CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – B

Lời Chúa: St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16

 

MỤC LỤC

  1. Bất khả phân ly. 2
  2. Điều Thiên Chúa kết hợp. 4
  3. Suy niệm của Guy Marin. 6
  4. Một tình yêu giống như tình yêu của Chúa Giêsu. 10
  5. Để thành toàn tình yêu – Achille Degeest. 13
  6. Đừng chia tay với người mình yêu. 15
  7. Suy niệm của Lm. Nguyễn Cao Siêu. 19
  8. Suy niệm của Gm. Arthur Tonne. 22
  9. Suy niệm của Noel Quesson. 24
  10. Vợ chồng bất khả phân ly. 27
  11. Bền vững. 29
  12. Đời đời. 33
  13. Hôn nhân. 35
  14. Gia đình. 38
  15. Chung thuỷ. 41
  16. Suy niệm của JKN. 44
  17. Tìm lại sự ngạc nhiên – Lm. Mark Link. 50
  18. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux. 55
  19. Chú giải của Noel Quesson. 63
  20. Chú giải của Fiches Dominicales. 69

 

 

 

  1. Bất khả phân ly

Bọn Biệt phái hôm nay đưa vấn đề ly dị ra hỏi Chúa Giêsu, không phải là để có thêm kiến thức hay tranh thủ ý kiến của Ngài, nhưng là để giăng bẫy gài Ngài. Một cái bẫy không kém phần thâm độc. Họ chọn đúng lúc có đông đảo dân chúng tụ tập xung quanh Chúa Giêsu để đòi buộc Ngài phải bày tỏ rõ lập trường. Uy tín của Ngài sẽ tùy thuộc vào cách giải quyết của Ngài. Mà theo những người Biệt phái, Chúa Giêsu sẽ không dễ gì thoát được cạm bẫy của họ. Nếu trả lời được phép, thì Ngài sẽ đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa. Còn nếu trả lời không được phép, thì Ngài sẽ vi phạm điều Maisen qui định.

 

Thế nhưng Chúa Giêsu đã vạch trần âm mưu của bọn Biệt phái bằng cách kéo họ về với điều Thiên Chúa muốn người ta thực hiện. Chúa Giêsu đã gợi lại: Khởi đầu cuộc sáng tạo con người, Thiên Chúa dựng nên người nữ, để làm vợ của người nam, nghĩa là làm người bạn đường, bình đẳng với người nam…

 

Để diễn tả ý tưởng này, Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã dựng nên người nữ, không phải bằng bụi đất, mà bằng chính xương thịt của người nam. Và trong quan niệm của người Do Thái, thì lồng ngực được cấu tạo bởi bộ xương sườn đó chính là trung tâm của sự sống con người. Như thế, giữa người nam và người nữ, giữa người vợ và người chồng, có một mối quan hệ mật thiết với nhau, quan hệ xương máu, quan hệ cuộc sống. Và trong ý định của Thiên Chúa, nam và nữ, vợ và chồng được tạo dựng để trở nên một huyết nhục. Do đó mà điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly. Nhưng trong thực tế, Maisen đã cho phép ly dị. Theo Chúa Giêsu, thì việc làm của Maisen không có tính cách qui định về một lý tưởng phải theo đuổi, mà chỉ là một nhượng bộ bởi sự cứng lòng của người Do Thái. Thay vì thực hiện lý tưởng của khởi đầu cuộc sáng tạo, nghĩa là coi vợ mình như một người bạn đường, như một phần của cuộc sống mình, thì người ta đã coi vợ mình như là một phương tiện thỏa mãn những ước muốn ích kỷ, để rồi sẽ dẫy bỏ khi không cần thiết.

 

Sự ích kỷ đó đã phổ biến đến nỗi Maisen phải nhượng bộ, nhằm giải quyết sự yếu đuối của con người cùng thời với ông, đồng thời nó còn phản ảnh cho một quan niệm hôn nhân thời bấy giờ: Người vợ không được nhìn nhận là bình đẳng với người chồng. Ngoài ra, có lẽ cũng nhằm sửa đổi cái nhìn của người ta về con người trong xã hội, mà ở đây Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ thái độ phải có đối với các trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ chính là mẫu mực cho những ai muốn vào nước Thiên Chúa. Mẫu mực ở sự đơn sơ vô tội đã đành, mà còn mẫu mực ở thái độ sẵn sàng đón nhận với tất cả sự chân thành.

 

Đoạn Tin Mừng vừa nghe thường được xử dụng trong lễ cưới, và câu nói của Chúa Giêsu: Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly, vốn được coi là nền tảng cho sự bền vững của gia đình Công giáo. Thế nhưng chúng ta đừng vội hiểu việc Thiên Chúa liên kết theo một ý nghĩa hoàn toàn pháp lý hay nghi lễ. Vợ chồng kết hợp với nhau không phải bằng một nghi lễ, mà bằng chính sự tôn trọng lẫn nhau, đặt mình trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, bằng sự trở nên một huyết nhục, qua hành động, qua tình cảm, qua cuộc sống thường ngày, qua sự chọn lựa diễn ra trong từng giây từng phút.

 

Bởi đó, hãy sống việc Thiên Chúa liên kết hơn là coi đó chỉ là một nghi lễ có tính cách pháp lý mà thôi.


2. Điều Thiên Chúa kết hợp.

Điều Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly.

Trong một năm chúng ta cử hành rất nhiều lễ cưới, nhưng phụng vụ Chúa nhật thì hầu như lại không đề cập tới hôn nhân. Một vài trường hợp ít ỏi như ngày hôm nay chẳng hạn, vấn đề hôn nhân được đặt ra, không phải một cách trực tiếp, nhưng là một cách gián tiếp. Tuy nhiên, qua phần Lời Chúa, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận về cuộc sống gia đình.

 

Trước hết, với bài đọc I trích từ sách Sáng Thế Ký, chúng ta thấy: Con người, trong bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, không phải chỉ là nam hay nữ, mà là nam và nữ. Người nữ được dựng nên từ xương thịt của người nam. Cả hai cùng có một bản chất, cùng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Có lẽ, không một tài liệu cổ xưa nào có được một quan niệm vừa rõ ràng vừa thơ mộng về sự bình đẳng giữa người nam và người nữ cho bằng câu chuyện của sách Sáng Thế Ký. Đồng thời, sự kết hợp giữa người nam và người nữ, hay nói một cách cụ thể hơn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình không phải là một sự chúc dữ, không phải một chuyện chẳng đặng đừng, mà là một sự thật xuất phát từ Thiên Chúa. Cuộc sống ấy là khởi điểm cho sự hiện diện của con người trên mặt đất này: Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai trở nên một thân thể. Đây là một sự kết hợp có tính cách thánh thiện và thiêng liêng, bởi vì từ sự kết hợp này mà nảy sinh những con người mới, có tự do, có hiểu biết, có yêu thương và cũng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy hôn nhân chính là hành động cộng tác và tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Rồi qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn gạt bỏ những dễ dãi do sự cứng lòng của con người để trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Sự gắn bó giữa vợ chồng để trở nên một là do Thiên Chúa thiết lập.

 

Tiếp nối vào đó, thánh Phaolô còn xác quyết: Sự gắn bó ấy còn là hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Một sự kết hợp làm nên cuộc sống mới. Bởi đó, sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly vì phá đổ sự kết hợp này chính là phá đổ công trình của Thiên Chúa, là bôi bác hình ảnh của Thiên Chúa đã có đó trong cuộc sống hôn nhân. Không phải ngẫu nhiên mà phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, lại đã được Ngài thực hiện trong một đám cưới.

 

Ngày nay, gia đình tại nhiều nơi đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chồng bỏ vợ và vợ bỏ chồng, con cái thì bơ vơ vất vưởng. Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nền tảng của gia đình bằng cách làm cho vợ chồng biết trung thành và gắn bó với nhau trong suốt cuộc sống yêu thương của mình.


3. Suy niệm của Guy Marin.

Những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu xem người ta có thể hủy bỏ mối liên hệ hôn nhân không. Chúng ta biết câu trả lời rồi. Trước nỗi khó khăn mà giáo lý này đặt ra, phản ứng đầu tiên của chúng ta là chúc dữ cho những kẻ đặt câu hỏi ấy. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Không hài lòng với việc làm cho Chúa Giêsu phải lúng túng, các ông còn phá rầy chúng tôi, báo hại cả ngàn năm sau nữa. Ước gì họ không bao giờ nêu lên câu hỏi này và Chúa Giêsu chẳng bao giờ phải trả lời cả! Như vậy các nhà chức trách trong Giáo Hội sẽ có một khoảng cách không gian để xoay sở và các Kitô hữu có một khoảng không gian để sống.

 

Chúng ta có thể thực sự nghĩ như thế không? Chúng ta có thể nghiêm túc nghĩ như vậy không, nếu chúng ta tin vào Lời Chúa? Chắc chắn là không. Chúng ta không có quyền lựa chọn trong Tin Mừng những gì hợp với chúng ta hoặc tuyên bố rằng lời này lời nọ không phải là lời của Tin Mừng. Thực ra tội ở địa đàng lại không phải là khẳng định cái gì tốt hoặc xấu theo ý chúng ta chứ không theo ý Thiên Chúa đó sao?

 

Có được phép rẫy vợ không?

Vào thời Chúa Giêsu, việc rẫy vợ thường được chấp nhận nơi người Do Thái. Người chồng có quyền rẫy vợ và điều này bao giờ cũng cho phép người chồng được tái giá. Người vợ không có quyền này. Những cuộc tranh cãi thường liên quan đến những lý do khiến người chồng sử dùng quyền rẫy vợ: tùy theo trường phái đó có thể là vì người vợ xấu nết hoặc làm cháy món ăn. Bởi vậy trong Phúc Âm thánh Matthêu, câu hỏi gần với thực tại hơn: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?”.

Thánh Marcô nêu lên ý xấu của những kẻ nêu câu hỏi, đó là “để làm cho Ngài lúng túng”. Người ta đưa ra cho Chúa Giêsu một câu hỏi để gài bẫy Ngài, tương tự như câu hỏi về việc trả thuế cho Xêda vậy. Trả lời câu hỏi ấy xem ra rất khó về nhiều phương diện. Ngài phải tránh nói ngược với luật Môsê cho phép ly dị. Khó khăn khác nữa: lúc bấy giờ Chúa Giêsu ở trên lãnh thổ của Hêrôđê, và ông này vừa mới cho chém đầu Gioan Tẩy Giả vì đã trách ông về cuộc hôn nhân bất hợp pháp của ông (6,17). Đây không phải là một địa điểm dễ dàng để nói sự thật. Và Ngài có thể bị chống đối bởi những thính giả thuộc phái đàn ông kiên quyến bảo vệ quyền được rẫy vợ. Phản ứng của các môn đệ cho thấy rõ điều này: “Nếu không thể rẫy vợ được thì thà đừng cưới vợ còn hơn” (Mt 19,10). Khi trả lời, xem ra Chúa Giêsu phải mạo hiểm lắm.

 

Chúa Giêsu đề nghị một cái nhìn đức tin.

Trước hết, Chúa Giêsu đưa ra cho mấy người Pharisiêu một câu hỏi về lệnh truyền của Môsê và sau đó Ngài giải thích câu trả lời của họ: đây là một sự nhượng bộ. Nhưng Ngài sẽ không để mình bị giam hãm trong một cuộc tranh cãi về những gì được phép và không được phép. Ngài mời gọi các thính giả của Ngài hãy có cái nhìn đức tin hướng về Thiên Chúa và về con người từ bản văn của sách Sáng Thế. “Lúc ban đầu khi Thiên Chúa tạo nên nhân loại, Ngài đã làm ra cho họ có nam có nữ…” Chúa Giêsu khẳng định rằng việc phân biệt phái tính không những là một sự kiện tự nhiên nhưng còn là ý muốn của Thiên Chúa nữa. Giới tính không do bởi ngẫu nhiên, cũng không do bởi sự trà trộn những giống loại sinh vật, nhưng do ý muốn của Thiên Chúa. Ở đây ta thấy có giáo huấn về con người. Con người không phải là một hòn đảo, nhưng là một hữu thể tương quan. Con người cần thiên nhiên để có thức ăn, áo mặc. Tuy nhiên, nỗi cô đơn của họ vẫn không được lấp đầy; họ cần một kẻ ngang hàng, với người này họ có thể chia sẻ mọi sự. Và Thiên Chúa ban cho con người người phụ nữ. Để triển nở theo ý định của Thiên Chúa, con người cần phải liên hệ với thiên nhiên, với tha nhân và đặc biệt là với một người phối ngẫu.

 

Thánh Kinh rút ra những hậu quả từ việc sáng tạo này. Khi người nam và người nữ rời bỏ cha mẹ để gắn bó với nhau và trở thành một thân xác, thì họ tự do chấp nhận làm theo điều Thiên Chúa muốn về họ. Quả thật, theo quan niệm Thánh Kinh, việc sáng tạo vẫn còn tiếp tục chứ không phải chỉ là một tác động lúc ban đầu mà thôi. Như vậy mối dây liên hệ vợ chồng không do bởi lề luật cũng không do bởi sự lựa chọn của cha mẹ, nhưng do Thiên Chúa sáng tạo hành động trong sự ưng thuận của đôi vợ chồng. Sự kết hợp này từ Thiên Chúa mà đến, vì vậy nên nó không thể bị cắt đứt được.

 

Sứ điệp không tưởng.

Nếu cứ nhìn vào thực tại hiện nay: vô số những cuộc ly dị, ly thân, tái giá, không kể những cặp nam nữ chung sống với nhau ngoài hôn nhân thì trong Tin Mừng này lại chẳng là không tưởng ư? Nó không tưởng theo nghĩa là nó đề nghị một lý tưởng mà các Kitô hữu được mời gọi theo đuổi phải triệt để cậy dựa vào Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nơi họ một quả tim mới.

 

Một điều chắc chắn là các nhà chức trách của Giáo Hội cũng như dân Kitô không thể chối bỏ một giáo huấn như thế được. Đàng khác, không ai được kết án những anh chị em mà đã thất bại trong quan hệ hôn nhân. Chúng ta vừa buộc phải theo lý tưởng được Chúa Giêsu đề nghị và buộc phải có tình thương huynh đệ đối với những kẻ đã phạm lỗi. Trong cuộc thi Olympic, không phải tất cả các lực sĩ đều lãnh huy chương, nhưng mục đích của hết thảy mọi người trong họ đều là đạt cho được huy chương.


4. Một tình yêu giống như tình yêu của Chúa Giêsu.

(Trích trong ‘Mở ra những kho tàng’ – Charles E. Miller)

Vào ngày cưới, cô dâu và chú rể tuyên bố trước Thiên Chúa và với nhau, cũng như trước mọi người hiện diện rằng họ sẽ chấp nhận nhau dù tốt hay xấu, giàu hay nghèo, bệnh hoạn hay mạnh khỏe và họ sẽ yêu nhau cho đến chết. Một cuộc hôn nhân được giả thiết sẽ kéo dài cho đến suốt đời. Nhưng điều đó thì không luôn luôn xảy ra giống như vậy. Ngày xưa, khi các đôi hôn nhân Công giáo có vấn đề thì họ biết rằng họ phải tìm cách cố gắng để khắc phục nó. Cái điều cuối cùng mà họ nghĩ đến mới là ly dị. Bây giờ ly dị là điều đầu tiên mà các cặp hôn nhân nghĩ đến khi họ gặp một vấn đề.

 

Giáo Hội đã cố gắng tranh đấu để dủ lòng xót thương hơn là cứng nhắc về bí tích hôn phối. Điều đó có thể trình bày khi một cặp hôn nhân gặp một chướng ngại cho cuộc hôn phối hợp lệ ngay từ khi bắt đầu và Giáo Hội đã ban phép tiêu hôn. Điều này không phải là ly dị. Đó là một sự nhận biết bí tích hôn nhân hợp lệ đã không hiện hữu. Tiến trình để bảo đảm cho sự tiêu hôn thì lâu dài bởi vì Giáo Hội được ủy nhiệm bởi Đức Kitô để bảo vệ và đề xướng bản tính của hôn nhân là một Giao Ước suốt đời. Một Giao Ước không thể chia cắt, cũng không thể bị thiêu hủy, ngoại trừ có một lý do nghiêm trọng. Tuy nhiên khi quan sát thấy rằng một số những đôi hôn nhân không thể sống chung khi họ không thể tiêu hôn được. Những người Công giáo đã ly dị không được tái hôn và sẽ được rước lễ.

 

Tuy nhiên chúng ta phải gìn giữ hôn nhân theo viễn cảnh, hôn nhân không phát xuất nơi xã hội, cũng không được thiết lập bởi những thực hành thế tục. Hôn nhân là một sáng tạo của Thiên Chúa. Đó là giáo huấn của sách Sáng Thế Ký. Thiên Chúa muốn hôn nhân phản ánh chính tình yêu của Ngài đối với dân Người, không bao giờ suy tàn và tình yêu đó được ban cho đặc ân sự sống. Không thể không có khó khăn trong hôn nhân. Hôn nhân là một thách đố để trở nên giống Thiên Chúa, không có gì ngạc nhiên khi hôn nhân không dễ dàng.

 

Thiên Chúa thì trung thành, Người không chỉ yêu chúng ta kh chúng ta yêu Người. Người không xóa bỏ tình mến của Người dành cho chúng ta bởi vì chúng ta đã yêu một người khác. Thiên Chúa không thấy buồn sầu hay bực tức vì tội lỗi của chúng ta. Ngài không giận dữ khi chúng ta không làm điều vừa ý Ngài. Thiên Chúa không sợ Ngài sẽ mất thời gian để chăm sóc chúng ta khi chúng ta lâm cơn ốm nặng. Tình yêu của Thiên Chúa thì kiên nhẫn, quảng đại và luôn quan tâm. Trên hết, tình yêu Thiên Chúa không bao giờ suy suyển, tình yêu ấy là một lý tưởng thách đố tất cả mọi cặp vợ chồng.

 

Làm cha mẹ là một phần của đời sống hôn nhân. Có con cái đó là một ân phúc nhưng cũng có thể là có nhiều đòi hỏi đi kèm theo. Đừng ngạc nhiên, có con cái là trở nên giống Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa đã được kết trái. Tuôn trào từ Người là đặc ân của sự sống. Chúa Giêsu rất yêu thương những trẻ nhỏ. Nơi chúng, Người không chỉ thấy đó là hoa quả tình yêu giữa người chồng và người vợ, nhưng Người cũng còn thấy đó là sự tuôn trào sự sống từ nơi Cha thần linh của Người.

 

Chúa Giêsu là kiểu mẫu của tình yêu hôn nhân và của các bậc cha mẹ, đặc biệt là hy tế của Người trên thánh giá. Hy sinh cần thiết cho đời sống hôn nhân. Chỉ có tình yêu mới làm cho sự hy sinh trở nên có thể. Tình yêu đó phát xuất từ Chúa Giêsu, đặc biệt là từ Thánh Thể. Những đôi hôn nhân Công giáo phải cùng nhau lãnh nhận Thánh Thể với lời cầu nguyện trong tâm trí của họ: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho chúng con yêu mến lẫn nhau và yêu mến con cái của chúng con với một tình yêu mà Người đã tỏ bày cho chúng con, đặc biệt là qua đau khổ và cái chết trên thánh giá của Người. Xin cho tình yêu của chúng con chẳng bao giờ chết nhưng luôn tăng trưởng sâu xa và mạnh mẽ hơn qua từng năm tháng. Xin cho tình yêu của chúng con trở nên giống như tình yêu của Người”. Điều đó không dễ dàng nhưng sẽ có thể và nó sẽ trở nên đáng giá.


5. Để thành toàn tình yêu – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’).

Đoạn Phúc âm này là đối tượng của quá nhiều công trình bình giải, tốt nhất chúng ta chỉ nên tìm hiểu đường lối của Giáo hội về điểm này. Sau đây là lập trường của Cộng đồng Vaticanô II về tình yêu trong hôn nhân.

 

1) Tình yêu vợ chồng có đặc tính nhân bản cao quý vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác, do một tình cảm tự nguyện, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Cho nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm linh khiến chúng ta trở nên cao quý như những yếu tố vào dấu hiệu đặc thù của tình bạn thiết giữa vợ chồng. Bởi ơn huệ đặc biệt của ân sủng và lòng ưu ái của Người, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy.

 

Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh như thế, phải thấm nhuần cả đời sống, hướng dẫn vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ âu yếm. Hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn mạnh. Vì vậy tình yêu vợ chồng vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy và xu hướng này nếu được vun tưới chỉ vì ham thích, sẽ tan biến mau chóng để lại những di lụy thảm hại.

 

2) Sự âu yếm nói trên biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua tác vụ riêng của hôn nhân. Bởi vậy những hành vi thực hiên sự kết hợp mật thiết và thanh khiết của vợ chồng đều là đoan chính và tự chế. Được thi hành thật sự đúng với nhân luân, những hành vi ấy biểu thị và khuyến khích sự trao tặng tương giao, nhờ đó hai người thêm phong phú trong niềm hân hoan và biết ơn. Tình yêu ấy được bảo đảm với sự cam kết giữa vợ chồng và nhất là được chuẩn nhận bởi bí tích của Đức Kitô.

 

Mối tình đó trung thành bất khả phân ly về thể xác và tâm hồn, bất kể thăng trầm trong cuộc sống do đó nó loại hẳn mọi sự ngoại tình và ly dị. Phải nhìn nhận cái phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa vợ chồng trong tình thân ái trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Để kiên trì gánh vác những bổn phẩn của ơn gọi Kitô giáo này cần phải có một nhân đức ít thấy, vì thế, vợ chồng đã được ân sủng củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện – một tình yêu vững bền, đại lượng, sẵn sàng hy sinh.

 

3) Tình yêu vợ chồng chân chính sẽ được quý trọng hơn và gây được một dư luận lành mạnh hơn, nếu những đôi vợ chồng Kitô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong việc ân cần giáo dục con cái, nếu họ đóng góp trách nhiệm hoạt động trong việc chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội, một sự chấn hưng cần thiết để đề cao hôn nhân và gia đình.

 

Phải biết kịp thời giáo dục thanh thiếu niên theo một đường lối thích ứng, tốt nhất là trong khung cảnh gia đình, để giới trẻ hiểu biết về phẩm giá, chức năng và cách thể hiện tình vợ chồng. Nhờ vậy, một khi đã được rèn luyện để giữ gìn đức khiết tịnh, chừng nào tới lứa tuổi thích hợp, giới trẻ từ giai đoạn đính ước đúng đắn, có thể dấn mình vào bậc hôn nhân (Hiến chế Vui mừng và Lo âu, 49).


6. Đừng chia tay với người mình yêu.

Hôn nhân là con đường thông thường của phần đông nhân loại. Có những người đã bước vào cuộc đời hôn nhân và đang sống với một tổ ấm tươi đẹp, êm đềm và hạnh phúc. Cũng có những người đang kéo lê cuộc sống gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”, một cuộc sống khổ đau không lối thoát.

 

Montaigne đã trình bày hôn nhân như một chiếc lồng sơn son thiếp vàng: những con chim ở ngoài khao khát được vào, còn những con ở trong thì lại làm hết cách để thoát ra. Ca dao Việt Nam cũng có câu ý tương tự: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”.

Cách đây không lâu, màn ảnh thành phố chúng ta có chiếu bộ phim mang tựa đề: “Chúng tôi muốn ly hôn” rồi một bộ phim khác mang tựa đề ngược lại: “Đừng chia tay người mình yêu”. Chắc chắn các bạn trẻ đã biết nội dung những cuốn phim này nói gì. Chúng đã nêu lên những lý khiến những đôi vợ chồng đưa nhau ra toà án để xin dị:

  • Tại sao chị xin ly dị? Trước toà án, người vợ trả lời: “Tại vì ông ấy ngáy to quá, không để cho tôi ngủ”.

Một bà vợ khác trả lời: “Tại vì ông ấy hôi mùi thuốc lá quá, tôi không chịu được”… và mỗi người đều có lý do không đâu cả, để bỏ nhau một cách dễ dàng, nếu như được phép ly dị.

 

Vậy có được phép ly dị không? Đây là một vấn đề thời sự, nhưng cũng là một vấn đề đã được đặt ra từ xa xưa: Từ thời Chúa Giêsu những người Biệt Phái Pharisiêu đã từng đặt vấn đề này để thử Chúa Giêsu, bởi vì ông Môsê đã cho phép họ được làm giấy ly hôn để đuổi người vợ nào không vừa mắt chồng ra khỏi nhà (Đnl 24,1-4). Điều này cho ta thấy số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong chế độ “chồng chúa vợ tôi”.

 

Chúa Giêsu đã giải quyết thế nào? Ly dị là một trục trặc của tình yêu, nó không phải là vấn đề chính yếu. Cái chính yếu của hôn nhân là tình yêu hiệp nhất. Với Thiên Chúa không có vấn đề ly dị. Vấn đề ly dị là vấn đề của con người. Chúa Giêsu đã trả lời với họ: “Chính vì lòng chai dạ đá của các ông mà ông Môsê đã phải nhượng bộ cho phép các ông làm giấy ly hôn, chứ từ ban đầu, ý muốn của Thiên Chúa không phải như thế”.

 

Chúa Giêsu phân biệt rõ rệt đâu là ý muốn của Thiên Chúa và đâu là ảnh hưởng của thời đại. Và ảnh hưởng của thời đại không những làm lu mờ, mà có khi còn làm mất cả ý muốn rõ rệt của Ngài. Thánh ý Thiên Chuá khi dựng nên con người có nam có nữ là để sống chung với nhau. “Đàn ông ở một mình không tốt”. Và Ngài đã dựng nên người đàn bà. Người đàn bà, trước tiên là hông ân của Thiên Chúa ban cho người đàn ông. Đây là quà tặng cao nhất mà Thiên Chúa ban cho người đàn ông, sau khi Ngài đã dựng nên cả vũ trụ đặt dưới chân của ông Ađam. Nhưng Ađam vẫn cảm thấy cô đơn, thiếu thốn, cho đến khi Ađam gặp được chiếc xương sườn cụt của mình là Evà, ông đã reo lên: “Đây đúng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”. Đó là hôn nhân đầu tiên. Từ đó “người đàn ông luôn luôn đi tìm chiếc xương sườn đã bị lấy mất, còn người đàn bà luôn luôn luyến tiếc nơi mình đã xuất phát” (Osty) để kết hợp với nhau thành một xương một thịt, một thân một thể. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.

 

Điều Chúa Giêsu muốn bảo vệ trước hết là phẩm giá con người. Con người càng thấp bé, càng bị hiếp đáp bao nhiêu, càng phải được bảo vệ bấy nhiêu. Trong chế độ “chồng chúa vợ tôi”, Chúa đã đòi phải trả lại cho phụ nữ quyền làm con người, phải nhìn phụ nữ theo ý muốn của Thiên Chúa. Phải nhìn chân giá trị của người phụ nữ như là người hỗ trợ, bổ túc và làm sung mãn cho người đàn ông. Vì vậy, hôn nhân phải đặt căn bản ở sự tương trợ lẫn nhau, tôn trọng giá trị của nhau. Chính sự hiệp nhất này làm cho hai người trở nên một và phát sinh hoa trái cho sự sống mới. Đó là những đứa con của tình yêu. Cha mẹ có yêu thương nhau thì mới yêu thương con cái là kết quả của tình yêu giữa vợ chồng với nhau. Cha mẹ không được bỏ rơi con cái. Phải đón nhận tất cả con cái Thiên Chúa đã ban cho, bởi vì các em bé là con người. Phải tôn trọng các em như con người, từ bào thai các em đã là hơi thở và là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Cha mẹ, vợ chồng có chung tình vẹn nghĩa với nhau mới có thể đảm bảo hạnh phúc cho con cái mình.

 

Sở dĩ khi xưa, ông Môsê đã chăm chước cho dân Israel được rẫy vợ là vì lòng dạ họ lì lợm, bướng bỉnh, chai đá. Còn ngày nay, Chúa Giêsu đã rút lại luật Môsê, chính thức thay thế nhừng gì là hủ tục trong Cựu ước bằng luật Tân Ước, chính thức xác nhận ý muốn của Thiên Chúa từ thuở ban đầu là nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly của hôn nhân. Hơn nữa, từ ngày Chúa Giêsu đến, từ ngày Ngôi Lời nhập thể làm người, hôn nhân đã tìm thấy lại tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì, việc kết hợp vợ chồng trong hôn nhân là biểu tượng, là hình ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Đó là điều Thánh Phaolô đã nhiều lần nói đến trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Cũng như Đức Kitô không thể chia cắt với Hội Thánh, thì chồng cũng không thể chia ly với vợ”. Chính với tư cách là Hiền Thê của Chúa Kitô mà Hội Thánh buộc các con cái của mình khi lập gia đình phải tuân giữ định luật vẫn chi phối sự kết hợp giữa Hội Thánh với Chúa Kitô, như Hiền Thê với vị Hôn Phu của mình. Làm sao Hội Thánh có thể trở về với những nhượng bộ của thời Cựu Ước về hôn nhân được, khi mà Hội Thánh đã được nghe chính miệng Chúa Giêsu trả lời cho những người Biệt Phái Pharisiêu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”.

 

Thánh Phaolô (1Cr 7,10-11) nói rất rõ về điều này: “Ai đã kết hôn, thì tôi truyền –thực ra không phải tôi, mà là Chúa– là vợ không được lìa chồng, và giả như đã lìa chồng, thì phải ở độc thân, hay phải làm hoà lại với chồng, và chồng không được rẫy vợ”.

 

Hôn nhân là một định chế do chính Đấng Tạo Hoá thiết lập, là một giao ước có tầm vóc vững chắc, vĩnh viễn, nghĩa là một sự thoả thuận cá nhân không thể rút lui lại được. Vì lợi ích của vợ chồng, của con cái, của xã hội và của Giáo Hội nữa, nên mối dây liên kết thánh thiện của bí tích Hôn Nhân không lệ thuộc vào sở thích của con người, nghĩa là không còn được tự ý bỏ nhau, một khi đã thề hứa chung tình vẹn nghĩa, nên vợ nên chồng. Vì vậy, Chúa Giêsu còn nói rõ ràng rằng: phải liệt kê vào tội ngoại tình, khi người chồng hoặc người vợ bỏ nhau đi lấy người khác trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi.

 

Chúng ta hãy cầu xin Chúa chúc phúc cho mọi gia đình, nhất là các gia đình Kitô hữu mà Chúa đã thánh hiến một cách đặc biệt bằng bí tích Hôn nhân. Nhờ đó, những phẩm giá tự nhiên cũng như những giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân được bảo toàn, được cổ võ, được kiên cường và ngày càng tiến gần đến tình yêu trung thành và vĩnh cửu của Thiên Chúa.


7. Suy niệm của Lm. Nguyễn Cao Siêu.

Suy niệm:

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly” Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.

 

Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng? Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu vẫn tăng. Sống với nhau suốt một đời trở thành ước mơ khó đạt.

 

Trong xã hội Do thái giáo thời Đức Giêsu, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi ly dị vì một lý do cỏn con.

 

Trước câu hỏi: “Chồng có được rẫy vợ không?” Đức Giêsu kiên quyết nói không. Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế. Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần. Lập trường của ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo của thời đó cũng như thời nay. Điều này khiến các môn đệ của Đức Giêsu có lần bị sốc. Họ nói: “nếu vậy thì thà đừng lấy vợ thì hơn” (Mt 19, 10). Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ nếu muốn.

 

Khi người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê, Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế, để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Điều này nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời. Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

 

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp…”

Vậy trong Lễ Cưới, không phải chỉ có hai người yêu nhau, lấy nhau và cam kết suốt đời sống cho nhau. Hôn nhân không chỉ là bản hợp đồng giữa hai bên. Còn cần một bên thứ ba là Thiên Chúa, Đấng phối hợp và làm cho hai bên kia nên vợ nên chồng.

 

Thiên Chúa có mặt trong mỗi Lễ Cưới, và tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người muốn bỏ cuộc. Chung thủy chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

 

Khi thịnh vượng, lúc gian nan; khi bệnh tật, lúc mạnh khỏe. Còn nhiều tình huống khác đe dọa hôn nhân: khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối vấp ngã, khi đổ vỡ quá lớn và vết thương quá nặng, khi đời sống vợ chồng trở thành như hỏa ngục… Những khi ấy, yêu thương và kính trọng nhau thật khó. Con người bị cám dỗ tìm giải pháp chia tay.

 

Chúng ta cầu cho những ai đã và sẽ kết hôn. Xin cho họ bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ… Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và tưới bón tình yêu.

 

Gợi ý chia sẻ:

  1. Đâu là những hậu quả của việc ly dị? Việc ly dị ảnh hưởng thế nào trên xã hội và Giáo hội?
  2. Theo ý bạn, đâu là những nguyên nhân đưa đến việc vợ chồng chia tay nhau?

 

Lời nguyện:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.

 

Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

 

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

 

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con. Amen.

 


8. Suy niệm của Gm. Arthur Tonne.

(Trích trong ‘Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật & Lễ Trọng’)

 

CẦU NGUYỆN VỚI NHAU, Ở VỚI NHAU.

Lớp giáo lý người lớn đang học về hôn nhân. Giáo lý viên xin mỗi học viên cho một câu hỏi về hôn nhân: những câu hỏi tiêu biểu cho cuộc hội thảo ba cấp: Một cặp Công giáo kết hôn được 14 năm, cặp Tin lành Methodist 22 năm và một cặp Mennenite kết hôn mới hai năm. Người chồng Mennonite trả lời hay nhất: Jennie và tôi cả hai đã cam kết với Đức Kitô, khi chúng tôi còn học trung học, điều đó giúp chúng tôi cam kết với nhau trong hôn phối.

 

Cam kết là quan hệ thường thấy thời nay, nó có nghĩa là một lời thề, một lời hứa với một người khác. Trong tôn giáo, nó có nghĩa là một lời hứa đúng đắn và long trọng để hoàn toàn trung thành với Đức Kitô. Trong hôn nhân, nó có nghĩa là một lời hứa long trọng và thành thật, hoàn toàn trung thành với nhau.

 

Điều làm sáng tỏ ý nghĩa của tôi hôm nay là: một đôi hôn phối, họ trung thành với Chúa, có nhiều cơ may trung thành với nhau. Kinh nghiệm và điều tra đã làm sáng tỏ điều đó: Năm 1975 trong 4 cặp có 1 cặp ly dị. Nhưng trong 57 gia đình đi lễ đều đặn chỉ có một cặp ly dị. Điều đáng chú ý là 500 cặp gia đình đọc Kinh Thánh đều đặn và cầu nguyện chỉ có một cặp ly dị.

 

Chúng ta không thắc mắc khi cặp hôn phối cầu nguyện với nhau, họ thường ở với nhau.

 

Khi một đôi hôn nhân gặp vấn đề. Họ thường thổ lộ với người khác, họ phàn nàn với lối xóm và bạn bè. Họ khóc lóc với mẹ với cha. Họ thở than với người đồng nghiệp, với người cùng hội cùng thuyền. Họ cũng có thể tin cậy ở một bác sĩ, một linh mục, một tâm lý gia, một luật sư, một cố vấn hôn nhân, một viên chức. Họ nói với bất cứ ai về tình cảnh rắc rối của họ. Nhưng họ không thưa với Chúa về điều đó. Tất cả những người nêu trên có thể cho họ lời hướng dẫn, lòng cảm thông và sự giúp đỡ nào đó. Nhưng không ai có thể nâng đỡ họ như Chúa, Đấng thông biết mọi sự và yêu thương mọi loài. Hãy đơn sơ và thành thật, bạn thân thưa với Chúa về nỗi khó khăn của bạn, chân thành và khiêm nhượng, bạn xin Chúa giúp. Nếu thật sự bạn cảm thấy mình có tội. Đừng quá dễ dãi tha thứ cho mình. Bạn xin Chúa hoán cải trái tim người có lỗi. Nếu bạn có lỗi, một lần nữa bạn hết sức khiêm nhượng xin Chúa giúp bạn thay đổi. Nếu bạn cam kết với Chúa, hai bạn cũng cam kết với nhau. Nếu bạn tập cầu nguyện riêng tư với Chúa. Hai bạn cũng sẽ cùng cầu nguyện với nhau dễ dàng. Kết quả là mọi vấn đề sẽ được giải quyết trước khi chúng trở nên trầm trọng.

 

Chúa ban luật cấm ly dị. Chúa sẽ giúp bạn giữ luật đó. Hãy xin Chúa giúp bạn trong Thánh Lễ hôm nay. Khi Chúa ban mình cho chúng ta trọn vẹn, chúng ta sẽ cố gắng dâng trọn vẹn chúng ta cho Chúa.

 

Xin Chúa chúc lành bạn.


9. Suy niệm của Noel Quesson.

Đừng chia cắt những gì Thiên Chúa đã kết hợp

Một ngày kia, có hai vị tu sĩ già cùng ngồi đọc Tin Mừng, hôm đó họ đọc chuyện người con đi hoang. Một vị nhận xét: “Đây thật là một câu chuyện hay. Chúa đã vẽ nên bức tranh sinh động: Người em tự cao tự đại, ham hưởng thụ; người anh cần cù lam lũ nhưng lại nhỏ nhen ganh tỵ; còn người cha thì dịu hiền nhân ái… Mà sao không thấy nói tới người mẹ nhỉ?”.

 

Vị tu sĩ thứ hai là một người lớn tuổi, điềm đạm trả lời: Nhưng bạn ơi, nếu gia đình đó còn mẹ, chắc người con sẽ không bỏ nhà đi hoang đâu!

 

Một gia đình đầy đủ, mỗi người đều làm chu toàn sứ mệnh của mình thì đó là một bảo đảm về hạnh phúc cho từng người và cũng là một cái nôi an toàn cho đức hạnh, tư cách của mỗi người. Đó cũng là bảo đảm thành công trong hoạt động xã hội, và trợ lực người ta rất nhiều trong việc rèn luyện các đức tính tự nhiên cũng như siêu nhiên.

 

Và một gia đình như vậy phải xây dựng trên nền tảng hôn nhân vững chắc, một hôn nhân theo đường hướng Chúa Giêsu đã vạch định và củng cố. Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên mọi sinh vật, từ thực vật, động vật có đực có cái, đến con người có nam có nữ, có đàn ông, đàn bà. Những khác biệt về giới tính đi tới một hòa hợp diệu kỳ, bổ túc cho nhau để đạt thăng tiến phát triển. Nhưng trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, quan niệm về giới tính đã trải qua nhiều giao động thăng trầm; khi thì bi quan nghiêm khắc muốn tiêu diệt tính dục, có lúc lại quá lạc quan đến mức tự do phóng túng, chủ trương tìm hưởng lạc thú như mục đích đời người.

 

Nền luân lý của Do Thái cổ truyền cũng qua nhiều biến động. Các tổ phụ đều chấp nhận đa thê, và luật Môisê cho phép bỏ vợ nếu có lý do chính đáng, chỉ cần thành lập một chứng từ ly hôn. Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật đó cũng được đưa ra mổ xẻ. Vì thế mới có câu hỏi: “Có được phép bỏ vợ không?”. Nhân dịp này Chúa Giêsu xác định quan điểm của Người về hôn nhân. Trước hết nhận xét về luật cho ly dị của Môisê. Chúa bảo đầu tiên không phải như vậy, nhưng Môisê đã chiều theo sự yếu đuối của con người mà tạm thời đưa ra những quy luật rộng rãi. Đã đến lúc phải đặt vấn đề vào đúng chỗ ban đầu của nó. Hôn nhân phải có hai đặc tính: một vợ một chồng và không ly dị.

 

Chỉ có một vợ một chồng, vì hai người nam nữ phải được bình đẳng. Đó là hai nhân vị cùng quan trọng như nhau, bổ túc cho nhau, chu toàn những sứ mệnh riêng không ai thay thế được. Và phải có tư thế bền vững để mọi thành phần gia đình được yên vui hạnh phúc, nhất là cho những đứa con đang hình thành về thể chất và tinh thần. Không ổn định, không vững chắc thì không thể nào xây dựng những giá trị lâu dài được.

 

Quan điểm này phần nào khác với một số người đồng thời với Chúa Giêsu, nhất là trái với nếp sống của đa số nhân loại thời nay. Nhưng lại rất cần thiết để đạt hạnh phúc. Hôn nhân phải xây dựng trên tình yêu. Kết hợp với nhau là phải nghĩ tới người khác. Chỉ được hưởng hạnh phúc khi tạo dựng hạnh phúc cho người bạn, cho thành phần khác trong gia đình. Còn nếu chỉ nghĩ tới mình thì rồi sẽ có lúc thấy người khác là gánh nặng mình muốn trút bỏ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng niềm tin trên quan điểm của Chúa. Cho chúng con biết kiên tâm bảo vệ hạnh phúc gia đình để chúng con được hạnh phúc trong cuộc sống này trong khi mong đợi cuộc sống hạnh phúc mai sau.


10. Vợ chồng bất khả phân ly.

Ngày hôm nay bọn Biệt phái đã đưa ra vấn đề ly dị để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ hỏi Ngài có được phép ly dị hay không? Bởi vì trong sách Đệ Nhị Luật, Maisen đã khẳng định: Một người đàn ông lấy vợ, nhưng sau đó nhận thấy người vợ không đẹp mắt mình, ông ta có quyền dãy vợ và đuổi vợ đi.

 

Đây là một vấn đề được tranh cãi rất nhiều nơi dân Do Thái. Có người thì chủ trương được ly dị với bất cứ lý do nào, có người thì quan niệm chỉ được ly dị với lý do thật nghiêm trọng và chính đáng mà thôi. Nếu Chúa Giêsu chấp thuận ly dị thì đi ngược lại với lề luật của Thiên Chúa, còn nếu Ngài không chấp thuận thì Ngài sẽ mất đi cảm tình của dân chúng và không tôn trọng luật lệ Maisen. Đằng nào thì Ngài cũng sẽ rơi vào cái bẫy được gài sẵn.

 

Hơn thế nữa, lúc bấy giờ chính Hêrôđê cũng đã dãy vợ để lấy người chị dâu của mình. Gioan Tiền hô đã lên tiếng can ngăn và đã phải trả giá bằng chính cái chết của mình. Chúa Giêsu đã nhìn thấy rõ âm mưu thâm độc ấy và đã nói với họ: Sở dĩ Maisen chấp nhận là vì sự cứng lòng của họ, chứ từ thuở ban đầu thì đã không như thế. Bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, để cả hai trở nên một xương một thịt. Nghĩa là cả hai phải bổ túc lẫn cho nhau. Sợi giây hôn nhân này còn bền chặt hơn cả sợi giây máu huyết. Bởi đó người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình. Và Chúa Giêsu đã kết luận:

  • Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly.

Lời xác quyết của Chúa Giêsu thì vững vàng như đá tảng. Chính vì thế mà Giáo hội luôn bênh vực cho tính cách bất khả phân ly của hôn nhân.

Như chúng ta đã biết gia đình là tế bào sống động của nhân loại, là nền tảng kiên vững của xã hội. Nền tảng này tồn tại được là do tính cách bất khả phân ly của hôn nhân. Nếu vợ chồng tan rã thì đang sẽ sụp đổ. Một khi gia đình đã sụp đổ hẳn sẽ kéo theo nhiều hậu quả tai hại cho xã hội.

 

Thực vậy, vì lợi ích của cả hai vợ chồng mà hôn nhân đòi phải được bền vững. Một cuộc tình tan vỡ, hẳn sẽ gây đau khổ cho cả hai, nhất là người vợ. Nơi những quốc gia mà chế độ đa thê còn tồn tại, thì người phụ nữ phải chăng chỉ là một thứ đồ chơi không hơn không kém. Với đặc tính bất khả phân ly, Giáo hội đã lớn tiếng bênh vực quyền lợi của người phụ nữ.

 

Tiếp đến vì lợi ích của con cái mà hôn nhân đòi phải được bền vững. Trẻ nhỏ như một mầm non, cần phải được che chở bởi sức mạnh của người cha và tình thương yêu của người mẹ. Gia đình là mái trường đầu tiên dạy cho trẻ thơ những bài học làm người, trong đó cha mẹ chính là những bậc thày, những người hướng dẫn không thể thay thế. Con cái sẽ như thế nào nếu như cha một nơi, mẹ một nẻo và như thế, chính bản chất của hôn nhân đòi buộc tính cách bất khả phân ly. Để duy trì được đặc tính này, dĩ nhiên chúng ta phải hy sinh và từ bỏ nhiều lắm, nhưng nhờ chính những hy sinh và từ bỏ ấy mà tình yêu của chúng ta ngày một thêm mặn nồng và đằm thắm.

 

Có lẽ giờ này Chúa Giêsu cũng muốn nhắn nhủ chúng ta, những cặp vợ chồng Công giáo, đó là: Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, thì loài người không được phân ly.

 


11. Bền vững.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố cho những người Pharisêu cũng như cho mọi người biết chủ trương của Ngài về hôn nhân và cũng là lề luật của Thiên Chúa, là vợ chồng phải nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly, tức là chỉ được một vợ một chồng và phải sống chung thủy với nhau suốt đời. Nói khác đi, Chúa Giêsu không chấp nhận đa phu đa thê và ly dị. Tại sao Chúa Giêsu lại chủ trương như vậy và đòi hỏi mọi người phải sống như vậy?

 

Trong báo Tuổi Trẻ Cười số 3 phát hành vào đầu tháng ba năm 1984, có một bài đầu đề là “Hôn nhân kiểu Mỹ” kể rằng: chuyện thay vợ đổi chồng như thay áo của người Mỹ cũng đáp ứng nhu cầu tiện dụng, bởi vì mọi thứ trong cuộc sống của họ đều phải tiện dụng, đều mang dấu vết những sản phẩm chế tạo hàng loạt. Khi nói như vậy tác giả bài báo này có dụng ý nói rằng: chuyện bỏ nhau, chuyện thay vợ đổi chồng ở Mỹ rất nhiều và rất dễ dàng. Mọi người dân Mỹ đều thuộc làu bộ luật ly dị, vì nó giản tiện hơn những bộ luật khác.

 

Đó là chuyện của xứ người, còn ở xứ ta thì sao? Báo chí cho biết: tại thành phố Hồ Chí Minh, qua thụ lý sơ thẩm của các tòa án quận huyện, được tòa án thành phố tổng hợp, thì hiện tượng ly hôn đã gia tăng đáng kể, đến mức báo động trong những năm gần đây. Báo chí còn cho biết thêm: phần đông đơn xin ly hôn là của những đôi vợ chồng ở lứa tuổi 30 tới 40 và có rất nhiều đôi vợ chồng mới lấy nhau từ một đến năm năm. Có bài báo, sau khi đã kể ra một số lý do dẫn đến ly hôn, đã kết luận: có những trường hợp có lý do chính đáng, nhưng cũng có những trường hợp lý do đưa ra xin ly hôn thật lẩm cẩm. Một số dẫn chứng trên cho thấy tình trạng hôn nhân ngày nay và củng cố cho điều Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay.

 

Bước vào hôn nhân, tất cả mọi người, ai cũng muốn được hạnh phúc, trọn đời yêu thương, và cuộc tình không phải chỉ là chuyện tháng ngày, vui thì ở, chán thì chia tay, nhưng trái lại, luôn bền vững, tươi đẹp. Chính Chúa Giêsu cũng mong muốn như thế, nên Ngài đã nâng sự kết hợp vợ chồng lên hàng bí tích, nghĩa là một sự kết hợp thánh thiện, bền chặt, biểu tượng của sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Sự kết hợp này keo sơn và bền chặt, ngoài sự chết, không sức mạnh nào, không uy quyền nào có thể chia lìa. Vì thế, khi những người Pharisêu đến chất vấn Chúa: có được phép ly dị để lấy người khác không? Hẳn là họ muốn hỏi: có được thay vợ đổi chồng, đa phu đa thê không? Họ còn nại đến thế giá của ông Môsê để hỏi thử Chúa. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã điềm đạm nhắc lại cho họ biết luật nguyên thủy của Thiên Chúa là một vợ một chồng, còn việc ông Môsê cho phép bỏ nhau để lấy người khác là vì lòng dạ dân chúng thời đó cố chấp, nên ông Môsê phải nhường bộ, chứ thuở ban đầu đâu có thế. Như vậy, Chúa Giêsu đã chính thức rút lại luật Môsê và thay thế những gì là hủ tục trong Cựu ước bằng luật Tân ước, nghĩa là Chúa chính thức xác nhận luật nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly của hôn nhân, đồng thời Chúa đòi hỏi mọi người phải sống theo luật lệ này. Vì thế từ xưa cho đến nay, Giáo hội vẫn luôn trung thành tuân giữ.

 

Hôn nhân là vấn đề tình yêu, một tình yêu chân chính không chấp nhận chia sẻ, phân tán. Khi yêu người ta muốn chiếm trọn, muốn được chung tình, chứ không ai muốn chung chạ hay nửa đường đứt gánh. Vì thế, bất cứ khi nào tình yêu bị sứt mẻ, bị chia sẻ, bị phản bội, người ta sẽ không quản gian nguy, không ngại tai tiếng, không ngại hy sinh, để quyết bảo vệ cho kỳ được tình yêu đó, như đánh ghen, đập phá, chém giết, thuê người hành hung, tạt át xít tình địch… Tất cả những hành động đó không ngoài mục đích đòi quyền yêu và được yêu một cách tuyệt đối trong hôn nhân, không ngoài mục đích bảo vệ đạo chung thủy của vợ chồng.

 

Không thể có hạnh phúc trong những gia đình chồng đèo bồng vợ lang chạ, trái lại, khi “sợi giây” tơ hồng bị xé lẻ thì biết bao cảnh hỗn loạn tang thương xảy đến cho gia đình, vợ chồng sẽ không còn lòng quảng đại để tha thứ và để cảm thông nhau như trước nữa, bầu khí gia đình ngột ngạt, nghi kỵ, hằn học, ăn miếng trả miếng sẽ bùng nổ từ đây, và không sớm thì muộn sẽ đi đến chỗ đưa nhau ra tòa đòi ly dị. Tình trạng bi đát này sẽ gây nên nhiều đau khổ cho hai người.

 

Nhưng hậu quả tai hại nhất của gia đình ly dị là số phận con cái. Thật bất hạnh cho chúng, sinh lầm trong những gia đình bất hòa ấy: tâm tư tình cảm chúng bị đầu độc, chia sẻ, tình huynh đệ bị sứt mẻ héo tàn, tuổi trẻ mơ mộng bị hoen ố, lòng chúng hoang mang, mặc cảm, chán chường. Tội ác phát sinh ra tội ác, từ một gia đình thiếu tình yêu, chúng càng khao khát tình yêu khi nhìn đến anh em của những gia đình khác, chúng muốn tình thương mà lại thiếu tình thương, chúng muốn thoát ly gia đình để đòi hỏi một sự bù đắp nào đó, đòi hỏi không được thì càng gào thét, đập phá, quấy rối… và trở thành những trẻ em hư hỏng.

 

Trong phạm vi tự nhiên mà đã nguy hại như thế huống chi là phạm vi siêu nhiên. Gia đình là nền tảng của Giáo hội, là tế bào sống của Giáo hội. Nếu tế bào đó không sống, bị hư hỏng thì nhiệm thể đâu còn có lành mạnh được. Chúa nói: “Gia đình nào chia rẽ là tự hủy”. Trường hợp đau thương đó nếu còn được người cha hay người mẹ biết chịu đựng, nhẫn nại, hướng dẫn các con thì còn hy vọng cứu vãn được con cái, nhưng nếu “ông ăn chả bà ăn nem” thì sẽ không còn mảnh đức tin nào nữa. Chúa Kitô đã xác định rõ ràng: “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”, phân ly là mất mát, là chết chóc.

 

Nếu thực tại hôn nhân ngày nay đã lệch chính đạo và xa rời ý muốn của Thiên Chúa, thì nhiệm vụ đưa hôn nhân trở về nguồn là một vinh dự và cũng là một trọng trách của đôi bạn đã kết ước, của các bậc cha mẹ, của các gia đình, và của hết mọi người có nhiệm vụ rao truyền lời Chúa cho muôn dân.

 


12. Đời đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisêu đã trưng dẫn luật Môsê cho phép một người Do Thái ly dị vợ mình. Một câu trích trong sách Đệ Nhị Luật (24,1) nói rằng: “Nếu một người đàn ông thấy nơi vợ mình có điều gì chướng thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”. Nghe có vẻ giống như ném một cái rác vào trong thùng rác.

 

Nhưng Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến tính vĩnh viễn và bất khả phân ly của hôn nhân. Người trích một câu trong sách Sáng Thế Ký như sau: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly”.

 

Hôn nhân là một giao ước vĩnh viễn giữa người chồng và người vợ, được ký kết trước mặt Thiên Chúa. Hai người tự nguyện thề hứa dâng hiến cuộc đời cho nhau. Giao ước này khác xa các hợp đồng kinh tế. Chẳng hạn, nếu chúng tôi muốn thuê một căn hộ chúng tôi sẽ ký một hợp đồng trong một thời hạn nhất định, có ghi rõ số năm, tháng mà chúng tôi sẽ thuê căn hộ đó. Giao ước hôn nhân thì khác hẳn. Bởi vì nó không phải là một giao kèo có thời hạn, nhưng là một cam kết dấn thân sống kết hiệp với nhau trong suốt cả cuộc đời.

 

Hai người phải phối hiệp với nhau. Trong hôn nhân, sự chia cách là hậu quả của những hiểu lầm. Ly dị có thể phá hủy không chỉ là cuộc sống lứa đôi mà thôi, nhưng còn phá hủy cả tương lai của con cái nữa. Vì thế, hôn nhân mang ý nghĩa một sự kết hiệp vĩnh viễn, giữa người chồng với người vợ, và còn là sự liên đới giữa cả cha mẹ với con cái nữa.

 

Cả hai vợ chồng sẽ trở nên một xương một thịt. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, họ không còn là hai nữa nhưng đã kết hợp nên một. Điều này có thể thấy được trong cố gắng kết hiệp của họ để giúp nhau lớn lên trong sự trưởng thành.

 

Để cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc, người ta cần phải có nhiều yếu tố chẳng hạn như sự thành thật, tinh thần hy sinh, hợp nhất, sự tha thứ, tinh thần phục vụ quảng đại.

 

Lạy Chúa, xin chúc lành cho mọi cuộc hôn nhân. Xin giúp các người làm chồng và làm vợ biết sống trung thành với lời dạy của Chúa.

 


13. Hôn nhân.

Bài Tin Mừng có hai phần: Phần thứ nhất là lập trường của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân. Phần thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu đối với các trẻ em. Phần thứ nhất chính là đoạn Tin Mừng thường được đọc trong thánh lễ hôn phối, chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

 

Đề tài của đoạn Tin Mừng này là vấn đề ly dị do những người Pharisêu đặt ra với ý đồ gài bẫy Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết: các kinh sư Do thái thường tranh luận với nhau về những lý do cho phép ly dị chứ không tranh luận về chính việc được phép ly dị hay không. Và luật Do thái chỉ cho phép đàn ông bỏ vợ chứ không cho phép đàn bà bỏ chồng. Như vậy, chuyện những người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Có được phép ly dị không?” quả là khúc mắc, tế nhị và phức tạp. Họ muốn Chúa phải xác định lập trường rõ ràng trước mặt dân chúng và trước mặt họ. Luật đã cho phép ly dị, nếu Ngài bảo không được, tức là Ngài chống lại luật. Ngược lại, nếu Ngài bảo được, thì họ sẽ chống lại Ngài. Cho nên, rõ ràng những người Pharisêu có ý gài bẫy Chúa. Chúa trả lời thế nào?

 

Chúa hỏi lại họ: “Ông Mô-sê truyền dạy thế nào?”. Thật sự trong Cựu ước không có một chỗ nào ghi một mệnh lệnh tổng quát phải ly dị hay không được ly dị, cũng chẳng có chỗ nào trực tiếp chỉ thị muốn ly dị thì phải làm gì. Vậy những người Pharisêu trả lời câu hỏi của Chúa thế nào? Họ trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, đoạn 24 câu 1 đến câu 4. Trong đoạn này, sách Đệ Nhị Luật cũng chỉ gián tiếp nói về việc làm giấy ly dị. Đó là trường hợp một người đàn bà đã bị chồng ly dị và có làm giấy ly dị đàng hoàng, nay đi lấy người khác, rồi lại bị ông chồng mới này ký giấy ly dị, thì người chồng thứ nhất, dù có vì tình xưa nghĩa cũ, muốn đoàn tụ với nàng, cũng không được phép. Vậy khoản luật này chỉ trực tiếp đề cập đến vấn đề người chồng cũ có quyền cưới lại người vợ mình đã ký giấy ly dị không? Luật trả lời không được. Nhân vấn đề đó mà sách này cho chúng ta biết: luật gia đình của người Do thái cho phép chồng ly dị vợ.

 

Chúa Giêsu đã trả lời cho những người Pharisêu: sở dĩ ông Mô-sê đã ra luật đó, “vì lòng các ông chai đá”, nên đó chỉ là điều nhân nhượng mà thôi, chứ từ ban đầu không có như vậy, và Chúa kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Như thế, Chúa Giêsu cho mọi người biết rõ lập trường của Ngài là không bao giờ được ly dị, nghĩa là một người nam và một người nữ đã kết hợp với nhau nên một trong hôn nhân theo luật của Chúa, thì họ không có quyền và cũng không ai có quyền phá vỡ cái nên một ấy.

 

Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rõ luật của Chúa và Giáo hội: sự nên một trong hôn nhân là một công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, nên những ai đang sống trong sự nên một ấy phải tôn trọng và giữ nó cho thật đẹp và thật bền, và phải làm cho nó trọn vẹn hơn mãi, không những một thân xác mà một tâm hồn, một cuộc sống, một hạnh phúc. Chính do sự nên một ấy mà đứa con xuất hiện như một đóa hoa, một trái ngọt ngào và được nên người. Thánh Phaolô đã nêu cao giá trị của sự nên một ấy khi đem đối chiếu với sự nên một giữa Chúa Kitô và Giáo hội.

 

Còn những người chuẩn bị đi vào cuộc sống hôn nhân phải thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để sự nên một ấy có thể được thành tựu tốt đẹp. Nếu Chúa đã an bài con người có nam có nữ để rồi nam nữ thành một, thì Chúa vẫn dành cho con người quyền tự do để lựa chọn. Chuyện hôn nhân là chuyện của hai người trong cuộc. Những người khác dù là cha mẹ, vẫn phải tôn trọng, giúp cho người liên hệ chọn lựa, chứ không có quyền áp đặt. Cần dứt khoát với hủ tục ép buộc con lấy người này người khác. Người ta đã coi đó là lễ giáo, nhưng chắc chắn nó không phù hợp tinh thần Tin Mừng. Vì thế, Giáo hội không bao giờ chấp nhận sự cưỡng ép trong vấn đề hôn nhân.

 

Xin Chúa cho những ai đang sống đời hôn nhân luôn trung thành với nhau; và những ai sắp bước vào đời hôn nhân, chuẩn bị cẩn thận để bảo đảm trung thành luôn mãi.

 


14. Gia đình.

(Trích trong ‘Sợi Chỉ Đỏ’)

“Cha mẹ tôi đã ly hôn, chúng tôi sống với mẹ. Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng. Biết bao lần tôi hình dung cha tôi mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó đến nhà ông để khạc nhổ vào mặt ông ta cho hả cơn oán ghét và khinh bỉ. Hôm khác tôi lại mơ thấy mình nằm gọn trong cánh tay cha tôi, đắm mình trong một tình thương mà tôi tưởng chừng đã phai tàn. Rồi tôi đã khóc, nhưng không ai biết…Tôi nằm lăn đất vì đau khổ, vì bị xung độ khủng khiếp. Tôi muốn tìm cách báo thù: chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại… chính tôi nữa!”

Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã ly dị với nhau là như thế: bị xâu xé ray rứt rất đau đớn: vừa thù ghét cha mẹ mà vừa đói khát thèm muốn tình thương của cha mẹ. Tương lai của những đứa con ly hôn là như thế: nó sẽ nổi loạn chống lại mọi người, phá phách mọi người và phá phách cả cuộc đời của chính nó nữa.

 

Vậy mà ít ai lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ to lớn ấy của những đứa con mà cha mẹ đã ly hôn. Ngược lại càng ngày người ta càng ủng hộ việc ly dị. Theo một bảng thống kê ở các nước giàu có phát triển thì cách đây 20 năm cứ 20 cặp vợ chồng thì có một cặp ly dị, cách đây 10 năm thì trong 10 cặp có một cặp ly dị, và hiện thời cứ 2 cặp là có một cặp ly dị. Nghĩa là tỷ lệ phân nửa: bên Nga cũng vậy mà bên Mỹ cũng vậy!

Lý do người ta dựa vào, là “Đã không thể sống chung với nhau nữa thì thà chia tay nhau”. Một lý do quá giản dị, nhưng vì quá giản dị nên cũng quá thiếu sót, ít ra là thiếu sót ba điểm sau đây:

1/ Thứ nhất là quá ích kỷ: chỉ lo cho những cặp vợ chồng mà không nghĩ đến những đứa con. Cho phép ly dị thì có lẽ vợ chồng sẽ thoải mái đấy, nhưng con cái thì như chúng ta đã thấy qua bức trên đây. Cha mẹ muốn thoải mái cho bản thân mình, và dồn mọi hậu quả cho những đứa con phải chịu. Mà những đứa con đó nào có tội tình gì đâu? Tội là ở cha mẹ chúng, nhưng chúng phải gánh lấy hậu quả hoàn toàn.

 

2/ Thứ hai là phản trắc, lật lọng: những người ly dị là những kẻ phản trắc, lật lọng, không phải đối với ai khác mà đối với chính bản thân họ, đối với chính lương tâm của họ. Họ hãy nhớ lại xem trước khi cưới họ đã nghĩ gì, đã muốn gì, đã thề hứa gì? Họ muốn chiếm cho bằng được con người lúc đó họ đang yêu, họ chấp nhận tất cả mọi khó khăn xung đột của cuộc sống chung, và họ thề sẽ yêu thương nhau trọn đời. Lúc ban đầu thì vậy, nhưng lúc sau thì khác không yêu nhau nữa, không chấp nhận nhau nữa và đòi bỏ nhau bằng mọi giá. Có phải là phản trắc, là lật lọng, là tiền hậu bật nhất không?

 

3) Và điểm thứ ba là người ta đã quên một điều rất là thông thường trong cuộc sống hôn nhân: bất cứ cặp vợ chồng nào cũng phải trải qua những cuộc khủng hoảng. Không cặp nào thoát. Đó là điều tất yếu, và có thể nói còn cần thiết nữa. Cũng như một đứa trẻ cần phải trải qua khủng hoảng của tuổi dậy thì mới trở nên người lớn được, thì bất cứ cặp vợ chồng nào cũng cần phải trải qua khủng hoảng mới đi đến chỗ trưởng thành. Vậy mà khi gặp khủng hoảng thì tính ngay chuyện ly dị, thử hỏi làm sao gia đình trưởng thành được?

 

Đó là ba điểm rất quan trọng mà người ta đã bỏ qua không xét tới. Vì bỏ qua những điểm quan trọng như thế nên người ta càng ngày càng đòi hỏi ly hôn: những cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, cha mẹ đôi bên xúi ly hôn, luật pháp cho phép ly hôn… Chỉ có Tin Mừng Chúa và Giáo hội Công giáo là còn cố gắng ngăn cản việc ly hôn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý tới những điểm sau đây:

  1. Những người biệt phái dẫn chứng với Đức Giêsu rằng ông Môsê cho phép ly hôn. Đức Giêsu trả lời: đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi. Nghĩa là Đức Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của ly hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu của con người. Và như chúng ta đã phân tích ở trên, lòng xấu ấy chính là cái tính ích kỷ, cái thái độ phản trắc lật lọng, thái độ hèn nhát vội tìm đường lẩn tránh trước những khủng hoảng tất yếu của hôn nhân.
  2. Đức Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, con người không có quyền làm ngược lại “Điều gì mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”. Nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này: vợ chồng không có quyền đòi ly dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi ly dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép ly dị, cho nên dù có một trăm tờ giấy ly dị cũng chẳng có chút giá trị nào trước mặt Chúa.
  3. Và thứ ba là Chúa nhắc mọi người phải nhớ đến những đứa trẻ. Đức Giêsu đã ôm trẻ nhỏ vào lòng, Ngài đã chúc lành cho chúng để nhắc mọi người phải thương yêu chúng, phải bao bọc chúng, đừng ruồng bỏ chúng để chúng phải bơ vơ vì cha mẹ chúng đã ly dị nhau; đừng ngăn cản, không cho chúng đến với Chúa bằng cách dạy chúng vào con đường bất mãn, nổi loạn, sa đọa khi cha mẹ chúng đã ly dị với nhau.

 


15. Chung thuỷ.

(Trích trong ‘Sợi Chỉ Đỏ’)

Thu Hồ Tử người nước Lỗ, mới cưới vợ năm ngày đã nhận lệnh đi làm quan ở nước Tần. Năm năm sau, Hồ Tử xin phép về quê thăm vợ và mẹ. Khi về đến gần nhà, chàng bỗng thấy một thiếu nữ rất xinh đẹp đang hái dâu bên đường.

Hồ Tử xuống xe, thả lời ong bướm trêu cợt. Nàng hái dâu thản nhiên như không nghe thấy gì, tay không ngừng bứt lá.

Hồ Tử nói:

  • Này em kia, dùng tận lực mà làm ruộng cũng không bằng một năm được mùa. Dùng hết sức mà hái dâu, sao bằng gặp được một người chồng làm quan. Ta đây là quan lớn, vàng bạc sẵn có, nàng mà ưng thuận lấy ta thì không thiếu thứ gì, chẳng cần hái dâu cho vất vả tấm thân!

Người thiếu nữ ấy vẫn giữ thái độ dửng dưng, nhìn ông quan với ánh mắt đầy khinh bỉ.

 

Hồ Tử về nhà lạy mẹ. Khi vợ chàng ra gặp thì Hồ Tử choáng váng mặt mày, vì vợ chàng chính là thiếu nữ hái dâu lúc nãy. Chàng hổ thẹn vô cùng, lúc ấy nàng mới dạy cho chàng một bài học:

  • Chàng đi làm quan năm năm mới về. Đáng lẽ chàng phải vội vã về thăm mẹ, gặp vợ, thế mà chỉ thấy một người đàn bà ở dọc đường, không biết người ta chồng con thế nào đã ngừng lại trêu ghẹo, không nhớ gì đến mẹ, cũng chẳng thiết gì tới vợ. Quên mẹ thì bất hiếu, ham sắc thì lòng dâm, tính hạnh nhơ thì bất nghĩa, bất nghĩa thì trị dân chúng bất minh, người như thế sao đáng gọi là quan giỏi chồng quí được!

Câu chuyện trên đây nhắc nhở chúng ta về sự chung thủy vợ chồng mà Tin Mừng hôm nay xác định lại. Đó là luật đơn hôn và vĩnh hôn trong bậc hôn nhân: “Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Ý định của Thiên Chúa là sáng tạo người nam và người nữ. Việc kết hợp với nhau để trở thành một huyết nhục “là giao ước tình yêu”. Hiệu quả của giao ước này là “hai người trở nên một”. Điều này chứng tỏ việc ly dị là bất trung với hôn ước, đồng thời cũng là sự bất tuân thánh ý Thiên Chúa.

 

Kể từ khi Kinh Thánh mở đầu với mối tình keo sơn giữa hai ông bà nguyên tổ, thì tình yêu vợ chồng đã trở nên duy nhất và chung thủy: “Mình với ta tuy hai mà một”. Nhưng tình yêu hôn nhân ấy có thể vươn lên tột đỉnh non cao, mà cũng có thể rơi xuống hố sâu vực thẳm.

 

Có những cặp vợ chồng bước đi bên nhau trong đời. Thế mà những bước chân dẫm lên đời nhau rất đau đớn. Bếp lửa gia đình đã tắt, cuộc vui đã tàn hơi, hành trình không trọn vẹn, như mơ ước của thiên đường.

 

Lịch sử con người đầy dẫy những cuộc chia tay, đổ vỡ, phản bội. Từ thời Môsê dân chúng đã đòi ly dị, rồi đến vua Đavid chiếm đoạt vợ Uria, sang vua Antipas ly dị vợ để cưới nàng Hêrôđia. Cứ thế tiếp diễn đến ngày nay. Theo thống kê vào tháng 12/89 tại các nước Phương Tây, cứ hai đôi hôn nhân thì có một đôi ly dị và hệ quả là 1/3 trẻ em sống như mồ côi.

 

Xét cho cùng luật Chúa cấm ly dị lại là một trợ giúp đắc lực cho các đôi vợ chồng trong lúc gặp khó khăn, giông tố, biết nhẫn nhịn, kiềm chế để giữ gìn hạnh phúc gia đình, và lành mạnh hóa xã hội. Đó cũng là một ơn huệ của Bí tích Hôn nhân.

 

Hình ảnh “Đức Giêsu ôm các trẻ nhỏ vào lòng và chúc lành cho chúng” là một lời nhắc nhở các bậc cha mẹ. Nếu “cơm không lành canh không ngọt”, muốn chia tay, hãy nhìn vào con cái mình, những nạn nhân vô tội. Nếu muốn chọn giải pháp “đường ai nấy đi” thì hãy nhớ đến những đứa trẻ đáng thương. Chúng sẽ đi về đâu? Thống kê cho thấy đại đa số thanh thiếu niên phạm pháp là con của những cha mẹ ly tán.

 

Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Gia đình, số 59, có viết: “Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”.


16. Suy niệm của JKN.

Tính sư phạm và nhân bản của Thiên Chúa trong việc lập luật và áp dụng luật

Câu hỏi gợi ý:

  1. Tại sao luật Môsê lại cho phép vợ chồng ly dị (x. Mt 5,31; Đnl 24,1) còn Đức Giêsu thì không? Luật Môsê có phải là luật của Thiên Chúa không? Phải giải thích sao về sự mâu thuẫn giữa hai thứ luật đều cùng là luật của Thiên Chúa cả?
  2. Thiên Chúa coi hạnh phúc của con người quan trọng hơn luật của Ngài, hay ngược lại? Ngài lập luật để con người hạnh phúc, hay dựng nên con người để tuân theo luật Ngài? Luật lệ và con người, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?
  3. Khi áp dụng luật Chúa cho người khác, ta nên có thái độ nào? cứng nhắc hay mềm dẻo? nên vì luật Chúa hay vì hạnh phúc con người hơn?

 

Suy tư gợi ý:

  1. Bối cảnh của bài Tin Mừng

Các người Pharisêu hỏi Đức Giêsu về vấn đề ly dị không phải vì họ thắc mắc cần được giải đáp, mà vì muốn gài bẫy Ngài. Nếu Ngài đồng ý với việc ly dị, thì Ngài tỏ ra cùng lập trường với người Pharisêu. Và như vậy người Pharisêu có thêm một đồng minh rất có uy tín về vấn đề này để chống lại chủ trương đối lập. Còn nếu Ngài không đồng ý, thì nhiều người trong đám đông không chấp nhận. Quan trọng hơn nữa, Ngài sẽ bị vua Hêrốt thù ghét, vì Ngài tỏ ra cùng phe với Gioan Tẩy giả, là người lên án ông về tội ngoại tình và đã bị ông giết chết (Mc 6,17-28). Đây cũng là điều mà bọn Pharisêu mong muốn cho Ngài. Vì thế, Ngài trả lời thế nào cũng đều có lợi cho họ.

Nhưng Đức Giêsu đã lợi dụng cái bẫy này để mặc khải nền tảng của hôn nhân theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa là vợ chồng phải «nhất phu nhất phụ», đồng thời chỉ ra sự sai trái trong chủ trương của người Pharisêu. Người Pharisêu dựa vào câu Kinh Thánh sau đây để biện minh cho sự ly dị: «Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà» (Đnl 24,1). Đức Giêsu đã nhắc đến luật này trong Cựu Ước và đưa ra luật mới ngược lại: «Luật (Môsê) dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình» (Mt 5,31-32).

 

  1. Bài học về tính sư phạm của Thiên Chúa

Ngài chủ trương khác với Môsê, nhưng Ngài không đả kích hay chê bai Môsê, mà cho rằng Môsê đã thích ứng với sự yếu đuối của con người: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông». Vì: nếu ra luật mà người ta yếu đuối quá không thể giữ được, thì lúc đó luật chỉ gây nên mặc cảm tội lỗi. Như vậy, thay vì luật nâng đỡ con người, thì lại đạp họ xuống. Nghĩa là luật trở nên gánh nặng không thể vác nổi cho con người, khiến họ thất vọng đối với sự công chính và quay về hướng tội lỗi. Vì thế, trong trường hợp đó, tốt hơn là luật chưa nên đòi hỏi đúng mức. Do đó, luật Môsê đã tỏ ra nhân nhượng với sự yếu đuối của con người. Thánh Phaolô chủ trương: «Nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội» (Rm 5,13); và «tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật» (1Cr 15,56). Bởi luật được lập nên vì con người, chứ không ngược lại (x. Mc 2,27). Đó là quan niệm rất nhân bản về lề luật. Nhưng khi con người đạt được một trình độ tâm linh cao hơn, thì Đức Giêsu đã nâng cấp lề luật lên một bậc để đưa con người lên mức độ thánh thiện và hoàn hảo cao hơn, hợp lý hơn, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa hơn.

 

Điều này cho chúng ta thấy tính sư phạm của Thiên Chúa. Lề luật, giao ước, mặc khải hay những điều Thiên Chúa dạy dỗ con người không thể là những gì bất biến, mặc dù Thiên Chúa thì bất biến. Tất cả những thứ ấy không phải vì Thiên Chúa nhưng vì con người, mà con người thì biến đổi, nên chúng phải thích ứng sao cho phù hợp với con người. Khi trình độ hay hoàn cảnh của con người thay đổi, thì lề luật, cũng như những mặc khải hay những điều dạy dỗ của Thiên Chúa đã có trước đó lâu năm sẽ phải thay đổi cho thích ứng với con người thời đại, đồng thời phù hợp với «đạo» là nguyên lý không thay đổi của Thiên Chúa hơn. Không thể lấy lề luật cũ áp dụng cho con người mới được: lề luật cũ, mặc khải cũ, giao ước cũ phù hợp với con người cũ (thời xưa) chứ không phù hợp với con người mới (thời nay). Vì thế, cần phải có lề luật mới, mặc khải mới, giao ước mới để phù hợp với con người mới.

 

Thánh Phaolô có nói đến sự lỗi thời của các giao ước, khi đã có một giao ước mới đến thay thế: «Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sẽ tan biến đi» (Dt 8,13). Bất kỳ giao ước nào, lề luật nào, mặc khải nào đang hiện hành đều được coi là tuyệt đối, bất biến, muôn đời không thay đổi. Có như thế con người mới đủ xác tín để thực hành. Nhưng khi có giao ước, lề luật, mặc khải mới, thì những thứ cũ đều bị coi là lỗi thời, không phải theo nữa. Cụ thể là luật Môsê mà người Do Thái xưa coi là tuyệt đối và bất biến, đã trở nên lỗi thời và được thay thế bởi luật của Đức Giêsu. Và đương nhiên luật của Đức Giêsu cũng là luật cho con người chứ không phải cho Thiên Chúa.

  1. Hãy «vì con người, chứ không phải vì lề luật»

Đức Giêsu đã cho thấy kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa là: «Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly». Đấy là nguyên lý của Thiên Chúa cho hạnh phúc con người, ai sống theo như vậy thì sẽ được hạnh phúc. Thật vậy, trong đời sống vợ chồng, tình yêu và sự hòa hợp là hai yếu tố quan trọng để đời sống hôn nhân được hạnh phúc. Tình yêu cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự hòa hợp và ngược lại. Tuy nhiên, thiếu một trong hai thì đời sống hôn nhân không thể hạnh phúc. Dẫu vậy, tình yêu là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng chỉ có tình yêu đích thực mới đem lại hạnh phúc, mà tình yêu chân thực tất yếu phải là tình yêu duy nhất và chung thủy. Một nhà tâm lý nói: «Đã yêu rồi, lại còn yêu người khác nữa, thì không phải là tình yêu chân thật. Đã yêu, nhưng sau đó lại không yêu nữa, cũng không phải là tình yêu chân thật». Vì thế, hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi hai phối ngẫu một tình yêu đích thực, nghĩa là tình yêu duy nhất và trọn đời. Điều đó thật hợp lý và phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Và Giáo Hội không chấp nhận ly dị là điều hợp lý.

 

Tuy nhiên, việc áp dụng luật của Thiên Chúa cũng như luật Giáo Hội thiết tưởng không nên cứng ngắc. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy: chính Thiên Chúa – qua luật Môsê – cũng đã nhân nhượng sự yếu đuối của con người. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa chỉ dựng nên có một người nam và một người nữ, nghĩa là ngay từ đầu, trong kế hoạch của Thiên Chúa, đã có luật «nhất phu nhất phụ» rồi. Nhưng trong luật Môsê, Ngài đã tạm thời chấp nhận việc ly dị, chỉ vì tâm linh của con người còn quá thấp kém, không thể giữ nổi: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông». Như thế ta thấy mặc dù Thiên Chúa là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng rất là nhân bản, Ngài thông cảm với những yếu đuối của con người, và Ngài đã tỏ ra chú trọng đến hạnh phúc của con người nhiều hơn cả việc đòi hỏi con người phải theo đúng kế hoạch của Ngài. Ngài đặt nặng hạnh phúc của con người hơn cả lề luật của Ngài: bởi lề luật được lập nên vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật (x. Mc 2,27). Lề luật dù có thánh thiêng tới đâu cũng là vì con người, nhằm phục vụ cho lợi ích hay hạnh phúc của con người, chứ không ngược lại. Lề luật là phương tiện, nhưng con người mới là mục đích. Con người thánh thiêng hơn các lề luật rất nhiều, cho dù lề luật có do chính Thiên Chúa lập nên đi nữa, vì «con người là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26.27; 9,6), chứ lề luật không phải là hình ảnh của Ngài, dù là luật do chính Ngài thiết lập.

 

Vì thế, các mục tử, khi áp dụng luật Chúa cho giáo dân của mình, thiết tưởng cũng phải biết sử dụng quyền mà Chúa trao: «Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy» (Mt 16,19; 18,18). Chúa trao cho mình cả hai quyền, nhưng nhiều khi mình chỉ chuyên sử dụng có một quyền, chỉ biết «cầm buộc» mà không biết «tháo cởi». Tội nghiệp cho giáo dân ngu dốt của mình! Xin hãy cân nhắc một cách sáng suốt giữa hai sức nặng cần phải tôn trọng: hạnh phúc của con người và luật của Thiên Chúa. Có những trường hợp phải hy sinh luật Chúa cho hạnh phúc của con người! Trong ngôn ngữ dân gian có câu: «Nếu đất không chịu trời, thì trời nhiều khi đành phải chịu đất». Đó cũng là sự mềm dẻo trong việc áp dụng luật cho người khác, một đặc tính phải có của tình thương. Thiên Chúa còn mềm dẻo và nhân nhượng trong việc áp dụng luật đối với con người, tại sao con người lại quá hà khắc với nhau?

 

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng con người thánh thiêng hơn lề luật, và lề luật được lập nên vì hạnh phúc của con người. Lề luật chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Xin đừng để con quá «vị luật» đến nỗi lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh con người cho việc áp dụng lề luật. Xin cho con biết nhân ái và bao dung khi áp dụng luật Chúa cho tha nhân.


17. Tìm lại sự ngạc nhiên – Lm. Mark Link.

“Biết ngạc nhiên như trẻ thơ là trọng tâm mọi lời cầu nguyện và tôn thờ”

Mấy năm trước, tờ Chicago Tribune (Diễn đàn Chicago) có đăng bài viết của Amelia Bahl nhan đề: “Đi đạo với Bà Tôi”. Bài được viết theo thể đối thoại như sau;

Ricky hỏi:

  • Thưa bà tại sao cây lại thay lá vào cuối mùa hạ?

Bà trả lời:

  • Vì những lá cây cũ mèm xơ xác rồi, cần mặc lấy lá mới.
  • Những lá mới từ đâu đến vậy?
  • Từ sâu dưới lòng đất, bà mẹ thiên nhiên luôn bận bịu chuẩn bị lá mới cho chúng
  • Bà ơi, có bao giờ bà thấy bầu trời giống như một hồ nước úp lộn ngược không?
  • Và những áng mây bé tí kia trông giống những chiếc thuyền buồm phải không nào?
  • Cháu thắc mắc chả hiểu chúng dương buồm đi về đâu?
  • Có lẽ đi dự “hội mây” đó cháu.
  • Chúng sẽ làm gì ở đó nhỉ?
  • Có lẽ để quyết định xem trái đất có cần mưa thêm không?
  • Chà! Chúa lo lắng tất cả mọi sự, bà nhỉ?

«««

 

Bà của Richy thực là một gương mẫu hoàn hảo cho người trưởng thành. Bà không bị mất cảm thức của mình về những điều ngạc nhiên của trẻ thơ. Biết ngạc nhiên là biết nhìn thấy sự vật giống như trẻ con nhìn thấy chúng. Là biết đặt ra những câu hỏi tương tự như trẻ con thường hỏi. Biết ngạc nhiên là biết nhìn mọi sự như chúng ta nhìn chúng lần đầu tiên, nghĩa là nhìn chúng với sự tươi mát lần đầu, toả ra sự mới mẻ từ đôi tay tạo dựng của Chúa khi chưa hề bị tì ố. Biết ngạc nhiên là biết nhìn vào một cánh đồng cỏ ướt đẫm sau cơn mưa và nhận ra những dấu chân của Chúa trên đó. Biết ngạc nhiên là biết nhìn vào đôi mắt trẻ thơ và nhận ra dấu tay của Thiên Chúa ẩn chứa trong đó.

 

Có một ví dụ thú vị cho vấn đề chúng ta đang bàn được thấy trong quyển sách của Charles Colson tựa đề “Born Again” (Tái sinh). Colson một trong những người bị kết án trong vụ Watergate của tổng thống Nixon vào thập niên 1970. Về sau, ông đã trở lại đạo Chúa. Sự trở lại này đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn ông mãi đến hôm nay.

 

Trong một đoạn sách của mình, Colson đưa chúng ta lùi về quá khứ 20 năm trước để tham dự một mùa hè thú vị mà ông đã trải qua cùng hai cậu nhóc, con của ông. Ông đã mua cho chúng một chiếc thuyền buồm dài 14 bộ (quãng 4 mét rưỡi) và đem nó ra hồ. Khi cả ba đến bờ hồ, một cơn mưa phùn nho nhỏ của mùa hạ bắt đầu lất phất. Tuy nhiên điều này chẳng làm cho họ quan tâm.

 

Sau khi thuyền rời khỏi bến, họ chỉ còn nghe thấy tiếng nước vỗ mạn thuyền và tiếng chiếc buồm sũng nước vỗ phành phạch trong gió. Cậu bé Chris, 10 tuổi được giao nhiệm vụ điều khiển chiếc thuyền. Khi nhận thức được vai trò thuyền trưởng của mình, gương mặt cậu bé trông mới rạng rỡ làm sao! Ánh mắt cậu toé lên nỗi hào hứng khi biết rằng cậu đang nắm trong tay quyền điều khiển sức mạnh của gió. Nhìn vào khuôn mặt và ánh mắt cậu con trai, Colson hết sức sửng sốt. Lúc đó, ông tâm sự với Chúa và ông vẫn còn nhớ mãi những lời tâm sự ấy:

“Lạy Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho con đứa con trai này, đã ban cho con giây phút kỳ dịêu này. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt đứa nhỏ này, đời con đã thoả mãn rồi. Trong tương lai, dù có xảy đến điều gì cho dẫu ngày mai con có phải chết, thì đời sống của con kể cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Tạ ơn Chúa”.

 

Sau đó, Colson ngạc nhiên vì điều ông vừa làm. Trước đó, ông đâu có tin rằng Thiên Chúa có bản ngã, thế mà trong ngẫu hứng, ông lại thưa chuyện với Ngài như một Đấng có bản ngã. Trong niềm vui vào giây phút ấy, tim ông đã vượt khỏi trí não để biểu lộ lời xác nhận sự hiện hữu của một Thiên Chúa hữu ngã. Qua chính những lời cầu nguyện của mình, ông khám phá rằng dù ông chưa tự chứng minh được là có Thiên Chúa, ông vẫn có thể thưa chuyện với Ngài. Làm sao ông có thể thưa chuyện với Ngài được nếu không phải là tận thâm sâu tâm hồn ông vẫn ý thức rằng có ai đó đang lắng nghe ông từ một nơi nào đó. Thực thế, vào buổi trưa hè mưa phùn ấy, Colson đã khám phá ra cho mình điều mà các tác giả linh đạo luôn nhất trí với nhau, đó là: Sự ngạc nhiên là trọng tâm mọi lời khẩn nguyện và thờ phụng.

 

Điều này dẫn chúng ta đến với sứ điệp thực tiễn của bài Phúc Âm hôm nay.

 

Nếu chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện và thờ phụng Chúa, có thể là vì chúng ta đã để cho cảm thức ngạc nhiên như trẻ con của mình bị khuất sau đám mây: có lẽ vì chúng ta đã không nghiêm chỉnh nghe theo lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay; “Ai không biết đón nhận nước Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng bao giờ vào được đó đâu”.

 

Có lẽ chúng ta đã đánh mất cảm thức ngạc nhiên như trẻ con của mình về vũ trụ. Có lẽ từ lâu lắm rồi chúng ta không còn đi bộ dạo chơi và trò chuyện với con cháu chúng ta.

 

Nhà viết tiểu thuyết hiện đại John Updike đã cảnh cáo chúng ta điều có thể xảy ra nếu chúng ta không còn biết tiếp xúc với những thành viên trẻ trong gia đình Thiên Chúa như sau:

 

“Nếu người lớn chúng ta không biết tiếp tục trò chuyện với trẻ con, chúng ta sẽ không còn là những con người nữa, mà chỉ còn là những cổ máy biết ăn và biết kiếm tiền”. Nhà thừa sai vĩ đại Albert Schweitzer nói: “Bi kịch của cuộc sống chính là chúng ta đã chết mặc dù vẫn mang tiếng là đang sống”. Khi cảm thức ngỡ ngàng trước vũ trụ bắt đầu lịm tắt thì ý thức về cầu nguyện và phụng thờ cũng bắt đầu tàn lụi theo. Đây là một lời rất quan trọng và thực tiễn mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta qua bài Phúc Âm hôm nay.

 

Để kết thúc xin mời anh chị em yên lặng hiệp ý cầu nguyện cùng tôi; “Lạy Chúa, xin giúp chúng con giữ mãi được cảm thức ngạc nhiên trước cuộc sống, đừng để chúng con trở nên mù loà không nhìn thấy dấu tay Chúa trong vũ trụ quanh chúng con, đặc biệt nơi ánh mắt và khuôn mặt của các trẻ nhỏ.

 

Xin giúp chúng con biết luôn tiếp xúc với những trẻ em chung quanh chúng con, để đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu truyền dạy; “Kẻ nào không tiếp nhận nước Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng bao giờ vào được đó”.

Xin hãy giúp chúng con tái khám phá ra cách nào để ngạc nhiên ngõ hầu nhờ đó chúng con có thể tìm lại được cách thức cầu nguyện và phụng thờ Chúa.

 

Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Giêsu là Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”


18. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux.

VẤN ĐỀ LY DỊ (10,1-12)

Nhiều lời khuyên bảo liên quan đến đời sống cộng đồng đã được Chúa Giêsu thực tại Caphanaum, xứ Galilê (9,33). Chặng đường dài của xứ Palestin, từ bắc tới nam đã được vượt qua (c. 1a). chúa Giêsu đang tiến bước hướng về Giêrusalem. Giờ đây Ngài đang tiếp xúc với cư dân mạn nam Palestin, ở hai bên bờ sông Giođan; ở phía tây là Giuđê, những đồng hương Do Thái với Ngài, phía đông là người xứ Pêrê (hiện là Giocđani) thuộc dân ngoại. Maccô muốn chứng tỏ Chúa Giêsu đang rao giảng cho tất cả mọi người không phân biệt. Đám đông đang hiện diện và thế là Chúa Giêsu dạy dỗ họ (c. 1b). Ở đây có đủ mọi điều kiện cần thiết để sứ điệp của Ngài đạt đến quảng đại quần chúng.

 

Đám biệt phái lại mon men đến gần Ngài (c. 2a). Lần tranh luận cuối cùng giữa Chúa Giêsu và những kẻ nhiệt tình bảo vệ luật Môsê này đã xảy ra cách đây khá lâu (8, 11-12). Cũng giống nhu lần đó, lần này Maccô cũng ghi rõ những người Do Thái được số một này đến chất vấn Chúa Giêsu “để thử Ngài” (c. 2b). Cần phải nhớ rằng đàng sau những từ này, tác giả Phúc Âm muốn gợi lại thái độ của những người Israel vào thời còn ở hoang mạc lúc xuất hành từng biểu lộ sự cứng lòng với Môsê và với chính Thiên Chúa: “Ho thử thách Giavê bằng cách nói rằng: “Thiên Chúa có ở giữa chúng ta hay không?”. Còn ở đây thì họ giương bẫy gài Chúa Giêsu về vấn đề ly dị: “Chồng có được phép rẫy vợ không?” (c. 2c). Vào bước ngoặt của Kỷ nguyên Kitô giáo vấn đề “rẫy” vợ được các giáo sĩ Do Thái tranh luận sôi nổi. Hai trường phái nổi tiếng đối đầu đưa ra những ý kiến ngược nhau. Một bên là giáo sĩ Hillel, thuộc dạng biệt phái tự do thì chấp nhận rất nhiều lý do cho phép vợ chồng có thể chia tay nhau. Ngược lại, giáo sĩ Shamamai thuộc khuynh hướng nghiêm khắc thì chỉ chấp nhận một số giới hạn các trường hợp được phép “rẫy” vợ. Bởi vì theo luật Do Thái, chỉ đàn ông mới có quyền ly dị vợ mình, nên Shammai theo cách thức của mình, đã bảo vệ cho phụ nữ trong một xã hội thượng tôn nam giới. Chính vì được đánh giá là một bậc thầy tăm tiếng nên Chúa Giêsu đã được hỏi ý kiến xem Ngài ủng hộ phe nào. Bẫy gài giương ra rất rõ ràng: Người ta sẽ đánh giá Ngài thuộc loại theo chủ thuyết “buông thả” hay chủ thuyết “gò bó” trong vấn đề này. Họ muốn đóng khung Ngài hoặc trong phe này hoặc trong phe kia. Trước tiên Chúa Giêsu dẫn đối phương về tận nguồn gốc cuộc tranh luận: “Môsê đã răn dạy các ông điều gì?” (c. 3). Câu hỏi này dễ trả lời (c.4). Lời quy chiếu của đám biệt phái về luật Môsê cho thấy thói quen xưa kia xem việc ly dị là hợp pháp (x. Đnl 24,1). Luật pháp Israel (bắt nguồn từ Môsê?). Chỉ nhân đạo hóa chút ít tập tục này bằng cách buộc người chồng phải trao cho người vợ mà ông ta ly dị một tờ giấy xác nhận. Tuy nhiên Chúa Giêsu không phải là không biết rằng bởi vì theo chủ trương buông thả quá độ nên truyền thống Do Thái đã phạm tội thiên bị bênh vực cho riêng cánh đàn ông. Người đàn ông có thể rẫy vợ mình kể cả vì những lý do không đáng gì hết! Một câu trong sách Đệ nhị luật đã mở đường cho tất cả mọi sự lạm dụng: “Khi một người nam cưới vợ, nếu cô này chẳng được ơn trước mặt người chồng bởi người ấy thấy nơi nàng có điều gì tỳ vết, thì người ấy thảo một tờ giấy ly dị, trao vào tay cô ta và đuổi cô ta về lại nhà cha mẹ…” (Đnl 24,1). Sử gia Do Thái Flarius Joseph (thế kỷ I sau Công nguyên) xác nhận là phe Hillel đã dùng đoạn này trong Torah để ủng hộ quyền tự do ly dị của cánh đàn ông. “Kẻ nào muốn lỵ dị, vì bất cứ lý do gì (có vô số lý do mà đàn ông có thể nại ra) thì cứ viết ra một chứng thư xác nhận (Cổ văn Do Thái 4,8,23).

Ý thức được hiện có đủ lối cắt nghĩa về vấn đề này Chúa Giêsu liền bắt đầu cách phục hồi luật Môsê vào đúng mực độ của nó: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá nên ông Môsê mới viết điều răn đó” (c. 5). Chủ đề dân được chọn cứng lòng không nghe lời Chúa đầy dẫy trong luật sư. Các tiên tri đã không ngừng tố cáo tấn kịch này của Israel, một dân tộc luôn cố “chống lại ý Chúa”. Chính Chúa Giêsu cũng đã phàn nàn về “sự cứng lòng này” của đám biệt phái là những đại biểu ưu tú của dân (x. 3,5). Tuy nhiên, Chúa Giêsu dự tính xoáy sâu hơn vào tư tưởng Ngài. Cũng như trước đây khi đề cập đến luật Môsê về ngày Sabat (x. 2,23-28). Lần này Ngài cũng đi trở vượt qua truyền thống Do Thái để trở về với ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa (c. 6). Chúa Giêsu đi trở ngược dòng thời gian: khá lâu trước thời kỷ Đệ nhị luật, sách Sáng thế mà Ngài trưng dẫn (St 1,27) đã trình bày sự kết hợp nam nữ như là nền tảng vững chắc để xây dựng cộng đoàn nhân lọai chứ không phải để phá hủy. Được tạo dựng theo hai phái tính nam, nữ nên cả đàn ông lẫn đàn bà “đều là hình ảnh của Thiên Chúa”. Sự cao cả của việc hô kết hợp với nhau là ở đó. Chúa Giêsu đưa ra yêu muốn Đấng Tạo Hóa về sự kết hợp này: “Vì thế… cả hai sẽ thành một xương thịt” (c. 7-8). Quy chiếu này rõ ràng ám chỉ trình thuật thứ hai về cuốn tạo dựng (St 2,24). Bản văn này rất súc tích. Người nam và người nữ được kêu gọi xây dựng nên một tế bào gia đình độc lập. Sự kết hợp giữa họ tạo thành một đơn vị nền tảng, phát sinh do sợi dây tình yêu và tình dục. Được xây dựng trên ý định của Thiên Chúa nên đơn vị nguyên sơ này là một thực thể cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều đó: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phố hợp, loài người không được phân ly!” (c. 9).

 

Như vậy, Chúa Giêsu đã đưa ra một tầm nhìn cao vời bất ngờ cho câu hỏi trên. Như sau này thánh Gioan nhận thức, nơi đây quả có một vị tiên tri còn cao cả hơn Môsê, nhà lập luận của dân riêng Chúa (Ga 1,17). Với quyền năng Thiên Chúa tràn đầy, Đức Mêsia đã đến phục hồi vũ trụ vào đúng trật tự Đấng Tạo Hóa muốn. Nếu có tham gia vào cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các bậc khôn ngoan (các giáo sĩ ưu tú lúc bấy giờ) Chúa Giêsu cũng không để mình bị rơi vào bẫy của các nhà luật học Do Thái cũng như vào chủ nghĩa vị luật của họ. Ngài xác nhận mạnh mẽ ý nghĩa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho mối dây liên kết hôn nhân. Con đường Ngài mở ra mang tính cách đòi hỏi hơn các quan điểm nhân loại rất nhiều. Sự nghiêm khắc của con đường ấy không ngừng hạch sách các bạn hữu thân tình của Ngài. Như thường lệ, chính các môn đệ cũng ngỡ ngàng về lời dạy khắt khe của Thầy mình. Họ lợi dụng đám Biệt Phái rút lui để hỏi riêng Chúa Giêsu tại nhà (c. 10). Người ta có thể nghĩ rằng họ đai diện cho cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đang đương đầu với vấn đề ly dị nơi các thành viên của mình và đang tìm cách xác định tư tưởng của Chúa Giêsu về những trường hợp khó khăn, và Chúa Giêsu đã trở lại cho các môn đệ bằng một công thức đầy kinh ngạc (c. 11-12). Người ta có thể nêu ra hai nhận xét. Thứ nhất, ở đây liên quan đến việc tái hôn của những người đã ly dị, chứ không phải là một sự ly thân. Tình trạng này bị xem là “ngoại tình”. Đây là từ ngữ nghiêm khắc được các tiên tri dùng để bêu riếu Israel về việc họ “tương giao” với Thiên Chúa (x. Hs 1-3). Thứ hai là các từ ngữ được dùng cho thấy đàn bà cũng có quyền ly dị giống như đàn ông. Vào thời Chúa Giêsu, trường hợp này không hề có Thầy luật pháp Do Thái. Điều này cho thấy trường hợp này phát xuất từ luật Rôma. Khi soạn Phúc Âm cho các Kitô hữu đến từ gốc ngoại giáo, hẳn Maccô đã phải để ý đến các luật lệ Rôma.

 

Hai nhận xét trên đủ cho thấy rõ tư tưởng vững chắc của Chúa Giêsu về đề ly dị đã được Giáo Hội sơ khai áp dụng vào những tình cảnh mới. Vì thế không ngạc nhiên gì khi tư tưởng ấy vẫn còn áp dụng mãi đến ngày hôm nay. Giáo Hội luôn luôn phải đương đầu với những trường hợp hôn nhân bị “đứt đoạn” và vấn đề tái hôn. Dù sao trong tất cả những trường hợp này, người ta hãy nhớ rằng tư tưởng của Chúa Giêsu không xây dựng trên quan điểm “vị luật”, và Ngài luôn luôn rộng mở đón nhận những kẻ bị khai trừ và những người tội lỗi (x. 2,15-17).

 

CHÚA GIÊSU VÀ CÁC TRẺ EM (10,13-16).

Giữa lúc Chúa Giêsu đang dạy dỗ về phương cách để trở thành môn đệ Ngài (từ 8,34) thì Maccô lại lồng vào quang cảnh ngắn gọn sống động đầy tươi mát này: Chúa Giêsu tiếp đón các trẻ em. Trước đây, Chúa Giêsu đã từng biểu lộ quan tâm của Ngài đối với thế giới trẻ em (9,35-37). Để được đầu với những cao vọng nhóm Mười Hai, lúc đó Ngài đã tự xem mình là tôi tớ cho tất cả mọi người. Ở đây sứ điệp này được lặp lại với trọng điểm nơi khác một tí. Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết trẻ em là gương mẫu trong một trong việc tiếp nhận Nước Thiên Chúa.

 

Người ta mang trẻ em tới cho Ngài để được Ngài chạm vào chúng (c. 13a). không ghi rõ tuổi tác nhưng đây chắc chắn không phải là những đứa bé xíu. Từ ngữ Hy Lạp được dùng ở đây ám chỉ lứa tuổi từ 7-14. Cũng không thấy xác định rõ lý do tại sao “người ta” muốn Ngài chạm vào đứa trẻ em này. Thực sự rất nhiều lần chúng ta đã thấy nhiều người, nhất là các bệnh nhân chen nhau đến với Chúa Giêsu để chạm được vào vị lương y này (2,10; 5,25-28). Tuy nhiên các trẻ em này không phải là những bệnh nhân. Phải chăng những kẻ mang chúng đến với Chúa Giêsu chỉ muốn Ngài ban cho chúng một cử chỉ chở che?

Người ta rất cảm thấy chướng trước thái độ rõ ràng thù nghịch của các môn đệ (c.13b). Đây là một cử chỉ xua đuổi mạnh mẽ. Tại sao vậy? Vào thời Chúa Giêsu, người lớn thường có thái độ khinh thường trẻ em. Lũ trẻ lóc nhóc, hay đòi ăn này chẳng được xem trọng trong một thế giới đói nghèo. Thêm vào đó, đám trẻ thuộc cộng đoàn Do Thái này lại chưa biết gì đến lề luật Môsê nữa chứ. Cho nên người ta xem chúng như những kẻ “sống ngoài lề luật”. Chúng bị liệt vào hàng “bị khai trừ” giống như các bệnh nhân, phụ nữ và nô lệ v.v… Sự khinh bỉ mà các bạn thân của Chúa Giêsu biểu lộ đối với đám trẻ em làm Ngài xúc động mạnh: “Thấy thế, Ngài bực mình” (c.14a). Maccô từng nêu lên tia nhìn giận dữ của Chúa Giêsu (3,5) tuy nhiên chưa bao giờ ông tỏ cho chúng ta biết lý do sâu xa Ngài tức giận. Còn bây giờ thì lý do đã rõ (c.14b): đám trẻ em, cũng như những kẻ bị “khai trừ” khác, vẫn có chỗ trong Vương Quốc của Chúa Giêsu.

 

Cùng với Chúa Giêsu, Vương Quốc Thiên Chúa đã đến: đó là một trong những đề tài nổi bật được Chúa Giêsu ưa thích nhất trong lời công bố của Ngài (x.1,14-15). Giờ đây Ngài chỉ rõ đám trẻ em và “những kẻ giống như chúng” là những người được nhận lãnh Vương Quốc này. Tại sao vậy? Chúa Giêsu thường dùng lời nói tán dương “tinh thần của trẻ em”. Hẳn người ta đã nói nhiều đến sự ngây thơ vô tội của trẻ em. Người ta đã biến chúng thành kiểu mẫu luân lý mặc dù vẫn không phải luôn luôn cảnh giác được chiếc bẫy mà những kẻ trưởng thành khờ khệch thường hay rơi vào đó là một thứ “ấu trĩ chủ nghĩa” nào đó. Khoa học hiện đại, đặc biệt là khoa tâm lý chiến đấu đã cho thấy một cái nhìn bớt thơ mộng hơn về trẻ em. Một nhà thông thái như Frend chẳng hạn còn dám nói trẻ em là một thứ “tà vạy đa hình”: một sinh vật tàng ẩn, dưới dạng mầm non, mọi xấu xa của người lớn.

Vì thế không nên lý tưởng hóa việc Chúa Giêsu tiếp đón trẻ em. Nếu Chúa lấy trẻ em làm gương cho những người lớn bắt chước là bởi vì theo não trạng thời đó, trẻ em là những kẻ bé nhỏ, nghèo nàn và bị khai trừ. Chúng ta hãy đọc lại: vào thời Chúa Giêsu trẻ em trước hết là một “kẻ nghèo” bởi chúng hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, đồng thời chúng cũng tỏ ra rất có khả năng lắng nghe và tin cậy, điều này những người lớn hầu như đã đánh mất! Chính thái độ sẵn sàng nơi trẻ em đã biến chúng thành tấm gương cho các tín hữu. Chúa Giêsu đã long trọng quả quyết điều này (c.15). Người ta nhận thấy rõ đây là nỗi ưu tư mà Chúa Giêsu không ngừng điều chỉnh cho tầm nhìn của các môn đệ bởi vì họ là những kẻ Ngài đang huấn luyện để đảm nhận trách nhiệm trong Giáo Hội. Họ phải bỏ đi những tham vọng “làm cha làm chú” (9,33-34) và phải trở nên “bé nhỏ” để có thể đón nhận Vương Quốc Thiên Chúa với lòng khiêm nhu và cởi mở tối đa.

 

Đoạn cuối trình thuật dễ thương này cho thấy Chúa Giêsu đã chuyển từ lời nói qua hành động. Ngài ôm đám trẻ và chúc lành cho chúng (c.16). Việc Chúa Giêsu trìu mến đám trẻ em – ít được yêu thương và thường bị ruồng bỏ này – mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Theo Thánh Kinh cử chỉ “chúc lành” các giáo sĩ Do Thái thường làm, ám chỉ việc hiệp thông nhờ hành vi ban ân sủng của Thiên Chúa. Ở đây có nghĩa là Chúa Giêsu mở rộng Nước Thiên Chúa cho đám trẻ em.

 

Mọi cử động trong quang cảnh trên hé mở cho thấy những gì đang xảy ra trong Giáo Hội của Maccô. Một số môn đệ nắm giữ quyền hành, chắc chắn đang bị cám dỗ muốn “ngăn cấm” không cho những kẻ bé nhỏ, nghèo khó, bị khai trừ, gia nhập vào đời sống của cộng đoàn. Tác giả Phúc Âm đặt lại trước mắt các vị ấy cử chỉ tiên tri của Chúa Giêsu: với tư cách là tôi tớ mọi người, Chúa Giêsu muốn người ta để cho những kẻ bị thế gian khinh dể “đến với Ngài”; và không chừng những kẻ này lại được mời gọi vào sống thân mật với Thiên Chúa… trước tiên đấy!


19. Chú giải của Noel Quesson.

Đàn ông và đàn bà! Tại sao trai và Gái! Tại sao? Tính dục? Tại sao? Ai tình, khoái lạc, âu yếm, hôn nhân. Tại sao?

 

Tại sao cả thế giới sống động: thực vật, thú vật hay con người, đều được tạo ra theo “mẫu” này? Tại sao sinh vật phải gồm có hai “giống”, chia ra làm hai phần “đực và cái” khác nhau, nhưng được tạo ra “cho nhau”. Tư tưởng con người không ngớt giao động về vấn đề này giữa phái Janséniste, và những người mệnh danh là lạc quan phóng khoáng, loại người đòi được tự do tình dục và ca tụng lạc thú như mục đích của con người.

 

Luân lý Kitô giáo trong những thế kỷ vừa qua, đã quá thổi phồng mặc cảm tội lỗi quanh vấn đề “Thanh sạch ” và “không Thanh sạch”.

 

Tâm trạng con người hiện nay có khuynh hướng từ bỏ mọi khuôn mẫu và ca ngợi sự phóng khoáng: “Hãy làm điều bạn muốn làm, hãy làm những gì vừa ý bạn”.

 

Đức Giêsu nghĩ gì về vấn đề này?

Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”.

Đó là câu hỏi đầy ác ý. Họ đặt ra để bắt bí Đức Giêsu, một câu hỏi nhằm gài bẫy. Dù Chúa có trả lời như thế nào đi nữa, thì Người cũng phải lãnh chịu một phần công luận, vì đây là vấn đề nóng bỏng và chạm đến những gì thâm sâu nhất của con người. Không ai có thể trung lập trước câu hỏi, vì phải chấp nhận tình trạng này hay tình trạng kia một cách cụ thể. Những vết thương lòng rất khó lành. Câu hỏi do người Pharisêu nêu lên là đáng ngạc nhiên, vì giải đáp đã do luật đưa ra rồi. “Một người nào lấy vợ và đã cưới hỏi rồi, nếu xảy ra là vợ không được vừa mắt chồng nữa, vì chồng gặp thấy nơi nó có điều gì thô bỉ, vậy chồng đã viết cho nó lá thư, mà trao tay nó và đã thải hồi khỏi nhà mình” (Đnl 24).

 

Câu trả lời của luật pháp thật là rõ ràng: Sự ly dị là hoàn toàn hợp luật, vào thời Đức Giêsu, cũng như thời nay. Chúng ta cũng ngạc nhiên về sự giống nhau giữa những tình huống của các Kitô hữu đầu tiên và tình huống ngày nay mà chúng ta biết: Trong hầu hết các nước trên thế giới đều có luật chấp nhận ly dị và tái giá.

 

Người đáp: “Thế ông Môsê đã răn dạy các ông điều gì? Họ trả lời ông Môsê đã cho phép viết chứng thư ly dị mà rẫy vợ”.

Trả lời như thế thật là đẹp đẽ để giúp ta giữ thái độ khiêm nhường trước- những câu hỏi khó khăn. Những kiểu chú giải Kinh thánh “mang tính truyền thống” (nghĩa là chủ trương phải hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen từng chữ một) thực sự chỉ đạt đến những điều ngây ngô và trẻ con. Hiển nhiên là mạc khải luôn tiệm tiến, và luân lý, giáo huấn cũng tiến bộ theo thời đại. Môsê, phần lớn chỉ lấy lại “luật theo tục lệ” của thời ông, mà thời đó chế độ đa thê và ly dị đã nằm trong truyền thống có cơ sở vững chắc. Vì không thể làm hơn được, ông đã cố sửa chữa những sở thích tùy tiện, bằng cách “hợp thức hóa”, “quy định” và thiết lập một; “thủ tục”. Ong muốn giới hạn sự ác bằng cách buộc phải theo thủ tục rõ ràng. Nhưng cũng như mọi luật lệ, luật này có thể được áp dụng rộng rãi hay là ngược lại: Có hai cách giải thích đối nghịch nhau vào thời Đức Giêsu. Thực vậy vấn đề là giải thích chữ “việc làm gây đụng chạm nặng” trong điều luật mà theo ý của Rabbi Shammai, phải hiểu từ này ám chỉ một tình trạng “vô luân trầm trọng” mà thôi, như thái độ ngoại tình. Trong khi trường phái kém khắt khe hơn của Rabbi Hillel đã hiểu rộng hơn, như đã lỡ để mất một bữa ăn bị cháy khét (Mischna Gittin IX 10).

 

Qua thí dụ này, chúng ta có thể kết luận rằng: “Tất cả những gì hợp pháp, không hẳn là hợp luân lý”. Người Kitô hữu sống trong một thế giới đa dạng. Họ phải đủ sức chịu động để sống theo lương tâm của mình, dù điều đó có thể đưa tới một thái độ anh hùng theo Tin Mừng nào đó, đi ngược lại đa số. Nhưng nói cho cùng, đa số những đòi hỏi của Tin Mừng không yêu cầu chúng ta làm như thế cả sao? Thái độ bất bạo động không phải là một sự điên rồ sao? Tha thứ vô điều kiện, không phải là một lệch lạc sao? Tự nguyện sống nghèo không phải là một điều không tưởng sao? Chính trong bối cảnh ly dị trở thành hợp pháp như thế, mà Đức Kitô sắp bày tỏ lập trường đối với thời đại của mình.

 

Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn ấy”.

Lần này, đáng lẽ Người ta không nên dịch từ Hy Lạp “Sclérocardia” mà nên chuyển từ này sang tiếng Pháp thì mọi người sẽ hiểu: “Vì chứng bệnh “sơ cứng tim” của các người, mà Môsê đã cho phép ly dị”. Đây là một chứng bệnh tim rất phổ biến, sự chai cứng của quả tim, sự cứng lòng. Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết thực sự yêu thương Người kia (người phối ngẫu). Có một áp lực xã hội rất mạnh (hãy làm như mọi người). Ngày nay cũng như thời xưa, thúc đẩy chúng ta chỉ cần những mối “tương quan lực lượng”. Thí dụ; Thống kê chứng minh rằng ba phần tư những trường hợp ly dị trong năm năm đầu của cuộc hôn nhân xảy ra đối với những đôi vợ chồng đã ăn ở với nhau trước khi cưới. Khước từ “hôn nhân”, khước từ “những tiêu chuẩn xã hội”, không phải là bằng chứng của sự trưởng thành! Sống chung, ăn ở với nhau mà không làm đám cưới, thực ra điều đó có nghĩa gì? ‘Không phải đó là giữ cảm tình ở một mức thiếu niên, và làm cho nó không vượt khỏi trình độ sơ đẳng sao? Không phải đó là giữ một lối thoát. Khước từ dấn thân thể sự, không “tự trao hiến” có nguy cơ cứ ở mãi trong tương quan thống trị giữa hai Người phối ngẫu sao? Tôi luôn phải làm chủ! Tôi phải tỏ ra tự do!

 

Coi chừng bệnh “chai tim” của bạn đó, Đức Giêsu đã cảnh giác như thế. Có cái gì đang núp ẩn dưới vẻ thân mật tự chủ, tự do? Tình yêu cho người kia, hay là tình yêu của tình bạn?

 

Còn thuở ban đầu, lúc tạo thành vạn vật, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ.

Luật căn bản của lứa đôi cần phải kiếm tìm, luôn nằm trong lãnh vực đó: Sự bổ túc của hai phái tính là một “sáng tạo”, một “Thánh ý” của Thiên Chúa, được ghi khắc trong bản chất thâm sâu của người nam và người nữ.

 

Một lần nữa, Đức Giêsu không diễn tả bằng những từ luân lý được phép và bị cấm dù trên thực tế những điều này dẫn đến những thái độ rõ ràng. Người đưa ra một lý tưởng. Chúng ta không thể coi việc áp dụng luật là đủ. Đối với Đức Giêsu, cần phải có chiêm ngưỡng “dự án của Chúa về người nam và người nữ”.

 

Trước những quan điểm xã hội, những luồng tư tưởng khác nhau, những chủ truơng “làm như mọi người”, chúng ta quan niệm thế nào về tình yêu hôn nhân? Có phải quan niệm như một minh tinh điện ảnh nào đó? Như trong một bài hát nào đó trên máy thu thanh, dành cho những người bình dân? Đức Giêsu nói.. Hãy coi chừng! Trước tất cả những điều này, Thiên Chúa đã có một quan niệm về tình yêu và đã diễn tả quan niệm này trong sự sáng tạo của Người.

 

Vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.

Như vậy, Đức Giêsu đã tham chiếu bản văn sách Sáng Thế mà chúng ta đọc trong bài đọc một hôm nay. Chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết những kỳ diệu trong lời khẳng định phi thường của Sách Thánh: “Chúng ta hãy tạo con người theo hình ảnh của chúng ta, theo họa ảnh của chúng ta”. Và Thiên Chúa đã tạo con người theo hình ảnh của Người, theo hình của Thiên Chúa, Người đã tạo ra con người nam và nữ (St 1,26-27). Không phải tình cờ mà bản văn Kinh thánh đã chuyển từ số ít ra số nhiều. Thiên Chúa là một trong ba ngôi, đã tạo nhân loại theo hình ảnh của Người, “nhiều” mà chỉ là “một”. Từ nhiều người, khác nhau sâu xa, làm nên một. Đó là nguồn gốc của sự hiệp nhất trên thế gian, ngay từ lúc đầu cuộc sáng tạo.

 

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con vinh quang của Chúa. Chúa đã tạo người nam và người nữ theo hình ảnh của Chúa. Oi, một giao ước mầu nhiệm thay! Lạy Chúa, là tình yêu chia sẻ, xin cho dân của Người nghị lực yêu thương.

 

Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Chỉ có Thiên Chúa sống động trong ta, mới có thể làm được những gì mà chúng ta coi như bất lực. Bí tích hôn phối đúng là một hồng ân, một quà tặng nhưng không, để chữa bệnh con người không biết yêu thương như Thiên Chúa của giao ước hằng thương yêu. Sự bất khả phân ly của hôn nhân như Đức Giêsu đã tuyên bố, đi ngược lại chuẩn mực thông thường của chúng ta, không thể trở nên dịp cho chúng ta xét đoán hay lên án những gia đình gặp khó khăn: Chúa Kitô không kêu gọi chúng ta làm việc đó! Sự bất khả phân ly là lời thề hứa sâu sắc nhất của tình yêu.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cảm tạ Chúa đã nói lại điều đó cho chúng con, dù đó là điều khó sống theo, nhưng nhờ sự thương khó và thập giá Chúa, xin cứu giúp tình yêu chúng con. Xin làm cho chúng con biết yêu thương như Chúa.

 

Ai rẫy vợ mà lấy người khác, là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình.

Sự đối xung hoàn hảo của hai kiểu nói song hành này, rất có ý nghĩa.

 

Đối với Đức Giêsu, sự hỗ tướng cần trọn vẹn: Người nam và Người nữ đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Trong thế giới mà các tương quan thống trị đang thắng thế như hiện nay, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta phải biết yêu thương người phối ngẫu. Và Người cho chúng ta “sức mạnh” để yêu thương như thế, dù có gặp khó khăn.

 

Sự hiệp nhất đời sống lứa đôi là do Chúa muốn, không phải chỉ từ “lúc đầu”, không phải “một thiên đường đã mất” trong quá khứ. Đây là đường đi hằng ngày mà nơi đó “Thiên đàng đã tìm lại” đang xây dựng, nơi cuối cùng chúng ta sẽ trở nên hình ảnh của Thiên Chúa “Ba” mà là “Một”.


20. Chú giải của Fiches Dominicales.

HỌ CHỈ LÀ MỘT XƯƠNG MỘT THỊT

 

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1) Từ cuộc tranh luận “khi đi đường”

Đã hai lần (và sẽ còn một lần thứ ba nữa) Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu khổ nạn và chịu chết, Người tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan.

 

B.Standaert nhận xét như sau: “Việc Maccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ: Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích luật này luật nọ trong Kinh Thánh, ông- nhìn nhận chỉ có một nền tảng duy nhất cho đời sống luân lý Kitô giáo là việc noi gương Đức Kitô. Những trình thuật quan trọng loan báo số phận của Con người thật ra không gì là khích lệ, nhưng chính từ đinh mệnh Đức Kitô, ta sẽ hiểu được những đòi hỏi thực tế của Kitô giáo. Do đó, ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống đó có những đòi hỏi quyết liệt, không khoan nhượng”. Ông nhận xét tiếp: “Theo Maccô trình bày, noi gương Đức Kitô là chìa khoá của tất cả đời sống luân lý. Sự tương cận giữa đời sống Đức Giêsu và đời sống người Kitô hữu mà Maccô đề ra vẫn là gương mẫu cho nỗ lực tìm hiểu đời sống Kitô giáo. Maccô mời gọi ta suy nghĩ lại cả những thực hành, hoạt động, bi kịch và ước vọng của ta dưới ánh sáng duy nhất của tấn thảm kịch mà Đức Giêsu đã trải qua: “bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại” (9. 31) (“L’evangile selon Marc”, Cerf, trang 78-79 và 81).

 

Có lẽ ở Giuđê, nơi dân cư là người Do thái sống chung quanh thủ đô Giêrusalem, Đức Giêsu chạm trán với nhóm Pharisêu. Nhóm này muốn thử thách Người nên đặt vấn nạn về vấn đề ly hôn: “Chồng có được phép rẫy vợ không?” Vào thời đó, việc chồng rẫy vợ trên nguyên tắc được mọi người chấp thuận. Sách Đệ Nhị luật 24,1 có viết: “Nếu một người đàn ông đă lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”? Người ta chỉ bất đồng ý kiến về lý do mà người đàn ông viện ra để rẫy bỏ vợ mình.

]  Phái bảo thủ, muốn bênh vực quyền lợi cho người đàn bà trong xã hội do đàn ông thống trị, (môn phái Shammai) chỉ nhận duy nhất một lý do là hợp pháp: đó là thói lăng loàn bất trị của người vợ, hoặc một hành động khiến có thể nghi ngờ lòng chung thuỷ của nàng.

] vì lý do nào, thí dụ như vô sinh, hiếm muộn, gặp được người đàn bà khác mình thích hơn, hoặc chỉ vì nấu ăn dở.

 

Nhóm Pharisêu tự hỏi xem Đức Giêsu sẽ gia nhập phái nào? Nhưng họ cũng biết quá rõ, cho dầu chọn môn phái nào, Người cũng bị sập bẫy. Vì người ta sẽ chụp mũ Người là “cứng cỏi” hoặc là “buông thả” đối với Lề Luật thánh, và như vậy, không ai còn tin giáo huấn của Người.

 

Nhưng Đức Giêsu không rơi vào cạm bẫy của họ. Người trả lời bằng một câu hỏi: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? Khi dùng từ truyền dạy, Người buộc những người chất vấn phải nhìn nhận công khai, đó không phải “một lệnh truyền” của Môsê, mà chỉ là một nhân nhượng vì lý do nhân đạo. Họ thú nhận: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.

 

Bấy giờ, Đức Giêsu nại đến một quyền lực cao trọng hơn quyền lực của Môsê trong việc cắt nghĩa Lề luật. Như những lần tranh luận về ngày Sabát, ở đây, Đức Giêsu cũng nại đến ý Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế người đàn ông sẽ “lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Việc rẫy vợ, dù rằng có trao tờ ly hôn chỉ là một nhân nhượng, nó không huỷ bỏ ý muốn ban đầu của Thiên Chúa, và tính cách vĩnh viễn của hôn ước. “Vì thế họ sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

 

  1. Hervieux giải thích: “Ra đời trước sách Đệ nhị luật rất lâu, sách Sáng Thế mà Chúa trích dẫn, đã trình bày sự phối hợp người nam người nữ như nền tảng vững chắc, trên đó nhân loại được xây dựng chớ không bị hủy diệt. Con người được tạo dựng có nam có nữ nên cả hai phái tính đàn ông và phụ nữ đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Sự cao quí của việc kết hợp nam nữ là ở đó. Đức Giêsu rút ra kết luận mà Đấng Tạo Dựng mong muốn: “Vì lý do cả hai thành một xương một thịt”. Lời lẽ thật hết sức rõ rệt. Đàn ông và phụ nữ ơn gọi làm nên một tế bào gia đình tự lập. Đôi uyên ương họ tạo lập trở nên một đơn vị nền tảng, phát xuất do mối tương quan tình yêu và giới tính. Cái đơn vị hàng đầu này, được tạo lập do ý định của Thiên Chúa, là một thực thể cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đức Giêsu cương quyết nhắc nhủ điều đó “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (“L’evangile de Marc”, Centurion, trang 141-142).

 

2) Đến cuộc chuyện vãn thân mật “ở nhà”.

Thay vì bị mắc vào âm mưu của các luật sĩ, Đức Giêsu cương quyết tái xác định ý nghĩa sự phối hợp hôn nhân do Thiên Chúa sắp đặt tự nguyên thuỷ; Người không làm luật, Người chỉ đề nghị một thái độ đạo đức cơ bản: đó là đặt mình vào kế hoạch của Đấng tạo thành. Người mở ra con đường khắt khe hơn quan điểm thường tình của người phàm. Cũng thế, vừa khi trở về nhà, (nơi biểu trưng cho những giáo huấn mà Đức Giêsu dạy dỗ riêng các môn đệ) các môn đệ thay thế cho nhóm Pharisêu đặt câu hỏi: Và Đức Giêsu trả lời họ: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác, là phạm tội ngoại tình, đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác cũng phạm tội ngoại tình”.

 

Ta thấy, khi chuyển lời Chúa đến địa chỉ mới là những Kitô hữu gốc ngoại giáo, thuộc thế giới Hy-lạp, nơi mà luật pháp cho phép phụ nữ cũng như đàn ông được quyền tự ý ly dị, Maccô cũng để ý đến hoàn cảnh đặc biệt này. Ông lần lượt nêu ra trường hợp người chồng, rồi người vợ, lìa bỏ người bạn đời của mình; dù cho phía nào gây ra cuộc phân ly cũng sẽ có “ngoại tình” nếu đi lấy người khác, nghĩa là nếu kéo theo cuộc phối hợp khác.

 

J.Hervieux nhận xét: “ý kiến cứng rắn của Đức Giêsu về vấn đề ly dị được áp dụng cho Giáo Hội sơ khai trong bồi cảnh mới mẻ. Đem áp dụng cho Giáo Hội hôm nay cũng không là điều đáng ngạc nhiên. Giáo Hội luôn phải đối mặt với những trường kết hợp vợ chồng bị đổ vỡ rồi tái tạo. Dù sao đi nữa, ta phải luôn nhớ rằng ý kiến của Đức Giêsu không dựa trên quan điểm “ duy luật” và Người luôn dang rộng tay đón tiếp những người bị khai trừ và những kẻ tôi lỗi” (Sđd, trang 142).

 

Tiếp ngay sau giáo huấn này, là việc một số cha mẹ dẫn con họ đến với Đức Giêsu để “Người đặt tay trên chúng” và họ chạm phải phản ứng thô bạo của các môn đệ: các ông thẳng tay đuổi chúng.

 

Ta dễ hiểu phản ứng của các môn đệ, nếu ta nhớ rằng vào Đức Giêsu. Trẻ nhỏ thường bị người lớn khinh thường. Tất cả những chú nhóc chen chúc nhau trong cộng đồng Do thái đều mù tịt về luật Môsê, chúng bị liệt vào hạng “bị khai trừ”, như bệnh nhân, phụ nữ và nô lệ.

 

Bực tức trước thái độ như thế, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để dạy về thái độ tinh thần mà người môn đệ của Nước Trời phải có: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. “Nếu Vị Tôn Sư nêu trẻ nhỏ ra làm gương mẫu cho người lớn bắt chước, chính là theo quan niệm của thời đó, vì chúng nhỏ bé, nghèo khó, bị khai trừ. Như đã nói, vào thời Đức Giêsu, trẻ nhỏ là “người nghèo”: chỉ là một sinh vật hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Nhưng trẻ nhỏ cũng là dấu chỉ sống động cho khả năng biết lắng nghe và tin tưởng. Chính khả năng dễ hoà nhập của trẻ nhỏ là một tấm gương cho các tín hữu. Đức Giêsu long trọng quả quyết điều đó(câu 15). Bởi vậy, ta nhận ra rằng Đức Giêsu luôn lo lắng để uốn nắn cái nhìn của các môn-đệ, mà Người đang đào tạo để trở thành những người lãnh trách nhiệm trong Hội Thánh. Họ cần phải bỏ tính tự cao tự đại (9,33-34), phải trở nên nhỏ bé để đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn khiêm nhượng và rộng mở ” (Sđd trang 142).

 

BÀI ĐỌC THÊM.

1) Do bản tính yếu đuối của con người.

“Do bản tính yếu đuối của con người” đó là câu nói cửa miệng để biện minh cho luật lệ và quy chế. Không có nó, con người sẽ đi về đâu? Có lẽ xã hội sẽ do những người mạnh nhất, hoặc những kẻ xấu nhất thống trị. Luật lệ là điều cần thiết dù ở thời đại nào, hay trong nền văn minh nào cũng vậy. Đó là lời thú nhận về những giới hạn của thân phận con người.

 

Trả lời cho nhóm Pharisêu có ý gây hấn và đầy ác tâm, Đức Giêsu vạch một luống cày để gieo hạt giống cho sự sống vĩnh cửu. “Chính vì lòng chai dạ đá của các ông mà Môsê đã ban hành luật như thế, kể cả luật hôn nhân, để các ông khỏi chìm xuống sâu hơn, đúng hơn để các ông giữ được độ cao và biết đâu, các ông có thể sẽ muốn vươn lên cao hơn”.

 

Một cái nhìn đầy tin tưởng đối với nhân loại! Người không lợi dụng điểm yếu của họ. Người khơi dậy điều tốt nhất nơi họ, điều làm cho một tạo vật nên giống hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, tức lương tri và trí tuệ mở rộng vô biên đến tận cõi trời vĩnh phúc.

 

Như vậy, Đức Giêsu dẫn đối thủ của Ngài về với ý định đầu tiên mà cũng là cuối cùng của Thiên Chúa, đó là con người sống hoà hợp với nhau và với vũ trụ. Thiên đường tại thế và Nước Trời. Giữa hai thế giới ấy, những yếu đuối của con người đọc coi là “sự cứng cỏi của con tim”, là trái tim từ chối đập theo nhịp của Thiên Chúa. Là từ chối hoạt động cho sự hòa hợp trong vũ trụ theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo”.

 

2) Những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân: đường lối khả thi để xây dựng cuộc sống gia đình.

Để xem xét mục vụ về bí tích Hôn nhân, chúng ta phơi thực quan tâm đến những điều kiện thực tế hiện nay của đời sống lứa đôi: cuộc sống tạm bợ, bấp bênh về tương lai, bất ổn về đời sống lứa đôi không ngừng gia tăng, đổi thay của thân phận phụ nữ, những vấn đề do việc điều hoà sinh sản đặt ra. Khi để ý đến những điều kiện này, ta có thể trình bày những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân như một đường lối khả thi để xây dựng đời sống lứa đôi và gia đình. Một đường lối khả thi, nghĩa là đi theo nó, đôi vợ chồng không bị bỏ rơi nhưng, nhờ sự nâng đỡ của một nhóm hay một cộng đoàn Kitô hữu, chính họ được mời gọi để hiểu rằng Lời Đức Kitô dạy về tình yêu nhân loại đáp ứng được điều sâu thẳm nhất mà cũng mỏng giòn nhất nơi con người”.

Pin It

Gửi phản hồi