Giá Trị Gia Đình
Trong bài thơ “Hai Sắc Hoa Tigôn”, thi sĩ T.T.KH thổ lộ: “Em vẫn đi bên cạnh cuộc đời / Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi”. Điều đó chứng tỏ bà không hề hạnh phúc trong hôn nhân.
Gia đình là tế bào của xã hội, mà vợ chồng là khởi lập một gia đình. Vợ chồng hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc, và do đó mà gia đình cũng hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo (1802-1885) đã mô tả sự bất hạnh của người vô gia đình trong tác phẩm Les Misérables (Những Kẻ Khốn Cùng). Không ai không có gia đình, nhưng gia đình không hạnh phúc thì thật bất hạnh!
Một danh nhân đã nói: “Nhân loại không có tương lai nếu không có gia đình. Gia đình là sự hiệp thông tình yêu, xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và được mời gọi trở thành đền thánh của sự sống, tế bào của xã hội”.
I. GIA ĐÌNH
Đa số chúng ta đều phải nỗ lực để thành công mà quên giao tiếp với người khác, trước tiên là những người trong gia đình, mà chính các thân nhân là những người giúp chúng ta thêm tự tin để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời. Nhưng đa số chúng ta lại có khuynh hướng quên những người đưa chúng ta vào đời.
Tại Hoa Kỳ hồi thập niên 1960, tình dục trước hôn nhân bị coi là người phóng khoáng tự do. Người Việt trước đây cũng quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”. Nhưng rồi các cô gái coi tình dục là sự giải phóng. Đối với các phụ nữ “ăn cơm trước kẻng”, người ta coi đó là lỗi lầm nghiêm trọng. Người ta có thể nhắn nhủ con gái họ nhiều điều nhưng vẫn không thể xử lý việc chúng mang thai ngoài ý muốn. Người ta thường nói: “Đàn bà nhẹ dạ, cả tin”. Và ca dao Việt Nam cũng đã dặn dò các cô gái:
Chớ nghe quân tử ỉ òn
Mà rồi có lúc ẵm con một mình
Ngày nay, tỷ lệ ly hôn tăng vọt, khiến nhiều đứa trẻ bị dùng làm “vũ khí” để trả thù, sự tranh giành xảy ra giữa cha mẹ, người này bắt chính đứa con chống lại người kia. Con cái không được gặp cha hoặc mẹ, anh chị em không được gặp gỡ nhau. Cơ cấu gia đình mất khả năng liên kết với nhau.
Ngày nay, các thiếu niên độ tuổi mười bảy đôi mươi được gắn mác là thế hệ X, và chúng ta có những vấn đề liên quan. Lứa tuổi này thường coi gia đình là “sự khiêu khích” mà chúng phải đối phó vào những ngày nghỉ. Gia đình là cái gì đó xa vời khó hiểu, hoặc là cái gì đó “dĩ nhiên” nên không cần tìm hiểu. Gia đình là một khái niệm mơ hồ và trừu tượng với chúng. Do đó, mọi người trong gia đình khó nói chuyện thoải mái với nhau, hoặc có nói chuyện thì cứ phải rào trước đón sau, khiến không khí gia đình ngột ngạt và khó thở!
Càng lớn người ta càng hiểu giá trị gia đình. Nhưng đôi khi chúng ta hiểu được giá trị quý giá đó thì có thể không còn cơ hội tận hưởng, thậm chí là muộn màng, và phải hối tiếc cả phần đời còn lại.
Cây khô đâu dễ mọc chồi
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta
Nói là “chưa dễ” chứ thực ra là “không thể”. Cha là “phần cứng”, mẹ là “phần mềm”. Phần nào cũng có vị trí quan trọng nhất định, và không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cha thâm trầm, không thể hiện ra ngoài; mẹ có cách thể hiện riêng. Thế nhưng cha mẹ đều yêu thương con cái hơn cả chính mình. Chuyện kể rằng…
Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: “Các con ăn nhanh đi, mẹ không đói!”. Đó là lần đầu tiên mẹ nói dối!
Khi cậu bé lớn dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá, lấy lưỡi liếm những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ. Mẹ không ăn, lại dùng đũa gắp trả miếng cá về bát cậu bé. Mẹ bảo: “Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá”. Mẹ nói dối lần thứ 2.
Lên cấp II, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, mẹ vừa làm thợ may vừa nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa Đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: “Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!”. Mẹ nói dối lần thứ 3.
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm. Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi để làm “chỗ dựa tinh thần” cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng cháy khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình nước, dỗ dành cậu bé uống. Bình trà nồng đượm, tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: “Con uống nhanh lên con. Mẹ không khát!”. Mẹ nói dối lần thứ 4.
Sau khi cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ đâu phải cây cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Xóm giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết không đi “bước nữa”. Mọi người khuyên thế nào mẹ vẫn kiên quyết không nghe. Mẹ bảo: “Mẹ không yêu chú ấy”. Mẹ nói dối lần thứ 5.
Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận. Tất cả tiền con gửi về, mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: “Mẹ có tiền mà. Vả lại mẹ có chi tiêu gì đâu!”. Mẹ nói dối lần thứ 6.
Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sĩ ở một trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có chút điều kiện, cậu muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo: “Mẹ không quen!”. Mẹ nói dối lần thứ 7.
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến thập tử nhất sinh, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo: “Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu”. Và đó là lời nói dối cuối cùng của mẹ!
Những lời nói dối đó của mẹ thật dễ thương! Chuyện kể về mẹ như vậy, nhưng cũng có ý nói về cha. Gia đình là thế đó! Nhưng làm sao có thể xác định các giá trị gia đình? Có thể đây là các giá trị gia đình chủ yếu:
1. Thuộc về nhau. Cần thiết là mỗi thành viên đều cảm thấy mình được yêu thương, cảm thấy thuộc về nhau. Một gia đình gắn kết với nhau khi mỗi người đều thích ở bên nhau, dành thời gian rảnh để trò chuyện, làm việc, chia sẻ và dùng bữa với nhau. Tạo một gia đình vững mạnh là điều cần thiết nhưng mỗi người vẫn có những “khoảng riêng” nhất định của mình để làm những gì mình thích, miễn sao đừng thái quá.
2. Linh động. Nhà nào cũng có cách sinh hoạt riêng và có gia phong lễ giáo. Thời khóa biểu và cấu trúc mỗi gia đình cũng khác nhau, nhưng phải làm sao vẫn giữ được những nền tảng đạo đức cơ bản. Đừng quá câu nệ vào luật, vì càng câu nệ vào luật thì người ta càng trở thành khó tính khó nết. Tính linh động rất cần thiết để làm cho gia đình hạnh phúc. Cha mẹ luôn cho mình đúng và bắt con cái làm theo ý mình, chắc chắn gia đình đó không thể nào hạnh phúc.
3. Tôn trọng. Đây là điều khó với cha mẹ. Tôn trọng không chỉ là người nhỏ tôn trọng người lớn, mà người lớn cũng phải tôn trọng người nhỏ. Cha mẹ cũng có lúc sai, vẫn cần biết xin lỗi con cái. Và đó cũng là tôn trọng con cái. Tôn trọng nhau còn là nhận biết và đánh giá cao tư tưởng hoặc quan điểm của nhau, kể cả cảm xúc (yêu thương, tức giận, vui, buồn, sợ, lo,…). Mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng vẫn phải luôn duy trì gia đình là một tổng thể.
4. Chân thật. Đây là nền tảng của mọi mối quan hệ: Vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau. Không chân thật thì không thể có mối liên kết thân thiết và không thể bền vững. Hãy khuyến khích sự chân thật bằng cách cố gắng tìm hiểu nhau và tôn trọng nhau, ngay cả khi có một thành viên lầm lỗi. Không chân thật sẽ xói mòn các giá trị gia đình.
5. Tha thứ. Không ai không có lỗi, vì thế luôn phải biết sẵn sàng và mau mắn tha thứ. Tha thứ là một chọn lựa đúng đắn. Đừng nghĩ tha thứ làm mình bị “lép vế”. Mà có “lép vế” hoặc thua thiệt cũng không sao, vì đó là nhường nhịn người thân thuộc của mình. Điều này có thể không dễ thực hiện vì nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng “đánh đồng” việc tha thứ với cách nói “không sao”. Hoàn toàn khác nhau. Cố nén sự cằn nhằn không thể tạo nên một gia đình thân thiết nếu không tôn trọng nhau và tha thứ thật lòng. Cuộc đời không dài để mà cứ “để bụng” những điều mình cảm thấy không vừa ý!
6. Hiếu kỳ. Trẻ em có tính hiếu kỳ tự nhiên, thích tò mò, ưa khám phá. Chúng hay hỏi, thấy gì cũng muốn biết. Nhiều cha mẹ không cho con cái hỏi, đó là sai lầm, một phần có lẽ vì cha mẹ bị… “bí”. Thiết tưởng nên để chúng thắc mắc và giải thích cho chúng, không giải thích được thì nhờ người khác. Tò mò cũng là dạng khám phá. Ngăn cấm chúng thắc mắc sẽ làm chúng “cụt hứng”, ngại hỏi, và thế là chúng mất tự tin. Chính chúng ta ngày xưa cũng vậy, sao lại không cho chúng hiếu kỳ? Hiếu kỳ sẽ giúp nhận xét, phân biệt đúng hoặc sai, đó là kỹ năng quan trọng có thể học tập và phát triển trong quá trình khám phá tính hiếu kỳ.
7. Giao tiếp. Giao tiếp là nghệ thuật và khoa học. Không giao tiếp có thể dẫn đến hiểu lầm và không hạnh phúc. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Những vấn đề nhỏ sẽ dần hình thành vấn đề lớn, và rồi có thể xói mòn các mối quan hệ, xói mòn cả tình cảm gia đình. Giao tiếp không hẳn là phải nói chuyện. Có thể giao tiếp bằng nhiều cách: Ánh mắt, thái độ, cử chỉ, hành động, thể ngữ, lắng nghe,… Giao tiếp cũng có những mức độ khác nhau, cả cường độ và cao độ.
8. Trách nhiệm. Người ta đánh giá cao những người sống có trách nhiệm. Trách nhiệm là điều cũng phải học hỏi. Đứa bé cần học cách xếp gọn đồ chơi sau khi chơi xong, cách để gọn quần áo, sắp xếp sách vở, cách cho chó ăn,… Nói chung là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ý nghĩa của trách nhiệm sẽ theo chúng đến tuổi trưởng thành. Người lớn sống có trách nhiệm sẽ không đòi hỏi nhiều, biết quan tâm người khác, biết công bình và yêu thương. Như vậy, người đó mới có thể tạo lập gia đình hạnh phúc.
II. ĐỒNG TÍNH
Đồng tính luyến ái gọi tắt là đồng tính hoặc đồng giới. Dạng “đặc biệt” này có là sự rối loạn tâm lý?
Không. Đồng tính nam (gay), đồng tính nữ (lesbian), và lưỡng tính (bisexual) đều không là rối loạn. Nghiên cứu cho thấy không có mối liên kết vốn dĩ nào giữa các loại định hướng giới tính và tâm lý. Cả quan hệ khác giới và đồng giới là điều bình thường trong giới tính, cũng đã được biết đến trong các văn hóa khác nhau và trong lịch sử. Mặc dù có những kiểu “phác họa chân dung” những người đồng tính nam, đồng tính nữ, và lưỡng tính là những người “nổi loạn”, nhưng nghiên cứu nhiều thập niên khiến người ta kết luận rằng các dạng định hướng giới tính này đều là biểu hiện bình thường của con người. Đồng tính nam, đồng tính nữ, và lưỡng tính là những dạng bình thường của sự liên kết con người. Do đó, từ lâu người ta đã không còn coi đồng tính là dạng rối loạn tâm thần – nghĩa là không bị bệnh.
Bản chất hôn nhân
Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người đồng tính nam và nữ muốn được yêu thương và kết hôn với nhau. Có khoảng 40% tới 60% đồng tính nam và khoảng 45% tới 80% đồng tính nữ hiện nay có mối quan hệ lãng mạn. Theo điều tra của Hoa Kỳ năm 2000, có 5,5 triệu đôi uyên ương sống với nhau nhưng không kết hôn, chiếm 1/9 (594.391 cặp vợ chồng) có vợ hoặc chồng là người đồng tính. Dù đó chưa phải là con số đúng về các cặp “vợ chồng” đồng tính, nhưng điều đó cho thấy một thức tế: 301.026 cặp “vợ chồng” đồng tính nam và 293.365 cặp “vợ chồng” đồng tính nữ tại Hoa Kỳ.
Có những nghệ sĩ ngoại quốc là người đồng tính. Đồng tính nữ như Ellen DeGeneres, Portia de Rossi, Fiona Shaw, Sarah Paulson, Cherry Jones, Heather Matarazzo, Clementine Ford,… Đồng tính nam nhưElton John, Neil Patrick Harris, T.R. Knight, Rupert Everett, Nathan Lane, George Michael, John Amaechi,…
Việt Nam cũng có những “sự kiện” gây xôn xao dư luận. Chẳng hạn chuyện hai thanh niên đồng tính tổ chức đám cưới tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Đây không phải là đám cưới đồng tính đầu tiên tại Việt Nam dù pháp luật không thừa nhận dạng hôn nhân này. Theo một khảo sát nhanh trên các diễn đàn của người đồng tính, có 71,1% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Cách đây vài năm, đám cưới của nghệ sĩ Chinh Nhân và ca sĩ chuyển đổi giới tính Cát Tuyền đã được tổ chức tại nhà hàng Quốc Thanh (TP.HCM) dưới sự chứng kiến của đông đảo nghệ sĩ. Dù không được gia đình đồng ý nhưng Chinh Nhân vẫn kết hôn đồng tính. Nhưng chỉ sau 6 tháng, hai người đã chia tay nhau. Cát Tuyền sang Mỹ định cư và kết hôn với một người đồng tính khác.
Tối 14-12-2010, đám cưới của một cặp teen đồng tính nữ Quang Minh và Thùy Linh đã diễn ra tại Hà Nội khiến nhiều người sửng sốt. Rồi tháng 2-2012, tại thị trấn Đầm Dơi (Cà Mau) cũng đã diễn ra “đám cưới” giữa 2 cô gái Nguyễn Vạn N. (20 tuổi, trú tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) và Nguyễn Thị N. (21 tuổi, trú tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). Nhưng đám cưới này bị chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn.
Dù đồng tính không là bệnh, nhưng hôn nhân đồng tính hoàn toàn trái luật tự nhiên, không thể nào thể hiện chức năng đúng của hôn nhân và không thể hạnh phúc. Thực tế đã và đang chứng tỏ rõ điều đó.
Hôn nhân là sự tác hợp phu thê giữa một người nam và một người nữ trước sự chứng kiến của xã hội. Về bản chất, sự tác hợp này là duy nhất và vĩnh viễn trong suốt cuộc đời người nam và người nữ, mối ràng buộc kỳ diệu bằng cả thể lý và tâm hồn. Vấn đề sinh sản và giáo dưỡng con cái cũng được coi là yếu tố quan trọng trong hôn nhân.
Thế kỷ XIX, Pháp ngữ có chữ “gaie” để nói về người đồng tính. Tuy nhiên, cuối thập niên 1950, người ta dùng danh từ “đồng tính” (đồng giới) trong việc đấu tranh quyền của người đồng tính. Anh ngữ dùng từ “gay” để chỉ đồng tính nam và “lesbian” để chỉ đồng tính nữ. Chữ “lesbian” có gốc từ chữ Lesbos, tên một hòn đảo ở Hy Lạp, nơi có nữ thi sĩ đồng tính Sappho sống thời cổ đại. Các phụ nữ đồng tính còn được gọi là “Sapphist” (*).
Có những điểm chính để biết tính dục khác giới hoặc đồng giới:
● Ba yếu tố chính là hấp dẫn giới tính, hành vi tính dục và tính đồng nhất. Đối với đại đa số, các yếu tố đó đi theo một cách đồng dạng. Cho nên người ta có hành vi tính dục theo cảm xúc tình dục, nghĩa là người ta có khuynh hướng sinh hoạt tình dục với người mà mình cảm thấy bị thu hút.
● Tuy nhiên, sự đồng nhất và hành vi tính dục có thể khá thay đổi theo thời gian và có thể không xảy ra đồng thời với nhau vì cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, người ta có thể có bạn khác giới nhưng sau đó lại thấy thích người đồng giới.
Người đồng tính có thể là cha mẹ tốt?
Có nhiều người đồng tính đã làm cha mẹ; một số khác cũng muốn làm cha mẹ. Theo điều tra của Hoa Kỳ năm 2000, có 33% các cặp “vợ chồng” đồng tính nữ và 22% các cặp “vợ chồng” đồng tính nam cho biết rằng họ cũng muốn có ít nhất một đứa con.
Trong xã hội ngày nay, tình trạng hợp pháp của các cặp “vợ chồng” đồng tính đã tăng. Một số họ cũng có con nuôi và biết quan tâm chăm sóc con cái như các cha mẹ bình thường. Đa số vấn đề là về những dạng tiêu cực của hôn nhân đồng tính nam và nữ. Đa số các cuộc nghiên cứu về vấn đề này đều hỏi các trẻ em có được cha mẹ đồng tính nuôi dưỡng hay không và có bất tiện gì không, nếu so với các trẻ em được cha mẹ khác giới nuôi dưỡng. Các câu hỏi phổ biến:
Con cái của cha mẹ đồng tính có nhiều vấn đề về đồng nhất tính dục hơn so với con cái của cha mẹ khác giới? Vấn đề rõ ràng: đồng nhất tính dục và giới tính (bao gồm đồng nhất giới tính, hành vi giới tính và định hướng giới tính) phát triển nhiều như nhau ở các trẻ em của cha mẹ đồng tính nữ và cha mẹ khác giới. Một số nghiên cứu quan tâm con cái của cha mẹ đồng tính nam.
Con cái của cha mẹ đồng tính có gặp khó khăn trong việc phát triển cá nhân trong các lĩnh vực khác ngoài vấn đề đồng nhất tính dục? Nghiên cứu về cá tính, tự nhận thức, và cách hành xử cho thấy vài điểm khác biệt giữa con cái của cha mẹ đồng tính nữ và con cái của cha mẹ khác giới. Một số nghiên cứu quan tâm con cái của cha mẹ đồng tính nam.
Con cái của cha mẹ đồng tính có gặp khó khăn về quan hệ xã hội? Chứng cớ cho thấy rằng con cái của cha mẹ đồng tính vẫn có các mối quan hệ xã hội bình thường. Nổi bật là con cái của cha mẹ đồng tính nam và nữ đều tận hưởng cuộc sống xã hội như bạn bè, cha mẹ, gia đình.
Con cái của cha mẹ đồng tính có thể bị lạm dụng tình dục – bởi cha/mẹ, bạn bè, người quen? Không có chứng cớ rõ ràng về vấn đề này.
Vấn đề quá rộng, không thể nói ngắn gọn, và cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
TRẦM THIÊN THU
(*) Sapphist là gọi theo tên Sappho. Sappho là cô gái đồng tính trong phim của Hy Lạp năm 2008. Bối cảnh phim xảy ra vào những năm 1920, cô con gái của triệu phú Sappho Lovell (nay tương đương tỷ phú) đi hưởng tuần trăng mật trên đảo Lesbos (Hy Lạp) cùng với vị hôn phu tên là Phil (một hoạ sĩ).Tại hòn đảo nhỏ này, cô quen mộ cô bạn tên Helene, con của một nhà khảo cổ người Nga và được biết về tên Sappho của mình với câu chuyện của một thi sĩ xa xưa. Những khám phá mới qua các vật khai quật được liên quan đến Sappho có ảnh hưởng đến cô ngay tức khắc cùng với sự thúc đẩy của Helene. Cô đã tự tạo ra những “khúc mắc” giữa 2 cô bạn gái và một chàng trai qua ảo tưởng về người đồng tính đầu tiên của đảo Lesbos chính là cô, là Sappho của huyền thoại. Và cô cũng không hề quan tâm về kết cuộc của Sappho xa xưa ra sao. Đến khi biết Helene không phải là người đồng tính như cô từng nghĩ và biết được kết thúc câu chuyện xa xưa thì tất cả đã vượt ngoài tầm tay của cô… Huyền thoại vẫn diễn ra như chính câu chuyện của nó mà người ta đã lưu truyền: “Sappho, người đồng tính của đảo Lesbos”.