Làm gì để giáo dục con cái ?

LÀM GÌ ĐỂ GIÁO DỤC CON CÁI?

Trần Mỹ Duyệt

 

 “Làm gì để giáo dục cái?” Câu hỏi này đối với phần đông phụ huynh Việt Nam là làm sao tôi có thể bắt con tôi học làm bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, luật sỹ… và rất nhiều thứ sỹ. Nó mang một ẩn ý là con mình phải học hành, đỗ đạt, có bằng cấp để cha mẹ được nở mày, nở mặt, và con cái thì được giầu sang, phú qúi, có địa vị cao trong xã hội và ngay cả trong giáo hội. Rất ít phụ huynh khi nêu lên câu hỏi trên có ý nghĩ muốn tìm hiểu những phương pháp thực tiễn, tốt, và có hiệu quả của giáo dục hầu giúp cho con cái thành người trưởng thành, có tư cách, có đạo đức, sống xứng đáng với phẩm cách con người và giúp ích cho đời.  

 Nhận xét trên được thấy rõ nét trong những lần gặp gỡ, tâm sự, hoặc những buổi hội thảo về giáo dục, học đường, hoặc những liên quan trực tiếp đến vấn đề giáo dục gia đình. Đối với những phụ huynh quan tâm đến tương lai con cái theo nghĩa phải học thành tài, phải có địa vị, và giầu có thì những câu hỏi là làm sao giúp hoặc lo con họ được vào những trường danh tiếng, theo học những phân khoa mà sau khi tốt nghiệp sẽ làm một công việc nào đó ít nhất là có liên quan đến chữ “sỹ”. Họ bắt con học, hối thúc con học, và nhiều khi cưỡng ép con học. Phải học thật giỏi, phải học thật nhiều. Học ở trường về, còn phải đi học kèm. Học chữ nghĩa chưa đủ, phải học đàn, học võ, học bơi, học vẽ… Những phụ huynh này cho rằng tất cả những cái đó sau này sẽ đem lại cho con họ những gì mà họ cho là danh giá nhất, giầu có nhất, sung sướng nhất. Đối với họ đó là giáo dục, là đầu tư cho tương lai con cái. Được như vậy, họ rất tự hào, hãnh diện và cho mình là những cha mẹ tốt, biết cách giáo dục, và lo cho con cái.

 Đối với các phụ huynh trên sự thành đạt của con cái là chính (chín) , còn mặt mũi của họ là mười. Họ luôn luôn tự tâm niệm: “Con khôn nở mặt cha mẹ”. Cái khôn hiểu ở đây là thành đạt, giầu có mặc dù cái khôn ấy giá trị thực của nó là bao nhiêu. Chính do những cái khôn thiếu chuyên môn, thiếu đạo đức ấy mà hậu quả đã có biết bao nhiêu trường hợp người này, người nọ phải vào tù oan, phải chết oan, hoặc phải mang thương tật suốt đời!…  

 Mặt khác cũng có rất nhiều phụ huynh khi nghĩ hoặc nói đến giáo dục con cái, là họ nghĩ ngay đến những đứa con đang làm họ nhức đầu. Những đứa con đang làm họ mất ngủ. Những đứa con mà họ không bao giờ muốn nhắc đến chúng trước mặt bạn bè, người thân. Và câu hỏi của họ là có cách nào, hoặc có “bửu bối” nào mà tâm lý hoặc giáo dục có thể giúp con họ không cãi trả họ, không giao du với bạn bè xấu, không hút sách, và trở lại trường, trở lại thánh đường, hội đường hay chùa chiền như những con chiên ngoan đạo. Và đối với những phụ huynh này việc con cái họ đừng làm cho họ nhức đầu là ưu tiên hàng đầu của giáo dục.

 Như vậy, giáo dục đối với số đông phụ huynh Việt Nam là thôi thúc, cưỡng bức, và nhồi nhét con em theo cái nhìn và suy đoán của họ cho tương lai con cái: giỏi, ngoan, và dễ dậy. Họ không hề quan tâm đến việc con họ giỏi để làm gì, ngoan như thế nào, và dễ dậy là làm sao. Nó hoàn toàn khác với quan niệm và giáo dục của các phụ huynh Âu Mỹ. Người Hoa Kỳ tuy rất khuyến khích con cái trong vấn đề học vấn, nhưng không quan tâm và đòi hỏi con cái phải học ngành gì, học để sau này làm ông này, bà nọ. Họ chỉ khích lệ hoặc tán đồng sự lựa chọn của con cái. Theo họ, con cái có những khả năng và xu hướng phù hợp với lối sống, sự chọn lựa tương lai, và do đó, họ không mấy coi trọng mặt mũi, tiếng tăm, miễn sao con họ hài lòng và sống thoải mái với sự chọn lựa của mình. Trong câu truyện về nhà văn và luật sư Lan Cao mà tôi đã có dịp đọc và gần đây tình cờ tôi thấy bà xuất hiện trên một chương trình TV. Tôi nhớ lại, hồi còn trẻ chính bà cũng có những xung đột với thân phụ bà là đại tướng Cao Văn Viên. Ông muốn cho bà sau này làm bác sỹ, nhưng bà lại chọn nghề văn và học luật. Hiện tại cho thấy sự chọn lựa của bà là đúng, và bà đã trở thành một luật gia danh tiếng cũng như một nhà văn đang làm cho người Hoa Kỳ hiểu thêm về văn hoá và cả chiến tranh Việt Nam theo góc độ đúng của lịch sử.

 Thật ra, giáo dục đúng nghĩa nhất vẫn là làm thế nào để hướng dẫn một em nhỏ lớn lên, phát triển và trưởng thành về tâm lý và tâm linh. Ý thức về cuộc sống, và sống để đem lại lợi ích cho đời, và làm đẹp chính cuộc đời mình. Đây là cách giáo dục mà phụ huynh cần phải nhắm tới. Ứng dụng thực hành, tức là cha mẹ phải hướng dẫn để con mình sau này làm nghề nghiệp gì, nắm giữ địa vị nào người con ấy vẫn sống trọn vẹn với ý thức công việc, nghề nghiệp và biết dùng những tài năng, sức khoẻ, thời giờ, tiền bạc để xây dựng tốt cho cuộc sống, giúp ích cho đời. Đó là giáo dục.

 Trong khi đi tìm một ý nghĩa giáo dục như vậy, tôi đọc thấy mẫu gương của một gia đình quyền lực thuộc dòng họ Trudeau ở Canada. Là một thủ tướng, chính khách, trí thức, giáo sư, luật sư, nhà báo, và tác giả nhưng Ông Pierre Elliott Trudeau đã không tỏ ra hối thúc con mình phải chọn lựa bất cứ ngành nghề nào của Ông. Ngược lại, khi Justin Trudeau còn nhỏ ông đã gửi con ông đi học trường công và bằng xe bus chung với các học sinh khác. Justin Trudeau chỉ trở thành chính khách và làm thủ tướng theo gót chân cha mình sau khi đã trải qua đủ mọi thứ ngành nghề không mấy danh giá, nổi nang như nhà giáo, gác gian hộp đêm, nhà dìu dắt trượt snowboard.

 Điểm nổi bật ở đây là bài học giáo dục mà ông Pierre đã dành cho con ông, đó là thái độ và lối sống tự lập, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Ông Justin đã cho biết lề lối giáo dục của thân phụ ông như sau: Thời gian đó, ông lên 8 tuổi và biết có một người là đối thủ chính trị của cha ông. Để làm hài lòng cha ông, ông đã nói những lời diễu cợt về người ấy. Không ngờ cha ông đã nghiêm nét mặt, và nói với ông “đừng bao giờ tấn công cá nhân.” Cha ông nói tiếp tục giải thích cho ông là chúng ta có thể hoàn toàn bất đồng ý kiến với một người nào đó, nhưng không vì vậy mà hạ giá họ. Không những thế, cha ông còn dắt tay ông đến và giới hiệu với người này. Bài học kinh nghiệm và chính trị đầu đời này đã cho ông một cái nhìn rõ ràng về người khác, dù người đó là người không đồng ý với mình, không đứng ở phía mình, không cùng chính kiến với mình, nhưng không có nghĩa là họ không đáng được tôn trọng.

 Nhờ hưởng được nền giáo dục đứng nghĩa, đạo đức mà sau này thủ tướng Justin không những đã thành công, thành danh, và thành người nữa. Ông đã có thêm những phát biểu rất đáng cho các vị phụ huynh lưu tâm. Theo Ông có những người yêu ông, vì cha tôi, nhưng cũng có những người ghét ông vì cha ông. Nhưng riêng ông, ông đã học để mọi sự ra một bên, và hiểu là cả hai không phải là điểm tựa mà ông dùng để làm cái neo cho sự việc ông là ai và ông là cái gì?!

 “Người cha khi nhắm mắt ông vẫn chưa chết. Vì con ông còn ở lại trên đời” (Huấn Ca 30:4). Bạn làm sao nhắm mắt được khi những đứa con mình còn đó đang hối lộ, tham lam, lợi dụng quyền thế, chức vụ để “vinh thân phì gia”. Khi những đứa con của mình vì tiền tài, sắc dục, địa vị, giầu sang mà sẵn sàng “bán cả lương tâm!”.  Chắc chắn bạn vẫn không thể “chết” được!

[post-views]

Pin It

Gửi phản hồi