Đức Phanxicô trả lời về báo chí, bao cao su, hội nghị COP21 và tình hình chính trị hiện thời

Đức Phanxicô trả lời về báo chí, bao cao su, hội nghị COP21 và tình hình chính trị hiện thời

Trong buổi nói chuyện hỏi đáp trên đường bay từ châu Phi về Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời những câu hỏi từ các nhà báo khắp thế giới.
 Africa Pope Kenya
Phil Pulella, từ Reuters:
Ở Uganda,cha đã nói bộc phát, và cha nói rằng tham nhũng tồn tại khắp nơi, ngay cả ở Vatican. Câu hỏi của con là, đâu là tầm quan trọng của báo chí, một nền báo chí thế tục và tự do, đối với việc nhổ triệt nạn tham nhũng dù là ở bất kỳ đâu?
Báo chí là tự do, dù là thế tục hay tôn giáo. Nhưng phải chuyên nghiệp, bởi báo chí, dù là thế tục hay tôn giáo đều phải chuyên nghiệp. Điều quan trọng là họ phải thực sự chuyên nghiệp, nghĩa là không để các tin tức bị xuyên tạc. Với cha, điều này rất quan trọng bởi việc lên án tham nhũng và bất công là việc làm tốt đẹp. Và từ đó, những người có trách nhiệm phải làm gì đó, phải đưa ra tòa án, phải xét xử.
Báo chí chuyên nghiệp phải nói về mọi sự, nhưng đừng rơi vào 3 tội phổ biến nhất: một là sai lệch thông tin, kể chỉ một nửa sự thật, hai là vu khống, một việc rất không chuyên nghiệp, và khi không chuyên thì bạn làm ô danh người khác dù là với sự thật hay chuyện bịa, và thứ ba là phỉ báng, xóa sổ thanh danh một con người hiện nay chẳng làm gì sai trái với ai, nhưng lôi chuyện cũ của họ ra để bôi nhọ. Đây là 3 cái xấu đang tấn công sự chuyên nghiệp của báo chí. Chúng ta cần sự chuyên nghiệp, cần những gì đúng, mọi chuyện thế này và là thế này. Còn về tham nhũng? Hãy xem dữ liệu và nói ra. Nếu có tham nhũng, thì cần phải nói ra. Và nếu một nhà báo thực sự chuyên nghiệp, thì phải làm được. Và nếu nhà báo mắc sai lầm trong việc đưa thông tin, thì phải xin lỗi. Được như thế, thì mọi chuyện sẽ tốt.
Juergen Baetz, từ DPA (Đức):
Thưa Đức Thánh Cha, HIV đang tàn phá châu Phi. Các phương tiện y tế cho người ta sống được lâu hơn, nhưng nạn dịch vẫn đang lan tràn. Riêng ở Uganda, đã có hơn 135.000 ca nhiễm mới, và Kenya còn tệ hơn. Đây là nguyên do gây chết người lớn nhất ở châu Phi. Thưa Đức Thánh Cha, cha đã gặp các trẻ em bị dương tính HIV, cha đã nghe lời chứng xúc động ở Uganda. Nhưng cha nói ít về vấn đề này. Chúng con biết rằng yếu tố then chốt là phải ngăn chặn. Chúng con biết là bao cao su không phải là phương pháp duy nhất để ngăn nạn dịch này, nhưng nó cũng là một giải đáp quan trọng. Không phải đây là thời điểm để Giáo hội thay đổi lập trường về vấn đề này sao? Cho phép sử dụng bao cao su để ngăn chặn việc lây nhiễm?
Câu hỏi này dường như là một câu quá nhỏ, có vẻ như là một câu cục bộ. Đúng, đây là một trong các biện pháp. Luân lý của Giáo hội về điểm này phải đối diện với một tình huống phức tạp, là điều răn thứ năm hay thứ sáu? Bảo vệ sự sống, hay bảo vệ quan hệ tình dục mở ra sự sống?
Nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề còn lớn hơn … câu hỏi này khiến cha nghĩ về một người từng hỏi Chúa Giêsu: ‘Thưa Thầy, xin dạy con, có hợp luật không khi chữa lành vào ngày Sabbath? Có nhất thiết phải chữa bệnh không?’
Câu hỏi anh đưa ra là ‘làm thế có hợp luật không?’ … nhưng nạn suy dinh dưỡng, nạn nô lệ lao động, thiếu nước uống, đây là những vấn đề đó. Chúng ta đừng nói về chuyện liệu có thể dùng loại băng này kia cho vết thương nhỏ này hay không, khi mà đang có vết thương lớn nghiêm trọng là bất công xã hội, bất công môi trường, bất công đủ đường … cha không muốn phải nghiên cứu về chuyện con vừa nói, khi mà người dân đang chết vì thiếu nước, vì đói, vì môi trường bị hủy hoại … chỉ khi nào tất cả được chữa lành, khi không còn những chứng bệnh, những bi kịch do tay con người làm dù là vì muốn gây bất công xã hội hay muốn kiếm thêm tiền, như nạn buôn người chẳng hạn, khi những vấn đề này không còn nữa, thì cha nghĩ lúc đó có thể hỏi câu ‘có hợp luật không khi chữa bệnh ngày Sabbath?’
Bởi, nếu việc buôn bán vũ khí vẫn tiếp tục, chiến tranh là nguyên do chính giết chết con người … thì cha sẽ không nghĩ đến chuyện liệu việc chữa bệnh ngày Sabbath có hợp luật hay không … cha muốn nói với nhân loại rằng, ‘Hãy thực thi công lý,’ và khi tất cả được chữa lành, khi không còn bất công, thì chúng ta có thể nói về chuyện ngày Sabbath.
Lính mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc làm nhiệm vụ bảo an trong chuyến công du Trung Phi của Đức Giáo hoàng

Lính mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc làm nhiệm vụ bảo an trong chuyến công du Trung Phi của Đức Giáo hoàng
Nestor Ponguta Puerto, từ Radio Colombia:
Thưa Đức Thánh Cha, trước hết con cảm ơn cha vì những gì cha đã làm cho hòa bình ở đất nước con, Colombia, và vì tất cả những gì cha đã làm khắp thế giới. Nhân dịp này, con muốn hỏi cha một câu. Hiện nay ‘sự thay đổi bàn cờ chính trị’ đang lan khắp Mỹ La tinh và cả ở quê hương của cha. Ông Marci đã lên thay cho 12 năm trị vì của nhà Kirchner, bây giờ mọi chuyện đã thay đổi đôi chút, cha nghĩ gì về những thay đổi mới này, về đường hướng mới này sẽ tác động thế nào đến châu lục quê hương của cha.
Cha đã nghe vài ý kiến, nhưng thành thật mà nói về chuyện địa chính trị hiện thời, cha thực sự không biết nói gì, cha không biết bởi có nhiều vấn đề ở nhiều quốc gia như thế này. Nhưng, thực sự cha không biết vì sao hay làm thế nào chuyện này mở ra. Cha thực sự không biết. Có nhiều nước châu Mỹ La tinh đang ở trong tình trạng này, đúng thực là có thay đổi chút ít nhưng cha không biết diễn tả thế nào.
Marco Ansaldo, từ Repubblica:
Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi cha một câu này, bởi trong tuần trước có hai sự kiện lớn thu hút truyền thông, một là chuyến công du châu Phi của cha mà chúng con rất hạnh phúc được tham dự, và chuyến đi cũng thành công về mọi mặt, sự kiện thứ hai là khủng hoảng quốc tế giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khi Thổ bắn hạ một máy bay của Nga vì đã băng qua không phận Thổ trong vòng 17 giây, cả hai bên đều không ai chịu nhận lỗi và thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng nữa trong cái mà cha đã gọi là Thế chiến III phân mảnh. Vậy, câu hỏi của con là quan điểm của Vatican về vấn đề này thế nào? Và con muốn hỏi thêm một điều nữa, là cha có ý định đi dự tưởng niệm 101 năm biến cố diệt chủng người Armenia vào năm tới, như hồi năm ngoái, hay không?
Năm ngoái, cha đã hứa với 3 thượng phụ là cha sẽ đi. Đã hứa thì làm. Cha không biết là có đi được không, nhưng cha đã hứa rồi.
Còn về chiến tranh. Chiến tranh xảy ra là do tham vọng. Chiến tranh, cha nói đến chiến tranh chứ không phải là tự vệ chống ngoại xâm bất chính. Mà chiến tranh là một công nghiệp. Trong lịch sử, chúng ta thấy quá nhiều lần ở một quốc gia, bản quyết toán không được tốt lắm, thế là ‘À, làm một cuộc chiến thôi.’ để khoản thâm hụt biến mất. Chiến tranh là ngành kinh doanh, kinh doanh vũ khí. Khủng bố, họ có làm được vũ khí không? Có chăng chỉ là vũ khi hạng nhẹ. Vậy ai cho khủng bố vũ khí để chúng gây chiến tranh? Có cả một mạng lưới lợi ích, với đồng tiền và quyền lực đứng đàng sau, cả các đế quốc hay liên minh nữa. Nhưng chúng ta đã sống trong chiến tranh trong nhiều năm, và hơn nữa. Các mảnh chiến tranh đang ngày một ít hơn nhưng rộng hơn.
Cha nghĩ gì ư? Cha không biết Vatican nghĩ gì, nhưng cha nghĩ gì thì … Các cuộc chiến này là tội lỗi. Chúng chống lại nhân loại. Chúng hủy hoại nhân loại. Chúng là nguyên do gây nên bóc lột, buôn người, và đủ thứ khác. Chúng phải bị ngăn chặn.
Tại Liên hiệp quốc, cha đã hai lần nói từ này, cả ở Kenya và New York, cha nói rằng công việc của các bạn không phải là ‘tuyên bố’ cho có, mà phải làm sao có hiệu quả, phải tạo hòa bình. Liên Hiệp Quốc đã làm nhiều việc. Ở châu Phi, cha thấy lính mũ nồi xanh hoạt động thế nào. Nhưng thế là không đủ.
Chiến tranh không đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là một Thiên Chúa của hòa bình. Thiên Chúa tạo thành thế giới. Thiên Chúa làm nên mọi sự tốt đẹp, và rồi, theo kinh thánh, thì anh em giết hại nhau. Đây là chiến tranh đầu tiên, cuộc thế chiến đầu tiên, giữa anh em với nhau. Cha nghĩ về điều này, và cha đau đớn vô cùng.
Francois Beaudonnet, từ France Television:
Thưa Đức Thánh Cha, dù con là người Pháp, con xin hỏi cha một câu bằng tiếng Tây Ban Nha. Hôm nay, ở Paris, diễn ra hội nghị về biến đổi khí hậu. Cha đã có nỗ lực lớn lao để xoay chuyển mọi sự. Cha kỳ vọng nhiều nơi hội nghị này không? Cha có chắc là COP21 sẽ là mở đầu cho giải pháp hay không?
Cha không chắc. Cha không chắc. Nhưng, cha có thể nói, bây giờ hoặc không bao giờ. Nhưng, ngay từ hội nghị đầu tiên ở Tokyo, họ đã làm được rất ít. Mỗi năm, vấn đề càng nghiêm trọng hơn. Có người từng nói với các sinh viên đại học về một thế giới mà chúng ta muốn để lại cho con cái mình rằng, ‘Nhưng các bạn có chắc là thế hệ này sẽ có con cái hay không?’ Chúng ta đang đến ngưỡng tận cùng. Chúng ta đang bên bờ vực tự sát.
Và cha chắc chắn rằng gần như tất cả những ai tham dự hội nghị COP21 ở Paris đều ý thức điều này, và muốn làm gì đó. Hôm trước, cha đọc báo thấy ở Greenland, khối băng vĩnh cữu đã mất đi hàng ngàn tấn. Ở Thái Bình Dương, có nước này đi mua đất ở nước khác, để chuyển cả một quốc gia đến đó, bởi trong vòng 20 năm nữa sẽ chẳng còn gì. Cha chắc chắn, cha chắc chắn rằng những con người ở Paris sẽ làm điều gì đó. bởi cha chắc rằng họ có thiện chí. Và cha hi vọng sẽ được như thế, cha cầu nguyện xin được như thế.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA
http://phanxico.vn/2015/12/01/duc-phanxico-tra-loi-ve-bao-chi-bao-cao-su-hoi-nghi-cop21-va-tinh-hinh-chinh-tri-hien-thoi/
[post-views]
Pin It

Gửi phản hồi