Đức Phanxicô, giáo hoàng của Con Đường

Đức Phanxicô, giáo hoàng của Con Đường

 
la-croix, Sébastien Maillard, 2015-10-20
Il Sinodo sulla famiglia di Papa Francesco
Dù muốn hay không – và không dính gì với báo chí – vấn đề được dự phần vào các phép bí tích của những người ly dị và tái hôn về mặt dân sự vẫn còn là đề tài tranh luận sôi nổi của Thượng Hội Đồng Gia đình. Vấn đề này vấp phải ba nan giải mà các giám mục đã nhận diện, họ chưa tìm được cách nào tốt hơn để vượt qua vấn đề này của năm ngoái. Nan giải về mặt thần học: giữa sự thật và lòng thương xót. Nan giải về mặt tiếp cận: giữa giáo điều và mục vụ. Nan giải về mặt cơ cấu: giữa từng trường hợp đặc biệt và phổ quát.
Không có gì mà không hòa giải được trên nguyên tắc, không có gì chống đối về nội dung, cũng không có gì mà không áp dụng được, nhưng phải tìm cách, trong mỗi trường hợp, làm sao giữ được hai đầu để đưa cuộc thảo luận trong buổi họp chung hay trong từng nhóm nhỏ được xảy ra tốt đẹp, tránh rơi vào thái cực của điểm này hoặc điểm kia. Đừng mong chờ đến kỳ chấm dứt các cuộc thảo luận, vấn đề đã được dự trù trước: đừng chờ giải pháp phép lạ từ đây đến kỳ kết thúc các buổi làm việc.
Đức Phanxicô đi cầu thangỞ giai đoạn này, Đức Phanxicô hết sức tránh đề nghị chuyện gì. Nhưng bài diễn văn ngày 17 tháng 10 của ngài đã đặt lại buổi họp hội đồng này vào thời gian của nó, có nghĩa là về lâu về dài. Theo đó, ngài nói với các giám mục, trong Thượng Hội Đồng Gia đình, phương pháp (Thượng hội đồng) thì đáng kể hơn là chủ đề (gia đình). Một nhãn quan tóm tắt  dưới hình thức «Giáo hội đồng đội». Nói một cách khác, ngoài ba tuần này ở Rôma, Giáo hội luôn ở trong tình trạng cùng làm việc đồng đội.
Với Đức Phanxicô, tinh thần làm việc đồng đội là ở mọi cấp bậc. Giáo xứ, địa phận, liên địa phận, châu lục và hoàn vũ. Chắc chắn chẳng có gì mới kể từ Công đồng Vatican II. Nhưng khẳng định theo cách của mình thì đáng để làm cho cổ máy rỉ sét chạy lại, ít nhất là ở cấp bậc Rôma.
Với sự nhấn mạnh về mặt lắng nghe, bắt đầu bằng việc lắng nghe tín hữu. Cuộc cách mạng, nếu có được cuộc cách mạng này, thì đó là, đi từ một Giáo hội giảng dạy từ trên cao đến một Giáo hội học hỏi từ nền tảng của mình. Hay đúng hơn, hóa giải cả hai trong cái mà Đức Jorge Bergoglio thường hay gọi là «văn hóa của đối thoại». Và như thế để cùng nhau tiến lên.
«Và bây giờ, chúng ta cùng nhau vạch một con đường: con đường của giám mục và của giáo dân. Con đường này của Giáo hội La Mã là con đường chủ trì của tất cả Giáo hội trong đức ái. Con đường của tình huynh đệ, của tình yêu, của tin tưởng giữa tất cả chúng ta», Đức Jorge Bergoglio tuyên bố như trên với giáo dân tụ họp ở Quảng trường Thánh Phêrô buổi chiều ngài được bầu chọn. Theo âm vang của Phúc Âm thánh Gioan, nếu Đức Gioan-Phaolô II có thể được gọi là giáo hoàng bảo vệ Sự Sống, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng bảo vệ Chân Lý thì chắc chắn Đức Phanxicô là giáo hoàng của Con Đường. Những gì ngài đang tiến hành không những được nhận thấy như hành động mà như các tiến trình.
Tuy nhiên điểm độc đáo trong bài diễn văn của ngài là ở phần kết luận, phản ảnh Thông điệp Chúc tụng Chúa. Tinh thần thượng hội đồng không phải chỉ là cách làm việc của riêng Giáo hội, Đức Phanxicô còn đề nghị đây là mẫu làm việc áp dụng cho các công việc chung: «Một Giáo hội với tinh thần đồng đội là ngọn cờ giương cao giữa các quốc gia trên thế giới, có sự tham dự, có tình đoàn kết, có sự minh bạch trong công việc quản trị chung vì thế giới này thường phó mặc số phận người dân vào bàn tay tham lam của một nhóm thiểu số nắm quyền.» Nhãn quan của ngài là nhãn quan của một xã hội dân sự luôn cùng lắng nghe nhau. Nhãn quan của một thế giới đồng đội mà trong đó có sự hội nhập trọn vẹn của Giáo hội.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Pin It

Gửi phản hồi