Cách đưa tin của báo, đài Nghệ An: Nói dối, xuyên tạc sự thật và xem thường pháp luật

Cách đưa tin của báo, đài Nghệ An: Nói dối, xuyên tạc sự thật và xem thường pháp luật
 

GPVO – "Ngay từ đầu chính quyền huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã không hợp tác với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp thế mà nay lại tráo trở quay ra “dạy” cho Bề trên giáo phận Vinh cách làm tròn bổn phận đối với con chiên, thật không còn chút liêm sỉ nào nơi các vị chức trách trong các cấp chính quyền và bộ máy truyền thông của tỉnh Nghệ An."

——————————————————–

Sự việc xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 22/5/2013 tại đoạn đường từ Tỉnh lộ 534 vào Linh địa Trại gáo, đến nay đã hơn 3 tháng. Những tưởng mọi việc đã lắng dịu, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân, trả lại sự tôn nghiêm thánh thiêng cho Linh địa Trại Gáo – nơi có hàng trăm người, cả lương dân và giáo dân, mỗi ngày đến cầu nguyện với Thánh Antôn – nếu như các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An biết tôn trọng quyền con người, tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự thật để cùng tìm giải pháp ổn thỏa, nhẹ nhàng, tránh những xung đột không đáng có xảy ra làm tổn thương đến khối đại đoàn kết lương giáo. Nhưng thật đáng tiếc cho cung cách làm việc lấy sự giả dối làm phương châm hành xử của cả hệ thống chính trị, vì cái mục đích “lợi ích đảng phái chính trị” biện minh cho tất cả những phương cách có thể đưa ra sử dụng. Cụ thể là mấy ngày hôm nay chính quyền Nghệ An tổng huy động lực lượng truyền thông vào cuộc để tấn công Giáo phận Vinh với luận điệu xuyên tạc sự thật và coi thường pháp luật.

Các cấp chính quyền thiếu sự hợp tác trong việc tìm giải pháp cho vụ việc

Theo ĐƠN KIẾN NGHỊ KHẤN CẤP của toàn dân Mỹ Yên, vào khoảng 20 giờ ngày 22/5/2013 khách hành hương và bà con giáo dân về Trại Gáo tham dự thánh lễ đã bị 3 kẻ lạ mặt vô cớ chặn lại không cho vào Linh địa. Vì quá bất bình và bức xúc trước hành vi sai trái đó nên đã xẩy ra xô xát giữa quần chúng với 3 kẻ lạ mặt. Trong khi xô xát, kháng cự, đã có thương tích xẩy ra giữa hai bên. Khi biết được sự việc, Hội đồng Mục vụ, Ban an ninh giáo xứ Mỹ Yên và giáo họ Trại Gáo đã kịp thời đến can ngăn không để cuộc đụng độ tiếp tục xẩy ra, đưa 3 người lạ mặt bị thương vào nhà văn hóa xóm 13 để bảo vệ họ khỏi tiếp tục bị đánh do cơn phẫn uất của đám đông quần chúng, cả lương dân và giáo dân trong vùng, đang dâng trào. Và lúc này mới biết 3 người đó là công an huyện Nghi Lộc sau khi khám xét trong cốp xe máy thấy có thẻ công an, sắc phục công an được “cất cẩn thận” trong đó.

Cùng thời điểm, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng nhận được điện thoại của ông Vũ Chiến Thắng, nguyên phó cục trưởng A88 Tổng cục an ninh II, Bộ Công an, hiện là phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết có đụng độ giữa công an và giáo dân trên đoạn đường dẫn vào Linh Địa Trại Gáo, và đề xuất với “cụ Giám mục” tìm cách giải quyết vụ việc. Ông Lê Văn Khang Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, ông Nguyễn Tất Thắng phó Công an huyện Nghi Lộc, ông Việt cục An ninh Bộ công an cũng đã điện thoại xin “cụ Giám mục” kịp thời can thiệp để làm dịu tình hình. Với thiện chí nhằm giải quyết vấn đề tốt nhất, không để xẩy ra thêm những hậu quả đáng tiếc khác, đích thân Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Lm Nguyễn Văn Hương Chánh văn phòng TGM, Lm Nguyễn Đoài đã đến tại hiện trường để tìm hiểu sự việc, kịp thời can thiệp và giải cứu 3 người khỏi bị đám đông quần chúng đánh đập và họ được về nhà an toàn trong đêm. Về phía chính quyền, tất cả các cấp từ xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An đều đã từ chối, lấy lý do là sợ không đảm bảo an toàn, không đến hiện trường trong đêm để tìm hiểu thực hư sự việc và cùng nhau đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm cứu vãn tình thế đang rất căng thẳng. Nếu các cấp chính quyền có thiện chí cùng tìm giải pháp để bình ổn vụ việc ngay từ đầu, dập tắt tàn lửa không để nó bung thành đám cháy lớn thì sự việc đâu đến nỗi như vậy. Vậy mà Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) ngày 5/9/2013 trong bài Nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật có tính hệ thống của một số đối tượng quá khích ở Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An) của Nhóm phóng viên đã rêu rao, rằng:“Giám mục Nguyễn Thái Hợp… thể hiện thái độ bất hợp tác với chính quyền, không làm tròn bổn phận của đấng bề trên đối với những con chiên”.

Bắt người theo kiểu xã hội đen

Một số kênh thông tin đưa tin nhằm vào cụm từ “Bắt người trái phép”, “bắt cóc theo hình thức khủng bố”, “bí mật bắt không có lý do và không thông báo cho người thân” là đúng sự thật. Theo Bản tường trình của bà Hà Thị Tài, vào ngày 27/6 ông Ngô Văn Khởi, chồng bà, đi đám cưới cháu, khi về đến đoạn đường 48 (Trạm Tuần), huyện Nghĩa Đàn thì bị Cảnh sát Giao thông chặn lại, đồng thời có 3 chiếc xe con, 2 xe chặn phía trước, 1 xe phía sau cùng dừng lại, sau đó 5 thanh niên bịt mặt đến bắt ông Khởi đưa đi không rõ lý do. Sau 5 ngày gia đình vẫn không nhận được tin tức gì về ông Khởi. Chuyện nực cười là Thượng tá Phạm Hoài Nam, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An đã ký thông báo gửi về cho gia đình ông Khởi nhưng lại ghi sai năm sinh, sai địa chỉ. Ông Ngô Văn Khởi bị bắt sinh năm 1960, thuộc xóm 14, xã Nghi Phương, nhưng trong thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An lại ghi ông Ngô Văn Khởi sinh năm 1963, xóm 13, xã Nghi Phương. Điều này chứng tỏ sự tùy tiện của Cơ quan điều tra, đủ để chứng minh cho những việc làm sai trái khác của các cấp chính quyền là có cơ sở. Trường hợp bắt ông Nguyễn Văn Hải lại dã man và côn đồ hơn. Theo Đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuyền, vợ ông Nguyễn Văn Hải, trình bày, sáng ngày 27/6/2013 ông Hải chở cháu là Nguyễn Huy Hoàng (5 tuổi) đi khám chữa bệnh và lấy bột mỳ, trên đường về đến đoạn giao nhau giữa quốc lộ 1A và tỉnh lộ 534 nối từ thị trấn Quán Hành đến thị xã Cửa Lò thì bị Công an bắt giữ. Anh Hải bị đưa về Phòng công an huyện Nghi Lộc, hồ sơ bệnh án của cháu Hoàng, thuốc chữa bệnh, bao bột mỳ và xe máy (nên nhớ đây không phải là phương tiện thực hiện hành vi phạm tội) cũng bị công an tịch thu, còn cháu Hoàng thì luôn ở trong tình trạng hoảng sợ, khiếp đảm. Sau đó ông Trần Sĩ Phàng, trưởng phòng công an huyện Nghi Lộc điện thoại cho anh Kỳ (xóm 13, xã Nghi Phương) làm nghề lái máy cẩu nói là đến cẩu giúp món hàng. Anh Kỳ tưởng có món hàng thật, nhưng khi đến nơi mới biết là công an lừa để bắt anh Kỳ đưa cháu Hoàng về cho gia đình, lúc đó là quá 12 giờ trưa.

Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam hiện hành qui định việc bắt người phải tuân thủ những thủ tục tại Điều 80, Điều 84, Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự, theo đó, Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu việc thông báo cản trở quá trình điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt phải thông báo ngay. Việc bắt ông Ngô Văn Khởi và ông Nguyễn Văn Hải như vậy là không đúng với trình tự thủ tục đã được qui định trong Luật Tố hình sự Việt Nam. Đó là hình thức bắt cóc, bắt theo kiểu xã hội đen.

Báo điện tử Nghệ An online (baonghean.vn) liên tục đăng hai bài: Đoàn kết không có nghĩa là đồng lõa, bênh vực cho những sai phạm của tác giả Hải Triều và đặt vấn đề Ông Nguyễn Thái Hợp đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận? của "Nhóm phóng viên", cho chúng ta thấy rõ tính gian dối, tráo trở của các kênh thông tin Nghệ An trong chiến dịch đánh hội đồng giáo dân Mỹ Yên và vị chủ chăn giáo phận, tức là đánh toàn bộ giáo dân giáo phận Vinh. Đây không phải là lần đầu các cơ quan chức năng và các kênh thông tin thiếu thiện chí trong việc hợp tác giải quyết các vụ việc và thành thật trong việc đưa tin.Làm dối, nói dối và xem thường pháp luật vẫn là điệp khúc muôn thuở của các kênh thông tin tỉnh Nghệ An.

Sự kiện 2 ngày 3 và 4 vừa qua tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc và một loạt các bài báo, các phóng sự, các cuộc phỏng vấn thường dân trên NTV sau đó càng làm rõ hơn tính man trá và lọc lừa của một cỗ máy Nhà nước. Lấy sự giả dối làm “kim chỉ nam” cho cách thức quản trị xã hội, coi thường pháp luật, coi thường quyền làm người của người dân… là căn nguyên đẻ ra các tệ nạn làm sa đọa đạo đức xã hội. Đúng như nhà báo Thiện Ý trong bài Vì sao tội ác lên ngôi?, đăng trên Viet-Studies.info ngày 9-9-2011: “Nói dối, nghĩ một đằng, nói một nẻo chính là nguyên nhân đầu tiên, từ đó đẻ ra những tệ nạn khác làm sa đọa xã hội”. Điều 2 Hiến pháp 1992 qui định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”, nhưng thực tế xã hội hôm nay càng cho chúng ta thấy sự lố bịch và trò hề của một bản Hiến định không dựa trên tâm tư nguyện vọng và ý chí của người dân, nhưng chỉ nhắm đến lợi ích của thiểu số phe nhóm đảng phái, đã làm cho đất nước ngày càng tụt hậu.

GPVO

(166)

Bài viết liên quan

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Gửi phản hồi