Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (28)
CÁC NGUYÊN TẮC CĂN BẢN ĐỂ HỌC KINH THÁNH
Một luật sư đang thoi thóp trên giường bệnh gọi vợ đến gần. Bà vợ hỏi: “Chuyện gì thế, anh yêu?” Ông đáp: “Hãy mau mau mang đến cho anh một quyển Kinh Thánh.” Vốn là người sùng đạo, bà vợ rất vui mừng, vội đi lấy ngay một quyển Kinh Thánh, dự định sẽ đọc cho ông chồng nghe những câu tuyệt vời nói về sự sống và cái chết. Luật sư vồ lấy quyển sách từ tay bà vợ và lật lia lịa từng trang, mắt không ngừng đảo qua đảo về. Bà vợ hết sức ngạc nhiên: “Anh tìm gì thế, anh yêu?” Ông luật sư gào lên: “Anh đang tìm những kẻ hở!”
Dĩ nhiên, thái độ “tìm những kẻ hở” trong Kinh Thánh là không thích hợp với các tín hữu. Tuy nhiên, có nhiều tín hữu muốn học Kinh Thánh nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Từ bài này, chúng tôi xin giới thiệu những phương pháp đơn giản để học Kinh Thánh cách hiệu quả. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên tắc căn bản.[1]
1. Tìm ra những câu hỏi phù hợp nhất
Để có thể “mở” (khám phá) bản văn Kinh Thánh nào đó, trước hết chúng ta cần biết sử dụng những câu hỏi phù hợp. Các câu hỏi này có thể ví như chìa khóa để mở cửa vào nhà vậy. Tôi nhớ đến câu thần chú trong câu truyện cổ tích Alibaba và bốn mươi tên cướp. Muốn mở được cửa hang chứa kho báu, Alibaba phải học lén câu thần chú của bọn cướp. Các câu hỏi (chìa khóa hoặc câu thần chú) này thay đổi tùy theo mỗi phương pháp tìm hiểu Kinh Thánh. Các bài sau sẽ trình bày các phương pháp và câu hỏi này.
2. Viết ra những khám phá mới
Học hoặc tìm hiểu Kinh Thánh khác với việc đọc Kinh Thánh. Bạn không thể học Kinh Thánh đúng nghĩa mà không viết ra cái gì đó khám phá được.
3. Áp dụng vào đời sống chứ không chỉ giải thích
Kiến thức sẽ vô ích nếu chúng ta không áp dụng vào cuộc sống. Kinh Thánh được Thiên Chúa ban cho con người không phải để gia tăng kiến thức, nhưng để thay đổi đời sống. Tác giả Rick Warren kể rằng, một ngày kia có người hỏi ông: “Bản dịch nào tốt nhất?” với hàm ý bản dịch Kinh Thánh nào tốt nhất, tác giả trả lời: “Bản dịch tốt nhất là khi ông dịch Lời Chúa vào đời sống hằng ngày của mình.” Người kia tiếp tục nói: “Nhưng tôi đã có quyển Living Bible.” Tác giả trả lời: “Chính ông phải là một quyển Kinh Thánh sống (a living Bible).
4. Học cách nghiêm túc và hệ thống
Học Kinh Thánh cách cẩu thả hoặc qua loa là xem thường sự thánh thiêng của Lời Chúa. Chúng ta cần học Kinh Thánh cách nghiêm túc và có hệ thống. Học Kinh Thánh cũng giống như công việc của một thám tử. Trước hết, cần tập trung quan sát các chi tiết, không vội vàng nói gì hoặc giải thích, kết luận gì. Cần quan sát kỹ những gì người khác bỏ sót. Tiếp đến, đặt những câu hỏi phù hợp dựa trên những gì đã quan sát. Ba, sau khi đã quan sát và đặt câu hỏi tìm hiểu thì bắt đầu ráp các dữ liệu lại với nhau và giải thích. Bốn, so sánh và tìm mối liên hệ giữa những gì vừa tìm được với những dữ liệu khác liên quan. Sau cùng, rút ra kết luận và tuyên bố về những gì đã xảy ra cũng như những người liên quan.
5. Ý thức rằng không bao giờ có thể múc cạn ý nghĩa của Kinh Thánh
Dù học ngàn lần chúng ta cũng không thể tìm hết ý nghĩa của Lời Chúa. Vì vậy, chúng ta cần giữ chặt Lời ấy và suy đi gẫm lại, cách riêng khi tìm hiểu Lời ấy trong các sách hướng dẫn chuyên môn về Kinh Thánh. Hãy bắt chước ông Gia-cóp khi ông vật lộn với thần sứ của Chúa. “Người đó nói: ‘Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.’ Nhưng ông đáp: ‘Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi’” (St 32,27). Học Kinh Thánh cũng là một công việc lao tác nặng nhọc như vật lộn với thần sứ, nhưng nếu kiên trì, bền chí thì sau cùng chúng ta sẽ lãnh nhận được niềm vui và sự mãn nguyện Chúa ban.
Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (29)
HỌC KINH THÁNH BẰNG ĐẦU GỐI
Khi thấy một người bước ra khỏi nhà thờ, một người đi lễ muộn tiến lại hỏi: “Cha giảng xong chưa?” Người này trả lời: “Chưa. Bài giảng đã được cha chia sẻ nhưng chưa được áp dụng.” Có thể nói rằng Lời Chúa chưa sinh hoa kết quả trong đời sống một số Kitô hữu chính bởi vì Lời ấy chưa được áp dụng vào đời sống hằng ngày của họ. Bài học đầu tiên về phương pháp học Kinh Thánh này sẽ giúp các tín hữu tìm hiểu cách áp dụng Lời Chúa.[1]
Định nghĩa
Phương pháp học Kinh Thánh bằng đầu gối gợi ý bạn chọn một đoạn Kinh Thánh rồi suy gẫm cầu nguyện dựa trên bản văn đó, cho đến khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn con đường áp dụng bản văn đó vào đời sống của bạn cách thiết thân, thực tế, khả thi và có thể kiểm chứng được. Mục đích của phương pháp này là nhấn mạnh lòng tôn kính Lời Chúa cách nghiêm túc và thực hành điều Chúa dạy. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).
Một vị thánh nói rằng các tín hữu chỉ có thể hiểu Lời Chúa cách tốt nhất khi quỳ gối cầu nguyện. Phương pháp đạo đức này được xem là căn bản cho tất cả các phương pháp khác.
Tầm quan trọng của việc áp dụng Lời Chúa
Kinh Thánh được ban cho chúng ta để chúng ta có thể sống tương quan đúng đắn với Thiên Chúa và trở nên ngày càng giống Chúa Giêsu hơn. Howard Hendricks nói: “Giải thích Kinh Thánh mà không áp dụng là phá thai!” Nhiều kiến thức mà không có hành động thì sẽ chẳng sinh ích lợi gì. Nếu không áp dụng Lời Chúa, thì dù có nhiều kiến thức, các tín hữu vẫn chưa thực sự biết Chúa Giêsu, thậm chí họ còn có thể trở nên nguy hiểm cho người khác. Những người Biệt phái, thông luật, các chuyên viên tôn giáo thời Chúa Giêsu là những ví dụ. Họ có nhiều kiến thức về Thiên Chúa, nhưng họ đã có thái độ nào với Chúa Giêsu? Trái lại, những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu như Đức Mẹ, thánh Phaolô, Mẹ Têrêxa Calcutta,… đều sống Lời Chúa bằng đời sống yêu thương cụ thể trong đời sống hằng ngày.
Những khó khăn cản trở áp dụng Lời Chúa
- Bản thân các tín hữu ngại suy nghĩ nghiêm túc.
- Bản chất tự nhiên con người thường chống lại những thay đổi.
- Xa-tan luôn ra sức chống lại bất cứ chiều hướng thay đổi tốt đẹp nào.
Các bước để tìm hiểu và áp dụng Lời Chúa
1. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để biết cách áp dụng Lời Chúa
Trước hết, cần xin Chúa giúp sẵn sàng vâng nghe Lời Chúa.
2. Suy gẫm dựa trên bản văn Kinh Thánh
Đây là bước chính để biết nên áp dụng Lời Chúa như thế nào. Lời Chúa cần được suy đi gẫm lại càng kỹ lưỡng càng tốt, càng chi tiết càng tốt, không bỏ sót điều gì. Suy đi gẫm lại kỹ lưỡng như thế giống như cách con bò tiêu hóa thức ăn của nó. Bò là một loài đặc biệt do có khả năng nhai lại. Khi nghỉ ngơi, bò có thể “ợ” thức ăn từ trong dạ dày lên miệng và tiến hành nhai lại. Trong khi suy gẫm, hãy tưởng tượng ra khung cảnh câu truyện của Kinh Thánh và đặt mình vào câu truyện đó. Hãy cá nhân hóa đoạn Kinh Thánh cho chính mình. Ví dụ: “Thiên Chúa yêu linh mục Hà Ngọc Phú DCCT đến nỗi ban Con Một” (x. Ga 3,16). Sau cùng, hãy dùng chính những lời Kinh Thánh này để nói chuyện tâm sự với Chúa với những tâm tình sau: (1) xưng thú tội lỗi nghịch với Lời Chúa dạy, (2) tuyên xưng đức tin vào những chân lý Chúa dạy, (3) nêu lên những tật xấu cần chừa bỏ hoặc những gương sáng cần noi theo, (4) quyết tâm sẽ sửa đổi bản thân, (5) tạ ơn vì những ơn Chúa đã ban.
3. Viết ra những áp dụng Lời Chúa với bốn đặc điểm sau:
Ví dụ đoạn sách Giảng viên: “Mọi nỗi khó nhọc của con người đều nhằm nuôi cái miệng. Nhưng sự thèm muốn của họ có bao giờ được hoàn toàn thoả mãn đâu!” (6,7).
- Cụ thể, thiết thân: “TÔI cần…”
- Thực tiễn: “Tôi cần GIẢM KÝ”
- Khả thi: “Tôi cần giảm 02 KÝ”
- Có thể kiểm chứng: “Tôi cần giảm được 02 ký VÀO CUỐI THÁNG SAU”
4. Ghi nhớ đoạn Lời Chúa chính yếu
Thiên Chúa có thể muốn chúng ta suy gẫm Lời Chúa và thực hành một nhân đức trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng. Sự thay đổi đời sống không phải luôn luôn xảy ra ngay lập tức cách dễ dàng. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ câu Lời Chúa chính yếu để suy đi gẫm lại trong lòng. Đây chính là một tiến trình tăng trưởng thiêng liêng. Đặc biệt, cần lưu ý Chúa thường đặt các tín hữu vào những hoàn cảnh hoặc phải sống với những con người trái ngược với sở thích, mơ ước, tính tình của chúng ta, để chúng ta tập nhân đức.
Kết luận
Bài kiểm tra duy nhất và sau cùng của phương pháp học Kinh Thánh bằng đầu gối chính là con người Chúa Giêsu. Các tín hữu nên tự hỏi: “Tôi đã áp dụng Lời Chúa vừa học chưa và những áp dụng đó có giúp tôi trở nên giống Chúa Giêsu không?”
Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (30)
PHƯƠNG PHÁP TÓM TẮT CHƯƠNG
Một chú bé đi học Anh văn về đến nhà và reo lên với ông bố cách tự hào: “Bố ơi, con biết nghĩa của từ ‘Kinh Thánh’ (Bible).” Ông bố mỉm cười hỏi: “Con muốn nói gì, con biết nghĩa của từ Kinh Thánh?” Chú bé trả lời: “Vâng, con muốn nói là con đã luận ra từ đó viết tắt cho cái gì!” Ông bố nói: “Được rồi, vậy thì con nói đi, từ ‘Bible’ là viết tắt của cái gì?” Cậu bé đáp: “Dễ thôi bố. Đó là từ viết tắt của ‘Thông tin cơ bản trước khi rời khỏi Trái Đất’ (Basic Information Before Leaving Earth).”
Kinh Thánh không phải sách giáo khoa dạy trời đất được hình thành như thế nào nhưng là quyển sách được linh hứng dạy chúng ta con đường thiêng liêng để lên trời. Để được lên trời và thông hiệp vào sự sống đời đời của Thiên Chúa, các tín hữu cần hiểu và sống Lời Chúa. Phương pháp học Lời Chúa ở bài này mang tên “Tóm tắt một chương Kinh Thánh.”[1]
Định nghĩa
Phương pháp tóm tắt chương nhằm tìm hiểu một cách tổng quát những nội dung chính của một chương Kinh Thánh, bằng cách đọc qua chương này ít là khoảng năm lần, đặt những câu hỏi về nội dung, rồi ghi lại cách ngắn gọn những tư tưởng chính của chương. (Đây là một phương pháp đơn giản, nhằm giúp tìm hiểu khái quát một chương; còn đi sâu vào phân tích chương đó thì sẽ được trình bày ở phương pháp sau).
Càng đọc Kinh Thánh nhiều lần càng làm cho Lời Chúa trở nên sống động cho bạn hôm nay. G. Campbell Morgan, nhà giảng thuyết Kinh Thánh nổi tiếng nói ông luôn đọc 30-40 lần bản văn Kinh Thánh trước khi bắt đầu soạn bài giảng.
Các bước tiến hành gồm có mười chữ “C”
1. Caption (Tựa đề): Đặt tựa đề cho chương. Ví dụ: “Yêu” cho chương 13 thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô, “Các anh hùng đức tin” cho chương 11 của thư gửi tín hữu Híp-ri. Bạn có thể nhớ một quyển sách trong bộ Kinh Thánh bằng cách học thuộc các tựa đề này.
2. Contents (Nội dung): Hãy chỉ tóm tắt những điểm chính của chương. Đừng vội giải thích.
3. Chief People (Nhân vật chính): Liệt kê những nhân vật chính và tìm hiểu tại sao họ xuất hiện ở chương này; họ có tầm quan trọng như thế nào,…
4. Choice Verse (Câu chủ chốt): Tìm một câu trong chương có thể tóm tắt cả chương. Có chương có câu chủ chốt này, nhưng có chương không có. Đôi khi, câu chủ chốt lại là câu nào đó đánh động lòng bạn và bạn tin rằng đó là Lời Chúa muốn nói với mình.
5. Crucial Words (Từ chủ chốt): Viết ra từ chủ chốt của chương. Từ này thường xuất hiện nhiều lần. Ví dụ: từ “yêu” trong chương 13 thư 1Cr và “tin” trong chương 11 thư Hr.
6. Challenges (Thách đố): Viết ra những câu hoặc đoạn bạn không hiểu cũng như những vấn đề nào bạn muốn tìm hiểu sâu hơn nữa. Ví dụ: từ “sám hối” trong Lc 13,3. “Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Cách thức đào sâu một từ hoặc một vấn đề là hai phương pháp khác và sẽ được trình bày sau.
7. Cross-References (Đối chiếu): Hãy tìm ở các chương khác hoặc sách khác câu trả lời cho thắc mắc trong chương này. Đây là một lối làm việc rất quan trọng, vì bộ Kinh Thánh có tính duy nhất lạ lùng và các chân lý đức tin có sự liên hệ hài hòa với nhau (x. DV 12).
8. Christ Seen (Chúa Kitô): Toàn bộ Kinh Thánh là một lời mạc khải về Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm và trái tim của toàn bộ Kinh Thánh. Vì vậy, hãy tìm dung mạo Chúa Kitô trong từng chương, hạn như tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ,… của Chúa Kitô.
9. Central Lessons (Bài học chính): Viết ra những cảm nhận hoặc bài học chính bạn rút ra từ chương này. Hãy tự hỏi: Tại sao Chúa muốn có chương này trong Kinh Thánh? Người muốn dạy tôi điều gì? Tôi có thể tiếp tục đào sâu vấn đề nào?
10. Conclusion (Kết luận): Đây là phần bạn ghi ra những áp dụng cụ thể. Như đã trình bày ở bài trước, việc áp dụng Lời Chúa sẽ giúp bạn lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Hãy kết thúc bài học này bằng cách trả lời hai câu hỏi sau: (1) Bằng cách nào tôi có thể áp dụng vào đời sống cụ thể những lời Chúa dạy? (2) Việc áp dụng Lời Chúa này có ý nghĩa gì đối với đời sống hiện tại của tôi?
[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 49-56, của Rick Warren, tác giả của tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (31)
TÌM HIỂU TÍNH CÁCH NHÂN VẬT
Một cậu bé mở quyển Kinh Thánh cũ của gia đình. Từng ngón tay cậu thích thú lật giở từng trang sách cũ. Bỗng nhiên, cậu dừng lại, tròn xoe mắt chăm chú nhìn một chiếc lá ép khô giữa hai trang sách. Cậu bé gọi to: “Mẹ ơi, xem con tìm thấy gì này!” Người mẹ âu yếm hỏi: “Có gì vậy, con yêu?” Không giấu nổi sự thích thú và tự hào, cậu bé trả lời mẹ: “Con đã tìm thấy chiếc quần của ông A-đam!”
Cậu bé trong câu truyện vui tìm thấy “chiếc quần” của ông A-đam, còn bạn, bạn có thể tìm thấy cái gì khác của con người A-đam không? Bạn có thể học hỏi được gì từ tính cách của ông hay không? Kiêu ngạo? Nghi ngờ Chúa? Đổ trách nhiệm cho người khác?,… Nội dung bài này sẽ trình bày việc tìm hiểu tính cách các nhân vật trong Kinh Thánh. (Còn phân tích cuộc đời các nhân vật như một bức tranh hoàn chỉnh thì sẽ được bàn ở phương pháp sau).[1]
Định nghĩa
Phương pháp tìm hiểu tính cách là tìm hiểu tính cách đó được trình bày ra sao trong Kinh Thánh, để sau đó các tín hữu biết áp dụng tính tốt và tránh tính xấu trong đời sống cụ thể của họ, nhờ đó họ có thể trở nên giống Chúa Giêsu hơn.
Tiến trình học hỏi và sống gồm bảy bước như sau
1. Chọn tính cách: Mỗi bài chỉ nên tìm hiểu một tính cách, đừng chọn nhiều một lúc. Sau đó, tra từ điển để tìm nghĩa chính xác của tính cách này.
Ví dụ: “Can đảm” có nghĩa là “có dũng khí để không sợ nguy hiểm, đau khổ.” Trong cái nhìn Kinh Thánh, “can đảm” là sự hiên ngang, tin tưởng để tiến đến cùng Chúa và tha nhân.
2. Tính cách đối lập: Kể ra những tính cách đối lập và tra từ điển tìm nghĩa chính xác.
Ví dụ: Trái ngược với “can đảm” là “sợ hãi”, “hèn nhát,” “rụt rè.”
3. Nghiên cứu từ: Đây là bước đào sâu thêm một chút, bằng cách tìm hiểu xem từ diễn tả tính cách đó được sử dụng như thế nào trong Kinh Thánh, tác giả nào dùng nhiều nhất và trong những quyển nào. Sau đó, mở các từ điển Kinh Thánh hoặc từ điển bách khoa Kinh Thánh để tìm hiểu xem từ này đã được sử dụng với hướng nghĩa nào vào thời đó.
Ví dụ: Từ “khiêm nhường” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “bẻ gãy cái gì đó và khiến nó phải đầu phục.” Từ này thường được dùng để chỉ việc thuần hóa những con ngựa quý, để bắt nó chịu tuân phục chủ nó. Con ngựa đó vẫn còn nguyên vẹn sức mạnh xưa, nhưng giờ đây sức mạnh đó nhằm để phục vụ chủ của nó. Vì vậy, “khiêm nhường” khác với yếu ớt. Trong đức tin, khiêm nhường là đặt sức mạnh của mình dưới uy quyền của Chúa Kitô.
“Can đảm” trong tiếng Híp-ri là בָּטַח (batah) có nghĩa là “cảm thấy an toàn, tự tin”. Sách Châm ngôn trong Cựu Ước: “Quân gian ác chạy trốn khi chẳng ai theo đuổi, người công chính vững tâm như sư tử con” (28,1) (Cha NTT). (x. NPD/CGKPV “đứng vững”). Tiếng Hy-lạp trong Tân Ước có θαρρέω (tharreo) nghĩa là “tin tưởng, can đảm, dạn dĩ.” “Chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” (Hr 13,6) (NPD/CGKPV). (x. Cha NTT “hiên ngang”).
4. Đối chiếu từ: Nghĩa là tìm xem từ diễn tả tính cách này được sử dụng thêm ở đâu trong Kinh Thánh và có những sắc thái nghĩa nào, nhờ đó, bạn sẽ hiểu thêm tính cách này. Hãy sử dụng sách bản tra đối chiếu (concordance), hoặc sách nghiên cứu Kinh Thánh theo chủ đề hoặc từ vựng, để tìm những câu có từ này. Sau đó, trả lời những câu hỏi: Tính cách này mang lại lợi ích / tai họa nào cho tôi? Cho người khác? Chúa dạy hoặc hứa hẹn gì về tính cách này?
Ví dụ: Chúa Giêsu can đảm trước các kẻ chống đối: “Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả” (Ga 7,26). Các Tông Đồ cũng can đảm: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn” (Cv 4,13). Các tín hữu có thể an tâm trước tòa phán xét nếu sống yêu thương: “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét” (1Ga 4,17).
5. Nhân vật tiêu biểu: Hãy chọn một nhân vật tiêu biểu nào đó và tìm hiểu tính cách này trong cuộc đời của họ; cụ thể hãy tìm xem những điều gì cho thấy nhân vật này có tính cách đó, tính cách đó ảnh hưởng đời sống họ ra sao, nó giúp họ trưởng thành như thế nào và đem lại những kết quả nào cho đời sống của họ.
Ví dụ: Thánh Phaolô là một nhân vật điển hình về lòng can đảm trong sứ vụ Tông Đồ.
6. Ghi nhớ: Hãy tìm một câu nào đó đã để lại ấn tượng trong lòng bạn và ghi nhớ câu đó.
Ví dụ: “Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” (Hr 13,6).
7. Áp dụng: Tìm một hoàn cảnh cụ thể, con người cụ thể, để thực hành tính cách này.
Ví dụ: Tôi sẽ can đảm làm dấu thánh giá khi ăn uống với người không Công giáo.
Kết luận: Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở nên giống Chúa Giêsu. Bài kiểm tra duy nhất của bài học này đó là Chúa Giêsu. Hãy trả lời câu hỏi: “Tôi có trở nên giống Chúa Giêsu khi thực hành tính cách này không?”, “Tôi có tính tiêu cực nào cần thay đổi thành tích cực không?”. Tính tiêu cực cũng có giá trị thanh luyện. Bạn nghĩ sao câu nói “Ai không sai lầm sẽ không bao giờ đổi mới” (Mark Twain)? “Tôi có thể chia sẻ cách Chúa đã thay đổi đời tôi không?” Sau cùng, đừng quên chỉ có quyền năng Chúa Thánh Thần mới có thể đem lại sự đổi mới. Vì vậy, hãy cầu nguyện không ngừng!
[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 61-70, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (32)
TÌM HIỂU CÁC CHỦ ĐỀ KINH THÁNH
Một chàng trai mới lớn sau khi thi được bằng lái xe liền đề nghị cha mình cho sử dụng chung xe hơi. Người cha, vốn là một mục sư, liền ra điều kiện. Ông nói: “Nếu điểm học ở trường của con khá lên, con chịu đọc Kinh Thánh đôi chút và cắt mái tóc rũ rượi kia đi, thì lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện.” Một tháng sau, chàng trai trở về nhà và hỏi cha đã đồng ý cho mình dùng chung xe chưa. Người cha đáp: “Cha thực sự tự hào về con. Điểm số của con đã khá lên và con đã chịu đọc Kinh Thánh. Thế nhưng con vẫn chưa cắt tóc…” Người con ngắt lời: “Cha biết không, con đã suy nghĩ nhiều về điều này và nhận thấy rằng các bậc vĩ nhân trong Kinh Thánh đều để tóc dài. Samson để tóc dài, Mosê để tóc dài, Noah để tóc dài và thậm chí Chúa Giêsu cũng để tóc dài.” “Phải!” Người cha công nhận, “Và con có để ý không, tất cả các vĩ nhân đó đều đi bộ.”
Cậu thanh niên trong câu truyện vui Kinh Thánh để ý chủ đề “tóc dài” và đi tìm các vĩ nhân trong Kinh Thánh để tóc dài. Dĩ nhiên, Kinh Thánh còn nhiều chủ đề quan trọng hơn, giúp các tín hữu thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài này.[1]
Định nghĩa
Phương pháp tìm hiểu các chủ đề Kinh Thánh là tiếp cận một sách nào đó trong bộ Kinh Thánh, hoặc trọn bộ Kinh Thánh, với một số câu hỏi đã có sẵn trong đầu, sau đó viết ra những khám phá đã tìm thấy, và sau cùng áp dụng vào đời sống cụ thể của mình.
Lưu ý: Phương pháp trình bày trong bài này mang tính giới hạn, ví dụ: “Cầu nguyện” là một chủ đề lớn và bao quát trong Kinh Thánh, (phương pháp tìm hiểu một chủ đề lớn như thế này sẽ được trình bày sau), thì ở bài này chúng ta chỉ tìm hiểu một cách giới hạn, hạn như: “Những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu,” “Những lời cầu nguyện của các tác giả Tân Ước,” “Những điều kiện để lời cầu nguyện được nhậm lời,” “Chuyển cầu cho người khác,”… Cũng có sự giới hạn về số câu Kinh Thánh cần tìm hiểu, bạn không nên tìm hiểu tràn lan vô tận, mà chỉ giới hạn vào những câu Kinh Thánh nào trực tiếp liên quan đến chủ đề. Giới hạn thứ hai trong phương pháp này là số câu hỏi cần sử dụng cũng sẽ ít hơn. (Phương pháp sử dụng nhiều câu hỏi hơn sẽ được trình bày ở bài sau).
Các bước tìm hiểu các chủ đề Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống
1. Chọn chủ đề: Hãy chọn một chủ đề (nhỏ) mà bạn yêu thích hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn.
Ví dụ: Chủ đề: “Định nghĩa của Chúa Giêsu về người môn đệ.”
2. Liệt kê những câu Kinh Thánh liên quan đến chủ đề: Hãy sử dụng các sách công cụ hạn như sách tra mục từ (concordance), từ điển các chủ đề Kinh Thánh,… Đặc biệt, xin xem quyển NIV Thematic Reference Bible – Study Helps, do Alister McGrath biên soạn.
Ví dụ: Về chủ đề vừa chọn ở trên, ta tìm thấy có các đoạn Kinh Thánh như sau: Mt 10,24-25; Lc 14,26-28; Lc 14,33; Ga 8,31-32; Ga 13,34-35; Ga 15,8.
3. Đặt những câu hỏi cần thiết: Hãy viết ra những câu hỏi bạn muốn tìm hiểu trong bản văn Kinh Thánh. Mẹo giúp đặt câu hỏi là các từ WH (what-cái gì, when-khi nào, why-tại sao, where-ở đâu, who-ai) và HOW (thế nào). Cần nhớ là bạn chỉ nên đặt những câu hỏi quan trọng và thật sự bạn đang cần biết mà thôi, bằng không bạn sẽ “đuối”. Như vậy, đôi khi có thể bạn không cần sử dụng tất cả các câu hỏi WH và HOW ở trên. Chỉ một câu hỏi là đủ! Anh chàng trong câu truyện vui chỉ đặt một câu hỏi: “Trong Kinh Thánh có những ai để tóc dài?”
Ví dụ, đối với chủ đề nêu trên, bạn có thể đặt ra những câu hỏi sau: 1/ Người môn đệ của Chúa Giêsu có những đặc tính nào (what)? 2/ Làm môn đệ của Chúa Giêsu thì sẽ gặp những gì (what)?… 3/…; 4/…
4. Trả lời những câu hỏi: Hãy tìm trong Kinh Thánh những đoạn liên quan chủ đề và trả lời những câu hỏi vừa nêu. Lưu ý, bạn cũng nên giới hạn phạm vi tìm kiếm, đừng lan man, bằng không, bạn sẽ “đuối” và bỏ cuộc đấy. Sau đây là một số câu Kinh Thánh cho câu hỏi 1:
Mt 10,24-25: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.” Như vậy, đặc tính của người môn đệ là phải giống Chúa Giêsu, Thầy của mình.
Lc 14,26-28: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?” Như vậy, đặc tính của người môn đệ là phải yêu mến Chúa Giêsu hết mình, phải vác thập giá mình và theo Người.
Lc 14,33: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Vậy, làm môn đệ Chúa Giêsu là từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu.
Ga 8,31-33: “Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.’ Họ đáp: ‘Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?’” Vậy, làm môn đệ Chúa Giêsu là ở lại luôn mãi trong Lời của Người.
Ga 13,34-35: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Vậy, môn đệ của Chúa Giêsu là phải yêu thương nhau.
Ga 15,8: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” Môn đệ của Chúa Giêsu là phải sinh hoa trái.
5. Những kết luận: Viết ra những hoa trái bạn thu lượm được từ những tìm hiểu trên.
Ví dụ: Những đặc tính của người môn đệ của Chúa Giêsu là:
- Giống Chúa Giêsu
- Yêu mến Chúa Giêsu hết lòng
- Vác thập giá mình mà theo Người
- Từ bỏ mọi sự và theo Chúa Giêsu
- Luôn ở lại trong Lời của Chúa Giêsu
- Yêu thương tha nhân
- Sinh hoa trái
6. Áp dụng: Viết ra những áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Ví dụ: Áp dụng đoạn Ga 8,31-32, tôi sẽ dành thời giờ để suy gẫm và cầu nguyện Lời Chúa.
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 79-91, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
LM. JM. Mười Một, CSsR
Nguồn: Blog Nguyễn Thái Hùng
(18)
Phản hồi gần đây