Cha Phêrô: Nén hương muộn

Cha Phêrô: Nén hương muộn

GPVO – Vậy là đã tắt, một ngọn lửa trên cánh đồng truyền giáo. Sáng ngày 19/2/2012, khoảng thinh không trên vòm xà cừ mặt tiền Nhà Hưu dưỡng Toà Giám mục Xã Đoài dường như có chút chi đó rung rinh khi những hồi chuông loan tin linh mục Phêrô Nguyễn Viết Cường đã về hưởng nhan thánh Chúa lúc 6 giờ 20 phút sáng.

Linh mục F.X Lê Viết Hùng ra đi hăm ba thì hăm tám tháng giêng âm đùng cái, cũng thế hệ chủng sinh bị tù đày, cha Phêrô Nguyễn Viết Cường về cõi.

Kể cũng lạ, mới lử lả vài cơn nóng lạnh đầu Nhâm Thìn mà linh mục đoàn Vinh đã quạnh hẳn đi hai gò đống! Lứa khai sơn phá thạch của giáo phận một thời bão lửa giờ đã vơi cạn quá nhiều.

Ngày ấy đã xa, tôi được nhập vào một nhóm sinh viên Công giáo Vinh về Vạn Phần mừng lễ Quan Thầy. Chả phải lần đầu nhưng đận ấy có lẽ là lần được ngồi lâu nhất với cha cố Phêrô. Ban đầu thì kính nhi viễn chi nhưng rồi xuyên suốt chuyến đi là những xôm tụ cùng là những tở mở thân tình.

Cha cố Phêrô bên các bạn sinh viên, chiều 15/5/2010


Chuyện gần, chuyện xa… Tôi thấy cha Cường hao hao một đạo sỹ. Mái tóc chải ngược như tôn thêm khuôn mặt phúc hậu. Con người ấy có cặp mắt sắc ẩn sâu dưới cặp mày chả đậm mà cũng chả nhạt… Đạo sỹ ấy dường như sinh ra để ngao du, để ngẫm, để đong đếm sự đời.

Hầu chuyện cha, những khoảng u u minh minh như sáng thêm, mới vỡ lẽ ra một điều, rằng con người có cái dáng vóc nhỏ thó này chẳng phải hạng thường. Đạo sỹ ấy là cả một nguồn ngạc nhiên tiềm tàng! Những biến cải này khác của đất nước, đời sống riêng hoàn cảnh riêng với những tất tả gian nan mà cha, lúc ấp iu lúc nồng đượm vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tâm mục tử, vẫn sắc sảo uyên bác đến ngỡ ngàng.

Tưởng cũng nên nhắc lại một biến cố xảy ra khá lâu mà có lẽ chỉ với một cái gật nhẹ, tôi đồ rằng cuộc đời, tên tuổi Nguyễn Viết Cường có thể đã khác đi rất nhiều. Ở độ tuổi ngoài lục tuần, cha Cường được cố Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp chọn là linh mục đầu tiên của giáo phận Vinh du học nước ngoài. Tôi không rành lắm những khúc nhôi làm nên những nắc nỏm này khác của thiên hạ về con người tài hoa này, nhưng lại tin rằng, cái sự từ khước năm ấy của ngài hẳn phải có duyên do gì đó từ cái tính dung dị lẫn khiêm tốn cố hữu.

Đận ấy nhiều người đã từng gục gặc cũng như xuýt xoa, bởi cha Cường là một pho từ điển quý, rành rẽ tinh thông thời cuộc như thế nhưng vẫn khiêm, vẫn nhường đất, nhường chỗ để đường đời của ai đó được thêm phần hanh thông? Hỡi ôi, cái tình, cái cung cách ứng xử tiết tháo thanh cao ấy bao giờ cũng khiến đám hậu bối như tôi cứ là giật mình thon thót!

Sau những được mất, cha vẫn cố hữu cái mạch cười hào sảng rằng phải biết ơn hoàn cảnh đã đưa đẩy mình lạc vào những chốn đoạn trường như thế để mà biết, mà nghiền ngẫm suy tư, mà dành dụm, nâng niu thứ của nả thiêng liêng cho cuộc sống sau này.

Lại bất giác nghĩ, hoàn cảnh xô đẩy thế này thế nọ, với ai đó là đường cùng ngõ cụt với những nhiêu khê thê lương nhưng nơi những con người có trái tim kiên định, hung thành cát dữ thành lành, họ ứng xử với nó như một thứ cơ may?

Không có điều kiện ngồi với cha Phêrô lâu hơn để tường tỏ duyên do ngọn nguồn trước những khúc quanh đột ngột cùng những phong thanh này khác?

Trong hồi ức của một số bạn tù ở miền Bắc, có một câu chuyện thường được nhắc đi nhắc lại rằng, trong những năm tháng lao tù biệt xứ, cha Cường là một tù nhân đặc biệt. Cán bộ của trại cải tạo mạn ngược hồi ấy đã mời hẳn cha làm giáo viên dạy Anh văn cho họ, cấp giấy trắng, trà thuốc hẳn hoi. Lúc đầu là kiến thức ngoại ngữ, rồi dần dà là những trưng dẫn Thánh Kinh, bài học giáo lý sinh động trên cái cung cách an nhiên, dung dị lẫn mực thước ấy.

Một lần nữa, chất men Tin mừng lại thấm đẫm, nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt, ở cái nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết tưởng như mỏng manh, nhạt nhoà nhất. Phải là sông là bể những giọt nước mắt đau thương dằng dặc suốt 81 năm dâu bể của phận người, nhưng cũng chẳng hiếm những giọt nước mắt buông lơi bởi niềm hạnh phúc khi hạt giống mang tên Tình yêu Giêsu được rắc gieo để rồi với thời gian, làm nên những vụ mùa của Sự sống.

Từng ngồi đề lao với những Trại Ba (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá), Tuyên Quang, Phong Quang (Lào Cai), Cổng Trời (Hà Giang)… rồi dằng dặc nhiều năm quản chế trong huyết lệ tủi sầu để trả giá cho niềm tin cốt tử, cho lẽ sống dâng hiến, cha Phêrô chưa một lần quỵ ngã trước bạo quyền. Cắt nghĩa cùng giải mã sự kiên cường kỳ diệu đó là cả một việc làm nhiêu khê nếu không tìm về những ngọn nguồn cơn cớ. Dường như ở con người này phảng phất cái hồn cốt, khí phách, bản sắc và tâm hồn Vinh, cái chất Nghệ không lẫn vào đâu được.

Một Viết Cường tài năng, tiết tháo, ngay thẳng, bản lĩnh, quả cảm trong gian khó là thế nhưng cũng rất linh hoạt, tếu táo, mềm dẻo trong việc hoá giải những bi kịch cuộc đời. Sau những biến cố đan dệt bằng nhiều đau thương do quyết định của những nhà chức việc cầm quyền khi đó mang lại, cha Phêrô không mảy may một lời oán thán.

Như là thứ vô thuỷ vô chung, dấm dẳng không đầu không cuối cái công cuộc nhân loại ngồi lại với nhau nhằm xoá bỏ những hận thù, hàn gắn những mất mát, đau thương… Tôi đồ rằng cha Phê rô, bằng trực cảm tâm hồn Giêsu, đã mỉm cười tha thứ, đã bạo dạn hối thúc và thầm lặng dấn thân cho công cuộc muôn đời ấy.

Ngày hay tin cha nằm liệt, tôi đã thấy cuộc tuần du hẹp lối. Cha vẫn tỉnh táo trên căn phòng số 14 tầng 2 của dãy nhà Hưu dưỡng, song theo lẽ đời, mọi thứ kể từ đó như đã được định đoán và sẵn sàng chờ khép lại.

Mới hôm trước, đương bụng bảo một cuối tuần nào đó sẽ ghé thăm ngài, nhân thể khai thác thêm một vài chất liệu từ pho từ điển sống ấy. Vậy mà chưa kịp ghé thì cái bóng ông cụ với tóc cước bồng bềnh, thảng hoặc ra đứng ban công dõi cái nhìn về phía xa xa cùng nụ cười cố hữu trong buổi nắng chiều hôm nào giờ đã lặng bước phía bên kia trời.

Bữa di quan linh cữu cha Phêrô ra nhà thờ chính toà Xã Đoài, đội kèn đồng với những oboe, clarinet sáng loáng, sắc phục trắng toát của gần 60 tay kèn (thuộc hai giáo xứ Vạn Phần và Quy Chính) thi thoảng cử những bản nhạc với tiết tấu chẳng có gì bi ai cả. Thấy tôi chăm chú với những giai điệu mang hơi hướng hành khúc, như dè được ý, một ông bạn vong niên đập lên vai giọng hỉ hả thế này mới ra cái chất Nguyễn Viết Cường. Có thể lắm!

Chợt nhớ những dòng thơ của Phạm Thiên Thư “Chim kia chết dưới cội đa/ Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà/ Mai ta chết dưới cội đào/ Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu” (Động hoa vàng). Sống sao thác vậy. Hẳn nơi cao xanh kia, cha cố Phêrô cũng ngậm cười rằng âm thanh chủ đạo trong đám tang mình phải nồng ấm hơi hướng của sự hằng sống, của niềm lạc quan thanh thản khác với những nỉ non rên rỉ…

Bước qua ngưỡng bát thập, khúc ngoặt của sự tháo lui về với chốn điền viên chưa nhiều, cha Phêrô lại vội vã khúc dạo đầu cho một chuyến đi khác, sau bao mùa ấm lạnh của cõi người.

11h30 ngày 21/02/2012, cha Phêrô đã vĩnh viễn yên nghỉ tại nghĩa trang Toà Giám mục Xã Đoài, kết thúc một hành trình rong ruổi, có cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

Khói hương ngày đưa tiễn bùng lên bảng lảng.

Ấy là đã bắt đầu một cuộc tuần du mới vào thế giới vĩnh cửu của một con người suốt cả đời trung trinh với lẽ sống phụng sự. Nhẹ như mây trắng về trời…

Tác giả bên mộ phần cha cố Phêrô. Ảnh: Quốc Khánh.


Viếng tuần bảy cha Phêrô Nguyễn Viết Cường

Trần Dũng

Nguồn: Gp Vinh

(1144)

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

One thought on “Cha Phêrô: Nén hương muộn

  1. Pingback: Ngày giỗ đại tường: Linh mục Phêrô Nguyễn Viết Cường | Giáo Xứ Tân Lộc

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: