Câu hỏi: Những thắc mắc về luân lý

Vấn đề luân lý (5): Luật sư người Công Giáo có được phép giúp một tín hữu Công Giáo trong vụ ly hôn dân sự không?

ly diCâu hỏi: Một luật sư Công Giáo có thể giúp một tín hữu Công Giáo trong một vụ ly hôn dân sự không?
Trả lời: Đây là một vấn đề khó và tế nhị, nếu xét về tính cẩn trọng, kinh nghiệm và khả năng có thể gây gương xấu. Trước năm 1965, khi những vụ ly hôn dân sự không nhiều, hầu hết các luật sư Công Giáo đều được dạy là cách chung không nên tham gia vào những vụ ly hôn.
Trong một tập tài liệu nhỏ có tựa đề Những nguyên tắc luân lý pháp lý, phần 9, “Hôn nhân – Luật – Luật sư”, R.P. Murray đã nói rằng: Các luật sư Công Giáo có thể bào chữa cho trường hợp của đương sự từ chối ly hôn trong một hôn nhân hợp pháp; bào chữa cho trường hợp của đương sự có hôn nhân bị Giáo Hội tuyên bố vô hiệu; bào chữa cho trường hợp của đương sự chỉ muốn bảo vệ các quyền hợp pháp, chứ không ly dị vì muốn tái hôn. “Theo đó, ngoài những trường hợp hiếm hoi này, luật sư Công Giáo phải từ chối tham gia tố tụng cho vụ án ly hôn cho dù các bên liên quan không phải là người Công Giáo, vì giả định là họ tin rằng hôn nhân là bất khả phân ly.”
Trước năm 1965, tức là trước cuộc bùng nổ của cái gọi là luật ly hôn “vô tội”, nhiều luật dân sự có những quy định tương đối nghiêm ngặt, thậm chí là khắt khe, liên quan đến việc ly hôn. Chẳng hạn, luật của New York trước năm 1965 chỉ cho phép ly dị trong trường hợp có ngoại tình. Điều này dẫn tới việc có một số người rời bỏ tiểu bang, còn những người ở lại thì phải khai man để được ly hôn. Việc khai man này cũng là một lý do khác giải thích tại sao các luật sư Công Giáo chân chính không nên dính líu vào các thủ tục ly hôn.
Đồng thời, Công Đồng Vatican II đã than phiền “cơn dịch ly hôn” như là một trong “những quái dạng” làm lu mờ đi nét tuyệt hảo của hôn nhân. Theo Công Đồng, không chỉ sự thiện hảo của cá nhân nhưng sự thiện hảo của xã hội con người và Kitô giáo cũng được nối kết mật thiết với hôn nhân bền vững và đời sống gia đình.
Tuy nhiên, giáo luật cũng cho phép ly thân (GL 1151-1155) với điều kiện không được tái hôn. Xuất phát từ đức ái Kitô giáo và mối bận tâm điều tốt đẹp cho gia đình, giáo luật cũng khuyến khích bên bị hại hãy tha thứ những lầm lỗi cho bên kia và đừng chia cắt đời sống hôn nhân (GL 1152, triệt 1). Tuy nhiên, nơi nào có mối nguy hại lớn cho linh hồn hay thể lý của người khác hay cho trẻ em, hay nơi nào “đời sống chung” trở nên quá khó khăn, thì có thể ly thân theo luật (Gl 1153, triệt 1).
Tuy nhiên, vì Giáo Hội muốn nâng đỡ hôn nhân nên, vì đức ái Kitô giáo cũng như vì điều tốt đẹp cho gia đình, luật sư Công Giáo nên cố gắng hòa giải giữa họ để bảo vệ tầm quan trọng của hôn nhân bất khả phân ly, cho dù việc hòa giải đó có thể không thành công. Với nền tảng này, chúng ta có thể đọc thấy những dòng sau trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Nếu sự ly dị theo toà đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý” (Gl 2383).
Nếu nó không tạo thành một lỗi phạm về luân lý thì tôi nghĩ rằng một luật sư Công Giáo có thể trợ giúp một tín hữu Công Giáo bảo vệ quyền lợi trong một vụ ly hôn dân sự khi đây là cách duy nhất để bảo vệ hay đảm bảo những quyền lợi pháp lý nào đó.
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 130)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Vấn đề luân lý (4): Không muốn có con, hôn nhân có thành không?

hon_nhan_hanh_phuc_jpgCâu hỏi: Cháu gái tôi chuẩn bị lập gia đình. Nó và chồng chưa cưới của nó nói với tôi cách dứt khoát là chúng sẽ không có con; chúng muốn một cuộc hôn nhân “không con cái”. Đây có phải là một cuộc hôn nhân hợp pháp không?
Trả lời: Thỉnh thoảng, các cặp hôn nhân sẽ tỏ ra dè dặt, ngại ngùng hoặc đưa ra những điều kiện tạm thời – “không phải bây giờ”, “không có con cho đến khi ổn định”, “không có con cho đến khi chúng tôi sẵn sàng hay có đủ điều kiện để có”. Tất cả những trường hợp này đều làm nổi lên những vấn đề, nhưng không có trường hợp nào trên đây mang tính dứt khoát nhưng trường hợp bạn gửi cho tôi.
Trong trường hợp bạn nói đến, cả hai bên đều dứt khoát về ý muốn có một cuộc “hôn nhân không con cái”. Dĩ nhiên, đây là một hành vi rõ ràng thể hiện ý muốn của họ, và nếu nó chắc chắn và rành rành như bạn nói thì chẳng có hôn nhân nào ở đây cả – đây là hôn nhân vô hiệu. Cặp đôi này muốn điều mà Giáo Hội không cung cấp và bằng hành vi rõ ràng của ý chí, họ cũng loại trừ điều mà Giáo Hội cung cấp.
Giáo Luật có nói về một hành vi dứt khoát của ý chí trong việc loại trừ chính hôn nhân hay bất cứ yếu tố thiết yếu nào của hôn nhân (GL 1101, triệt 2). Vấn đề chính xác nằm ở đây. Hôn nhân được định nghĩa là một giao ước mà tự bản chất là nhắm tới hạnh phúc của hai vợ chồng và việc sinh sản, giáo dục con cái (GL 1055, triệt 1).
Theo Humanae Vitae, số 9, hành vi tính dục – sự diễn tả thân mật nhất của tình yêu vợ chồng –  không chỉ được dùng cho sự kết hiệp giữa vợ chồng, nhưng còn được định đoạt để bảo tồn chính mình bằng việc hợp tác với công trình tạo dựng.
Như Công Đồng Vatican II đã dạy – Thiên Chúa là Tác Giả của hôn nhân: “Tương quan thân mật trong đời sống và tình yêu hôn nhân do chính Tạo Hóa xác lập và do Luật của Ngài vạch tiêu chuẩn… Tự bản chất, hôn nhân và tình yêu lứa đôi phải nhắm đến việc sinh sản và giáo dục con cái, tìm thấy sự vinh hạnh tột bậc của mình trong chúng. “ (Gaudium et Spes, số 48). Đây là học thuyết Kitô giáo chắn chắn và được thừa nhận rộng rãi, phản ánh trong luật phổ quát (GL 1055, triệt 1) và trong giáo huấn phổ quát (GLGHCG, 1601, 1652)
Cặp này có ý muốn “bên nhau”, “cùng nhau”, “sống với nhau”, nhưng lại không muốn có một cuộc hôn nhân theo kế hoạch của Chúa – không do Tạo Hóa xác lập và Luật của Ngài vạch tiêu chuẩn. Đúng hơn, họ muốn lập một hôn nhân cho riêng họ, theo kế hoạch của họ và do những giới hạn của họ vạch tiêu chuẩn. Thực ra, họ chỉ thuộc về riêng họ, chứ chẳng có bí tích hay ân sủng bí tích gì ở đây cả.
Nếu họ nói thẳng và dứt khoát với một linh mục nào đó (vị làm chứng) như đã nói với bạn, họ sẽ đặt vị linh mục ấy vào một tình huống không thể. Họ xin ngài làm chứng cho điều mà ngài không thể làm chứng vì đây không phải là một “cuộc hôn nhân”; nó là vô hiệu về mặt bí tích, cả về luật tự nhiên lẫn Giáo Hội.
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 124)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 http://dongten.net/noidung/43269
 

 

Vấn đề luân lý (3): Giáo Hội có khuyến khích việc hiến tặng cơ phận cho những mục đích cấy ghép không?

jinagcha2Câu hỏi: Giáo Hội có khuyến khích việc hiến tặng cơ phận cho những mục đích cấy ghép không?
Trả lời: Theo truyền thống, câu hỏi này liên quan tới chuyện có được phép hay không, hơn là việc có khuyến khích hay không: Giáo Hội có cấm việc hiến tặng cơ phận không? Câu trả lời từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XII là “không” – Giáo Hội không cấm chuyện này (x. GLGHCG, số 2296)
Dĩ nhiên, có nhiều dạng cấy ghép. Trước hết, là việc cấy ghép giữa thực thể sống, chẳng hạn việc cấy ghép một cơ phận không-sống, là kiểu cấy ghép không dẫn đến cái chết của người hiến tặng. Một ví dụ rất phổ biến cho dạng này là việc cấy ghép một trái thận từ một người khỏe mạnh cho một người khác đang cần.
Cũng có những dạng cấy ghép tim, phổi, gan, hai trái thận của người chết cho người sống. Nếu phân tích theo truyền thống thì điều này có thể được biện minh trên nguyên tắc tình bác ái huynh đệ, khi tuân theo những điều kiện sau: (1) sự đồng thuận trước đó của cha mẹ hoặc người họ hàng gần nhất của người chết, và (2) những phần còn lại của người chết phải được đối xử với một sự tôn trọng phù hợp như là một đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Năm 1994, Bản Những hướng dẫn tôn giáo và đạo đức của NCCB (Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Quốc Gia) có nói rằng: “Các tổ chức chăm sóc sức khỏe Công Giáo phải khuyến khích và cung cấp những phương tiện để những ai muốn hiến tặng cơ phận và những gì trên thân thể mình có thể làm được điều này vì những mục đích hợp pháp về đạo đức, để các cơ phận và bộ phận ấy có được được cấy ghép hay nghiên cứu sau khi người đó chết” (số 63)
Hướng dẫn số 62 nói đến vấn đề quyến định cho cái chết, và hướng dẫn số 64 ghi rằng, để tránh bất cứ xung đột hiển nhiên về lợi ích, “vị bác sĩ quyết định cho cái chết không được là một thành viên trong nhóm cấy ghép.”
Trong chương 4 (“Cho Một Văn Hóa Mới Của Sự Sống Con Người”), Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viết trong Thông Điệp Evangelium Vitae (EV) rằng:
Trên những khoảnh khắc phi thường như thế, luôn có những hành vi anh hùng trong cuộc sống thường ngày, được làm nên từ những cử chỉ sẻ chia, dù lớn hay nhỏ, giúp xây dựng một nền văn hóa sự sống chân thực. Một ví dụ đáng khen cụ thể cho những cử chỉ như thế là việc hiến tặng các cơ phận, được thực thi trong một cách thức được chấp nhận về mặt đạo đức, nhắn tới việc trao tặng một cơ hội cho sức khỏe hay thậm chí là sự sống cho các bệnh nhân, những người đôi khi còn hy vọng gì nữa (số 86)
Theo những gì tôi biết, đây là lần đầu tiên huấn giáo của một vị giáo hoàng chuyển từ một sự biện minh đơn giản trong lĩnh vực này sang cái được gọi là điều “đáng khen”. Cả hai đều đồng thuận và ủng hộ những lời trong hướng dẫn 63 của NCCB nói trên.
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là việc đồng ý [hiến tặng] không chỉ là giả định nhưng đúng hơn, việc đồng ý phải được thông tri cách thực sự. Hơn nữa, cũng cần phải xác định điều này cho rõ ràng: “được thực hiện trong một cách thức được chấp nhận về mặt đạo đức”
Lý do cho sự cẩn trọng này được nói đến trước đó trong Thông Điệp nói trên: “Chúng ta không thể im lặng trước những hình thức ngấm ngầm nhưng không kém nguy hiểm và có thực của việc trợ tử. Những điều này có thể xảy ra như ví dụ điển hình khi, để làm cho các cơ phận sẵn sàng hơn cho cấy ghép hơn, người ta lấy chúng ra mà không tôn trọng những tiêu chuẩn khách quan và đầy đủ, mà đây lại là hành vi khiến người hiến tặng phải chết” (số 15)
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 79)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

 

Vấn đề luân lý (2): Có được phép ngưng việc trợ giúp dinh dưỡng và hydrat hóa đối với những người ở trong tình trạng thực vật kéo dài không?

Clinicians_in_Intensive_Care_UnitCâu hỏi: Có một trường hợp “quyền được chết” xảy ra ở Virginia với những ý kiến trái chiều của các giáo sĩ Công Giáo và các nhà bình luận. Có được phép ngưng việc trợ giúp dinh dưỡng và hydrat hóa đối với những người ở trong tình trạng thực vật kéo dài không?
Trả lời: Tôi nghĩ thế nào cũng có tranh luận, John J.Paris cho là “được”, còn William E.May thì bảo là “không”.
Đây là trường hợp xảy ra với Hugh Finn, một tín hữu Công Giáo đến từ Louisville, bị đứt động mạch chủ trong một tai nạn xe hơi, khiến não của anh bị tổn thương nặng. Người ta gắn vào cơ thể anh ống dẫn để truyền thức ăn và thực hiện quá trình hydrat hóa.
Tôi chưa từng được biết về biểu đồ hóa học của trường hợp này, nhưng hầu như mọi người có những ý kiến khác nhau về nó. Tin tức cho biết, vợ anh muốn gỡ bỏ ống dẫn thức ăn, còn bố mẹ và anh chị em của người này thì không muốn như vậy. Vị Thống đốc của bang đã đưa vụ này lên Tòa Tối Cao của bang Virginia. Yêu cầu không gỡ ống truyền thức ăn của ông đã bị tòa án bác bỏ, người ta buộc phải ngưng trợ giúp hydrat hóa, và Hugh Finn đã chết 8 ngày sau đó.
Một vài khách viếng thăm và các thành viên trong gia đình đã làm cho vấn đề thêm phức tạp khi cho rằng ông Finn không rơi vào tình trạng thực vật kéo dài (PVS). Một vài tranh cãi trong số này có phần hơi vặt vãnh, nhưng đó là những lời xác nhận cá nhân của các nhân chứng. Biểu đồ và ghi nhận hóa học chắc chắn cũng đóng một vai trò quan trọng ở đây.
Tôi nghĩ là sẽ không có một câu trả lời đơn giản, độc nhất cho tất cả mọi trường hợp, như là luôn luôn đúng, hay luôn luôn sai. Những nguyên tắc và giả định chắc chắn phải được áp dụng cho những cá nhân và bệnh lý của một trường hợp nào đấy trên nền tảng ứng với từng trường hợp một.
Trong một số mục trước đây, tôi thường nói đến tuyên bố Dinh dưỡng và Hydrat hóa: Những suy tư mục vụ và luân lý của Ban Bảo Vệ Sự Sống thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ. Đây là tài liệu hướng dẫn tuyệt vời và là một quy chiếu đáng tin cậy mà theo tôi, dù không cố gắng đưa ra giải đáp cho mọi trường hợp tiền lệ, nhưng nó đã cung cấp những nguyên tắc luân lý và giả định cần thiết để giải quyết các trường hợp riêng lẻ.
Có một câu hỏi cụ thể trong tuyên bố của các Giám Mục liên quan trực tiếp đến vấn đề này: “Những bệnh nhân rơi vào vô thức kéo dài có được xem là một trường hợp đặc biệt không?” (c.6). Không cần phải lặp lại nơi đây toàn bộ câu trả lời (nếu ghi ra toàn bộ câu trả lời thì chắc là không cần đọc hay nghiên cứu gì thêm nữa), hai điểm nhỏ cũng đủ để giúp cho việc bàn thảo rồi.
Trước hết, vấn đề thuật ngữ! Cái tên “thực vật” trong “tình trạng thực vật kéo dài” hàm chứa một ngụ ý tiêu cực nào đấy có thể khiến người ta quên rằng chúng ta đang nói về một người nào đó, một bệnh nhân bị rơi vào vô thức, chứ không phải về một cái gì đó, một loại thực vật thấp hơn con người. Vì thế, các giám mục đã sử dụng thuật ngữ “các bệnh nhân rơi vào vô thức kéo dài”, nghe có vẻ có tính con người hơn.
Thứ hai là giả định rất có lý của các giám mục: “Dưới ánh sáng của mối bận tâm này, chúng ta phải đưa ra những phán đoán có suy xét kỹ lưỡng rằng khi những tranh luận về tính hợp pháp trong luân lý Công Giáo vẫn còn tiếp diễn, thì những quyết định về các bệnh nhân này phải được hướng dẫn bởi một giả định ủng hộ việc trợ giúp y tế về dinh hưỡng và hydrat hóa” (s. 6).
Dĩ nhiên, một giả định thì cũng chỉ là một giả định. Các giám mục tiếp tục giải thích rằng giả định này có thể không thắng được thực tế, khi “chẳng có một hy vọng khả lý nào để duy trì sự sống” (chẳng hạn, khi không thể tránh được cái chết sắp xảy đến do nguyên nhân khác) hoặc điều ấy là quá liều lĩnh hoặc trút những gánh nặng quá lớn để có thể thực hiện việc điều trị “đặc biệt” xét về mặt luân lý như vậy.
Hơn nữa, các giám mục cũng làm rõ: “Không được rút bỏ những biện pháp như thế [phương pháp trợ giúp hydrat hóa] để gây ra cái chết” (s. 6). Vì thế, tất cả các trường hợp thì không được trả lời trước, nhưng một tiền giả định vững chắc thì có trước để dùng mà suy xét tất cả các trường hợp.
Thể chế dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vatican (1995) cũng nói đến cùng một giả định như vậy khi giải thích nguyên tắc tỷ lệ thích đáng trong việc chữa trị: “Việc cung cấp thức ăn và chất lỏng, dù là nhân tạo, là một phần của việc điều trị bình thường trong mức độ phù hợp với bệnh nhân; ngừng cung cấp một cách không thích đáng chính là một kiểu làm chết êm dịu” (s. 120)
Những hướng dẫn tôn giáo và đạo đức của NCCB (Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Quốc Gia) (1994) cũng nói rõ: “Nên có một giả định ủng hộ việc cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa cho tất cả các bệnh nhân, bao gồm những bệnh nhân cần được trợ giúp y tế về dinh dưỡng và hydrat hóa miễn là nó giúp ích và không gây ra gánh nặng nào  liên quan đến bệnh nhân” (s. 58)
Vào ngày 2.10.1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói rõ về nguyên tắc giả định này và về tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ 1992, khi các ngài về Tòa Thánh nhân dịp ad limina,rằng:
Tuyên bố của ủy ban bảo vệ sự sống của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, “Dinh dưỡng và Hydrat hóa”, nhấn mạnh rất đúng rằng việc cắt bỏ cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa nhằm gây ra cái chết cho một bệnh nhân phải bị loại trừ và, trong khi suy xét cẩn thật đến tất cả mọi yếu tố liên quan, giả định là phải ủng hộ việc cung cấp trợ giúp ý tế về dinh dưỡng và hydrat hóa cho tất cả các bệnh nhân cần những điều này. Không phân biệt được điều này sẽ là nguồn gốc gây ra hàng loạt những bất công cùng những đau khổ kèm theo, tác động đến những ai đang phải chịu khổ vì bệnh tật hay những suy yếu do tuổi già và những người thân yêu của họ.
Vì thế, từ cả thẩm quyền địa phương lẫn hoàn vũ, tất cả đều cho rằng cần phải có một giả định có nền tảng tốt là phải cung cấp trợ giúp hydrat hóa trừ phi không có một hy vọng khả lý nào cho thấy có thể duy trì sự sống hay chính việc cung cấp phương tiện này là quá liều lĩnh và là nặng gánh để được xem là đặc biệt xét về mặt luân lý trong một trường hợp cụ thể.
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ cũng lưu ý đến những cuộc tranh luận trong nội bộ Công Giáo về điểm này. Dường như tất cả các tác giả Công Giáo đều đồng ý về những nguyên tắc cơ bản, nhưng họ có quan điểm khác nhau cách nào đó về việc áp dụng chúng cho từng trường hợp cụ thể. Từ những gì tôi đọc được, có một số tranh luận không chỉ về việc áp dụng, nhưng là về những bất đồng thực sự trong nguyên tắc. Vì thế, đôi khi đó không phải là một cuộc tranh luận về một “hy vọng khả lý duy trì sự sống”, hay về việc “những liều lĩnh và gánh nặng” là hơi quá để có thể được xem là đặc biệt xét về mặt luân lý và vì thế không là điều bắt buộc. Đúng hơn, có một số định nghĩa và nguyên tắc thực sự có vấn đề ở đây, và chính chúng đã chủ yếu gây ra điều tranh cãi. Có nhiều khả năng người ta nại đến vấn đề liên quan đến hydrat hóa, phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa thế nào về nó.
Tôi nghĩ, chính Daniel Callahan là người đầu tiên nói về thuật ngữ “những cá nhân chịu đựng kiên cường về sinh học” và những người đó là ai, ngoại trừ những người đang chết một cách từ từ. Linh mục Richard McCormick đã viết về “sự tồn tại sinh lý học đơn thuần”, nghĩa là, theo tôi hiểu, một thân xác chỉ biết thở chứ không biết nói. Hai mươi năm trước, McCormick đã định nghĩa, một sự tự lập bảo toàn tốt bất kỳ khả năng nào cho kinh nghiệm ý thức là “thuyết sức sống”, và việc tiếp tục một sự sống chỉ đơn thuần vật lý thì không mang lại lợi ích con người nào. Linh mục Kevin O’Rourke thì viết rằng: “Nếu chức năng nhận thức và tình cảm không thể được phục hồi thì có thể từ chối hoặc gỡ bỏ việc cung cấp dinh dưỡng và hydrat hóa.” Linh mục Paris trong bài viết America  nói trên cũng nói về việc phục hồi một sự hiện hữu có chức năng nhận thức.
Tất cả những định nghĩa trên đã làm tôi nghĩ đến “thuyết nhị nguyên”, vốn hoàn toàn phân tách hợp thức xác-hồn để rồi xem sự hiện hữu thuần “thể lý” không thực sự được xem là sự hiện hữu của cá nhân hay mang tính con người. Một khi định nghĩa như thế thì vấn đề hydrat hóa đã được giải đáp rồi.
Một vài người có thể sẽ hỏi “Điểm nhắm tới ở đây là gì?” Mục đích của việc cung cấp thức ăn và hydrat cho những cơ thể thuần vậy lý là gì khi nó chẳng đưa đến một lợi ích mang tính con người nào? Tôi bỗng nhớ đến tư tưởng nhân chủng học của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II được trình bày súc tích trong Thể chế dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vatican: “Cái gì là và cái gì xảy ra về mặt sinh học thì không bao giờ là mơ hồ. Ngược lại, nó có một sự liên đới mang tính luân lý; nó là một mệnh lệnh ngụ ý nhắm đến hành động. Cơ thể đích thực là một thực tại nhân vị, là dấu chỉ và là nơi của những tương quan với người khác, với Chúa và với thế giới” (s. 41)
Cơ thể đích thực là một thực tại nhân vị! Sự sống thể lý của con người là một điều tốt đẹp củachính người đó, chứ không chỉ là một điều tốt đẹp dành cho những mục đích khác. Sự sống thể lý là một điều tốt đẹp tự bản chất của chính người đó, chứ không chỉ là một điều tốt đẹp mang tính công cụ cho những kế hoạch khác. Trong học thuyết nền tảng của Công Giáo, bạn là linh hồn của thân xác mình cũng như là thân xác của linh hồn mình. Cả hai không phân biệt trừ khi bạn chết.
Một người anh em có thể bị suy giảm chức năng “nhận thức-tình cảm”; anh ta có thể không đủ  “khả năng” lý trí hay tương quan một cách sâu sắc; thậm chí từ lúc mới sinh, IQ của anh ta đã rất ít, rất thấp hay trống trơn, nhưng linh hồn của anh ta thì không ít, không thấp, không trống trơn. Anh ta là một trong số chúng ta, dù các chức năng của anh ta có kém cỏi và nghèo nàn đến đâu. Nếu không nghĩ như thế thì khi xếp loại, anh ta sẽ được xác định nằm bên ngoài phạm vi con người, để vào trong cõi nào đấy thấp hơn con người.
Dưới cái hiểu Công Giáo, chúng ta phải phân biệt giữa bệnh nhân đang chết và bệnh nhânkhông-đang-chết. Vì thế, “khi cái chết không thể tránh khỏi đang xảy đến,” có thể chọn lựa hầu hết tất cả những phương pháp chữa trị, trong mức độ việc chăm sóc bình thường cho bệnh nhân không bị gián đoạn (CDF, Tuyên Bố về Trợ Tử, số 4)
Từ những gì tôi đọc, dường như Hugh Finn không phải là một bệnh nhân đang chết, và chắc chắn không phải là một bệnh nhân mà cái chết không thể tránh khỏi đang xảy đến. Dĩ nhiên, một khi trợ giúp dinh dưỡng và chất lỏng bị gỡ bỏ thì anh ta sẽ trở thành một bệnh nhân đang chết, vì những gì đang được sắp xếp là một chuỗi những sự kiện được hiểu như là đang đối phó với cái chết.
Nhưng đã nói ở trên, các yếu tố trị liệu và y tế có thể ảnh hưởng đến phán đoán, nhưng điều tôi kịch liệt loại bỏ là tiêu chí “nhân thức-tình cảm” vốn thực sự gây ra vấn đề cho các bệnh nhân rơi vào tình trạng thực vật kéo dài và bất cứ những bệnh nhân mắc chứng bệnh kinh niên mà khả năng nhận thức bị suy yếu. Tôi tin rằng điều này không chỉ là một sự khác biệt trong việc áp dụng nhưng là một sự khác biệt trong nguyên tắc.
Sự sống con người là một điều tốt đẹp của chính con người – một sự tốt đẹp nhân vị từ bản chất, chứ không phải là một sự tốt đẹp mang tính phương tiện. Chân lý này không ngừng được lặp đi lặp lại trong Thông Điệp Evangelium Vitae. Đây không phải là một “thuyết sức sống” để bảo toàn hay kéo dài sự sống bằng các biện pháp có thể trong mỗi trường hợp bệnh lý. Không một tôn giáo nào ở Phương Tây quy định điều này, kể cả Công Giáo. Nhưng thách đố trong một trường hợp cụ thể là xem xét những yếu tố cá nhân và bệnh án thực tế có thể làm cho một phương tiện trở nên “đặc biệt”, chứ không kéo toàn bộ vấn đề xuống chức năng nhận thức-tình cảm hay khả năng tương quan khi mà, theo định nghĩa, việc suy yếu về tâm thần đang xảy ra.
Việc đánh giá từng trường hợp là một thách đố đòi hỏi sự nỗ lực và có khi là rất khó khăn nhưng phải đối diện với thách đố ấy để những bệnh nhân mắc các chứng bệnh kinh niên, những người bị suy yếu về tâm thần không bị loại trừ, và để những người này không bị đối xử dựa trên những định nghĩa dễ thay đổi nhưng được đối xử trên thực tế bệnh lý của mình.
 
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 62)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 
http://dongten.net/noidung/42879
 

 

Vấn đề luân lý (1): Có nên phẫu thuật tách hai em bé dính liền?

be2 Câu hỏiTôi đọc thấy một trường hợp hai em bé sinh đôi người Thái dùng chung một trái tim và một phần gan. Người ta đã phẫu thuật tách đôi để cứu một trong hai em, em còn lại chết. Nhiều nhà luân lý học đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này? Cha nghĩ sao?
Trả lời: Trường hợp mà bạn nói đến là em Amy và Angela Lakeberg, sinh vào ngày 29.6.1993, tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Loyola, gần Chicago. Hai em dính với nhau từ ngực đến rốn, trái tim chung sáu ngăn cũng bị biến dạng. Sự sống của hai em được cho là không thể kéo dài, khoảng 6 hay 7 tuần tuổi thôi.
Các bác sĩ ở Loyola đề nghị ngừng cung cấp các trợ giúp y tế để hai em được chết một cách tự nhiên. Các bác sĩ thuộc bệnh viện nhi đồng ở Philadelphia thì khuyên nên phẫu thuật, nhưng trong tiến trình phân tách hai em, một em chắc chắn sẽ chết, em còn lại có 1% (hay ít hơn) cơ may sống sót. (Trong năm trường hợp phẫu thuật tách hai bé có một trái tim trước đây, không bé nào sống quá ba tháng rưỡi).
Như bạn đã nói, các nhà thần học đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Hầu hết các giả định, trong đó có một số đã tuyên bố rõ, rằng việc phẫu thuật tách đôi này là một ví dụ của việc áp dụng nguyên tắc song hiệu bình thường. Số khác xem cuộc phẫu thuật này là không thể được chỉ vì chi phí quá mắc – bằng hoặc hơn 1 triệu đô. Những người khác thì nói nhiều đến lợi ích của cha mẹ khi cứu mạng sống của ít là một trong hai em.
Trước hết, chúng ta cũng nên suy xét đến điều mà tất cả mọi người cùng đồng ý. Ai cũng đồng ý là việc phẫu thuật là một phương tiện khác thường xét về mặt luân lý nên là điều không buộc phải làm. Bên cạnh chuyện chi phí quá lớn, người ta cũng cần phải đặt vấn đề về việc, xét về lý, ai là người có đủ khả năng để, một cách tích cực, cho biết là cuộc phẫu thuật này có thể có một hy vọng khả lý dẫn đến thành công. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào không thể đảm bảo tỉ lệ thành công là 1% thì nên được gọi là một cuộc thí nghiệm, hơn là một cuộc giải phẫu.
Như bạn có nói, một vài nhà thần học cho rằng cuộc phẫu thuật phân tách này áp dụng nguyên tắc song hiệu. Bản thân tôi thấy điều này không được thuyết phục cho lắm. Chắc chắn, ý hướng là nhằm cứu một em; kết quả tốt không hoàn toàn đến từ kết quả xấu (cái chết của bé kia); vấn đề tỷ lệ dường như cũng thỏa đáp. Tuy nhiên, tôi thấy thật khó diễn tả hành vi chính (hành vi chủ đạo gây ra hai hệ quả) là “tốt” hay “trung lập”. Theo như tôi hiểu, việc phẫu thuật sẽ tách hai em ra về mặt thể lý, rồi chuyển trái tim và các mạch máu qua cho bé nào có khả năng sống sót cao hơn. Tuy nhiên, trái tim bị biến dạng ấy là trái tim cung cấp sự sống cho cả hai. Hành vi này đã tước đoạt khỏi một em quyền được thừa hưởng trái tim kia và chính hành vi này đã khiến em chết.
Cái chết của em chắc chắn là đã được nhìn thấy trước và hẳn nhiên là vì mục đích tốt muốn đem lại lợi ích cho người chị em song sinh của mình. Cái chết ấy có lẽ không được dự định một cách trực tiếp như là một “cái kết”, nhưng chắc chắn người ta có thể biết trước điều đó và có ý xem nó như một “phương tiện”, như một điều kiện cần và phải có để có được một kết quả mà người ta mong chờ.
Xét về tình, người ta chắc chắn hiểu được tình ảnh éo le và áp lực mà bố mẹ em phải chịu, nhưng người ta cũng có thể đặt vấn đề rằng y khoa đang đưa ra một kiểu hy vọng khả lý nào đây. Hầu chắc là em bé sống sót không thể rời bệnh viện nếu không có những phương tiện trợ giúp sự sống cho em, thậm chí, em cũng không thể rời khỏi bệnh viện mà vẫn còn sống.
Dựa trên những gì vừa nói, tôi đồng ý với ý kiến hợp lý của Albert Moraczweski: “Về mặt luân lý, dù là không được thuận tình cho lắm, nhưng trong trường hợp này, tốt hơn nên để cho cả hai em được chết bởi những nguyên do tự nhiên, do một con tim khiếm khuyết không đủ cung cấp sự sống cho cả hai, hơn là chết do có sự can thiệp của con người, quyết định lấy trái tim khỏi em này (và khiến em chết) để chuyển cho em còn lại.”
 
(trích trong SMITH, WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 54)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 http://dongten.net/noidung/42609

 

 

 

 

 

 

 

 

Pin It

Gửi phản hồi