Lần chuỗi Mân Côi các bạn ơi…!

Lần chuỗi Mân Côi các bạn ơi…!
 
 
Bạn thân mến, chúng ta chuẩn bị bước vào tháng 10 – tháng Mân Côi. Kinh Mân Côi hay còn gọi là Kinh Hoa Hồng (bởi vì theo sự tích kể lại thì ngày xưa có một tu sĩ siêng năng lần chuỗi Mân Côi và Đức Mẹ đã cho một phép lạ cho những bông hoa hồng nở trên môi của thầy và kết thành một tràng hoa đội đầu). Kinh Mân Côi là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chúc gồm một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh này để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến cuộc đời của Chúa Giêsu hay Đức Mẹ đó là: 5 Mầu Nhiệm Vui, 5 Mầu Nhiệm Sáng, 5 Mầu Nhiệm Thương và 5 Mầu Nhiệm Mừng.
Từ trước tới nay trong lịch sử Giáo Hội, đã có vô số người lãnh nhận được những ơn ích thiêng liêng về phần hồn cũng như phần xác nhờ việc đọc kinh Mân Côi. Việc đọc kinh Mân Côi là một việc đạo đức có từ lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo. Các Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và giáo dân đều có thói quen lần chuỗi Mân Côi hàng ngày, và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng đã nhấn mạnh: “Tự bản chất, kinh Mân Côi là lời kinh cầu cho Hòa Bình.” Hòa bình ở đây mang nhiều nghĩa: Hòa bình trong tâm hồn mỗi người, hòa bình trong gia đình, hòa bình trong đất nước và hòa bình cho toàn thế giới. Và một điều chắc chắn mà tôi đã từng biết khi đọc tiểu sử các thánh trong Giáo Hội đó là hầu hết các vị thánh đều có lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc đọc kinh Mân Côi.
Có rất nhiều lời hứa của Đức Mẹ dành cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi, ở đây tôi chỉ xin được tóm lại 10 lời hứa chính mà tôi đã đọc và thu thập được từ khắp nơi. Xin mời chúng ta cùng click xem đoạn video sau để biết rõ:
http://www.youtube.com/watch?v=d_Sv8865V50&list=PLosRt-84-9uS02bPoHQKeCVhgUFqsa_Xv
 
Nguyện xin Mẹ Maria bầu cử cùng Chúa chúc lành cho tất cả mọi người. Xin cám ơn quý độc giả và chúng ta cùng cố gắng nhắc nhở nhau lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, cách đặc biệt trong tháng 10 này để cầu nguyện cho nhau và cho Hòa Bình thế giới.
Lợi Nguyễn SJ

S

 

Được đăng bởi Nguyễn Thái Hùng vào lúc 08:29 Không có nhận xét nào: 

Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên TwitterChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest

 

Ngày 29 tháng 9 Lễ Thiên Thần Micae, Gabriel, Raphael Lễ Kính

 

Ngày 29 tháng 9
Lễ Thiên Thần Micae, Gabriel, Raphael
Lễ Kính
 
Chúng ta mừng các vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng Thế cho tới sách Khải Huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ. Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống.
 
Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14
"Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
 
Hoặc đọc: Kh 12, 7-12
"Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Ðã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.
Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: "Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!"
Ðó là lời Chúa.
 
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Ðáp.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Ðáp.
3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: "Thực vinh quang của Chúa lớn lao!" – Ðáp.
 
Alleluia: Tv 102, 21
Alleluia, alleluia! – Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. – Alleluia.
 
Phúc Âm: Ga 1, 47-51
"Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Ðó là lời Chúa.
 

 

Suy niệm : Bước Vào Nước Trời
Bài trình thuật Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay diễn tả sự kiện tông đồ Philipphê muốn thuyết phục người bạn của mình là Nathanaen rằng ông đã tìm thấy Ðấng cứu thế mà Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên đoán trước, đó là Chúa Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse. Nhưng Nathanaen là người công chính và có lòng tôn kính Thiên Chúa, và cũng như nhiều người Do Thái thời đó ông đang trông chờ Ðấng cứu thế đến. Chính lòng khao khát được trông thấy Ðấng cứu thế đã thúc đẩy ông nghe theo lời của Philipphê mà tới gặp Chúa Giêsu. Ông gặp và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấu được những khát vọng sâu xa trong tâm hồn của ông, đó là lòng ao ước được nhận biết Thiên Chúa và được hiệp thông với Ngài trong sự vinh hiển muôn đời.
Chúa Giêsu đã ban cho Nathanaen một niềm tin mới vào Ðấng cứu thế mà dân tộc Do Thái đã chờ đợi từ lâu là Ngài chính là chiếc thang nối kết giữa Nước Trời với trần gian, như Thiên Chúa đã mở rộng cánh cửa cho tổ phụ Giacóp để đưa ông và dân tộc Do Thái vào Nước Trời với Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu cũng mạc khải cho Nathanaen thấy rằng Ngài chính là Ðấng sẽ phải đến để hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Giacóp.
Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm cho sự cứu rỗi của nhân loại và thông qua sự cứu rỗi và mầu nhiệm Phục Sinh đã mở rộng con đường cho tất cả nhân loại bước vào một mối liên hệ mới là trở nên các con cái của Ngài. Con Một Thiên Chúa đã mở rộng con đường cho nhân loại đi vào Nước Trời cũng như mang Nưới Trời vào thế gian và vào trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, điều đó có nghĩa là Nước Trời hiện diện ở những ai đi tìm kiếm và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.
Mười hai môn đệ ở kề cận với Chúa Giêsu để được dịp chứng kiến sự kiện Chúa Cha tác động và ngự trên Chúa Con. Sự kết hợp được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất qua mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chính vào giây phút Ngài được nâng lên trên thập giá để bước vào sự vinh hiển muôn đời của Chúa Cha, tất cả chúng ta cũng được gọi để dự phần vào sự mạc khải này và mỗi lần chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế là chúng ta sống lại mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, là vị thượng tế và là con chiên hiến tế trong giao ước mới giữa Chúa Cha và nhân loại.
Lạy Chúa Cha trên trời,
Qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Cha đã chỉ đường cho chúng con bước vào Nước Trời như chính Cha đã mạc khải cho các tổ phụ và các tông đồ. Xin Cha cũng tỏ lộ Cha cho tất cả chúng con để chúng con biết làm sáng Danh Cha qua cuộc sống chứng tá hằng ngày. Xin cho chúng con luôn tìm thấy niềm hân hoan trong sự hiện diện của Cha để tận hưởng niềm hạnh phúc và sự sống muôn đời nơi Nước Trời.
Veritas Asia
 

 

Lời Chúa Mỗi Ngày
Kính Tổng Lãnh Thiên Thần
Bài đọc: Dan 7:9-10, 13-14; Jn 1:47-51.
 
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy đón nhận Đức Kitô là Vua hiển trị muôn đời.
Con người mong ước những giá trị vĩnh cửu; nhưng trong thế gian chỉ nhìn thấy những tạm bợ và hời hợt bên ngoài. Chẳng hạn trong việc điều khiển quốc gia, hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo kia, ai cũng hứa sẽ thay đổi tình thế và làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp hơn; nhưng rồi tình hình đất nước cũng chẳng khá hơn. Nếu dân chúng may mắn gặp được người lãnh đạo tài giỏi, đức độ; thì lại bị ám sát hay cũng chỉ lãnh đạo được ít năm rồi chết. Làm sao con người có thể kiếm được một vị vua tài đức vẹn toàn, sống mãi không chết, có uy quyền trên toàn vũ trụ này; hay đây chỉ là ước mơ không bao giờ hiện thực?
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy đây là ước mơ có thể thực hiện được, nếu con người đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Vua Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến trong Ngày Phán Xét trên trời. Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất sẽ trao tất cả vào tay Con Người; Con Người này chính là Đức Kitô. Ngài sẽ phán xét mọi người, và Thiên Chúa sẽ đặt Ngài làm Vua cai trị dân chúng đến muôn đời. Vương quốc của Ngài sẽ vạn đại trường tồn, và con dân của Ngài sẽ được bình an, ấm no, hạnh phúc đến muôn đời. Trong Phúc Âm, sau khi Nathanael tuyên nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Israel, Ngài báo trước cho ông biết ông sẽ thấy ngày vinh quang của Ngài, khi các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.
 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
1.1/ Thị kiến về Ngày Phán Xét: Tiên-tri Daniel sống trong thời Hậu Lưu Đày (165 BC), và niềm mơ ước của con cái Israel, có một Đấng Thiên Sai uy quyền đến giải phóng dân chúng khỏi ách nô lệ của ngoại bang, ngày càng mãnh liệt. Toàn dân mong ước một vị anh quân như thế, vì họ đã quá chán nản với sự cai trị của các vua Israel và Judah. Họ cũng đã quá mệt mỏi vì phải sống dưới ách nô lệ của các đế quốc Babylon, Persia, Media, và Hy-lạp. Họ mong một vị anh quân như Vua David, sẽ đến để thống nhất lãnh thổ Palestine, dùng uy quyền để dẹp tan ngoại xâm, và lên ngôi cai trị dân chúng trong một thời gian dài. Thị kiến của tiên-tri Daniel trong trình thuật hôm nay, không chỉ giới hạn Đấng Thiên Sai trong ước mơ của dân chúng; nhưng còn mở rộng tới một Đấng Thiên Sai sẽ làm Vua cai trị đến muôn đời.
(1) Đấng Lão Thành an tọa trên ngai: "Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.'' Những chi tiết diễn tả về Đấng Lão Thành và uy quyền của Ngài giúp con người nhận ra Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa.
(2) Các người hiện diện nơi tòa án: "Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra." Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài dùng các thiên thần để giúp Ngài cai trị thế giới. Các thiên thần có nhiệm vụ tường trình những gì xảy ra nơi thế giới con người, và chuyển thông ân sủng từ Thiên Chúa xuống cho con người. Sự hiện diện của thiên thần trong Ngày Phán Xét là chuyện đương nhiên, vì họ là những nhân chứng sống động của con người. Những người bị xử là loài người, bao gồm những người đã chết qua các thời đại, và những người còn sống sót sau cùng.
1.2/ Thị kiến về Con Người: Đấng sẽ xét xử loài là chính Con Người (The Son of Man). Danh xưng này có nguồn gốc từ Sách Daniel hôm nay, và được Đức Kitô xử dụng để áp dụng vào chính Ngài. Điều đang chú ý là tuy Ngài mang hình ảnh của con người; nhưng lại ngự giá từ mây trời mà đến.
(1) Người nhận uy quyền và vinh quang từ Đấng Lão Thành: Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
(2) Người sẽ thống trị toàn cõi địa cầu: Khác với vua chúa trần gian chỉ làm vua một vùng, Ngài cai trị tất cả mọi dân tộc, "muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.''
(3) Người sẽ cai trị muôn đời: Để cai trị muôn đời,
+ Người phải sống muôn đời: Vua chúa trần gian chỉ cai trị trong một thời gian vì họ đều phải chết. Người sẽ cai trị muôn đời vì Ngài sẽ không bao giờ phải chết.
+ Vương quốc của Người sẽ tồn tại muôn đời: Khác với vương quốc của vua chúa trần gian luôn thay ngôi đổi chủ, vương quốc của Người tồn tại muôn đời và sẽ chẳng hề suy vong. Điều này chứng tỏ sức mạnh và uy quyền của Người.
+ Quyền thống trị của Người: là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một;
2/ Phúc Âm: Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.
2.1/ Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Vua Israel: Khi Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, Ngài liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối." Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."
Nathanael ngạc nhiên không chỉ vì Chúa Giêsu có uy quyền nhìn thấy sự việc xảy ra từ xa; nhưng Ngài biết những gì đã xảy ra trong cuộc đời của ông. Điều này thúc đẩy ông tuyên xứng thần tính của Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"
2.2/ Các thiên thần của Thiên Chúa phục vụ Đức Kitô: Đức Giêsu lại bảo Nathanael: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
Cụm từ "các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống" gợi lại thị kiến chiếc thang mà Jacob đã nhìn thấy trong một giấc mơ tại Bethel (Gen 28:12): Một đầu của chiếc thang này chạm đất nơi Jacob đang nằm ngủ, một đầu chạm tới trời cao, nơi Thiên Chúa ngự trị, và các thiên thần của Thiên Chúa đang lên lên xuống xuống trên chiếc thang đó. Truyền thống Do-thái tin tưởng các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Họ giúp Thiên Chúa điều khiển vũ trụ bằng cách chuyển giao những gì con người mong muốn lên Thiên Chúa, và chuyển giao sứ điệp cùng ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người. Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với Nathanael hôm nay, Chúa Giêsu có ý muốn nói: Ngài là chiếc thang nối giữa trời và đất; trên thang đó, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ lên lên xuống xuống để phục vụ con người.
 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Đức Kitô, và nhận Ngài làm Vua cai trị chúng ta ngay khi còn ở đời tạm này, vì chỉ có Ngài mới thỏa mãn mọi khát vọng vĩnh cửu của chúng ta.
- Chúng ta đừng dại dột chạy theo những hào nhoáng và tạm bợ của thế gian; vì chúng không thể thỏa mãn chúng ta ở đời này, và cũng chẳng bảo đảm cho chúng ta cuộc sống an toàn và hạnh phúc cho tương lai.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
 
29/09/14 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en Ga 1,47-51
 
Suy niệm: Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng có một thế giới thần thiêng trong đó gồm có thần lành thần dữ là thiên thần và ma quỷ ảnh hưởng đến thế giới chúng ta. Thiên thần là sứ giả, là những thần linh phục vụ Thiên Chúa. Thánh Kinh chỉ nêu tên ba vị Tổng lãnh thiên thần là Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en với ý nghĩa:
-          Mi-ca-en là “Ai bằng Thiên Chúa”.
-          Gáp-ri-en là “Uy lực của Thiên Chúa”
-          Ra-pha-en là “ Thiên Chúa cứu giúp”
Mi-ca-en là Đấng bảo trợ đặc biệt Hội Thánh, Gáp-ri-en là sứ giả được sai đến với Đức Maria và Ra-pha-en là vị tổng lãnh hầu cận Thiên Chúa.
Mời Bạn: Mi-ca-en giục chúng ta lòng tin Thiên Chúa là Chúa duy nhất để nhờ đó chúng ta biết quy hướng mọi sự về Chúa. Ga-bri-en giục chúng ta có lòng trông cậy vào Thiên Chúa quyền năng để nhờ đó chúng ta biết lệ thuộc vào Chúa trong mọi sự. Ra-pha-en giục chúng ta có lòng mến Chúa nhờ đó chúng ta gắn bó với Chúa trong mọi việc.
Sống Lời Chúa: Theo gương và lời chỉ dẫn của các vị tổng lãnh thiên thần, tôi chỉ tin vào một mình Thiên Chúa vì không ai bằng Ngài. Tôi luôn cậy trông vào Chúa, dù khó khăn thử thách đến đâu cũng không ngã lòng vì Chúa có uy lực vô biên có thể giúp bạn vượt qua bất cứ mọi khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không bao giờ thất vọng về chúng con, vì thế xin cho chúng con cũng không bao giờ thất vọng về chính mình, nhưng luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa.
www.5phutloichua.net
 

 

Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae – Gabrien – Raphaen
Hôm nay Giáo Hội mừng kính tổng lãnh các Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael, đây là tên tuổi của ba vị Thiên Thần đã được Kinh Thánh nhắc đến nhiều lần, và khi nói đến các Thiên Thần là nói đến vô số. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của các Thiên Thần, đây chính là mầu nhiệm gắn liền với những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi tự tỏ bày cho loài người, Thiên Chúa cũng một trật mạc khải cho chúng ta về thế giới của các Thiên Thần.
Một trong những dấu chỉ thời đại mang nhiều ý nghĩa, là hiện nay tại những nước văn minh như Hoa Kỳ, sách vở liên quan đến các thiên thần được xếp vào một trong những loại bán chạy nhất, ngày càng có nhiều người tin tưởng vào sự hiện diện chở che của thiên thần trong cuộc sống của họ.
Vào tháng 12 năm 1993, một cuộc thăm dò được tờ báo Time và đài truyền hình thực hiện, cho thấy rằng có đến 69% người dân Mỹ tin sự hiện hữu của các Thiên Thần. Một cuộc thăm dò khác được thực hiện trước đó cũng tìm thấy rằng, 75% dân Mỹ tin có thiên thần.
Ðầu thập niên 1970, một nhà giảng thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ được tạp chí Time cho vào danh sách một trong 20,000 những tư tưởng nổi bật nhất của thế kỷ XX đã viết một cuốn sách có tựa đề: "Các Thiên Thần và Nhân Viên Mật Vụ của Thiên Chúa". Trong cuốn sách được xem là bán chạy nhất này, tác giả đã viết: "Các Thiên Thần là một chủ đề mang lại niềm an ủi và phấn khởi lớn lao cho những người tin Chúa, đồng thời cũng là một thách đố để cho những người không tin phải tin".
Thật thế, nếu Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự hiện hữu và hoạt động của các thiên thần, hẳn Ngài cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm hơn về mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Dù chúng ta có thấy các thiên thần hay không, dù các ngài có đến với chúng ta như thần linh hay dưới hình bóng người phàm, thì lời cầu xin của chúng ta luôn được đáp trả. Thiên Chúa hằng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách diệu kỳ, niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần luôn nhắc nhở chúng ta điều đó. Quả thật, cuộc sống của chúng ta được dệt bằng phép lạ từ giây phút đầu tiên được tạo thành trong lòng mẹ cho đến lúc chào đời rồi lớn lên, mỗi một nhịp đập của trái tim, mỗi một hơi thở của chúng ta không là phép lạ sao?
Với mỗi người Chúa âu yếm nói: "Ta đã gọi con bằng tên con, con thuộc về Ta". Chúa Giêsu đã có lý khi mời gọi chúng ta nên giống như trẻ thơ, bởi vì trẻ thơ không ngừng ngây ngất trước những điều kỳ diệu và những phép lạ của cuộc sống. Người lớn thì trái lại thường bị cuốn xoáy trong dòng đời nên dễ đánh mất khả năng chiêm ngắm trước những điều kỳ diệu và các phép lạ của cuộc sống.
Thiên Chúa yêu thương mỗi người, Thiên Chúa không ngừng bao bọc che chở chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần. Ðó phải là niềm tin hôm nay khi mừng kính các thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hâm nóng lại. Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống chúng ta như một phép lạ, nhờ các sứ thần của Ngài, Ngài hướng dẫn và che chở chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta.
Nguyện xin các thiên thần nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người luôn nhắc nhở ta, để ta luôn tiến bước trong tin yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa là tình yêu.
(‘Sống Tin Mừng’ – R. Veritas)
 
Các thiên thần của Thiên Chúa
 Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần. Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại. Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời
 

 

Suy nim:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
 

(7)

Related Posts

  • CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN
  • Sức khoẻ & đời sống
  • Con của sấm sét
  • Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô
  • Anh giáo bỏ phiếu ủng hộ phụ nữ làm giám mục
  • NHỮNG MARIA MAĐALENA NGÀY NAY

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: