Trái tim tình yêu
Tháng 6 hằng năm, phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu. Bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.
Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. “Thiên Chúa là tình yêu”, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu.
- Tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu
Lòng tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim 'con người' của Ðấng là 'Con Thiên Chúa', mời gọi các tín hữu chiêm ngắm như dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lòng tôn sùng này đã được Thánh Gioan Euđê (1680) cổ vũ từ giữa thế kỷ XVII, và nhất là qua các thị kiến mà Thánh nữ Margarita-Maria Alacoque (1690) nhận được tại Tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial vào năm 1673 và 1675. Trong các thị kiến, M-M. Alacoque được Chúa Giêsu chỉ cho thấy Trái Tim Người, "một trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn". Thánh nữ còn được uỷ thác việc cổ vũ xin thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Nhưng phải đợi đến gần hai thế kỷ sau ngày ngài qua đời, vào năm 1856, Ðức Piô IX mới chính thức thiết lập ngày lễ này trong toàn Giáo Hội. Rồi sau đó, dưới thời các Ðức Giáo hoàng Lêô XIII, Piô XI và Piô XII, đã có các giáo huấn liên hệ đến việc tôn sùng Thánh Tâm qua Thông điệp "Annum Sacrum", công bố ngày 25.5.1899 chuẩn bị Năm Thánh 1900, với việc dâng loài người cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, thông điệp "Miserentissimus Redemptoris" ngày 18.5.1926, "Summi Pontificatus" ngày 20.9.1939 và "Haurietis Aquas" ngày 15.5.1956.
Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là đoạn Tin Mừng (Ga 19,31-37), sau khi Chúa Giêsu chết trên cây thập giá, "một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra". Một đoạn Tin Mừng khác là (Mt 11,25-30) về mạc khải rất quý báu: "Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng…".
Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy : “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x.Ga l9,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai”. (Haurietis aquas : DS. 3924 ; x. DS 3812).
2. Trái tim tình yêu
Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu,mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được.
Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ. Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 14.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số đó.
Trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới. Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi.
Trái tim rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút. Theo từng nhịp đập của trái tim mỗi người đang sống. Nếu một ngày kia trái tim ngừng đập người ấy sẽ trở thành người thiên cổ
Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời mỗi người bằng Thánh Thần. Lọc những vị kỷ để còn vị tha. Lọc hiềm thù để còn yêu thương. Lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong.
Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống mỗi người vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, phần ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống từng người và đó là điều ai cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân của mình, trong thân thể mỏng giòn yếu đuối con người được tham dự vào sự sống của Người.
Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Thiên Chúa biết con người mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên đã yêu thương, bao bọc bằng ân sủng của Người.
Tình yêu của Thiên Chúa khiến con người không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”?
- Xin ơn thánh hóa các linh mục.
Ngày lễ hôm nay, Giáo hội tha thiết mong mỗi tín hữu hãy cầu xin Chúa Giêsu gìn giữ, chúc lành và thánh hóa các Linh mục.
Các ngài cần phải sống mật thiết với Chúa. Các ngài mang rất nhiều bổn phận quan trọng đáng kính và đáng được nâng đỡ.Các ngài có bổn phận hiệp thông chặt chẽ với Giáo hội, một thực thể được Chúa thiết lập như dụng cụ và dấu chỉ của sự cứu rỗi.Các ngài có bổn phận cộng tác một cách khiêm nhường và hiếu thảo với Đức Giám Mục của mình. Các ngài có bổn phận phục vụ cộng đoàn được trao phó. Phục vụ theo gương Chúa Giêsu "Đấng đến không để được hầu hạ mà để hầu hạ" (Mc 10,45), Đấng nên gương phục vụ hết tình qua việc rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13,5) trước khi tự nguyện đi vào cuộc thương khó dẫn đến cái chết trên thánh giá (x.Ga 20,21).Các ngài có bổn phận loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa cho mọi người. Những chiều kích thiêng liêng ấy là những tiếng gọi khác nhau của tình yêu Thiên Chúa. Điều quan trọng là linh mục biết đón nhận những tiếng gọi ấy. Và khi ý thức được đúng những đòi hỏi của những tiếng gọi ấy, linh mục sẽ càng cảm thấy mình rất cần đón nhận ơn Chúa và những đỡ nâng của bất cứ ai. Bởi vì, các ngài mang thân phận con người, cảm nghiệm thấm thía những yếu đuối, những bất xứng và những giới hạn của mình.
Việc cử hành thánh lễ là thừa tác vụ quan trọng nhất mà Linh mục cống hiến cho cộng đoàn tín hữu. Bởi vậy, đó là thời gian quý báu nhất của ngày sống Linh mục, cách riêng vào Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng của năm phụng vụ.
Ngoại trừ những trường hợp không thể được, trong mọi hoàn cảnh, Linh mục phải cố gắng trung thành với việc cử hành thánh lễ hằng ngày.Điều quan trọng là Linh mục luôn dành thời gian để chuẩn bị cá nhân cho việc cử hành và cầu nguyện cám ơn sau thánh lễ.
Cầu nguyện trước mặt Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể là kéo dài sự hiệp thông cách thiêng liêng với Ngài khi cử hành và là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc cử hành. Ngay cả việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa cũng tìm thấy khung cảnh thuận lợi nhất trước sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu.
Mừng kính Trái Tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục được “tựa đầu vào ngực Chúa”, say mê Thánh Thể Chúa để Linh mục có con tim nhạy cảm, tấm lòng yêu thương như Chúa, nhờ đó Dân Chúa trông thấy các Linh mục hạnh phúc, thánh thiện và tươi vui trong công tác tông đồ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: Vietcatholic