Suy niệm Lời Chúa – CN 1 Mùa Chay

Suy niệm Lời Chúa – CN 1 Mùa Chay

1.Cầu Nguyện
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về việc cầu nguyện trong sa mạc, trong thanh vắng, trong thinh lặng.

Nhìn vào thế giới ngày hôm nay chúng ta nhận thấy khắp nơi đề vang lên những âm thanh ồn ào, con người như chạy đua với vận tốc, vật lộn trong cuộc đấu tranh tìm chén cơm manh áo. Rất ít người biêt tìm lấy những giây phút thinh lặng để cầu nguyện, tâm sự với Chúa. Rất ít người biết quỳ gối trước nhà tạm trong những giây phút rảnh rỗi. Hành động của con người thời nay thì hời hợt bên ngoài, không thấm sâu vào tâm hồn, nó chỉ dừng lại trên bình diện tự nhiên.

Là người tín hữu, chúng ta phải biết đánh giá và làm việc theo tinh thần đức tin. Điều đó có nghĩa là chúng ta không được gác bỏ những công việc bổn phận thường ngày, nhưng hãy chu toàn một cách siêu nhiên, hãy làm những công việc ấy vì lòng yêu mến và gắn bó mật thiết với Chúa. Có như vậy thì những công việc nhỏ bé nhất cũng có được một giá trị trước mặt Thiên Chúa, bởi vì nó đã được Thiên Chúa chúc phúc, đồng thời nó sẽ đem lại những hiệu quả tốt đẹp như lời Chúa đã phán: Không có Thầy, các con không thể làm gì được. Nếu không có sự yêu mến và gắn bó với Chúa, thì những công việc chúng ta làm, kết quả bên ngoài có thể là rất tốt đẹp, nhưng kết quả bề trong, trước mặt Thiên Chúa chỉ là một con số không mà thôi.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng Giáo Hội được đổi mới, được cứu độ nhờ vào những công việc rùm beng bề ngoài và mang nặng tính cách quảng cáo. Thế nhưng Thiên Chúa lại hành động một cách khác. Con người chúng ta có thể quay trở về với Chúa bằng những phương tiện siêu nhiên và chỉ có thể được cứu rỗi nhờ vào một đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Chính vì thế mà chúng ta hiểu được việc Chúa Giêsu vào sa mạc để cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình, cũng như hiểu được vì sao các đấng thánh, trước khi bắt đầu một công việc trọng đại, nhất là về phương diện tôn giáo, thường cấm phòng, tĩnh tâm, thường tìm lấy những giây phút thinh lặng để cầu nguyện với Chúa.

Để canh tân, để đổi mới trái đất này, Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Hơn thế nữa, Ngài còn dùng 30 năm dài để chuẩn bị cho 3 năm sứ vụ của Ngài. Trong khi đó chúng ta thường thích ra tay lèo lái hơn là tồn tâm dưỡng tịnh, chúng ta thường thích hoạt động hơn là cầu nguyện. Bởi đó, giữa sự huyên náo của cuộc đời, chúng ta hãy biết dành lấy cho mình một khoảng sa mạc, một nơi thanh vắng, một thoáng thinh lặng, để thực sự cầu nguyện và kết hiệp với Chúa.
2. Đức Giêsu bị cám dỗ – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Đức Giêsu bị cám dỗ sau một thời gian dài không ăn trong hoang địa. Có lẽ sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Jordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã ăn chay cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và phải làm như thế nào trong những tháng ngày sắp tới. Sau thời gian này, Đức Giêsu đã đi rao giảng, khởi đầu một giai đoạn mới trong đời Ngài.

Đức Giêsu là người. Ngài không biết tất cả. Ngài phải tìm ý Thiên Chúa liên lỉ qua cầu nguyện, bằng việc nhận định những gì xảy tới cho Ngài trong đời sống thường ngày (Lc.22, 42; Ga.4, 34). Ngài cầu nguyện để biết phải làm gì, phải chọn ai (Lc.6, 12-13). Trong cuộc sống, có lúc Ngài biết nhưng lúc khác Ngài lại xao xuyến dao động: Ngài đã loan báo cho các tông đồ rằng Ngài sẽ bị bắt bị giết và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Lc.9, 22. 44-45;18, 31-34) nhưng ở trên thập giá Ngài lại bị cám dỗ Thiên Chúa bỏ Ngài: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34).

Đức Giêsu là người. Ngài còn bị cám dỗ như tất cả mọi người. Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu bị cám dỗ biến đá thành bánh (Lc.4, 3), bị cám dỗ có quyền hành (Lc.4, 6-7), bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa (Lc.4, 9-10). “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Ai đã có kinh nghiệm đói, mới biết những cám dỗ này mãnh liệt như thế nào. Ai có kinh nghiệm về nghèo, mới thấy tiền bạc thu hút con người đến độ nào. Khi đói, người ta mong có đủ cơm ăn; khi có đủ cơm ăn áo mặc, người ta mong muốn có nhiều để bảo đảm tương lai và còn muốn ăn ngon mặc đẹp. Đây là những cám dỗ mà ai cũng gặp. Đức Giêsu một khi đã chia sẻ thân phận con người nên Ngài cũng bị cám dỗ về ăn, tuy nhiên Ngài không thể biến đá thành bánh như Ngài muốn, nếu không, Ngài không còn là người trọn vẹn nữa. Nhập thể, là chấp nhận giới hạn của con người.
Con người thấy mình có những khuynh chiều của thân xác và cũng có lý trí để nhận biết điều tốt và phải làm. Con người có những khuynh chiều thân xác như thèm ăn, đòi thỏa mãn thân xác, muốn được đề cao và quy tất cả về mình. Những khuynh chiều này cũng thuộc về tôi nhưng không hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi có những nhu cầu thân xác, có những khuynh chiều thân xác, nhưng cũng không phải chỉ có vậy. Tôi còn cảm nhận nơi tôi có ao ước cái gì cao hơn, tươi đẹp hơn, tuyệt hơn. Tôi là thực tại gồm cả khuynh chiều thân xác cũng như lý trí hướng thiện. Khuynh chiều xấu có nơi tôi, nhưng nó chưa là tôi hoàn toàn; chỉ khi nào tôi đồng tình, chỉ khi nào tôi ưng thuận, nó mới hoàn toàn là tôi. Có nhiều lúc tôi ưng thuận với những khuynh chiều bất chính nơi tôi, và như vậy, tôi làm tôi thành xấu qua chính hành vi ưng thuận của tôi.

Đức Giêsu, theo ngôn từ của thư gởi tín hữu Do Thái, không bao giờ ưng thuận những điều sai quấy cho dù Ngài bị cám dỗ như tất cả bao người khác: “Ngài nên giống chúng ta mọi đàng trừ tội” (Dt.4, 15; 2, 17). Ngài bị cám dỗ như bao người, như mỗi người chúng ta, nhưng không bao giờ Ngài phạm tội, không bao giờ Ngài ưng thuận với những gì bất chính, với những khuynh chiều bất chính nơi thân xác Ngài. Đức Giêsu là người hoàn toàn, Ngài chịu thử thách trăm bề, bị cám dỗ như bất cứ ai trên đời, nhưng Ngài có một điều khác con người: Ngài không phạm tội. Đồng tình hay không đối với những khuynh chiều bất chính nơi mình, là hành vi tự do của mỗi người; đồng tình với những khuynh chiều xấu, là phạm tội. Phạm tội hay không, là tùy tự do của mỗi người, là do con người xử dụng tự do Thiên Chúa ban cho như thế nào. Phạm tội hay không, là tùy tự do con người, nó không thuộc bản chất con người.

Theo niềm tin Kitô hữu, có hai người không bao giờ dùng tự do Thiên Chúa ban để chống lại Thiên Chúa, không bao giờ hai vị này thuận theo những khuynh chiều bất chính nơi họ, đó là Đức Giêsu và Đức Maria. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và không phạm tội “riêng”. Mẹ là người tuyệt vời, nên đã được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh cửu với Ngài. Điều này được diễn tả qua tín điều: Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Giêsu đã không bao giờ thuận tình với bất cứ cám dỗ làm điều xấu nào. Ngài thuộc trọn về Thiên Chúa đến độ người ta nói Ngài là con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Tin vào Đức Giêsu là tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sinh ra Đức Giêsu, đã làm Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn. Đức Giêsu đã thuộc về Thiên Chúa với thân xác của mình, cho dù người ta đã hủy hoại thân xác Ngài, nhưng không thể hủy hoại được Ngài. Thân xác Đức Giêsu là thân xác thánh ngang qua chính cuộc sống của Ngài. Mỗi con người đều được gọi để thành thánh, để thuộc về Thiên Chúa, trở nên người thành toàn, người tuyệt vời qua những chọn lựa sống của mình. Hơn bất cứ thời điểm nào, mùa chay giúp các Kitô hữu nhìn lại con người của mình với những khuynh chiều thân xác và tinh thần, để rồi nhận ra lời mời gọi nên thánh trong tất cả mọi hành vi của đời sống mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, làm sao để dễ vượt thắng cám dỗ?
2. Bạn có nghĩ Đức Giêsu bị cám dỗ thật không? Tại sao bạn có quan điểm như vậy?
3. Chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Có vô vàn cám dỗ hủy diệt cuộc đời
Con người dùng mồi bọc lưỡi câu để dụ cá và giật chúng lên khỏi nước để rồi kết liễu cuộc đời của chúng trên bàn ăn. Vô số cá tham mồi đã sa vào cám dỗ của con người và phải chết tức tưởi trước thời hạn.

Một số nhà nông hiện nay thường dùng những hóa chất có mùi hương đặc biệt có sức thu hút hàng ngàn con ruồi vàng đục trái và hủy diệt chúng ngay khi chúng vừa xáp tới hít phải mùi hương hấp dẫn nầy. Vô số ruồi đục trái phải chết tức thời cũng vì sa vào cám dỗ của người nông dân.

Những kẻ nghịch thù thường dùng gái đẹp và rượu ngon để làm mê muội lòng trí những ông vua đầy quyền lực hầu triệt hạ nhà vua và chấm dứt triều đại của ông. Thế là rất nhiều ông vua say đắm tửu sắc bị mắc vào cạm bẫy của kẻ thù và phải chết chìm trong vũng lầy êm ái.

Cám dỗ có thiên hình vạn trạng
Cám dỗ diễn ra dưới nhiều dạng thức như tiền tài, danh vọng, địa vị chức quyền, lạc thú…
– Cám dỗ có thể từ bên ngoài thâm nhập vào con người qua cả ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.
– Cám dỗ cũng còn ẩn sâu từ cõi lòng và thôi thúc từ bên trong, đó là tham lam, ham muốn, kiêu căng, giận hờn… xui khiến người ta chìm vào tội lỗi.
– Thông thường hơn, có những cám dỗ rất gần gũi với đời sống hằng ngày, đang vây bọc chung quanh chúng ta và chi phối, chế ngự cuộc đời chúng ta.

Nhà thơ Tú Xương có nêu tên vài cám dỗ rất thường tình nhưng cũng là những cám dỗ bất tận trong kiếp người, như:
“Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…”
Ca dao Việt Nam cũng nói đến sự cám dỗ của thuốc lá khiến nhiều người không kháng cự nổi:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”
Thế là con người phải luôn luôn đương đầu với vô vàn cám dỗ có nguy cơ hủy diệt nhân cách và phẩm chất của mình.

Cám dỗ không buông tha bất cứ ai
Cám dỗ không chừa bất cứ ai. Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị cám dỗ được làm lớn, (Mc 9,34) được ngồi bên tả bên hữu chiếc ngai vàng mà họ tưởng là Thầy Giêsu sẽ chiếm lấy.(Mc 10,37)

Ngay cả Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ trong cuộc đời. Mặc dầu Người thực sự là Thiên Chúa nhưng vì Người cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Do-thái 4,15). Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến không phải một mà là đến ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu.
– Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3).
– Cám dỗ thứ hai là trở thành vua của thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7). Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua. (Gioan 6,15).
– Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11).

Dù bị cám dỗ về mọi mặt y như chúng ta, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ thua trận. Người chiến thắng tất cả mọi thứ cám dỗ cách vẻ vang. Vũ khí Người sử dụng để chống lại các chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha, luôn vâng phục Chúa Cha và cố công làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.

Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta kiên quyết chống lại mọi cơn cám dỗ trong cuộc đời
Thân phận con người như lau sậy yếu đuối, bị lắc lư nghiêng ngả giữa muôn luồng gió cuộc đời. Đời sống con người chơi vơi như cánh bèo trên mặt nước, dễ dàng bị trôi dạt bởi sóng nước vây phủ tư bề.
– Vì cám dỗ có thể đến từ mọi phía nên chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị chúng bất thần xông tới hủy diệt chúng ta.
– Vì cám dỗ có tính cách trường kỳ, chỉ chấm dứt khi con người tắt thở nên chúng ta phải thường xuyên rèn luyện để có thể bền gan chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
– Vì cám dỗ có thể hủy diệt những phẩm chất cao đẹp của con người và biến người ta thành nô lệ cho dục vọng đen tối, cho bản năng hư hèn, nên chúng ta không thể để cho mình thua trận.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn làm theo ý Chúa hơn là theo ý mình, cố gắng làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự, gắn bó với Chúa Giêsu, cầu nguyện với Chúa Giêsu để xin Người giúp chúng ta chiến thắng.
4. Đời là cuộc chiến không ngừng
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Mùa chay khởi đầu với thứ tư lễ tro và kéo dài 40 ngày. Chúa Nhật thứ sáu mùa chay là Lễ Lá, khởi đầu tuần thánh tưởng niệm cuộc tử nạn phục sinh của Đức Giêsu. Mùa chay dọi lại cuộc hành trình của dân Chúa trong hoang địa 40 năm trước khi vào đất hứa, cũng như biến cố Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 ngày trước khi khởi đầu sứ mạng rao giảng công khai, và cụ thể chuẩn bị tâm hồn tín hữu hôm nay chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Đức Giêsu tử nạn phục sinh.

Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Bài đọc thứ nhất cho thấy người Do Thái mỗi năm trình diện trước nhan Chúa với hương hoa mình thu lượm được, và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Đấng can thiệp vào lịch sử dân tộc: Cha tôi là người Aram đã sống ở Aicập, bị hà hiếp và chúng tôi đã kêu lên Thiên Chúa, và Ngài đã giải phóng chúng tôi khỏi ách nô lệ… Thiên Chúa đã kiến tạo và dìu dắt dân Do Thái qua Abraham, Isaac và Môsê…

Người Việt Nam cho mình là con rồng cháu tiên, con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ, con cháu vua Hùng với bốn ngàn năm văn hiến…! Đó là cách nói của người Việt Nam về chính mình, nhưng dù nói cách nào chăng nữa thì cuối cùng, người Việt Nam vẫn là con Thiên Chúa, vẫn được Thiên Chúa tạo dựng, và Ngài đã làm một số người Việt Nam trở nên những bậc anh hùng, dám hiến dâng mạng sống để làm chứng Thiên Chúa đang hiện diện và hướng dẫn dân tộc Việt Nam.

Những gì dân tộc Việt Nam đang là đang có, đều là ân điển Thiên Chúa ban. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử Thiên Chúa yêu thương tất cả loài người qua dân tộc Do Thái, cũng tương tự vậy lịch sử dân tộc Việt Nam là chuỗi những biến cố các anh hùng dân tộc đã thực hiện trong tình yêu của Chúa, qua các triều đại vua Hùng, qua bà Trưng bà Triệu, qua một ngàn năm sống dưới sự cai trị của người Tàu mà không bị đồng hóa hoặc tiêu diệt. Thiên Chúa hiện diện nơi lịch sử dân tộc Việt Nam với nét nhịn nhục, sự kiên cường và tính anh hùng bất khuất của người Việt Nam. Thiên Chúa yêu thương người Do Thái, và Ngài cũng yêu thương người Việt Nam không kém gì người Do Thái. Dân tộc Do Thái là mẫu, là hình ảnh, để giúp các dân tộc khác nhận ra tình yêu của Thiên Chúa nơi mỗi dân tộc.

Thiên Chúa yêu thương và gần gũi mọi người thuộc mọi dân tộc
Thiên Chúa nói với con người qua lương tâm của mỗi người, và Ngài đã nói với con người qua lịch sử dân Do Thái cũng như qua các ngôn sứ, và trong thời cuối cùng Ngài đã nói với con người qua chính Con Một của Ngài là Ngôi Lời nhập thể. “Lời rất gần ngươi, ngay nơi miệng và trong lòng ngươi”. Nếu ai muốn nghe tiếng Chúa, ắt có thể nghe được vì Thiên Chúa rất gần con người.

“Nếu ngoài miệng tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và trong lòng tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ cõi chết, thì được cứu”. Tin vào Đức Giêsu, thì được cứu, dù người đó là Do Thái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, vì “tất cả những ai kêu cầu danh Thiên Chúa đều được cứu”. Xin cho mỗi người nhận ra Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với từng người, và với dân tộc mình trong dòng lịch sử.

Đời là cuộc chiến
Đức Giêsu cũng không được miễn trừ khỏi cuộc chiến. Đã là người, ai cũng phải chiến đấu. Cuộc chiến thể lý, không phải ai cũng phải đương đầu; nhưng cuộc chiến thiêng liêng hay nội tâm thì ai cũng phải trải qua. Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu trải qua cuộc chiến của Ngài:
– Ngài đói, và có cám dỗ muốn ăn, muốn có gì để ăn, muốn biến đá thành bánh để ăn. Tại sao không biến đá thành bánh để ăn, khi tất cả để phục vụ con người, đặc biệt khi mình đói? Cám dỗ trở nên cực kỳ mãnh liệt khi ý tưởng “nếu không được ăn bây giờ thì mình sẽ mất sức và như vậy không biết mình còn có thể sống được nữa không”!
– Con người nếu để tự do, không biết cái gì xảy ra. Tại sao không dùng quyền lực để thống trị con người? Tại sao không làm vua và cưỡng bức tất cả mọi người phải được rửa tội, như vậy danh Chúa có cả sáng và dễ dàng hơn không? Tại sao lại cho con người tự do? Tại sao không dùng quyền lực để bắt người ta làm điều tốt?
– Nếu tôi nổi tiếng và được người ta kính phục, thì khi tôi giảng về Thiên Chúa người ta sẽ nghe, và Chúa sẽ được vinh danh hơn. Làm sao để lấy được lòng tin và kính phục của con người? Tôi có thể nhảy từ đỉnh đền thờ xuống, và giảng cho người ta một bài về Thiên Chúa, và người ta sẽ nghe lời tôi giảng! Nhưng nhảy xuống thì tan xương nát thịt. Tại sao Thiên Chúa không can thiệp? Tại sao Thiên Chúa không sai thiên thần đến đỡ chân tôi?

Đức Giêsu đã phải chiến đấu với ma qủy, với chính khuynh chiều thân xác của con người. Và Ngài đã thắng, Ngài chấp nhận chương trình Thiên Chúa về con người, Ngài chấp nhận luật lệ tự nhiên Thiên Chúa đã xếp đặt, Ngài không biến đá thành bánh, Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thách thức Thiên Chúa và đòi Thiên Chúa làm theo ý riêng mình. Con người ngày nay cũng có những cám dỗ tương tự như Ngài ngày xưa, có lẽ là:
– Tại sao tôi không được phá thai khi đó chỉ là một tế bào trong thân xác tôi? Tại sao tôi không được cloning (sinh vô tính) khi tôi không có con, khi tôi muốn có người nối giòng? Tại sao con người không được làm những thí nghiệm về con người (tái tạo con người khi cho phôi và tinh trùng gặp nhau, xem nó phát triển như thế nào, và v.v… rồi có thể hủy những “thai nhi” như vậy)?
– Tại sao tôi không được thỏa mãn mình khi người khác đồng ý, khi tôi có tiền và người khác cần tiền, v.v…?
– Tại sao tôi không được coi những giá trị “đa số người đời thừa nhận” làm giá trị của tôi, chẳng hạn tiền bạc, địa vị, danh vọng…

Mỗi người trong cuộc sống thường ngày, phải chiến đấu với ma qủy, với chính mình, với thế gian và những giá trị của nó. Xin Chúa giúp, để mỗi người chúng ta vượt qua chính mình, để chúng ta trở nên giống Đức Giêsu, nên thánh mỗi ngày trong từng hành vi quyết định của chúng ta.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo bạn, con người hôm nay bị cám dỗ về điều gì nhất? Làm sao để vượt qua?
2. Có gì lợi ngay ở đời này khi vượt qua chính mình, khi thắng được “cám dỗ”?
3. Dân tộc Do Thái có chỗ đứng đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa. Theo bạn, dân tộc Việt Nam có chỗ “đặc biệt” trong chương trình của Thiên Chúa không? Xin mời bạn chia sẻ chỗ đứng đặc biệt của dân tộc Việt Nam trong chương trình của Thiên Chúa, nếu bạn “thấy”!

[post-views]
Pin It

Gửi phản hồi