Tình trạng quan liêu của Giáo Hội có thể làm người ta xa cách Thiên Chúa

Tình trạng quan liêu của Giáo Hội

có thể làm người ta xa cách Thiên Chúa

Trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 8 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài trên bài trích sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại chuyện ông Philípphê rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho một viên thái giám.

Đức Thánh Cha giải thích rằng bất cứ Kitô hữu nào muốn rao giảng Tin Mừng nên vâng phục ý chí và ân sủng của Thiên Chúa, cũng như mở cửa cho đối thoại.

Đức Giáo Hoàng lấy làm tiếc rằng đôi khi bộ máy quan liêu trong Giáo Hội là một trở ngại cho những người muốn được gần gũi hơn với ân sủng của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

"Ông Philípphê vâng phục, ông ngoan ngoãn và chấp nhận lời mời gọi của Chúa. Chắc chắn ông phải bỏ ngang nhiều thứ đang thực hiện dở dang, bởi vì các Tông Đồ trong khoảng thời gian đó đang rao giảng Tin Mừng rất bận rộn. Ông bỏ lại tất cả mọi thứ và lên đường. Và điều này làm cho chúng ta thấy rằng nếu không có sự vâng phục hay hiền lành trước tiếng nói của Thiên Chúa không ai có thể rao giảng Tin Mừng, không ai có thể loan báo Chúa Giêsu Kitô: cùng lắm là loan báo về chính mình. Chính là Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, chính là Thiên Chúa Đấng đã kêu gọi Philípphê trên con đường đó. Và Philípphê đã ra đi. Philípphê ngoan ngoãn vâng lời."

"Anh chị em không thể rao giảng Tin Mừng mà không đối thoại. Đó là điều không thể. Bởi vì chúng ta phải bắt đầu với xuất xứ của người được phúc âm hóa. Điều này là rất quan trọng.

Nhưng thưa cha, chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian vì mỗi người đều có những câu chuyện riêng của mình, và những ý tưởng riêng của mình. Và mất thời gian lắm!

Thiên Chúa còn mất thời gian nhiều hơn khi tạo ra thế giới và Ngài đã làm rất tốt. Hãy dành thời gian với những người mà Chúa muốn anh chị em rao giảng Tin Mừng, điều quan trọng là loan báo cho họ nhiều hơn về Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, phải tùy theo họ là ai, tình trạng của họ hiện nay là gì,

chứ không phải là dựa trên những công thức là việc ấy phải làm như thế nào.

 

 

 

Tránh xa những cám dỗ phù hoa

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tín hữu theo đuổi đường lối Chúa, tránh xa những điều phù phiếm. Ngài giải thích rằng Kitô hữu phải luôn luôn tránh xa phù hoa, quyền lực và tham lam. Như thế, họ sẽ tránh được việc lợi dụng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

"Đôi khi chúng ta làm một vài việc để làm mình nổi bật, để dưỡng nuôi những ước vọng phù phiếm của chúng ta. Nhưng điều đó là nguy hiểm. Nó ngay lập tức xô đẩy chúng ta rơi vào niềm tự hào, thói kiêu ngạo, và cuối cùng tất cả dừng lại ở đó. Chúng ta phải tự hỏi mình. Làm sao tôi có thể theo Chúa Giêsu? Tôi làm những việc lành phúc đức một cách kín đáo, hay tôi chỉ muốn được nổi bật giữa đám đông?”

Đức Giáo Hoàng cũng nói về ‘chủ nghĩa lợi thế nghề nghiệp’ theo đó người ta sử dụng Giáo Hội như một phương tiện để cải thiện sự nghiệp của họ. Ngài cầu nguyện để tất cả các Kitô hữu có thể làm mọi việc theo ý ngay lành.

"Một số người theo Chúa Giêsu để tìm kiếm quyền lực. Có lẽ họ không ý thức đầy đủ như thế. Một ví dụ rõ ràng của việc này được tìm thấy nơi hai tông đồ Gioan và Giacôbê, là hai người con trai của ông Zebêđê là những người xin Chúa Giêsu cho ngồi ở những chỗ danh dự, một bên phải và một bên trái Ngài trong Nước Ngài.

Và trong Giáo Hội có những người leo trèo, những người được thúc đẩy bởi tham vọng. Có rất nhiều người như thế.

Nếu anh chị em thích leo trèo cứ đến với núi non mà trèo, sẽ khỏe mạnh ra! Đừng đến với Giáo Hội để leo trèo! Chúa Giêsu đã mắng những người có thái độ đầy tham vọng này trong Giáo Hội " .

"Có những người theo Chúa Giêsu vì tiền, cố gắng tận dụng lợi thế kinh tế của các giáo xứ, giáo phận, của cộng đồng Kitô hữu của họ, của bệnh viện, hoặc các trường đại học … Chúng ta hãy nghĩ đến cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã bị lũng đoạn bởi ý định này: những Simon, Ananias và Sapphira … Đây là một sự cám dỗ xuất phát ngay từ buổi đầu. Từ lúc đó chúng ta đã nghe nói về rất nhiều người Công Giáo tốt, người Kitô hữu tốt, thân hữu và các nhà hảo tâm của Giáo Hội – nhưng sau đó lộ ra – những người này hành động chỉ vì lợi nhuận cá nhân Họ làm như mình mình là ân nhân của Giáo Hội nhưng thực ra chỉ để làm tiền"

4. Kitô hữu phải là những nhân chứng sống động cho đức tin của họ

Trong thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các Kitô hữu phải luôn luôn là chứng nhân đức tin của họ, ngay cả khi điều đó liên quan đến một dấn thân trọn đời.

Đức Thánh Cha khích lệ các Kitô hữu suy tư về cuộc sống của mình, và nói thêm rằng Chúa Thánh Thần luôn luôn giúp đỡ ta trong lúc truân chuyên.

Ngài nói:

Tử đạo là một từ ngữ xuất phát từ tiếng Hy Lạp, và trong ngôn ngữ này nó cũng có nghĩa là nhân chứng. Và như vậy chúng ta có thể nói rằng đối với một Kitô hữu con đường theo bước chân của Chúa Kitô, là con đường làm chứng cho Ngài, và nhiều lần, chứng tá này kết thúc nơi việc hy sinh tính mạng của mình. Một Kitô hữu không phải là một chứng nhân, là một nghịch lý.

Chúng ta không phải là một ‘tôn giáo’ của những ý tưởng, của duy thần học, của những điều tốt đẹp, và những điều răn.

Không, chúng ta là một dân tộc bước theo Chúa Giêsu Kitôlàm chứng cho Ngài ngay cả và đôi khi chứng tá của chúng ta dẫn đến việc chúng ta đành chịu mất mạng sống mình" .

"Chứng tá, dù là trong cuộc sống hàng ngày, trong gian truân, và ngay cả trong bách hại và cả cái chết, luôn luôn mang lại hoa trái. Giáo Hội sinh hoa kết quả và là một người mẹ khi Giáo Hội làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng khi Giáo Hội đóng kín vào chính mình khi Giáo Hội nghĩ về chính mình như, có thể nói là, 'một trường học về tôn giáo’, với rất nhiều ý tưởng tuyệt vời, với những ngôi đền thờ lộng lẫy, với nhiều viện bảo tàng hoành tráng, với nhiều điều tốt đẹp, nhưng không đưa ra chứng tá, thì Giáo Hội sẽ trở nên cằn cỗi vô sinh.

Điều đó cũng đúng với các Kitô hữu. Những Kitô hữu nào không phải là những chứng nhân cho niềm tin của mình cũng chẳng sinh được hoa trái sự sống nào mà người ấy đã nhận được từ Chúa Giêsu Kitô"

"Hôm nay, chúng ta hãy suy tư về hai hình ảnh này

Trước hết là Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi.

Thứ hai là dân Chúa, là các Kitô hữu, những người phải lánh nạn, bỏ chạy tứ tán vì những cuộc bách hại bạo lực – để rồi chúng ta đặt câu hỏi:

Tôi làm chứng cho Chúa như thế nào đây. Tôi có phải là một Kitô hữu làm chứng cho Chúa Giêsu hay chỉ đơn giản là một con số trong một giáo phái?

Tôi có sinh hoa kết quả vì tôi làm chứng cho Chúa, hay tôi trở nên vô sinhkhông thể để cho Chúa Thánh Thần dẫn tôi về phía trước trong ơn gọi Kitô hữu của mình? "

 

 

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên tu hội đời ở Italia

Sáng ngày 10 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 200 thành viên thuộc Hội đồng các tu hội đời ở Italia. Ngài khuyến khích sự dấn thân làm chứng tá Phúc Âm trong các môi trường của đời sống thường nhật.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Do ơn gọi, anh chị em là những giáo dân và linh mục như những người khác và giữa những người khác. Anh chị em sống cuộc sống bình thường, không có những dấu hiệu bên ngoài, không có sự nâng đỡ của đời sống cộng đoàn, không thi hành việc tông đồ có tổ chức hữu hình hoặc những công việc đặc thù. Anh chị em chỉ dồi dào kinh nghiệm về tình yêu Chúa và nhờ đó anh chị em có khả năng nhận biết và chia sẻ những cơ cực của cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho chúng được dậy men nhờ ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng đề cao ơn gọi và sứ mạng của các thành viên các tu hội đời, cứu vớt thế giới từ bên trong. Trong ý hướng đó ngài khuyến khích họ quan tâm tới con người và những khát vọng sâu xa nhất của họ, gần gũi với con người, những vết thương, những khắc khoảinhu cầu của họ như người Samaritano đi gần qua, thấy và động lòng thương.

Đức Thánh Cha nói: “Năng động mà ơn gọi của anh chị em đòi hỏi cũng là đến gần mỗi người và trở nên tha nhân của mỗi người mà anh chị em gặp; vì việc sống giữa đời của anh chị em không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại hướng thần, kêu gọi anh chị em trở thành người ý thức, quan tâm, biết ý thức, nhậnthấy và động chạm đến thân mình của người anh em..Nếu điều ấy không xảy ra, thì anh chị em cần cấp thiết hoán cải!”

 

Chúng ta cần phải canh tân Giáo Hội của chúng ta

Cách tốt nhất để Giáo Hội truyền giáo là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vấn đề này trong buổi tiếp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo hôm 9 tháng Năm nhân Đại hội thường niên của Hội đang nhóm tại Rôma.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng của Thánh Bộ Truyền giáo đã nói về nhiệm vụ của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo và một chút lịch sử của hội này.

Ngài nói:

“Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã xuất phát từ trái tim của một người phụ nữ giáo dân Pháp, là vị tôi tớ đáng kính Pauline Jaricot Marie, ở Lyon vào năm 1817. Cô là một công nhân trẻ, muốn tham gia vào công việc truyền giáo của Giáo Hội với công việc hàng ngày của mình."

Các hội truyền giáo hoạt động ở những nơi mà Giáo Hội Công Giáo còn non trẻ, số giáo dân không nhiều, còn nghèo hoặc không ổn định. 

Đức Thánh Cha giải thích rằng một Giáo Hội được canh tân là điều cần thiết để rao giảng Tin Mừng.

Ngài nói:

"Trong thời gian đang có những thay đổi xã hội lớn lao này, việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi một Giáo Hội truyền giáo triệt để, có khả năng phân định để đối thoại với các nền văn hóa khác nhau và những tầm nhìn khác nhau của mọi người. Đối với một thế giới thay đổi chúng ta cần một Giáo Hội canh tân và biến đổi qua sự chiêm niệm và những liên hệ cá vị với Chúa Kitô".

Đức Thánh Cha giải thích rằng Giáo Hội tự bản chất là một Giáo Hội truyền giáo, một ngôi nhà cho người nghèo, cho những ai bị loại trừ và bị bách hại. Ngài mô tả Giáo Hội như là một căn nhà cung cấp nơi trú ẩn cho tất cả mọi người .

Bên cạnh những lời cám ơn các nhà truyền giáo đã truyền bá Phúc Âm, ngài cũng yêu cầu họ nâng cao nhận thức, ở cấp địa phương, về những công việc truyền giáo mà Giáo Hội cần phải tiến hành.

 

Chuyện tôn thờ Satan

Trong các lễ trọng như Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, Phụng Vụ mời gọi cộng đoàn dân Chúa từ bỏ Satan và những quyến rũ của Satan.

Nhiều người trong chúng ta có lẽ nghĩ rằng đó chỉ là một công thức mang nặng tính hình thức. Không phải như vậy đâu thưa quý vị và anh chị em. Trong thế giới ngày nay có nhiều người vẫn thờ lạy Satan không phải theo nghĩa bóng mà thôi nhưng là theo nghĩa đen của từ này, không phải chỉ nơi những người bình dân ít học, việc thờ lạy Satan lôi cuốn được cả những người được coi là có ăn có học.

Tháng 2 nă m ngoái, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc cho biết trong vài tháng qua, hơn 3.000 người trẻ tại bang Nagaland ở Đông Bắc Ấn Độ đang bị quyến rũ bởi một nhóm tôn thờ Satan và làn sóng sùng bái Satan đang “lan như cháy rừng”. 

Điều đau lòng là Nagaland được xem là trọng điểm của Kitô giáo. 95% dân số trong vùng là các Kitô hữu.

Mới đây nhất, Hôm thứ Hai 12 tháng 5, một nhóm sinh viên thuộc Đại học Harvard đã tổ chức một "lễ đen" (black mass) để thờ phượng Satan, và Tổng Giáo Phận Boston đã phải đưa ra một tuyên bố bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc và phản đối mạnh mẽ" nghi lễ này.

Đầu tiên nhóm thờ lạy Satan này còn định ăn cắp Mình Thánh Chúa của một nhà thờ Công Giáo để mang đến đây phạm thánh. Nhưng trước những phản đối quyết liệt của tổng giáo phận Boston họ có lẽ đã từ bỏ ý định này.

Nhân câu chuyện này Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một báo cáo của Hiệp Hội Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về hiện tượng các giáo phái tôn thờ Satan đang lan tràn trên thế giới. 

Báo cáo ước đoán hiện nay chỉ riêng tại Italia có 1,5 triệu người, đa số là giới trẻ, là thành viên của hàng ngàn các giáo phái bao gồm cả các giáo phái tôn thờ Satan, các giáo phái tâm lý, các tôn giáo giả, và các phong trào gọi là “hòa bình và kiếm tìm nội tâm”, các phong trào “tinh tú”, các phong trào huyền bí, và các con đường ảo giác khác nhau.

Tình hình các giáo phái lan tràn một cách nghiêm trọng tại Italia đến độ vào tháng 11 năm 2006 phân bộ an ninh của chính quyền đã cho thành lập lực lượng cảnh sát chống giáo phái. Các người bị lọt vào mạng lưới của các giáo phái đã phải sống các kinh nghiệm không thể tưởng tượng nổi: họ trở thành những người trống rỗng không hồn, điên loạn, thực hành những điều ghê tởm không thể tả được, cho tới chỗ tự tử hay bị giết, hay tới cái chết lạ lùng không thể giải thích được.

Vẫn theo tin tức của phân bộ an ninh của chính quyền Italia và lực lượng chống các giáo phái, các giáo phái kể trên dưỡng nuôi một nền văn hóa thù hận và chết chóc. Chúng lợi dụng sự giòn mỏn yếu đuối, hay lạc lõng cô đơn, hoặc sự ngu dốt của các nạn nhân, đặc biệt của người trẻ, để lôi kéo họ vào bẫy của chúng và gia nhập giáo phái.

Pino, 23 tuổi, kể lại kinh nghiệm của mình với giáo phái như sau. Tôi bị bị bệnh, sống cô đơn, cảm thấy mình vô ích thừa thãithù ghét toàn thế giới.

Một người trẻ gặp tôi làm quen rồi trở thành bạn, và nói rằng anh ta biết một người có thị kiến có thể giúp tôi ra khỏi tình trạng này, nhưng trước hết phải sinh hoạt với một nhóm.

Người lãnh đạo nhóm này là một “tư tế của Satan”, vô lương tâm, rất phô trương và nghiện đủ mọi thứ ma túy, nhưng lại lôi cuốn các người trẻ vị thành niên, các người tôn thờ Satan và các sức mạnh đen tối.

Trong một vài cuộc cử hành lễ nghi của giáo phái ông ta cầm một cây gậy bên trên có một sọ người thật.

Lần đầu tiên Pino tham dự lễ nghi với sự hiện diện của khoảng 30 người trẻ từ 14 đến 20 tuổi. Họ uống rượupha chất ma túy, hành lạc dâm dậtmất trí, học “kinh thánh của Satan”, giữa các biểu hiệu của Satan, có vòng lửa ở giữa.

Trưởng giáo phái có một nhóm thành viên chuyên ăn trộm, kể cả việc ăn trộm các nhà thờ. Các nơi mà giáo phái hay thăm viếng nhất là các nghĩa trang. Họ mở các mộ người chết và ăn trộm những gì tìm được, rồi khấn cầu người chết.

 

Buổi thờ phượng Satan tại Đại Học Harvard bị huỷ bỏ

Vào giờ chót nhóm Satan Temple (Đền thờ Satan) và Câu lạc bộ nghiên cứu văn hóa của Đại Học Harvard Mở Rộng đã huỷ bỏ buổi thờ phượng Satan dự định tổ chức vào lúc 8h30 tối thứ Hai 12 tháng 05. Những kẻ tổ chức nêu lý do là không thể bảo đảm an ninh cho những người tham dự.

Trước đó vào buổi sáng ngày thứ Hai, Hiệu Trưởng Đại Học Harvard là bà Drew Faust đưa ra một thông cáo lên án biến cố này là “đáng ghê tởm”.

Tuy nhiên bà không ngăn chặn “lễ đen” thờ phượng Satan của nhóm Satan Temple nại lý do là tôn trọng quyền phát biểu của sinh viên.

Bà Drew Faust cho biết là sẽ đi dự buổi chầu Thánh Thể do các sinh viên Công Giáo tổ chức trong một nguyện đường kế bên vào cùng một thời điểm.

“Lễ đen” được nhóm Satan Temple tổ chức với dụng ý là chống báng đức tin Công Giáo. Theo dự kiến ban đầu nhóm này cho biết sẽ ăn cắp Mình Thánh Chúa của một nhà thờ Công Giáo để dùng trong “lễ đen”. Đây là một hành vi phạm thánh trầm trọng.

Lễ đen” thờ kính Satan đầu tiên xảy ra vào năm 1707 dưới thời vua Louis 14. Vị vua nước Pháp này vì thương nhớ một người phi tần được vua sủng ái là Françoise-Athénaïs đã tổ chức “lễ đen” để gọi hồn người phi tần. Một hài nhi đã bị giết chết trong “lễ đen” này.

“Lễ đen” được xem là một hình thức xúc xiểm công khai đức tin Công Giáo vì trong “lễ đen” người ta cử hành những nghi lễ giống như Phụng Vụ Công Giáo truyền thống nhưng thay vì kêu cầu và thờ phượng Chúa thì thờ lạy Satan và xúc phạm đến Mình Thánh Chúa đã được truyền phép, ăn cắp từ một nhà thờ Công Giáo.

Trước biến cố này, tổng giáo phận Boston đã ra thông cáo nói rõ:

“Vì lợi ích của các tín hữu Công Giáo và tất cả mọi người, Giáo Hội đưa ra những giáo huấn rõ ràng liên quan đến việc tôn thờ Satan. Hành động này tách con người khỏi Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại, nó trái với lòng bác ái và điều thiện, và nó đặt những người tham gia vào nguy cơ gần gũi cách nguy hiểm với hoạt động phá hoại của ma quỷ.

Trong một tuyên bố gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về những nguy hiểm xuất phát từ sự ngây thơ hoặc đánh giá thấp sức mạnh của Satan, mà cái ác do nó gây ra quá thường khi hiện diện như một bi kịch giữa chúng ta. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu và những người thiện chí cùng chúng tôi cầu nguyện cho những người đang tham gia vào sự kiện này, để họ có thể đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của các hành động của họ, và yêu cầu Đại Học Harvard tách mình ra khỏi các hoạt động này.”

(189)

Related Posts

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: