Tâm linh và trực tuyến

Tâm linh và trực tuyến

 

Theo ký giả Cathy Lynn Grossman của Religion News Service, thì gần như một nửa người Mỹ trưởng thành (46 phần trăm) cho biết họ từng thấy có người chia sẻ “một điều gì đó về đức tin” trên Internet vào tuần trước. 

Và một trong năm người (20 phần trăm) cho biết họ là thành phần của hoạt động tâm linh trực tuyến trên các trang hoặc các áp dụng thuộc hệ thống xã hội: chia sẻ niềm tin của mình trên Facebook, xin cầu nguyện trên Twitter, nhắc đến việc mình đã đi nhà thờ trên tin nhắn… 

Greg Smith, phụ tá giám đốc nghiên cứu tôn giáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, nhận định: “chỉ nguyên con số những người thấy đức tin được thảo luận trực tuyến cũng đủ là điều rất đáng lưu ý rồi”.

Các mục sư của các siêu thánh đường đang được rất nhiều người theo dõi trực tuyến. Joel Osteen của Nhà Thờ Lakewood đã cho tải các buổi lễ của mình tại Houston lên liên mạng. Rick Warren của Nhà Thờ Saddleback hiện có 1.8 người ghi chữ “like” (thích) trên facebook của ông. Còn Đức GH Phanxicô thì có hơn 4.6 triệu người nói tiếng Anh, chủ yếu là người Mỹ, theo dõi trương mục Twitter @Pontifex của ngài.

Không phải chỉ có những người theo tôn giáo mới tìm đức tin trên liên mạng; 50 phần trăm những người “vô tín ngưỡng” (nones) cũng thế; họ là những người tự cho mình không thuộc bất cứ tôn giáo nào, gồm từ người vô thần tới người tâm linh mơ hồ. Và 7 phần trăm những người này cho biết họ đăng tải các nhận định của họ trên liên mạng. David Silverman của Hội Vô Thần Mỹ, với trương mục Tweeter @MrAtheistPants, có hơn 29,000 người theo dõi.

Ấy thế nhưng, theo Smith, tất cả những cuộc thảo luận kỹ thuật số về đức tin này xem ra vẫn không thay thế được các sinh hoạt ngoại tuyến (offline) như đi nhà thờ chẳng hạn.

Một cuộc thăm dò về “Tôn Giáo và Các Phương Tiện Điện Tử” vừa được Pew phát hành cho thấy 40 phần trăm cũng đã chia sẻ đức tin của họ trong khung cảnh đời thực.

Smith cho hay: “những người thường năng đi nhà thờ nhất chính là những người thường tham dự các sinh hoạt về tôn giáo trên liên mạng nhất”.

Hai nhóm sau đây có số người đi nhà thờ đông nhất và đẫn đầu trên liên mạng.Trong số người Mỹ trắng theo Tin Lành, 34 phần trăm cho biết họ chia sẻ đức tin trên liên mạng, và 59 phần trăm cho biết họ đích thân chia sẻ đức tin. Người Thệ Phản Mỹ Da Đen cũng rất hăng hái chia sẻ đức tin: 30 phần trăm trên liên mạng và 42 phần trăm đích thân. 

Cuộc thăm dò trên cũng đo lường việc tham dự đức tin trên “truyền thông cũ” như sau:

• 23 phần trăm xem truyền hình về tôn giáo
• 20 phần trăm nghe truyền thanh về tôn giáo
• 19 phần trăm nghe nhạc rock Kitô giáo.

Người ái mộ truyền thông cũ dĩ nhiên cũng lớn tuổi hơn. Những người trên 50 thích coi truyền hình về tôn giáo gấp hai lần hơn người trẻ hơn.

Còn truyền thông mới, gồm trực tuyến và các áp dụng, thì lôi cuốn 58 phần trăm những người chưa tới 50; trong khi chúng chỉ lôi cuốn được 31 phần trăm các bậc đàn anh đàn chị của họ. 

Cuộc thăm dò không đưa ra bất cứ dữ kiện nào chỉ khuynh hướng. Đây là lần đầu tiên dự án tôn giáo của Pew tìm hiểu vấn đề này. 

Tuy nhiên các phát kiến của cuộc thăm dò rất ăn ý với cuộc thăm dò năm 2011 của dự án liên mạng cũng do Pew. Cuộc thăm dò này cho thấy tín hữu cũng là những người năng tham gia không những vào sinh hoạt tôn giáo mà cả sinh hoạt dân chính và từ thiện nữa. Họ cũng tham dự vào kỹ thuật và các sinh hoạt trực tuyến như bất cứ ai khác. 

Cuộc thăm dò mới về các phương tiện điện tử, với 3,217 người tham dự, đã được tiến hành trực tuyến và bằng thư từ trong khoảng thời gian 1 tháng từ 30 tháng Năm tới 30 tháng Sáu, bằng cách sử dụng mẫu American Trends Panel chọn đại diện một cách tình cờ trong cả nước. Biên tế sai lầm là cộng trừ 2.2 phần trăm.

 
Vũ Văn An11/7/2014(vietcatholic)

(40)

Related Posts

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: