Một suy tư thần học nhằm góp phần xây dựng một định hướng trong việc sống suy niệm giảng dạy giáo lý tại Việt Nam trong vòng xoáy tục hóa hôm nay

BÀI TRÌNH BÀY TRƯỚC ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC
MỘT SUY TƯ THẦN HỌC
NHẰM GÓP PHẦN XÂY DỰNG MỘT ĐỊNH HƯỚNG
TRONG VIỆC SỐNG-SUY NIỆM-GIẢNG DẠY GIÁO LÝ TẠI VN
TRONG VÒNG XOÁY TỤC HÓA HÔM NAY
 
Trước khi chia sẻ với anh chị em, xin cho tôi khẳng định với niềm vui rằng chọn lựa của anh chị em cho huấn giáo thật đáng công và giá trị.[1] Bất chấp chúng ta còn có nhiều thiếu sót về phương pháp, về đường hướng, về tổ chức, về sách vở… trong huấn giáo, thì những điều ấy chẳng thể làm suy giảm mối quan tâm này. Anh chị em đang góp phần rất lớn vào sự canh tân của giáo hội tại Việt nam, vì sức sống và sự sinh động của Giáo hội lệ thuộc nhiều vào khoa giáo lý được cập nhật.
 
Rồi, tôi xin chân thành cám ơn mọi người đã cho phép tôi trình bày một suy tư thúc đẩy mối quan tâm chung nơi chúng ta đi vào cùng một hướng: làm thế nào để trình bày giáo lý cho thế hệ tương lai của chúng ta? Tôi thực sự mong ước suy tư thần học được trình bày ở đây có thể góp phần nhỏ nào đó vào tầm nhìn và hướng hành động của giáo lý viên tại Việt nam trong giai đoạn hiện tại. Xác tín huấn giáo không phải là phương cách trình bày hay giảng dạy, song trên hết là một sự sống mãnh liệt tuôn chảy từ tình mật thiết với Đức Giêsu, tôi muốn chia sẻ MỘT SUY TƯ THẦN HỌC như một lời mời gọi giáo lý viên chúng ta cùng có MỘT ĐỊNH HƯỚNG TRONG VIỆC SUY NIỆM – SỐNG-GIẢNG DẠY GIÁO LÝ TẠI VN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI.[2] Mong sao đây như giọt nước hòa vào dòng chảy thao thức về huấn giáo của anh chị em. Và khi dòng chảy đó chạm tới những con người cụ thể với những vấn đề sâu kín của họ lại thúc đẩy thần học suy tư tìm kiếm thêm nữa. Sự giao thoa đó quả là tặng ân cho cả huấn giáo lẫn thần học vậy.
 
Để thực hiện điều này, tôi lần về kinh nghiệm bản thân để nhìn thấy chúng phản ánh dưới nhiều hình thức khi ta dạy giáo lý. Sau đó, tôi tìm xem thế hệ trẻ đang kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, như dấu chỉ và phương thế hữu hiệu của ơn cứu độ trong Đức Giêsu? Khởi từ thao thức đó, tôi tự hỏi một đức tin năng động bởi đức ái sẽ thúc đẩy giáo lý viên hôm nay nên đi theo hướng chiều nào. Và cuối cùng đâu là bước cụ thể để làm cho cuộc hoán cải mục vụ ấy nên hiện thực và hữu hiệu.
 
I. KHỞI TỪ KINH NGHIỆM BẢN THÂN TRONG GIÁO LÝ
 
Xác tín về tầm quan trọng thiết yếu của giáo lý để canh tân đời sống đạo, cá nhân cũng như cộng đoàn, không đến với tôi cách mau lẹ. Xác tín ấy vươn lên chầm chậm ở trong tôi sau nhiều thất bại và khiếm khuyết trong dạy giáo lý.
 
1. Gia đình thật nghèo, mẹ tôi lại thất học cộng thêm ba tôi mất sớm, nên chẳng bao giờ bà có thể dạy tôi giáo lý, dù bà bắt tôi đọc kinh tối. Bà khoán việc đó cho những ông bà quản nhiệt tình. Đó là những tín hữu nhiệt tâm, thánh thiện. Thế nhưng ấn tượng sợ đi học giáo lý xâm chiếm tôi. Đơn giản, vì chiếc roi trên tay sẵn sàng lao xuống trên tôi; họ bắt các em học giáo lý đọc thật to và thật thuộc từng chữ trong cuốn bổn. Để được rước lễ lần đầu lẫn Thêm sức, chúng tôi bị khảo hạnh trước một ông quản và cha xứ. Tôi thú nhận rằng tôi run khắp cả mình, nhưng cũng vui vì đã vượt qua kỳ khảo hạch đó. Được Thêm sức, tôi vui lắm; lý do là từ nay chẳng phải đi học giáo lý nữa; Biết Chúa đến đó là đủ rồi, mãn nguyện rồi. Chỉ còn đi nhà thờ thôi. Phải thú nhận rằng nếu tôi không được vào trường Don Bosco Thủ Đức thời đó, thì nay tôi sẽ ra sao trong kiến thức đức tin.
 
2. Rồi sau khi tuyên khấn trong dòng Don Bosco, lớp giáo lý đầu tiên tôi phải dạy là lớp chuẩn bị rước lễ. Tôi vất vả biết bao với lớp đó. Tôi tìm đủ cách mà chúng vẫn chẳng hiểu những lẽ đạo như Chúa Ba ngôi, Chúa Giêsu hai bản tính, và cả đến Thánh lễ nữa!!!! Trong lớp tôi thao thao dùng những lẽ thần học, những ngôn ngữ không phải của chúng. Tôi nói ngôn ngữ mà chỉ có mình hiểu. Sau cùng, ngày rước lễ lần đầu của chúng cũng đến. Tôi chỉ bằng lòng với việc rằng chúng tin sau khi truyền phép thì bánh là Mình Chúa. Đủ rồi.
 
3. Khi dạy dự tòng, tôi đi theo cùng một vết xe lăn đó. Lớp dự tòng đầu tiên tôi phụ trách được tổ chức theo diện song hành cá nhân, chỉ có một thày một học viên. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nói thao thao. Không đặt câu hỏi và cũng chẳng để cho học viên có giờ trao đổi. Giờ cầu nguyện và dẫn người dự tòng đó cầu nguyện quả là ít. Hầu như chỉ có đọc kinh cầu nguyện, trước và sau bài học thôi. Dĩ nhiên, lớp học vẫn dựa trên Lời Chúa, nhưng yếu tố “nhồi nhét thông tin kiến thức vào đầu óc học viên chiếm ưu thế hơn chuyện gặp Chúa”. Tôi hân hoan vì người dự tòng ấy tin nhận Chúa Kitô và gia nhập Giáo hội. Nhưng rồi biến cố đau thương xảy ra. Người học viên của tôi, sau một thời gian sống Kitô hữu, rất chăm chỉ đi nhà thờ…, đã tự tử. Rất nhiều lý do xoay quanh chuyện buồn này. Nhưng tôi bỗng nhận ra rằng có lẽ tôi đã chưa dẫn họ đến gặp Chúa Giêsu đầy đủ. Tôi tin chắc Thiên Chúa vẫn có cách cứu độ người học viên ấy, nhưng tôi nhận ra điểm yếu kém rất nghiêm trọng của mình trong cách dạy giáo lý: chưa chú tâm đến cầu nguyện như gặp gỡ TC cho đủ trong giáo lý, thiếu đồng hành trên đường đức tin, thiếu hiểu biết học viên trong chiều sâu thẳm nhất của họ. Tôi không rõ họ đang mong chờ ơn cứu độ nào cho đời sống đức tin của họ.
 
Trong những năm tháng tiếp theo, tôi phụ trách tổ chức giáo lý cho các em trong giáo xứ. Rút tỉa những kinh nghiệm trước, tôi cố gắng khích lệ những giáo lý viên rất trẻ lấp đầy những thiếu sót tôi gặp. Họ đã trổi vượt hơn tôi cả về nhiệt tâm lẫn phương pháp. Họ nên gần gũi với các học viên của mình hơn. Nhưng rồi, tôi cũng chợt nhận ra thêm rằng phần đa dạy giáo lý gói gọn trong phòng lớp. Tôi lại phải tự hỏi rất nhiều rằng liệu có được một thứ huấn giáo ở sân chơi và giữa cuộc sống để giáo lý thực sự đơm bông, nghĩa là, trả lời được cho những câu hỏi hiện sinh và sâu xa của các thiếu niên đang lớn lên, không phải cách lý thuyết nhưng cách thiết thực hay không? Theo đó, điều Vatican II và Đức Phaolô VI nói đến một đức tin cách xa cuộc sống quả là một thách đố lớn lao hôm nay.
 
Kinh nghiệm trên, tôi có thể tóm vào MỘT HUẤN GIÁO XA RỜI HIỆN TRẠNG; trong đó tôi như thể đang trải nghiệm về một huấn giáo thiên hướng với thông tin, kiến thức và luật lệ quá độ hơn là một huấn giáo tự hỏi thế giới, đúng hơn, những con người tôi được sai tới rao giảng Tin mừng, đang cần gì.[3]
 
II. NHÌN LẠI LỐI ĐI CHUNG CỦA GIÁO LÝ HÔM NAY
 
Những gì tôi trải qua có vẻ như vẫn còn sống hôm nay. Ở đây, tôi không muốn tổng quát hóa đâu. Tôi rất trân trọng và vui mừng vì nhiều địa phận đã có những gắng sức vượt bực về huấn giáo. Tôi tri ân Thiên Chúa và Thần khí về phúc lành này của Giáo hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây đó tôi vẫn thấy những điều sau:
 
1. Khi nhận dạy một lớp giáo lý, đa số giáo lý viên không phải là “mở sách, dọn bài và dạy ngay” mà không cần tự hỏi lớp trước đã dạy gì, có tương quan ra sao với phần tôi bây giờ phụ trách hay sao? Chỉ cần biết phần của mình là đủ rồi. Sách Giáo lý đã sẵn đó, cứ vậy mà theo. Rồi nữa bao nhiêu giáo lý viên ý thức rằng mình được sai đi để loan tin mừng Chúa Giêsu cho các em. Mình quen biết, có cảm tình với cha xứ, với một giáo lý viên nào đó, và rồi tôi tới dạy giáo lý mà thôi. Từ đó, có giáo lý viên tới lớp như thể đây là lớp của mình hơn là với ý thức được cộng đoàn Giáo hội sai phái tới. Ít ý thức điều này, ta dễ dàng để cho cá nhân chủ nghĩa len vào, nhất là khi có những ganh đua. Vô tình chúng ta làm mất đi tất cả những ảnh hưởng của Tin mừng vì những chỉ trích, chê bai… Hơn nữa, chúng ta cũng thường vướng phải lối tiếp cận “cào bằng”. Cho phép tôi giải thích điều này. Rất thường, chúng ta cào bằng các học viên chúng ta. Ta dạy giáo lý 5 năm, 10 năm lớp bao đồng, thêm sức rồi. Thanh thiếu niên giống nhau hết mà. Em nào mà chẳng nghịch! Đúng song cũng rất sai, vì mỗi thời đại, chúng nghịch rất khác nhau! Ta rất ít để ý hỏi xem các em năm nay đến từ bối cảnh nào, có gì khác với năm trước không. Cho nên cũng rất nhiều khi hết năm rồi mà ta chẳng thể nhớ nổi tên các em.[4]
 
2. Chúng ta cũng có thể mắc phải một thiếu sót nữa về nét đặc trưng của một giờ giáo lý. Dạy lớp giáo lý hay lớp văn, lớp toán cũng giống nhau thôi. Thày cô phải lo giữ im lặng, kỷ luật, khảo bài, và trình bày sao cho hết giáo án. Thỉnh thoảng để lớp hấp dẫn và mới lạ, tôi sử dụng đến những dụng cụ tân tiến trong lớp, như thế giáo lý được trở nên sống động, hợp thời. Tốt đẹp, song như thể vẫn còn đó một thiếu sót cơ bản: SỰ THINH LẶNG ĐỂ CHÚA NÓI VÀ HOÁN CẢI TÂM HỒN. Quả thế, giờ giáo lý khác xa với một giờ anh văn, vì mục đích chuyên biệt của nó (dẫn đến Đức Kitô và yêu mến ngài), vì tác nhân chính trong giờ giáo lý không phải là chúng ta mà là Thánh Thần, Đấng nhủ thầm và tác động tâm hồn trong cô tịch và thinh lặng. Vì ít xác tín nét đặc trưng này, nên nhiều khi trong giờ giáo lý, chúng ta nói nhiều hơn là để Chúa nói; chúng ta chỉ cầu nguyện lúc bắt đầu và kết thúc hơn là tổ chức, hướng dẫn giờ giáo lý đạt đến cao điểm là cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Giêsu. Cũng từ đó, ta thiếu hay ít quan tâm đến sáng kiến để tổ chức giờ lớp và bầu khí sao cho tốt đẹp và thuận lợi để Chúa có thể ngỏ lời với từng em và tất cả. Và rất nhiều khi giáo lý viên chúng ta đến lớp giáo lý mà chẳng cầu nguyện trước. Càng hơn nữa là dùng những chân lý trong bài chúng ta sắp thông truyền trở thành chất liệu cho cầu nguyện, cho cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu.
 
3. Chúng ta còn có thể ưa thích phương pháp độc thoại hơn là đối thoại trong giáo lý. Có khi chúng ta không tán thưởng khi học viên nêu những câu hỏi. Có khi chúng ta sợ những thắc mắc của tuổi thiếu niên, vì rất có thể ta không biết trả lời ra sao. Phương pháp độc thoại tạo yên ổn hơn; vả lại, giáo lý đã khẳng định rồi, không cần và không được đặt ngược lại. Ba ngôi là Ba ngôi, chứ làm sao mà khác được.
 
Những nét này trong huấn giáo không còn nơi chúng ta hay sao? Tôi hơi nghi ngờ về thực tại ấy? Vậy chúng ta cần canh tân hướng huấn giáo ra sao đây, đó là câu hỏi chúng ta bàn thảo bây giờ.
 
III. THAO THỨC HƯỚNG ĐẾN MỘT LỐI NHÌN LINH HOẠT VÀ HỢP THỜI VỀ GIÁO HỘI MÀ SẼ TÁC ĐỘNG HƯỚNG CHIỀU GIÁO LÝ TẠI VN
 
Ý tưởng chính trong suốt phần sau là như sau: một khoa Huấn giáo về Vương quốc được tỏ lộ trong Giáo hội-hiệp thông xuyên qua đối thoại và hòa giải, như là dấu chỉ và phương thế hữu hiệu của Vương quốc ấy.
 
A. TỔNG QUÁT
 
1. Tự hỏi về hình ảnh Giáo hội ẩn dưới những kinh nghiệm và lượng giá trên
 
Chúng ta vừa nêu lên vài nhận xét lượng giá. Nếu Chúa Giêsu đã minh chứng “lòng đầy thì mới nói ra” thì chúng ta cũng có thể tự hỏi xem ẩn dưới những hiện thực ấy, giáo lý viên chúng ta có cái nhìn nào về Giáo hội hay không. Và khi thay đổi nếp nghĩ đó, chúng ta có thể thay đổi những thực hành của chúng ta.
 
a. Lối nhìn về Giáo hội thiên về cơ cấu và phẩm trật hơn là về một cộng đoàn môn đệ đi theo Chúa Giêsu.[5] Lối nhìn này rất dễ thống trị tâm trí giáo lý viên chúng ta. Không phủ nhận hay coi nhẹ yếu tố phẩm trật, nhưng ta cũng phải nói rằng yếu tố đó không phải là tiên quyết.[6] Tin mừng xác minh Giáo hội tiên vàn là cộng đoàn đi theo Đức Kitô, xoay quanh ngài, là cộng đoàn môn đệ. Cộng đoàn đó hiệp thông sự sống, sứ mệnh, phép Rửa và quyền năng của Đức Giêsu. Cộng đoàn môn đệ ấy có Chúa Giêsu là lẽ sống của mình, và chu toàn sứ vụ Chúa ban là nỗi thao thức canh cánh bên lòng của mình.[7] Cộng đoàn môn đệ ấy mật thiết với Chúa Giêsu đến độ sau này các giáo phụ và Vatican II gọi là Dân TC, là Mầu nhiệm, là Thân Thể Đức Kitô, là Đền thờ Thánh Thần. Không đặt nền trên căn tính này, phẩm trật hay cơ cấu chẳng có nghĩa gì cả.[8]
 
b. Lối nhìn trên dẫn đến nhìn Giáo hội như người ban phát mọi thứ.
Mô hình Giáo Hội ban phát
 
Từ trên ban xuống mọi sự. Mọi sinh hoạt như thể là một thứ ân ban xuống từ cha xứ qua hội đồng mục vụ giáo xứ, rồi xuống tới dân chúng. Có cả một lô những cổng khép kín và khóa chặt trước khi tới được “cấp trên”. Không phải cửa nhà thờ hầu như đóng kín cả ngày sao? Thế có lạ gì nếu thanh thiếu niên cũng như các học viên rất xa lạ với cha xứ. Chẳng phải những em xa lánh nhà xứ và cha xứ thì nhiều hơn những em năng lui tới đó hay sao? Đó không phải là những em thuộc vùng ven mà Đức Phanxicô nói tới hay sao?[9]
 
c. Cùng với điều này là cả một lối nhìn hạn hẹp về sứ mệnh của giáo hội. Chẳng phải là có lúc nhiều người tín hữu nghĩ rằng cần phải giúp cha xứ một tay trong việc dạy giáo lý hay sao? Nhưng thật ra, các tín hữu không nhận lãnh sứ mệnh rao giảng tin mừng, nói cụ thể, sứ mệnh huấn giáo, từ cha xứ.[10] Chính Chúa Giêsu ủy thác cho từng tín hữu mà “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16) Cũng không ít lần ta nhìn loan báo Tin Mừng dưới khía cạnh ganh đua với những hệ phái khác. Truyền giáo như thể là việc chiêu mộ các tín đồ cho phe mình. Ta không minh nhiên nói như thế. Nhưng cách hành xử biểu lộ nhãn quan này. Thật thế, không ít giáo xứ bó gọn trong chính mình mà thôi, không người ngoại nào xâm nhập được hay dám xâm nhập vào.[11] Ta dễ nghĩ rằng truyền giáo là một phần của huấn giáo hơn là linh hồn chi phối huấn giáo. Dạy giáo lý nhiều khi bị bó gọn vào việc “được lãnh các bí tích”, vào “bổn phận chu toàn các bí tích”. Không chỉ các bậc phụ huynh hay các thanh thiếu niên, song cả giáo lý viên nghĩ giáo lý nhằm chuẩn bị lãnh các bí tích. Tổ chức rước lễ lần đầu và Thêm sức là xong rồi.
 
d. Cũng có khi giáo lý được nhìn dưới diện tăng thêm hiểu biết; biết càng nhiều luật lệ và chi tiết càng tốt. Và Kitô giáo như thể là một tôn giáo với rất nhiều chi tiết lường sẵn hết.[12] Từ những điều đó, chúng ta còn có những nhận xét về lớp. Khung cảnh lớp học đa số chỉ là dọn dẹp sơ sài. Ít có lớp nào chuẩn bị khung cảnh đẹp, sạch sẽ. Sự vui tươi, thân tình cũng ít được coi trọng. Nhưng trên hết, tôi muốn ghi nhận lớp của tuổi teens như bị “xua đuổi”. Ít ai nhận dạy lớp đó; ta dễ quên rằng đây là tuổi hình thành nhân cách mà rất cần đến sự nâng đỡ của Giáo hội, vì những biểu hiện “bắt mắt” nhưng không “hạp” với “lề thói” của chúng ta. Tuy nhiên, chính ở tuổi này, Giáo hội lại có nhiều điều nói với chúng nhưng chúng không nghe, vì Giáo hội không được c chúng đón nhận vào thế giới của chúng. Giáo hội đây, chính là các giáo lý viên, các thày cô, các linh mục. Rõ ràng, ta rất khó đến với chúng và không được chúng chấp nhận. Đơn giản, vì Giáo hội, xuyên qua giáo lý viên, thày cô, chưa tạo được sự tín nhiệm nơi chúng, vì chưa thực sự nghe chúng nói.
 
2. Nhận định sơ lược về một Việt Nam hôm nay
 
Bức tranh về huấn giáo trên còn được tô đậm bởi vì cấu trúc hiện sinh của xã hội như bị bỏ quên nơi huấn giáo. Nghĩa là gì? Vatican II khai mào một lối tiếp cận đức tin khởi từ những thao thức hiện sinh để tiến dần tới những khát vọng sâu xa của con người hôm nay. Vậy mà, lối tiếp cận này chưa thực sự được đâm sâu trong huấn giáo của chúng ta. Chúng ta bỏ hiện trạng xã hội sang một bên hoặc nhìn thấy ở đó một màu tối như mực. Chúng ta dễ coi nhẹ điều này: Chúa Giêsu đưa Tin mừng của Người vào một xã hội, văn hóa đặc thù, với những bóng tối và ánh sáng riêng của nó. Nhất thiết phải xem được thứ bóng tối nào đang bao trùm cũng như thứ ánh sáng nào chiếu tỏa trên Việt nam hôm nay. Bằng không, khoa huấn giáo của chúng ta sẽ trở thành không tưởng.
 
Tôi rất muốn làm điều đó với anh chị em. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận ngay giới hạn cố hữu của mình. Xã hội học không phải là chuyên ngành của tôi. Ở đây, tôi xin làm điều đơn giản hơn nhiều: nêu ra những trào lưu nổi cộm dưới con mắt đức tin nhằm thúc đẩy một khoa huấn giáo được canh tân hơn tại Việt nam, và để lại những bàn luận xã hội học sâu rộng hơn cho những chuyên viên khác.
 
a. Thế giới đang trở nên trần tục ngày một hơn đến độ muốn trở thành duy tục. Dù không bao giờ chấp nhận lối Auguste Comte phân chia thế giới thành ba thời kỳ: thần thiêng, siêu hình và khoa học, chúng ta vẫn thấy có chút gì đó đáng ta học hỏi. Con người đã dễ dàng giải thích mọi hiện tượng dưới diện thần thánh, linh thiêng. Nhưng nay khoa học thống trị như muốn loại đi mọi dấu vết thần linh. Sự thành công của khoa học và kỹ thuật trong việc biến đổi trái đất như thể muốn đòi lại chỗ đứng của thế giới: trả lại tính cách thế tục cho trái đất này và chỉ tính cách thế tục này mà thôi. Đừng cho nó một tính chất nào khác hơn là của nó [chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa thị hiếu, chủ nghĩa mới lạ… là những biểu hiện rõ nét về chủ nghĩa duy tục].
 
b. Trào lưu này chuyển dần sang chủ nghĩa duy tục, sang vô thần và phản thần. Biết bao nhiêu thứ xảy ra trên thế giới hôm nay minh chứng sức tác hại của cơn sóng thần duy tục, vô thần và phản thần, được hỗ trợ thứ áp thấp nhiệt đới là sự toàn cầu hóa, một chủ nghĩa kinh tế tạo ra những người nô lệ mới. Thiên Chúa không chỉ bị chối bỏ mà còn bị ghét bỏ. Những giá trị thiêng liêng bị xua đuổi trong thế giới nhân sinh hôm nay. Đức Phaolô VI cho thấy rõ bước chuyển động này nhân danh một chủ nghĩa nhân bản tuyệt đối.[13]
 
c. Thế giới đang tìm cách khẳng định mình bằng tiêu xài, mua sắm, bằng thỏa mãn dục tính và kiêu ngạo. Con người ngày một được khuyên hãy chiều theo những gì mình thích. Thượng đế cũng phải thỏa mãn những cuồng vọng của con người, và chỉ Thượng đế như thế mới được chấp nhận mà thôi. Trước kia có luật giới hạn về thời lượng cho những cảnh âu yếm trên phim ảnh, nay luật ấy dường như đã bị xóa bỏ, ít là cách mặc nhiên. Chúng ta đang chứng kiến một sự đảo ngược: những gì tốt đẹp thì phải xin phép thực hiện, còn những gì xấu hay vô luân thì tự nhiên! [Dự thảo chương trình Obama, phá thai, hôn nhân đồng tính…].
 
d. Nhưng ta vẫn nhận ra rằng lỗ hổng của tâm hồn không thể trám được bằng những thành tựu của con người. Thao thức và vấn nạn hiện sinh nhất của con người vẫn trồi hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta nhận định rằng khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ vượt bực nhưng cũng để lại những hố sâu thẳm trong lòng người và cuộc sống chưa lấp đầy được. Biến cố rúng động thế giới mới đây là vụ máy bay dân sự MH17 bị bắn hạ do những kỹ thuật tân tiến của con người. Những kỹ thuật tân tiến của MH370 cũng chỉ mang đến những bài toán đầy ẩn số. Những kỹ thuật tên lửa của Israel và Palestine không làm yên những con tim bạo lực; tìm cách “mắt đền mắt, răng đền răng” chỉ tăng thêm những tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những con người khốn cùng. Kỹ thuật đó chỉ để lại những đổ vỡ ngày một sâu và rộng hơn nhiều, như thể vô phương lấp đầy. Bạo lực không thể giải quyết bằng kỹ thuật cũng như bạo lực. Chỉ đối thoại mới có thể hàn gắn. Nhưng đây lại là điều con người đang thiếu trầm trọng.[14]
 
e. Việt nam đang phải đối diện với các thực tại đó song dưới một dạng thức khác. Thật thế, Việt nam đang phấn đấu thoát cảnh nghèo bằng mọi giá.[15] Tiền trở thành ám ảnh nơi con người Việt nam. Dân chúng muốn thoát khỏi cảnh “không tiền” bất kể phải sử dụng đến phương cách nào. Những chuyện lừa đảo bạc tỷ đủ minh chứng lối tư duy và hành động này. Tiêu chuẩn sống tự do theo kiểu minh tinh Âu Mỹ hay xứ Hàn hay xứ Đài được tiếp thu mau lẹ. Tuy nhiên, ta phải chú ý đến cái biến tấu nổi bật của nó tại VN: người VN hiện tại tìm cách khẳng định chính mình xuyên qua những hàng hiệu, những xe bóng loáng… Chúng không phải để hưởng thụ cho bằng để tỏ ra “bản lãnh” của mình.[16]
 
Nếp nghĩ hưởng thụ giới tính đang biến thành nếp sống của thế hệ trẻ tại Việt nam. Những tiêu chuẩn tự do trong lối sống bắt đầu được đẩy mạnh giữa giới trẻ VN; hiện tượng chung sống trước hôn nhân không còn xa lạ và là cái gì đáng nói lắm hiện nay. Nếp nghĩ này đang được phát triển theo cấp số nhân nhờ vào những “trạm” internet theo chủ trương lợi nhuận, vào những nhà “nghỉ tạm”, vào các thứ điện thoại thông minh, smartphones, cung cấp mọi hình thức thô tục cho thanh thiếu niên.
 
Tục hóa tại Việt nam không nhất thiết đi đôi với việc phản lại tôn giáo, cách riêng Kitô giáo. Nó có thể bộc lộ nơi những người rất “sùng đạo” tại VN. Tôn giáo vẫn được chấp nhận miễn là không ảnh hưởng gì đến tiêu chuẩn tự quyết của tôi.
 
f. Nhưng đằng sau đó là cả một nỗi nhớ khôn nguôi về căn tính của chính mình, về những giá trị trường cửu. Những biểu hiện trên lại phản ánh một sự phân vân bất ổn sâu kín của thế hệ trẻ tại Việt nam. Người Việt hôm nay như thể ít nhường nhịn hơn, sẵn sàng nổi đóa và ăn thua đủ với mọi người, bất chấp phải trái. Bạo lực xen vào cả trong học đường, tuổi teens rồi. Băng đảng như đang nở rộ. Nhiều tỏ lộ thiếu chân thực một cách ý thức. Một sự phân mảnh hay chia rẽ của đời sống tâm lý, tình yêu, thiêng liêng lên ngôi. Sự phân rẽ ngay trong nội tâm của giới trẻ Việt nam càng ngày càng tỏ rõ; họ không biết mình sẽ đi về đâu. Những biểu hiện ồn ào, náo động, thậm chí phá phách và bạo lực, lại cho thấy một sự không yên sâu thẳm ở lương tâm. Hòa giải, hiệp thông, và đối thoại như những giá trị họ cần thiết nhất song lại không biết phải tìm ở đâu.[17]
 
3. Lý do cho phân tích trên
 
Tại sao chúng ta lại phải làm điều này trong Huấn giáo? Chính Chúa Giêsu cũng đã từng “lượng giá” xã hội Người sống khi rao giảng tin mừng. Người từng biết họ muốn gì tận sâu thẳm và do đó Người đáp lại những khát mong đó đến độ làm thay đổi toàn bộ đời sống của họ từ đó về sau. Ta chỉ cần để ý đến người phụ nữ Samari, hai môn đệ Emmaus, Matthêu, người phụ nữ ngoại tình. Nhìn vào đó, ta sẽ thấy giáo lý không phải là trình bày một học thuyết nhưng là giới thiệu một Đấng duy nhất có thể trả lời và làm thỏa mãn những khát vọng sâu kín nhất của các học viên và nhờ gặp gỡ với Người mà được biến đổi tận căn. Không có được điều này, giáo lý vẫn chỉ ở bề ngoài mà thôi.[18]
 
B. HƯỚNG TỚI MỘT KHOA HUẤN GIÁO VỀ VƯƠNG QUỐC ĐƯỢC HIỆN THỰC TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG QUA HÒA GIẢI VÀ ĐỐI THOẠI
 
Tựa đề không muốn nói rằng khoa huấn giáo anh chị em đã và đang theo đuổi không thuộc về Tin mừng. Ngàn lần không. Anh chị em chắc chắn không dạy điều sai lạc đâu, vì dầu xức Thánh Thần giữ anh chị em trung thành với Chúa Giêsu trong Giáo hội. Trong huấn giáo của anh chị em vẫn có những yếu tố: vương quốc, giáo hội, loan báo tin mừng, sứ mệnh. Tuy nhiên, có thể chúng ta đã xếp chỗ đứng của mỗi yếu tố theo thứ tự ưu tiên sau: Giáo hội, loan báo, sứ mệnh (truyền giáo), Vương quốc Thiên Chúa. Nay cần phải theo một khoa huấn giáo xếp đặt các yếu tố trên theo một ưu tiên khác: Vương quốc Thiên Chúa, sứ mệnh (truyền giáo), loan báo và Giáo hội, với những câu hỏi rất thiết thực: Huấn giáo nhằm mục đích gì, cho ai, với ai, do bởi ai và làm thế nào.[19] Trả lời đúng những câu hỏi trên sẽ giúp đặt nền cho sự canh tân mãnh liệt về huấn giáo.
 
Như thế, tựa đề trên muốn thúc đẩy những gì anh chị em đang làm trong huấn giáo đi theo một hướng chiều rõ rệt, mãnh liệt: Giáo lý TIN MỪNG VỀ VƯƠNG QUỐC. Chiều hướng này mời gọi giáo lý viên nhìn nhận rõ chỗ đứng của Giáo hội, không phải để coi thường Giáo hội; đúng hơn, để quý trọng và gắn bó với Giáo hội hơn nữa, y như Chúa Giêsu mong muốn. Đúng vậy, dù luôn yêu mến Giáo hội, thì chúng ta phải luôn xác tín Giáo hội không có mục đích trong chính mình. Căn tính của Giáo hội được tìm thấy khi Giáo hội tự nguyện đi ra tới những chân trời mà Chúa muốn.[20] Vì thế, giáo lý viên cần được đào tạo và đào tạo chính mình về GIÁO LÝ TIN MỪNG VỀ VƯƠNG QUỐC. Nhờ thế, các khía cạnh trình bày trong huấn giáo có được điểm quy chiếu dứt khoát: Chúa Giêsu. Thật vậy, giảng dạy tín lý Kitô giáo nhất thiết phải quay về Con Người Giêsu như trung tâm, nếu muốn có sức sống và không rơi vào suy lý. Giảng dạy luân lý mà không cho thấy tâm tư và thái độ của Đức Giêsu và như thế không mang lại hy vọng và xót thương thì chắc chắn không phải là luân lý Kitô giáo. Rồi, phụng vụ không làm ta nên một với  Đức Kitô để tạ ơn Thiên Chúa Cha trong Thánh Thần thì chỉ là nghi thức không hồn, cho dù bắt mắt và được vỗ tay đến mấy. Sau hết, cầu nguyện mà không nhờ Người, với Người và trong Người thì cầu nguyện đó chỉ như bao lời cầu nguyện của các tôn giáo khác, nếu không nói là một thứ dọi phóng làm ru ngủ con người.
 
1. Vương quốc THIÊN CHÚA
 
Chúa Giêsu loan báo Vương quốc Thiên Chúa. Người chỉ quan tâm sao cho Vương quốc ấy sớm thành tựu, dẫu phải chết. Người hoàn thành nó không phải theo cách thức của con người hay của satan, song luôn theo dự định và kế hoạch của Thiên Chúa: con đường vâng phục và bé nhỏ. Vương quốc đó là gì? Thật khó để chỉ dùng một hình ảnh hay ý niệm để xác định vương quốc ấy. Đức Giêsu không đưa ra một định nghĩa về Vương quốc. Ngài chỉ nói bằng ngôn ngữ tượng hình: tù nhân được thả, người què được đi, kẻ mù được sáng, người nghèo được nghe Tin mừng. Đó toàn là những hình thức nô lệ trong thời của Ngài. Và như thế, Tin mừng về Vương quốc rất thiết thực và hiện sinh.
 
Nhưng Vương quốc nào đây? Không chút nghi ngờ, Vương quốc Đức Giêsu công bố không thuộc chính trị, chính thể, chính đảng. Nó chẳng tùy vào sự hưng thịnh vật chất; ngược lại, nó còn đòi hỏi một sự ly thoát triệt để với ngẫu tượng tiền bạc. Nó cũng chẳng đóng khung vào một ranh giới địa lý. Nhưng tiên vàn, Vương quốc ấy là sự quy tụ quanh Chúa Giêsu trong hân hoan, bình an, hy vọng. Ranh giới ấy mở ra tới bất kỳ ai chấp nhận Thiên Chúa làm chủ tấm lòng và khao khát của họ, bất chấp quá khứ của họ ra sao đi nữa. Nói tóm, đó là Vương quốc của những người bé nhỏ làm thành gia đình của Thiên Chúa. Tất cả những ai tiếp nhận Tin mừng Đức Giêsu, không phân biệt nam nữ, nô lệ hay tự do, như sau này Phaolô nói đến, làm thành dân tộc của Thiên Chúa, nhờ ân sủng và Thánh Thần. Ranh giới của nó thuộc phạm trù khác: tâm hồn tự do.
 
Thế nhưng, đâu là nét đặc trưng có một không hai trong vương quốc của Đức Giêsu công bố so sánh với vương quốc Thiên Chúa mà các ngôn sứ và Gioan Tẩy giả loan báo? Nét đó chính là Đức Giêsu không chỉ là người loan báo, mà còn là người thực hiện, và trên hết cũng chính là Vương quốc ấy. Ai tiếp nhận Ngài là tiếp nhận Chúa Cha. Ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Ngài là NGƯỜI NGHÈO, NGƯỜI XÂY DỰNG HÒA BÌNH, NGƯỜI CÓ TÂM HỒN TRONG SẠCH, NGƯỜI BỊ BÁCH HẠI TUYỆT HẢO. Chắc chắn vẫn luôn có sự tiếp nối giữa Vương quốc mà Thiên Chúa tỏ lộ cho Israel trong Cựu ước và Vương quốc mà Đức Giêsu công bố và mời gọi gia nhập. Song cũng có sự đứt đoạn không thể tưởng tượng được.[21]Cho nên, từ nay, với Đức Giêsu đón nhận Tin mừng, gia nhập Vương quốc giờ đây chính là đón nhận Ngài, và ngược lại. Đức Giêsu đúng là Tin mừng-được ngôi vị hóa; Ngài là Kho tàng vô giá so với mọi thứ giá trị khác. Giờ đây, Ngài là “con đường, sự thật và sự sống”. Ngài là “sự sống và là sự sống lại”. Ngài là chính sự xót thương được nhập thể của Thiên Chúa, và vương quốc của ngài chỉ xây trên lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa mà thôi. Vậy ra, VƯƠNG QUỐC của Đức Giêsu không phải là một cơ cấu, một địa giới, một chính thể. Vương quốc ấy là Thiên Chúa thống trị trong xót thương và trung tín. Nhưng Thiên Chúa cũng quyết định vương quốc ấy gắn liền với Con của Ngài, Đức Giêsu Nadaret. Trong Đức Giêsu, tình yêu xót thương của Thiên Chúa được ngôi vị hóa, để con người sờ chạm, xem thấy và chứng kiến (x. 1 Ga 1:1-2).[22] Nét độc sáng có một không hai, không thể tưởng nghĩ được là đây. Ai tiếp nhận Đức Giêsu và Tin mừng Ngài thì được đưa vào vương quốc tình yêu, bình an, hy vọng của Thiên Chúa hứa ban cho con người. Chính vì thế, con người phải hoán cải; sự hoán cải này khiến cho con người xem mọi giá trị, kể cả gia đình, con cái và ngay đến mạng sống mình, chỉ là thứ phụ so với Tin mừng vương quốc ấy. Ở đây, ta nhận rõ Tin mừng có tính biến đổi, thỏa mãn trái tim hơn là đầu óc.
 
Trong Vương quốc ấy, sự hiệp thông ngự trị; Thiên Chúa giao hòa mọi sự trong Con Ngài, đóng đinh hận thù vào thập giá; nơi đây, Thiên Chúa đối thoại với con người. An bình, hy vọng, hạnh phúc, niềm vui hiệp thông và giao hòa là món ăn trong tiệc cưới Chiên Con. TC biến những tội nhân thành những kẻ được giao hòa qua một cuộc đối thoại ơn cứu độ. Tin mừng, hay nói một cách ngôi vị, Đức Giêsu không bắt ép một ai. Ngài trân trọng và khơi dậy tự do tới mức lớn lao nhất. Ngài lên tiếng đối thoại với họ. Và những ai chấp nhận cuộc đối thoại ấy đều được dẫn tới hưởng bình an của vương quốc với những khía cạnh khác nhau: bà bị loạn huyết, phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ ở nhà Simon, Ladarô… Thật sự, những kẻ được giao hòa sẽ được dẫn vào hiệp thông (x. Mt 5:23-24) và những kẻ hiệp thông lại trở thành dụng cụ của giao hòa để hiệp thông tăng trưởng.[23]
 
2. Giáo hội của Đức Kitô
 
Một khi được tin mừng hóa, Giáo hội, cộng đoàn môn đệ, được Đức Giêsu trao phó cho việc hiện thực Vương quốc ấy, như một dấu chỉ, một phương thế hữu hiệu, và một sứ mệnh. Như thế, không thể có một sự chia tách giữa Vương quốc, Chúa Giêsu và Giáo hội. Vương quốc chân thật là vương quốc của Đức Giêsu mà Giáo hội được sai đi loan báo và hiện thực. Giáo hội loan báo tin mừng, nhưng trước hết phải được phúc âm hóa (loan báo tin mừng) liên lỷ.[24] Vì thế, dẫu chưa phải là Vương quốc tròn đầy, Giáo hội chắc chắn là Vương quốc đang phát triển, là hạt mầm đang lớn lên tới độ sung mãn. Rõ ràng, Giáo hội là bí tích của Vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã khai mào. Như thế, nhất thiết phải liên tục tự hỏi Giáo hội của Đức Kitô thật sự có ý nghĩa gì hôm nay trong khi dạy giáo lý. Đã có một chỗ quá lớn cho Giáo hội như một cơ chế, với đủ luật lệ. Nay cần có một chỗ rộng hơn nữa cho Giáo hội như dấu chỉ và phương thế của Vương Quốc; không bỏ điều trên, nhưng nhất thiết phải thu hẹp chỗ dành cho Giáo hội cơ chế gồm quá nhiều luật lệ của nhân loại và khó bày tỏ được lòng xót thương của Thiên Chúa để Giáo hội như vương quốc đang phát triển được lớn lên, vì chính giá trị của nhân vị mà chính Chúa Giêsu luôn kính trọng.[25] Mà nếu thế, giao hòa và đối thoại phải thiết thân với mầu nhiệm Giáo hội vậy, nếu muốn là một Giáo hội khả tín.[26]
 
Sách Công vụ đã mô tả cộng đoàn giáo hội với 4 yếu tố tương tác nhau thật chặt chẽ. Cộng đoàn đó hiệp thông trong bẻ bánh (Phụng vụ và cầu nguyện), trong giáo huấn của các tông đồ (giáo lý), trong chứng tá (tử đạo) và trong phục vụ (quan tâm đến người nghèo, thiếu thốn…);[27] bốn yếu tố này tương tác mật thiết đến nỗi suy yếu hoặc mất đi bất kỳ yếu tố nào, Giáo hội ấy làm méo mó diện mạo của Giáo hội Chúa Kitô.
 
Chúng ta đã thấy Giáo hội là cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô.[28] Tất cả đều nghe tiếng gọi của Đức Giêsu và đi theo ngài. Cộng đoàn đối thoại với Đức Giêsu, Đấng kêu gọi. Ngay cả khi sửa dạy họ, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng đối thoại với họ. Nhưng chính Chúa Giêsu cũng rất thường phải kiên nhẫn và tha thứ cho họ, giao hòa họ lại với nhau. Như vậy, cộng đoàn môn đệ làm sáng lên cộng đoàn gồm những con người được tha thứ (giao hòa) qua một cuộc đối thoại ơn cứu độ.[29] KHÔNG CÓ MỘT ƠN GỌI NÀO MÀ KHÔNG CÓ CUỘC ĐỐI THOẠI: đối thoại ơn cứu độ.[30] Đó là chương trình và kế hoạch duy nhất của Đức Kitô. Còn Giáo hội chẳng có một chương trình hay kế hoạch nào ngoại trừ của Người.[31]
 
Chính Vatican II cho thấy Giáo hội là sự hiệp thông của các cộng đoàn, là Dân TC [thủ lãnh: Đức Kitô; hiến chương: các mối phúc, luật lệ: tình yêu; đặc tính: bình đẳng].[32]
 
Description: http://ghhv.quetroi.net/63NGUYENVANNOI/images/mohinhgiaohoi05.jpg
Mô hình: GH hiệp thông
 
Vatican II nói Giáo hội là sự hiệp thông, là phương thế và dấu chỉ của hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và con người với nhau. Các giáo phụ như Augustinô đã nỗ lực suy niệm và sống hình ảnh này: Giáo hội, những người tội nhân được thánh hóa thành sự hiệp thông và dây bác ái và hiệp nhất. Thánh Ambrosiô từng gọi Giáo hội là cô gái điếm được xót thương, được giao hòa, được nên tinh tuyền. Tất cả đều như muốn làm sống lại, theo thời đại và não trạng riêng của mình, Giáo hội thuở ban đầu là hiệp thông [bấy giờ các tín hữu một lòng một chí] nhờ hoán cải, hòa giải [họ đau đớn trong lòng] và đối thoại [công đồng Giêrusalem đầu tiên].
 
Như thế, Giáo hội Chúa Kitô ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế trần. Giáo hội không phải là chủ thể đối đầu hay ganh đua để khẳng định mình. Chúa Kitô không muốn một Giáo hội như thế. Ngài muốn một giáo hội mà các tín hữu ở trong thế gian giống như linh hồn ở trong thân xác.[33] Đức Giêsu muốn một Giáo hội lo đến sứ mệnh hội nhập văn hóa, nói theo ngôn ngữ ngày nay. Điều ấy không hàm ẩn đối thoại và giao hòa dẫn tới hiệp thông làm giàu lẫn nhau giữa văn hóa và Tin mừng hay sao? Giáo hội ở trong thế gian không phải là một thực thể được khác biệt và nhận biết nhờ tập tục, áo quần, ngôn ngữ, phong tục khác người, nhưng bằng cách sống, nếp nghĩ và hành xử của đức tin, cậy và mến mãnh liệt. Giáo hội được nhận biết bằng cách lo cho những con người nghèo khổ, bị bỏ rơi, ở vùng ven thuộc bất kỳ văn hóa, chính trị nào. Chân lý này, Phó tế Laurensô đã nói lên cách mãnh liệt: người nghèo là gia sản đích thực của Giáo hội. Chính như thế mà tác vụ giao hòa được hiện thực cho sự hiệp thông.
 
Cơ cấu bí tích trong Giáo hội cũng cho thấy chân lý hiệp thông trong đối thoại và giao hòa này. Các bí tích trong Giáo hội luôn mang tính đối thoại và giao hòa để dẫn tới hiệp thông; ngay cả đến bí tích xức dầu cũng mang hai chiều kích này. Bí tích ban sức mạnh để những người lãnh nhận trở thành con người hòa giải và đối thoại xây dựng sự hiệp thông, văn minh tình thương.
 
Chính vì thế, ta hiểu rằng tội lỗi trầm trọng trong đời sống đức tin là chia tách đức tin và đời sống, khiến cho phần rỗi bị lâm nguy.[34] Chỉ có thể vượt thắng nguy cơ này bằng nỗ lực giao hòa trong đối thoại. Hội nhập văn hóa cũng là hình thức của một cuộc đối thoại để dẫn tới hiệp thông sâu xa hơn, nhờ hòa giải được những xung khắc. Cho nên, ta hiểu tại sao chủ nghĩa cá nhân luôn nghịch lại với mầu nhiệm Giáo hội. Nó luôn cản trở đối thoại và giao hòa. Nó phá hủy sự hiệp thông, vì đi liền với loại trừ.[35]
 
Vậy Giáo hội sẽ tỏ lộ mình đang phục vụ cho Vương quốc Thiên Chúa, khi trình bày mình là GIÁO HỘI HIỆP THÔNG QUA ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI. TIN MỪNG CHÚA GIÊSU được nhìn theo lăng kính hiệp thông qua đối thoại và hòa giải chắc chắn sẽ mang đến những câu trả lời cho những thao thức sâu kín nhất của con người đang kinh nghiệm sự chia rẽ nơi chính mình và trong một thế giới hận thù, bạo lực và chia rẽ.
 
3. Khoa Huấn giáo về Vương quốc của Giáo hội hiệp thông
 
Nếu ơn cứu độ của Tin mừng mang tính thiết thực và hiện sinh, thì buộc lòng giáo lý viên chúng ta phải tự hỏi: đâu là tin mừng cho trẻ em chúng ta, cho người dự tòng, đang sống trong những hình thức nô lệ của xã hội hôm nay? Đâu là tin mừng cho trẻ đang bị vây bủa bởi muôn ngàn đề nghị thỏa mãn, bắt mắt của xã hội đang bị dung tục ngày một hơn? Khi hỏi như thế, giáo lý viên bị thách đố rất lớn là cá nhân mình phải thật sự kinh nghiệm vẻ ngời sáng của Tin mừng trước. Giáo lý viên phải kinh nghiệm nơi bản thân mình rằng Vương quốc Thiên Chúa thực sự làm mình mãn nguyện; khi đó, ta xác tín Tin mừng về Vương quốc có thể làm thỏa nỗi khát sâu xa nhất của con người: hiệp nhất với Thiên Chúa và mọi người. Và khoa huấn giáo như thế sẽ không còn mang tính chất suy lý nữa. Nó liên quan đến cõi lòng và lương tâm.
 
Như tông huấn Evangelii Nuntiandi cho thấy hoạt động loan báo tin mừng rất đa dạng và Huấn giáo là một trong những hoạt động ấy nhằm đào sâu lời rao giảng ban đầu để trở thành sức sống. Nó luôn mang tính hữu cơ và tiệm tiến. Thế nhưng nó không thể nào xa lìa với lời rao giảng ban đầu. Nói khác đi, huấn giáo”phải diễn đạt tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đi trước bất kỳ bổn phận luân lý và tôn giáo nào từ phía chúng ta; nó không được áp đặt chân lý nhưng kêu nài tới tự do; nó phải được ghi dấu bởi niềm vui, khích lệ, sự sống động, và sự hòa hợp quân bình sẽ không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết mà đôi khi mang tính triết học hơn tin mừng. Tất cả điều này đòi hỏi về phía người loan báo tin mừng một vài thái độ vốn cổ xúy sự rộng mở đối với sứ điệp: tính có thể đến gần được, sẵn sàng đối thoại, kiên nhân, nồng ấm và đón chào không chút phê phán”.[36]
Rõ ràng một huấn giáo đích thực phải vun trồng, xây dựng và phát triển hiệp thông qua nỗ lực hòa giải và đối thoại. Đó là cách thức cụ thể cho việc hoán cải của những môn đệ Đức Kitô hôm nay trong thế giới tục hóa.
 
Chính vì thế, cần thiết để đi theo Con đường mỹ lệ. Không chỉ trình bày giáo lý như cái gì đúng và tốt, mà còn phải cho thấy vẻ mỹ lệ. Hiệp thông chân thật không phải là vẻ đẹp đức tin sao? Hòa giải được những kẻ tử thù qua đối thoại không là vẻ đẹp tuyệt vời mà Tin mừng có thể mang lại sao? Từ đó mở ra ngôn ngữ của chính Đức Giêsu: ngôn ngữ của dụ ngôn.
 
“Chúng ta phải đủ can đảm để khám phá những dấu chỉ và biểu tượng mới, xác thể mới để nhập thể và thông truyền Lời, những hình thức mới của vẻ đẹp được đánh giá cao trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, gồm những dạng thái không theo qui ước của vẻ đẹp vốn có nghĩa ít ỏi cho những nhà loan bao tin mừng, song lại hấp dẫn đặc biệt cho những người khác”.[37]
 
Chính các giáo phụ hiểu về huấn giáo như là giải thích mầu nhiệm, như là dẫn vào nhiệm huấn, dẫn vào thần hiệp, khai tâm vào thần nghiệm. Huấn giáo đúng là như thế đó, ở đó kiến thức phải phục vụ cho sự hiệp thông mật thiết với TC để khai mào cuộc biến đổi tận căn.
 
Vậy khoa huấn giáo hôm nay đòi hỏi một sự chuyển mình từ:
 
– hướng nhìn qui về Giáo hội sang hướng nhìn qui về Vương quốc trong công bình, yêu thương, hoan lạc và hy vọng;
 
– hướng nhìn suy lý và thông tin về các chân lý đức tin sang hướng nhìn Tin mừng và những hình ảnh đẹp và sống động trong các nền văn hóa và gần gũi với dân chúng;
 
– hướng nhìn cho xong “các bí tích” sang hướng nhìn “gặp gỡ Đấng yêu thương” trong tha thứ và đối thoại.
 
– hướng nhìn “giáo lý viên là vai chính” sang hướng nhìn “Chúa Giêsu là vai chính” bằng những vun trồng thinh lặng và cầu nguyện.
 
– hướng nhìn tĩnh sang hướng động của mục vụ [tình yêu của vị Mục Tử nhân lành, để ý đến những con chiên xa lạc hơn].
 
4. Một vài ứng dụng cụ thể vào việc dạy giáo lý
 
Đến đây, chúng ta thấy cần đến một vài quyết định nào đó để có thể làm cho những suy tư trên thành hiện thực. Ta cần đến những bước bé nhỏ song dứt khoát và quyết liệt để làm cho cỗ xe chuyển mình.
 
a. Về phía Giáo lý viên
 
* Trình bày hình ảnh hiệp thông, qua đối thoại và hòa giải. Xuống khỏi bục để tiếp đón các em.
 
* lắng nghe những tâm tư của các em. Chỉ làm được bằng sự thân tình và yêu thương tạo nên tín nhiệm. Chỉ khi có tín nhiệm mới có giáo dục mà thôi.
 
* hòa giải những xung khắc giữa các em với nhau: tạo nên tinh thần đồng trách nhiệm, chia sẻ và tinh thần gia đình. Chú ý tới những biến động xảy ra cho từng em.
 
* ghi nhớ rằng các thiếu niên trong thế giới hôm nay bị vây bọc bởi muôn ngàn hình thức nô lệ mà không biết. [từ nhỏ đã được ‘dạy’ như thế: mới sinh ra đã dán mắt vào ipad, iphone để chia trí và khỏi khóc]
 
* chúng vẫn thao thức một điều gì đó rất sâu thẳm mà chúng không gọi tên ra được. Huấn giáo đích thực sẽ đáp ứng vào điều sâu thẳm đó. Đức Giêsu để cho ai đó lo về cái bên ngoài, còn ngài chỉ quan tâm đến cái bên trong.
 
b. Về phương pháp
 
* dành giờ thinh lặng trước Lời Chúa, dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhờ đó, cuộc gặp gỡ giữa cá nhân và Thiên Chúa được hiện thực.
 
* đặt cầu nguyện như cao điểm của giờ giáo lý.
 
* đào sâu vào xác tín quan yếu của chứng nhân hơn là tìm tòi những kiến thức rời rạc. Hãy nhìn đến vẻ đẹp toàn diện của đức tin hơn là đi vào những phân mảng lẻ tẻ.
 
* hãy đặt câu hỏi và cổ võ chúng đặt những câu hỏi để cho thấy huấn giáo trả lời cho những khắc khoải sâu xa nhất của chúng, trên đường thành người và thành môn đệ của Đức Kitô.
 
KẾT LUẬN
 
Chúng ta đã cùng nhau nhìn về Giáo hội tại VN dưới một thao thức chuyên biệt: huấn giáo. Chúng ta muốn nhìn thấy ở Huấn giáo này một Giáo hội “biết mùi của chiên”, những con người Chúa sai Giáo hội tới. Con người hôm nay không phải là một vấn đề, một bài toán cho Giáo hội. Họ luôn là những con người được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Ngài ấn định rằng trong lịch sử được dư tràn ơn cứu độ thì không một quyền lực nào có thể tách con người ra khỏi tình yêu ấy được hiện thực trong Đức Giêsu. Con người vẫn là những người được thừa hưởng Vương quốc Thiên Chúa, xuyên qua một Giáo hội lấm láp vì ở đường phố với họ; một Giáo hội chấp nhận mất chính mình, mất sự dễ chịu của mình chắc chắn tìm lại được chính mình giữa nhân loại được yêu thương, vì chính Chúa Giêsu-Tin mừng duy nhất của Giáo hội.
 
Như thế, huấn giáo về Vương quốc không gì khác hơn là Huấn giáo về ĐỨC GIÊSU NHƯ ĐIỂM GẶP GỠ DUY NHẤT CỦA HAI MỐI TÌNH: TC VÀ NHÂN LOẠI. ĐỨC GIÊSU LÀ SỰ HIỆP THÔNG DUY NHẤT GIỮA TC VÀ NHÂN LOẠI TRONG MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI (MẦU NHIỆM NHẬP THỂ VÀ CỨU CHUỘC).
 
Đào sâu và kinh nghiệm một Đức Giêsu đầy lòng xót thương của Tin mừng, Giáo hội như sự hiệp thông của các cộng đoàn, như bí tích của Vương quốc sẽ cam kết đối thoại và hòa giải. Đây là điều mà Giáo hội có thể cống hiến cho nhân loại chia rẽ hôm nay. Giáo hội phải vươn ra để hàn gắn mọi chia rẽ bằng đối thoại, chứ không phải bằng đối đầu. Sự hòa giải của đối thoại luôn mang lại phúc lành.
 
Trong ánh sáng đó, giáo lý viên đào luyện mình trở thành người đối thoại và hòa giải; nhờ kinh nghiệm thiết thực đó, họ có thể dẫn thanh thiếu niên kinh nghiệm sự hiệp thông đích thực như một tặng phẩm và trách nhiệm trong một thế giới mà trong đó bạo lực, chia rẽ, hận thù và kỳ thị như thể đang lên ngôi. Dù đôi lúc, giáo lý viên có thể như thấy rằng bất lực để đối thoại và giao hòa giữa các học sinh và thanh thiếu niên của mình, lúc đó họ hãy ngước nhìn lên trong thâm tín và hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ thua cuộc, vì chính Ngài, chứ không ai khác, sẽ dứt khoát làm nên một vương quốc bình an, hy vọng, ân sủng và hạnh phúc.
 

[1] X. Đức Phanxicô, bài nói chuyện với giáo lý viên, ngày 27/9/2013.
[2] Tôi muốn nhấn mạnh đến chân tính của giáo lý viên với ba động từ rõ rệt: suy niệm, sống và giảng dạy. Dạy giáo lý là điều đến sau như kết quả thiết yếu của suy niệm và sống giáo lý. Từ đó, ta thấy thiếu sót chết người như sau: Nhiều khi chúng ta đến lớp giáo lý mà không có chút giờ cầu nguyện, suy niệm và sống chân lý đó.
[3] X. Đức Phanxicô, nói chuyện với Giáo lý viên, ngày 27/9/2013.
[4] X. Phaolô VI, EN 63
[5] X. Đức Phanxicô, bài giáo lý buổi triều yết chung thứ Tư, ngày 25 tháng Sáu 2014.
[6] X. Vatican II, LG; Gioan XXIII, Pacem in terris; Phaolô VI, Ecclesiam suam; Evangelii Nuntiandi; Gioan Phaolô II, Missio redemptoris; Đức Phanxicô: “Thực thế, Giáo hội không phải là một thể chế tập trung vào chính mình hay là một hiệp hội tư nhân, một NGO, và thậm chí ít hơn nữa nó giới hạn khóe nhìn của mình vào hàng giáo sĩ hay vào Vatican”. Buổi nói chuyện chung ngày 18 tháng Sáu, 2014.
[7] X. F. Matera, Những nền thần học về Giáo hội trong Tân ước.
[8] X. LG chương I-II.
[9] X. Đức Phanxicô, bài nói chuyện với giáo lý viên ngày 27/9/2013.
[10] X. Phaolô VI, EN 60; tôi dùng hạn từ sứ mệnh-huấn giáo, vì trong EN nói tới huấn giáo là một trong những hình thức của sứ mệnh loan báo tin mừng được trao cho toàn Giáo hội và từng môn đệ Đức Kitô.
[11] X. Trong khóa họp các nhà đào tạo tại Dalat 2014, một linh mục miêu tả lại sự “tuyệt thông” của chính gia đình công giáo của mình với họ hàng ngoại giáo ở làng bên cạnh.
[12] Đức Phanxicô cho thấy một Kitô giáo “theo nố” (có được làm điều này không? Làm thế có tội không?…) là dấu hiệu của một tình trạng đức tin thiếu trưởng thành.
[13] X. Phaolô VI, EN; Phanxicô, EG.
[14] X. Phaolo VI, Năm thánh Canh Tân và Hòa Giải, sau Vatican II; “Hòa bình là kết quả của đối thoại”. Cũng x. Đức Phanxicô: những bài nói chuyện khi thăm viếng Trung đông-Israel; sáng kiến các lãnh tụ của Israel-Palestine gặp nhau cầu nguyện tại Vatican.
[15] X. Đinh Đức Đạo: Thế tục hóa và việc huấn luyện chủng sinh tại Việt nam hôm nay.
[16] X. Đinh Đức Đạo, như trên.
[17] X. Những bài viết của các tác giả về triết lý giáo dục tại VN hôm nay.
[18] X. Đức Phanxicô, bài nói chuyện với giáo lý viên ngày 27/9/2013.
[19] X. Peter Phan, “Proclamation of the Reign of God as Mission of the Church: What for, to Whom, by Whom, with Whom, and How?”, bài nói chuyện tại hội nghị hàng năm của United States Catholic Mission Association tại Memphis, Tennessee, 26-28 October, 2001.
[20] X. Đức Phanxicô, Niềm vui Tin mừng.
[21] X. Bênêđictô, Introduction to Christianity; Deus caritas est, phần I; cũng x. J. Dupuis, who do you say I am?
[22] X. Phaolô VI, EN 8-21; Phanxicô EG;
[23] Bài ca của thánh Phan Sinh; cũng x. Phaolô VI, EN 32-39.
[24] X. Phaolô VI, EN 15; Gioan Phaolô II, Missio Redemptoris.
[25] X. Gioan XXIII, diễn từ khai mạc Công đồng Vatican II; Phaolô VI, Ecclesiam Suam và diễn từ khóa họp công đồng Vatican II ngày 29 tháng Chín, 1963 với bốn điểm ưu tiên sau: Giáo hội hiểu về mình hơn; canh tân Giáo hội; đẩy mạnh sự hiệp nhất và đối thoại với thế giới; Bênêđictô XVI, Spe Savi; Yves Congar, Le Mystère de L’eglise; LM. Pascual Chavez, Bề Trên Tổng quyền Salêdiêng ghi nhận về những hình ảnh mà Đức Phanxicô dùng để nói về Giáo hội như sau: Đằng sau “lối nói giản dị thường ngày [đây] là những yếu tố của một giáo huấn phong phú về tính cách mới mẻ của Tin Mừng! Ở đây có cả một quan niệm mới về Giáo hội (GC27).
[26] X. Phaolô VI, EN 15; Gioan Phaolô II, Ut sint unum.
[27] X. Bênêđictô XVI, Deus caritas est; Frank Matera, Những nền thần học về Giáo hội trong Tân ước.
[28] Avery Dulles, Models of the Church.
[29] Không một tông đồ nào mà không có tội: Phêrô, Matthêu, Gioan (con của Thiên lôi! Sấm sét!)….
[30] X. Phaolô VI, Ecclesiam Suam, 73; Evangelii Nuntiandi; FABC papers 60; Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, April 29th, 1979.
[31] X. Bênêđictô XVI, diễn từ ngày lãnh tác vụ Giám mục Roma.
[32] X. Gioan Phaolô II, Vita Consecrata; Missio redemptoris; Ratzinger, “Giáo hội của Vatican II”; FABC papers n. 60 “Những luận đề về Giáo hội địa phương”.
[33] X. Tác giả thế kỷ thứ hai; LG 39.
[34] X. GS 42-44.
[35] GC27: “thế giới của người trẻ luôn khao khát sự thông giao chân thực và mối tương quan trong sạch. Khi mà các gia đình và xã hội bị phân rẽ, chúng ta đề ra một lối sống khác được xây dựng trên sự kính trọng và cộng tác với người khác; khi sự bất bình đẳng và bất công đậm nét, chúng ta đề xuất chứng tá hòa bình và hòa giải” (số 40).
[36] Evangelii Gaudium, 165.
[37] Evangelii Gaudium, 167.
 
Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.
Nguồn: giaolyductin.net
 

“TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN KITÔ GIÁO” TRONG LÃNH VỰC HUẤN GIÁO

 

“TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN KITÔ GIÁO” TRONG LÃNH VỰC HUẤN GIÁO

 

 
 
 
Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Thường kỳ lần thứ 13 đã diễn ra tại Roma từ ngày 7-10 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Hội Thánh đang ở trong một giai đoạn lịch sử mới với một bối cảnh văn hóa xã hội mới, vì thế cần phải duyệt xét lại toàn bộ sinh hoạt của Hội Thánh để có thể thông truyền đức tin Kitô giáo cho anh chị em mình. Trong khuôn khổ bài này, nội dung được giới hạn trong lãnh vực huấn giáo.
 
1.      Bối cảnh văn hóa mới
 
Tân Phúc-Âm-hóa là loan báo Tin Mừng trong một giai đoạn lịch sử mới, cho con người của thế giới hôm nay. Con người trong xã hội hiện đại bị chi phối bởi não trạng thế tục, sống theo óc thực dụng, đề cao vật chất, tìm hưởng thụ. Đã có nhiều bài trình bày thực trạng ấy, ở đây xin bổ túc một khía cạnh khác.
 
Ngoài não trạng tục hóa, còn phải nói đến một văn hóa mới của thời đại chúng ta, một thời kỳ được nhiều người gọi là “hậu-hiện-đại”.
 
Thời hậu hiện đại bắt đầu từ khoảng năm 1960 bên phương Tây, với những bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật và vi tính, cùng với sự nở rộ và đa dạng của các phương tiện truyền thông xã hội. Những thay đổi này gây nên một biến chuyển sâu đậm trên bình diện văn hóa, trên não trạng, tâm tư, phán đoán, cảm tính, trên lối sống và hành động của con người.
 
Thật ra hậu hiện đại là gì, chưa ai có thể xác định, vì nó đang hình thành dần dần trong xã hội của chúng ta, từ cách sống của từng người từng ngày từng nơi. Người ta gọi là hậu hiện đại vì nó nối tiếp thời hiện đại của những thế kỷ trước.
 
Chuyển biến từ hiện đại sang hậu hiện đại
 
Thời hiện đại bắt đầu từ thời các triết gia của thế kỷ Ánh Sáng. Người ta tin vào lý trí và khoa học, do đó muốn loại bỏ mọi thứ uy quyền. Thiên Chúa, tôn giáo, truyền thống, bị hạ bệ và được thay bằng uy quyền của lý trí và khoa học. Con người là thước đo của vạn vật.
 
Con người tin vào khả năng của lý trí, do đó tri thức được coi là chắc chắn, khách quan, đúng đắn, và đưa tới tiến bộ. Với khả năng của lý trí, con người có thể biết được chân lý.
 
Phát triển khoa học và tự do suy tư làm tăng thêm kiến thức, ngày càng nhiều và trong mọi lãnh vực. Đến một lúc nào đó thì người ta nhận ra rằng kiến thức bị xé vụn, mỗi người chỉ biết được một số kiến thức trong phạm vi rất nhỏ bé của mình. Con người không thể biết được “Chân lý”.
 
Nhân loại mong phát triển khoa học kỹ thuật, nhưng hậu quả lại là hai cuộc thế chiến và những cuộc chiến tranh quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, những cuộc tàn sát tập thể, chủ nghĩa quốc gia quá khích, chiến tranh hạt nhân, hủy hoại môi trường. Xem ra kỹ thuật làm mất đi tính người. Lý trí bóp chết tình cảm, trí tưởng tượng và trực giác của con người.
 
Dần dần viễn tượng lạc quan của thời hiện đại mờ nhạt đi để nhường chỗ cho thất vọng và chán chường. Thời hậu hiện đại muốn loại bỏ thứ văn hóa hiện đại.
 
Những đặc tính của thời hậu hiện đại
 
Nếu thời hiện đại là thời của duy lý, thì trong thời hậu hiện đại, lý trí không còn được tôn thờ nữa. Không còn chân lý tuyệt đối, khách quan, chắc chắn, có sức thuyết phục mọi người, nhưng từ nay mỗi người có chân lý của mình. Chân lý chỉ là chủ quan, nó chỉ có ý nghĩa với cá nhân từng người. Tất cả chỉ là tương đối.
 
Trong thời hiện đại, tôn giáo và Thiên Chúa bị loại bỏ, nhưng ít nữa còn có uy quyền của lý trí, nhưng trong thời hậu hiện đại, không còn quyền bính nào có thể áp đặt trên con người.
Nếu trong thời hiện đại, hiện tượng chủ nghĩa cá nhân đã lớn mạnh, thì trong thời hậu hiện đại, trào lưu ấy còn mạnh hơn nữa: lý trí mất địa vị tối thượng, không còn quyền bính, coi mọi sự chỉ là tương đối, ai cũng muốn tự khẳng định mình. Có thể gọi đây là siêu chủ nghĩa cá nhân. Cái được đề cao ngày nay là kinh nghiệm cá nhân, những tâm tình cảm xúc cá nhân. Nguyên lý “Tôi cảm thấy, vậy tôi hiện hữu” thay cho nguyên lý “tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu” của Descartes.
 
Tính cách cá nhân được đề cao tối đa, nên mỗi người có chọn lựa riêng của mình. Hơn nữa, chọn lựa cá nhân cũng không cần lâu dài, mà tùy theo hoàn cảnh, tùy từng lúc từng nơi. Người ta sống cho hiện tại, không cần nghĩ tới tương lai. Sở dĩ như vậy là vì người ta không còn tinh thần lạc quan của thời hiện đại nữa. Con người thời nay thường sống trong bi quan và hoài nghi, thậm chí nhiều lúc thất vọng.
 
Trong thời hiện đại, tôn giáo bị loại bỏ, Thiên Chúa bị gạt sang một bên. Nhưng trong thời hậu hiện đại, dường như có một sự trở về với tôn giáo. Thật ra tôn giáo ở đây không có nghĩa như thường hiểu, mà chỉ là một niềm tin nào đó, một tâm tình tôn giáo mông lung. Mỗi người có niềm tin của mình, mỗi người đặt hy vọng vào một điều gì đó huyền bí, nhiều khi chỉ là tin vu vơ, không cần hữu lý, không gọi tên được. Sự trở về với tâm tình tôn giáo như vậy cho thấy con người không thể sống mà không có một thứ tín ngưỡng nào đó.
 
Con người-đối tượng để loan báo Tin Mừng, và con người-chủ thể loan báo, cả hai đều đang sống trong văn hóa hậu hiện đại và ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của văn hóa này. Công cuộc loan báo Tin Mừng phải được thực hiện thế nào bởi / cho con người ấy?
 
2.      Tân Phúc-Âm-hóa
 
Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II là người đầu tiên dùng từ “Tân Phúc-Âm-hóa” khi ngài về thăm quê hương Ba Lan vào năm 1979. Trong cuộc nói chuyện với Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh vào năm 1983, ngài đã xác định ý nghĩa của từ ngữ “mới” : không phải là một Phúc Âm mới, nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả”.
 
Huấn giáo là một lãnh vực đặc biệt quan trọng trong công cuộc “Tân Phúc-Âm-hóa”, nên cũng cần đổi mới về lòng nhiệt thành, về phương pháp và cách diễn tả.
 
 
Mới về lòng nhiệt thành
 
Người loan báo Tin Mừng phải là người đầy Thánh Thần. Chính Thánh Thần ban cho ta “tinh thần” truyền giáo, nghĩa là một sự thúc đẩy từ bên trong đem lại nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, tràn đầy yêu thương, có sức làm lây lan (x. EG 261).
 
Điều đầu tiên phải làm mới là nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên đây không phải là sự sôi nổi hăng say hoặc hiếu động trên bình diện tâm lý. Nhiệt tình ở đây chính là chia sẻ niềm vui của đời sống Kitô hữu phát xuất từ sự gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Giáo lý viên là người cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vì được Chúa yêu thương, nên được thôi thúc từ bên trong để thông truyền niềm vui ấy cho người khác. Giáo lý viên không phải là người làm công tác dạy giáo lý, trái lại, họ  giáo lý viên, nghĩa là giáo lý mà họ thông truyền không phải chỉ là kiến thức mà họ đã thuộc, mà là chính Đức Kitô đã thấm nhuần và biến đổi cuộc đời họ. Nói cách khác, giáo lý viên là người đầy tràn Đức Kitô, và niềm vui này tự lan tỏa.
 
Do đó giáo lý viên cần làm mới lại đời sống Kitô hữu: “xuất phát lại từ Đức Kitô”, khám phá vẻ đẹp và sự mới mẻ ngàn đời của Đức Kitô, để nhờ đó làm cho tương quan giữa bản thân với Đức Kitô được sống động và chi phối toàn thể cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi nào “ở lại” trong Chúa, đời sống Kitô hữu mới trổ sinh hoa trái. Đó là điều kiện sinh tử.
 
Để thông truyền đức tin Kitô giáo, chính giáo lý viên phải là người đầy xác tín về Phúc Âm mà mình loan báo. Trong bối cảnh của trào lưu đa nguyên và chủ nghĩa tương đối, niềm xác tín Kitô hữu là tối quan trọng. Trong khi vẫn tôn trọng chân lý và giá trị cứu độ của các tôn giáo khác, giáo lý viên không thể không khẳng định Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian với tất cả xác tín và ý thức. Giáo lý viên không thể giống như người rao bán một sản phẩm mà chính mình cũng không tin và không dùng. “Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai.” (EG 266)
 
Niềm xác tín này không hề mang tính lý thuyết và dừng lại trên bình diện tri thức. Nó phải thấm nhập vào trong tâm tình và cảm xúc, trong lối sống của giáo lý viên. Nói cách khác, đó chính là đời sống của một chứng nhân. Con người trong thế giới hôm nay không tin vào lý thuyết, cũng không muốn bị thuyết phục bởi lý lẽ, nhưng cảm xúc lại dễ bị đánh động. “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”. Điều này lại càng đúng khi nhớ lại rằng dạy giáo lý không chỉ là thông truyền đầy đủ kiến thức về đức tin một cách hệ thống, mà còn là dẫn đưa người khác vào sự hiệp thông với Đức Kitô và đi theo lối sống mới Ngài.
 
Mới về phương pháp
 
Như vừa nhắc đến trên đây, huấn giáo không phải là một lớp học trình bày một số kiến thức liên quan đến đức tin Kitô giáo. Huấn giáo nhằm tới một mục tiêu xa hơn. Đành rằng trong việc dạy giáo lý có dạy một số chân lý là nội dung đức tin, nhưng các chân lý ấy không được dừng lại nơi trí khôn, nhưng phải dẫn đến trái tim và hành động, phải đưa con người đến chỗ yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa và sống như Chúa dạy. Xem ra việc dạy giáo lý của chúng ta mới chỉ dừng lại trong một “LỚP” giáo lý. Cần ra khỏi khuôn khổ của một lớp học như trong trường phổ thông.
 
Điều thứ hai cần ghi nhận là các văn kiện của Tòa Thánh luôn yêu cầu khi dạy giáo lý phải trình bày đức tin Kitô giáo cách đầy đủ, toàn vẹn, có hệ thống. Như thế nào là đầy đủ và toàn vẹn? Hình như có sự hiểu sai về những từ ngữ này. Đa số thường hiểu theo nghĩa số lượng, nhưng thực ra kiểu nói ở đây nhắm đến phẩm tính hơn là số lượng. Xét về số lượng, một ly nước đầy chắc chắn ít nước hơn một bể nước đầy. Nhưng xét về phẩm tính, cả hai cùng đầy tràn, toàn vẹn, không thiếu. Nhiều khi việc dạy giáo lý của chúng ta đã nhồi nhét quá nhiều kiến thức với những ngôn ngữ thật trừu tượng. Giáo lý cho thiếu nhi nhiều khi chỉ là sự rút ngắn của sách “Giáo lý của Hội Thánh Công giáo”, một bản văn được viết cho cả giám mục và thần học gia ! Phải thành thật tự hỏi xem các dự tòng có hiểu và cảm nhận được gì từ sách giáo lý dự tòng như hiện có? Dạy thật nhiều lý thuyết nhưng lại không hiệu quả, vì mới dừng lại ở bình diện trí khôn, chưa chuyển sang cái “tâm” và cái “hành”, không khơi dậy được sự cảm nhận từ trong cõi lòng và không dẫn đến hành động. Dĩ nhiên, cái ly phải ngày càng lớn lên, những thể tích nhỏ phải ngày càng phình to, như vậy con người mới phát triển quân bình về mọi chiều kích.
 
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng vào lãnh vực huấn giáo. Mỗi phương pháp đều có những điểm hay riêng của nó, cần được áp dụng cách linh động cho từng đối tượng từng lúc từng nơi, và cần bổ túc cho nhau. Thời đại mới hôm nay cũng cần chú ý đến những phương pháp mới phù hợp với con người hiện đại. Một vài phương pháp cần được quan tâm.
 
Kể chuyện Đức Giêsu
 
Con người thời nay không thích suy tư trừu tượng, lý luận dài dòng. Phương pháp diễn dịch hệ thống xem ra khó lôi cuốn được họ. Người ta thích những gì cụ thể, sống động, những gì gây ấn tượng và cảm xúc nơi bản thân. Đặc biệt con người Việt Nam nói riêng cũng như người châu Á nói chung thích hình thức kể chuyện. Liên Hội Đồng Giám Mục châu Á (FABC) đã nhiều lần giới thiệu phương pháp này, và tông huấn “Giáo Hội tại châu Á” đã minh nhiên kêu gọi : “Phải giới thiệu Đức Giêsu Kitô như Đấng thoả mãn những khát vọng sâu xa của con người, được diễn tả qua các thần thoại và văn chương dân gian của các dân tộc châu Á. Nói chung, nên dành ưu tiên cho phương pháp kể chuyện gần gũi với các hình thức văn hoá của châu Á. Thật ra, việc loan báo Đức Giêsu Kitô có thể đạt hiệu quả nhất với phương pháp kể lại cuộc đời Ngài, như các sách Tin Mừng đã làm… Thượng Hội Đồng còn nhắc nhở việc giảng dạy giáo lý tiếp theo sau đó nên theo phương pháp sư phạm gợi ý, nghĩa là vận dụng các câu truyện, dụ ngôn và biểu tượng, là những điều hết sức đặc thù trong phương pháp giảng dạy của người Châu Á.” (EAs 20)
 
Cùng với việc kể chuyện cuộc đời Đức Giêsu, giới thiệu đời sống các thánh và những mẫu gương thánh thiện của các Kitô hữu khắp nơi là một cách tác động rất hiệu quả trên đời sống đức tin. Đó là một cách diễn giải cụ thể chân lý đức tin. Những gương sáng có khả năng giáo dục đức tin hiệu quả hơn lời nói rất nhiều. Hơn nữa, hằng ngày con người trong thế giới hôm nay phải chứng kiến quá nhiều sự dữ, bất công và hận thù, dễ đi đến hoài nghi và bi quan, không còn muốn tin vào bất cứ lý thuyết nào. Chính những mẫu gương thánh thiện sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ và giúp họ củng cố lòng tin và niềm hy vọng.
 
Con đường thẩm mỹ
 
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần XII, một đề tài được đề cập khá nhiều đó là cái đẹp. Trong tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi quan tâm đến con đường thẩm mỹ (via pulchritudinis). “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên mọi cách diễn tả cái đẹp đích thực đều có thể được nhìn nhận là một con đường dẫn ta tới gặp gỡ Chúa Giêsu … Nó là một sự quí chuộng mới đối với cái đẹp như là phương tiện làm rung động trái tim con người và giúp cho sự thật và sự tốt lành của Đức Kitô Phục sinh trở nên rạng rỡ trong đó. Như thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ yêu cái gì đẹp, thì Con Thiên Chúa nhập thể, hiện thân của mặc khải về cái đẹp vô biên, là Đấng đáng yêu tột độ và lôi kéo chúng ta đến với Ngài bằng sợi dây tình yêu. Vì vậy một sự đào luyện theo con đường thẩm mỹ phải là một thành phần trong cố gắng của chúng ta để bước vào đức tin.” (EG 167)
 
Trong lãnh vực huấn giáo, càng ngày người ta càng nhận thức được tầm quan trọng của việc dùng các loại hình nghệ thuật để chuyển tải sứ điệp Phúc Âm. Thi ca, âm nhạc, hình ảnh, hội họa, phim, … là những “ngôn ngữ dụ ngôn mới” để thông truyền đức tin ; nhất là với các phương tiện truyền thông hiện đại, các ngôn ngữ này sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt. “Chúng ta phải đủ mạnh dạn để khám phá ra những ký hiệu mới và những biểu tượng mới, da thịt mới, để thông truyền lời, cùng với những cách biểu hiện khác nhau của cái đẹp được ưa thích trong các nền văn hoá khác nhau, gồm cả những hình thái phá cách của cái đẹp, tuy có thể ít quan trọng đối với những người rao giảng Tin Mừng, nhưng lại đặc biệt hấp dẫn đối với những người khác.” (EG 167)
 
Gặp gỡ cá nhân
 
Để dạy giáo lý, chúng ta đã triển khai các phương pháp cho một “LỚP” giáo lý, nghĩa là cho một tập thể các học viên. Các chân lý được trình bày cho một đám đông mà không lưu tâm tới nét đặc thù của mỗi học viên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của huấn giáo, thiết tưởng cần quan tâm tới từng cá thể trong “lớp” giáo lý. Những điều mà tông huấn “Giáo hội tại châu Á” và tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” dạy về truyền giáo nói chung có thể được áp dụng vào huấn giáo : “Chính Đức Giêsu trong khi thi hành sứ vụ cũng đề cao giá trị của việc tiếp xúc cá nhân. Việc này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng phải quan tâm tới tình cảnh của người nghe, để có thể loan báo cho họ phù hợp với trình độ trưởng thành của họ, theo một hình thức và dùng một ngôn ngữ thích hợp.” (EAs 20; x. EG 169-171).
 
Thực tế điều này xem ra không thể thực hiện được, nếu không muốn nói là ảo tưởng, vì không thể tìm đâu ra cho đủ số giáo lý viên để gặp gỡ từng học viên. Tuy nhiên, ít nữa điều này nhắc nhở các giáo lý viên không được chỉ là những giảng viên dạy hay, dạy xong bài, nhưng còn là những người thông truyền đức tin, và vì thế có trách nhiệm quan tâm đến đức tin của mỗi cá nhân được tăng trưởng thế nào qua các “bài” giáo lý để từ đó bổ túc những gì còn thiếu sót. Tình trạng nhiều Kitô hữu xa rời đức tin có nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề dạy giáo lý. Những người xa rời đức tin hôm nay cũng là những người đã theo học các lớpgiáo lý, đã thuộc bài giáo lý, nhưng có lẽ cũng chỉ như theo một lớp học phổ thông.
 
 
Cách diễn tả mới
 
Dạy giáo lý trong bối cảnh tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi canh tân cách diễn tả sao cho người nghe có thể hiểu được.
 
Ngôn ngữ rao giảng
 
Con người thời nay được tác động trên bình diện cảm xúc nhiều hơn trên bình diện suy tư. Ngôn ngữ hữu thể luận trừu tượng và lôgic chặt chẽ ít tác động trên các tâm hồn bằng những gợi ý, những hình ảnh và kinh nghiệm thực tế của cuộc sống hằng ngày. Những người dạy giáo lý, nhất là các mục tử được đào tạo theo tư duy kinh viện, đã quen với lối suy tư và diễn đạt bằng những khái niệm hữu thể luận, sẽ thấy rằng những hình ảnh và những kinh nghiệm không thể diễn đạt đầy đủ nội dung đức tin. Tuy nhiên nếu cứ dừng lại ở bình diện suy tư trừu tượng, con người thời nay không thể hiểu và cũng không muốn lắng nghe sứ điệp của Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác : “Đôi khi ta mất dân vì dân không hiểu ta nói gì, vì ta quên khuấy cả ngôn ngữ đơn giản để đưa vào chủ nghĩa duy trí, một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với dân.[1] Ngay cả trong thần học tín lý khi nói về mầu nhiệm Ba Ngôi, các nhà thần học nhận ra rằng nếu chỉ dừng lại ở những ý niệm hữu thể trừu tượng, sẽ làm cho mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo trở nên khô cằn thiếu sức sống và có nguy cơ ngày càng rời xa Tin Mừng. Do đó, ngày nay khi trình bày mầu nhiệm Ba Ngôi, các tác giả luôn diễn tả dưới khía cạnh lịch sử cứu độ: Ba Ngôi trong tương quan cụ thể với con người. Cần phải giữ cho sứ điệp Tin Mừng luôn đơn giản.
 
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đức tin bước vào Hội Thánh qua trái tim người nghèo, chứ không qua đầu óc người trí thức. “Có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người tầm thường, mầu nhiệm bước vào họ qua ngả trái tim.” Theo Đức Thánh Cha, vai trò truyền giáo của Hội Thánh không phải để thắng một luận điểm mà là để cung hiến một điều gì đẹp đẽ. Ngài nói: “Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới lôi cuốn người ta. Phương thức của Thiên Chúa là phương thức lôi kéo, quyến rũ … Thiên Chúa làm sống lại trong ta ước muốn mời gọi người lân cận, ngõ hầu làm họ nhận ra vẻ đẹp của Ngài. Truyền giáo đã phát sinh từ chính sự quyến rũ thần linh đó, một quyến rũ phát sinh từ gặp gỡ.[2] Khi truyền đạt chân lý Tin Mừng, “phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh” (EG 157).
 
Lẽ dĩ nhiên, ngôn ngữ hữu thể luận là điều phải có, vì nó diễn tả mầu nhiệm cách chính xác và sâu xa; nhưng để được lắng nghe và được hiểu, “Hội Thánh cần phải cởi mở tiếp nhận các phương pháp vừa mới mẻ vừa bất ngờ có thể được dùng để giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu tại châu Á” (EAs 20). Thay vì lý luận cao siêu, tốt hơn nên trình bày cái đúng cái tốt của Tin Mừng một cách “thẩm mỹ” để nó tỏa chiếu sức hấp dẫn lôi cuốn người khác.
 
Sứ điệp cốt yếu
 
Sứ điệp mà Hội Thánh rao giảng là một sứ điệp đơn giản. Tất cả các chân lý đức tin tuy nhiều nhưng có một sự hài hòa và một thứ tự ưu tiên xoay quanh trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng. “Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết.” (EG 36). “Sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục.” (EG 35)
 
Một trong những nhược điểm của các giáo lý viên là cố nhồi nhét cho các học viên thật nhiều kiến thức, biến Tin Mừng thành một bài giáo khoa với đủ thứ bổn phận, những việc phải làm, phải hy sinh chịu đựng. Phải làm cho Tin Mừng chiếu tỏa vẻ đẹp và niềm vui chứ không là gánh nặng. Đời sống Kitô hữu phải đầy tràn niềm vui vì được Chúa yêu thương và cứu độ, được gặp Chúa là Đấng đã chết và sống lại vì mình. Đó mới là điều thiết yếu.
 
Nếu trong năm phụng vụ, một cha xứ giảng về đức tiết độ mười lần nhưng chỉ nói về bác ái hay công bình hai hay ba lần, như thế là mất cân đối, nhất là vì nó cho thấy có sự sao lãng các nhân đức lẽ ra phải được nhắc đến nhiều nhất trong bài giảng và giáo lý. Cũng có sự mất cân đối như thế khi ta nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa.” (EG 38)
 
Luân lý Kitô giáo không phải là một dạng của chủ nghĩa khắc kỷ, hay thái độ từ bỏ mình, cũng không phải một thứ triết học thực hành, hay một danh mục các tội lỗi. Trên hết, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại vị Thiên Chúa của tình thương, Đấng cứu độ chúng ta, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và ra khỏi bản thân mình để tìm lợi ích cho tha nhân. Trong mọi hoàn cảnh, ta không được phép làm lu mờ lời mời gọi này! Tất cả các nhân đức là để giúp ta đáp lại tình thương này. Nếu lời mời gọi này không chiếu toả một cách sinh động và hấp dẫn, toà nhà giáo huấn luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành một căn nhà bằng giấy, và đây là mối nguy lớn nhất của chúng ta. Trong trường hợp này, điều chúng ta giảng không phải là Tin Mừng, mà là một số điểm về giáo điều hay luân lý dựa trên một số chọn lựa ý thức hệ đặc thù. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất đi sự tươi trẻ và sẽ không còn là “hương thơm của Tin Mừng”.” (EG 39)
 
Nhìn chung, các sách giáo lý hiện có chưa làm tỏa ra “hương thơm của Tin Mừng”. Thay vì loan báo một tin vui phát xuất từ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, giáo lý viên thường tạo nên một tin buồn vì quá nhấn mạnh đến gánh nặng của những bổn phận chi ly. Chúng ta có thể làm một cuộc kiểm tra thực tế : sau khi học giáo lý, các học viên ra về mang tâm trạng vui tươi hạnh phúc, thanh thản phấn khởi, và muốn giữ mãi niềm phấn khích này, hay ngược lại, họ cảm thấy sung sướng vì đã thoát được một giờ tù túng ngột ngạt và muốn quên ngay những gì vừa nghe ?
 
Kết luận
 
Công cuộc tân Phúc-Âm-hóa đòi chúng ta mạnh dạn và dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân mục vụ giáo lý, nếu chúng ta muốn cho Tin Mừng còn được lắng nghe. Tin Mừng nhiều khi bị biến thành một món đồ khảo cổ và giáo lý viên vô tình trở thành người thuyết minh trong bảo tàng viện. Tin Mừng là sự sống, và sự sống thì luôn tươi mới hấp dẫn. Một người đầy niềm vui Phúc Âm trong lòng sẽ tìm ra nhiều cơ hội và phương thế để làm cho niềm vui lan tỏa sang nhiều người. Nếu là niềm vui đích thực, niềm vui sẽ tự lan tỏa.
 
+ Giuse Nguyễn Năng
 

[1] Xem diễn văn của ĐTC Phanxicô nói với các giám mục Brazil ngày 28-7-2013, tại http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile.html
[2] Ibid.
Tác giả: + Giuse Nguyễn Năng
Nguồn: giaolyductin.net
Pin It

Gửi phản hồi