Công lý bịt mắt và “quan luôn thắng dân” GDVN) – Một khi thẩm phán vừa xét xử, vừa phải chú ý nghe tiếng chu

Công lý bịt mắt và “quan luôn thắng dân”

GDVN) – Một khi thẩm phán vừa xét xử, vừa phải chú ý nghe tiếng chuông điện thoại thì công lý sẽ trở nên mù lòa mà không cần đến dải khăn che mắt.

Câu nói nổi tiếng của  St. Augustine, triết gia thời trung cổ: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?

Câu nói đó được nhiều học giả viện dẫn khi phân tích quyền bình đẳng mà tạo hóa ban cho con người và sự bất công trong xã hội hiện đại khi giai cấp thống trị sử dụng luật pháp như là công cụ bạo lực đàn áp giai cấp bị trị.

Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Xuân Tùng trong bài viết “Yêu công lý: Phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ tư pháp Việt Nam” đăng ngày 09/07/2012 trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp cũng đã trích dẫn câu nói nổi tiếng này. [1]

Tính chân lý trong câu nói của St. Augustine đưa người ta đến một lý giải, rằng trong những nhà nước mà công lý không được thực thi thì tất yếu sẽ có “một bộ phận” quan chức tự biến mình thành kẻ cướp trong băng cướp có tổ chức. 

Thần thoại Hy Lạp và La mã cổ đại xây dựng hình tượng thần Công lý là một phụ nữ một tay cầm kiếm, tay kia cầm cân. 

Sau này (vào khoảng thế kỷ 16) các nhà hội họa, điêu khắc mới sáng tạo thêm dải khăn bịt mắt (đôi khi bịt cả tai) nữ thần với ngụ ý Công lý không chịu bất kỳ tác động nào từ bên ngoài, chiếc cân tượng trưng sự công bằng cho mọi người, thanh gươm tượng trưng cho quyền uy của công lý, cái ác sẽ bị trừng phạt.

Đa số tượng thần Công lý châu Âu, tay phải cầm gươm, tay trái cầm cân, ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản thì tay phải cầm cân, tay trái cầm gươm. 

Tượng thần Công lý

Nói đến công lý, gần đây có ba sự kiện thu hút quan tâm của nhiều người: vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, vụ bị can Huỳnh Văn Nén được chính thức được tại ngoại sau 17 năm bị giam giữ vì bị buộc tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và vụ tử tù Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa buộc phải hoãn thi hành án tử.

Vụ Nguyễn Thanh Chấn  đưa đến một kết thúc là ngân sách phải bồi thường cho nạn nhân 7,2 tỷ đồng. Về vụ Huỳnh Văn Nén, báo Dân trí dẫn lời Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư Hà Nội: 

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy phần nào diễn biến tiếp theo qua quyết định trả tự do cho ông Huỳnh Văn Nén ở thời điểm này, có lẽ các cơ quan tiến hành tố tụng đã thấy rõ oan sai sau khi điều tra lại, nên đã trả tự do sớm cho ông Nén trước khi kết luận điều tra để tránh gây thiệt hại lớn”. 

Về vụ Lê Văn Mạnh, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc làm rõ việc tử tù Lê Văn Mạnh có bị oan hay không. 

Chiều 26/10, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định “vụ án Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa) bị tuyên tử hình về tội “giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em” sẽ được xem xét đúng quy định pháp luật, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”. [2]

Giàu, có tiền thì thoát tù, còn dân nghèo thì sao?

(GDVN) – Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề nghị tội phạm kinh tế nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ không bị phạt tù, nhưng bị rất nhiều Đại biểu Quốc hội phản đối.

Lê Văn Mạnh bị bắt giam ngày 20/4/2005, đến nay cũng đã hơn 10 năm. 

Các vụ án, cách xa nhau cả về địa lý và thời gian song lại có điểm chung, đều dựa vào lời “tự thú” của nghi phạm khi bị giam giữ mặc dù tại tòa họ đều phản cung, đều cho rằng bị ép buộc, mớm cung, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén còn tố cáo bị điều tra viên dùng nhục hình bức cung.

Có ý kiến cho rằng, án oan chủ yếu là do tòa xử, lỗi thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ dựa vào tài liệu điều tra và suy đoán có tội mà không căn cứ vào tranh tụng cũng như suy đoán vô tội.

Mặt khác dù có quyền tiến hành điều tra, tòa án vẫn chủ yếu dựa vào kết quả mà bên công tố cung cấp chứ không tiến hành điều tra lại. 

Sai lầm chủ tọa phiên tòa trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn dẫn đến vụ án mới mà thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm trở thành bị cáo. 

Ông Chiêm, cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Ngoài ông Chiêm, không thấy nói đến trách nhiệm của những người cùng tham gia phiên phúc thẩm của Tóa án tối cao trong vụ án này.

Việc khởi tố một mình ông Phạm Tuấn Chiêm khiến cho không ít người chưa tâm phục, khẩu phục. Trang Thuvienphapluat.vn ngày 11/10/2014 có bài: “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm”, bài viết có đoạn: 

Từ việc minh oan cho một người lại làm oan một người khác, xoá nhòa ranh giới kẻ phạm tội với người lương thiện thì đó là một thảm họa công lý”.

Xin không bàn chuyện ông Chiêm có tội hay vô tội, vấn đề cần bàn chính là tiêu đề của bài báo, có thật “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm?”.

Ví dụ gần đây nhất, ngày 12/8/2015 Tòa án nhân dân Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh xử sơ thẩm vụ án đánh bạc đã tuyên cho bị cáo được hưởng án treo dù bị cáo này đã có có tiền sự. 

Trả lời báo chí, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông này đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”. 

Ông Bùi Xuân Cần – Chánh án TAND Thị xã Hồng Lĩnh giải thích: “Vụ án này quá rõ ràng rồi, phải xử tù giam nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”. [3]

Đương nhiên rủi ro, nguy hiểm sẽ đến với các vị thẩm phán, cả người gọi điện và người nghe điện trong vụ án tại Hồng Lĩnh, chính họ đang tự tròng thòng lọng vào cổ mình.

Một khi thẩm phán vừa xét xử, vừa phải chú ý nghe tiếng chuông điện thoại thì công lý sẽ trở nên mù lòa mà không cần đến dải khăn che mắt.

Luật sư Trần Đình triển trình bày, Chủ tọa phiên tòa nghe điện thoại (ảnh: Báo Xây dựng)

Một thẩm phán, hễ nghe tiếng chuông điện thoại là giật mình, là chỉ biết vâng, dạ thì nguy hiểm và rủi ro với họ là điều không thể tránh khỏi kể cả khi họ đã rời xa quan trường. Xem thế để thấy, không đủ dũng khí và năng lực hãy đừng chọn nghề thẩm phán. 

Sự lựa chọn giữa thăng tiến bằng cách làm vừa lòng ai đó và trở thành tội nhân chốn công đường chỉ cách nhau… một cuộc điện thoại, một cuộc họp “liên ngành” nhằm “thống nhất quan điểm” về vụ án.  

Nếu hôm nay thẩm phán xét xử theo “lời khuyên” từ một chiếc điện thoại nào đó, lấy gì đảm bảo cho sinh mạng chính trị của họ khi chiếc điện thoại đó bị đập vỡ? Lấy gì đảm bảo rằng sẽ không có những chiếc Smartphone đời mới hơn, âm thanh to hơn sẽ lấn át âm thanh mà họ đã nghe được?

Năm 1925 Cụ Hồ viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chương 8 có tên là “Công lý”, tại đó Người viết: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm.

Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.

Đúng “Quy trình” và bỏ lọt tội phạm

(GDVN) – Một khi đã làm đúng quy trình thì người thực hiện công việc không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm, lỗi ở đây do “Quy trình” gây ra.

Chế độ thực dân, phong kiến bị xóa bỏ cho đến nay đã được 70 năm, chặng đường từ Hiến pháp đến công đường không phải là quá xa vời, vậy tại sao không ít người được trao trọng trách cầm cân nảy mực ngành Tư pháp, đặc biệt là một số thẩm phán ngày nay chỉ biết cầm kiếm mà không biết cầm cân? 

Tại sao những nhát kiếm oan nghiệt đa phần lại cứ nhằm vào những người nghèo “thấp cổ bé họng” như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…? 

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” Cụ Hồ viết: “Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người”. 

Ngày nay Đại biểu  Quốc hội Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã phải nói thẳng khi phát biểu  ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi tại Quốc hội sáng 27/10/2015: “Quan luôn thắng dân và không ít cán bộ thù lâu, nhớ dai”. [4]

Nếu các thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên tham gia quá trình tố tụng nhìn kỹ bức ảnh tượng thần Công lý trong bài viết này, hẳn họ sẽ phải nhận thấy tay phải của Thần nâng cao cán cân, còn thanh gươm bên tay trái chúc xuống đất. Sự công bằng phải được đặt trên sự trừng phạt.

Giúp cho “Quan luôn thắng Dân” như lời ông Chu Sơn Hà không ai khác hơn chính là những người tự vứt bỏ cán cân công lý bên tay phải, tự bịt mắt, bịt tai để rồi vung thanh gươm bên tay trái chém thẳng vào dân (chứ không phải vào quan).  

Một nền tư pháp minh bạch không thể chấp nhận kiểu cứ trả hồ sơ, cứ giam giữ nghi phạm mà không dám xét xử, không dám tuyên nghi phạm vô tội khi chứng cứ buộc tội không thuyết phục. Càng không thể chấp nhận quan điểm thà bỏ tù sai còn hơn bỏ lọt tội phạm. 

Trang Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đăng bài của GS-TS Lê Hồng Hạnh: “Làm thế nào để thẩm phán và tòa án độc lập trong thực thi công lý”.

Tác giả viết: “Một thẩm phán hiện nay nếu muốn bản án của mình không bị kháng nghị giám đốc thẩm, không đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ thực hiện thì không thể không tính tới những cáo buộc của kiểm sát viên.

Chính vì lý do này nên trong thực tế có khá nhiều vụ án trước khi được đưa ra xét xử phải qua thủ tục “họp trù bị” mà ở đó việc xác định tội danh, khung hình phạt hay các kết luận khác đã được thống nhất”.

Câu chuyện vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở TP.Hồ Chí Minh mà nhiều cơ quan báo chí phản ánh gần đây cho thấy bị cáo đã bị tạm giam quá lâu nhưng vẫn chưa thể xét xử.

Nhận hối lộ phải xử tử hình

(GDVN) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Hà Hùng Cường cho rằng, nhận hối lộ rất nghiêm trọng, do đó không nên bỏ hình phạt tử hình.

Phải chăng bà Tuyết còn phải ngồi tù để chờ “họp trù bị mà ở đó việc xác định tội danh, khung hình phạt hay các kết luận khác sẽ được thống nhất?”.

Liệu sẽ có chuyện thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử bà Tuyết “nếu muốn bản án của mình không bị kháng nghị giám đốc thẩm, không đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ thực hiện thì không thể không tính tới những cáo buộc của kiểm sát viên?”.

Các thẩm phán, không biết có bao nhiêu người nghĩ xa hơn, rằng hôm nay nghe lời người này nhưng ngày mai sẽ có người khác lục lại bản án?

Thậm chí khi trở thành dân thường chưa chắc họ đã được yên thân bởi khi “bới” hồ sơ vụ án, các “chuyên gia pháp lý” sẽ dễ dàng tìm được điểm yếu trong hàng vạn bút lục để “kiến nghị xem xét lại trên cơ sở đúng pháp luật, không làm oan cho công dân”.

Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết có thể ảnh hưởng đến đường quan lộ của ông Dương Ngọc Hải, vì vậy gần đây xuất hiện thông tin Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang chịu nhiều sức ép.

Chỉ đạo của Viện kiểm sát tối cao (phần chữ được khoanh đỏ trên ảnh) được cho là chưa phù hợp. Theo quy định của pháp luật, bất kỳ vụ án nào cũng phải được xem xét xử lý dựa trên chứng cứ và pháp luật.

Các lãnh đạo ngày nay càng có xu hướng “gần dân, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng tha thiết của nhân dân thông qua các cơ quan truyền thông” hơn. Nghĩa là khi có tiếng nói từ công luận, họ sẽ nhanh chóng chỉ đạo “xem lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Mà pháp luật thì vốn dĩ lạnh lùng, kết án người ta phải dựa trên chứng cứ pháp lý được thu thập hợp pháp. Pháp luật không dựa trên sự suy diễn chủ quan, áp đặt…

Kết cục đau xót của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm và tới đây là thẩm phán vụ Huỳnh Văn Nén chẳng lẽ chưa đủ thức tỉnh ý thức tự bảo vệ bản thân của các thẩm phán nhẹ dạ?

Trước khi ca thán, rằng “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm” các thẩm phán hãy nhớ lại lời dạy của Cụ Hồ:

Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. [5]

Lời dạy của Cụ Hồ không phải chỉ dành riêng cho ngành Tòa án mà cũng còn dành cho tất cả những quan chức đương thời đang tham gia bảo vệ pháp luật.
 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4507

[2] http://nld.com.vn/phap-luat/soi-lai-vu-tu-tu-le-van-manh-20151026225727625.htm

[3]http://dantri.com.vn/su-kien/toa-an-toi-cao-dang-lam-ro-cu-dien-thoai-can-thiep-an-o-ha-tinh-20151025083150148.htm

[4] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Quan-luon-thang-dan-va-khong-it-can-bo-thu-lau-nho-dai-post162866.gd

[5]http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/HCM?p_page_id=1753359&pers_id=1751951&folder_id=&item_id=18280559&p_details=1

Xuân Dương
Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam
Pin It

Gửi phản hồi