Ca Từ Mạt: Bài thơ Công Giáo Đặc Sắc

BÀI THƠ: TỨ MẠT CA. PHẦN II

ĐI TÌM LAI LỊCH BÀI CA TỨ MẠT,

MỘT ẮNG THƠ CÔNG GIÁO ĐẶC SẮC

> Xem phần 1>

Bài đăng Nguyệt san CG&DT

 số 107, Tháng 11 năm 2003

Xin được giới thiệu với bạn đọc báo Công Giáo và Dân tộc và với toàn thể Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, một áng thơ Công Giáo mà chúng tôi thấy có mặt tại Giáo phận Vinh chúng tôi đã  thấy từ rất lâu. Đó là TỨ MẠT CA hay BÀI CA TỨ MẠT. Nguyện vọng của chúng tôi là:

  1. Đem trình làng cho biết: Ai là tác giả của áng thơ này.
  2. Giới thiệu nó như một tác phẩm gọi được là cổ, nhưng cũng không thiếu chất hiện đại, mà về văn chương, – theo thiển ý, – mọi người nên biết, vì phải nói đây là một trong những áng thơ tuyệt bút; còn về mặt tôn giáo, phải kể là nó rất có ích cho việc phổ biến những chân lí vĩnh hằng của Giáo lí Công Giáo, những chân lí được coi là không thể không năng được suy niệm, nếu muốn sống đúng lí tưởng Tin Mừng, nhằm góp phần thăng hoa đời sống người Kitô hữu, ngay cả- và nhất là- trong giai đoạn và nếp sống, về mặt đạo đức, đang băng hoại nhanh chóng trước sự lo âu trăn trở của mọi người có tâm huyết tiền đồ của nhân loại, của Đất Nước và của Giáo Hội;
  3. Cũng như với nhiều áng thơ Công Giáo khác, với TỨ MẠT CA này, chúng ta có thêm bằng chứng cụ thể và hùng hồn để tự hào về những gì mag lịc sử Tin Mừng hóa trên đất nước chúng ta đã góp vào kho tàng văn hóa của dân tộc.

VẤN ĐỀ TÁC GIẢ

     Một sự thực là TỨ MẠC CA này đã một thời rất được phổ biến rộng rãi và được mến chuộng tại các giáo xứ ở Nghệ  Tĩnh Bình. Tứ Mạt Ca là một áng thơ đẹp quá về mặt văn chương mà cùng ý nghĩa quá về mặt tâm linh. Những năm 30 của thế kỷ hai mươi, áng thơ này được rất nhiều người,- đặc biệt là giới nữ, – ở giáo phận Vinh thuộc lòng và năng  đọc ; đọc chung trong nhà thờ, ngâm nga ở gia đình, mẹ chị ru con ru em với Tứ Mạt Ca, yên ủi kẻ liệt với Tứ Mạt Ca, xay lúa giã gạo với Tứ Mạt Ca, tay cày tay cấy với Tứ Mạt Ca… Nội dung  giáo lí của nó về Bốn Sự Sau nhờ đó thấm dễ dàng và thấm sâu vào tâm hồn người tín hữu, sâu đến trở thành một  động lực mãnh liệt làm người ta ăn không ngon ngủ không yên trước những câu hỏi lớn nhất về đời người, sâu đến gây xáo trọn lạnh mạnh, đến những cuộc đổi đời theo hướng thiện hảo.

     Ai là tác giả của áng thơ Ca Tứ Mạt ?

Chúng ta đều biết: Đạo Công Giáo có mặt trên đất nước Việt nam đã hơn 4 thế kỉ. Ngay những hồi đầu, trong số các nhà truyền giáo người nước ngoài và bên cạnh họ, những nhà nho công giáo hoặc nho sĩ người lương theo đạo Công Giáo, các Thầy Giảng người Việt…, nhiều người rất thông Hán Nôm, rất có tài làm thơ ca, hò vè…, họ đã tích cực vận dụng thơ văn với nhiều thể loại làm phương thứcđưa đạo lí Tin mừng vào tâm hồn và cuộc sống nhân dân ta. Lịch sử nhiều giáo phận cũng thấy nói đến hiện tượng văn hóa tích cực này.

     Riêng ở giáo phận Vinh, lịch sử ghi rõ việc các nhà truyền giáo ở đây, cách riêng cha Majorica…đã cổ động và tổ chức thực hiện cách xuất sắc, việc sáng tác thơ, ca, hò, vè, kịch…, và đặt những cung ngắm nguyện, những cung đọc cho mỗi loại sách: Cung nguyện ngắm, cung Ngắm Sự Thương Khó, cung sách Lọn lành, cung Giảng sự Thương Khó, cung Sử ký Hội thánh, linh mục Nguyễn văn Trinh, trong cuốn : Lược Sử Giáo Hội Việt Nam (tài liệu cho giảng viên giáo lí 1990) đã nói về Linh mục Thừa sai Giêrôm Majoroca, hoặt động ở Nghệ An và Thanh Hóa từ 1632, rồi lên thay Linh mục Morelli làm Bề Trên Đàng Ngoài 1649 như thế này: “ Một mình cha Majorica kiêm vùng Nghệ An, Thanh Hóa. Cha là người đầu tiên soạn sách bằng chữ nôm: Loại sách minh giáo, sách thiêng liêng đọc chung trong nhà thờ, hạnh các thánh” (sdd t.74). Chúng tôi hoàn toàn tán đồng việc sưu tầm, phục chế những di sản văn hóa Công Giáo quí giá đó. Nào như vậy không phải là các bậc tiền bối đã thực hiện rất thành công một trong những công việc mà chúng ta thời nay đang phàn nàn chưa biết thực hành như thế nào, đó là hội nhập văn hóa đó sao ? Trong tinh thần đó, chúng tôi mạnh dạn giới thiệu với tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa trên đất nước chúng ta, một trong những áng thơ có một không hai này. Mong được ý kiến đóng góp của tất cả.

     Đây là nội dung và hình thức tập sách trong đó có TỨ MẠT CA, với những gì chúng tôi biết chắc và những gì chúng tôi chưa rõ:

  1. Tập sách có tựa đề là TỨ CHUNG.

Những trang đầu là thế này:

1

TỨ CHUNG

ĐỨC CHA HẬU

coi sóc địa phận Nam ngoài bắc kỳ

đã dọn

TỨ MẠT CA

 

 

 

 

 

HONG KONG

 

 

 

  1. Tứ Chung (từ trang 5 đến trg 129)

Phần văn xuôi của Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu. Nội dung là suy ngẫm về 4 sự sau cùng đời người: Sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục.

  1. Tứ Mạt ca (từ trang 129 đến 141)

Phần văn vần là phần Diễn ca cả phần Tứ Chung ở trên, nhằm giúp giáo hữu dễ thuộc nội dung giáo lí ở phần TỨ CHUNG.

  1. Trang cuối là thế này:

NIHIL OBSTAT

F.MONNIEP

Superior domus Nazareth

26 Novembr 1915

 

 

 

IMPHIMATUR

A.ELOY.EP.TIT.MAGYDENSIS

VICARIUS APOST. TUNNIKI . MEDIRIONALIS

Xã đoài , die 30 augusti 1915

 

 

 

 

IMPHIMATUR

D. POZZONI. EPISC.TIT.TAV.

VICAR. APOST. HONGKONG

Hongkong du 25 novembr 1915

 

Và  đây là những điểm chúng tôi thấy không rõ ràng, mong được bạn đọc nhất là ở các giáo phận bạn, trong nước hay nước ngoài giúp ý kiến:

     Thừa sai VitorBarbier, tên thật là Cố Hòa, nói trong lời tựa rằng: TỨ CHUNG là của “Đức Cha Hậu lối lại cho con cháu người muôn đời”. Và nói tiếp: “ ta mới tìm được một bản thì ta vội vàng in cho con chiên bổn đạo được nhờ.”

Theo một tài liệu mà năm 1995 chúng tôi đọc thấy ở Kho Lưu trữ Hội Truyền Giáo Paris, Rue du Bac… thì một vị thừa sai người Pháp khác đã từng phục vụ tại Vinh, là Nivet-Ninh nói rằng TỨ CHUNG không do Đức Cha Hậu sáng tác, Đức Cha Hậu chỉ dịch một cuốn sách ở Trung Hoa của Cha Ortiz dòng thánh Âutinh thời vua Khang Hy, thư mục Nazaret 1911..( DH 330-3, Correspondance P.Barbier 1906-1936, trang 18). Vấn đề này, không phải là điều chúng tôi chủ ý đặt ra ở đây. Bởi lẽ ý kiến thừa sai Nivet-Ninh cũng còn phải được phân tích phê phán xem có thật khách quan không…

Điều chúng tôi muốn được sáng tỏ là: Ai là tác giả của phần TỨ MẠT CA in kèm TỨ CHUNG, mà Cố Hòa nói là “ Cuối sách này, ta thêm Ca Tứ Mạt cho ai nấy dễ thuộc lòng, hầu được suy ngắm bốn sự cùng sau hết loài người ta cho liên”?

Tại Giáo Phận Vinh trước đây, ai cũng biết Cố Hòa chính là thừa sai Victor Barbier, là tác giả của 2 tập từ điển Pháp – Việt và Từ điển Việt – Pháp, dạng bỏ túi, rất thông dụng vào những năm 1910-1945 ở Giáo phận VINH, cũng như những tập Hồi kí, Nhật kí tự tay Người viết, cho biết nhiều điều lí thú về nội bộ Giáo phận Vinh, quan hệ giữa các Giám Mục đương thời và hàng ngũ thừa sai, việc bỏ phiếu chọn và việc bổ nhiệm các Giám Mục ở VInh thời trước Cách Mạng Tháng Tám…, tất cả hiện lưu giữ tại Kho Lưu trữ Hội Truyền Giáo Paris ( MEP). Nhưng khi V.Hòa nói “ ta thêm Ca Tứ Mạt cho ai nấy dễ thuộc lòng…” thì rõ ràng là V.Hòa “ thêm”, nhưng đây là cho in thêm vào Tứ Chung,  hay chủ ý nói chính V.Hòa thấy tác phẩm của Đức Cha Hậu bằng văn xuôi khó học thuộc, mà nội dung nó là giáo lí bổn sự sau thì cần thuộc lòng để năng đọc và năng suy, nên chính V.Hòa đã sáng tác TỨ MẠT CA và cho in thêm vào Tứ Chung, hoặc TỨ MẠT CA do một người Công Giáo Việt Nam nào khác, chẳng hạn trong tầng lớp Thầy Giảng xưa có nhiều những bậc thông Hán-Nôm, sáng tác, phiên dịch, những tài liệu sách vở hiện còn lưu truyền.

 

AI LÀ TÁC GIẢ CỦA TỨ MẠT CA?

Theo thiển ý chúng tôi,

  • Tác giả TỨ MẠT CA phải là một ai đó ở tại Giáo Phận Vinh hồi đó , tức phải là một thành phần của Giáo Phận VInh, không thể là ai đó ở ngoài Giáo phận Vinh. Bởi lẽ, như trên đã nói: Tứ Mạt Ca được viết là để giúp nhớ và thuộc lòng Tứ Chung của Đức Cha Hậu, Giám Mục Giáo Phận Vinh trước đó. (Đức Cha Hậu mất năm 1877, V.Hòa xuất bản TỨ CHUNG kèm TỨ MẠT CA năm 1915). Hai áng văn thơ gắn liền với nhau trong một lần xuất bản, tuy TỨ CHUNG có trước 1877, còn Tứ Mạt Ca có sau: nó được công bố năm 1915 khi xuất bản Tứ Chung, những nó cũng không thể có trước TỨ CHUNG.
  • Nếu Tứ Mạt Ca cũng là của Đức Cha Hậu, thì V.Barbier – Hòa đã phải nói thể khác, chứ không nói tách biệt hai áng văn như trong lời Tựa.
  • Còn nếu Tứ Mạt Ca là của ai đó ngoài Giáo Phận Vinh, thì dĩ nhiên Cố Hòa cũng đã phải có phép tác giả và ghi rõ trong lời Tựa, vì một người phương Tây hồi đó không thể biết và tuân thủ luật về bản quyền…
  • Tuy nhiên, nguyên việc chính vị Đại Diện Tông Tòa của giáo phận Vinh hồi đó ( 1915) là Giám mục A.ELOY – BẮC ban Imprimatur theo yêu cầu của người định cho xuất bản tập Tứ Chung gồm cả hai phần: phần văn xuôi (Tứ Chung) và phần văn vần ( Tứ Mạt Ca) cũng đã là bằng chứng rất mạnh cho phép quả quyết Tứ Mạt Ca ( phần văn vần) không thể có tác giả là ai ngoài giáo phận Vinh.
  • Vậy chỉ còn phải tìm xem ai là ngời ở Giáo phận Vinh hồi đó đã sáng tác nên bài ca bất hủ này?

Theo thiển ý, có hai giả thiết:

  • Một là chính thừa sai V.Barbier-Hòa là tác giả, mà vì khiêm tốn, đã không nói ra. Ở Giáo Phận Vinh hồi xưa có nhiều vị thừa sai người Pháp rất thông thạo tiếng Việt. Cố V.Hòa đã làm được hai cuốn Từ điển Pháp-Việt và Việt-Pháp, thì cũng có thể rất có khả năng làm thơ lục bát.
  • Hai là một người Việt Nam nào đó ( một Thầy Giảng chăng?) ở Giáo Phận Vinh, đã sáng tác nên TỨ MẠT CA và Victor Barbier – Cố Hòa đã cho in kèm vào TỨ CHUNG, mà không hiểu vì lí do nào đó mà không nói TỨ MẠT CA là của ai. Điều này dễ hiểu, vì có biết bao áng văn thơ Công Giáo xưa vì e mặt này, ngại mặt nọ mà không kí tên tác giả.

Cũng cần ghi nhận một số điểm đặc thù của Bài Ca Tứ Mạt:

  1. Rải rác có một vài chữ được phát âm và viết theo giọng và cách viết của người phía Nam: chẳng hạn: câu 23: Nào ai đã trốn khỏi cầu tử sanh? Câu 27: Nửa chừng lá rụng huê rơi. Không hiểu lí do gì đã khiến có sự lạc điệu như vậy…
  2. Riêng về mặt thần học, phải nhận là Tứ Mạt Ca chứa khá nhiều điều lỗi thời, chẳng hạn những cách mô tả địa ngục, v.v… Nhưng cần nhớ: thần học của Tứ Mạt Ca là thần học trước Vatican II…

Dù sao, tác giả cả TỨ MẠT CA rất đáng được tôn vinh.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong được quí vị và anh chị em Công Giáo cho ý kiến về điểm này. Chẳng hạn: ở các Giáo phận khác trước đây, TỨ MẠT CA có thời nào được biết đến và được phổ biến, được dùng rộng rãi không?

Nếu có, xin tìm xem và cho biết: ai là tác giả.

Cuối cùng, nếu ngoài Nghệ Tĩnh Bình, trước đây không ở đâu biết đến hoặc dùng rộng rãi TỨ MẠT CA, thì điều duy nhất được xác nhận là nó là sản phẩm văn chương của Giáo Phận Vinh.  Và như thế, mọi thành phần của giáo phận Vinh sẽ có thể sung sướng tự hào vì ông cha mình đã có một đóng góp đáng kể vào kho tàng văn học Việt Nam, vì đã sớm biết tài tình vận dụng thơ ca để chuyển tải những giá trị Tin Mừng, đồng thời qua chính phương thức đặc biệt này, đã góp phần đẩy mạnh việc hội nhập văn hóa như một việc làm hoàn toàn có lợi cho công cuộc Tin mừng hóa.

 

III – THỨ NHẬN ĐỊNH

Tứ Mạt Ca mở đầu bằng mấy dòng thơ bình dị, hẳn đã làm bạn đọc bị thu hút ngay từ đầu:

Thong dong ngẫm nghĩ sự đời,

Lấy trong kinh huấn mấy lời mà suy.

Chữ rằng: sinh kí tử qui,

Ở đời là chốn tạm thì mà thôi…

Xưa nay danh lợi mấy người,

Nào ai đã sống ở đời mãi đâu?

Biển đời bãi cát ngàn dâu

Khác nào như bóng bạch câu qua mành

Thấy rồi tưởng lại tủi mình

Lấy câu Tứ Mạt hết tình thở than.

 

Chúng ta nghe như âm vang của những câu mở đầu Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta…

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…

 

Chỉ với 10 câu thơ trong sáng, tuy có điển cố nhưng bình dân ai cũng quen thuộc, người đọc đã cảm thấy ngay mình đang đứng trước một cái gì nghiêm chỉnh, hệ trọng… không thể coi thường: đằng sau cuộc sống là cái chết và đằng sau cái chết là cả một loạt câu hỏi sẽ gây sức ép mạnh mẽ, buộc người có lương tri phải tìm câu trả lời và chấp nhận những thay đổi tận căn cội…

Kế đó, tác giả lần lượt vẽ lên 4 bức tranh mô tả 4 màn diễn sinh động sau cùng của tấn kịch đời người.

Bức tranh một là sự chết (cc.1-114).

Lời Kinh Thánh được vận dụng ngay để tái khẳng định chân lý về sự chết. Lời thơ được viết với những hình tượng rất thường tình, nhưng không hiểu sao lúc này lại làm người ta rung động đến thế! Ôi! Con người được coi là lớn như vậy, mà nhỏ bé đến thế này sao? Ngay sau đó là những đường nét với màu sắc rất “họa” mà cũng rất “thơ”, vẽ lên những giờ khắc cuối cùng của đời người, của mọi hạng người: sang, hèn, thành thị, nông thôn. Tất cả bị sự chết đánh úp. Tài tình là tác giả gợi cho người sống, – lại là những người có quan hệ gần gũi nhất với người chết, – khóc người chết, bằng cách đó, mô tả đậm nét, hiện thực, sinh động tính mong manh của đời người, tính đau thương định mệnh của sự chết. Trong khi đó, người sống khóc cho người chết, cũng là khóc cho mình. Cái đích mà tác giả muốn người đọc, người nghe, – tức là người còn sống mà rồi có lúc phải chết, – đạt tới, đó là:

“ Vậy nên ta phải lo âu” ( cc.109-114)…

Bài học sự chết hiện lên một cách rất tự nhiên, nhưng với sức ép vô cùng mãnh liệt.

Bức tranh hai là cảnh phán xét (cc.115-230).

Tác giả bất ngờ đặt người đọc trước một phiên tòa bất đắc dĩ:

Những mê giấc mộng đêm tràng,

Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu.

Bây giờ mới tỏ âm hao,

Quang mây mới tỏ ngôi sao trên trời…

Và chủ tọa phiên tòa đã hiện diện:

Nhãn tiền ngự đó thật là Ngôi Hai

Chung quanh các thánh dẫy đầy,

Có thánh Quan thầy, có thánh Angiô

Có cờ Câu Rút sáng lòa…

Sách biên tội phúc Chúa liền mở ra.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu:

Bây giờ Chúa mới xét tra:

Rằng khi ở thế đã là làm sao…

Kết quả phiên tòa là tội phúc rõ ràng, thưởng phạt công minh. Cái đặc sắc là tác giả vận dụng lời thơ rất bình dân, trong sáng, mà không hề thô kệch. Như khi tả anh chàng:

Tiếng rằng giữ đạo cha ông,

Cũng có tên thánh nhưng lòng chẳng tin.

Ngày kiêng thịt đánh kìn kìn…

… Điều lành gác để ngoài tai,

Hoa tình tục tĩu là bài học ôn…

Lâu năm bỏ tội không xưng,

Nhà thờ lễ lạy không đi,

Nghe có việc gì xôi thịt thì mau…

Anh chàng khô đạo nào nghe mà không đỏ mặt?

Bản tuyên dương người lành, cũng như bản luận tội kẻ dữ đều rõ ràng, dứt khoát. Mà tài tình nữa là bài học được chỉ ra ngay lúc đó cho người trong cuộc, cả người ngoài cuộc:

Ai ơi! Thật sợ thật kinh,

Xét lại trong mình tội lỗi lắm thay!

Trần gian là chốn khách dày,

Ba thù cám dỗ khi nay thì nhiều.

Mùi ngon sắc đẹp lòng yêu,

Hãm mình chịu khó phần nhiều chẳng ưa.

Cấp tay quì gối nguyện cầu,

Trông ơn Chúa Cả trên đầu đoái thương,

Ban ơn biết cách đo lường,

Ăn năn đời tạm tìm phương hãm mình.

Ghi lòng phán xét công binh,

Kẻo trong ngày ấy trách mình mất công.

Bức tranh 3: ngục hình (cc. 231-304)

Đến đây hai ngả mở ra:

Thiên đàng mở cửa trông mong người lành

Ngục hình rẽ đất mở phành.

Muôn vàn quỉ dữ đứng rình tội nhân

ở cảnh này, phải nói là nhà thơ tỏ hết tài nghệ, nhất là vận dụng bút pháp điệp ngữ… vừa cuốn hút, vừa minh bạch:

Bao giờ cho tắt cho tàn, lửa ôi!

Lửa này biết lúc nào thôi.

Lòng ôi! Đáo để chưa lòng!

Lòng mê sắc dục, lòng mong rượu trà,

Lòng lo hà hiếp người ta,

Lòng lo cao cửa rộng nhà cho sang.

Lòng lo tích trữ bạc vàng…

Thật là tuyệt bút! Cực kỳ đạo, mà cũng hết sức văn chương. Tiếp theo là gợi lại những lời khuyên dạy điều lành khi trước, mà người chịu xét xử lúc này đã từng bỏ ngoài tai… để nhấn mạnh ở tính công minh của hình phạt và lời giục bảo người nghe sửa mình…

Bức tranh cuối cùng là thiên đàng (cc. 305-356).

Chúng ta có được những câu những ý rất cô đúc mà văn vẻ: tác giả mượn cảnh triều đình vua chúa trần gian là cái người ta đã có thể trông thấy, để ví cảnh huy hoàng thiên quốc:

Hãy xem trong chốn triều đình,

Đền đài lầu các hữu tình minh quang,

ấy là việc giả thế gian..

Tài hèn trí mọn còn toan thế vầy.

Phương chi vua cả trên trời…

… Tóm tắt chỉ nói được rằng:

Là nơi vinh phúc muôn phần vẻ vui…

Và cuối cùng tác giả cũng vận dụng câu nói của thánh Phaolô để tạo cho mình một lối thoát an toàn, khi không thể dài lời hơn nữa:

Thánh xưa chỉ chép một câu:

“ Mắt chưa hề thấy, tai hầu chưa nghe,

Trí khôn bày vẽ chưa hề”.

Sau cùng, đã mở đầu bằng 10 câu khái quát, lại kết thục bằng 14 câu gói gém nội dung một cách đặc sắc:

Chớ gì ta nhớ liên liên,

Ắt là giữ đạo vững bền chẳng sai.

Nhớ rằng sống ở trần ai,

Như hoa sớm nở chiều hoai ra gì…

Nhớ rằng phán xét uy nghi,

Công bình nhiệm nhặt chẳng vì ai đâu!

Nhớ rằng địa ngục thẳm sâu,

Muôn nghìn điều khổ, điều buồn, điều cay;

Sinh diêm biển lửa dẫy đầy,

Nướng nung kẻ dữ đêm ngày chẳng nguôi.

Nhớ rằng có chốn trên trời,

Thanh nhàn vui vẻ đời đời vô chung.

Muôn nghìn phúc trọng lạ lùng,

Thưởng người chịu khó lập công ở đời.

Và rồi chỉ bằng 6 câu, như một lời nhắn nhẹ nhàng, tác giả gửi theo hành trang bạn đọc, người nghe tất cả ý tưởng và tình cảm của bài ca, với hi vọng có thể tiếp tục lần này lần khác lại chất vấn lương tâm con người và chỉ ra con đường duy nhất dẫn tới hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu:

Thủy chung tứ mạt mấy lời,

Ghi lòng tạc dạ muôn đời đừng quên

Âu là giữ vẹn răn truyền;

Lập công chịu khó ở miền trần gian;

Mai sau tới nước thiên đàng,

Lãnh phần phúc lộc thanh nhàn. Amen.

 

Rất mong được quý bạn đọc góp ý.

 

BTT Tân Lộc sưu tầm

(415)

Related Posts

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: