèo như thế nào. Còn họ thật giầu có. Ông bố hỏi lại: Tại sao con lại nghĩ thế? Đứa con trả lời: Con thấy chúng ta chỉ có một con chó, họ có tới 4 con. Chúng ta chỉ có một cái hồ cỏn con ở giữa vườn, còn họ có dòng sông dài đến vô tận. Chúng ta chỉ có mấy cái đèn ngoài vườn, còn ban đêm họ có bao nhiêu là sao sáng. Trước nhà chúng ta chỉ giới hạn ở trước sân vườn, còn trước nhà họ là không gian mênh mông đến tận chân trời. Chúng ta chỉ sống trên mảnh đất bé nhỏ, còn họ có ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Chúng ta có gia nhân phục vụ nhưng họ chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải mua thực phẩm nhưng họ tự tay trồng lấy lúa rau. Chúng ta có tường rào vây quanh bảo vệ, nhưng họ có bạn hữu bảo vệ… Ông bố nghe mà cứ ngẩn ngơ người, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nhận xét thật đơn sơ của đứa con.

Bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng đưa ra hai nhận định khác nhau về hai loại người. Nhận định thứ nhất về nhóm biệt phái, đại diện cho thành phần có chức có quyền. Nhận định thứ hai về bà goá nghèo, đại diện cho những con người thấp hèn, nghèo đói. Cả hai đều lên đền thờ với hai thái độ khác nhau. Bà goá nghèo khiêm tốn. Nhóm biệt phái giầu có lại kiêu căng. Bà goá nghèo dâng tất cả những gì mình có cho Chúa. Người biệt phái chỉ có lòng tự cao tự đại.

 Nhóm biệt phái là những công chức đền thờ nhưng không đóng góp của chung mà chỉ lợi dụng để lấy của chung thành của riêng. Họ là những người giầu có nhưng lòng họ chất chứa đầy sự kiêu căng, vụ lợi đến nỗi không còn lòng quảng đại để cho đi.

 Bà goá nghèo tiền, nghèo của nhưng lại giầu tấm lòng. Bà thành kính lên đền thờ với thái độ khiêm tốn thẳm sâu trước nơi cực thánh của Chúa. Bà đã dâng tất cả những gì mình có cho Chúa, dù chỉ là một đồng xu nhỏ bé.

 Chúa đã khen ngợi tấm lòng bà goá. Một tấm lòng chân thành và quảng đại. Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Kẻ không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng.

 Thực vậy, sự giầu có về vật chất đôi khi làm con người nghèo khó về tinh thần. Sự nghèo khó vật chất đôi khi lại thảnh thơi tâm hồn. Kẻ tham lam thường nghèo đói về lòng nhân ái. Kẻ biết sống khó nghèo thường chứa chan tình yêu. Kẻ có chức có quyền dễ mất tính bao dung và thương xót. Kẻ khốn cùng dễ cảm thông với bất hạnh bần cùng của tha nhân.

Xét cho cùng, sự giầu có không hệ tại ở đồng tiền hay chức vị. Sự giầu có hệ tại ở những tương quan với đồng loại. Do vậy, điều mà con người cần tích lũy không phải là của cải trần gian mà là tình yêu đối với tha nhân. Điều mà con người thu gom không phải là hàng hoá xa sỉ phẩm mà là từng nghĩa cử cao đẹp chúng ta dành cho đồng loại.

 Kẻ có chức có quyền càng bị kết án nặng hơn nếu họ không biết dùng địa vị của mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Chính họ không những phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự ích kỷ của mình, mà còn mất đi cơ hội mua lấy bạn hữu Nước Trời bằng tấm lòng rộng lượng của mình.

 Mỗi người chúng ta chỉ là những quản lý của Chúa, hãy biết đón nhận trong sự khiêm tốn và biết trao ban cho anh em theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, đều nhận lãnh do lòng quảng đại của Chúa. Do đó, những gì chúng ta cho, không phải chúng ta cho của riêng mình, nhưng là giao lại cho người khác những gì thuộc về Chúa. Dù vậy Chúa vẫn thưởng công cho chúng ta. Vì Chúa đã từng nói: “Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Amen.

5. Quảng đại và tự do – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Người nghèo thường quảng đại và sẵn sàng quên mình để giúp đỡ người khác. Họ tự do với bạc tiền danh lợi, nên có thể tin vào con người và sẵn sàng yêu thương phục vụ hơn.

 Hãy coi chừng

Chúa Yêsu nói với mọi người: “hãy coi chừng” những ông kinh sư, họ thích mặc áo thụng xúng xính khác người, thích được chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất, nhưng lại “nuốt” hết tài sản của các bà góa, lại còn giả bộ đọc kinh lâu giờ.

 Không phải chỉ những ông kinh sư thời Đức Giêsu thích rồi làm như vậy, mà con người ngày nay cũng vậy nữa: cũng tham của người, ham danh hám lợi, và hay giả bộ “đạo đức”. Nếu đạo đức thật, mà người ta thấy thì cũng tốt vì làm gương sáng; còn nếu không đạo đức mà lại làm như thể đạo đức, là giả hình. Hãy coi chừng.

 Nếu ai thích khen, người đó có thể bị điều khiển bằng lời khen; nếu ai tham của, người đó có thể bị mua chuộc bằng tiền của. Người đó đang bị nô lệ, bị sai khiến bởi tiền bạc danh vọng chức quyền. Người đó tưởng họ đang tự do, nhưng thực sự họ đang nô lệ và bị điều khiển mà họ không biết. Hãy coi chừng.

 Nếu bạn không nô lệ những điều đó, thì hạnh phúc biết bao!

 Người nghèo quảng đại

Tiên tri Elia trên đường lánh nạn đã được Chúa truyền đến sống nhờ một bà goá nghèo. Cũng có thể nói bà goá nghèo và con bà sống nhờ tiên tri, vì chính nhờ tiên tri mà hũ bột không cạn và hũ dầu không vơi. Đúng hơn Thiên Chúa thương cả tiên tri lẫn bà goá nghèo nên đã nuôi sống tất cả.

 Bà goá chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu, lượm củi làm cái bánh cuối cùng để “ăn rồi chết”, thế mà bà vẫn tin lời tiên tri, làm cho ông một cái bánh trước khi làm cho con bà và chính bà. Cách hành xử của bà goá này rất đẹp. Tôi có đơn sơ tin người và sẵn sàng giúp người như bà goá nghèo này không? Thiên Chúa  qúa tuyệt.

 Bà goá trong Tin Mừng được Đức Giêsu khen là quảng đại, dám dâng cúng tất cả những gì mình có. Có người nói rằng: “vì bà goá chỉ có mấy xu nên dễ dàng để dâng cúng tất cả, còn nếu bà goá này thật giầu thì chắc bà chẳng dám bỏ tất cả đâu”! Cũng có thể như vậy, nhưng “những người quảng đại” thường nghèo; có lẽ họ “hay cho” nên mới không giầu. Bà goá đó không giầu được vì bà luôn cho tất cả, dù khi bà có hai xu hay có nhiều hơn hai xu, có lẽ chưa khi nào bà giữ cho mình được mười đồng vì bà vẫn cho những gì bà có. Thiên Chúa cũng cho con người tất cả, ngay cả điều qúy nhất là Chúa Con và Thánh Thần.

 Những người “ham tiền” thường ky cóp và không bỏ ra ngay cả một xu!

 Người nghèo dễ tự do để chọn theo Thiên Chúa hơn

Có mấy người hiểu được hạnh phúc của người nghèo? Có mấy người hiểu được người nghèo tự do đến mức nào? Trong cuộc sống, bao nhiêu quyết định bị chi phối bởi sợ người này hay không dám làm mất lòng người kia, sợ người khác hiểu lầm mình, sợ người khác không còn đánh giá mình cao nữa, sợ người khác biết sự thật về mình. Vì sợ nên không được tự do.

 Xin Chúa cho con nghèo, để con không còn gì để phải sợ, để con chỉ còn biết sống theo Chúa theo sự thật, để chỉ bị tình yêu thương chi phối mà thôi.

 Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Xin bạn kể nỗi sướng điều khổ của người giầu?
  2. Xin bạn liệt kê điều cực và cái hay của người nghèo?
  3. Bạn thường bị nô lệ bởi điều gì nhất khi quyết định? Làm sao để quyết định tự do?

6. Tấm lòng người nghèo – Cố Lm. Hồng Phúc

Phụng vụ hôm nay đề cập đến hạng người mà dư luận thương hại hay coi thường là các bà góa. Họ là những người giữa đường đứt gánh, một mình gánh vác giang sơn nhà chồng. Nhưng trong Giáo hội tiên khởi, họ được cộng đoàn săn sóc, có chỗ đứng (1Tm. 5, 9-16) và là những người nhân đức được trọng vọng.

 Trong Cựu ước cũng có nhiều đoạn kêu gọi sự chú ý săn sóc đến người cô nhi góa phụ. Họ là hạng người nghèo khó hơn cả. Nhưng các bài đọc hôm nay nhắc đến họ dưới một phương diện khác: Họ là những người đạo đức, có đức tin, biết hy sinh cả những điều cần thiết và trở nên những người mẫu. Bà góa ở Sarepta (giữa Tyr và Sidon) là một gương sáng đức tin, biết đặt tất cả trông cậy vào Chúa và được Chúa thưởng công.

 Bài Phúc Âm nói về đồng tiền của một bà góa dâng cúng. Nhưng cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh khác, là sự chú ý của Chúa đến những sự kiện xảy ra xung quanh. Ngài đang ở trên sân đình đền thờ, ngồi trên cấp thang hình bán nguyệt dẫn vào sân nam giới và đưa mắt nhìn về phía trái, nơi có đặt 13 hòm cúng. Ngài chú ý đến bộ điệu khiêm tốn của một bà góa nghèo khổ, đến cả số tiền hèn mọn của bà dâng cúng: hai đồng tiền (một 1/4 xu). Ngài nhìn thấy nhất là tấm lòng của Bà. Nhưng không chú trọng đến cái vỏ bên ngoài mà đi thẳng vào thâm tâm. Người Pharisêu đọc kinh rào rào cho mọi người chú ý, người Biệt phải bỏ tiền lẻng kẻng vào hòm cúng cho mọi người nghe thấy. Ngài không lưu tâm đến những hạng ấy, nhưng Ngài khen ngợi bà góa khiêm tốn đang lẩn vào giữa đám đông. Chúa liền gọi các môn đệ và bảo: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ tiền vào hòm cúng nhiều hơn cả!” Chúa không nói về phương diện số tiền dâng cúng, mà thật ra cũng cần phải có một số lượng khá để lo việc phụng tự. Nhưng Chúa chú trọng đến tấm lòng của bà. Trong khi các người khác cho một phần của cải dư thừa thì “Bà cho cả những gì bà cần để nuôi sống.” Tình yêu không tính toán, tình yêu không mức độ. Bà ra đi, vui mừng hớn hở vì đã làm được một việc lành.

 Câu chuyện bà góa gợi cho chúng ta vài suy niệm sau đây:

Một là các việc tầm thường có một giá trị phi thường, nếu chúng ta biết làm vì yêu mến Chúa. Đời chúng ta phần lớn gồm những việc nhỏ mọn, chúng ta phải biết thánh hoá, biết làm cách khác thường, làm vì yêu mến. Bà Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu ở Lisieux là một gương mẫu. Bà đã tìm ra một con đường nên thánh mà Đức Gioan-Phaolô II gọi là “Con đường dựa trên thực tại Phúc Âm”; “Con đường nên thánh của thời đại” (Piô XI). Con đường thơ ấu ấy gồm trong hai yếu tố căn bản: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình và hoàn toàn trông cậy phó thác; làm mọi việc bé nhỏ, chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.

 Hai là việc bà góa bỏ ít tiền vào đền thờ, chúng ta đi lễ cũng bỏ ít nhiều giúp vào công việc nhà Chúa. Trong Cựu ước, Chúa dạy các chị họ Israel phải để ra thập phân để lo việc phụng tự (Lv. 27, 30-32). Trong Tân ước, Thánh Phaolô nói: Người lo việc Chúa có quyền sống nhờ bàn thờ. Tuy Giáo hội từ đầu đã bãi bỏ tục lệ thập phân, nhưng giáo dân đi dự lễ thường mang theo của lễ vật chất: có Thầy Phó tế để lo việc phân phát chia sẻ. Khi số người quá đông, tục lệ biến thành dâng cúng ít tiền. Giáo hội là một tổ chức hữu hình, cần có nơi thờ phượng, đồ thờ và người trách nhiệm. Của dâng cho Chúa là “của đầu tư thiêng liêng”. Văn hào Louis Veuillot khi chết, có để lại một bao thơ dầy cộm với mấy giòng chữ ghi: “Tiền nhịn hút thuốc trong các mùa Chay để giúp các người nghèo” – “kho tàng của Giáo hội” (Thánh Laurenrô Phó tế).

7. Từ thiện – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Từ thiện là việc làm công đức. Người có lòng nhân ái thường hay bố thí, làm từ thiện và thi hành bác ái. Sống bác ái là sống yêu thương chia sẻ cả tình, nhân và nghĩa. Đức ái hay đức mến là một nhân đức cao đẹp của con người. Mỗi người được sinh ra đời trong một hoàn cảnh khác nhau. Trong cuộc sống có người giầu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn và người thành kẻ bại. Đời người mong manh như hạt sương dễ tan. Không có ai sống mãi trên đời. Cuộc sống của chúng ta giống như những lượn sóng nhấp nhô trồi lên rồi hạ xuống. Không ai là một hòn đảo, chúng ta sống là sống cùng và sống với người khác. Mọi người cần nương tựa, cần hỗ tương nhau và sống nương nhờ nhau. Lòng từ thiện trở thành mối giây liên kết giữa người với muôn loài.

 Câu truyện của tiên tri Êlia chạy trốn vào thành giữa cơn đói kém, ông đã gặp bà góa nghèo đang đi lượm củi và ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.”(Cv 10, 10). Người đàn bà rất tử tế và có lòng bao dung: Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!” (Cv 17, 11). Tuy gia đình bà nghèo túng, bánh bột sắp cạn hết nhưng bà cũng sẵn sàng cung cấp bánh cho người xin ăn. Không phải ai cũng có thể cử xử tốt lành như bà. Nếu chúng ta ở trong trường hợp này, có lẽ chúng ta đã chần chừ và có khi chối quanh. Tự nghĩ rằng gia đình con cái của tôi còn chưa đủ ăn, làm sao có thể giúp cho người khác. Thế là chúng ta đóng kín cửa tâm hồn trước nhu cầu cần thiếu của tha nhân. Bà góa có thái độ rộng lượng và quảng đại, nên lòng từ của bà đã sinh trổ hoa trái: Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Chúa đã dùng ông Êlia mà phán. Hồi sinh đứa con của bà goá (Cv 17, 16).

 Chúng ta có cơ hội suy nghĩ về việc bác ái và lòng từ của mình. Ai trong chúng ta cũng lãnh nhận rất nhiều ơn. Ơn cha nghĩa mẹ qua công sinh thành dưỡng dục, ơn thầy cô đã truyền thụ kiến thức văn hóa và nghề nghiệp. Ơn sống trong quốc gia có an bình trật tự và xã hội tiện nghi. Ơn làm con Chúa được sống trong một Hội Thánh Công Giáo. Các ơn huệ liên đới trùng trùng điệp điệp trong một kiếp người. Chúng ta đã chịu ơn của biết bao nhiêu người qua bao nhiêu thế hệ. Chúng ta đã nhận lãnh nhiều, nên cũng cần phải chia sẻ. Vì cho thì quí hơn nhận. Ai trong chúng ta cũng có cơ hội để cống hiến cho đời những hoa trái của khả năng, thời giờ và của cải. Biết rằng bất cứ ai gieo hạt, trồng cây thì cũng mong cây sinh hoa kết trái. Cha mẹ sinh con vào đời cũng mong con cái thành đạt và sinh ích cho gia đình, xã hội.

 Trong bài phúc âm, kể câu truyện Chúa Giêsu đến giảng dạy trong hội đường. Chúa quan sát những hành vi cử chỉ của những thầy Luật sĩ, Biệt phái, Tư tế và mọi người đến cầu kinh. Chúa đã rút ra những bài học thực tiễn để áp dụng cuộc sống đạo. Con người chúng ta thường đánh giá con người và sự việc theo hình thức dáng vẻ bề ngoài, hơn là quan tâm đến nội tâm. Chúa Giêsu dẫn mọi người đi vào tâm ý của mình và vạch ra cách thế tế nhị, Ngài nói rằng: Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma (Mc 12, 42). Hai đồng tiền kẽm chẳng có là bao so với khối tiền trong thùng dâng cúng. Số lượng qúa nhỏ để nêu danh và ghi công. Chúa Giêsu đã nhìn tận đáy tâm hồn chân chính của người đàn bà góa và Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (Mc 12, 43).

 Với chút ít tiền cúng nhưng đó là số tiền bà đang cần. Bà đã bỏ vào thùng tất cả những gì bà có. Bà không lo lắng cho ngày mai sẽ ăn gì, uống gì và mặc gì. Có nghĩa là bà đã phó thác hoàn toàn trong bàn tay Chúa quan phòng. Bà đã buông xả tất cả cái đang có, bán nghèo mua giầu. Chúa Giêsu đã khen bà: Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.( Mc 12, 44). Không sai, Chúa Giêsu nhắm trúng vào tim đen của mọi người. Nghe thế, có lẽ ai trong chúng ta cũng giật mình. Có rất nhiều lần chúng ta đã làm từ thiện, bác ái và bố thí. Nhiều việc từ thiện của chúng ta đã được ghi công bảng vàng. Chúng ta làm việc bác ái nhưng lại đòi hỏi nhiều điều kiện. Nói thật, so với những gì chúng ta đang sở hữu, tất cả việc từ thiện và bố thí của chúng ta mới chỉ là một góc nhỏ. Biết rằng đồng tiền nào cũng do công lao mồ hôi nước mắt kiếm tìm nên rất quí. Đôi khi tính toán rằng chúng ta có nhiều tiền nhưng chưa đủ, làm sao có dư. Đợi khi nào chúng ta có dư đủ, sẽ giúp người.

 Phước báo cuộc đời hệ tại ở việc biết dâng hiến và chia sẻ. Càng cho đi nhiều, chúng ta càng nhận thêm nhiều. Cái tâm từ bi được cởi mở và phát khởi sự tốt lành nơi chính nội tâm. Chúng ta đừng quá quan tâm vào món quà bố thí sẽ đi về đâu. Thường thì ai cũng muốn đồng tiền cho đi được xử dụng đúng chỗ, đến đúng người và dùng đúng mục đích. Đôi khi chúng ta sẽ không hài lòng và không vui khi qùa biếu bị lạc hướng. Số qùa tặng có đến tận tay của người nghèo hay không, còn tùy thuộc qua nhiều trung gian. Cho đi nhiều hay ít thì không quan trọng bằng tâm thiện mở rộng. Điều quan trọng là tâm ý của chúng ta được an lạc vì đã làm một việc thiện. Một việc từ thiện dù nhỏ, chớ khinh. Việc thiện dù nhỏ, không nên bỏ. Làm từ thiện, bác ái và bố thí là chúng ta đang bỏ vào kho tiết kiệm phúc báo của chính mình.

 Tác giả của thơ gởi tín hữu Do-thái viết: Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9, 27). Mỗi người chỉ có một đời để sống. Sống dài hay sống ngắn không quan trọng cho bằng sống có ý nghĩa. Sống ý nghĩa nhất là sự hiến thân và cho đi. Cho đi như Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã hiến dâng thân mình làm hy tế trọn vẹn để tẩy xóa tội lỗi nhân loại. Ngài đã dâng hiến tất cả đến giọt máu cuối cùng. Không phải máu chiên bò hay của cải thế thân, mà chính là sự sống con người toàn vẹn: Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người (Dt 9, 28). Chúa đã thể hiện một tình yêu cao vời tuyệt đỉnh và vô điều kiện là cho tất cả.

 Chúng ta được mời gọi thực thi bác ái trong việc hành đạo. Dù là một việc nhỏ giúp người, chúng ta sẽ không mất phần thưởng. Vào ngày phán xét sau cùng, Chúa Giêsu đáp nghĩa: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25, 35-36). Chúa kể rằng tất cả những gì chúng ta đã làm cho những người nghèo, kẻ bé mọn và người khổ đau là chúng ta đang làm cho chính Chúa. Vậy mà đôi khi chúng ta quá lo lắng cho bản thân và gia đình riêng tư mà quên đi nghĩa vụ phải có đối với tha nhân, giáo hội và xã hội. Chúng ta sợ mất thời giờ phục vụ công ích. Chúng ta ngại ngùng tham gia phục vụ trong các đoàn thể của cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta không dám xả thân giúp đỡ vì sợ phải hy sinh, liên lụy, tốn kém, mất mát và thua lỗ. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn thu gom cho cuộc sống mình vì sự ích kỷ hẹp hòi. Chúng ta chỉ thích làm tính cộng mà không muốn làm tính trừ.

 Lạy Chúa, tất cả chúng con đang được ngụp lặn trong ân tình của Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con biết rộng lòng chia sẻ cuộc đời với anh chị em chung quanh. Bất cứ điều gì chúng con đã lãnh nhận một cách nhưng không, xin cho chúng con cũng biết cho đi cách nhưng không.

8. Tấm lòng quảng đại

Câu chuyện về hai bà goá được nhắc đến trong các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu thế nào về lòng quảng đại của con người. Quảng đại là dám cho đi: cho đi những gì mình đang rất cần đến; cho đi những gì mình đang quý đang yêu…

 Chúa Giêsu đã từng dạy các tông đồ: “cho thì có phúc hơn là nhận”. Nói đến việc cho đi thì ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ”.

 Gần đây báo chí có đăng tin có một anh chàng Việt Kiều đại gia nào đó thích “chơi nổi”. Anh ta đừng trên lầu 1 của một khách sạn sang trọng, cầm trong tay một xấp tiền đủ loại mệnh giá, ngoắc tay gọi những người ăn xin, bán vé số lại, rồi tung xấp tiền ấy lên không cho tiền bay tung toé để những người dân nghèo chen chút nhau lụm tiền giữa tiếng kêu la và chen lấn nhau. Và anh ta cảm thấy vui với cách cho tiền của mình như thế. Nhưng những người có lương tri thì cảm thấy ái ngại và xót xa trước việc làm ngông nghênh của kẻ giàu có này, và nhất là Chúa sẽ buồn lắm khi thấy con người hành động theo kiểu “bất nhân” như thế. Cho như thế chắc không đẹp lòng Chúa chút nào!

 Cách cho là quan trọng. Tấm lòng là quan trọng. “Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Chúa nhận lời”. Bà goá ở Xarepta được nhắc đến trong bài đọc 1 hôm nay có vẻ miễn cưỡng, ngập ngừng và lúng túng trước khi cho, vì hoàn cảnh khốn khổ làm cho bà khó giải quyết vấn đề. Nhưng rồi cuối cùng bà cũng dám cho đi cái bà đang rất cần với tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tôn trọng đối với người xin bà. Còn bà goá nghèo được Tin mừng nhắc đến hôm nay có một thái độ rất anh hùng. Chúa Giêsu đã đề cao bà, coi bà như một kiểu mẫu của việc cho đi cách chân thành và không tính toán. Chúa Giêsu muốn các tông đồ nhìn vào đó đẻ học hỏi. Bà goá nghèo ấy đã dám bỏ vào thùng tiền dâng cúng “tất cả những gì bà có để nuôi sống bà”, dù số tiền ấy chẳng đáng vào đâu (1/4 xu). Đó là thái độ chân thành và rất anh hùng của người có tấm lòng quảng đại. Chúa Giêsu đã nhìn thấy tấm lòng của bà đối với công việc nhà Chúa mà bà thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp vào đó. Cách cho đi của hai bà goá được Kinh thánh nhắc đến hôm nay thật đẹp, thật cao quí.; rất đáng đề cao và rất đáng cho chúng ta học hỏi.

 Cho đi cách thật lòng chính là cách khôn ngoan nhất và chắc chắn nhất để ta giữ lại những gì mình có ở trần gian này. Thánh Phanxicô Assisi nói rằng: “chính lúc cho đi là khi được nhận lấy; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Đây không phải là chuyện nghịch lý nhưng là chuyện siêu lý của những người hiểu biết và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.

 Có chuyện kể rằng: có một ông nhà giàu nọ căn dặn người nhà của ông bỏ vào quan tài thật nhiều vàng bạc để khi ông chết đi, ông sẽ có cái mà tiêu xài. Rồi ngày chết của ông cũng đến. Người ta làm đúng theo những gì ông căn dặn. Sang thế giới bên kia, ông nhìn thấy cái gì đựơc bày bán cũng hấp dẫn, nhất là các món ăn. Ông nghĩ rằng phen này tha hồ mà mua sắm và ăn uống thoả thích. Nhưng lạ thay, những người bán ở đây trả lời với ông rằng: tiền của ông ở đây không sử dụng được vì ở đây chỉ sử dụng đồng tiền cho đi chứ không xài tiền thu vào!

 Chúng ta đang có đồng tiền loại nào? Chúng ta có dự định sẽ làm gì để có đồng tiền cho đi. Có một nhà tu đức đã nhắc nhở chúng ta rằng:

Những gì chúng ta tiêu xài sẽ tiêu tán mất,

Những gì chúng ta mua sắm thì người khác sẽ dùng,

Những gì chúng ta tích luỹ rồi sẽ phải để lại cho người khác,

Chỉ có những gì chúng ta cho đi là tồn tại mãi.

 Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn và tấm lòng của mỗi người chúng ta. Chúa đang xem cách thức chúng ta hành động trong việc cho đi: chúng ta có cho đi những thứ mình đang cần không? Chúng ta có dám cho đi những thứ mình đang yêu thích để chia sẻ cho anh chị em của mình chưa? Hay chúng ta chỉ cho đi những cái dư thừa, những cái bỏ đi vì không ai xài tới…? chúng ta có thấy trách nhiệm của mình phải đóng góp vào việc chung vủa Giáo hội không hay chúng ta chỉ là những người đứng ngoài lề, chỉ chờ Giáo hội ban phát cho mình thôi! Chúng ta hãy nhìn lại và tự kiểm điểm của cho, cách cho và trách nhiệm của mình trong thời gian qua như thế nào?!

 Ước gì chúng ta hiểu được rằng: cho đi là một hạnh phúc, biết cho đi sẽ làm cho hạnh phúc của mình được nhân lên và tồn tại mãi. Hơn nữa, món quà cho đi sẽ trở nên vĩ đại ở nơi một người có trái tim quảng đại. Hãy học nơi Chúa tấm lòng quảng đại để chúng ta biết cách cho đi đẹp lòng Thiên Chúa. Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của những việc làm hy sinh và cho đi với con tim rộng mở và tấm lòng quảng đại theo gương Chúa. Hãy quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.

9. Bỏ vào tất cả.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khó lòng nhận ra đồ giả trong các món hàng. Ta thường đánh giá một sản phẩm dựa trên mẫu mã, nên dễ bị đánh lừa về chất lượng.

 Thật ra đồ giả cũng có ở nơi con người. Làm cho mình trẻ hơn nhờ trang điểm, tốt hơn nhờ ăn nói. Làm cho mình có dáng trí thức hơn, quý phái hơn để chiếm được lòng tin, lòng quý mến của người khác. Có loại người giả hình dạy một đàng, làm một nẻo, bắt người khác làm những điều mình chẳng bao giờ làm, mạt sát người khác về những tội mình không tránh khỏi. Có loại người giả hình rất tử tế với người ngoài, còn sống với người trong nhà thì không ai chịu nổi. Nói chung mọi thứ giả hình đều không thật.

 Đức Giêsu cảnh giác chúng ta về thứ giả hình đạo đức: “Anh em hãy coi chừng…”, kẻo lại giống một số kinh sư. Đức Giêsu cố ý ngồi đối diện với thùng tiền ở Đền Thờ. Ngài tò mò muốn xem đám đông bỏ tiền ra sao. Những người giàu bỏ nhiều hơn cả. Nhưng Ngài lại xúc động khi thấy một bà goá nghèo rón rén bỏ vào thùng hai đồng xu nhỏ. Ngài quả quyết trước mặt các môn đệ: “Bà goá này đã bỏ nhiều tiền hơn người khác, vì mọi người lấy từ cái dư thừa mà bỏ vào, còn bà, bà lấy từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.”

 Các môn đệ ngỡ ngàng trước cách đánh giá của Đức Giêsu, cách nhìn con người dựa trên tấm lòng của họ. Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Đức Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả.

Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác.

–      Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng.

–      Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm.

Lối đánh giá của Đức Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.

 Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy.

 Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa.

 Gợi Ý Chia Sẻ

  • Có khi nào bạn đánh giá sai người khác không? Có khi nào bạn bị lừa vì cái bề ngoài của người khác không?
  • Mỗi người đều ít nhiều có tính giả hình. Làm sao có thể sống thành thật với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa?

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

 Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

 Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình.

 Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.

10. Cho.

Có một cặp vợ chồng trở về quê thăm họ hàng. Họ xuống xe, đi bộ được một quãng thì trời đổ mưa tầm tã. Đêm đã khuya mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Thế là họ bèn gõ cửa một căn nhà có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống.

Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ đặt mấy chục ngàn lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ. Còn mình thì phải nằm ngủ dưới đất.

 Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng sáng hôm nay, và chúng ta nhận thấy: giống như bà góa, đôi vợ chồng già không phải cho đi phần thừa thãi, mà cho đi chính nguồn sống ít ỏi của mình. Họ cho đi một cách quảng đại, vui vẻ và thực lòng. Nếu suy nghĩ, chúng ta thấy có ba cách cho đi.

  • Cách thứ nhất là cho đi một cách bất đắc dĩ. Những người này thường nói: Tôi bực bội vì phải cho đi. Tôi miễn cưỡng phải cho đi.
  • Cách thứ hai là cho đi vì bổn phận. Những người này thường bảo: Tôi buộc phải cho. Họ cho đi mà lòng nặng trĩu vì bổn phận trói buộc.
  • Sau cùng cách thứ ba đó là cho đi với tình yêu thương. Những người này thường vui vẻ nói: Tôi muốn cho đi. Họ cho đi với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Không phải vì ép buộc, cũng không phải vì bổn phận thúc đẩy.

 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã cho đi như thế nào? Chúng ta thường nói: của cho không quan trọng bằng cách cho. Vậy chúng ta sẽ cho đi những gì? Chúng ta không chỉ nói đến tiền bạc mà còn nói đến việc ban tặng chính bản thân và thời giờ của mình.

 Chẳng hạn chúng ta đã dâng cho Chúa bản thân và thời gian của chúng ta vào việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật như thế nào? Chúng ta đã trao tặng chính bản thân và thời giờ của chúng ta cho những người thân yêu trong gia đình, cũng như cho bà con lối xóm ra làm sao?

 Chúng ta có biết cho đi với cõi lòng đầy hân hoan, với trái tim đầy quảng đại như bà góa trong Phúc âm hay không? Với một chút tế nhị và nhạy cảm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Chúng ta có rất nhiều thứ để mà cho đi, như một bài thơ đã diễn tả: Quà tặng đẹp nhất cho kẻ thù, chính là sự tha thứ. Cho bạn bè chính là sự trung thành. Cho các em nhỏ chính là gương sáng. Cho người cha chính là lòng tôn kính. Cho người mẹ chính là tình yêu. Và cho người chung quanh chính là đôi tay của chúng ta.

 Hãy cứ cho đi một cách quảng đại, chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ chịu thua trước sự rộng rãi của chúng ta. Bởi vì, khi tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó. Khi tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương. Khi tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả sa mạc. Và khi tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả thịt máu Ngài.

11. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

ÁNH MẮT THIÊN CHÚA

Người làm sao chiêm bao làm vậy. Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra trong ánh mắt thế ấy. Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ. Người đã thấy. Và đã phán đoán. Qua cách quan sát và phán đoán ta có thể thấy được tâm hồn của Người.

 Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ. Hàng hàng lớp lớp người tiến đến dâng cúng. Tin Mừng thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất. Chúa chỉ quan tâm tới một người nghèo nhất. Một bà góa. Bà góa này chắc chắn phải gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nhưng Chúa đã chú ý đến bà. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.

 Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo tốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn. Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới. Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác. Thì ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà. Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

 Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi vừa dạy dỗ tôi về cách sống đạo và về cách nhìn người. Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

 Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa. Đừng khoe khoang kiêu ngạo vì Chúa chỉ yêu thích tâm hồn bé nhỏ khiêm nhường. Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội, trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.

 Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.

 GỢI Ý CHIA SẺ

  1. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa quan tâm tới những người nào?
  2. Chúa đánh giá người ta theo hình dáng bên ngoài hay tâm tình bên trong?
  3. Vì sao Chúa khen bà goá dù bà bỏ rất ít tiền vào nhà thờ?
  4. Bản thân tôi rút được bài học gì qua bài Tin Mừng hôm nay?

12. Cõi lòng góa phụ – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Cuộc sống có những giá trị khác nhau. Nhiều giá trị lớn lao được tạo lập trong những hoàn cảnh tầm thường. Không dễ gì nhìn thấy kim cương trong những đống cát. Thế mà Đức Giêsu đã nhìn thấy một giá trị vô cùng lớn lao nơi cử chỉ của một góa phụ tầm thường. Cái nhìn đó đã đảo lộn mọi giá trị và gây nhức nhối cho những người sống dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài. Chúng ta thử tìm lại giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc sống nơi bài học lịch sử sống động đó.

 Giá trị đích thực

“Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.” (Mc 12:38-39) Đó là những giá trị bên ngoài nhưng đầy hấp dẫn đối với những người có chức vị trong xã hội như các kinh sư. Suốt đời họ chỉ tìm kiếm những cái bên ngoài đó để bù lấp khoảng trống lớn lao trong tâm hồn. Những giá trị hời hợt đó chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi, bộ áo thùng thình, chiếc ghế danh dự và mâm cao cỗ đầy. Không những thế ngay cả đời sống đạo đức cũng trở thành một trò hề. Họ “làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12,40) để khoe khoang sự đạo đức của mình. Vì nếu không có những kinh nguyện đó, làm cách nào trốn được bổn phận ngoài xã hội? Việc đạo đức trở thành bức màn che dấu tính hèn nhát, lười biếng, thích ăn bám xã hội. Nhờ thế họ mới có lý do để “nuốt hết tài sản của các bà góa.” (Mc 12,40) Từ những hào nhoáng thế gian đến những việc thánh thiêng đạo đức, họ đều đóng kịch. Còn gì là sự thật nơi những nét kịch nghệ đó chăng?

 Hình ảnh vị kinh sư cao ngạo đó chẳng khác những “người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Mc 12,41) với một thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật. Đồng tiền trở thành một phương tiện để họ khoe cái tôi của mình. Tất cả những nét thời đại đó trở thành một vấn đề lớn trước cái nhìn của Đức Giêsu. Nếu Giáo Hội của Người cũng chỉ toàn những hạng người như thế, hỏi nhân loại còn mong chờ gì nơi Giáo Hội? Thế nên, Người phải hết sức chú ý để moi lên từ đám đông quần chúng một gương mẫu cho các môn đệ và cả Giáo Hội sau này. Giữa một rừng người đang thi nhau bỏ vào “thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ” những đống tiền kếch sù, “cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma.” (Mc 12,42) So với số tiền của người giàu, hai đồng tiền kẽm có nghĩa lý gì? Mua được mấy viên gạch? Thế mà bà lại được Đức Giêsu đề cao: “Thầy bảo thật anh em: bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc 12,43) Giá trị không căn cứ trên số lượng. Cái không đáng kể mới đáng kể!

 Phải có một cái nhìn thật sâu sắc, một quan tâm rất lớn mới thấy được vấn đề quá lớn trong một hành vi nhỏ mọn như vậy! Chính hành vi nhỏ mọn đó đã lột tả tất cả những hy sinh thật lớn lao vì “bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” (Mc 12,44) Tại sao bà có thể làm được như thế, nếu không phải vì bà đã cảm nhận được hồng ân cao cả và tin vào Thiên Chúa. Cõi lòng bà đã mở ra để hồng ân tràn trề qua việc hy sinh lớn lao bằng một số lượng rất hạn hẹp. Cả Tân lẫn Cựu Ước đều nêu lên mẫu gương bà góa thật cảm động. Lúc ngôn sứ Eâlia lên tiếng cầu cứu, bà góa Xarépta đã trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.” (1 V 17,12) Vì tin tưởng nơi lời Thiên Chúa hứa, “bà đi và làm như ông Eâlia nói.” (1 V 17,15) Hai bà đều có một lòng tin như nhau. Nhưng khác với bà góa Tân Ước không được đền bù rõ ràng, bà góa Xarépta được chứng kiến cảnh “hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Eâlia mà phán.” (1 V 17,16)

 Phải có một đức tin mạnh mẽ vô cùng mới có thể hy sinh tất cả như thế. Cả hai bà góa chỉ là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người.” (Dt 9,28) Sự hy sinh của Người lớn lao tới mức nào mà có thể xóa bỏ tội lỗi muôn người? Chắc chắn hy sinh đó không thể thua kém hai bà góa trên. Hy sinh của hai bà chỉ là hình bóng so với hy sinh thật sự của Đức Giêsu trên thập giá. Đúng hơn, hai bà xuất hiện vào những thời kỳ khác nhau, với những hy sinh khác nhau, tuy cùng một mức độ, để chuẩn bị cho một cao điểm, một hy sinh tột cùng. Quả thực, “vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến thân chính mình.” (Dt 9,26) Dầu sao, hũ bột và dầu hay hai đồng tiền kẽm vẫn chỉ là những thứ vật chất bên ngoài, chứ chưa phải là chính mạng sống. Còn Đức Giêsu hy sinh chính mạng sống mình. Không còn hy sinh nào lớn hơn!

 Những hy sinh hôm nay

Đức Giêsu đã hy sinh để giải thoát nhân loại và đem lại vinh dự làm con Chúa cho đàn em đông đúc. Đàn em đông đúc đó đã làm thành Giáo Hội tiếp tục sứ mạng cứu độ qua muôn ngàn thế hệ. Anh cả Giêsu đang nhìn đàn em tiến lên tiếp nối sứ mệnh hòa bình cho toàn thể nhân loại. Sứ mệnh hòa bình cũng là một mối phúc lớn nhất trong tám mối phúc. Lớn nhất vì chỉ có mối phúc này mới đem lại hồng ân làm “con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Lớn nhất vì đòi hỏi nhiều nhất và đụng chạm tới tất cả các mối phúc khác. Muốn trở nên kẻ xây dựng hòa bình, không thể nào không sống công chính (Mt 5:6,10). Muốn sống công chính, chắc chắn phải có “tâm hồn nghèo khó.” (Mt 5:3), phải cố tạo một mọi điều kiện cho công lý ngự trị trên trái đất. Vì theo công đồng Vatican II, công lý là danh hiệu mới của hòa bình. Bà góa Xarépta đã biết thương đến người đói khát hơn mình, đã biết chia sẻ với người đói khát hơn mình. Chỉ biết hưởng một mình, sống chết mặc bay, chắc chắn sẽ tạo ra một hố sâu ngăn cách giàu nghèo vùi lấp tất cả trong cảnh hòa bình nghĩa trang. Muốn tránh khỏi thảm trạng đó, Kitô hữu phải noi gương “hiền lành” (Mt 5:4) của Đức Kitô. Hiền lành và bình an như bóng với hình.

 Nhưng trên hết, muốn xây dựng hòa bình, tâm hồn Kitô hữu phải đầy ắp tình yêu thương. Làm sao yêu thương người khác được, nếu chúng ta không sống coi người khác là anh em? Làm sao có thể nhìn người khác như anh em, nếu mình không thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân? Thực tế, chỉ có những “tâm hồn trong sạch” mới “nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8) nơi tâm hồn người khác mà thôi. Bà góa tại Xarépta hay tại cửa đền Giêrusalem đều có tâm hồn trong sạch, vì đã nhìn thấy Thiên Chúa trong tâm hồn Eâlia hay nơi công trình Thiên Chúa. Thời đại hôm nay cũng có thể kiếm thấy những chứng tá hòa bình rất chói sáng. Chẳng hạn Tổng thống Nam Hàn, ông Kim Đại Trọng là một người Công giáo rất nhiệt thành. Theo giáo sư Han Hong Soon, “Kim tổng thống đã làm chứng cho đức tin Công giáo của ông trong các hoạt dộng chính trị mà tiêu biểu nhất là hành vi ân xá cho hai công Chun Doo Hwan và Roh Tanh em Woo, những người đã nhiều lần âm mưu giết ông.” (VietCatholic 10.11.2000) Oâng đã kéo chú ý của toàn thể thế giới khi sang thăm viếng Bắc Hàn và nhất là khi lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Kim Đại Trọng là niềm hãnh diện chung cho người Công giáo Á châu nói chung, chứ không phải riêng cho dân Đại Hàn vì đã sống theo đúng Tin Mừng.

 Nơi phần đất Á Châu đó, hôm nay còn cần rất nhiều chứng tá Phúc Aâm như Kim Đại Trọng. Có thể nói, không lục địa nào trên thế giới cần đến công lý hơn Á Châu. Tranh đấu cho công bình cần thiết hơn làm công tác bác ái. Xoa dịu nỗi khổ đau bên ngoài không bằng tiêu diệt mầm mống bất công nằm sẵn trong tâm hồn con người và cơ chế xã hội. Hơn nơi nào và bất cứ lúc nào, Á Châu đang cần đến những bước chân người rao giảng Tin Mừng hòa bình. Nhưng Tin Mừng hòa bình chỉ được rao giảng bằng sức mạnh tình yêu và chứng từ công lý nơi đời sống Kitô hữu.

13. Cho tất cả – Jean Yves Garneau.

Hai nhân vật được lưu ý trong các bài sách thánh hôm nay là hai phụ nữ. Hai bà goá. Tình hình tài chánh của họ rất khó khăn. Không việc làm. Không nơi nương tựa. Họ sống trong cơ cực. Họ dễ trở nên mồi cho những kẻ khai thác. Họ thuộc thành phần những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Vì họ mà Chúa Giêsu đã đến. Không lạ gì Ngài quan tâm đặc biệt đến bà goá mà Ngài thấy trong Đền Thờ.

 Cho những gì ta có … Cho những gì ta là …

Hai người phụ nữ làm một cử chỉ rất quảng đại, họ cho những gì có thể nuôi sống họ. Chính cuộc sống của họ mà họ cho đi, khi cho cái ít ỏi mà họ có.

 Bà goá ở Sarepta nói: “Tôi chỉ có trong hũ một nắm bột, và trong bình một chút dầu thôi”. Bà thêm: “Tôi và con tôi ăn, rồi chúng tôi chết”. Một sự hiến dâng dẫn đến cái chết. Hiến dâng những gì mình có tức là cho đi con người của mình, sự sống của mình. Đó thực sự là vấn đề.

 Cũng một vấn đề như vậy nơi bà goá lên Đền Thờ, trước mặt những kẻ bỏ bớt những món tiền dư thừa, bà đã cho đi số tiền ít ỏi nhưng cần thiết cho mình. Chúa Giêsu rất sáng suốt, Ngài thấy rất rõ những gì đã xẩy ra. Ngài nói: “Bà đã cho đi hết số tiền bà có để sống”. Nơi đây nữa, hiến dâng những gì mình có là hiến dâng chính mình. Khi dâng cúng số tiền mình có bà goá đã dâng hiến chính cuộc sống của bà.

 Khi nhìn lại cử chỉ của những người phụ nữ này, làm sao có thể không nhớ đến Chúa Giêsu. Những gì các bà goá này đã làm, Chúa Giêsu sẽ làm. Chính Ngài cũng sẽ cho đi những gì Ngài có; Ngài cũng sẽ hiến dâng mạng sống mình. Cách tự do! “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Việc hiến dâng của các bà goá loan báo việc hiến dâng của Con Thiên Chúa.

 Mạo hiểm khi cho.

Những người giàu có lên Đền Thờ đã dâng những số tiền lớn, nhưng của cải họ dâng hiến vẫn là nhỏ bé, dè xẻn. Khi dâng hiến như vậy, họ không phải đánh liều về bất cứ điều gì cả, nhất là mạng sống của họ! Khi bỏ những số tiền lớn vào hòm cúng, họ không quên giữ lại những số tiền lớn hơn nhiều để bảo đảm cuộc sống và một cuộc sống dư dả. Chúa Giêsu không bị đánh động chút nào cả trước việc dâng cúng này. “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

 Hai bà goá đã liều mạng sống mình, các bà đã dám tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Bà thứ nhất đã được thưởng: Hũ bột của bà không bao giờ vơi, bình dầu của bà không bao giờ cạn. Bà thứ hai cũng được thưởng: Bà được Chúa Giêsu khen ngợi và Thiên Chúa chúc lành.

 Tiền bạc dư thừa của chúng ta ở đâu? Cái cần thiết cho chúng ta ở đâu? Phải nêu lên câu hỏi này, vì trước mặt Thiên Chúa phẩm chất cuộc sống chúng ta được đo lường bằng phẩm chất của những điều ta hiến dâng. Cho của dư thừa, tức là không cho gì cả. Một của hiến dâng như thế không đánh động Thiên Chúa chút nào. Mọi sự trở thành nghiêm túc và đẹp lòng Thiên Chúa, khi ta cho đi chính cái cần thiết, khi ta cho đi chính cái hầu như không thể thiếu được trong cuộc sống của mình, khi cho đi một chút bản thân mình. Lúc đó Thiên Chúa sẽ xem xét đoái nhìn.

 Ở đây ta phải xét đến những cử chỉ cụ thể chứ không phải những ý tưởng tốt. Ta cũng phải hiểu rõ Tin Mừng nữa. Vấn đề không phải là bỏ công ăn việc làm hoặc rút hết trương mục của mình trong ngân hàng chẳng hạn, nhất là khi ta có trách nhiệm đối với những người khác nữa. Nhưng, mặc dù có trách nhiệm, ta vẫn phải nhận định những gì là cần thiết, những gì là dư thừa trong cuộc sống.

 Đối diện với thân xác bị phó nộp.

Chúng ta đang cử hành Thánh lễ. Nếu được sống cách tích cực, Thánh lễ sẽ lôi cuốn chúng ta bước theo Chúa Kitô. Lát nữa đây linh mục chủ tế sẽ nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Những lời này không chỉ nhắc lại một thực tại thuộc quá khứ, chúng còn diễn tả một thực tại luôn luôn hiện có. Chúa Giêsu tự hiến, Chúa Giêsu phó nộp mạng sống Ngài vì chúng ta! Những gì Ngài nói về bà goá được áp dụng cho Ngài: “Ngài đã cho hết … Ngài đang cho hết … Ngài tự hiến …”

 Chúng ta sắp rước Mình Thánh Chúa. Giây phút hạnh phúc! Nhưng đáp lại, chúng ta có sẵn sàng hiến dâng mạng sống của chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng cho đi chẳng những cái dư thừa trong cuộc sống của chúng ta, mà cả chính cuộc sống chúng ta nữa không?

14. Tất cả những gì bà có.

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược. Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa. Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ, từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.

 Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo. Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê, thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng. Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân. Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã. Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh. Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ. Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc, họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao. Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác. Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa. Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài. Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.

 Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng. Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền. Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác, mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ. Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân. Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy, cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa. Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật. Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả. Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất. Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.

 Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo, ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình. Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa, với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh. Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm. Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền, nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.

15. Những tấm lòng vàng.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa Đế Quốc Mỹ can thiệp vào Thế Chiến Thứ Nhất, là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.

 Một lần kia Tổng Thống và phu nhân cùng nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại tại một thành phố thuộc tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị Tổng Thống. Thế nhưng không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của Tổng Thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia của mình. Một cậu bé đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà cậu đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn chặn cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay chào cám ơn em một cách nhiệt tình. Cậu bé kia thấy buồn thiu, vì em không có gì để dâng lên tặng Tổng Thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho Tổng Thống. Em sung sướng vô cùng vì chính Tổng Thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng…

 Năm năm sau, Tổng Thống Wilson qua đời, bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy một bọc giấy giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận được ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.

 Thưa anh chị em,

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật. Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh phục vụ quên mình của chúng ta. Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người.

 Tin Mừng hôm nay kể lại, lần kia, Đức Giêsu vào Đền Thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào thùng tiền. Chợt có người đàn bà góa nọ chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Thế mà Đức Giêsu đã tuyên bố: “Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những gì dư thừa của mình, người đàn bà nghèo này dâng tất cả những gì bà có để sống qua ngày”.

 Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa luôn trân trọng và quí mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ nhỏ bé dưới mắt người đời thì lại càng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh. Một đứa bé vẫn có thể trao tặng cho người khác một quà tặng quí giá, quí giá không phải ở giá trị của món quà, mà ở giá trị của tấm lòng ngưỡng mộ, yêu mến. Nghĩa cử yêu thương, cảm thông thật có giá trị hơn tặng vật. “Cách cho quí hơn của cho”.

 Trong một tháng cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhân dân thành phố ta đã đóng góp hơn 6 tỷ đồng (?)… Có những em bé nhịn ăn quà, những cậu học sinh đập con heo đất đã dành dụm để chia sẻ những nỗi đau thương của đồng bào ruột thịt. Đó là những người đã đóng góp nhiều hơn hết, vì đó là những tấm lòng vàng hơn là những đồng tiền vàng.

 Thưa anh chị em,

Thiên Chúa kêu gọi lòng yêu mến quảng đại của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa lại cao sang tuyệt đối. Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Mọi sự chúng ta có đều bởi Chúa và thuộc về Chúa. Vì thế, chúng ta có gì đáng để dâng Chúa đâu! Chúng ta quá bé bỏng, nghèo nàn trước Thiên Chúa cao sang. Chúng ta có thể nghèo tiền của, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng không ai trong chúng ta có thể sống mà không có trái tim với những khả năng yêu thương. Đó là cốt lõi, là cái làm cho chúng nên giá trị trước mặt Thiên Chúa và xứng đáng sống trong cộng đồng nhân loại. Lễ dâng của chúng ta chỉ đáng Chúa chấp nhận khi nói lên lòng mến và là chính lòng mến của chúng ta.

 Ở bài đọc 1, bà góa ở Sarepta cũng đã dâng cho Ngôn Sứ Êlia một chút còn sót lại trong hũ, là khẩu phần cuối cùng của bà và đứa con côi cút của bà. Đối với bà, trong lúc cả nước đói kém và nắng hạn, thì một chút bột này là cả một tài sản đắt giá có thể cứu được mạng sống của bà và con bà. Thế nhưng bà đã nhường lại khẩu phần cuối cùng của mẹ con bà cho Ngôn Sứ Êlia ăn trước. Và Chúa đã trả ơn bà bằng cách cho hũ bột và bình dầu ăn của bà không bao giờ vơi cạn cho đến khi trời hết hạn và mưa lại đổ xuống. Lòng quảng đại dâng hiến sẽ được Thiên Chúa đền bù gấp bội. Ước gì mẫu gương những tấm lòng vàng và nhất là món quà lớn nhất mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Ngài, giúp chúng ta được thêm can đảm và quảng đại theo gương Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu không ngừng dâng lên Thiên Chúa và trao tặng mọi người của lễ tình yêu cao đẹp nhất của chúng ta.

16. Suy niệm của Noel Quesson.

BÀ GÓA NGHÈO ĐÃ BỎ THÙNG NHIỀU HƠN MỌI NGƯỜI

Bé Tôma (Thomas Carlyle) sáu tuổi ở nhà một mình, bỗng thấy một cụ già gõ cửa ăn xin. Xúc động vì lời van nài của cụ hành khất. Tôma đem con heo đất đập ra và đổ hết tiền cắc cho cụ già. Cụ run rung xòe tay đón nhận, và rơm rớm nước mắt cám ơn. Về sau Tôma trở nên một nhà văn nổi tiếng của nước Anh, có lần ông kể lại câu chuyện nhỏ này và nói: Chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như lần đó.

 Khi chúng ta chia sẻ cho người khác, nhất là khi chia sẻ cho người nghèo, chúng ta sẽ cảm thấy vui. Đặc biệt là khi sự chia sẻ đòi chúng ta cố gắng nhiều, chắc chắn chúng ta càng cảm thấy vui hơn. Và niềm vui đó chính là phần thưởng Chúa ban. Vì Chúa không bao giờ bỏ quên những cử chỉ bác ái của chúng ta dù nhỏ bé đến đâu chăng nữa.

 Tin Mừng kể chuyện Chúa Giêsu ngồi trước thùng tiền của Đền Thờ coi người ta dâng cúng. Bao nhiêu người giàu có bỏ những đồng tiền lớn, nhưng Chúa bảo các môn đệ: Người dân cúng nhiều nhất là bà góa nghèo bỏ vào thùng hai xu nhỏ. Những người khác quyên góp phần dư thừa, còn bà góa nghèo đã dâng cúng cả số tiền nuôi sống bà.

 Chúng ta đã biết Thiên Chúa nhìn nơi tâm hồn chư không như con người chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài. Một quà tặng quý không phải chỉ ở trị giá món quà, mà còn ở tấm lòng của người tặng quà nữa. Người ta không thể che mắt Chúa, Chúa nhìn thấu mọi két sắt, và tài khoản ngân hàng. Chúa biết những toan tính trong tâm tư và quý trọng việc chia sẻ ngay những thứ cần thiết cho cuộc sống mỗi người.

 Nếu chỉ quan tâm tới những con số thì chúng ta thấy nhiều hiện tượng cay đắng. Mức sống trên thế giới còn bao nhiêu chênh lệch, một đồng ở chỗ này hoàn toàn khác với một đồng ở chỗ kia. Số tiền một nhà giàu xài cho một bữa ăn ở khách sạn, đủ nuôi một gia đình nghèo cả tháng, chưa kể đồng tiền của nước này so với nước kia.

 Con người còn thấy được chuyện đó, huống chi Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu lòng người. Đối lập với sự dâng cúng của những người nghèo là thói keo kiệt của các luật sĩ và Biệt phái, những người chỉ hám danh, hám lợi và thu quén vào mình. Nếp sống của họ thiên về trình diễn, mũ áo xênh xang, ăn trên ngồi trước, kinh kệ rậm ran, dài dòng, nhưng thực chất lại vơ vét hưởng thụ, bòn rút của người nghèo đói góa bụa.

 Câu chuyện bà góa nghèo này được kể ngay trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó, đó cũng là một dấu chỉ, Chúa Cứu Thế là Đấng đã cống hiến tất cả cho chúng ta, kể cả mạng sống của Người để làm giá cứu chuộc nhân loại.

 Chúa muốn chúng ta bắt chước bà góa nghèo ấy. Dù ở địa vị nào, chúng ta cũng phải thờ Chúa trong tin yêu, chân thành và quảng đại, tránh phô trương và trục lợi cho cá nhân hay phe nhóm của mình. Nên ghi nhớ lời Chúa: “Khi chia sẻ cho người nghèo khó, đừng phô trương như quân giả hình quen làm giữa hội đường hay ngoài phố xá… để việc con chia sẻ âm thầm kín đáo, được Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho con” (Mt 6,4).

 Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dâng hiến và trao tặng với lòng quảng đại vì tin vào Cha trên trời luôn đoái nhìn chúng con.

17. Cho con tim

Chuyện kể rằng có đôi vợ chồng mới cưới đi về một vùng quê xa xôi thì bị một cơn mưa dữ dội không thể đi xa hơn được nữa, họ liền rời khỏi xe và đi bộ đến hướng một ngôi nhà có ánh đèn leo lét. Trong nhà có đôi vợ chồng già. Người thanh niên trình bày tình trạng khó khăn đoạn yêu cầu: “Quý ngài có thể cho chúng tôi trú ngụ đến sáng được không? Nằm trên sàn nhà hay trên ghế bành cũng được?” Đôi vợ chồng già đưa mắt nhìn thông cảm và nói: “Được chứ các cháu. Chúng tôi vừa có được một căn phòng trống. Nào hãy ra thu xếp đồ đạc trong xe, để tôi và chồng tôi dọn dẹp căn phòng cho tươm tất một chút”.

Sáng hôm sau đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị ra đi, vì không muốn quấy rối hai vợ chồng già. Khi mở cánh cửa thông qua phòng khách, họ bỡ ngỡ nhìn thấy đôi vợ chồng nằm trên chiếc ghế dựa, còn giường của họ thì đã nhường cho khách ngủ.

 Cách cư xử của hai vợ chồng giá cũng tương tự như bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ cho phần thừa thải mà cho tất cả những gì mình có. Như vậy trong cả hai trường hợp cho đều có điểm tương đồng là cho một cách quảng đại, cho một cách vui vẻ và tận đáy lòng. Trong cuộc sống có rất nhiều cách cho; có người cho vì bất đắc dĩ thì phải miễn cưỡng bực mình để mà cho. Người cho vì bổn phận thì cũng cho một cách miễn cưỡng vì bị bổn phận trói buộc. Còn người cho vì tình thương thì mới thật lòng. Hình ảnh hai vợ chồng già và bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh tuyệt hảo về sự trao tặng. Cả hai đều cho mà không phải bị ép buộc, hay bị bổn phận thúc đẩy, cả hai đều cho với tất cả tấm lòng.

 

Khi người ta đã cho vì tấm lòng thì không nghĩ thiệt hơn, không tính toán. Cho nên hành động của họ cũng không còn lố bịch nữa. Khác hẳn với bộ dạng của các luật sĩ vì họ làm việc này việc kia chỉ nhằm cho người ta thấy. Điều đó đã tố cáo họ làm việc chỉ nhằm cho bản thân chứ không phải cho Thiên Chúa… hơn nữa họ làm việc đó một cách khôn khéo do lòng vị kỷ thúc đẩy như: lễ phục lượt thượt, giả bộ đạo đức, thích được người ta đón chào… Họ ích kỷ một cách trắng trợn, thay vì phải nhắm đến giá trị cao siêu bên trong, thì họ lại lo những điều thuần túy bên ngoài.

 Tấm gương và lối cư xử của các biệt phái tương phản với hành động khiêm nhường thật lòng của bà góa hôm nay. Bà góa tuy chỉ dâng cúng hai đồng tiền kẽm, nhưng việc làm của bà có giá trị hơn các việc kia gấp bội. Tính về giá trị vật chất thì không thấm vào đâu so với người khác, nhưng đối với bà thì là cả một gia tài. Còn những người khác giàu có cho dù có bố thí nhiều hơn bà thì cũng là của dư bạc thừa. Bà góa đã dâng hiến tất cả vì lòng kính phục Thiên Chúa, thế mà người ta khinh khi bà, chỉ có một mình Đức Giêsu biểu dương và tôn trọng bà.

 Sự trao ban thật ra không chỉ nằm ở giá trị vật chất tiền bạc mà còn cho đi chính bản thân và thời gian nữa. Chẳng hạn như chúng ta dám hy sinh công việc nhà để đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật. Dám hy sinh thời gian để thắm viếng người nghèo bệnh tật…. Đặc biệt là những người dám hy sinh bản thân qua việc giúp các bệnh nhân phong, họ ăn chung ở, tắm rửa cho các bệnh nhân phong mà họ không hề tính toán e dè họ đã cho đi tường lai và con người họ một cách đích thực. Họ đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng cho đền thờ cả con người của họ. Ôi! Quý biết bao những con người cao thượng, những tâm hồn đẹp đẽ, có thể nói không còn mỹ từ nào có thể diễn tả về ho được.

 Những tấm gương ấy như ngọn đèn soi cho ta bước, họ đã cho chúng ta tất cả những gì họ có. Còn chúng ta thì sao? Nếu chúng ta chưa biết cho, chưa biết trao tặng bằng con tim như bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay, thì chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu nhắn nhủ như một động lực thúc đẩy ta: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại, Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho enh em bằng đấu ấy.

 

Lạy Chúa, xin cho con biết hành động bằng tình yêu. Vì chỉ khi nào biết yêu thì con mới dám cho đi bằng cả con tim và bản thân con. Amen.

18. Đồng tiền của bà góa.

Qua phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy nổi bật khuôn mặt của hai bà góa.

 Khuôn mặt thứ nhất, đó là bà góa tại Sarepta.

Thực vậy, năm đó trời hạn hán, khiến cho mùa màng bị thất thu và nạn đói đe dọa ở nhiều nơi. Gia đình bà góa này cũng chỉ còn lại có một chút dầu và bột, đủ cho một bữa ăn mà thôi. Thế nhưng, trước lời yêu cầu của Êlia. Bà đã hy sinh phần bột cuối cùng để làm một bánh cho nhà tiên tri. Nhờ đó, bà và con bà đã được cứu thoát, đúng như lời tiên tri Êlia đã nói: Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi cho đến ngày Chúa làm mưa xuống trên mặt đất.

 

Khuôn mặt thứ hai là bà góa dâng tiền vào đền thờ.

Chúa Giêsu lúc bấy giờ đứng trong đền thờ và quan sát. Những người Do Thái giàu có thường tỏ ra rộng rãi trong việc dâng cúng. Họ bỏ vào hòm những đồng tiền vàng sáng chói. Thế nhưng điều đáng trách nơi họ, đó là họ muốn cho mọi người biết đến và lên tiếng ca tụng họ.

 Trong khi đó, một bà góa nghèo tiến đến, gương mặt thì già nua, áo quần thì cũ kỹ, tất cả đều nói lên thân phận túng cực của bà. Bà bỏ vào hòm hai đồng xu nhỏ. Có lẽ chính bà cũng cảm thấy xấu hổ, vì số tiền không đáng là bao nhiêu, thế nhưng bà tin tưởng rằng Chúa sẽ biết, bởi vì cái chẳng là bao nhiêu ấy lại là tất cả những gì bà thu quén được.

 Trước cảnh tượng trái ngược ấy, Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ lại và nói cho các ông hay, chính bà góa này mới là người bỏ nhiều nhất, bởi vì tất cả những người kia chỉ bỏ phần nào cái dư thừa của mình. Còn bà góa này đang cơn túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống.

 Từ những điều vừa trình bày, chúng ta dễ dàng thấy được điểm giống nhau giữa hai bà góa. Đó là các bà đã dâng hiến cả những cái cần thiết nhất cho cuộc sống của mình và gia đình. Bà góa tại Sarepta thì dâng nắm bột cuối cùng. Còn bà góa tại đền thờ thì dâng những đồng tiền cần thiết nhất của mình.

 Sở dĩ như vậy là vì lòng yêu mến đối với người của Chúa hay đối với nhà của Chúa. Nói cách khác, các bà hành động như vậy vì lòng yêu mến Chúa.

 Chính yếu tố lòng yêu mến này đã làm cho những hành động của các bà có được một giá trị to lớn trước mặt Chúa, và rồi chính Chúa đã lên tiếng ca ngợi các bà. Các bà đã hành động đúng như câu tục ngữ chúng ta thường nghe nói: Của ít lòng nhiều.

 Hay nói đúng hơn, các bà đã hành động với hết khả năng của mình. Đó cũng chính là điều tôi mong muốn tất cả mọi người chúng ta hãy noi gương bắt chước. Dù gặp phải những chuyện bực bội buồn phiền, dù gặp phải những chuyện trái ý, chúng ta cũng hãy chấp nhận tất cả vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cũng hãy làm tất cả những công việc nhỏ bé và tầm thường nhất vì lòng yêu mến Chúa.

 Bởi vì lòng yêu mến sẽ là như cây đũa thần, biến những hy sinh nhỏ bé và những công việc tầm thường của chúng ta trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời và làm cho cuộc đời chúng ta thực sự có được một giá trị to lớn trước mặt Thiên Chúa.

19. Tấm lòng.

Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta tấm gương đạo đức chân thành của hai người phụ nữ nghèo của nhưng giàu lòng: một người thời ngôn sứ Êlia và một người thời Chúa Giêsu.

 Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarépta. Ở đó ngôn sứ đã gặp một phụ nữ đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa, bà đã liều chết đói, hy sinh chút bột và dầu còn lại làm bánh nuôi ngôn sứ, nhưng Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh đói khổ. Câu chuyện này đã được Chúa Giêsu nhắc tới rõ rệt một lần và lần khác Ngài ám chỉ đến.

 Một phụ nữ khác thời Chúa Giêsu, đang sống trong cảnh túng thiếu, thế mà bà đã đem cả số tiền lương công nhật, tức là những gì bà có để nuôi sống mình, bỏ vào hòm tiền dâng cúng cho nhà thờ, và Chúa đã khen bà là bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác, tại sao vậy? Bởi vì trước mặt Chúa, những công việc từ thiện, và cả những việc đạo đức mà những người giàu có, cụ thể là giới kinh sư và Pharisêu, chỉ là những phương tiện trục lợi, hay xây dựng danh giá và địa vị cho họ, chứ không phải do lòng kính mến Chúa hay thương yêu người mà phát xuất. Hạng người như thế ở thời đại nào và ở nơi nào cũng có với những cách thức khác nhau. Họ là tỷ phú hay triệu phú, họ bỏ ra một vài triệu để đóng góp vào công việc từ thiện hay xây cất những công trình lớn thì động lực chính có khi không phải là đức ái, mến Chúa yêu người, mà chỉ là giá mua danh vọng. Không nên chờ đợi những người như thế hành động một cách âm thầm, ẩn danh. Thành thử số tiền hay công lao khó nhọc họ bỏ ra có thể là nhiều nhưng thực sự họ chẳng cho hoặc dâng hiến được bao nhiêu. Đó là cuộc đầu tư một vốn bốn lời, đó là sự lợi dụng tôn giáo và bác ái chứ không phải là phục vụ. Trái lại, người đàn bà góa trong Tin Mừng tỏ ra biết phục vụ tôn giáo hết mình: hòm tiền ở hành lang nhà thờ, chắc là thu góp để xây cất hoặc bảo trì bảo quản đền thờ, vì thời Chúa Giêsu đền thờ vẫn chưa hoàn thành. Bà không cần biết ai đóng góp bao nhiêu, bà chỉ thấy có bổn phận đóng góp để tỏ lòng tôn thờ kính mến Chúa theo khả năng của mình. Cho nên, bà có bao nhiêu thì dâng cúng bấy nhiêu mà không hề lo đến tương lai, đến ban chiều, đến ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết phụng sự mà không biết lợi dụng tôn giáo hay Thiên Chúa.

 Chính vì thế Chúa Giêsu khen bà đã dâng cúng nhiều hơn những người khác: xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, đáng tức cười. Nhưng vì căn cứ trên ý hướng để đánh giá trị công việc, cho nên Chúa thấy hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh này nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng: người đàn bà này đang túng thiếu, nhưng bà đã thực sự quên mình để chỉ nghĩ đến Chúa, tới ích lợi chung, trong khi đó những người dâng cúng nhiều lại chỉ đi tìm mình, tìm danh tiếng vẻ vang cho mình mà quên Chúa. Số tiền họ dâng cúng tuy nhiều nhưng họ có mất mát gì đâu, trái lại còn được lời về danh giá và tiếng khen. Chính vì những lý do đó mà Chúa Giêsu đã cho rằng bà ta dâng cúng nhiều hơn những người khác. Hơn nữa, đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, miễn là với cả tấm lòng. Đúng vậy, của cải thì có hạn, người nhiều người ít, công sức cũng có hạn, kẻ nhiều khả năng, kẻ ít khả năng, nhưng tấm lòng thì kể như vô biên giới, và Chúa nhìn vào nơi thẳm sâu của cõi lòng từng người, cõi lòng vô biên giới ấy cân đo những gì là trong sáng, những gì là u tối, những gì là thẳng thắn, những gì là cong queo, để rồi Chúa đánh giá và thưởng công. Vì thế, số lượng nhiều ít của cải vật chất đem ra để chia sẻ không có giá trị nhiều, chính tấm lòng yêu thương quảng đại bên trong mới quan trọng và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Người ta nhìn bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn bên trong, đó là trường hợp bà góa, bà dâng của và dâng cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất.

 Như vậy, bài học chúng ta cần ghi nhớ và suy nghĩ là cách chúng ta làm việc bác ái từ thiện thế nào. Thường thường ai cũng muốn làm việc để được người khác đề cao khen thưởng, nhưng trong việc bác ái, cụ thể là việc bố thí, thì Tin Mừng nói rõ: “Cha ngươi, Đấng thấu suốt cả nơi kín nhiệm sẽ thưởng công cho ngươi”, nghĩa là làm phúc bố thí để cho Chúa biết, Chúa thấy, đó mới là mục đích, đó mới là quan trọng. Điều quan trọng ở đây là chính Chúa thấy trong sự kín nhiệm, kín đáo, loài người không thấy, không biết, nhưng Chúa thấy và Chúa biết tất cả và Chúa có phần thưởng của Ngài. Ở đời, ai làm gì cho chúng ta, chúng ta cũng dành một phần thưởng tương xứng cho họ, huống chi Thiên Chúa. Nhưng có điều chắc chắn là Chúa sẽ thưởng đời sau, cũng có khi Chúa thưởng ngay đời này. Như vậy, rõ ràng làm việc lành để ca tụng Chúa chứ không phải để ca tụng mình, nếu được người ta ca tụng là đã lãnh phần thưởng rồi, và như thế có thể sẽ không còn công phúc trước Thiên Chúa nữa.

 Chúng ta hãy nghĩ xem: chúng ta thường làm những việc đạo đức, những việc bác ái, chia sẻ, những cách đối xử với người khác như thế nào? Có phải với tấm lòng chân thực hay vì những lý do gì khác? Chúng ta hãy nhớ: Chúa căn cứ vào tấm lòng chúng ta mà thưởng công cho chúng ta.

 

20. Nghèo túng.

Dưới mắt người đời, thì nghèo túng là một điều bất hạnh. Chẳng đặng thì đừng mới phải cúi đầu chấp nhận tình cảnh hẩm hiu ấy. Hình ảnh bà góa trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một tiêu biểu cho thân phận nghèo túng. Thế nhưng, theo Kinh thánn, người nghèo túng thường được Chúa ca tụng và chúc phúc.

 Đúng thế, trong những ngày hạn hán, chỉ riêng bà góa thành Sarepta được Chúa sai tiên tri Êlia tới ban phúc lành. Rồi trong Phúc âm, chúng ta thấy Chúa khen ngợi bà góa đã bỏ vào hòm tiền có hai đồng xèng, là đã bỏ nhiều nhất, vì bà dám hy sinh cả những cái cần thiết cho cuộc sống của mình. Lần khác Chúa đã làm phép lạ, cứu sống cậu thanh niên con trai của một bà góa thành Naim. Sở dĩ Chúa ca ngợi và chúc phúc như thế là vì họ đã rộng rãi với Chúa. Thực vậy, dù phải cho đi đến miếng bánh cuối cùng, dù phải dâng cúng ngay cả những đồng xu cần thiết…họ cũng không tiếc xót.

 Nghèo túng tự nó chẳng bao giờ là điều đáng ước mong, nhưng Chúa đã ca ngợi và chúc phúc cho họ không phải vì họ nghèo túng, nhưng vì người nghèo túng thường có tâm hồn độ lượng, biết chia sẻ và cảm thông với những người cùng sống trong một cảnh ngộ như mình. Trong cơn hoạn nạn, kinh nghiệm cho thấy, họ là những người có mặt đầu tiên và ra tay giúp đỡ nhiều hơn cả. Hơn thế nữa, họ còn biết tin tưởng vào Chúa, sẵn sàng chịu đựng cảnh nghèo túng trong niềm kính sợ Chúa như người ăn xin tên là Lagiarô, không than thân trách phận như ông Giob, vì họ tin tưởng rằng sau những gian nguy thử thách ấy, Chúa sẽ ân thưởng bội hậu cho họ như lời Ngài đã phán: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ.

 Chúa Giêsu đã không những đã ca ngợi và chúc phúc cho những người nghèo túng, mà hơn thế nữa, Ngài đã chọn con đường nghèo túng để đến với chúng ta và cứu độ chúng ta. Sinh ra tại Bêlem không nhà không cửa. Lớn lên tại Nagiarét với những công việc cực nhọc. Lang thang rao giảng Tin Mừng: Con cáo có hang chim trời có tổ nhưng Con Người thì không có chỗ tựa đầu. Và sau cùng, đã chết đi một cách trần trụi và tủi nhục trên thập giá.

 Chúng ta có thể tóm kết về cuộc đời Ngài như thế này: Sinh ra nghèo túng, lớn lên nghèo túng hơn và chết đi một cách vô cùng nghèo túng. Sở dĩ như vậy vì Ngài là một vị Thiên Chúa giàu sang, đã mặc lấy thân phận nghèo hèn để biến chúng ta, những tạo vật nghèo hèn, được trở nên giàu sang.

 Có một câu chuyện kể lại rằng:

Ngày kia, gặp một anh ăn mày, Chúa đã xin anh ta một chút gì đó. Miễn cưỡng anh ta phải vét bị đưa cho Chúa một nắm gạo. Chúa nhận lấy, nhưng rồi sau đó đã trả lại ngay. Tuy nhiên, lạ lùng thay, trên bàn tay anh ta không phải là những hạt gạo gẫy nát mà là những hạt vàng sáng chói. Anh ta tiếc rẻ vì đã không đưa cả bị cho Chúa.

 Trong đời sống đạo đức, chúng ta chỉ để ý xin Chúa, mà ít để ý đến những điều chúng ta có thể làm cho Ngài. Tuy nhiên, cũng có những người đã hiểu và họ đã dâng cho Chúa: có thể là một vài đồng xu hay một nắm gạo, có thể là tất cả bị gạo và ngay cả mạng sống của chính mình. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã dâng gì cho Chúa? Chúa sẽ chẳng bao giờ chịu thua lòng rộng rãi và quảng đại của chúng ta đâu.

 

21. Đồng tiền.

Có một ông già giàu gặp một vị đạo sĩ ngồi ở gốc cây bên lề đường, liền hỏi: “Ông ngồi đây làm gì vậy? Nhà tôi đang cần người giúp việc, về làm cho tôi ông sẽ có tiền”. Vị đạo sĩ trả lời: “Cám ơn ông, tôi rất sợ tiền bạc, vì ở đâu có tiền bạc ở đó có tội ác”. Ông nhà giàu nói: “Ông rất lầm nên mới yếm thế bi quan. Thế gian có tiền là có tất cả. Có tiền mua tiên cũng được, khắp đông tây đều công nhận như vậy”. Vị đạo sĩ trả lời: “Ông càng lầm hơn tôi, tiền bạc mở được mọi cửa trừ cửa thiên đàng. Đó là câu nói của các nhà đạo đức phương tây. Còn đông phương thì cho rằng: tiền bạc mua được tất cả nhưng không thể mua được lương tâm của người quân tử”. Ông nhà giàu lại nói: “Ông biết chứ, lịch sử chứng tỏ tiền bạc đi tới đâu thì ở đấy phồn thịnh. Có phải tiền bạc đã biến đổi thế giới khổ cực thành xa hoa sung sướng không?”. Vị đạo sĩ trả lời: “Ông chỉ thấy tiền bạc có một mặt, ông không thấy mặt trái của nó, lịch sử cũng ghi rõ: tiền bạc đi tới đâu thì gieo chia rẽ giàu nghèo, gây nên cảnh bất công, ghen tương, tranh chấp và chết chóc”. Ông nhà giàu không nói thêm gì nữa.

 Cuộc đàm thoại giữa ông nhà giàu và vị đạo sĩ trên đây chỉ xác nhận những điều mà có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết và công nhận như vậy. Bởi vì tự nó tiền bạc chỉ có một giá trị rất nhỏ. Theo cách đánh giá này thì tờ 500 đồng cũng giống như tờ 1 đồng, chỉ là một tờ giấy có in hình khác nhau, đáng giá vài xu do tiền giấy và công in. Nhưng theo giá trị định ước, thì tờ 500 gấp 500 lần tờ 1 đồng. Chính vì giá trị định ước này mà tiền bạc dù rách, dù hôi, nó vẫn được quí trọng, dù đẹp dù xấu, dù mới dù cũ, nó vẫn được người ta dành cho nhiều cảm tình. Nó được chuyền qua biết bao nhiêu bàn tay và được sử dụng vào muôn vàn việc khác nhau.

 Tiền bạc là phương tiện giúp cho người ta trao đổi để dễ dàng sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Nên tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là đàng khác. Nhưng nó trở nên tốt hay xấu là do con người sử dụng nó. Nó có thể được dùng vào những việc gian manh, bất lương, xảo trá, gây nguy hiểm và tai hại cũng như được dùng vào những công việc bác ái, xây dựng tình yêu, tạo nên tình bạn hay đem lại những lợi ích vật chất và tinh thần.

 Như vậy, tất cả chúng ta đều nhất trí rằng: tiền bạc tự nó là tốt và luôn luôn có giá trị rất thực tế theo như định ước người ta gán cho nó. Tờ 1000 đồng chắc chắn phải hơn tờ 50 đồng, tờ 100 đồng, tờ 500 đồng. Nhưng tại sao trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu lại nói hai đồng tiền kẽm, chỉ đáng một phần tư đồng xu Rô ma của người đàn bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng ở đền thờ lại quí hơn những số tiền lớn của những người giàu?

 Xét về số lượng thì chắc chắn hai đồng tiền của bà góa thua kém xa số tiền lớn của những người khác. Nhưng xét theo tỷ lệ tương quan, nghĩa là về hoàn cảnh, về lý do, về mục đích thì người đàn bà này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn, bà ấy đã cho nhiều hơn hết, vì bà không dâng những thứ dư thừa mà dâng những cái rất cần thiết để nuôi sống. Có thể số tiền đó chính là một ổ bánh mì, một lon gạo, một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm đó. Nhưng không, bà không lo đến tương lai, không lo ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết phụng sự mà không biết lợi dụng tôn giáo hay lợi dụng Thiên Chúa. Trái lại, những người dâng cúng nhiều chỉ khoe khoang để tìm danh vọng tiếng khen. Số tiền họ dâng cúng tuy nhiều nhưng so với cơ nghiệp và gia tài của họ thì có thấm thía gì. Họ chỉ mất một ít tiền bạc nhưng lại được lời về danh giá và tiếng khen. Cho nên, thực sự họ chẳng cho hoặc dâng hiến được bao nhiêu. Đó là một cuộc đầu tư một vốn bốn lời. Đó là một sự lợi dụng tôn giáo và bác ái chứ không phải phục vụ. Chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu đã đánh giá bà góa nghèo dâng cúng nhiều hơn mọi người.

 Hơn nữa, đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, miễn là với tất cả tấm lòng. Ngài không ham của cải Ngài đã ban cho loài người, nhưng chỉ muốn lòng thành thực của con người mà thôi. Cho nên, người ta có thể dâng thật nhiều cho Thiên Chúa, nhưng bao lâu người ta chưa dâng chính mình hay ít nữa những gì thuộc về bản thân, những gì liên hệ tới chính con người của mình thì kể là người ta chưa dâng hiến gì cả.

 Qua bài Tin Mừng với việc làm của người đàn bà góa nghèo, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị của tiền bạc đối với người sử dụng nó và qua đó chúng ta rút ra được một bài học, đó là hãy biết cho đi. Bởi vì thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều, nhất là cho đi với một lòng thành thực thiết tha. Nhưng không phải chỉ cho những gì là vật chất như của cải, tiền bạc mới là cho. Chúng ta có thể cho những gì là siêu nhiên cao quí như lời cầu nguyện; và cho những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa hay những lời an ủi chân thành…

 

22. Cho đi.

Người ta trắc nghiệm một quà tặng không phải bằng số lượng của nó, nhưng bằng sự mất mát mà người cho phải chịu.

 Chúng ta phải cho điều gì thật sự có một giá trị đối với chúng ta. Đó không phải là cho cái nếu không có chúng ta vẫn sống được mà là cho cái nếu không có, chúng ta không thể sống được hoặc chúng ta không muốn thiếu nó trong cuộc sống: Loại cho này làm chúng ta bị tổn thương. Nhưng đó chính là tình yêu đang hành động. Khi người cho cũng rất cần của cho như người nhận. Đó mới là sự cho thật. Và lúc đó, sự cho thành một sự hy sinh.

 Mẹ Têrêxa kể lại một câu chuyện. Một ngày nọ, mẹ đi xuống phố và một người ăn mày đến gặp mẹ và nói: “Thưa mẹ Têrêxa, mọi người đều cho mẹ tiền. Tôi cũng muốn cho mẹ tiền. Hôm nay, suốt cả ngày, tôi chỉ có được ba mươi xu. Tôi muốn cho mẹ số tiền ấy”.

Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc: “Nếu tôi lấy ba mươi xu thì tối nay anh ta sẽ phải nhịn ăn; còn nếu tôi không lấy, tôi sẽ làm tình cảm anh ta tổn thương. Vì thế tôi đưa tay ra để lấy số tiền ấy. Tôi chưa bao giờ thấy được niềm vui như thế trên khuôn mặt ai như trên khuôn mặt của người ăn mày đó khi anh ta nghĩ rằng mình cũng đã cho tiền mẹ Têrêxa”.

Mẹ Têrêxa nói tiếp: “Đối với người đàn ông nghèo này, phải ngồi suốt cả ngày để chỉ xin được ba mươi xu. Đẹp biết bao: ba mươi xu như thế là một món tiền nhỏ, và có thể tôi chẳng mua được gì nhưng vì anh ta đã cho nó và tôi đã lấy nó, nó trở nên gấp ngàn lần bởi vì nó đã được cho với bao yêu thương. Thiên Chúa nhìn thấy không phải là sự to tát của công việc, mà vào tình yêu thương qua đó công việc được hoàn thành”.

Các bài đọc hôm nay kể lại những câu chuyện tương tự về lòng quảng đại. Hai bài nói về hai con người rất nghèo: hai bà góa. Chúng ta tự hỏi làm thế nào mà một người nghèo như bà góa trong Tin Mừng lại có thể làm được một hành động tốt lành tự phát đến như thế. Người ta cần phải trung tín thực hành lòng quảng đại trong nhiều năm để có được tấm lòng nhân hậu như bà. Nó được hình thành không phải bằng một ít công việc lớn lao mà bằng nhiều công việc nhỏ bé. Nếu bạn chiếm được một địa vị cao trong đời sống, bạn có một cái danh phải giữ. Bạn ý thức sự hiện hữu của mình trong con mắt của quần chúng. Vì thế khi bạn làm một điều tốt bạn phải làm thế nào để nó gây ấn tượng cho những người khác hơn là để cho điều tốt ấy xuất phát từ lòng nhân hậu của tâm hồn bạn. Điều này đưa vào một yếu tố cho việc hoàn thành – bạn hoàn thành cho một số khán giả.

 Có một địa vị thấp (như bà góa) có thể có lợi ích. Nó có nghĩa bạn không bị để ý nhiều. Bằng cách đó, những gì bạn làm hoặc cho có cơ may là những sự việc vô danh. Công việc bạn làm càng dễ dàng xuất phát từ tâm hồn của bạn. Mặc dù không ai khác nhận ra việc bà góa đã làm, Đức Giêsu nhận ra nó và ca ngợi bà. Biết rằng một việc làm yêu thương dù nhỏ không thoát khỏi ánh mắt dõi theo của Người là một điều thích thú. Chúng ta tốt biết bao khi nhận ra công việc những người khác làm và khẳng định chúng! Đáng buồn là thật ra chúng ta quá chú tâm về mình đến nỗi chúng ta không còn nhận ra cũng không quan tâm đến những công việc ấy.

 Bà góa trong câu chuyện Tin Mừng đã cho tất cả những gì thuộc về bà. Bà cho đi mọi sự an toàn nhỏ nhặt nhất và phó thác hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa. Vì thế, câu chuyện ấy vừa là câu chuyện về sự tín thác vào Thiên Chúa, vừa là câu chuyện về lòng quảng đại.

23. Tâm tình hiến dâng – Lm. Anmai.

Người ta vẫn thường bé cái lầm với nhau là những người khá giả, giàu có thì dễ dâng hiến, dễ trao tặng hơn người nghèo nhưng không, thực tế hoàn toàn trái ngược. Những người nghèo, những người hơi kha khá một chút thì lại dễ biết chia sẻ, biết dâng hiến hơn những người giàu. Chuyện thực tế ấy ngày hôm nay được vẽ nên bởi hai bức tranh của hai bà goá: một bà thời Cựu Ước và một bà của thời Tân Ước. Hai bức tranh, hai hình ảnh, hai bà goá ấy nhưng tựu trung chỉ có một đó là tâm tình dâng hiến của một con người nghèo, một con người mà thường thì bị xã hội xếp vào hàng thứ yếu.

 Bà goá ở cái thành Xarepta ngày xưa thật là hay. Có sao nói vậy, bà đã nói với “kẻ xin ăn” là Êlia rằng bà chỉ còn có một nắm bột trong hũ và một chút dầu trong vò. Dầu và bột đó có chăng chỉ đủ cho một bữa cho hai mẹ con thôi. Bi đát nhất cái câu của bà là “chúng tôi sẽ ăn rồi sẽ chết”. Quá bi đát bởi vì thời đó đang bị hạn hán, chẳng có gì mà ăn hết. Mẹ goá con côi chỉ có chút bột, chút dầu ấy vậy mà một chàng thanh niên đến để xin ăn. Sức khoẻ của chàng thanh niên ấy mà ăn mớ bột và dầu được làm thành bánh thì chắc hai mẹ con chẳng còn gì để mà ăn nữa.

 Sau khi nghe lời trần tình của chàng thanh niên, bà goá đã chia sẻ bánh cho chàng thanh niên và rồi hũ bột không vơi và bình dầu không cạn như lời Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Êlia.

 Với trang Tin mừng theo Thánh Maccô hôm nay thật là hay. Nơi trình thuật này, Maccô đã khéo léo vẽ lên một hình ảnh đẹp của bà goá nghèo ở đền thờ. Trình thuật nhỏ này cũng được ghi lại nơi Luca 21,1-4, song không thấy nơi Matthêu. Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với Thánh Matthêu, những cuộc tranh luận của Chúa Giêsu về phe ký lục giữ một tầm vóc quan trọng. Nên chi, thánh ký bỏ đi câu chuyện về bà goá nghèo này. Đang khi đó, Tin Mừng Luca lưu ý nhiều đến góc cạnh xã hội. Như vậy, câu chuyện này sẽ luôn là một thứ chủ đề hấp dẫn.

 

Trở lại với Maccô, câu chuyện hấp dẫn này được phác hoạ như một hình ảnh đối chọi lại với cuộc sống ích kỷ và giả tạo của ký lục mà Chúa Giêsu vừa phác họa. Xét về nguồn tài liệu, câu chuyện đại loại như thế khá quen thuộc trong truyền thống Do Thái và cả thế giới ngoại giáo. Khiến chúng ta nhớ lại câu chăm ngôn quen thuộc mà các bậc khôn ngoan thởi đó ưa sử dụng: “Hai con chim câu được hiến dâng bởi một kẻ nghèo khó có giá trị hơn 1.000 hy lễ của vua Agrippa”

 Có một câu chuyện rất phù hợp với bản văn Maccô như sau: ngày kia có một người đàn bà nghèo đến dâng một nắm bột bé nhỏ. Vị tư tế nhận lễ vật với thái độ khinh bỉ và sau đó ông ta đã ném đi. Ban đêm trong giấc ngủ, ông nghe có tiếng quở trách: “Đừng khinh bỉ bà ta. Đó dường thể bà ấy đã dâng hiến cả cuộc sống mình”.

 Ngồi đối diện với hòm tiền. Người xem dân chúng bỏ tiền vào hòm tiền như thế nào. Lắm người giàu có bỏ nhiều. Bà góa nghèo khó nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 41-42). Hòm tiền: Hồi đó ở khu tiền đường phụ nữ, người ta xây một “phòng Hòm tiền” gồm 13 hộc, như thể thứ hộc bỏ thư ở bưu điện. Đây là nơi dành cho việc dâng cúng của các tín hữu Do Thái.

 Cũng theo thông lệ thời đó, các khách hành hương Đền thờ sẽ không tự ý bỏ vào đó tiền bạc hay lễ vật. Họ trao của dâng cúng cho vị tư tế phụ trách và vị tư tế này sẽ đặt lễ dâng vào một trong các hòm tiền, tùy theo ý lễ. Bởi thế, Chúa Giêsu có thể ngồi đó và quan sát được số tiền hay lễ vật dâng cúng. Người thấy bà góa nghèo đến bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 42).

 Hai trinh, tức một xu. Thời đó 1 lepton là đồng tiền nhỏ nhất được lưu hành. Nó bằng ½ kodrantes. Hạn từ kodrantes dịch từ La ngữ quadrans. Như vậy 2 lepta khoảng 1 quadrantes. Lương công nhật của người thợ trung bình là 64 quadrans tức là 128 lepta. Như vậy, hai trinh của bà góa là một số tiền quá ít oi bé nhỏ. Người gọi môn đệ lại mà nói: Quả thật, Ta bảo các ngươi, bà góa nghèo khó ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy. Vì mọi người đều lấy của dư bỏ vào, còn bà ấy lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có, tất cả của độ thân (c. 43-44)

 Hơn… hết thảy Người phụ nữ góa và nghèo này được Chúa Giêsu đánh giá cao nhất: Bà đã dâng cúng hơn mọi người khác, đang khi mà nếu xét theo cái nhìn của người đời, thì 2 trinh của bà là ít nhất. Vì chưng, bà đã “lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có”; Bà dã dâng hiến tất cả của độ thân.

 Lồng kết vào trong nhãn quan thần học Maccô, sự dâng hiến đó của người góa phụ là biểu tượng của một thứ lòng đạo hạnh đích thực, khác hẳn với phe ký lục và các thành phần Do Thái tự mãn khác. Vì bởi, sự đạo đức đúng nghĩa là một sự phó thác toàn vẹn cho Thiên Chúa, một thái độ mà qua đó người ta để cho Thiên Chú hoàn toàn thu xếp, không giữ lại sự tính toán nào.

 Y hệt như hình ảnh người phụ nữ lấy ngay cả sự túng thiếu của mình mà hiến dâng. Cách diễn tả đó gợi nhắc đến giới luật trọng nhất mà Chúa Giêsu nêu lên ở trước: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Và yêu đồng loại như chính mình (Mc 12,29-31). Trong truyền thống Do Thái, thành ngữ hết sức lực ám chỉ tới mọi nguồn lợi vật chất mà kẻ ấy có.

 Bà góa chỉ có 2 lepton. Nếu bà muốn giữ lại 1 lepton chẳng hạn, chẳng ai trách cứ gì bà. Song le, bà đã cho đi tất cả, cho đi chính mình. Một con người như thế ắt sẽ dễ dàng nhìn thấy khổ đau và thiều thốn của đồng loại và cũng sẽ yêu thương đồng loại như chính mình.

 Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng: bà góa còn là một thứ biểu tượng của kẻ dám hiến dâng tất cả, dám hy sinh cả mạng sống cho Thiên Chúa cho đồng loại.

 Trong bối cảnh kết thúc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu với viễn tượng tử nạn cận kề, hình ảnh của bà góa phải chăng là sự gợi nhắc trước đến sự hiến dâng mạng sống của Người cho Thiên Chúa ngõ hầu cứu độ nhân loại.

 Trong đời sống thường ngày, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi con người biết cho đi, biết trao tặng và cũng phải nói rằng có quá nhiều quá nhiều cơ hội để cho đi, để trao tặng. Khi cuộc sống đầy đủ, dư giả mà trao tặng ắt hẳn sẽ không có ý nghĩa cho bằng khi cuộc sống vẫn còn đó trong cái cảnh thiếu trước hụt sau.

 Một anh chàng nghèo, vợ mới sinh con đầu lòng được vài tháng cầm 200.000 đồng vào biếu cha để phụ Cha sửa chữa trường cho các em khuyết tật trong giáo điểm của anh. Ngày hôm nay, 200.000 ấy chẳng thấm là bao so với công trình sửa chữa nhưng tấm lòng của anh chàng ấy quá lớn. Chàng thanh niên ấy sống đắp đổi qua ngày với cái nghề buôn bán quần áo sida. Vì hoàn cảnh sinh nhai, chàng thanh niên phải lội ngược lội xuôi về Sài Gòn mua quần áo rồi chạy mãi ra các khu công nghiệp như Nhơn Trạch, Bình Dương để bán. Do đi lại như vậy chàng ít có thời gian ở nhà nhưng ngày nào có ở nhà là ngày ấy chàng đi dự lễ. Hôm ấy, chàng về đúng cái ngày mà cha đang sửa nhà cho các em khuyết tật, thế là chàng ghé nhỏ vào tai cha: Cha cho vợ chồng con phụ với cha một ít để cha lo cho các em! Không nỡ cầm 200.000 của chàng thanh niên nghèo nên đã từ chối nhưng không thể nào từ chối được trước cái lòng thành của anh.

 Hình ảnh của anh chàng bán quần áo si-da phải chăng là hình ảnh của bà goá nghèo hôm nay trong Tin mừng? Anh chàng đã cho số tiền thật sự chẳng là bao so với xã hội bây giờ nhưng anh cho với hết cả tấm lòng của anh.

 Trong cuộc sống đời thường, có thể nói tâm tình hiến dâng là một tâm tình hết sức là đẹp. Chưa nói đến chuyện dâng hiến cho Chúa mà chỉ cần nói đến chuyện dâng hiến cho nhau. Vợ có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho chồng cho con hay không? Chồng có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho vợ cho con hay không? Con cái có dám dâng hết tất cả những gì mình có cho cha mẹ không?

 Khi nói đến dâng hiến, người ta sẽ bảo là người ta đâu có gì để mà dâng hiến để biện luận, để bào chữa cho thái độ ích kỷ của người ta. Có đấy chứ nhưng không chịu dâng hiến đấy thôi. Chẳng lẽ ai trong chúng ta không có sức khoẻ, không có thời gian và không có tiền bạc. Chúng ta có cả một cái quỹ về thời gian, về sức khoẻ, về tiền bạc nhưng chúng ta cứ khư khư giữ cho mình mà chúng ta không dám mở lòng ra để mà dâng hiến, để mà chia sẻ đấy thôi.

Gọi là không có cũng được nhưng chẳng lẽ chúng ta không có tấm lòng? Chúng ta cứ dâng hiến, chúng ta cứ cho đi tấm lòng của chúng ta cho những người sống chung quanh chúng ta. Mỗi khi chúng ta dốc hết “hầu bao” để dâng hiến cho anh chị em đồng loại chính là lúc chúng ta dâng hiến cho Chúa vậy. Chúng ta cứ quảng đại mở lòng ra dâng hiến cho Chúa như hai bà goá hôm nay trong bài đọc cũng như trong Tin mừng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa sẽ ghi nhận cũng như sẽ ban những ơn lành cần thiết cho mỗi người chúng ta.

 Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái đến và ở lại với mỗi người chúng ta, mở lòng chúng ta ra để chúng ta cũng biết quảng đại để dâng hiến, để trao dâng tất cả những gì mình có cho Chúa như bà goá ngày hôm nay trong Tin mừng vậy.

 

24. Đạo đức giả và quảng đại thật

(Giải thích và suy niệm của Lm. PX. Vũ Phan Long)

1.- Ngữ cảnh

Giáo huấn của Đức Giêsu và lời nhắc đến các kinh sư  đi với nhau, khiến chúng ta nhớ đến đoạn văn trước (Mc 12,35). Bản văn này là như bức tranh bộ đôi trong đó nổi rõ những nét tương phản. Các kinh sư khoe khoang và đạo đức giả bị chỉ trích trong đoạn văn này là hình ảnh ngược lại với hình ảnh người môn đệ của Đức Giêsu.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Lối sống đạo đức giả của các kinh sư (12,38-40);

2) Câu truyện bà goá nghèo (12,41-44).

Hai phần này được liên kết với nhau bằng từ móc nối “bà góa” (cc. 40.42).

 3.- Vài điểm chú giải

– Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa … thích  … (38): Các lời cáo buộc của Đức Giêsu được nêu theo một mức độ trầm trọng tiệm tiến: xúng xính trong áo thụng, thích được chào và thích ghế danh dự. “Áo thụng” (HL. stolê) là áo choàng các kinh sư thường mặc để vận dụng trong một số trường hợp. Mt 23,5 trách là họ đã nối dài tua áo. Thật ra chính bộ áo cũng đã “thụng”, khi đi thì kéo lê sát đất. Cũng có thể đây là cử chỉ quấn mình vào trong áo khi cầu nguyện, khi tuyên một bản án hoặc khi giải gỡ các lời khấn. Dù thế nào, đây cũng là một lối khoe khoang áo xống, nhằm được tôn kính. “Ưa được chào hỏi” tại các nơi công cộng cũng là một tật xấu, cùng với tật “ưa chiếm chỗ danh dự” trong các hội đường hay các đám tiệc. Chỗ nhất trong hội đường là vị trí  ở trước hòm chứa tôrah, chỗ này được dành cho những nhân vật cao trọng và các quan chức. Chỗ danh dự trong bữa tiệc là chỗ bên cạnh chủ nhà hoặc người khách đặc biệt.  

– Họ nuốt hết tài sản của các bà goá (41): bản văn Hy Lạp viết là “nuốt trửng các nhà”. Vào thời ấy, các kinh sư có thể được cậy nhờ quản lý giúp số tài sản nhỏ nhoi của các bà goá. Nhờ đó, họ có thể trục lợi. Cũng có thể là họ tư vấn về pháp luật cho các bà góa rồi đòi một thù lao cắt cổ. Dưới mắt một số chuyên pháp lý và các ngôn sứ Cựu Ước, bóc lột bà goá, người ít được luật bảo vệ nhất (vì: 1) là phụ nữ; 2) đại diện cho tình trạng nghèo túng), là một tội đặc biệt đáng ghét (Xh 22,21tt; Đnl 27,19; Is 1,7.23; 10,2; Gr 7,6; 22,3; Tv 93/94,6), còn nâng đỡ cô nhi quả phụ theo gương Thiên Chúa (Đnl 10,18t; 24,17-22; 26,12t; G 29,13; 31,16) là một việc lành được kể ở hàng đầu.

– làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: x. Mt 6,5. Đức Giêsu không kết án việc cầu nguyện lâu giờ, nhưng kết án việc cầu nguyện để cho người ta thấy. Các kinh sư đã làm hỏng hành vi tôn giáo là cầu nguyện khi nối kết nó với thái độ khoe khoang kệch cỡm của họ.

– thùng tiền (41): Từ Hy Lạp gazophylakion (do từ ngữ Ba Tư gaza = kho tàng). Đây có thể là phòng tàng trữ của cải ở bên trong khuôn viên Đền Thờ; khuôn viên này, chỉ người Do Thái mới được vào. Trong căn phòng này, có đặt mười ba hòm đựng của dâng cúng. Theo 2 Mcb 36, vào thời vua Sêlêukhô IV, phòng này đầy ứ những của cải. Theo Phl. Gioxép (Chiến tranh Do Thái 6,282), vào năm 70 sau CG, khi Đền Thờ bị thiêu hủy, phòng này đã bị thiêu rụi cùng với vàng bạc châu báu, xiêm y, tiền bạc. 

– Người quan sát xem (41): Đức Giêsu ngồi đó như một khán giả xem (etheôrei) cảnh sinh hoạt. Thật ra lối mô tả của Mc không rõ ràng: Trong khi Đức Giêsu ngồi đối diện với phòng tàng trữ của cải (gazophylakion), dân chúng ném tiền vào trong các hòm của dâng cúng (gazophylakion); mà dường như người ta không được phép ngồi ở đây, nhất là lại ngồi để xem như xem trình diễn!

– đám đông bỏ tiền: “Tiền” đây dịch từ Hy Lạp chalcos, “tiền đồng”, nhưng ở đây có nghĩa là “tiền bạc nói chung.

– một bà goá nghèo (42): Tác giả dùng từ chỉ số lượng mia (one) thay vì dùng tis (a certain), nhưng đấy là lối viết thông thường thời đó. Tuy vậy, hẳn là ngài cũng muốn lưu ý đến một sự cố đặc biệt (“một bà goá nghèo đến bỏ vào đó…”).

– hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc: Hai đồng tiền kẽm”, lepta (số ít: lepton), bằng một kodrantês; một kodrantês bằng ¼ as hoặc assarion; một assarion bằng 1/6 quan (một quan,  denarius, là lương công nhật một người thợ).

– Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa … , bà này thì rút từ cái túng thiếu … (44): Ở đây không có một bài học luân lý nào được minh nhiên rút ra. Nhưng vì đã quen với giáo huấn của Thầy, hẳn các môn đệ Đức Giêsu có thể rút ra được nhiều bài học như: đừng phê phán ngưòi ta dựa vào dáng vẻ bề ngoài (x. Mc 12,40; Mt 23,27); những người quảng đại nhất cũng như những người đạo đức nhất không nhất thiết là những người đã tỏ ra như thế; chỉ một mình Thiên Chúa thấy trong nơi bí ẩn (Mt 6,4.6.18) và biết các cõi lòng (Lc 16,15; x. Cv 1,24; 15,8)…

 4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lối sống đạo đức giả của các kinh sư (38-40)

Giáo huấn của Đức Giêsu được chia thành một lời khuyến cáo mở đầu (c. 38b), một lời mô tả các kinh sư (cc. 38c-40b), và một lời kết đe dọa phán xét (c. 40c). Lời chỉ trích đầu tiên nhắm đến cao vọng diễn tả ra trong cố gắng tìm cho được dân chúng nhìn nhận. Họ phô trương phẩm giá của họ bằng cách mặc những áo dài đại lễ và yêu cầu được người ta cung kính chào tại các quảng trường và được có những chỗ danh dự trong các cử hành tôn giáo và tại bữa tiệc. Đau xót hơn, đó là lời chỉ trích thứ hai liên hệ đến sự tham lam của các kinh sư. Lối sống của họ càng đáng trách hơn nữa khi họ nối kết hành vi bóc lột với việc cầu nguyện lâu dài và giả hình.

Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc tại cuộc xử án cánh chung, tức là mất ân ban sự sống đời đời (x. Mc 10,30).

* Câu truyện bà goá nghèo (41-44)

Khung cảnh Đền Thờ, phòng tàng trữ của cải, cùng với những người giàu dâng cúng thật nhiều tiền, càng làm nổi bật sự nhỏ bé, bần khốn của bà góa, một con người không được luật lệ quan tâm bảo vệ. Nhưng Đức Giêsu thấy được tấm lòng của bà. Lời giáo huấn Ngài ban cho các môn đệ bắt đầu bằng câu “Thầy bảo thật (amên) anh em” cho thấy rằng Đức Giêsu ở trong thế có thể thật sự lượng định giá trị của lối xử sự của loài người. Không phải là nguyên sự tự do thanh thoát đối với của cải đã đưa lại giá trị cho hành vi dâng cúng, nhưng là tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua hành vi đó.

 + Kết luận

Đấng “dò thấu lòng dạ” (Xh 2,23; x. Tv 7,10; 17,10), và không bị đánh lừa bởi những dáng vẻ bề ngoài, mời gọi các môn đệ đừng để bị lừa bởi một bộ mặt đạo đức che đậy sự khoe khoang, tham lam và đạo đức giả, hoặc bởi vẻ không đáng kể của những hành vi bác ái do những người nghèo và những người thất học thực hiện. Mỗi người được mời gọi ý thức về sự mỏng dòn của mình mà cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, và học biết trân trọng thiện chí của kẻ khác.

 5.- Gợi ý suy niệm

1. Lời lẽ Đức Giêsu phê phán các kinh sư có thể có phần phóng đại. Tuy thế, những người đang có trách nhiệm phục vụ dân Chúa ở các cấp vẫn cảm thấy được mời gọi đánh giá lại phong cách, lời ăn tiếng nói của mình, cũng như ý hướng của mình khi làm các công việc phục vụ.

 2. Sự lừa dối đã là đáng trách, nhưng càng đáng trách hơn nữa hành vi lừa dối bằng cách vận dụng những yếu tố liên hệ đến sự thánh thiện (như đọc kinh cầu nguyện, thánh lễ, viếng nhà thờ…) để che giấu một thực trạng tiêu cực.

 3. Tấm gương bà góa mời gọi các Kitô hữu đừng đánh giá con người theo bề ngoài. Trước nhan Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là của dâng cúng to lớn, nhưng là tâm tình trung thực khi dâng cúng. “Của cho không bằng cách cho”!  

 4. Vì ý thức rằng người nghèo được Thiên Chúa kính trọng, cộng đoàn ki-tô hữu không những cần nghiền ngẫm tấm gương của bà góa, không những âm thầm kín đáo làm các hành vi đạo đức, mà còn san sàng giúp đỡ những người đang sống cảnh cô độc neo đơn.

25. Chú giải của Noel Quesson.

Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư

“Kinh Sư” là những nhà chuyên môn và những người giải đáp chính thức Kinh Thánh. Sau một thời gian dài học tập vào khoảng 40 tuổi, họ được công nhận thi hành chức vụ của họ và trở nên những người cố vấn chính thức trong những quyết định tư pháp. Đức Giêsu và các tông đồ đã không được đào tạo như thế.

 Ngay từ đầu, các “Kinh Sư” luôn tỏ ra chống đối Đức Giêsu. Chỉ trong Tin Mừng Maccô, chúng ta đã thấy nhiều cuộc xung đột (Mc 2,6; 3,22; 7,1; 11,18). Ở đây, Đức Giêsu nghiêm chỉnh cảnh giác chúng ta. Đây là lần cuối cùng Người nói trước công chúng, khoảng vài tuần lễ trước khi Người bước vào cuộc thương khó và bị kết án bởi Thượng Hội đồng mà các Kinh sư thường chủ trì xét xử.

 Matthêu đã quy tụ lại thành một diễn từ của Đức Giêsu về đề tài này: “Khốn cho các Kinh sư” (Mt 23). Sự hiểu biết không nhất thiết mang lại cho ta đức hạnh… và than ôi, kể cả sự hiểu biết tôn giáo cũng thế.

 Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.

Vẫn còn những Kitô hữu bực tức vì Giáo Hội đang cố gắng gột bỏ mọi vẻ huy hoàng. Tuy vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng sự cố gắng đó dù chưa hoàn tất, nhưng hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Đức Giêsu. Giáo Hội trong mọi thời đại; có nguy cơ rơi vào cám dỗ khủng khiếp của uy thế, đặc quyền những “vẻ bề ngoài sang trọng” những tước vị và những chỗ ngồi danh dự. Lạy Chúa, xin cho chúng con càng ngày càng làm quen với một Giáo Hội, biết gột bỏ những danh dự, chấp nhận nghèo khó. Với các linh mục, biết sống như mọi người, không dành đặc quyền đặc lợi nào cả.

 Tính cách Pharisêu mà Đức Giêsu lên án, đó là việc sử dụng những “dấu hiệu bề ngoài” để làm cho người khác nể trọng mình và được hưởng những đặc quyền. Ngày nay, có một phong trào tân Pharisêu cũng giả dối như thế, cốt làm tăng giá trị của mình bằng cách làm ra vẻ “thông thạo thời sự”, “giữ đúng thời trang” bằng cách theo nhưng “quan điểm tiến bộ nhất”, dù là những quan điểm rỗng tuếch.

 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ

Điều mà Đức Giêsu quở trách kinh sư thời ấy, đó là thái độ “khoa trương”, lòng “tham lam”, nếp sống “giả hình” của họ. Có lẽ họ đã đòi hỏi những khoản thù lao rất cao đối với những người đến hỏi ý kiến họ, và điều này rất nghiêm trọng vì họ được coi như những người đạo đức, cầu nguyện lâu giờ. Kẻ nào muốn loan truyền những đòi hỏi của Lời Chúa, cũng phải tỏ ra rất khắt khe với chính mình. Khi các Kitô hữu, hay phẩm trật Giáo Hội phạm những bất công xã hội thì đó là điều đặc biệt nghiêm trọng. Thiên Chúa nghe thấy tiếng kêu của những người nghèo khổ bất hạnh, Người ban “công lý” cho kẻ bị áp bức, nâng đỡ góa phụ và cô nhi (Tv 1,45).

 Kẻ nào muốn thuộc phe Chúa, thì nhờ cầu nguyện, phải đặc biệt trở nên liêm khiết và công bằng.

 Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn

Cộng đoàn của Đức Kitô là Giáo Hội phải nghe lời cảnh cáo này: Người sẽ càng khắt khe hơn với chúng ta, khi chúng ta càng được nhận lãnh nhiều. Chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa! Người thấy tận đáy các sự việc và những sự giả dối của chúng ta sẽ bị lột trần trước mắt Người.

 Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao

Maccô là một nhà quay phim tài tình. Chúng ta hãy thưởng thức sự chính xác của thiên phóng sự này. Đức Giêsu đã chọn một điểm quan sát tốt, ngồi trên các bậc thềm, đối diện với các hòm tiền. Người nhìn xem. Đám đông những người hành hương diễn qua trước mặt Người. Chúng ta hãy ghi nhận lòng nhân ái của Đức Giêsu: Người chú ý đến những đám đông, chú ý đến những gì xảy ra chung quanh Người. Chúng ta có biết chú ý không? Chúng ta có biết ngắm nhìn không?

 Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.

Vào thời Đức Giêsu cũng như ngày nay các tầng lớp xã hội luôn có những mức lợi tức rất chênh lệch. Điền chủ, thương gia, luật gia, giới tư tế thường là giàu có và là sở hữu chủ tại Giê-ru-sa-lem những dinh thự với tất cả tiện nghi và xa hoa: Nhiều gian phòng, hồ tắm, sân vườn, cột nhà cẩm thạch… Trong khu ở riêng của các người quyền quý một khu đẹp và sang trọng! Còn những người nghèo thì chạy sống từng ngày và ở trong “khu vực thấp hèn” tại Giêrusalem.

 Nếu lưu ý đến bản văn của Maccô, chúng ta sẽ thấy ông đã viết “một số” người giàu… nhiều người giàu, đã cống hiến ‘những số tiền lớn’ như vậy, họ cũng thiết thân làm nghĩa vụ đối với Đền Thánh. Ở đây Maccô không chú thích gì cả, nhưng ông vẫn không thể không so sánh:

 Cũng có một bà góa nghèo đến.

Bây giờ nhà quay phim cống hiến cho ta một cận cảnh:

Người đàn bà nghèo khó bước tới gương mặt khiêm tốn giữa các khuôn mặt khác. Không có một chỗ danh dự, không danh tiếng gì. Một người không quen biết. Đó là một người đàn bà, trong thế giới mà người đàn ông thống trị, một góa phụ trong thế giới mà chỉ có người đàn ông mới có quyền được luật pháp công nhận. Một người đàn bà nghèo, không lợi tức. Đức Giêsu đưa mắt nhìn bà.

 Bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.

Thật là trái ngược với “số tiền lớn” của những kẻ khác! Tôi muốn nhìn ngắm hai đồng tiền nhỏ này, hai đồng xu đút giấu kín trong lòng bàn tay bà.

 Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

Cách tính tiền thật là kỳ cục? Bà này đã cho “nhiều hơn” tất cả mọi người. Đức Giêsu đã nói thế. Người làm đảo lộn mọi hệ thống xã hội của chúng ta. Người coi thường hệ thống phân loại, những giai cấp xã hội của chúng ta, với những bậc thang phân biệt rõ ràng mà người ta phải leo lên để “thăng tiến”. Ở bậc thang xã hội “cao”, thì giàu có được người khác trọng nể; mặc y phục lộng lẫy, được người ta chào hỏi công cộng, có chỗ ngồi danh dự trong những bữa tiệc, tất cả những điều này không làm Chúa Giêsu quan tâm đến. Còn chúng ta thì sao?

 Phản ứng của chúng ta trước trang Tin Mừng này như thế nào? Hay nó vẫn làm chúng ta thản nhiên, không chút bận tâm?

 Trong một xã hội dồi dào của cải mà chúng ta đang sống chúng ta có thái độ nào đối với một số nghề nghiệp dành cho người nghèo? Có những người nào mà tôi khinh khi vì chủng tộc, vì môi trường xã hội, nghề nghiệp hay sự nghèo khó của họ không?

 Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản

Người ta không thể đánh lừa Chúa được. Người thấy tận đáy lòng chúng ta. Bà này đã cho “nhiều hơn”, vì bà đã cho “tất cả”. Muốn biết giá trị của một quà tặng, ta không nên chỉ nhìn vào đồ vật đó, mà còn, phải để ý đến người cho. Thiên Chúa đã nhìn như thế. Người nhìn thấy những gì còn lại trong két sắt hay trong trương mục ngân hàng.

 Chúng ta cần suy niệm hai từ mà Đức Giêsu đã dùng. Đó là hai ý niệm đơn giản: ‘Sự túng nghèo’ là tình trạng của người không có đủ yếu tố cần thiết để sống; ‘Điều cần thiết’ là những gì tương xứng cho đời sống bình thường. ‘Của cải thừa’ là những gì chúng ta có nhiều hơn cái cần thiết.

 Chắc chắn đó không phải là những giá trị toán học cố định. Vì ta có thể thắc mắc: “Sự cần thiết sẽ dừng lại ở mức nào?”. “Sự dư thừa” bắt đầu từ đâu? Nhưng thực tế khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng có quá nhiều khác biệt giữa điều kiện sống của con người trong cùng một xứ sở nhất là giữa quốc gia này với quốc gia khác. Với những đồ vứt bỏ trong thùng rác ở New York, người ta cũng có thể cứu sống cho một thành phố với số dân tương đương thuộc thế giới thứ ba. Những phí phạm của chúng ta kêu lên tới Thiên Chúa, và trước mặt người nghèo. Vào thời đó, Đức Giêsu đã dám tố cáo một số người sống quá ‘dư thừa’, còn ngày nay Người sẽ phải nói sao đây?

 Tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.

Đức Giêsu không nhìn sự việc như chúng ta. Chính Người cũng là một kẻ nghèo. Người đã nhìn ngắm và thấy tâm hồn cho đi tất cả. Chúa để mắt trên người nghèo. Họ đang làm vui lòng Thiên Chúa.

 Đức Giêsu đã ca ngợi người đàn bà góa nghèo, cống hiến hai đồng tiền nhỏ. Lạy Chúa, Chúa nghĩ gì về lòng quảng đại của con? Tôi có “cho đi” không? Bao nhiêu? Như thế nào? Ngày nay ta có thể cho rằng người đàn bà này có lý do chính đáng để giữ lại số tiền đó và để cho kẻ khác “cống hiến” thôi! Nhưng Thánh Vinh Sơn đã nói: May thay cho những người nghèo, vì vẫn còn có những người nghèo ‘biết cho’.

 Trước khi khởi sự bước vào cuộc thụ khổ, Đức Giêsu cho chúng ta biết bí mật cái chết của Người sắp đến gần: Người đàn bà này là “hình tượng” của Thiên Chúa, Đấng trao ban tất cả, tất cả những gì Người có để sống! “Thiên Chúa dù giàu có, đã trở nên khó nghèo để làm giàu cho chúng ta”. Thánh Phaolô đã dám nói như vậy (2 Cr 8,9). Tình yêu không biết tính toán. Chúa là tình yêu. Người đã không tính toán, Người đã cho đi tất cả. Nếu Giáo Hội nguyên thủy đã ghi lại đoạn này bề ngoài xem ra không quan trọng ngay trước cuộc thương khó, là vì Giáo Hội đã tự nhủ: Vâng, Đức Giêsu đã tự nhận ra chính Người nơi người đàn bà này, vì bà đã “cho đi tất cả”.

 

[post-views]
Pin It

Gửi phản hồi