Đức Thánh Cha: Giải thích của Đức Hồng y Schonborn về rước lễ đối với người tái hôn là quyết định cuối cùng
Trên chuyến bay trở về từ Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô được hỏi rằng liệu Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui tình yêu) có chứa đựng “một sự thay đổi về kỷ luật để điều chỉnh việc tiếp cận các bí tích” cho người Công giáo đã ly dị và tái hôn không. Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi có thể nói là có, chấm hết”. Tuy nhiên, ngài nói thêm đây là một phần “rất nhỏ” của một câu trả lời, Đức Thánh Cha mời gọi hãy đọc bài thuyết trình của Đức Hồng y Schönborn, ngài nói rằng Đức Hồng y Schönborn là một “nhà thần học vĩ đại hiểu biết về giáo lý của Giáo Hội”. Đức Thánh Cha kết luận: “Bài thuyết trình này sẽ trả lời cho câu hỏi của bạn”.
Bài thuyết trình của Đức Hồng y Schönborn tóm tắt hơn 60.000 từ trong Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha còn 3.000 từ, nhưng trong trong khoảng ngắn đó chắc chắn bao gồm “chú thích bốc khói” được xem như là mở cửa cho việc rước lễ đối với người Công giáo sống trong lần kết hợp thứ hai, khi mà việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu đối với lần kết hôn đầu tiên là không thể. Lập trường này mâu thuẫn với Tông huấn Familiaris Consortio (về Đời sống Gia đình) của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.
Trong bài thuyết trình về Tông huấn Amoris Laetitia, Đức Hồng Y Schonborn nói:
Đương nhiên điều này đặt ra vấn đề: Đức Giáo Hoàng nói điều gì liên quan đến việc tiếp cập các bí tích đối với những người sống trong các hoàn cảnh “bất thường”? Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói rằng “công thức nấu ăn dễ dàng” không tồn tại (AL 298, note 333). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại sự cần thiết phải phân định cẩn thận tình huống, phù hợp với Tông huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (84) (AL 298). “Sự phân định phải giúp tìm những cách thức có thể để đáp lại Thiên Chúa và phát triển giữa những giới hạn. Bằng cách nghĩ rằng tất cả mọi thứ là đen và trắng, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và lớn lên, và ngăn cản con đường nên thánh vốn tôn vinh Thiên Chúa “(AL 205). Ngài cũng nhắc nhở chúng ta về một cụm từ quan trọng từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), số 44: Một bước nhỏ, giữa những giới hạn của con người, đẹp lòng Thiên Chúa hơn đời sống bề ngoài có vẻ phải lẽ của một người cả ngày không phải đương đầu với một thách đố nào đáng kể”(AL 304). Trong ý nghĩa của “con đường đức ái” (via caritatis) này (AL 306), Đức Thánh Cha khẳng định, một cách khiêm tốn và đơn giản, trong một lưu ý (351) rằng sự giúp đỡ của các bí tích cũng có thể được đưa ra “trong những trường hợp nhất định”. Nhưng đối với mục đích này, ngài không đưa ra cho chúng ta trường hợp nghiên cứu hoặc cách thức, thay vào đó chỉ đơn giản nhắc nhở chúng ta về hai câu nói nổi tiếng của ngài: “Tôi nhắc lại với các linh mục rằng tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa” (EG 44), và Thánh Thể “không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo, mà là thần dược và lương thực cho những người yếu đuối ” (EG 47).
Đó là một thách đố quá mức cho các vị mục tử, cho các hướng dẫn về tinh thần và cho các cộng đoàn nếu “việc phân định các hoàn cảnh” không được quy định chính xác hơn? Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận mối ưu tư này: “Tôi hiểu người ta thích chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn, không còn chỗ cho sự nhầm lẫn” (AL 308). Tuy nhiên, ngài thách đố điều này, khi nhận xét rằng “Chúng ta đặt rất nhiều các điều kiện về lòng thương xót mà chúng ta làm cạn ý nghĩa cụ thể và ý nghĩa thực sự của nó. Đó là cách tồi tệ nhất của việc giảm bớt giá trị Tin Mừng” (AL 311).
Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Giáo Hội tái khẳng định việc thực hành của mình, dựa trên Thánh Kinh, không thừa nhận việc rước lễ đối với người ly dị đã tái hôn”. Ngài giải thích: “Họ không thể được thừa nhận từ thực tế là tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn khách quan với sự kết hợp trong tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu thị và thực hiện bởi Bí tích Thánh Thể. Bên cạnh đó, còn có một lý do mục vụ đặc biệt: nếu những người này được rước lễ, các tín hữu sẽ được dẫn dắt đến sai lầm và nhầm lẫn về giáo huấn của Giáo Hội về sự bất khả phân ly của hôn nhân”.
Đức Hồng y Schönborn, Tổng Giám mục Vienna, nói với ký giả Edward Pentin của Tòa Thánh Vatican rằng Tông huấn Amoris Laetitia theo cách tiếp cận mà ngài đã sử dụng trong Tổng giáo phận của mình, có thể cho phép thì mới được rước lễ sau một tiến trình phân định được tập trung vào những câu hỏi khác nhau.
Đức Hồng y Schönborn, người đã lập luận rằng Giáo Hội phải nắm lấy “các yếu tố tích cực” của kết hợp đồng tính cùng các tội lỗi tính dục khác và có một lịch sử mâu thuẫn với giáo lý Giáo Hội về vấn đề đồng tính luyến ái, ngài nói rằng “không có câu hỏi bị ngăn cấm” khi thảo luận về Tông huấn Amoris Laetitia.
Ngài nói: “Chúng ta đều biết nhiều linh mục” cho những người ly dị đã tái hôn được rước lễ “mà không thảo luận hay hỏi han, đó là một thực tế”, và “thật khó khăn để các giám mục xử lý”.
Tạ Ân Phúc