Sứ mạng của thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kytô và Hội Thánh

Sứ mạng của thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kytô và Hội Thánh

NHẬP ĐỀ
Có nhiều cách thức trình bày chân dung của Thánh Giuse, cũng tương tự như có nhiều cách thức trình bày Đức Maria. Những cuốn sách soạn để suy gẫm trong tháng ba dương lịch thường đề cao các nhân đức và phép lạ của thánh cả. Không thiếu tác phẩm được biên soạn dưới hình thức tiểu thuyết nhằm dựng lại cuộc đời gian truân của dưỡng phụ Đức Giêsu. Về phía thần học, người ta chú trọng đến tương quan giữa Thánh Giuse với Đức Mẹ (hôn nhân và khiết tịnh) hoặc so sánh đặc ân (Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hồn Xác Lên Trời).[1]
Công Đồng Vatican II đã mở ra một hướng đi mới trong thần học về Đức Maria. Một đàng, thần học cần dựa trên các dữ kiện của mặc khải (Kinh Thánh và Thánh Truyền), chứ không thả hồn theo các giả thuyết; đàng khác, cần hướng đến vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh. Chương VIII của Hiến chế tín lý về Hội Thánh đã được soạn theo chiều hướng đó. Từ sau Công Đồng, khoa Thánh-mẫu-học đã tiến triển rất nhiều, cách riêng do sự thúc đẩy của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tiếc rằng, những sách viết về Thánh Giuse theo phương pháp thần học vừa nói vẫn còn ít. Trong bài viết này, chúng tôi ước mong bổ túc phần nào sự thiếu sót đó, bằng cách trình bày vai trò của Thánh Giuse trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh, dựa theo Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (ban hành ngày 15/8/1989). Hướng đi này giả thiết hai điều:
 
1/. Cần chú ý đến các dữ kiện của mặc khải, chứ không phải là các ngụy thư hay các mặc khải tư;
 
2/. Cần nêu bật vai trò của Thánh Giuse trong chương trình cứu độ: ơn gọi của Người là phục vụ Chúa Cứu Thế, và vì thế trở nên mẫu gương cho Hội Thánh trải qua mọi thời đại tiếp tục sứ mạng thông truyền hồng ân cứu độ.
 
Bài viết gồm ba chương:
 
– Chương Một: Thánh Giuse trong Kinh Thánh
 
Chúng ta sẽ tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse dựa theo các sách Tin Mừng, đặc biệt là trong các đoạn văn? Tin Mừng thơ ấu “của Thánh Matthew và Luca”. Những đoạn văn này không chỉ liên quan đến Thánh Giuse mà thôi, nhưng còn liên quan đến Đức Maria nữa. Nói cách khác, việc tìm hiểu Thánh Giuse cũng giúp chúng ta hiểu biết hơn về Đức Maria, cũng như sự hợp tác của cả hai vị trong sứ mạng phục vụ Chúa Cứu Thế.
 
Ngoài ra, chúng ta cũng nên phân tích vài đoạn văn của Cựu Ước mà Hội Thánh tiên khởi và các Giáo phụ quen trưng dẫn để làm sáng tỏ vai trò của Thánh Giuse.
 
– Chương Hai: Thánh Giuse trong Truyền thống Hội Thánh
 
Tân Ước để lại cho chúng ta hình ảnh của Thánh Giuse như một con người thầm lặng: Người không nói một lời nào. Thánh Giuse vẫn tiếp tục giữ thinh lặng trong lịch sử Hội Thánh: đang khi phụng vụ đã phát triển lòng tôn kính các thánh tông đồ và tử đạo ngay từ những thế kỷ đầu tiên, thì mãi đến thế kỷ XVII lễ Thánh Giuse mới được cử hành trong toàn thể Giáo Hội. Lãnh vực thần học được phát triển sớm hơn, bởi vì Thánh Giuse đã được đề cập ngay từ thời các Giáo phụ và kinh viện, đặc biệt là Thánh Thomas Aquinas.
 
Từ cuối thế kỷ XIX, Thánh Giuse thường được nhắc đến trong các văn kiện Huấn quyền, được đánh dấu bằng Thông điệp Quamquam Pluries của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII(15/8/1889). Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II(15/8/1989) muốn kỷ niệm biến cố đó, đồng thời cũng mở ra một hướng đi mới cho thần học về Thánh Giuse.
 
– Chương Ba: Suy tư thần học
 
Dựa theo chiều hướng của văn kiện vừa nói, chúng tôi sẽ bàn về hai điểm:
 
1/ Vai trò của Thánh Giuse trong cuộc đời của Đức Giêsu, như là kẻ giữ gìn Đấng Cứu Thế: Người là chứng nhân cho mầu nhiệm nhập thể và cho căn cước của Đức Giêsu. Điều này sẽ được chứng tỏ khi tìm hiểu tương quan của Thánh Giuse với Đức Giêsu và với Mẹ Maria.
 
2/ Vai trò của Thánh Giuse trong đời sống của Hội Thánh. Thánh Giuse đã phục vụ Đức Giêsu là đầu của Hội Thánh, và trở nên mẫu gương cho Hội Thánh trong việc phục vụ chương trình cứu độ. Tông huấn Redemptoris Custos đề cao vài nhân đức nổi bật nơi Thánh Giuse: đức tin; trung thành với bổn phận; thinh lặng chiêm niệm.
 
Sau những suy tư thần học, chúng tôi dành mục cuối cùng để tìm hiểu những hình thức phụng vụ và đạo đức dân gian dành để tôn kính Thánh Nhân.
***
CHƯƠNG MỘT
THÁNH GIUSE TRONG KINH THÁNH
 
Khi trình bày một nhân vật nào, người ta thường bắt đầu với một đoạn nói về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp. Chúng ta biết gì về tiểu sử Thánh Giuse?
 
Xin trả lời là các nguồn sử liệu về Thánh Giuse rất hiếm. Thật ra, điều này không có gì lạ, bởi vì vào thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo các nguồn sử liệu không được phong phú. Ngay cả khi muốn viết cuộc đời Đức Giêsu, các sử gia cũng thấy lúng túng khi muốn thu thập dữ liệu liên quan đến giai đoạn ẩn dật của Người, bởi vì các sách Tân Ước không cung cấp nhiều chi tiết. Sự khó khăn này càng gia tăng khi bước sang cuộc đời của các môn đệ của Chúa.
Riêng đối với Thánh Giuse, những tài liệu lịch sử chắc chắn là các sách Tin Mừng, đặc biệt là những chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthew và Thánh Luca. Dù sao, khi so sánh với những tài liệu về Đức Maria, chúng ta nhận thấy rằng Đức Maria còn hiện diện trong giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu, và thậm chí sau khi Chúa Phục sinh và Lên trời; còn Thánh Giuse thì không được nhắc tới nữa sau khi tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ lúc lên 12 tuổi.
 
Để bù đắp vào những lỗ hổng đó, trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều “Tin Mừng ngụy thư” ra đời, nhằm mô tả chi tiết về cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, hoặc về gốc tích và việc tạ thế của Đức Mẹ và Thánh Giuse. Trước đây, các tài liệu này được sử dụng khá nhiều trong các bài giảng hoặc lưu truyền dân gian. Nhưng ngày nay, giá trị của chúng đã bị xét lại từ hai khía cạnh: lịch sử và thần học.
 
– Xét về khía cạnh lịch sử, các tài liệu đó phát sinh do óc tưởng tượng hơn là dựa theo dữ kiện khách quan.
 
– Xét về khía cạnh thần học, các tài liệu ấy ra đời do một quan niệm thiếu sót về chủ đích của các sách Tin Mừng. Thật vậy, các sách Tin Mừng không có ý định viết một tiểu sử về cuộc đời Đức Giêsu cho bằng “loan báo Tin Mừng”, nghĩa là công bố cho nhân loại biết hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban qua lời giảng, hành động và cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Vì thế nếu ai muốn truy tầm nơi các sách Tin Mừng những tài liệu để viết tiểu sử Đức Giêsu thì sẽ thất vọng; tuy nhiên, nếu ai muốn tìm hiểu sứ điệp cứu độ thì sẽ thấy đủ chất liệu.
 
Chúng ta cũng có thể nhận xét cách tương tự về Thánh Giuse. Tân Ước không cung cấp các chi tiết về tiểu sử của Người (ngày và nơi sinh; ngày và nơi qua đời); tuy nhiên, những đoạn văn Tin Mừng đã phác họa vai trò của Người trong việc hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
 
Trong chương này, chúng ta sẽ điểm qua những bản văn Tân Ước nói đến Thánh Giuse, đặc biệt nơi Tin Mừng của Thánh Matthew và Thánh Luca, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ khảo sát những đoạn văn Cựu Ước đã được Hội Thánh tiên khởi áp dụng cho sứ mạng của Thánh Giuse.[2]
***
MỤC I. TIN MỪNG THÁNH MATTHEW
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT
 
Trong bốn sách Tin Mừng, Thánh Matthew nói nhiều hơn hết về Thánh Giuse: trong hai chương đầu, Thánh Giuse giữ vị trí then chốt, và phần nào họa lại vai trò của tổ phụ Giuse trong Cựu Ước. Ngoài ra, Đức Giêsu được gọi là “con bác thợ mộc” ở Mt 13,55.
Thánh Luca cũng nhắc đến Thánh Giuse trong hai chương đầu, tuy nhấn mạnh nhiều hơn đến Đức Maria. Dù sao, Thánh Luca bổ túc thêm cho Thánh Matthew nhiều chi tiết để hiểu rõ hơn vai trò của Thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Đức Giêsu. Thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin Mừng Luca vào lúc khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 3,23 và 4,22).
 
Thánh Giuse được nói đến hai lần trong Tin Mừng Thánh Gioan (1,45; 6,42), nhưng hoàn toàn vắng bóng trong Tin Mừng Thánh Marco.[3]
 
Trước hết, chúng ta bắt đầu khảo sát Tin Mừng Thánh Matthew, đặc biệt là hai chương đầu tiên, quen được đặt tên là “Tin Mừng thời niên thiếu” (hoặc “Tin Mừng thơ ấu”); tuy rằng, thuật ngữ này không được chính xác lắm.
 
Thật vậy, chủ đích của hai chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthew (48 câu) và Luca (132 câu) không hẳn là thuật lại gia thế của Đức Giêsu và tuổi thơ ấu của Người (giai đoạn ẩn dật trước khi hoạt động công khai). Ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng Đức Maria và sự giáng sinh tại Bethlehem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Đức Giêsu (đừng kể việc thánh gia lánh nạn sang Ai Cập và việc ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Thử hỏi các thánh sử có chủ đích gì? Tại sao phải thêm hai chương này, trong khi Thánh Marco và Thánh Gioan bắt đầu Tin Mừng với cuộc đời công khai của Đức Giêsu? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, có thể thu vào hai quan điểm.
 
– 1/. Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Moses, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các “Tin Mừng ngụy thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.
 
– 2/. Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin Mừng. Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua nhưng đã được phác họa ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, Đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, tuy hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh.[4]Nơi Thánh Matthew, cốt yếu Tin Mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Messia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Herode tìm cách thủ tiêu Người;[5] cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do Thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27,1-2), đang khi đó Tin Mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8,11; 28,19).
 
Thiết tưởng, hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc “Tin Mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin Mừng. Theo nhãn giới này, “Tin Mừng niên thiếu” cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin Mừng theo Thánh Gioan, nói về nguồn gốc của Đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1,1). Chúng tôi sẽ áp dụng đường hướng này khi tìm hiểu các bản văn.
 
Xét về cấu trúc, hai chương đầu theo Tin Mừng Thánh Matthew, đã có nhiều đề nghị phân đoạn:
 
– 1/. Một ý kiến cho rằng, toàn bộ sách Tin Mừng theo Thánh Matthew được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Moses. Cụ thể là các lời giảng của Đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời:
 
a/. Bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời, ở các chương 5-7;
 
b/. Bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời, chương 10;
 
c/. Bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời, chương 23;
 
d/. Bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội Thánh, mầm mống của Nước Trời, chương 18;
 
e/. Bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung, chương 24-25.
 
Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh Thánh để kết thúc 5 đoạn văn:
 
Nhập đề: Gia phả (1,1-17)
 
a/. Isaia 7,14: Ơn gọi của Giuse (1,18-25)
 
b/. Mikha 5,2: Vua Herode, các nhà chiêm tinh, Bethlehem (2,1-12).
 
c/. Hoses 11,1: Trốn sang Ai Cập (2,13-15)
 
d/. Gieremia 31,15: Tàn sát các anh hài (2,16-18)
 
e/. Isaia 4,3 (Tl 13,5?): Từ Ai Cập trở về Nazareth (2,19-23).
 
Dĩ nhiên, các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác về cấu trúc của hai chương này, chẳng hạn:
 
– 2/. Dựa theo các giấc mơ của Thánh Giuse dẫn tới hành động
 
Trong Tân Ước, chỉ có Tin Mừng Matthew đề cập đến giấc mơ như là một phương tiện mặc khải ý Chúa.[6] Thánh sử ghi nhận 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 5 trường hợp nằm ở hai chương đầu, và cách riêng 4 trường hợp được dành cho ông Giuse (lấy bà Maria làm vợ; đưa thánh gia sang Ai Cập; trở về quê hương; định cư ở Nazareth). Trường hợp thứ năm dành cho các nhà chiêm tinh (2,12). Ba lần báo mộng cho ông Giuse được thuật lại theo một mô hình đồng nhất:
 
a/. Nhập đề: mô tả hoàn cảnh
 
b/. Công thức: “này kìa sứ thần Chúa[7] hiện đến báo mộng cho ông rằng”.
 
c/. Sứ điệp: thiên sứ trao cho ông một công tác “hãy đem” (hãy mang).
 
d/. Tuân hành: ông Giuse tuân hành
 
e/. Trích dẫn Kinh Thánh: để ứng nghiệm lời Chúa về một danh hiệu của Đức Giêsu: Emmanuel, Con (Thiên Chúa), người Nazareth.
 
– 3/. Dựa theo bốn câu hỏi xoay quanh căn cước của Đức Giêsu
a/. Ai (Quis)? Đức Giêsu Kitô (Messia), con vua David, con của cụ Abraham, sinh bởi một phụ nữ (1,1-17).
 
b/. Bằng cách nào (Quomodo)? Con Thiên Chúa đã trở nên con vua David do ông Giuse thuộc dòng dõi David chấp nhận hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (1,18-25).
 
c/. Ở đâu (Ubi)? Bethlehem, thành phố David, nhưng được các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đến bái yết (2,1-12).
 
d/. Từ đâu (Unde)? Từ Bethlehem của người Do Thái, đi lánh nạn sang Ai Cập giống như ông Moses, về miền Galilee của dân ngoại, định cư tại Nazareth.
 
– 4/. Dựa theo những cuộc di chuyển địa lý: Bethlehem- Ai Cập – Nazareth
 
a/. Chương 1, diễn ra tại Bethlehem, thành phố vua David
 
b/. Chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bethlehem sang vùng đất dân ngoại (Ai Cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.
 
Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ, “ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn”: Đức Giêsu sinh tại Bethlehem như là Messia lãnh tụ Israel dõng dõi vua David (2,6); sang Ai Cập và ra khỏi đó như là con Thiên Chúa(2,15); về Nazareth, trở thành biệt hiệu “Giêsu Nazareth” (2,23).
 
Sau phần giới thiệu tổng quát, bây giờ chúng ta hãy khảo sát bản văn.
 
II. GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ (1,1-17)
 
“Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1,1).
 
Tin Mừng Matthew mở đầu bằng một câu thoạt tiên xem ra mang tính cách cung khai lý lịch, kê khai dòng tộc. Thực ra, dụng ý của tác giả sâu xa hơn nhiều: đây không phải là lý lịch hành chánh cho bằng một lời tuyên xưng đức tin: “Đức Giêsu vừa là con cháu của vua David(nghĩa là phần tử của dân Israel) vừa là con cháu tổ phụ Abraham (nghĩa là phần tử của dân ngoại)”.
 
Thánh sử muốn chứng tỏ cho dân Do Thái biết rằng, Đức Giêsu là Đấng Messia (Kitô) được hứa cho miêu duệ của David qua gia phả của ông Giuse là con cháu David (chương Một), qua sinh quán là Bethlehem, thành phố vua David (chương Hai). Đồng thời, Đức Giêsu cũng mang ơn cứu độ cho dân ngoại, bởi vì Người là con cháu của tổ phụ Abraham, kẻ đã nhận được lời hứa dành cho muôn dân: “Từ Đông Phương, Tây Phương, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời, còn con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng” (Mt 8,11-12). Trong chương Hai, thánh sử cho thấy rằng, các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đi tìm vua mới giáng sinh để bái thờ, còn các nhà lãnh đạo tại Jerusalem tỏ ra lãnh đạm với Người, và còn đồng lõa với vua Herode để giết Người.
 
Vì thế, chúng ta đừng nên đọc gia phả của Đức Giêsu theo cặp mắt của cơ quan an ninh muốn truy tầm cặn kẽ gốc tích của Người. Thánh sử còn gói ghém nhiều dụng ý thần học trong đó nữa, đến nỗi có lúc phải gò ép các dữ kiện: “Từ tổ phụ Abraham đến vua David là 14 đời; từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon là 14 đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô cũng là 14 đời” (Mt 1,17). Con số 14 đời xem ra giả tạo khi áp dụng cho những thời kỳ dài ngắn khác nhau: từ tổ phụ Abraham (khoảng 1850) đến vua David (khoảng 1000) thời gian là 850 năm, từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon (năm 598) là 400 năm, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô là 600 năm. Làm sao những khoảng thời gian chênh lệch như vậy mà gồm 14 đời ngang nhau được? Để đếm trọn số 14, Matthew buộc lòng gạt bỏ nhiều tên, và dĩ nhiên việc lựa chọn những ai đáng loại không phải là không có lý do, thí dụ: vua Giơhôgiakim con của vua Giôsigia (2V 36 tt) vào thời lưu đày Babylon, (lẽ ra phải nhắc đến ở câu 11).[8]
 
Vấn đề chính yếu ở đây không phải là thống kê chính xác con số các thế hệ. Xem ra trọng tâm xoay quanh nhà vua David: vua David là thừa kế của lời hứa dành cho tổ phụ Abraham, và vua David được Thiên Chúa hứa sẽ thiết lập một triều đại muôn đời (xc. 2Sm 7,12-16). Lời hứa ấy vẫn tồn tại bất chấp cuộc lưu đày ở Babylon, và nay được thực hiện nơi Đức Giêsu, là “Con Vua David” (Mt 9,27; 12,23; 15,22; 20,30.31; 21,9.15; 22,41-45). Đức Giêsu trở nên Con Vua David qua móc xích của ông Giuse là con cháu David, như sẽ nói sau.
 
Do đó, theo các nhà chú giải, con số 14 mang tính cách biểu tượng, vì tổng cộng số thứ tự của các phụ âm ghép thành tên David trong chữ Hippri: DWD (4+6+4).[9]
 
Tóm lại, Thánh Matthew không chỉ liệt kê các dòng dõi tổ tiên của Đức Giêsu nhưng còn gói ghém một dụng ý khác nữa. Điều này có thể xác minh qua một chi tiết khác. Bản gia phả bắt đầu bằng danh từ “Genesis” (câu 1) có nghĩa là “sự sinh ra” (“Generatio”, chứ không chỉ là sách gia phả, gốc tích); danh từ này được lặp lại ở câu 18 (Iesu Christi autem generatio sic erat). Xâu chuỗi các thế hệ được liên kết với nhau qua động từ “sinh ra” (Generat): ông A sinh ông B; ông B sinh ông C,.v.v… từ câu 2 cho đến câu 16 (lặp lại 39 lần). Nhưng đến cuối thì xâu chuỗi bị gián đoạn: thay vì tiếp tục “ông Jacob sinh ông Giuse, ông Giuse sinh ông Giêsu”, Thánh Matthew lại viết: “ông Jacob sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (câu 16). Trước sự thắc mắc đương nhiên của độc giả, thánh sử tìm cách giải thích: “sự sinh ra Đức Giêsu Kitô là như thế này” (câu 18). Đến đây, ông Giuse trở thành nhân vật hàng đầu: ông là con cháu vua David và truyền lại gia thế này cho Đức Giêsu, mặc dù ông không phải là cha của Đức Giêsu theo phương diện sinh lý.
 
III. TRUYỀN TIN CHO THÁNH GIUSE (1,18-25)
 
Đoạn văn này thường được phân tích từ phía Đức Maria, nhưng ít khi được nhìn từ phía ông Giuse. Dù sao, Thánh Luca nói đến thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria về việc sinh hạ Đức Giêsu; còn Thánh Matthew nói đến việc thiên sứ truyền tin cho Thánh Giuse, không những để đánh tan một mối nghi ngờ nhưng còn mặc khải sứ mạng của ông trong mầu nhiệm Nhập thể. Thực vậy, việc truyền tin cho Thánh Giuse không chỉ nhằm giải thích nguồn gốc của sự kiện Đức Maria có thai, nhưng còn mời gọi ông hãy tham gia vào việc hoàn tất chương trình của Thiên Chúa, đó là Đấng Messia thuộc dòng vua David.
 
Trước khi đi vào nội dung, chúng ta nên nhớ rằng sách Tin Mừng của Thánh Matthew được viết cho dân Do Thái và sử dụng nhiều cách lập luận dựa theo nền văn hóa của họ. Người đọc phải làm quen với não trạng của họ, xét về mặt tín ngưỡng (dựa trên giao ước của Thiên Chúa với các tổ phụ), cũng như xét về phong tục xã hội. Sự hiểu biết tục lệ người Do Thái cần thiết để hiểu nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria.
 
Tại nhiều dân tộc, trước khi cử hành lễ thành hôn (lễ cưới) thì có lễ đính hôn (lễ hỏi). Giá trị pháp lý của việc đính hôn thay đổi tùy nơi tùy thời. Ngày nay, việc đính hôn chỉ mang tính cách một lời hứa danh dự, chứ không có giá trị ràng buộc như là việc thành hôn. [10] Tuy nhiên, trong xã hội Do Thái thời xưa, việc đính hôn không những đặt ra nghĩa vụ ràng buộc đôi bên phải tiến tới việc kết hôn, mà còn mang theo nghĩa vụ chung thủy với nhau nữa. Luật pháp coi hai người đính hôn như là “vợ”và “chồng”. Vì thế, sự ngoại tình được coi như tội phạm ngay từ lúc đính hôn, chứ không phải từ lúc thành hôn (xc. Đnl 20,7; 22,23-25). Đàng khác, trong thời gian đính hôn, luật pháp cũng dự trù hai thủ tục để ly dị. Thủ tục thứ nhất mang tính cách công khai, khi người chồng tố cáo bà vợ ngoại tình, và như vậy bà phải chịu những hình phạt dành cho tôị ngoại tình(ném đá: xc. Ga 8,5). Thủ tục thứ hai mang tính cách tư riêng: trước mặt hai nhân chứng, ông trao cho bà một tờ tuyên bố từ hôn.
Chuyện xảy ra là: “bà Maria… đã đính hôn với ông Giuse; nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do Chúa Thánh Thần” (1,18). Thánh Matthew nói rằng, bà Maria chỉ mới đính hôn với ông Giuse mà thôi. Nên lưu ý là không tài liệu lịch sử nào nói đến tuổi tác của ông Giuse. Hình ảnh về ông Giuse đầu tóc bạc phơ là do ảnh hưởng của một ngụy thư “Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe” sẽ nói trong chương tới. Cũng không có tài liệu nào cho biết hai người đã đính hôn với nhau từ hồi nào và chừng nào tính chuyện về chung sống với nhau. Dù sao, thì ông đã là chồng của bà Maria rồi (Mt 1,16.19) và bà là vợ (Mt 1,20). Bỗng nhiên, bà Maria đã mang thai. Theo lối hành văn của Matthew (1,19), ông Giuse không muốn làm to chuyện, và đi tới quyết định từ hôn theo thủ tục thứ hai nói trên đây. Tuy nhiên, lý do gì thúc đẩy ông hành động như vậy? Đây là đề tài tranh luận sôi nổi ngay từ thời các Giáo phụ.
 
A. Lý do ly dị
 
Nói chung, các ý kiến của các nhà chú giải được xếp thành hai nhóm: một nhóm cho rằng ông Giuse không biết gì về nguồn gốc siêu nhiên của việc bà Maria mang thai, vì thế ông đâm ra nghi ngờ; nhóm thứ hai chủ trương rằng ông đã rõ đầu đuôi sự việc, nhưng không biết phải xử trí thế nào.
 
1/. Dựa theo nhóm ý kiến thứ nhất (chẳng hạn các Giáo phụ: Giustino, Gioan Kim Khẩu, Ambrosio, Augustino, có lẽ chịu ảnh hưởng của “Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe”), ông Giuse đã nghi ngờ về sự chung thủy của vợ mình, vì thế ông quyết định ly dị. Họ cũng nghĩ rằng, Đức Maria giữ thái độ thinh lặng, hoặc vì dè dặt khiêm tốn, hoặc vì biết rằng không thể nào thuyết phục được ông Giuse.
 
2/. Nhóm thứ hai (đại diện bởi thánh Hieronimo thời Giáo phụ, thánh Benardo và Thánh Thomas Aquinas thời Trung cổ) cho rằng, Thánh Giuse đã biết nguyên nhân khác thường của việc cưu mang của Đức Maria. Vào thời nay, ý kiến này được củng cố nhờ sự nghiên cứu ngữ học: Thánh Matthew viết rằng: “trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, thì thấy bà có thai”, ở thể văn không có chủ từ. Như vậy, có thể là tác giả chỉ trưng dẫn sự kiện, chứ không khẳng định “ai đã thấy”? Hơn nữa, câu văn không dứt ở chỗ “thấy bà có thai”, nhưng còn tiếp tục “do Chúa Thánh Thần”. Phải chăng, dụng ý của Matthew ở đây là muốn đề cao một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của bà Maria cũng như của ông Giuse?
 
Thánh sử không xác định bằng cách nào ông Giuse biết được vợ mình có thai: tại vì sự kiện trờ trờ ra đó? Hay là do họ hàng bên vợ kháo láo? Hoặc vì chính bà đã tâm sự với chồng về sự lúng túng của mình?
 
B. Ông Giuse là người công chính
 
“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
 
Tại sao ông Giuse được gọi là công chính?
 
1/. Những ai chủ trương ông đã nghi ngờ bà Maria ngoại tình thì giải thích “công chính” theo nghĩa là tôn trọng luật pháp (công minh chính trực). Nếu người vợ (dù chỉ mới đính hôn)phạm tội ngoại tình, thì chồng buộc phải từ hôn (xc. Đnl 22, 23-27). Ông ta có quyền lựa chọn một trong hai thủ tục như đã nói. Trường hợp này, ông Giuse chọn thủ tục tư riêng, bởi vì không muốn làm mất thanh danh của vợ. Như vậy, ông vừa tuân hành luật pháp, vừa tôn trọng sự công bằng với bà vợ (xét vì ông chưa nắm vững các tình tiết của câu chuyện).
 
2/. Tuy nhiên, các nhà chú giải cận đại muốn đào sâu vấn đề hơn nữa, nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa của từ “công chính” (Dikaios) theo truyền thống Kinh Thánh. Hạn từ “công chính” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Matthew, áp dụng cho những người mong chờ Thiên Chúa thực hiện những lời hứa (Mt 13,17; 23,29), hoặc cho các môn đệ sẽ được gia nhập Nước Thiên Chúa (Mt 13,43.49; 25,37.46). Thực vậy, theo Kinh Thánh, người công chính là kẻ đi theo đường lối của Chúa, như sách Khôn Ngoan đã liệt kê những gương mẫu ở chương 10,4-20: Noe, Abraham, Lot, Jacob, Giuse. Thánh Vịnh ca ngợi người công chính vì họ sẽ lãnh được đất hứa (Tv 37,29), họ sẽ tươi tốt như cây dừa (Tv 92,12), họ sẽ được ánh sáng Chúa chiếu dọi (Tv 112,4).
 
Trong bối cảnh này, ông Giuse được gọi là “công chính” bởi vì ông mong đợi Chúa thực hiện những lời hứa. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Ngài. Dự tính muốn bỏ bà Maria cách kín đáo không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự của bà thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Ta có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lùi lại vì kính sợ, tựa như ông Moses đã cởi dép khi tiến đến bụi gai cháy rực (St 3,5), tựa như ông Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh (Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ lưới lạ thường (Lc 5,8). Ông Giuse được biết là bà Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui.
 
Để củng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie[11] nhận xét rằng, cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ [mầu nhiệm], quyết định rời bỏ bà kín đáo”. Động từ “Deigmatisai” (ít được sử dụng trong tiếng Hy Lạp) tự nó chỉ có nghĩa là “thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng” (theo sự giải thích của Eusebio Cesarea), và tùy theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu),“bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse được bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này.
 
C. Sứ điệp của thiên sứ
 
Thánh Matthew mô tả việc thiên sứ hiện ra với ông Giuse dựa theo những khuôn mẫu trong Cựu Ước về việc ủy thác sứ mạng (chẳng hạn Giđêon Tl 6,11-24), hoặc tiên báo về tương lai của đứa trẻ (chẳng hạn Ismael trong St 16,11; Isaac trong St 17,19; Samson trong Tl 13,3-5.7).
 
– Trình thuật bắt đầu với việc gọi tên và danh hiệu mang theo một ơn gọi: “Này Giuse là con cháu David” (1,20), cũng tựa như trước đây: “Này Giđêon, người dũng sĩ” (Tl 6,12).
 
– “Đừng sợ”. Tân Ước thường dùng những lời này mỗi lần thiên sứ hiện ra, chẳng hạn để loan báo sự sinh hạ của ông Gioan Tiền Hô và Đức Giêsu (Lc 1,13.30), để ủy thác cho các phụ nữ loan báo việc Chúa Phục sinh (Mt 28,5.10), để cổ động tinh thần cho Thánh Phaolô(Cv 18,9). Một cách tương tự như vậy, thiên sứ sắp sửa tỏ lộ cho ông Giuse một sứ mạng.
 
– Nội dung mặc khải: thiên sứ muốn nói gì với ông Giuse?
 
1/. Theo nhóm ý kiến thứ nhất, ông Giuse nghi ngờ về sự chung thủy của vợ mình bởi vì ông không biết nguồn gốc của bào thai mà vợ mình đang mang. Vì thế thiên sứ đến giải thích nguyên nhân ngõ hầu đánh tan sự ngộ nhận. Như vậy, nội dung của mặc khải là: “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do Chúa Thánh Thần”.
 
2/. Tuy nhiên, lối giải thích ấy một đàng dựa trên giả thiết là ông Giuse nghi ngờ về vợ mình, đàng khác đã cắt ngang lời của thiên sứ. Sứ điệp không chỉ nhằm giải thích nguồn gốc của sự cưu mang, nhưng còn mang theo một sứ mạng về phía ông Giuse nữa: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (1,21). Có lẽ ông Giuse đã biết là bà Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần(chứ không phải vì ngoại tình), nhưng ông không biết phải xử trí thế nào, vì thế ông định tâm sẽ rút lui. Thiên sứ đến xác nhận rằng bà Maria mang thai do Chúa Thánh Thần; đồng thời bảo ông Giuse đừng rút lui nhưng cứ đưa bà Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng, đó là đặt tên cho con trẻ, nghĩa là làm cha của con trẻ.
 
D. Vai trò của ông Giuse
 
Qua lời của thiên sứ, ta thấy nổi bật hai vai trò của ông Giuse trong chương trình của Thiên Chúa: chồng của bà Maria và cha của Đức Giêsu.
 
1/. Ông Giuse là chồng của bà Maria (1,16.19.20)
 
Hai người tiếp tục thủ tục hôn phối: từ chỗ đính hôn đến chỗ kết hôn (Mt 1,24). Tuy nhiên, hai người không ăn ở với nhau: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai” (1,25). Điều này không nhất thiết hàm ngụ rằng sau khi sinh con, thì hai ông bà lại ăn ở với nhau! Tác giả chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu sinh ra không do sự giao hợp thường tình, có thế thôi. Cụm từ “cho đến khi” không giả thiết một sự thay đổi tình trạng sau đó; chẳng hạn như, khi Kinh Thánh viết rằng, “bà Michal không có con cho đến khi chết” (2Sm 6,23), hoặc Đức Giêsu hứa sẽ hiện diện với các môn đệ cho đến ngày tận thế (Mt 28,20). Không ai tưởng tượng được rằng bà Michal sẽ có con sau khi chết, hoặc là Đức Giêsu chỉ hiện diện với các môn đệ cho đến ngày tận thế mà thôi!
 
2/. Ông Giuse là cha của Đức Giêsu
 
Thiên hạ nhìn nhận Đức Giêsu là “con ông Giuse” (Mt 13,55). Tuy Đức Giêsu được sinh ra không do sự giao hợp vợ chồng, nhưng ông Giuse thực sự là cha của Người, bởi vì ông là chồng của bà mẹ. Vai trò làm cha được biểu lộ qua việc “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (1,25), cũng như những hành động sẽ nói tiếp theo. Ở đây, theo lời của sứ thần, ông cần phải làm cha của hài nhi bởi vì ông là “con cháu David”, nhờ vậy hài nhi Giêsu được nhận vào hàng miêu duệ vua David (Mt 1,16-17).
 
Hơn nữa, việc đặt tên cho con trẻ là Giêsu không chỉ là một hành vi hộ tịch (cha đặt tên cho con), mà còn là một hành vi đức tin. Con trẻ sinh ra được xưng là “Giêsu”, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,22).
“Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (1,23). Đoạn văn này được trích từ ngôn sứ Isaia 7,14. Thường người ta chú ý đến ý tưởng “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai” và từ đó nảy ra nhiều cuộc tranh luận, bởi vì nguyên bản Hippri không nói đến “trinh nữ” (betulah) mà chỉ là “thiếu nữ” (almah: một cô gái). Bản dịch Hy Lạp chuyển nghĩa là “trinh nữ”.
 
Tuy nhiên, cũng có nhà chú giải nêu thắc mắc: đâu là điểm nhấn của Matthew? Có phải là“trinh nữ thụ thai”, hay tên con trẻ là “Emmanuel” – Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Có lý do để nghiêng về vế thứ hai, bởi vì Tin Mừng Matthew kết thúc với lời tuyên xưng rằng: “Này, Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28): Đức Giêsu đích thực là Emmanuel, bởi vì là Thiên Chúa đến ở với nhân loại kể từ lúc nhập thể cho đến tận cùng lịch sử. Dù sao đi nữa, Thánh Matthew không trích dẫn nguyên văn lời Isaia, nhưng đã thích nghi với thực tại mà vị ngôn sứ sống trước đó 8 thế kỷ không thể nào mường tượng được. Có lẽ, ông Isaia không thể tưởng tượng nổi một trinh nữ sinh con! Điều này chỉ có thể xảy đến do sự can thiệp độc đáo của Thiên Chúa. Các Kitô hữu đã tin như vậy; rồi từ niềm xác tín đó, họ đã đọc lại Cựu Ước và khám phá ra những sự chuẩn bị mà nay trở nên trọn vẹn. Phương pháp này gặp thấy nhiều lần trong Tân Ước, đặc biệt nơi Tin Mừng Matthew (41 lần). Như đã nói trên đây, trong hai chương đầu, Matthew trưng dẫn 5 “lời” của Cựu Ước, nhưng không hoàn toàn lấy nguyên văn: có lúc ông sửa đổi đôi chút (Mt 1,23 = Is 7,14), có lúc ghép hai ba câu làm một (thí dụ: Mt 2,6 = Mk 5,1tt + 2 Sm 5,2. Mt 2,22 = Tl 13,5.7+ Is 11,1).
 
Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở mục 4 (những đoạn văn Cựu Ước nói về Thánh Giuse).
 
IV. CÁC NHÀ CHIÊM TINH (2,1-12)
 
Thánh Matthew mở đầu sách Tin Mừng với việc khẳng định căn cước của Đức Giêsu là “con cháu vua David và con cháu tổ phụ Abraham”. Xem ra, chương Một được dành để chứng tỏ sự liên hệ của Đức Giêsu với David (vua dân Do Thái), và chương Hai được dành bàn đến mối liên hệ với ông Abraham (tổ phụ của muôn dân).
Chương hai mở đầu với biến cố các nhà chiêm tinh từ bên Đông Phương đến bái lạy “Vua dân Do Thái” vừa mới sinh (2,2). Nên lưu ý, bản văn không nói đến “ba vua”: họ không phải là vua, cũng không chỉ có ba; con số này được suy đoán từ ba lễ phẩm mang đến (vàng, nhũ hương, mộc dược).[12] Họ được gọi là “Magus”, một danh từ mang nhiều ý nghĩa: các lãnh đạo tôn giáo (đạo sĩ), những hiền nhân quân tử, các nhà thiên văn. Họ đến từ Đông Phương(xét theo địa lý của Palestina, nghĩa là có thể từ Arabia, Syria, hoặc Babylonia). Họ đã nhận được một tín hiệu từ một ngôi sao mọc lên: đã có nhiều bút mực chảy ra để xác định bản chất của ngôi sao kỳ diệu này (sao chổi, chòm sao, hay chỉ là sao tưởng tượng?).[13] Những vấn đề này không quan trọng lắm đối với vấn đề đang bàn, bởi vì có lẽ dụng ý của Matthew nằm ở chỗ khác, đó là so sánh thái độ của cấp lãnh đạo dân Do Thái với các lãnh đạo của dân ngoại.
 
Như đã biết, người Do Thái đang mong chờ Đấng Messia đến để tái lập vương triều David, giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ ngoại bang (xc. Cv 1,6). Tuy nhiên, lúc ấy, tại Jerusalem, vương quyền nắm trong tay triều đại Herode, dưới quyền kiểm soát của chính quyền Roma. Ông Herode coi mình là “vua” chính thức (Mt 2,3), và không thể nào dung túng cho bất cứ ai đe dọa ngai báu của mình. Tuy các giới lãnh đạo tôn giáo và kinh sư tại Jerusalem cũng biết đến các sấm ngôn, nhưng họ đứng về phía vua Herode, cho nên họ không đếm xỉa gì đến biến cố Chúa giáng sinh. Ngược lại, các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại thì lại háo hức đi tìm kiếm Chúa để thờ lạy. Việc chính quyền Jerusalem khai trừ “vua người Do Thái” mới ra đời báo trước việc tẩy chay “Vua người Do Thái” mai sau, đưa đến việc đóng đinh Người trên thập giá (Mt 27,37).
 
Trong câu chuyện này, Thánh Giuse đứng ở hậu trường. Tên của ông không được nhắc đến, bởi khi ở câu 11, thánh sử viết: “Họ vào nhà, thấy Hài nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người”. Hiểu ngậm là Thánh Giuse cũng hiện diện lúc đó, bởi vì cụm từ “Hài nhi và mẹ Người” được dùng bốn lần trong chương Hai (câu 13.14.20.21) bên cạnh Thánh Giuse. Tuy nhiên, thiết tưởng nên ghi nhận sự hiện diện của Thánh Giuse qua một lối hành văn khác, đó là ở chương Một, ông định bỏ bà Maria cách “kín đáo” (1,19); còn bây giờ vua Herode “kín đáo” tra vấn các nhà chiêm tinh (2,7). Cả hai hành vi diễn ra cách kín đáo (bí mật), nhưng một bên là vì muốn tìm hiểu ý Chúa, bên kia là trái ngược ý Chúa. Sự đối chọi này tăng thêm ý nghĩa khi bước sang biến cố kế tiếp, khi âm mưu của vua Herode bị ông Giuse phá vỡ do một mặc khải từ trời.
 
V. LÁNH NẠN SANG AI CẬP (2,13-18)
 
Trong những đoạn tiếp của chương Hai, ông Giuse trở thành nhân vật chính, với vai trò là bảo vệ “hài nhi và mẹ Người” (Mt 2,13.19.22). Ông tỏ ra thực sự là “người công chính” mau mắn tuân hành ý Chúa. Trước đây, ông vâng theo ý Chúa đón bà Maria về làm vợ; bây giờ ông vâng theo ý Chúa đưa thánh gia sang nước Ai Cập, rồi từ Ai Cập trở về quê hương, và đến định cư tại Nazareth.
 
Tại sao lánh nạn sang Ai Cập mà không sang nước khác? Đây không chỉ là vấn đề an ninh bản thân nhưng còn nằm trong kế hoạch cứu độ, như thánh sử Matthew giải thích câu Kinh Thánh: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” (Hs 11,1). Ngôn sứ Hoses nói đến dân Israel được Thiên Chúa thương yêu như đứa con và dẫn ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; nhưng Matthew áp dụng cho Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: cũng như Moses không những cứu dân mình ra khỏi cảnh nô lệ mà còn đưa vào đất Israel, Đức Giêsu – Thiên Chúa cứu độ – là ông Moses mới, lãnh đạo đoàn dân được cứu thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa vào Nước Trời (Mt 2,21). Đó là kế hoạch của Thiên Chúa, và Thánh Giuse góp phần vào sự thực hiện chương trình này.
 
VI. TRỞ VỀ NAZARETH (2,19-23)
 
Biến cố cuối cùng được Thánh Matthew nói trong chương Hai là ông Giuse đưa thánh gia về quê hương Israel và định cư tại Nazareth:
 
“Sau khi vua Herode băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi”. Ông liền chỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Arkhêlao đã kế vị vua cha là Herode, cai trị miền Judea, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilee, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth”.
 
Đoạn văn này hàm chứa hai lần thiên sứ báo mộng tương ứng với hai hành động của ông Giuse: trước hết là trở về quê hương, kế đó là định cư ở Nazareth.
 
Trước đây, ông Giuse đã đưa thánh gia từ Bethlehem lánh nạn sang Ai Cập. Vì thế khi tính chuyện hồi hương thì đương nhiên là trở về quê cũ ở miền Judea (miền Nam Palestin). Tuy nhiên, ý Chúa lại định cách khác: ông Giuse sẽ về Nazareth, ở miền Galilee (miền Bắc Palestin). Tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa.
Nên lưu ý, các nhà chú giải Kinh Thánh không tìm thấy được một câu nào trong Cựu Ước nói là “Người sẽ được gọi là người Nazareth”:
 
– Vài học giả nghĩ rằng, “người Nazareth” là một biến thể của tính từ “Nazir”: kẻ được thánh hiến, giống như ông Samson được thánh hiến ngay từ lòng mẹ (Tl 13,5; 16,17); hoặc“Neser”: chồi lộc, được nói đến trong Is 11,1 (Đấng Messia thuộc chồi Jesse là thân sinh của David).
 
– Ý kiến khác cho rằng, thánh sử Matthew không nghĩ tới một câu văn cụ thể nào trong Kinh Thánh cho bằng toàn thể kế hoạch của Thiên Chúa nói chung: Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, thành phố của vua David, nhưng sinh sống tại Nazareth, miền Galilee thuộc dân ngoại.
 
Dù sao, biệt hiệu của Người là “Giêsu Nazareth” (Mt 21,11; 26,71; xc Cv 22,8; 24,5; 26,9). Đối với người đương thời, Nazareth là một chốn vô danh tiểu tốt, và đôi khi còn bị khinh miệt nữa (Mc 14,67). Vì thế họ không thể nào chấp nhận Đấng Messia xuất thân từ Nazareth được (Ga 1,46; 7,41-42.52). Điều trớ trêu là chính cư dân Nazareth cũng chẳng có thiện cảm với Đức Giêsu (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14.22-29).
 
Ông Giuse lẳng lặng thi hành ý Chúa, tuy dù ông không am tường tất cả mọi tình tiết. Từ chương Ba trở đi, Thánh Matthew chuyển sang giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu. Đến đây vai trò của ông Giuse trở nên lu mờ. Không ai biết được ông qua đời lúc nào. Tên ông còn được nhắc đến một lần nữa ở chương 13, khi thiên hạ thắc mắc về Đức Giêsu:“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao?”.
 
Qua đó, chúng ta biết được Thánh Giuse làm nghề “thợ mộc”. Đoạn văn tương tự ở Mc 6,3 cho biết là Đức Giêsu cũng làm thợ mộc, và như vậy là Người được ông Giuse truyền nghề. Nên biết là, “thợ mộc” (Hy Lạp: Tektôn) đã được các Giáo phụ giải thích theo nhiều nghĩa: thợ mộc, thợ rèn, thợ nề (faber lignarius, o ferrarius, o morarius); tuy rằng, ý kiến thông thường cho rằng Thánh Giuse làm thợ mộc, thậm chí Thánh Justino viết rằng:“Người đẽo cày và ách cho thú vật” (Dial. 88: PG 6,888). Dù sao, vào thời bấy giờ, “thợ mộc” không chỉ được xếp vào hạng “thủ công”, mà nhiều người thuộc hạng “sĩ” cũng làm thợ mộc, chẳng hạn Rabbi Shammai. Vì thế không lạ gì khi dân Israel bị phát lưu sang Babylon, các thợ mộc cũng bị bắt cùng với hàng quý tộc (Gr 24,1).
Theo ngụy thư “Chuyện ly trần của ông Giuse thợ mộc”, thánh nhân qua đời khi đã cao niên(111 tuổi) lúc Đức Giêsu sắp lên 20 tuổi! Thánh Matthew không đả động gì đến cuộc ly trần của ông Giuse có lẽ vì thấy nhiệm vụ của Người đã hoàn tất. Từ nay, Đức Giêsu sẽ bắt đầu mặc khải Tin Mừng cứu độ, mà chủ thể là “Thiên Chúa là Cha trên trời”: các độc giả hãy cần dồn chú ý vào người Cha đó (xc Mt 23,9).
 
VII. KẾT LUẬN
 
Trong hai chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthew, ta thấy Thánh Giuse giữ một vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Nhập thể. Ông được Chúa gọi tham gia vào việc Chúa Cứu Thế ra đời cũng như che chở Hài nhi trong thời thơ ấu:
– Bằng cách đưa bà Maria về sống chung: ông trở thành chồng của bà, và cha của Đức Giêsu, nhờ thế Người trở nên con cháu vua David;
– Bằng cách đặt tên cho Hài nhi là Giêsu, mặc khải chân tướng của Người như là “Thiên Chúa cứu chữa”, “Thiên Chúa ở với chúng ta” (Emmanuel).
– Bằng cách bảo vệ Đức Giêsu khỏi bị vua Herode ám sát qua việc đưa thánh gia lánh nạn bên Ai Cập, rồi đưa về định cư tại Nazareth, nhờ thế Đức Giêsu trở thành ông Moses mới và mang biệt hiệu “Giêsu Nazareth”.
 
Tóm lại, ông Giuse đã đóng vai trò quan trọng trong việc “nặn hình” Đức Giêsu theo chương trình cứu chuộc. Tuy nhiên, ông đã thi hành sứ mạng trong tinh thần vâng phục đức tin như một tôi trung của Thiên Chúa. Đối lại, vinh dự của ông ở chỗ làm “chồng của bà Maria” (Mt 1,16.19), và nhất là Đức Giêsu được coi là “con ông Giuse” (xc. Lc 4,22; Ga 6,42).

MỤC 2: TIN MỪNG THÁNH LUCA
 
Không thiếu người đã ví Tin Mừng Matthew và Tin Mừng Luca như là “Tin Mừng về Thánh Giuse” và “Tin Mừng về Đức Maria”. Sự đối chiếu ấy dựa trên nhiều chi tiết, đặc biệt khi so sánh hai cảnh truyền tin của thiên sứ nói ở chương đầu tiên. Tuy nhiên, chưa chắc đó là dụng ý của hai thánh sử. Như đã thấy trong Mục 1 vừa rồi, có lẽ Thánh Matthew muốn trình bày Đức Giêsu như là con cháu David, con cháu Abraham, Emmanuel; còn ông Giuse chỉ là một chứng nhân cho chân lý ấy. Còn dụng ý của hai chương đầu Tin Mừng Luca là gì? Một vài nhà chú giải cho rằng, trọng tâm nằm ở chỗ đối chiếu hai nhân vật: Gioan tiền hô và Đức Giêsu, qua cảnh truyền tin (1,5-25 // 26-38) và sinh hạ (1,57-66 // 2,1-21), và liên kết với nhau qua cảnh Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth (1,39-56). Dù nói thế nào đi nữa, chắc là Luca không hề muốn so sánh Đức Maria với Thánh Giuse. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu vai trò của Thánh Giuse mà thôi.[14]
 
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT
 
Trong Tin Mừng Luca, Thánh Giuse không được nổi bật như trong Tin Mừng Matthew.
 
A. Về văn bản
 
Sau đây là những đoạn văn có liên quan đến ông Giuse:
 
– Ở 1,27, trong cảnh truyền tin, Đức Maria được giới thiệu như là “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse”.
 
– Ở chương Hai, Thánh Giuse thường xuất hiện bên cạnh Đức Maria, và đôi khi được gọi chung ở số nhiều là: “họ”, “hai ông bà”.
– Sang chương Ba, khi bước vào cuộc đời công khai của Đức Giêsu, ông Giuse được nhắc đến trong bản gia phả: “Đức Giêsu được coi là con ông Giuse, [ông Giuse là] con ông Hêli, [ông Hêli là] con ông Matthat,.v.v…” (Lc 3,23).
 
– Tại hội đường Nazareth, sau khi nghe bài giảng ra mắt, người ta bàn tán với nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22).
 
B. Những điểm tương đồng
 
Hai thánh sử đồng nhất ở vài điểm căn bản liên quan đến đạo lý về việc cưu mang do quyền năng Thánh Thần:
 
– Ông Giuse thuộc dòng tộc David
 
– Ông Giuse đã đính hôn với bà Maria
 
– Bà Maria có thai trước khi hai người sống chung với nhau
 
– Tên của Hài Nhi do thiên sứ chỉ định: Giêsu, Cứu thế (Mt 1,21 = Lc 2,11), Con Thiên Chúa(Mt 2,15 = Lc 1,35)
 
– Đức Giêsu sinh tại Bethlehem, dưới thời vua Herode (Mt 2,1 = Lc 1,5)
 
– Đức Giêsu trải qua thời thơ ấu ở Nazareth
 
C. Những điểm khác biệt
 
Có nhiều điểm khác biệt giữa hai thánh sử, đôi khi có thể xem như bổ túc cho nhau, nhưng đôi khi xem ra tương phản nhau.
 
1/. Luca cung cấp vài dữ kiện bổ túc cho Matthew, chẳng hạn như cuộc giáng sinh của Đức Giêsu tại Bethlehem và các mục đồng đến thờ lạy, việc cắt bì, dâng con trong đền thờ, và việc Hài nhi thất lạc trong đền thờ.
 
2/. Tuy nhiên, có vài chi tiết xem ra trái ngược với Matthew và đã gây ra nhiều tranh luận, chẳng hạn như:
 
– Nguyên quán và sinh quán của Đức Giêsu
 
Theo Matthew, xem ra nguyên quán và sinh quán của Đức Giêsu là Bethlehem, nơi mà ông Giuse đã có nhà ở (Mt 2,11); và thánh gia chỉ đến định cư ở Nazareth sau khi được thiên sứ chỉ định khi từ Ai Cập trở về. Theo Luca, nguyên quán của Thánh Giuse và Đức Maria là Nazareth; hai ông bà về Bethlehem để kiểm tra dân số, và không tìm được chỗ trọ. Bà Maria sinh Đức Giêsu tại Bethlehem, và không rõ thánh gia trở về Nazareth lúc nào. Đàng khác, Luca không đả động đến việc lánh nạn bên Ai Cập.
 
– Liên lạc với đền thờ
 
Theo Luca, 40 ngày sau khi sinh con, Thánh Giuse và Đức Mẹ đem Đức Giêsu lên đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Điều này không được Matthew nói tới. Trái lại, dân cư ở Jerusalem xôn xao khi thấy các nhà chiêm tinh đến hỏi thăm tin tức về Vua Do Thái vừa mới ra đời, gây ra cảnh tàn sát các hài nhi ở Bethlehem, buộc lòng thánh gia phải lánh nạn. Luca nói đến việc Đức Giêsu khi lên 12 tuổi thì đi theo cha mẹ từ Nazareth lên đền thờ. Phải chăng như vậy, thời gian lánh nạn ở Ai Cập không quá lâu dài?
 
Dĩ nhiên, các nhà chú giải Kinh Thánh đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích những sự khác biệt giữa hai thánh sử. Có lẽ hai vị đã thu thập dữ liệu từ hai nguồn độc lập (Matthew từ phía ông Giuse, và Luca từ phía Đức Maria). Họ đã không tìm cách trao đổi để kiểm chứng. Cả hai bản văn đã được nhận vào quy điển Sách Thánh. Chúng ta cần chấp nhận tất cả hai bản văn và tìm cách dung hợp các sự khác biệt trong tầm mức có thể.
 
II. VĂN BẢN
 
Chúng ta sẽ bắt đầu khảo sát bản gia phả ở chương Ba, rồi sau đó trở lại thứ tự các biến cố nói ở chương Một và chương Hai: truyền tin cho Đức Maria, giáng sinh tại Bethlehem, cắt bì, dâng con trong đền thờ, lạc con trong đền thờ.
 
A. Gia phả
 
Giữa hai bản gia phả theo Matthew và theo Luca, có nhiều sự khác biệt không nhỏ và chắc hẳn không ngoài ý muốn của tác giả.
 
1/. Bối cảnh
 
– Tin Mừng Matthew mở đầu bằng gia phả của Đức Giêsu, “con cháu vua David”, “con cháu tổ phụ Abraham” (1,1). Như đã thấy, xem ra điểm nhấn là Đức Giêsu là con cháu vua David, là Đấng Messia được hứa cho các tổ phụ. Thứ tự đi từ trên xuống dưới, từ Abraham đến ông Giuse.
 
– Ở Tin Mừng Luca, bản gia phả được thuật lại ở chương Ba, vào lúc Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, sau khi lãnh phép rửa tại sông Jordan: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ tưởng người là con ông Giuse, con ông Hêli, con ông Matthat,.v.v…” theo thứ tự từ dưới lên trên, mãi đến tận ông Adam.
 
2/. Chiều dài
 
Đừng kể thứ tự từ trên xuống (Mt: ông A sinh ông B), hoặc từ dưới lên (Lc: ông A con ông B), điều khác biệt quan trọng là ông Luca lên mãi tới nguyên tổ nhân loại là ông Adam, “con của Thiên Chúa” (3,38). Như vậy, tầm nhìn của Luca rộng lớn hơn, khi cho thấy Đức Giêsu thuộc về dòng dõi của tất cả loài người, chứ không riêng một dân tộc nào. Điều này không những nằm trong thần học về ơn cứu độ phổ quát, nhưng còn được nêu bật trong bối cảnh mà gia phả được xen vào, nghĩa là tại sông Jordan. Một đàng ông Gioan Tiền Hô cảnh cáo đồng bào rằng: “Các anh đừng vội nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham”, vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham” (3,8). Cách đó không xa, khi Đức Giêsu chịu phép rửa thì có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (3,22). Chân tướng của Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35), và điều này quan trọng hơn biệt hiệu “con cháu vua David” hay “con cháu tổ phụ Abraham” nơi ông Matthew.
 
– Thánh Luca viết tác phẩm dành cho dân ngoại, vì thế ông không bận tâm đến việc móc nối với những lời hứa dành cho vua David và dân tộc Israel.[15] Tuy nhiên, thánh sử tôn trọng sự thật về Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua David. Khi truyền tin cho Đức Maria, thiên sứ nói:“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của David, tổ tiên Người” (1,33). Thiên sứ báo tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David” (2,11). Cũng vì lý do đó mà ông Giuse cùng với bà Maria phải rời Nazareth về Bethlehem để khai tên tuổi (2,4). Bằng cách nào Đức Giêsu thuộc về dòng dõi vua David? Chắc chắn là không phải do họ mẹ (Đức Maria) như sách “Tiền Phúc Âm Thánh Jacobe”nghĩ, nhưng là do ông Giuse. Ông Giuse là con cháu vua David (3,23.31) và truyền lại dòng họ này cho Đức Giêsu. Bằng cách nào? Câu trả lời cũng tương tự như ông Matthew, đó là ông Giuse là chồng của bà Maria, kẻ cưu mang Đức Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
 
– Bản gia phả của Matthew được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm 14 đời. Bản gia phả của Luca thì liệt kê 77 hàng tổ tiên lên tới Thiên Chúa. Hẳn là số 77 mang tính cách biểu tượng, chứ làm sao thu thập đầy đủ tên tuổi các bậc tổ tiên của loài người được? Con số 77 là biểu tượng cho cái gì? Có người cho rằng, số 77 được ghép bởi hai số 7 kề nhau: số 7 tượng trưng cho sự hoàn thiện; có người tìm cách phân biệt 11 nhóm (3+3+2+3), mỗi nhóm 7 người.
 
– Trong hai bản danh sách, chỉ có sự trùng hợp từ ông Abraham đến vua David. Sau đó, Matthew thuật lại hậu duệ vua David từ phía ông Salomon (1Sbn 3,10-19), còn Luca thì theo ông Nathan (xc. 2Sm 5,14; 1Sbn 3,5). Hai danh sách gặp nhau nơi ông Santiel và Zerubbabel. Nhưng theo Matthew, từ Salomon đến Santiel có 13 đời, và từ Zerubbabel đến Đức Giêsu là 10 đời; nhưng theo Luca, từ Nathan đến Santiel có 19 đời, và từ Zerubbabel đến Đức Giêsu là 19 đời.
 
– Tên thân sinh của Thánh Giuse là ông Jacob (Mt) hay Hêli (Lc)? Có lẽ Matthew muốn móc nối Thánh Giuse với tổ phụ Giuse trong Cựu Ước, do đó thân sinh của cả hai trùng tên với nhau. Còn Luca có lẽ móc nối với vị tư tế Hêli vì liên tưởng đến câu chuyện của bà Anna và cậu Samuel, với nhiều nét tương tự với bà Elizabeth và cậu Gioan.[16] Ngoài ra, theo một cách giải thích từ thời Giáo phụ do Eusebio Cesarea kể lại, [17] Jacob và Hêli là hai anh em cùng mẹ khác cha: bà Estha lấy ông Matthan (thuộc tộc Salomon) sinh ra Jacob; sau khi ông Matthan chết, bà tái giá với ông Matthat (thuộc tộc Nathan) và sinh ra Hêli. Vì Hêli chết mà không có con, nên Jacob lấy vợ của Hêli (theo luật Levir: xc Mt 22,24) và sinh ra Giuse.
 
B. Truyền tin cho Đức Maria (1,26-38)
 
Như đã nói trên đây, Luca không có ý đối chọi cảnh truyền tin cho Đức Maria với cảnh truyền tin cho ông Giuse ở Tin Mừng Matthew. Đúng hơn, Luca đối chiếu hai cảnh truyền tin được nói trong chương Một, đó là cho ông Zacaria và cho Đức Maria:
 
– Truyền tin cho ông Zacaria, một tư tế, diễn ra ở đền thờ tại thủ đô Jerusalem (1,11-22). Bà vợ ông son sẻ nhưng sẽ sinh ra một người con mang sứ mạng chuẩn bị lòng dân đón Chúa. Ông Zacaria nêu thắc mắc.
 
– Truyền tin cho Đức Maria, một thiếu nữ tầm thường, ở làng Nazareth miền Galilee (1,26-38). Cô là một trinh nữ, nhưng sẽ sinh ra một người con do quyền năng Thánh Thần, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Maria thuận nhận làm theo ý Chúa.
 
Xét về địa vị xã hội, Đức Maria kém ông Zacaria; nhưng xét về lòng tin thì thứ tự đảo ngược. Sự chênh lệch càng lớn hơn nữa khi so sánh bản thân ông Gioan Tiền Hô và Đức Giêsu.
 
Trong cảnh Truyền tin cho Đức Maria, ông Giuse được nêu đích danh, bởi vì “thiên sứ Gabriel đến một thành miền Galilee gọi là Nazareth gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà David” (1,26-27). Nơi Luca, ta thấy hai dữ kiện trùng hợp với Matthew: bà Maria đã đính hôn với ông Giuse, và hai người chưa ăn ở với nhau (xc. 1,34). Tuy nhiên, có điểm khác biệt là sau đó, Luca không nói gì về phản ứng của ông Giuse. Cho đến ngày lên đường về Bethlehem để kiểm tra dân số, Đức Maria vẫn còn trong tình trạng đính hôn (Lc 2,5). Luca không bao giờ gọi Maria là “vợ ông Giuse” như Matthew (Mt 1,20.24). Tuy nhiên, như chúng ta biết, theo luật Do Thái đương thời, những người đính hôn cũng có những nghĩa vụ pháp lý như những người kết hôn. Lý do của cuộc đính hôn với Giuse đã được nêu rõ khi nói rằng, “thuộc nhà David” (1,26), và vì thế sẽ về Bethlehem để kiểm tra dân số, tại đây Chúa Cứu Thế giáng sinh (2,4.11).
 
Thoạt tiên, câu hỏi của Đức Maria với sứ thần mang tính mâu thuẫn. Tại sao cô đã đính hôn rồi mà còn hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết người đàn ông?” (Lc 1,34). Tuy nhiên, động từ “biết” trong ngôn ngữ Hippri được hiểu về việc giao hợp, chứ không phải là biết tên biết tuổi mà thôi. Hai người đã đính hôn, nhưng chưa sống chung với nhau.
 
Đàng khác, cả hai thánh sử Luca và Matthew đều trùng hợp ở nội dung căn bản, đó là Đức Maria cưu mang Đức Giêsu do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35 // Mt 1,18.20).[18]
 
C. Giáng sinh (2,1-20)
Như đã nói trên, Thánh Luca không gọi bà Maria là “vợ” của ông Giuse: đây là điều khác với Matthew. Mặt khác, Thánh Luca không ngại để cho Thánh Giuse làm “cha” của Đức Giêsu, điều mà Matthew chỉ hiểu ngậm.
Dù sao, cho đến ngày sinh Đức Giêsu, Đức Maria vẫn chỉ là người“đính hôn” với ông Giuse (2,5). Tuy nhiên, trong chương Hai này, mối tương quan giữa hai người đã được diễn tả như là “vợ chồng” và“cha mẹ” đi đôi với nhau.
 
– Câu 6: “Khi hai người (= họ) đang ở đó (Bethlehem) thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa”.
 
– Câu 7: “Bà… đặt con nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà (= họ) không tìm được chỗ trong nhà trọ”.
 
– Câu 16: “Các mục đồng gặp bà Maria và ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”.
 
– Câu 22: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên Jerusalem”.
 
– Câu 27: “Vào lúc cha mẹ Hài nhi Giêsu đem con tới… thì ông Simeon ẵm lấy”.
 
– Câu 33: “Cha mẹ Hài nhi ngạc nhiên về những lời ông Simeon nói”.
– Câu 39: “Khi hai ông bà (= họ) đã làm xong mọi việc… thì trở về Nazareth”.
 
– Câu 41-46: “Cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Jerusalem… Họ cùng lên đền… Họ trở về… Đức Giêsu ở lại trong đền thờ mà cha mẹ chẳng hay biết. Họ cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành… Không thấy con đâu, họ trở lại Jerusalem. Sau ba ngày, họ mới tìm thấy con trong đền thờ”.
 
– Câu 48-51: “Khi thấy con, họ sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao lại xử với cha mẹ (= chúng tôi) như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ (= tôi) đây đã phải cực lòng tìm con! Người đáp: Sao cha mẹ (= các ngài) lại tìm con? Cha mẹ (= các ngài) không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng họ không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với họ, trở về Nazareth và hằng vâng phục họ”.
 
Ở câu 7, Luca viết rằng, bà Maria sinh “con trai đầu lòng”. Điều này không giả thiết rằng, sau đó bà còn sinh nhiều con nữa! Thánh sử nhắc đến việc sinh con trai đầu lòng không chỉ vì muốn ghi nhận một hiện tượng sinh lý của người phụ nữ (lần đầu tiên sinh con) cho bằng dẫn nhập vào một biến cố khác sẽ nói sau, đó là sự dâng con trong đền thờ: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của Thánh, dành cho Chúa” (2,23).
 
D. Cắt bì và đặt tên
 
Việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu chỉ được Luca nói đến trong một câu (2,21) đang khi sự việc tương tự của ông Gioan Tiền Hô lại được nói dài hơn (1,59-66).
 
Thoạt tiên, xem ra thánh sử chỉ muốn thuật lại sự kiện này để chứng tỏ cha mẹ của hai hài nhi đều là những người nghiêm túc tuân hành luật lệ (xc. St 17,12tt; Lv 12,3). Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ đặt tên cho Hài nhi, tên gọi nói lên sứ mạng tương lai. Ở đây, chúng ta chỉ chú ý đến việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu mà thôi.
 
Ai chủ sự việc cắt bì? Thánh Luca không nói, có lẽ vì không quan trọng.[19] Trong lịch sử Do Thái, thường là người cha (chẳng hạn ông Abraham cắt bì cho Isaac: St 21,4), nhưng đôi khi là bà mẹ (Zippora cắt bì cho con của ông Moses: Xh 4,25), hoặc một người nào khác.
 
Việc đặt tên mới thực sự là điều chủ yếu trong câu này: “Hài nhi được đặt tên là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ”. Câu văn được đặt ở thể thụ động, và không rõ ai giữ vai chủ động. Theo Matthew, thì ông Giuse đặt tên cho Hài nhi(1,21.25). Còn theo Luca, thì việc đặt tên xem ra được thiên sứ giao cho Đức Maria vào lúc truyền tin (1,31), cũng tương tự như việc đặt tên cho Gioan Tiền Hô được giao cho ông Zacaria (1,13.63). Tuy nhiên, xét vì cả cha lẫn mẹ (bà Elizabeth: 1,60) đều tham gia vào việc đặt tên cho Gioan, ta có thể suy đoán rằng, việc đặt tên cho Đức Giêsu cũng có sự tham gia của “hai ông bà”, theo như mạch văn của toàn thể chương Hai, mà chúng ta đã có dịp nhận xét. Xem ra vấn đề người chủ sự việc đặt tên không quan trọng cho bằng việc tuân hành một chỉ thị từ trời.
 
Nên lưu ý là Luca không giải thích ý nghĩa của tên “Giêsu” như là Matthew (1,21: “Thiên Chúa cứu dân Người khỏi tội lỗi”).
 
E. Dâng Con trong đền thờ (2,22-35)
 
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã ghi nhận một chi tiết khác thường trong trình thuật này, khi Luca viết rằng: “Khi đã đến kỳ thanh tẩy của họ theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên đền thờ Jerusalem”. Tại sao nói đến sự thanh tẩy của họ, nghĩa là của hai ông bà, trong khi luật thanh tẩy của Moses chỉ ràng buộc bà mẹ (Lv 12,1-8)?
 
Có ý kiến cho rằng, trong Tân Ước(bằng tiếng Hy Lạp), danh từ“thanh tẩy” (Katharismos) bao hàm một nội dung rộng rãi (Mc 1,44; Lc 5,14; Ga 2,6; 3,25; Dt 1,3; 2Pr 1,9), chứ không chỉ giới hạn vào lễ thanh tẩy dành cho các bà mẹ sau khi sinh con. Do đó, ở đây Thánh Giuse cũng tham gia vào sự thanh tẩy, nghĩa là thi hành các nghi thức luật định. Một cách cụ thể, trong đoạn văn này hai ông bà lên đền thờ để thi hành những điều mà luật Chúa truyền (2,23.24.27.39), trong đó có việc tiến dâng con trai đầu lòng và chuộc lại (Xh 13,1.11tt). Nên lưu ý, có lẽ chính hai ông bà chủ sự việc tiến dâng (Lc 2,27), chứ không phải là ông Simeon. Ông này xuất hiện sau đó; ông bế hài nhi và chúc tụng Thiên Chúa.
 
Như đã nhận xét trên đây, trong trình thuật này, Luca nói đến Thánh Giuse và Đức Maria không những qua đại danh từ ở số nhiều (Họ = hai ông bà) nhưng còn xác định là “cha mẹ của hài nhi”: khi thi hành việc tiến dâng (2,27), khi được nghe những lời chúc tụng của ông Simeon (2,33).
 
F. Tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ (2,41-50)
 
Thánh Luca trình bày Đức Maria và Thánh Giuse không chỉ như những người giáo dục nhân bản cho Đức Giêsu, mà còn như là tấm gương trong việc tuân hành Luật Chúa: hai ông bà đã lên đền thờ dâng tiến con trai đầu lòng theo luật (2,22.39); hằng năm hai ông bà lên đền thờ dự Lễ Vượt qua theo như luật định (2,41). Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, xảy ra sự cố là cậu ở lại trong đền thờ sau ngày lễ mà không báo trước cho cha mẹ.
 
Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và mẹ Maria đã cho thấy những mối liên lạc đan chéo trong gia đình Nazareth.
 
– Đức Maria nói với Đức Giêsu: “con ơi!”, theo lối xưng hô thân mật gia đình. Kế đó là lời trách móc cậu bé vì đã gây lo lắng cho “cha của con và mẹ”. Đức Maria nói thay cho ông Giuse, và đặt ông lên trước, theo thứ tự gia trưởng: “Con thấy không, cha của con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”.
 
– Đức Giêsu trả lời chung cho cả hai người, với đại danh từ đặt ở số nhiều: “Tại sao các ngài tìm con? Các ngài không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Đức Giêsu coi đền thờ như là “nhà” của Cha mình. Dĩ nhiên, “Cha” ở đây được hiểu về Thiên Chúa, chứ không phải là ông Giuse, như bà Maria vừa nói!
 
Thánh sử Luca nhận xét rằng, “họ” (= hai ông bà) không hiểu lời của Đức Giêsu, nhưng rồi cũng thêm rằng, “Người đi xuống cùng với họ, trở về Nazareth và hằng vâng phục họ”.
 
Như vậy, một đàng ta thấy rằng ông Giuse và bà Maria là “cha mẹ” của Đức Giêsu; nhưng Đức Giêsu còn có một “Cha khác”. Tuy nhiên, dù Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” (đã được nói trước ở 1,35), nhưng Người cũng phục tùng những kẻ giữ cương vị của cha mẹ trong gia đình.
 
Chương Hai kết thúc với thời gian ẩn dật của Đức Giêsu ở Nazareth cho tới khi hoạt động công khai. Tại đây, Đức Giêsu hấp thụ nền giáo dục nhân bản và đạo đức “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (2,39).
 
III. KẾT LUẬN
 
Trong Tin Mừng Luca, vai trò của Thánh Giuse không nổi bật như trong Tin Mừng Matthew. Thánh Giuse là một nhân vật thầm lặng bên cạnh Đức Maria; tuy nhiên, sự hiện diện của ông không phải là dư thừa, bởi vì ông cũng góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa: khi về Bethlehem để kiểm tra dân số, khi thi hành việc cắt bì và đặt tên cho Hài nhi, khi dâng tiến Hài nhi trong đền thờ, khi nuôi nấng dưỡng dục Hài nhi ở Nazareth. Ông đáng được hưởng lời chúc phúc dành cho kẻ “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27).
 
Chúng ta nên ghi nhận vài dụng ngữ của Thánh Luca khi bàn về những mối tương quan của Thánh Giuse.
1/. Với Đức Maria
 
Thánh Luca chỉ nói rằng Đức Maria là một trinh nữ “đính hôn” với ông Giuse, kể cả vào lúc về Bethlehem. Tuy nhiên, trong suốt chương Hai, Luca nhiều lần nói đến sự liên lạc chặt chẽ giữa hai người khi dùng chủ từ ở số nhiều, – “họ” (hai ông bà) -: trong thời kỳ về Bethlehem làm kiểm tra, lúc Đức Giêsu ra đời, khi đem con lên đền thờ để tiến dâng hay để dự lễ Vượt qua.
 
2/. Với Đức Giêsu
 
Khi nói đến việc lên đền thờ dự lễ, Thánh Luca viết rằng: “Hằng năm cha mẹ của Người lên đền thờ” (Lc 2,41). Khi tìm lại Đức Giêsu, Đức Maria nói: “Này cha của con và mẹ (= tôi) phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Như vậy, ở trong gia đình Nazareth, ông Giuse vẫn cư xử với Đức Giêsu như một người cha. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng lưu ý rằng mình còn có một Cha lớn hơn (Lc 2,49). Thánh Giuse biết rằng, Đức Giêsu không sinh ra do sự giao hợp thể lý, và thi hành chức vụ làm cha trong sự tôn trọng mối liên hệ độc nhất của Đức Giêsu với Chúa Cha. Nhưng, những người ngoài gia đình, bởi vì họ không biết đến chuyện cưu mang khác thường, cho nên họ vẫn nghĩ rằng Đức Giêsu là “con của ông Giuse” (Lc 3,23).
 
Dù sao đi nữa, bên cạnh vấn đề “danh chính ngôn thuận”, Thánh Luca đã nhìn nhận nhiều trách nhiệm của ông Giuse.
 
– Về phương diện pháp lý: Tránh cho Đức Maria khỏi rơi vào tình trạng đẻ con không chồng; bảo đảm cho Đức Giêsu được mang dòng tộc David.
 
– Về phương diện nhân bản: Thánh Giuse săn sóc Đức Maria trong thời kỳ thai nghén, và sinh nở. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse có trách nhiệm dưỡng dục Hài nhi Giêsu.
***
MỤC 3: TIN MỪNG THÁNH MARCO VÀ THÁNH GIOAN
 
Trong Tân Ước, chỉ có hai cuốn Tin Mừng Thánh Matthew và Luca cung cấp nhiều dữ kiện hơn cả về Thánh Giuse. Hai cuốn Tin Mừng còn lại thì sao?
 
I. TIN MỪNG THÁNH MARCO
 
Theo ý kiến các học giả, đây là cuốn Tin Mừng ra đời sớm nhất, và mở đầu với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tin Mừng Marco không đề cập đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, vì thế không nhắc đến Thánh Giuse.
 
Tuy nhiên, cũng có hai chi tiết đáng để ý:
 
1/. Thánh sử Marco đã 5 lần gắn liền “Nazareth” với thân thế của Đức Giêsu: Nazareth không những ám chỉ nguyên quán (1,9; 14,67) mà còn trở thành biệt hiệu của Người (1,24; 10,47; 16,6).
 
2/. Thánh sử Marco là người duy nhất cho biết Đức Giêsu làm nghề “thợ mộc” (Mc 6,3).
 
Cả hai chi tiết này đều gián tiếp nói lên mối liên hệ với Thánh Giuse: “cha nào con nấy”. Tuy nhiên, dưới một phương diện khác, liền sau khi nói đến “Đức Giêsu là thợ mộc”, thánh sử thêm rằng, “con bà Maria” (6,3). Lối nói này hơi ngược đời, bởi vì tục lệ thường gắn con với người cha chứ không gắn với bà mẹ (thí dụ như: Simon con ông Gioan). Phải chăng, bởi vì thánh sử muốn nêu bật việc sinh hạ khác thường của Đức Giêsu?
 
II. TIN MỪNG THÁNH GIOAN
 
Tin Mừng Thánh Gioan chú trọng đến Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” hơn là “con của ông Adam”. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, hiện hữu từ muôn thuở, đã đến cắm lều ở giữa loài người (Ga 1,1.14).
 
Trong tác phẩm này, tên ông Giuse được nhắc đến hai lần:
 
1/. Vào lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và thâu nhận môn đệ, ông Philipphe mô tả thân thế của Người như sau: “Chúng tôi đã gặp ông Giêsu Nazareth, con ông Giuse” (1,45). Đây không phải là một chức tước danh giá gì, bởi vì ông Nathanael vặn lại: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được”. Ông Philipphe ôn tồn mời anh bạn: “Đến mà xem!”. Qua cuộc đối đáp này, ta có thể ghi nhận rằng, người đương thời khinh rẻ làng Nazareth. Đàng sau não trạng dân gian này, có lẽ còn có một quan điểm thần học nữa, đó là dân Do Thái không thể nào chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi vì vị này được tiên báo như là con vua David, xuất thân từ Bethlehem miền Judea. [20]
 
2/. Điều này càng rõ hơn nữa khi Đức Giêsu tự xưng là “Bánh từ trời xuống”. Người nghe liền xầm xì: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42).
 
Hai trường hợp nhắc đến Đức Giêsu như là “con ông Giuse” đều nằm trong bối cảnh người Do Thái đặt vấn nạn về thiên tính của Đức Giêsu. Xem ra Thánh Gioan muốn đối chọi giữa hai cái nhìn về nguồn gốc của Đức Giêsu: người đời chỉ có thể biết được nguồn gốc nhân tính của Người như là con ông Giuse và xuất thân từ Nazareth; cần phải có ơn trên thì mới nhận ra Người từ trời xuống (Ga 6,44; 7,28-29). Sự thay đổi viễn tượng có thể nhận thấy nơi Nathanael. Vào lúc đầu, ông tỏ ra thái độ ngờ vực cách tự nhiên: “Từ Nazareth, có cái gì hay được?” (Ga 1,46); nhưng sau khi đã gặp gỡ Đức Giêsu, ông thốt lên: “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” (Ga 1,49).

MỤC 4: NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG CỰU ƯỚC
 
Lẽ ra mục “Thánh Giuse trong Cựu Ước” phải được trình bày trước mục “Thánh Giuse trong Tân Ước”, nhưng đó là nói theo thứ tự thời gian chứ không theo ý nghĩa của lịch sử cứu độ. Thật vậy, phải chờ sự giải thích của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được những đoạn văn nào trong Cựu Ước nói về Đấng Kitô (xc. Lc 24,27), cách riêng những đoạn nói đến người Đầy tớ đau khổ (xc. Cv 8,34) chứ không riêng gì những đoạn nói về Đấng Messia ngự trên ngai David.[21]
 
Một đặc trưng của Tin Mừng Thánh Matthew là việc sử dụng thuật ngữ “ngõ hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói” (hoặc: để kiện toàn, hoàn tất, làm trọn,.v.v…). Thuật ngữ này xuất hiện 41 lần trong toàn tác phẩm, và ngay trong hai chương đầu tiên đã gặp thấy 5 lần (1,23; 2,6.15.18.23). Tác giả muốn chứng minh cho các độc giả(người Do Thái) rằng, Đức Giêsu thật là Đấng Messia mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến để cứu dân tộc. Người không chỉ là con cháu vua David mà thôi, nhưng còn giữ vai trò ngang với ông Moses nữa. Điều này được khẳng định trong bài giảng trên núi: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Một cách gián tiếp, sự kiện toàn được bày tỏ qua các phản đề tiếp đó: “Anh em đã nghe luật xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” (Mt 5,21.27.31.33.38.43).
 
Dựa trên nguyên tắc đó, Giáo Hội tiên khởi cũng lục lọi trong Cựu Ước những đoạn văn có thể áp dụng cho Hội Thánh (chẳng hạn: giao ước, Dân Chúa, đoàn chiên, đền thánh,.v.v…), cho Đức Maria (bà Eva, thiếu nữ Sion,.v.v…). Một cách tương tự như vậy, các Giáo phụ cũng cố gắng đi tìm những đoạn văn Cựu Ước có thể áp dụng cho Thánh Giuse. Tuy có nhiều đường hướng đã được sử dụng (thí dụ những mẫu “người công chính” trong Cựu Ước), nhưng chúng tôi chỉ giới hạn vào một nhân vật cụ thể do chính Thánh Matthew gợi lên, đó là tổ phụ Giuse.[22] Có nhiều điểm tương đồng giữa tổ phụ Giuse trong Cựu Ước và Thánh Giuse.
– Xét về tên gọi, “Giuse” theo nguyên ngữ có nghĩa “Thiên Chúa đã tăng thêm” (St 30,22-24).[23] Thân sinh của cả hai người đều mang tên là “Jacob” (Mt 1,16). Xem ra Matthew cũng muốn nhắc đến tên gọi của thân mẫu nữa khi trưng dẫn bà “Rachel” trong cảnh tàn sát các anh hài (1,18; xc St 30,22-24).
 
– Một điểm tương đồng khá nổi bật, là cả hai người đã nhận được mặc khải qua “giấc mộng”. Tổ phụ Giuse đã nhận được giấc mộng báo trước sự nghiệp của mình (St 37,5-9 = 42,6-9)và ông cũng giải thích giấc mộng của người khác (St 41,12.16.25). Cả hai đã nắm bắt được ý định của Thiên Chúa qua giấc mộng.
 
– Lánh nạn qua Ai Cập. Tổ phụ Giuse bị các anh mưu toan ám hại, và nếm cảnh lưu vong bên Ai Cập (St 37,18-20.28). Thánh Giuse đưa thánh gia sang Ai Cập để tránh cuộc tàn sát của vua Herode (Mt 2,13.16).
 
– Dính líu tới nhà vua. Thánh Giuse đưa thánh gia sang Ai Cập vì vua Herode sợ tiếm vị, và phải chờ đến lúc nhà vua băng hà thì mới trở về quê hương. Tổ phụ Giuse tuy được lòng vua Pharaoh, nhưng ông biết trước rằng khi nhà vua này qua đời thì dân Israel sẽ bị áp bức và buộc phải rời bỏ Ai Cập (Xh 1,8; 13,18-19).
 
– Con người liêm khiết. Tổ phụ Giuse là người ngay chính, không chiều theo lời dụ dỗ phạm tội (St 39,7-20). Thánh Giuse là người công chính và không muốn xúc phạm đến Đức Maria.
 
– Trách nhiệm. Tổ phụ Giuse được giao phó nhiều chức vụ quan trọng: quản lý ở nhà quan Potiphar (St 39,4), quản đốc trại giam (St 39,22), quản đốc hoàng gia Pharaoh và quản trị toàn xứ Ai Cập (St 41,41-45). Thánh Giuse chịu trách nhiệm trông coi thánh gia tại Bethlehem, Ai Cập, Nazareth.
 
Vào thời cận đại, nhiều vị Giáo Hoàng thường đối chiếu Thánh Giuse với tổ phụ Giuse, cách riêng khi nói đến vai trò bảo trợ Giáo Hội.[24] Thế lực bầu cử của Người dựa theo câu nói của vua Pharaoh: “Ite ad Joseph” – “Hãy đến cùng Giuse” (St 41,55), đã được sử dụng từ Thánh Bernado. [25]
 
KẾT LUẬN
 
Trong chương này chúng tôi chỉ giới hạn vào việc tìm hiểu ý nghĩa những đoạn văn Tân Ước nói về Thánh Giuse. Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tầm áp dụng của những đoạn văn đó để hiểu biết sứ mạng của Người cũng như mẫu gương cho các môn đệ Chúa Kitô. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ thấy rằng, Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ dựa trên những đoạn văn Tân Ước vừa nói, tựa như những “mầu nhiệm kinh Mân Côi”, để chiêm ngắm vai trò của Thánh Giuse trong sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô.
 
– Thánh nhân trở nên “môi giới” để Đức Giêsu trở thành “Con vua David” hoàn tất những lời hứa về Đấng Messia.
 
– Thánh nhân đã “đặt tên” cho Hài nhi là Giêsu, trình báo cho nhân loại biết Người là Đấng cứu tinh nhân loại, là Emmanuel.
 
– Thánh nhân đã “đăng ký” Đức Giêsu vào sổ kiểm tra của hoàng đế Roma, để chứng thực Người là thành phần của thế giới nhân loại.
– Thánh nhân đã “dâng tiến” Đức Giêsu cho Chúa Cha, báo trước hy tế cứu chuộc trên thập giá.
– Thánh nhân không những đã bảo vệ Hài nhi Giêsu tại Bethlehem và Ai Cập, nhưng còn tạo điều kiện để Đức Giêsu trở thành “người Nazareth”, một danh hiệu gắn liền với sự nghiệp của Chúa Cứu Thế.
– Dĩ nhiên, Thánh nhân đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục Hài nhi Giêsu về nhân bản, đạo hạnh, cũng như nghề nghiệp.
 
Đó là cơ sở cho danh hiệu “Redemptoris Custos” (người giữ gìn Đấng Cứu chuộc), “Minister Salutis” (kẻ phục vụ ơn cứu độ) của Tông huấn mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong những chương tới.
 
Nguồn Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP | catechesis

[1] Thí dụ: A. Michel, art. Saint Joseph in: Dictionnaire de Théologie Catholique VIII, col.1510-1520.
[2] Larry M. Toschi, Joseph in the New Testament, Guardian of the Redeemer Book, Santa Cruz 1991. Tarcisio Stramare, Vangelo dei Misteri della Vita Nascosta di Gesù, Sardini, Bornato in Franciacorta, 1999.
[3] Trong Tân Ước, còn có ba nhân vặt mang tên Giuse: Giuse Arimatea, một người môn đệ đã hiến ngôi mộ để chôn Thầy (Mt 27,57-60); Giuse Barsabba, một người được đề cử cùng với Matthia giữ chức vụ tông đồ thế chỗ Judas (Cv 1,23); Giuse Barnabea (Cv 4,56). Ngoài ra, trong hàng thân thích của Chúa Giêsu, có một người tên là Giuse (Mt 13,55), và gia phả của Luca liệt kê hai người trong hàng tổ tiên (Lc 3,25.30).
[4] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 517; 1115.
[5] Nên lưu ý lời của thiên sứ nói với ông Giuse: “những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi” (Mt 2,20). Chủ từ ở số nhiều.
[6] Trái lại, Cựu Ước nhiều lần đề cập đến giấc mơ như là phương thế Thiên Chúa mặc khải, chẳng hạn trong trường hợp của ông Abraham (St 15,12-13), Jacob (St 28,12-13; 31,10-18; 46,2-4), Giuse (St 37,5-11), Samuel (1 Sm 3,1-14), Nathan (2 Sm 7,4-17), Salomon (1V 3,5), Đaniel (Đn 2,18-23).
[7] Trong Cựu Ước, thuật ngữ “Sứ thần Chúa” (sứ giả của Thiên Chúa, hoặc sứ giả của Giavê) đôi khi ám chỉ chính Thiên Chúa (xc. St 22,15-16). Vai trò chính yếu là thông báo một sứ điệp của Thiên Chúa.
[8] Ngoài ra, việc xen vào tên của 5 phụ nữ vào bản gia phả (Tamar, Racab, Rut, Betsabea, Maria) cũng là đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi.
[9] Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số 14 là nhân đôi con số 7, ám chỉ tuần lễ. Từ ông Abraham đến Đức Giêsu có 6 tuần (3 x 14), chuẩn bị cho cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu khai trương tuần lễ thứ bảy (Ảnh hưởng của sách Henoch, 91,15-17; 93,3-5).
[10] Xc. Bộ Giáo Luật 1983, điều 1062.
[11] I. de La Potterie, Maria nel mistero dell?alleanza, Marietti Torino, pp. 65-92.
[12] Thánh Irénee đã giải thích ý nghĩa biểu trưng của ba lễ phẩm: “mộc dược” tiên báo Đức Giêsu sẽ chết để cứu chuộc loài người; “vàng” tiên báo Hài nhi sẽ là vua của muôn dân; “nhũ hương” dâng tiến Chúa tể trời đất (xc. Adv. Haereses III,9,2). Từ thế kỷ XI, ba nhà chiêm tinh(hay đạo sĩ) được gọi là “ba vua” có lẽ vì được móc nối với Thánh Vịnh 72,10 (“Từ Thác-si và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Arap, Saba đều tới tiến dâng lễ vật”). Họ cũng được mang tên là Balthazar, Melchior, Gaspar, đại diện cho các chủng tộc Âu (da trắng), Á (da vàng), Phi (da đen).
[13] Có người cho là sao chổi (Halley), sao mới (nova), chòm sao; có người giải thích là một điềm sao (mà các nhà chiêm tinh nhận ra). Có người cho rằng, “sao” ám chỉ nhà David, dòng dõi Judas (xc. Ds 24,17). Có người cho rằng sao ám chỉ ánh sáng đức tin.
[14] Nên biết là 5 mầu nhiệm mùa Vui của kinh Mân Côi đều dựa theo Tin Mừng Luca: truyền tin (1,26-38), thăm viếng (1,39-56), giáng sinh (2,1-20), dâng con trong đền thờ (2,22-39), lạc mất con trong đền thờ (2,41-51).
[15] Có người nhận xét rằng, thay vì trưng dẫn các đoạn văn Cựu Ước như Matthew, Thánh Luca nêu bật tác động của Chúa Thánh Thần: Lc 1,15.35.41.67; 2,25-27.
[16] Có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đời của Samuel với câu chuyện của Thánh Gioan Tiền Hô và Chúa Giêsu. Bà Anna và bà Elizabeth đều là người son sẻ. Ông Êli và ông Zacaria là những tư tế năng lui tới đền thờ. Mặt khác bài ca Magnificat của Đức Maria có nhiều nét giống như bài ca tạ ơn của bà Anna (1Sm 2,1-10). Một cách tương tự như vậy, cậu Giêsu cũng năng lui tới đền thờ giống cậu Samuel (1Sm 1,21-2,11), và cũng trưởng thành về nhân bản và đạo đức như nhau (1Sm 2,21.26).
[17] Eusebio Cesarea , Historia Ecclesiastica lib.I, cap.VII.
[18] Theo Luca, thiên sứ đến truyền tin cho Đức Maria trước khi bà thụ thai. Theo Matthew, thiên sứ hiện ra với ông Giuse sau khi Đức Maria đã có thai.
[19] Có Giáo phụ (như Origène) không chỉ giải thích việc cắt bì như là dấu hiệu được kết nạp vào dân giao ước (xc. St 17,12; Lv 12,3), nhưng còn như tiên báo việc hiến tế trong tương lai(đổ máu xá tội: Xh 4,24-26).
[20] xc. 7,43-44: “Đức Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?”.
[21] Thánh Phaolô đã nói cách tổng quát: “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4).
[22] Ông được nhắc đến gần 200 lần trong Cựu Ước và 8 lần trong Tân Ước.
[23] Trong nguyên gốc Hippri, “Yôsep” viết tắt của “Yehôsep” ghép bởi hai từ “Yhw” (Yahweh)và “ysp”: nguyện xin Thiên Chúa tăng thêm (xc. St 30,23-24; 49,22-26).
[24] Xc. Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Thông điệp Quamquam Pluries, 15/8/1889, in: Leonis XIII Pontificis Maximi Acta, vol. IX, Romae 1890, p. 179-180.
[25] Homilia II Super missus est, PL 183, 69-70.
Pin It

Gửi phản hồi