Đạo đức trong chua cay – một mối nguy riêng của những người tốt lành và thành tín

Đạo đức trong chua cay – một mối nguy riêng của những người tốt lành và thành tín

  The Prodigal Son
Trong một tuyệt tác về ân sủng, Piet Fransen cho rằng chúng ta có thể thử xem mình hiểu về ân sủng đến mức nào bằng cách xem phản ứng của chúng ta với câu chuyện này:
Hãy tưởng tượng một người, suốt cuộc đời hoàn toàn chẳng quan tâm đến Thiên Chúa hay đạo đức. Ông ta ích kỷ, chối bỏ hết mọi giới răn, mọi chuyện tôn giáo, và về căn bản là chỉ mưu cầu khoái lạc cho riêng mình với rượu, tình dục, ca nhạc. Rồi, chỉ vài giờ trước khi chết, ông ta hối hận vì sự vô trách nhiệm của mình, thành tâm xưng tội, đón nhận các bí tích giáo hội, và chết cùng với lòng hoán cải.
Phản ứng bộc phát của chúng ta với câu chuyện này là gì?  Chẳng phải là thật tuyệt khi ông ta đã nhận được ơn hoán cải trước khi chết hay sao? Hay, suy nghĩ của chúng ta là thế này: Kẻ ăn mày may mắn! Ông ta ra đi cùng với ơn đó! Ông ta đã có đủ mọi khoái lạc mà vẫn được vào thiên đàng!
Nếu chúng ta có những cảm giác như trên, dù chỉ một chút thôi, thì nghĩa là chúng ta chưa bao giờ hiểu được sâu sắc khái niệm ân sủng. Đúng hơn, như người anh của đứa con hoang đàng, chúng ta vẫn xem cuộc sống ngoài nhà Chúa tròn đầy hơn là trong nhà Chúa, chúng ta vẫn làm những việc ngay lành nhưng hầu như là bởi bổn phận cay đắng, và trong lòng thầm ghen tỵ với những người vô đạo đức. Nhưng, nếu thật như thế, chúng ta hẳn phải muốn tốt cho mình. Đây là một mối nguy riêng của những người tốt lành và thành tín.
Chính Chúa Giêsu đã chỉ ra điều này trong dụ ngôn về những người làm công trong vườn nho. Dụ ngôn này nhắm để trả lời một câu hỏi của thánh Phêrô. Thay mặt các môn đệ khác, thánh Phêrô đã hỏi Chúa Giêsu là họ sẽ được phần thưởng nào cho lòng trung tín với Ngài. Chúa Giêsu trả lời bằng cách kể cho họ câu chuyện về một người chủ vườn rất giàu có và rộng rãi, đã đi ra chợ từ buổi sáng và mướn người làm việc trong vườn nho của mình. Ông mướn vài người vào buổi sáng sớm, hứa cho họ tiền lương cao, rồi tiếp theo lại mướn thêm những người khác, mỗi nhóm vào làm việc cách nhau vào giờ, và đến cuối ngày chỉ một giờ trước khi hết việc, ông lại mướn một vài người khác nữa.  Rồi ông bảo người quản lý trả cho tất cả mọi người đều được lương một ngày công. Nhưng điều này khiến cho những người đã làm lụng cả ngày thấy có gì đó chua cay trong lòng. ‘Thế này không công bằng!’ họ kiện. ‘Chúng tôi đã làm việc cả ngày, chịu nắng nôi thiêu đốt, còn nhóm người vào làm cuối cùng này, thì chỉ làm có một giờ mà thôi. Như thế là bất công khi họ cũng nhận số tiền lương ngang chúng tôi!’ Người chủ vườn rộng rãi, rõ ràng là hình ảnh của Thiên Chúa, nhẹ nhàng trả lời: ‘Bạn à, bạn đã chẳng đồng ý với mức lương này rồi hay sao? Đồng lương này không xứng hay sao? Hay bạn đang ghen tỵ và nổi giận bởi vì tôi quá hào phóng?’
Chúng ta hãy nhớ rằng câu chuyện này là câu trả lời của Chúa Giêsu cho thánh Phêrô … và, qua dụ ngôn này, cũng là cho tất cả những người ngay lành đang chịu đựng nắng nôi cực nhọc về mặt đạo đức và tôn giáo. Và Chúa Giêsu cam đoan với chúng ta rằng, chúng ta sẽ được nhận lãnh rất nhiều khi làm việc đổ mồ hôi như thế. Nhưng, dụ ngôn cũng nói rõ rằng, có đó một cái bẫy: Đơn giản là, chúng ta sẽ được tưởng thưởng thiên đàng, và đó là tuyệt vời vinh phúc, nhưng, có một cái bẫy, là chúng ta có thể có mọi thứ nhưng chẳng vui vẻ hưởng dùng được cái gì, bởi chúng ta đang chăm chăm xem người khác sẽ được nhận lãnh bao nhiêu!
Đôi khi giảng tĩnh tâm cho các linh mục và tu sỹ, tôi cố nhấn mạnh điểm này một cách sinh động hơn. Tôi muốn họ cân nhắc một kịch bản như thế này: Hãy tưởng tượng, bạn sống cả đời trung tín với lời thề độc thân, và như thế cũng là chịu nắng nôi thiêu đốt, và khi bạn lên thiên đàng, người đầu tiên bạn gặp là Hugh Hefner, người lập ra tạp chí khiêu dâm Playboy.  Quá sốc, bạn kháng cáo lên Chúa: ‘Làm sao mà ông ta lên được đây? Xem lại cuộc sống của ông ta và cuộc sống mà con được yêu cầu phải sống, thì thật không công bằng!’ Và Thiên Chúa, người chủ vườn quá đỗi rộng rãi, nhẹ nhàng trả lời: ‘Bạn à, chẳng lẽ bạn đã không đồng ý sống đời độc thân hay sao, chẳng lẽ thiên đàng không đủ là một nơi tuyệt diệu cho bạn hay sao? Hay bạn đang ghen tỵ và nổi giận bởi vì tôi quá hào phóng?’ Và, nếu gặp cảnh này trên thiên đàng, thì các bậc thánh thật sự sẽ phản ứng rất khác, họ sẽ như người cha của đứa con hoang đàng, chạy đến trong vui sướng, và ôm lấy người đó mà nói: ‘Tôi quá sức vui mừng khi anh đã làm được điều này!’
Thomas Halik, văn sỹ người Czech, cho rằng một trong những lý do mà nhiều người trên thế giới chối bỏ các giáo hội là bởi họ thấy chúng ta là những ‘người đạo đức đầy lòng chua cay’, những người anh của đứa con hoang đàng, biết thực thi những bổn phận tôn giáo và đạo đức của mình, nhưng trong lòng chua cay, và vì một sự ghen tỵ giấu trong lòng, đi chỉ trích những ai không sống giống như mình.  Hơn trăm năm trước, Nietzsche đã lên tiếng tố cáo gần như thế.
Đáng buồn thay, lời tố cáo này đúng, và không chỉ là đúng một chút mà thôi. Chúng ta quá thường xuyên là một người đạo đức đầy lòng chua cay, ngấm ngầm ghen tỵ những người vô luân và phê phán thế giới này vì sự chua cay trong lòng mình. Nhưng đó chính là mối nguy riêng của những người tốt lành và trung tín. Thánh Phêrô và các tông đồ tiên khởi đã phải đấu tranh với chuyện này. Như thế thì làm sao chúng ta tránh được mối nguy đó?
Chúng ta không thể tránh khỏi tình trạng nguy hiểm này, nhưng chúng ta cần phải thành tâm nhìn nhận rằng, cho dù chúng ta có thật sự tốt lành và thành tín, thì vẫn còn lâu mới được là những vị thánh trọn vẹn.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
[post-views]
Pin It

Gửi phản hồi