NGÀY 12 THÁNG 8 , KÍNH NHỚ THÁNH GIACOBE ĐỖ MAI NĂM , LINH MỤC TỬ ĐẠO

NGÀY 12 THÁNG 8 , KÍNH NHỚ THÁNH GIACOBE ĐỖ MAI NĂM , LINH MỤC TỬ ĐẠO ( Hình Đức Cha Linh và các Cha ở giáo phận Thanh Hóa thắp hương trước Hài Cốt Thánh Năm ở Giáo Xứ Sông Cầu , Thanh Hóa) 
CUỘC XƯNG ÐẠO VÀ TỬ ÐẠO CỦA
LINH MỤC GIACÔBÊ NĂM (MAI NGŨ)


Viếng Hài Cốt Thánh Nhân(bị bắt 3-7-1838, xử trảm 12-8-1838)
Cha Giacôbê Năm, chính tên là Mai Ngũ. Ngài sinh năm 1781 tại làng Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, dưới đời Tây Sơn. Ngài được gửi vào nhà Ðức Chúa Trời khi còn bé, rồi được gửi vào trường La Tinh ở Kẻ Vĩnh dưới đời Ðức Cha Giacobê Leager. Khi Thầy Năm đi giúp xứ, ngài được đức cha sai đi coi nhà thương Kẻ Vĩnh. Ban ngày thầy săn sóc bệnh nhân. Ban tối đi dạy trẻ em làng Kẻ Vĩnh. Người ta nói rằng thầy vui tính, quý trẻ con, nên trẻ con mến thầy lắm. Sau khi chấm dứt mấy năm giúp xứ, Thầy Năm được đức cha gọi về học lý đoán (thần học). Thầy chịu các chức nhỏ, rồi năm 1813 được đức cha truyền chức linh mục. Năm đó Cha Năm được 32 tuổị Sau khi chịu chức, Cha Năm được bài sai đi coi xứ. Các xứ ngài coi, dân chúng đều quý mến ngài. Ðến độ nửa đời người, đức cha gọi ngài về coi nhà chung. Ðược hai ba năm thì có lệnh vua cấm đạo, bắt các đạo trưởng và triệt hạ các nhà thờ. Bấy giờ nhà chung Kẻ Vĩnh phải giải tán. Cha Năm trốn tránh tại nhà ông trùm Tôn thuộc họ Kẻ Nguồi độ ba bốn năm. Khi đã bớt cơn cấm đạo, nhà chung lại phục hồi, Cha Năm lại trở về để cai quản nhà chung.

Ðộ ít lâu sau, các quan lại cấm đạo gắt gao, lần này nhà chung lại đóng cửa, và Cha Năm phải trốn tránh đi nơi khác. Cha đến ở nhà ông trùm Ðích ở làng Kẻ Vĩnh.

Tính Cha Năm hiền hòa vui vẻ, cha thường kể truyện giặc giã đời Tây Sơn cho người ta nghe, nhiều người quý mến ngài. Ngoài tính vui vẻ, Cha Năm còn có tính khiêm nhường, đạo đức, cứ giờ cứ mực mà ra đọc kinh. Khi ẩn ở nhà ông trùm Tôn, ngài đọc kinh cả ngày. Có lần người ta đến hầu thì phải đợi lâu mới vào được, vì ngài còn đang bận đọc kinh lần hạt. Ngài có đức vâng lời, không bao giờ phàn nàn bề trên điều gì. Ngài cũng có lòng thương người nghèo khó, khi ăn cơm ngài thường để dành cho kẻ khó một ít. Lúc chẳng có gì để cho kẻ khó, thì ngài cho thuốc viên. Ðối với vấn đề tử đạo, Cha Năm rất ao ước. Lần kia, cha được tin ông kia bỏ đạo thì buồn bã phàn nàn rằng: "Ôi ông ấy dại dột dường nào! Ông ấy được dịp tốt đến mà không chịu nhờ. Ðức Chúa Trời đã đem ông ấy vào đàng ngay nẻo chính để lên Thiên Ðàng, mà ông ấy không chịu đi. Giả như Chúa thương ban phúc ấy cho tôi, thì tôi chẳng dám từ chối. Giả như Chúa có liệu dịp tốt lành cho tôi như thế, thì tôi chẳng dám bỏ qua".

Ðang khi Cha Năm ẩn mình trong nhà ông trùm Ðích, thằng Tỉ quê ở Ðông Mạc và thằng Xuân quê ở Tiểu Tức Mạc về huyện Mĩ Lộc, được các quan tỉnh Nam Ðịnh sai đi do thám. Chúng đến làng Kẻ Vĩnh vào nhà ông trùm Ðích giả làm người xin đi làm thuê. Ông trùm Ðích vô tình không biết là quân do thám, nên thuê chúng làm mướn cho ông. Ngay cả dân làng cũng không ai ngờ chúng là quân do thám của tỉnh. Hai tên này chẳng làm thuê nhà ông trùm được bao lâu, chúng liền bỏ đi, khi trở về chúng dẫn quân lính đến để bắt ông trùm và Cha Năm. Lúc đó dân làng mới biết chúng là quân do thám. Hai tên Tỉ và Xuân sau khi đã lấy đủ bằng chứng về Cha Năm, và các đồ thờ phượng chứa trong nhà ông trùm, chúng về tỉnh báo cáo với cấp trên.

Bấy giờ ông Trịnh Quang Khanh đang làm tuần phủ Nam Ðịnh. Ông bị vua triệu về kinh quở trách nặng nề, vì không bắt đạo theo ý vua. Cho nên ông ấy càng ra sức bắt đạo dữ tợn để vừa lòng vua. Ông có lòng ghét đạo chẳng khác nào quan tổng đốc Nguyễn Ðình Tân đời vua Tự Ðức. Ông Trịnh Quang Khanh chẳng những bắt các quan phải lùng bắt đạo, mà mỗi khi ông được báo cáo chính ông đi tầm nã người Công Giáo. Lần này vừa được tin, ông chia làm hai đạo quân: Một đạo quân đi đường bộ, một đạo quân đi đường thủy để vây làng Kẻ Vĩnh. Năm Minh Mệnh thứ 19, sáng ngày 3-7, khi mặt trời vừa mới mọc, quan quân vây 4 mặt làng Kẻ Vĩnh. Ông tuần phủ đi thuyền đến bến Kẻ Vĩnh, lên ngôi đình làng, đòi lý trưởng là ông Lý Mỹ (con rể ông trùm Ðích) và đàn anh trong làng ra truyền rao mõ gọi mọi người, từ 18 tuổi trở lên, phải đến tại đình điểm danh. Ông còn bắt lý trưởng làm tờ cam kết hễ bắt được đạo trưởng và đồ đạo quốc cấm trong làng, thì phải chịu tội.

Ðang khi tuần phủ ngồi tại đình truyền lệnh, thì hai thằng làm thuê nhà ông trùm Ðích dẫn cai đội và mấy người lính đến vây nhà ông trùm Ðích. Thoạt tiên được tin tuần phủ đến vây làng, và truyền mọi người đến điểm danh, Cha Năm thắt lưng xắn quần xắn áo toan đi làm cơm cho quan như những người dân khác. Nhưng cha chưa kịp đi lính đã ập tới nhà ông trùm Ðích. Thấy cha trắng trẻo, sang tướng và râu ria đẹp đẽ, lính liền chặn hỏi: "Ông có phải là cụ chăng?"

Cha Năm trả lời rằng: "Tôi là người nhà này".

Bấy giờ hai thằng do thám liền la lên: "Ông ấy là cụ Năm đó. Chính cụ đang ở nhà này".

Cha Năm bảo rằng: "Phải, tôi là cụ đây".

Cha vừa nói xong thì quân lính bắt trói ngài và ông trùm Ðích đem nộp cho quan đang ngồi tại đình. Khi đến trước mặt quan, cha cũng xưng mình là đạo trưởng. Quan bảo rằng triều đình đã nghiêm cấm đạo Gia Tô, sao chẳng về nhà làm ăn, còn giảng đạo làm chi? Sau đó quan hỏi cha có chịu bỏ đạo không, Cha Năm thưa: "Bẩm quan lớn, chúng tôi không bỏ đạo".

Quan hỏi sơ qua rồi truyền đóng gông cha, cùng ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ là con rể ông trùm Ðích đem xuống thuyền giải ra Nam Ðịnh.

Khi Cha Năm đến Nam Ðịnh thì phải giam vào ngục thất ngay. Hôm sau các quan điệu ngài ra tra khảo bắt bỏ đạo. Cha Năm khẳng khái trả lời quan: "Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi khuyên dạy kẻ khác. Nếu chính kẻ làm đạo trưởng chẳng chịu chết vì đạo, thì còn ai chịu chết vì đạo nữa?"

– "Nếu ông cứ nói giọng này thì ông phải chết chẳng có lẽ nào sống được. Ta thấy ông là người lương thiện hẳn hoi nên ta muốn cho ông được sống. Ta khuyên ông nên vâng lời Ðức Hoàng Ðế mà bỏ đạo".

– "Bẩm lạy quan lớn, tôi đã bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết, vì dù quan lớn có tha chẳng giết tôi, chẳng bao lâu tôi cũng chết vì bệnh. Nhưng nếu quan lớn giết tôi vì đạo tôi lại được nhiều ơn ích hơn là tôi chết vì bệnh. Vì nếu tôi chết vì đạo, tôi sẽ được chết vì Chúa tôi, đấng đã chịu chết cho tôi và tôi chóng được phần phúc Người đã hứa ban cho những kẻ giữ lòng trung cùng Người cho đến sau hết".

Các quan thấy Cha Năm ăn nói cả quyết cứng cát và chỉ ao ước được chết vì đạo, thì biết rằng chẳng có thể nào dụ dỗ ngài bỏ đạo được, và dù có tra tấn ngài mặc lòng thì cũng vô ích mà thôi, cho nên chẳng những các quan chẳng tra khảo mà cũng chẳng đánh đập ngài. Hơn nữa các quan thấy ngài đã có tuổi, ăn nói lễ phép nên cũng thương không bắt ngài mang gông cùm ban ngày mà chỉ bắt mang ban đêm thôi. Các quan cũng làm ngơ để cho cha đi lại trong tù dễ dàng. Ở đây lại được dịp cho cha truyền giáo. Ðối với những người ngoại giáo thì cha yên ủi giảng dạy cho họ. Ðối với những người có đạo thì cha nâng đỡ và khuyên bảo họ mạnh dạn xưng đức tin. Trường hợp ông trùm Ðích, tuổi đã cao, và rất sợ hãi không biết có chịu nổi các thử thách và đòn đánh đến giây phút cuối cùng không, Cha Năm luôn khuyên bảo ông can đảm chịu đựng vì Chúa: "Khi được ơn Chúa giúp sức thì chẳng có hình khổ dữ tợn và đau đớn nào mà người ta chẳng chịu nổi. Như trường hợp Thánh Laurenso bị nướng trên giường sắt, ba trẻ đi trong lò lửa".

Nhờ cha mà ông trùm Ðích can đảm chịu chết vì Chúa cùng một lượt với cha và con rể của ông.

Giam cha được mấy ngày, quan lại đòi cha ra hầu tòa lần nữa, lần này các quan lại khuyên cha bỏ đạo, ngài từ chối không chịu bỏ đạo. Các quan lại hỏi ai đã truyền chức linh mục cho cha? Và các đạo trưởng Tây ở đâu? Cha Năm trả lời quan rằng ngài được Ðức Cha Giacôbê Leager truyền chức, Ðức Cha Giacôbê đã qua đời ở làng Kẻ Vĩnh bẩy tám năm trước đây. Còn về các đạo trưởng tây đang ở đâu, thì ngài không biết, vì từ khi triều đình cấm đạo, thì ai nấy tìm đàng mà trốn tránh, mỗi người một nơi không ai có thể biết được.

Có người cho rằng, có một bà vợ quan án cùng quê với Cha Năm, nói với các quan lớn, xin các quan lớn thương cha đừng làm khổ cha, cho nên cha không phải chịu khổ. Ban ngày cha được tự do đi lại, và ban đêm ngài chỉ phải đeo gông nhẹ. Trong những ngày tù có nhiều người nghèo khó cùng ở trong tù với Cha Năm. Cha lấy những của ăn mà bổn đạo làm phước cho ngài để chia xẻ với những người trong tù.

Sau nhiều ngày trong tù, các quan thấy Cha Năm không thay dạ đổi lòng, và biết không thể nào khuyên cha bỏ đạo, thì làm án xin xử tử cha. Án của cha như sau: "Tên Mai Ngũ là đạo trưởng đã theo tây dương đạo trưởng Giacôbê (Ðức Cha Leager) từ thuở nhỏ đến lớn, đã tin đạo Gia Tô cùng in đạo ấy vào lòng đến nỗi không còn hiểu được sự phải trái. Lại bởi tên ấy cứ một mực chấp mê cứng cổ bất khẳng quá khóa, bất tuân quốc pháp, thì chúng tôi đã luận cho nó phải trảm quyết cùng bêu đầu ba ngày để cho ai nấy phải sợ và đừng bắt chước nó nữa".

Cha Năm biết các quan làm sớ về triều rồi thì chắc chẳng bao lâu nữa mình sẽ phải xử, cho nên dọn mình chết rất kỹ càng. Cha xưng tội rất nhiều lần. Trong hơn một tháng, Cha Năm, ông Trùm Antôn Ðích và ông Lý Mỹ bị giam chung, cả ba đọc kinh tối sớm với nhau lớn tiếng mà chẳng ai nói chẳng ai cấm. Cũng vào thời ấy có hai ba cha thuộc địa phận Ðông cũng bị giam, các cha xưng tội với nhau.

Các quan làm án được 15 ngày thì vua Minh Mạng chuẩn y. Chiếu chỉ vua đến Nam Ðịnh ngày 11-8. Ngày hôm sau, Cha Năm, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ bị xử trảm. Các ngài bị đưa đến một nơi gọi là Bảy Mẫu, pháp trường nơi xử tù nhân xưa nay. Trên đường đi các ngài ca hát vui vẻ lắm. Dân chúng kéo đi xem rất đông. Hai ông quan giám sát cưỡi hai voi và hơn hai trăm quân lính kéo ra lối cửa Bắc đi trước, Cha Năm, ông trùm Ðích, ông Lý Mỹ mang gông mang xiềng đi sau. Lại có ba tên lính mang thẻ đã đề tên ba đấng đi trước các ngài. Rồi đến Cha Năm đi trước, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ theo sau. Thỉnh thoảng Cha Năm bảo người ta: "Này đạo trưởng đây, đến mà xem".

Gặp những người quen, ngài chào từ giã vui vẻ: "Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, nhưng sau này chúng ta sẽ gặp nhau".

Kẻ có đạo thì khóc lóc, còn người ngoại thì cười xem có điềm gì không. Bỗng chốc có đám mây trắng vuông vắn, có riềm xanh bốn bên chung quanh, như hình một cái chiếu. Khỏi một chốc, mây ấy tan đi một góc, kẻ ngoại thấy vậy thì tin rằng đó là chiếu ba đấng ngồi trên trời, bốn góc thì tan đi một còn ba, vì chỉ có ba vị. Một lúc nữa thì lại có mây trắng khác hình như cầu vồng, ở bên Ðông kéo sang bên Tây. Kẻ ngoại lại kháo nhau đó là cầu cho các đấng ấy qua mà về trời.

Khi đến pháp trường, Cha Năm quỳ xuống cái chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích đã trải sẵn. Ba đấng cầu nguyện một lúc. Sau đó quan giám sát dịch loa, truyền mọi người yên lặng. Quan truyền lịch: "Các người hãy đến để xử những tên theo ông Giêsu. Nếu ai còn dám theo tôn giáo này, thì hãy biết rằng lệnh vua sẽ xử trảm như những tên can phạm này".

Sau đó một tên lính cầm thẻ đề tên Cha Năm mà rao cho mọi người nghe: "Tên Mai Ngũ này là đạo trưởng, quê Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã theo đạo Gia Tô từ thuở còn bé. Lại bất khẳng bỏ đạo thì đức Hoàng Ðế truyền cho nó phải trảm quyết và bêu đầu ba ngày cho người ta xem thấy mà sợ cùng đừng bắt chước nó".

Rao lệnh xong, quan truyền lên hiệu xử tử. Vừa đánh chiêng xong thì tên lý hình chém một nhát, đầu Cha Năm liền đứt và nó cầm đầu ngài tung lên cho các quan xem. Xử ba đấng xong, quan quân kéo về tỉnh. Vừa đến cửa thành, có một con chim ngậm tờ giấy trắng đậu trên nóc một căn nhà liền bay lên cao. Kẻ ngoại đạo trông thấy thì kháo nhau rằng: "Ba đấng ấy chết oan, chim này đem đơn lên trời để kiện các quan đã làm án xử ba ông ấy".

Sau khi lính đã về tỉnh, ông Lý Thi được phép quan đưa xác Cha Năm, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ về Kẻ Vĩnh. Những người làng Kẻ Vĩnh ra tỉnh khiêng xác ba đấng ấy về lối cầu Gia Vụ bản, đến Kẻ Thừa thì trời tối. Khi về gần làng Kẻ Vĩnh, dân làng đốt đóm đuốc, đánh trống rầm rã cả lên để ra đón vui vẻ mừng rỡ hết sức. Xác Cha Năm được táng tại đầu nhà thờ, còn đầu ngài phải bêu ngoài tỉnh ba ngày, rồi sau cũng đưa về Kẻ Vĩnh, để vào cái vại an táng ở đầu quan tài ngài.

Sau thời bách đạo, nhà chung dựng nhà mồ ở đấy cùng treo câu đối như sau:

Hoành hành nghĩa khí quần gian cụ,
Lẫm lẫm trung thành vạn cổ sư.

Sau Ðức Cha Liêu truyền bọc xác ngài đưa về Pháp, song vì cấm đạo ngặt không đưa về được, thì ông Trứ là người họ Kẻ Tướng, giữ chờ đến khi tha đạo, rồi đức cha truyền ông trả xác lại cho nhà chung Kẻ Sở.

Cha Năm chịu tử vì đạo ngày 12-8-1838. Lúc đó ngài được 57 tuổi và làm linh mục được 25 năm.

 
 
Pin It

Gửi phản hồi