Bài 29 BÍ TÍCH RỬA TỘI

CHƯƠNG II

BẢY BÍ TÍCH – CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM

 

Bài 29

 BÍ TÍCH RỬA TỘI

(Câu 1212 – 1284)

 

I. ỔN ĐỊNH

1.    Đón tiếp

       (chào hỏi, ổn định lớp, điểm danh, hát sinh hoạt…)

2.    Thánh hóa đầu giờ

       Đọc kinh – hoặc Hát – hoặc Cầu nguyện

3.    Ôn hoặc kiểm tra bài cũ

3.1. Những ai được cữ hành phụng vụ của Hội Thánh?

3.2. Năm Phụng vụ được tổ chức thế nào?

3.3. Những việc nào là việc Phụng vụ?

3.4. Ta phải tham dự Phụng vụ thế nào ?

4.    Giới thiệu bài mới.

Sự kiện minh họa: Lễ tắm Phật

Tương truyền khi Phật sinh ra, có chín vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Ngài. Cùng với nước là hương hoa do các vị trời cho rơi xuống làm thanh tịnh thân Phật. Về sau Ấn Ðộ, các Tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình.

Mỗi khi tắm Phật như vậy, các tín đồ cho rằng thân Phật cũng ví như là thâm tâm của mình vậy. Ba muỗng nước rưới lên thân Phật như nước tẩy, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra. Tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm, kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có xưa nay. (Tham khảo: www.dharmasite.net).

NỘI DUNG.

4.1.Dẫn nhập

Có một cụ già mới được Rửa tội. Một hôm trước thánh lễ báo hiếu cha xứ mời một ông cụ lên cung thánh ngài hỏi: thưa cụ, cụ được hỏi bao nhiêu tuổi, cụ trả lời: Năm nay con được hai tuổi! Mọi người tròn mắt ngạc nhiên, tưởng cụ nói đùa, các em nhỏ thì cườì như nắc nẻ. Cụ giải thích: Con mới được hai tuổi bởi vì con mới được rửa tội cách đây hai năm.

Thật ra cụ già trả lời rất đúng. Ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa tội là ngày ta được sinh ra để tiếp nhận sự sống mới, sự sống của Đức Kitô Phục Sinh.

Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

4.2.  Công bố Lời Chúa (Ga 3,5)

      Trích  Phúc Âm theo thánh Gioan.

      Khi ấy Chúa Giê-su phán rằng: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần" (Ga 3,5). Đó là Lời Chúa. Lạy Chúa Ki-tô ngợi khen Chúa.

 

II. Dẫn giải nội dung Giáo lý.

Tìm hiểu bài học : trong bài học hôm nay, chúng ta học về các Bí Tích Rửa Tội là Bí Tích nhập đạo, là cánh cửa đem ta vào đạo Chúa, các  câu thuộc lòng trình bày trong bài 29 hôm nay chúng ta học, đã kể rõ ràng, ta chỉ cần lưu ý một số điểm sau đây.

1. Bí Tích Rửa Tội là gì ?

Bí Tích Rửa Tội ngày nay còn gọi là Bí Tích Thánh Tẩy là Bí Tích Chúa Giê-su đã lập để sinh ta lại làm con Thiên Chúa và con Giáo Hội. Trước lúc về trời, Chúa Giê-su đã truyền lại cho các Tông Đồ: “mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho ta, vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết mọi điều ta đã truyền cho các ngươi” (Mt 28, 19-20)

2. Bí Tích Rửa Tội sinh ta lại làm con Thiên Chúa và con Giáo Hội như thế nào ?

Vì Bí Tích Rửa Tội:

-Xóa sạch tội nguyên tổ và xóa sạch tội riêng mình ( nếu có)

-Tha hết mọi hình phạt đời sau do tội gây ra.

-Ban ơn thánh hóa với các nhân đức siêu nhiên.

-Làm cho ta được sát nhập vào Chúa Ki-tô là Đấng tư tế thượng phẩm. Ta được thông chia quyền tư tế của Ngài, gọi là tư tế hoàng gia hay tư tế cộng đồng. Nhờ đó ta được quyền tư tế cộng đồng hợp với cộng đồng dân Chúa để tế lễ Chúa và được quyền nhận các Bí Tích khác

3. Những ai được ban Bí Tích Rửa Tội ?

Lúc bình thường thì linh mục hay thầy phó tế được ban Bí Tích Rửa Tội, nhưng khi cần kíp thì mọi người đều có quyền và có bổn phận rừa tội dù là người ngoài Công Giáo cũng có quyền ấy, miễn là làm theo ý Hội Thánh và làm đúng nghi thức cần thiết của Bí Tích Rửa Tội

4. Ý Hội Thánh và nghi thức cần thiết của Bí Tích Rửa Tội là gì ?

– Ý Hội Thánh là người chịu phép Rửa Tội vào trong Hội Thánh để nên chi thể của Chúa Ki-tô

– Nghi thức cần thiết của phép Rửa Tội là dùng nước tự nhiên đổ trên đầu hay trên trán và cùng một lúc đọc lời Chúa dạy : “Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

5. Ngoài nghi thức cốt yếu trên còn có nghi thức phụ thuộc nào nữa ?

Còn một số nghi thức phụ thuộc do linh mục hay phó tế cử hành, như

– Trừ tà và xức dầu dự tòng

– Làm phép nước rửa tội

– Hứa từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin

– Xức dầu thánh trên đỉnh đầu

– Mặc áo trắng hoặc trùm khăn trắng và trao nến trắng.

6. Người lãnh Bí Tích Rửa Tội thề hứa những gì ?

Thề hứa tử bỏ ma quỷ, xa lánh tội lỗi và sẵn sàng tin theo Chúa Ki-tô và giữ luật Chúa trong đời sống hàng ngày.

7. Khi Rửa Tội có cần người đỡ đầu không?

Thường phải có người đỡ đầu sống xứng đáng là người Công Giáo.

8. Nên cử hành Bí Tích Rửa Tội vào ngày nào ?

Bình thường nên cử hành vào đêm Vọng Phục Sinh hoặc các ngày Chúa Nhật để làm sáng tỏ mối liên quan mật thiết giữa Bí Tích Rửa Tội và mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Ki-tô

9. Những người không chịu Bí Tích Rửa Tội có thể được cứu rỗi không?

Có thê được cứu rỗi nhờ lòng nhân từ của Chúa, vì Chúa muốn cho mỗi người được rỗi, đó là những người sau đây.

– Là những người ước ao lãnh Bí Tích Rửa Tội mà không thể lãnh

– Là những người chịu chết vì đạo trước khi chưa được Rửa Tội

– Là những người chưa biết Phúc Âm và Kinh Thánh nhưng vẫn theo lương tâm ăn ở ngay lành thánh thiện.

10. Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng cám ơn Chúa vì chúng con đã được Rửa tội, được thanh tẩy mọi tội và làm con Chúa. Tất cả là nhờ vào công nghiệp giá máu của Chúa đổ ra trên thập giá để ban cho chúng con được sự sống mới của Chúa .

Chúng con còn sẽ được sống lại với Chúa: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, thì cũng được chỗi dậy với Người” (Cl 2,12). Chúng con biết mình thuộc về Chúa Kitô, được trở nên con Chúa và là anh chị em của nhau trong gia đình Hội Thánh.

Xin cho chúng con luôn biết giữ lấy tấm áo trắng tinh tuyền và ngọn nến sáng đã được trao ban khi lãnh nhận Bí tích bằng cách sống thánh thiện hơn và hăng say hơn trong việc sống chứng nhân Tin mừng cho Chúa để mai sau chúng con được vào sống trong Nước vĩnh cửu của Thiên Chúa. Amen.

III. SINH HOẠT:

1. Băng reo: CÁM ƠN

– NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng lời (2 tay trên miệng)

– NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng lòng (2 tay trên ngực)

– NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng tay (vỗ tay 3 cái).

2.Mấy vần thơ giúp nhớ

Đây là Phép Rửa ban ơn

Làm con Hội Thánh nên con Chúa Trời

Đây là Phép Rửa cứu đời

Xóa tan Nguyên Tội in vào dấu thiêng

Ban ơn Thánh hóa cách riêng

Ta thành chi thể diệu huyền Chúa ta

Phép này cũng thứ cũng tha

Những gì đã phạm riêng ta trước rồi

Chúa xưa phán dạy làm sao

Tái sinh bởi nước mới vào nhà Cha

Nước đây nguyên chất không pha

Nước sông nước giếng nước mưa trong vèo

Bất kỳ ai lúc hiểm nghèo

Có quyền rửa tội miễn theo lối thường

Lúc bình, thời kẻ đảm đương

Người nào xứng đáng lập trường hẳn hoi

Đầu hay trán chính là nơi

Đang khi đổ nước đọc lời cho thông

Đỡ đầu không có không xong

Chọn người đạo đức đáng ông đáng bà

Ghi biên sổ sách xứ nhà

Mai sau công việc điều tra dễ dàng.

 

3.  PHẦN THUỘC LÒNG

204. H. Bí tích Rửa Tội là gì?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để tái sinh ta trong đời sống mới bởi nước và Chúa Thánh Thần.

205.H. Bí tích Rửa tội ban cho ta những ơn nào?

T. Bí tích Rửa tội ban cho ta những ơn này:

-Một là rửa ta sạch tội nguyên tổ và các tội ta phạm, tha mọi hình phạt do tội gây ra,

-Hai là làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần,

-Ba là sát nhập ta vào Hội Thánh, và cho ta tham dự chức tư tế của Chúa Kitô,

-Bốn là ghi vào linh hồn ta dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được.

206. H. Bí tích Rửa tội có cần thiết không?

T. Bí tích Rửa tội rất cần thiết, vì Chúa Giêsu đã nói: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần" (Ga 3,5).

207. H. Những người không lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể được cứu độ không?

T. Những người không lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể được cứu độ trong ba trường hợp này:

-Một là chịu chết vì đức tin,

-Hai là có lòng ước ao nhưng chưa có điều kiện lãnh nhận Bí tích Rửa tội,

-Ba là chưa được biết Tin Mừng và Hội Thánh nhưng đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay lành.

208. H. Những ai được quyền cử hành Bí tích Rửa Tội?

T. Thông thường là Giám mục, Linh mục và Phó tế; nhưng khi khẩn cấp thì bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh.

209. H. Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là nghi thức nào?

T. Là dìm ứng viên vào nước hoặc đổ nước trên đầu người đó; đồng thời đọc lời này: "(Tên thánh), tôi rửa (ÔBACE) nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

210.H. Ngoài nghi thức chính yếu, còn có những nghi thức nào khác nữa không?

T. Còn có những nghi thức này là: xức dầu thánh, trao y phục trắng và nến sáng.

211. H. Những ai được lãnh nhận Bí tích Rửa tội?

T. Tất cả những người chưa được rửa tội đều có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội vì đây là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người.

212. H. Người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì phải làm gì?

T. Phải có lòng tin và ước ao, phải học biết giáo lý và tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập Kitô-giáo.

213.H. Có cần rửa tội cho các trẻ sơ sinh không?

T. Từ xa xưa, Hội Thánh đã rửa tội cho các trẻ sơ sinh, vì đầy là một ơn huệ Chúa ban và các em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh.

214.H. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, có cần người đỡ đầu không?

T. Cần người đỡ đầu để nêu gương sáng và dẫn dắt kẻ lãnh Bí tích sống xứng danh người công giáo.

4.     CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Đọc kinh Sáng Danh.

Pin It

Gửi phản hồi