Câu chuyện xúc động đằng sau nắm gạo rắc ở đầu ngõ của mẹ chồng
Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Thuở nhỏ, gia đình tôi rất nghèo khổ, thường xuyên đói ăn. Cha mẹ tôi nuôi sáu anh chị em chúng tôi quả là một việc không hề dễ dàng gì. Tôi là con gái lớn trong nhà cho nên sớm phải bỏ học để chăm sóc các em cho cha mẹ tôi đi làm.
Lúc tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi rất khó sinh. Lúc ấy, bác sĩ hỏi người nhà tôi là: “Gia đình hãy suy nghĩ xem muốn giữ lại mẹ hay giữ lại con?”
Mẹ chồng và chồng tôi không đắn đo gì mà trả lời bác sĩ rằng muốn giữ lại người mẹ bởi vì sau này vẫn còn có thể sinh được con. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ mà tính mạng của tôi cũng thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng còn con tôi thì bác sĩ một mực lắc đầu.
Mặc dù bác sĩ đã khẳng định như vậy, nhưng mẹ chồng tôi một mực không chịu, bà nói rằng:“Cứu không được thì cũng phải thử một lần, dù sao đó cũng là một sinh mệnh, cứ như vậy mà từ bỏ chẳng lẽ không sợ báo ứng sao?” Nghe được những lời thấu tình đạt lý này của mẹ chồng, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn!
Với sự quyết tâm dốc lòng của mẹ chồng tôi, đứa con đầu lòng của chúng tôi đã được cứu sống nhưng từ nhỏ đã phải chịu nhiều bệnh tật. Mỗi khi trời trở gió là con bé lại bị cảm cúm. Khi ấy, gia đình tôi cũng không giàu có nên tiền chữa trị cho con cũng là vấn đề rất khó khăn. Chồng tôi thường hay nói rằng tất cả đều đành phải nhờ vào ông trời thôi!
Khi con lớn của chúng tôi 10 tuổi thì tôi có thai đứa con thứ hai. Lần này sức khỏe của tôi còn tồi tệ hơn lần trước, mỗi lần đi bệnh viện trong thành phố, các bác sĩ đều khuyên tôi nên bỏ thai nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng. Tôi không đành lòng bởi vì dù sao đứa bé cũng là một sinh mệnh còn chưa ra đời, sao có thể…
Lúc ấy, bố chồng và chồng tôi vì muốn tôi được an toàn nên đều muốn tôi bỏ thai đi. Nhưng mẹ chồng tôi lại đồng ý với suy nghĩ của tôi.
Khi tôi mang thai con thứ hai được 7 tháng thì có dấu hiệu sinh non, mẹ chồng tôi lúc ấy rất lo lắng và sốt ruột giống như “kiến bò trên chảo nóng” vậy.
Lần thứ hai sinh con, lại là một lần trải qua kỳ tích. Các bác sĩ đều nói rằng tôi thật may mắn được ông trời chiếu cố…
Sau đó mấy năm, trong một lần kiểm tra sức khỏe tôi đã được bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư cổ tử cung và chỉ sống được khoảng ba năm nữa. Mọi người trong nhà sau khi biết tin này đều rất sợ hãi. Chồng tôi hàng ngày đều ra sức đi làm thuê để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi. Bố chồng tôi cũng làm thêm một số việc vặt khác, còn mẹ chồng tôi thì ở nhà quán xuyến việc gia đình.
Vào thời điểm năm ngoái, không hiểu sao mỗi buổi tối mẹ chồng lại bắt tôi cầm một nắm gạo rắc ở ngoài đầu ngõ. Tôi cũng đã từng hỏi lý do nhưng mẹ chồng tôi một mực không nói gì. Tôi cứ làm như vậy được khoảng nửa năm thì vào một buổi tối khi tôi đang đi rắc gạo đã gặp một bà lão gần đó.
Bà lão chứng kiến việc làm của tôi và nói nhỏ mấy câu nhưng tôi không nghe rõ. Tôi tiến lại gần bà và hỏi lại, bà trả lời: “Mẹ chồng của cháu thật là một người tốt. Số gạo này là bà ấy tự tay đưa cho cháu phải không?”
Tôi im lặng và gật gật đầu. Bà lão thấy vậy liền hỏi một cách ngạc nhiên: “Cháu không biết gì sao?”
Tôi trả lời bà: “Cháu không biết ạ!”
Bà lão nhẹ nhàng nói: “Rắc gạo ở đầu đường là có lý do đấy. Người xưa nói rằng, đem gạo rắc ngoài đầu ngõ là một cách để mượn mạng sống. Nếu như có người cam tâm tình nguyện đem gạo đưa cho cháu, cháu mang ra đầu ngõ rắc, người đó ở nhà niệm mấy câu là có thể đem mạng sống cho cháu mượn đấy.”
Nghe xong những lời nói của bà lão, cả người tôi như cứng đờ ra, sững sờ, rồi tôi bật khóc, nước mắt trào ra hai má ngăn không được. Đây chắc hẳn là phương pháp cuối cùng mà mẹ chồng tôi muốn làm cho tôi…
Cũng từ sau hôm đó, mỗi lần mẹ chồng đưa gạo cho tôi đi rắc, tôi đều vui vẻ nhận lấy. Nhưng chỉ có điều, tôi bắt đầu giữ chúng lại và tích vào một cái chai để ở một nơi mà sau này khi tôi không còn nữa thì mẹ chồng tôi sẽ biết và nhận lại chúng…
Theo Daikynguyenvn