Rước bệnh vì chăm thể dục buổi tối

Rước bệnh vì chăm thể dục buổi tối

Thể dục giúp bạn rèn luyện sức khỏe, nuôi dưỡng tinh thần, hoàn thiện vóc dáng… Nhưng thể dục buổi tối lại là ép cơ thể hoạt động trái nhịp sinh học dẫn tới bệnh lý nguy hiểm.

Hỏng khớp, sa dạ dày… vì tập

Chị Phạm Thị H., trú tại Dương Quảng Hàm, Tp.HCM được nhiều chị em trong khu rủ đi thể dục buổi tối nên chị rất chăm chỉ. Sau bữa tối, chị “chạy nhẹ” 2 vòng quanh khu rồi tập bài aerobic theo nhạc. Được mọi người khen “trông chị có eo hẳn” nên chị H. càng tích cực. Nhưng được khoảng 2 tháng, chị thấy đau tức bụng, càng tập luyện lại càng đau. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị viêm và sa dạ dày nguyên nhân là do chị tập khi ăn no.

Anh Nguyễn Văn M. (Gò Vấp, Tp.HCM) do đặc thù công việc nên chỉ có thời gian buổi tối cho tập luyện. Sau giờ làm, anh thường rủ đồng nghiệp đánh tennis khoảng 1 tiếng. Do cả ngày làm việc mệt mỏi, lại không dám ăn trước khi tập nên anh thường thấy cơ thể rã rời. Đôi khi anh nghĩ “ngồi văn phòng nhiều nên yếu quá”. Do đó anh càng tích cực rèn luyện. Nhưng cơn đau mỏi cánh tay, bả vai tăng lên, anh phải đi khám. Bác sĩ kết luận anh bị viêm khớp khuỷu do vận động cường độ quá mạnh. Hơn nữa, anh bị suy thượng thận mà nguyên nhân cũng bắt nguồn do tình trạng vận động quá mức.

ThS.BS Nguyễn Văn Phú, Trưởng khoa Y học thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhấn mạnh: Việc tập luyện không có kiến thức không chỉ gây đau cơ, sang chấn về khớp mà còn gây  rối loạn hệ chức năng, khó thở hụt hơi dẫn đến trụy tim, làm khởi phát tình trạng bệnh tiền sử, rối loạn nội tiết. Những trường hợp như anh M, chị H không cá biệt, mà đang ngày càng phổ biến.

Tập luyện cũng phải… vệ sinh

Buổi tối là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày. Do đó nhiều người chọn thời điểm này để tập luyện, một số người chọn sau bữa tối, một số người lại chọn sau giờ làm với cái bụng đói. Tuy nhiên, bác sĩ Phú khẳng định: Đó là hành động chứng minh cho sự thiếu kiến thức về vệ sinh tập luyện. Buổi tập chỉ nên bắt đầu sau khi ăn no ít nhất 2 giờ.

Tập sau khi ăn no, ăn  nhiều sẽ làm sa  dạ dày. Khi vừa ăn xong, máu tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hoá để tiêu hoá thức ăn. Nếu lúc đó chúng ta tập luyện, vận động, máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên, cơ làm cản trở quá trình tiêu hoá và hấp thu thức ăn, dẫn tới tiêu chậm. Hơn nữa, tác dụng cơ học của vận động sẽ gây ra các biểu hiện ngăn trở quá trình tiêu hoá của dạ dày, lâu dần gây viêm loét  dạ dày, đường tiêu hoá…

Song bạn cũng không nên tập sau cả ngày làm việc, khi bụng “đói meo. Trước khi tập nên có bữa ăn nhẹ gồm một chút tinh bột và rau quả nhằm giúp cung cấp năng lượng vừa đủ để tiêu hao trong quá trình tập luyện. Tập thể dục ngay sau giờ làm việc mệt mỏi cũng đã vi phạm “nguyên tắc vận động đủ ngưỡng” của cơ thể. Cả ngày ta đã lao động, cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi sinh lý, cần được nghỉ ngơi.

Nếu bạn  tập hay chơi tennis là thách thức cơ thể lao động vượt ngưỡng. Vào tập với một cái bụng trống không càng khiến cho cơ thể thêm mệt mỏi, khó phục hồi. Tình trạng này kéo dài không những không tích luỹ được sức khoẻ mà còn gây mệt mỏi mạn tính  và sinh ra các bệnh lý.

Đánh giá về tình trạng thiếu vệ sinh này, bác sĩ Phú nhận định: Không chỉ có người dân mà kể cả nhiều vận động viên chuyên nghiệp cũng dễ mắc phải. Lúc đầu, biểu hiện thường là đau cơ nhẹ, sau đó thành rối loạn các hoạt động trong cơ thể gây ra bệnh như rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận, thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, rối loạn về giấc ngủ, tiêu hoá…

Từ góc nhìn của Đông y, BS. Nguyễn Văn Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng nhấn mạnh: Đông y rất coi trọng việc kết hợp dùng thuốc với thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ. Thậm chí một số quan điểm Đông y còn coi đi bách bộ là phương cách chữa rất nhiều bệnh nhưng cũng không bao giờ khuyên bạn đi buổi tối. Đây là thời gian sau cả ngày lao động mệt nhọc, các cơ quan nội tạng cần nghỉ ngơi, ta đi bộ, tập luyện là đánh thức lại cơ thể và sẽ dẫn đến mất ngủ.

Tập sao cho đúng?

Bạn không nên tập vào buổi tối nhưng cũng không nên tập khi sáng tinh mơ. Ngay khi ngủ dậy, bạn chỉ nên thực hiện vài động tác nhẹ như vươn mình, đi bộ quanh sân, vườn để “đánh thức” cơ thể, tạo sự lưu thông khí huyết và tinh thần. Những bài tập luyện mạnh, với cường độ cao nên giành cho khoảng thời gian 9-10 giờ sáng hoặc 3-5 giờ chiều. Trong hai khoảng thời gian này, nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoàn động tốt nên tập luyện dễ đạt kết quả cao.

Chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng cũng rất quan trọng để duy trì được chế độ tập luyện lâu dài. Bạn có thể tham vấn chuyên gia tại trung tâm thể thao hoặc bác sĩ đang điều trị cho mình để chọn các bài tập.

Các bài tập nên bắt đầu nhẹ nhàng, với thời 10-15 phút, và tần suất 2-3 lần/tuần. Với người khỏe mạnh, đã rèn luyện lâu cũng chỉ nên tập 30-60 phút/ngày. Sau khi tập không nên ngồi hay nằm xuống đột ngột mà hãy đi lại nhẹ nhàng đưa cơ thể trở về trạng thái thả lỏng. Bạn cũng không nên tắm hay ăn ngay.

Ăn gì trước và sau tập

Trước khi tập, nếu cơ thể đói, bạn nên ăn nhẹ thức ăn dễ tiêu, ít mỡ, ít chất xơ. Bạn có thể uống thêm vitamin C để tăng cường sức khỏe, nhanh phục hồi trong quá trình tập.

Sau tập luyện, bạn nên uống nước (hoặc nước đường) để bổ sung năng lượng tiêu hao, cân bằng đường huyết và giảm lượng acid latic trong máu.

Tường Linh

Nguồn: sức khỏe gia đình

(63)

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: