Cuba dưới mắt một vị giám mục Hoa Kỳ
Các nhà tâm lý và khoa học xã hội cho rằng những ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng và những ấn tượng ấy được ta tạo ra rất nhanh, có thể chỉ trong vòng năm giây sau khi ta gặp một ai đó. Tháng Ba vừa qua, tôi đã gặp Cuba. Ba ngày tại đảo quốc này, phần để chứng kiến cuộc tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI, phần để quan sát việc làm của Caritas Cubana vốn được Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo (CRS) hỗ trợ, đã để lại trong tôi những ấn tượng đầu tiên hết sức mạnh mẽ.
Cuba dưới mắt một vị giám mục Hoa Kỳ
Các nhà tâm lý và khoa học xã hội cho rằng những ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng và những ấn tượng ấy được ta tạo ra rất nhanh, có thể chỉ trong vòng năm giây sau khi ta gặp một ai đó. Tháng Ba vừa qua, tôi đã gặp Cuba. Ba ngày tại đảo quốc này, phần để chứng kiến cuộc tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI, phần để quan sát việc làm của Caritas Cubana vốn được Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo (CRS) hỗ trợ, đã để lại trong tôi những ấn tượng đầu tiên hết sức mạnh mẽ.
Dĩ nhiên, tôi hiểu rõ: một chuyến thăm chỉ có ba ngày thì không thể biến người ta thành chuyên viên hay khó có thể đưa ra một hình ảnh đầy đủ, nhất là khi đề cập tới một điều tế nhị và phức tạp. Tuy nhiên, ba ngày cũng có thể đem lại cho ta khá nhiều ấn tượng đầu tiên, và chắc chắn đó là cảm nghiệm của tôi tại Cuba.
Khó có khung cảnh nào đẹp hơn khi được thấy làn nước biển xanh biếc của Cảng Havana phản ảnh chân trời thành phố. Và quả không có gì mát mẻ cho bằng làn gío thoảng thổi từ biển Carribean vào làm dịu lại cái nóng ban ngày.
Những công trình tu bổ và tái thiết thành cổ Havana, chủ yếu do Unesco tài trợ, tương phản hẳn với những cấu trúc cũ kỹ, xuống cấp kế cận. Những toà kiến trúc tuyệt diệu, không được tu bổ chăm sóc, đã đổ sập như những lâu đài bằng cát bị sóng biển quét đi.
Việc sụp đổ của Liên Bang Xô Viết đầu thập niên 1990 đã gây ra nhiều thiệt hại liên hệ rất lớn lao cho Cuba. Tài trợ của Xô Viết không còn, nên nhiều công trình bị hư nát, nhiều người trở thành tuyệt vọng.
Các bảng quảng cáo dựng ở khắp nơi nhắc nhở người ta rằng xã hội cần đến xã hội chủ nghĩa, rằng xã hội chủ nghĩa đáp ứng mọi hy vọng và lắng lo ¡Mas Socialismo! ¡Socialismo hoy, mañana, y siempre!
Ấy thế nhưng xã hội chủ nghĩa đã đẩy không biết bao nhiêu người ra bên lề xã hội Cuba. Chủ nghĩa này đã dẫn đến việc kiểm soát đời sống người dân, hạn chế các tự do của họ và khiến người dân phải đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi khác.
POCO A POCO
Tôi từng hy vọng nghe được sự bất mãn của người dân, nghe họ nổi giận và hận thù, nhưng tôi ít thấy những điều đó. Như thể người ta không thích nói đến những bất ổn đang xẩy ra. Chỉ biết chờ, hy vọng mọi sự sẽ tự chúng trở nên tốt. Dù sao, những người cầm quyền cũng đã già nua và thời gian sẽ loại bỏ họ. Poco a poco (từ từ) rồi sự việc sẽ thay đổi.
Người dân Cuba rất cần cù, tự hào và sẵn sàng thay đổi. Họ đã sống nhiều thời gian khó khăn, nhưng vẫn luôn hy vọng, sôi nổi.
Cuốc bộ trên các đường phố Santiago và Havana, tôi gặp được nhiều người tuyệt vời đang chạy ngược chạy xuôi kiếm sống, một cuộc sống khó khăn với thật ít cơ hội làm việc và càng ít cơ hội để tiến thân hơn. Tôi đã thấy trẻ em đạp những chiếc xe đạp han rỉ. Phần lớn xe hơi thuộc thập niên 1950. Chủ nhân của chúng vẫn tìm cách cho chúng chạy được. Tôi đã cuốc bộ dọc theo các cửa tiệm ngoại ô nơi có thật ít đồ bày bán. Các chạn bếp đều trống rỗng. Với những người dân Cuba bình thường, cuộc sống quả là chật vật, nhất là với những người cao niên và rất trẻ.
Tôi rất có ấn tượng trước việc Caritas Cubana đang cố gắng đáp ứng các nhu cầu rộng lớn khắp Cuba, với sự hợp tác của Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo. Tôi đã gặp Maritza Sanchez, giám đốc Caritas Cubana, một phụ nữ duyên dáng, đầy nghị lực, hết sức dấn thân, đã cố gắng rất nhiều để thu phục lòng tín nhiệm của chính phủ, ngõ hầu Caritas có thể tiếp tục trợ giúp người túng thiếu. Nhân viên của bà trợ giúp người cao niên, các gia đình khốn khó, các cha mẹ phải chăm sóc những đứa con mắc hội chứng Down hoặc những người mang HIV-AIDS.
Chúng tôi đã tới một trong những khu vực nghèo nhất Cuba để thăm một trung tâm chăm sóc người cao niên là những người thường bị gạt ra ngoài mạng lưới an toàn của hệ thống an sinh xã hội vốn tả tơi của quốc gia. Tại trung tâm này, các cụ có được những bữa ăn bổ dưỡng và thực phẩm cho tinh thần: được chú ý, được nhìn nhận và được cho hay là quan trọng, là đáng quan tâm. Một ông cụ, đầu đội chiếc mũ Havana kiểu tươi trẻ, cho hay tại trung tâm cụ đã làm quen với nhiều người và vui đùa ra sao với họ.
Maritza cũng cho tôi hay nhiều gia đình phải chật vật ra sao trong việc chăm sóc con cái của họ, nhất là những em có nhu cầu đặc biệt. Caritas Cubana cung cấp nơi trú ngụ cho nhiều trẻ em nghèo, nơi đây, các em được ăn uống, được an toàn nghỉ ngơi và yêu thương chăm sóc. Cơ quan này cũng hợp tác với các cha mẹ trong việc giáo dục để họ biết cách xử lý với các nhu cầu đặc biệt của trẻ em mang hội chứng Down.
Giáo Hội Cuba sẵn sàng làm hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của rất nhiều người. Cuba chính thức vô thần từ 1962 tới 1992. Trong thời gian này, thực hành tôn giáo bị hạn chế rất nhiều, người có tín ngưỡng thường bị khích bác chỉ trích. Tuy thế, trong mấy ngày Đức GH thăm viếng, hàng trăm nghìn người đã cuốc bộ, có khi hàng dặm, để tới quảng trường Antonio Maceo gần Đền Thờ De La Caridad de Combre ở Santiago de Cuba, và tụ họp tại Quảng Trường Cách Mạng Plaza Jose Marti ở Havana để tham dự các cử hành Thánh Thể với Đức Thánh Cha. Cả một dòng sông người chẩy theo những đường phố cấm xe dẫn tới các địa điểm cử hành. Một số tới bằng xe lăn tay, một số chống gậy mà đến. Các thiếu niên, đầu đội nón giấy mầu vàng, mầu của Đức Giáo Hoàng, tung tăng chạy tìm chỗ tốt nhất để theo dõi biến cố. Các biểu ngữ chăng dọc theo các đường phố cố tình cho Đức Giáo Hoàng thấy ngài được hoan nghinh.
Tại nơi cử hành, mọi người rầm rộ hoan hô khi chiếc xe chở hình Đức Mẹ De la Caridad de Combre trên mui xuất hiện ở cổng. Lòng sùng kính của giáo dân đối với Đức Mẹ quả là hiển nhiên, Ngài là quan thầy của Cuba. Đức tin vẫn được duy trì sâu sắc trong tâm hồn người dân nước này.
Người ta ước lượng: chừng 60 phần trăm người Cuba theo Công Giáo, nhưng chỉ có chừng 6 phần trăm người Công Giáo Cuba thường xuyên tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, rõ ràng là người dân biết cầu nguyện và cảm thấy gần gũi với Thánh Nữ Trinh Maria, Đấng tiếp tục đưa người ta tới cùng Chúa Giêsu.
Sứ mệnh của Đức Bênêđíctô
Đức GH Bênêđíctô, trong tư cách người hành hương bác ái, với cử chỉ trầm tĩnh, lịch lãm, đầy suy tư, đã lôi cuốn sự chú ý của cả thế giới hướng về Cuba và nhận được sự ưu ái của nhân dân Cuba. Khi đặt chân xuống đất nước này, ngài được Chủ Tịch Raul Castro chào mừng. Đức Giáo Hoàng lôi cuốn được vị lãnh tụ này, người bị nhiều người sợ sệt, nhiều người khác khinh ghét, nhưng cũng không thiếu người hết lòng trung thành. Lời lẽ của Đức Bênêđíctô trong suốt cuộc viếng thăm này có tính chừng mực, một thứ “búa bằng nhung”, dịu dàng đấy nhưng rõ ràng là có tính thúc đẩy phải thay đổi, phải cởi mở. Ngài kêu gọi phải có một Cuba cho mọi người dân Cuba.
Đức Bênêđíctô cũng đề cập tới cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, khi kêu gọi bớt cô lập đi và tăng thêm gắn bó nhiều hơn. Có lúc, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc cấm vận đã kéo dài hơn 50 năm qua do Tổng Thống John F. Kennedy áp đặt. Cuộc cấm vận này chưa đạt được mục tiêu thúc đẩy Cuba tiến tới dân chủ nhiều hơn. Đức Giáo Hoàng đề ra một phương án khác.
Chủ Tịch Castro và các thành viên khác của chính phủ đứng bên cạnh Đức Giáo Hoàng ở các nơi công cộng. Họ ngồi ở hàng đầu trong các Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng. Sau cuộc tông du này, Chủ Tịch Castro đã quyết định cho dân Cuba được hưởng một ngày nghỉ vào Thứ Sáu Tuần Thánh, một nhượng bộ nhỏ, nhưng cũng là một tia sáng hy vọng khiến sự việc thay đổi, hay ra khác. Chỉ thời gian mới nói được.
Đức Thánh Cha có hội kiến riêng với Fidel Castro. Tôi có chụp hình cuộc thảo luận giữa hai nhân vật già nua, mảnh khảnh này. Tuy cả hai vị đều yếu ớt hơn trước, ít nhanh nhẹn hơn, nhưng vẫn còn mạnh mẽ trong các xác tín của mình. Dù cuộc đời hai vị đã đi theo hai hướng khác nhau, nhưng hy vọng cuộc gặp gỡ này sẽ khiến tâm tư Castro nêu ra nhiều câu hỏi cho tương lai trước mặt, cho ông ta thấy điều gì đang chờ đợi ông, điều gì khiến cuộc đời ông đáng sống.
Sau ba ngày với thật nhiều ấn tượng ban đầu, nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất theo tôi về tận quê hương là ấn tượng này: Đức tin vẫn tồn tại sâu sắc trong tâm hồn người dân Cuba. Đức tin đang dấy lên niềm hy vọng rằng đời sống sẽ ra khác với nhiều cơ hội hơn và cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Nhân dân Cuba được ban tặng nhiều thiên phú, nhiều tài năng và nhiều tài nguyên. Họ sẵn sàng triển nở rực rỡ như cây hoa giấy nở rộ khiến bạn phải chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó.
Như Đức Bênêđíctô tuyên bố lúc tạm biệt xứ sở đầy hứa hạn này, “Thất vọng không mang lại hy vọng, lòng tốt sẽ đánh tan mọi bất trắc và là sức mạnh lớn lao mở ra cả một chân trời phúc lợi đầy bổ ích và bất ngờ”. Tôi kết thúc chuyến viếng thăm này với một xác tín diễm phúc rằng với thời gian mọi việc sẽ êm xuôi. Trong khi chờ đợi, mọi cố gắng cần được tiếp tục giúp cho Cuba nhập cuộc, như Đức GH đã làm với cuộc viếng thăm của ngài, bằng cách hòa mình với dân, lắng nghe các hy vọng và ước mơ của họ, kêu gọi họ canh tân đức tin. Ngài yêu cầu ta “bác bỏ các chủ trương bất di bất dịch và các quan điểm một chiều” để nhắm tới một hợp tác quốc tế lớn lao hơn, một hợp tác sẽ đem lại thay đổi.
Gerald F. Kicanas, Giám Mục Tucson, Ariz, Three Days in Cuba, America, May 2012