Tháng Tư và Hòa Giải
Cuộc chiến ý thức hệ tại Việt Nam đã kết thúc 38 năm. Trang sử chiến tranh trôi qua, trang sử trả thù và trấn áp khởi đầu. Tháng tư đã trở thành một dấu mốc để ghi dấu về một chuyển biến lớn, khi đất nước thống nhất xong, là một bức màn sắt buông phủ trên cả nước.
Ðó là những gì đã làm cho tháng tư trở thành một vị đắng, không chỉ đối với hàng trăm ngàn người bị đẩy vào các trại tù cải tạo nhiều năm, đối với hàng triệu người bị đẩy lên vùng kinh tế mới hiu hắt với chục ký gạo và cuốc xẻng, đối với nhiều thế hệ trẻ em Miền Nam bị kỳ thị giáo dục, đối với hàng trăm ngàn người thoát được qua những chuyến vượt biên đường biển và đường bộ… và bây giờ, ngay cả khi căm thù đã lắng xuống đối với nhiều người, câu hỏi chưa trả lời được từ phía người thắng cuộc là tại sao cuộc chiến này không đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền sau gần 4 thập niên hòa bình.
Trong khi đó, những bước ngoặt lịch sử đã dẫn tới những hình ảnh kinh dị ở quê nhà.
Chế độ một thời căm thù tôn giáo, một thời nghi ngờ tất cả những tổ chức đông người mang yếu tố tâm linh – vì thế giới tâm linh là những gì nằm ngoài vòng kiểm soát của công an – bây giờ lại cho dàn dựng, thành lập (và có vẻ như chính nhà nước ám trợ tổ chức) một tổ chức tôn giáo là Ðạo Bác Hồ, với kinh điển riêng, cũng rước Tượng Phật Ngọc Hồ Chí Minh, cũng tụng Nam Mô A Di Ðà Phật và tụng các tụng kinh thờ phượng ông Hồ. Khi bạn vào YouTube, gõ chữ “Ðạo Bác Hồ,” sẽ thấy được kế hoạch muốn xây dựng nhà nước CSVN trên căn bản tâm linh Ðạo Bác Hồ, và đạo này hiện nay đã truyền sang 15/61 tỉnh thành, từ Hà Nội ra Hài Phòng, Sơn La, Nghệ An, Thái Bình…
Trong những ngày cuối tháng 4-2013, blogger Lê Anh Hùng gửi Thư Cầu Cứu, cho biết công an bao vây nguồn sinh kế của cả hai vợ chồng anh, thư viết:
“…Sau khi bị bao vây, đánh phá với đủ mọi chiêu trò, vợ chồng tôi phải dẹp quán nhậu nhỏ vốn là kế mưu sinh ở thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị từ giữa tháng 4/2013.
Ngày , vợ tôi được nhận vào làm đầu bếp cho một nhà hàng ở huyện Mỹ Chánh, Thừa Thiên – Huế.
Tuy nhiên, sáng 26/4, đột nhiên có ai đó gọi ông chủ nhà hàng đi đâu đó. Một lát sau, ông gọi điện về cho vợ tôi rồi hỏi: “Có phải chồng cháu là phản động không?” Cuối cùng, mặc dù ông chủ nhà hàng rất muốn vợ tôi ở lại làm việc và vợ tôi cũng rất muốn làm việc ở đó, ông vẫn buộc phải cho vợ tôi nghỉ.
Suốt mấy năm nay, vợ chồng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, vì dính vào vụ tố cáo những tội ác tày trời, man rợ của bè lũ Nông Ðức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải……Vợ chồng tôi luôn phải đối mặt với sự đe doạ, khủng bố thường trực từ tay chân của những kẻ bị chúng tôi tố cáo. Xin đơn cử, ngày , vợ tôi bị 9 tên côn đồ bắt cóc ở thị trấn Khe Sanh lúc 5h chiều và đưa ra Hà Nội thả xuống bến xe Giáp Bát vào 5h sáng hôm sau. Vụ việc này, một số blog trong và ngoài nước (trong đó có blog Nguyễn Tường Thuỵ) đã loan báo. Tôi cũng đã trực tiếp trao thư khẩn cho ÐBQH Dương Trung Quốc. Mới đây, vợ tôi lại bị bọn chúng bắt cóc từ rạng sáng 18 (khi cô ấy vào thăm một ngôi chùa ở Huế rồi ngủ lại đó) cho đến sáng 21/4 chúng mới thả.
Vì vậy, tôi kính mong dư luận trong và ngoài nước lên tiếng, ủng hộ vợ chồng tôi trong cơn nguy nan này, khi mà chúng tôi đang kiệt quệ, bị đe doạ khủng bố đủ kiểu, lại đang phải nuôi 3 đứa con nhỏ dại.”(hết trích)
Bài viết tựa đề “Hòa giải dân tộc – Cũng là chuyện của người Việt trong nước” của blogger Phương Bích trong đó bàn về hòa giải:
“…Thực ra sau chiến tranh, không phải tất cả người Việt ở 2 phía đều căm thù nhau. Nếu không có chuyện phân biệt kẻ thắng người thua, không có chuyện “trừng phạt” dẫn đến thảm cảnh hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, gây nên oán thù suốt mấy chuc năm qua làm chia rẽ lòng người, thì nước Việt ta biết đâu sẽ lớn mạnh chả kém gì nước Nhật, hay Mỹ?
Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau.
Ðây hoàn toàn không phải là sự thỏa hiệp. Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc. Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình…”(Nguồn: http://chimkiwi.blogspot.com)
Một tin khác cho biết cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đánh trong trại giam, theo bản tin của Ðài RFI:
“Hôm qua, 26/04/2013, bà Nguyễn Thị Nhung – mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi — vào trại giam Long An thăm con, bị tạm giam từ cuối tháng 10/2012, để chờ đưa ra xét xử, vì bị cáo buộc «Tuyên truyền chống Nhà nước», sau vụ rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương (Sài Gòn) ngày 10/10/2012, lên án các bất công trong vấn đề đất đai cũng như việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Ðông. Khi gặp con, bà Nhung rất bất ngờ vì thấy nhiều thương tích trên cơ thể con mình.
Nguyễn Phương Uyên đã kể với mẹ là đã bị đánh đến ngất trong tù. Ðây là điều khiến bà Nguyễn Thị Nhung hết sức bất ngờ, vì trước đó cán bộ trại giam cho biết cô Phương Uyên bị lên cơn co giật vì động kinh… …Sau khi được giải quyết thăm gặp, được gặp bé, thì thấy ở trên người bé có nhiều vết bầm tím, trên cổ, trên ngực, trên tay, thì tôi mới hỏi : "Con làm sao mà bị thâm tím như vậy ?" Con tôi nó nói rất là thương tâm : "Mẹ ạ, con bị người ta đánh, người ta đạp vào bụng, người ta đánh nhiều lắm, đánh con ngất xỉu luôn". Tôi mới hỏi là : "Tại sao con bị đánh ?" Con bé im. Nó rất là hiền. Ngày xưa đến giờ nó sống với bao nhiêu người, chưa bao giờ có ai phàn nàn gì hết, mà hôm nay, tự dưng lại bị đánh, thì nó nói là : "Con không làm gì hết, tự nhiên mấy người đó gây sự, rồi xông vào tấn công con, cho đến lúc con xỉu luôn, mới được quản giáo can thiệp đưa đi cấp cứu"…”(hết trích)
Trong khi đó, chàng thanh niên cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, người có 4 năm tù giam cho việc nêu lên những quan điểm chính trị, nhận xét trên đài RFA về người trẻ Việt Nam hôm nay:
“Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới. Chúng tôi nghĩ đó là một nước Việt Nam đa sắc màu, thay vì chỉ quẩn quanh trong thế giới vàng và đỏ. Ðó không phải là một Tổ quốc Việt Nam XHCN, mà là một Tổ quốc cởi mở và có đủ đất để ươm mầm cho mọi quan điểm, mọi chính kiến và mọi luồng tư tưởng khác nhau.
Tôi tin rằng một Tổ quốc như thế, có lẽ sẽ che chở con em của nó thoát khỏi những thảm kịch đau lòng như là cuộc nội chiến vừa rồi. Một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, hòa hợp và hòa bình sẽ trở thành một cường quốc. Tôi nghĩ là để xây dựng nước Việt Nam ấy, chúng ta phải huy động tấm lòng và sức lực của mọi người Việt. Ðó là lý do để thế hệ chúng tôi, tức là thế hệ trẻ nên hòa giải khẩn cấp ngay từ ngày hôm nay.”(hết trích)
Hòa giải, đối thoại… là ước mơ đẹp nhất có thể có trên đời này.
Nhưng than ôi, ngay với những người đã chết trong cuộc chiến, đang nằm lặng lẽ ở Nghĩa Trang Biên Hòa cũng không được bình yên, thì nói gì với người sống là những người có thể có ý kiến, có suy nghĩ và có khả năng tranh biện.
Thậm chí, ngay như các tấm bia đá tưởng niệm ở đảo Galand tại Indonesia, đảo Pulau Bidong ở Mã Lai để tưởng niệm những người đã chết ở biển trong khi lên ghe vượt biên cũng bị chính phủ Hà Nội yêu cầu các nước sở tại đập cho vỡ tan tành… thì nói làm gì tới hòa giải thật tâm.
Hòa giải, đối thoại… đơn giản nhất là, chính phủ Hà Nội phải trả tự do cho những người tù bất đồng chính kiến. Và khi muốn đối thoại thực sự, cũng phải là đối thoại với đồng bào, trong đó những người bất đồng chính kiến là một thành phần bất phân ly của dân tộc.
Trần Khải
(408)
Phản hồi gần đây