Vụ phạt sinh con thứ 3: Những ai phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Trịnh Anh Dũng.
UBND các huyện ở Nghệ An có thể phải bồi thường cho người dân toàn bộ thiệt hại gây ra trong thời gian thi hành quyết định sai phạm phạt tiền người dân khi sinh con thứ 3.
►Nghệ An xóa quy định phạt người sinh con thứ 3
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thay thế xóa bỏ quy định sai trái này. Vậy những người trước đây đã nộp tiền phạt khi sinh con thứ 3 có được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trả lại hay không. Trả lời Báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, tại thời điểm UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định xử phạt sinh con thứ 3 thì Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực thi hành nên việc ban hành quyết định trên là hoàn toàn vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, theo luật sư Dũng, sau khi Chính phủ ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP thay thế, đáng lẽ UBND tỉnh Nghệ An phải ban hành ngay văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các nội dung trái với quy định của Nghị định này. Tuy nhiên, các huyện, xã ở Nghệ An vẫn tiếp tục thi hành quyết định xử phạt khi sinh con thứ 3 trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Mặt khác, trong quyết định xử phạt sinh con thứ 3 của UBND tỉnh Nghệ An quy định: Người sinh con thứ ba không phải là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải đóng góp một khoản kinh phí theo cam kết cho ban Dân số- kế hoạch hóa gia đình tại xã, phường, thị trấn có giá trị từ 1 triệu đồng cho một lần vi phạm là có dấu hiệu vi phạm điều điều 12 của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Với sai phạm nghiêm trọng này, người dân địa phương có thể khiếu nại UBND tỉnh Nghệ An theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011. Nếu có đủ các căn cứ và bằng chứng, cơ quan giải quyết khiếu nại có thể buộc người bị khiếu nại phải thu hồi quyết định hành chính vi phạm và bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho người người khiếu nại.
Khi được hỏi về trách nhiệm của người ban hành quyết định, luật sư cho rằng, nếu có căn cứ kết luận việc ban hành văn bản là vi phạm pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả, người kí quyết định ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó sẽ phải chịu kỷ luật theo luật cán bộ, công chức năm 2008. Thậm chí, hình thức kỷ luật đối với người ban hành quyết định trái pháp luật có thể là cách chức.
Tác giả bài viết: Nhân Văn
Nguồn tin: Báo Đời Sống & Pháp Luật
[post-views]
Nguồn tin: Báo Đời Sống & Pháp Luật
Tôi sinh 5 đứa con mà phải nộp phạt cho 3 đứa rồi, vậy bây giờ ai trả tiền đó cho tôi. Tôi sinh được thì tôi nuôi được nhà nước có nuôi đâu, tôi phải cắn răng để nộp phạt nếu ko nộp thì nó ko làm giấy khai sinh cho . Thế mới tức chứ.