6 BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX TN-C

6 BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX TN-C

1. Ánh sáng và bóng tối

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?

Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.

Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.     Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?

2.     Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?

3.     Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

2. Ném lửa vào trái đất

Đoạn Tin Mừng này xem ra có vẻ ít tin mừng nhất, khi Đức Giê-su đề cập tới các vấn đề gai góc và nghịch lý như ‘ném lửa vào mặt đất’, ‘một phép rửa phải chịu’, ‘Thầy đến để… đem sự chia rẽ’. Thế nhưng những lời công bố trên lại rất nghiêm túc, đi thẳng vào trọng tâm và xác định rõ mục tiêu và sứ mệnh của Người nơi trần thế hơn bất cứ lời tuyên bố nào khác. Nếu hiểu được ý nghĩa thật của ‘lửa’, của ‘phép rửa’ và của ‘chia rẽ’ trong bối cảnh Tin Mừng, mong rằng ta sẽ có thể kiện cường được niềm tin của mình nơi Đức Ki-tô và quảng đại dấn bước theo Người sát hơn nữa.

          Trong Phúc Âm Mát-thêu (3,11) ta thấy Gio-an Tiền Hô khảng định: sứ mạng của Đấng phải đến sẽ là “làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”. Thật khó để khảng định nội dung đích thực của hình ảnh này. Trong kiểu cách ngôn sứ của Gio-an, lửa đó chắc chắn phải mang tính thiêu hủy, tôi luyện và thanh lọc, “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (3,12). Tự nó phép rửa cũng mang một nội dung tiêu cực tương tự (dìm cho tới chết trong dòng nước…). Chắc chắn cũng trong nội dung Cựu Ước đó, sứ mệnh của đấng Mét-si-a, dầu tối hậu là mang hòa bình đến cho toàn nhân loại, nhưng trước khi nền hòa bình đó được thiết lập, ngài cần kinh qua một thời kỳ chinh phạt, phân rẽ bạn thù, và chiến tranh. Có lẽ trong ngôn từ và quan niệm phù hợp với các thính giả Do Thái đó mà Đức Giê-su đang thuyết giảng riêng cho các môn đệ xin theo Người (đoạn từ Lc 12.22 cho tới Lc 12.53, vì trước và sau đoạn này Lu-ca xác định Người nói cho đám đông). Đối với Gio-an tiền hô, ‘Thánh Thần và lửa’ có lẽ là tương đồng vì đều biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của Đức Chúa Gia-vê, và sức mạnh đó tất nhiên mang theo cả khía cạnh chinh phạt hay tiêu diệt.

          Thế nhưng từ môi miệng Đức Giê-su trong nội dung rao giảng về Tin Mừng cứu độ thì Thánh Thần và lửa phải mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nếu Thần Khí của Đức Giê-su là không giống với Thần Khí Đức Chúa Gia-vê của Cựu Ước thế nào, thì lửa của Người cũng vậy. Trong cuộc trao đổi với Ni-cô-đê-mô (Ga 3-21) Đức Giê-su khảng định Thần Khí mà môn đệ Người nhận được không phải là thần khí tiêu diệt mà là Thần Khí sự sống, không phải là thần khí kết án hủy diệt nhưng là Thần Khí cứu độ. “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần… Cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí… Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…” (Ga 3,5-6,16-17). Phải chăng chính là Thần Khí và ngọn lửa đó mà Đức Giê-su tuyên bố muốn ‘ném vào mặt đất, và … những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên…”? Phải chăng ‘phép rửa phải chịu’ mà Người ‘khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất’ chính là phép rửa thập giá, khi mà lòng thương xót cứu độ được thể hiện và hoàn tất (consummatus est) trong tất cả sức mạnh vô địch của nó? “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà con đã đến!” (Ga 12,27), khi gần tới giờ tử nạn, lúc lo âu và sợ hãi tràn ngập tâm hồn, Đức Giê-su đã cầu nguyện cùng Cha Người như thế.

          Rồi cũng trong mạch tư tưởng đó, đối với Tin Mừng Đức Ki-tô, hòa bình hay tĩnh lặng (pacifist) cho một trần gian tội lỗi là điều không thể chấp nhận được. “Thầy đến không phải để ban hòa bình cho trái đất… nhưng là đem sự chia rẽ”. Đứng trước ngọn lửa của Thần Khí, hoặc con người chấp nhận ‘sinh ra một lần nữa bởi ơn trên’, hoặc cứ tiếp tục ‘bởi xác thịt sinh ra là xác thịt’. Và bắt đầu xuất hiện sự phân rẽ nơi thâm sâu nhất của cõi lòng, rồi ngay giữa những người gần gũi nhau nhất xét về mặt gia đình xã hội, chẳng hạn như giữa ‘năm người trong cùng một nhà…, giữa ‘cha và con trai, mẹ và con gái, mẹ chồng nàng dâu…’ Quả thật ông già Si-mê-ôn trước đây đã tiên báo chính xác điều này về Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…” (Lc 2,34). Đứng trước Tin Mừng từ nhân của một Thiên Chúa cứu độ, loài người sẽ tự tách thành hai phe: hoặc phe những người chân thành nhìn nhận sự yếu hèn của mình để đón lấy ơn thứ tha cứu độ, hoặc phe những người mong được người đời đề cao tôn trọng trong tất cả năng lực vật chất cũng như tinh thần của mình, và đương nhiên là hạng người này sẽ không cảm thấy cần ơn cứu rỗi. Sự giằng co này xảy ra trong nội tâm từng người, đồng thời cũng trong cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân. Tin Mừng luôn đòi một đấu tranh và cách mạng toàn diện. Có lẽ ngay cả tu đức hay khổ chế khắc nghiệt nhất cũng không dám đòi hỏi một sự đảo lộn tận gốc rễ như thế.

          Nhưng mấy ai trong chúng ta xác tín được rằng đòi hỏi này của Tin Mừng cứu độ lại tận căn và sâu sắc tới mức độ đó nhỉ?

          Lạy Chúa từ nhân, xin cho con hiểu: tin theo Chúa là dấn bước trên con đường khổ giá, là đấu tranh cam go với chính mình, không phải vì để tuân giữ một nền luân lý khắt khe, nhưng là vì Tin Mừng buộc con phải cúi mình khiêm hạ xưng thú sự yếu hèn tội lỗi, điều làm con cảm thấy hãi hùng kinh tởm. Chỉ khi nào ngọn lửa Thần Khí của Thiên Chúa từ nhân bùng lên trong con, con mới làm được điều đó; cũng như chỉ khi nào con chịu phép rửa của thập giá, lúc đó ơn cứu rỗi mới phát huy được tất cả sức mạnh nơi con. Xin cho con quyết tâm lao vào cuộc chiến này không chút ngơi nghỉ, nhất là đôi khi phải chấp nhận cả những nỗi cô đơn, hay bị người đời hiểu lầm, đàm tiếu. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

3. “Phải chi lửa ấy đã bùng lên !”

Báo tuổi trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau :

“… Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của trường ĐHYD rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có ba điều ước mong : hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của câu lạc bộ Bừng Sáng. Chị hai của Đức Minh cho biết : “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý…”

Mong ước của anh Minh giúp chúng ta phần nào nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó : “Thầy ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên !”. Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.

Ngọn lứa ấy, có lẽ rất cần chạm đến cuộc đời chúng ta. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những bóng tối của đọa đầy, của bất công. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những người đang thất vọng chán chường. Phải chi ngọn lửa của Đức Ky-tô luôn được thắp sáng nhờ những người môn đệ của Chúa. Những con người luôn làm cho ngọn lửa ấy mãi bừng cháy lên trong thế giới quanh ta.

Vâng, sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi chúng ta : “Phải chi lửa ấy đã bừng lên”. Chúa vẫn mời gọi chúng ta thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.

Nhưng, để có thể gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng, là phải chấp nhận bị khước từ và đe dọa. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội.

Hôm nay, Chúa lại mời gọi chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối:

- Bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng.

- Bóng tối của hận thù , cục bộ và chia rẽ.

- Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.

- Bóng tối ở ngay trong lòng mình.

Đôi khi bóng tối qúa dày đặc mà ngọn lửa của chúng ta lại qúa yếu ớt, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nhưng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá . Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm thắp sáng ngọn lửa yêu thương giữa đêm đen của ích kỷ hận thù hôm nay. Xin cho ánh lửa tình yêu của chúng ta mãi lan tỏa đến tận cùng trái đất. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

4. CUỘC CHIẾN TRIỀN MIÊN

Hậu quả của tội nguyên tổ thật là khủng khiếp! Satan thật giả dối, gian ngoa, quỷ quyệt! Con người khi đã chấp nhận theo sự hướng dẫn của Satan thì chắc hẳn phải đi vào chỗ chết, chết ngàn thu. Đáng buồn thay, cái chết ngàn thu ấy được Satan phát họa bằng một sự sống đầy tham vọng, giàu sang phú quí, đầy dư khoái lạc ở đời này.

Nếu Chúa Giê-su không xuống thế gian này để dùng Lời Ngài và chính cái chết của Ngài mà cứu con người được sống, thì con người vẫn mãi mãi chìm trong cái chết kinh hoàng ấy, trong cái vỏ bọc của một sự sống tưởng như là tuyệt vời!

Rõ ràng là Chúa Giê-su đã đến và khởi xướng một cuộc chiến tranh triền miên trong cõi đất này, cuộc chiến giữa Sự Sống Vĩnh Cửu và Sự Chết Ngàn Thu.

Trong khi Chúa Giê-su, Sự Sống Vĩnh Cửu, muốn cho tất cả con người được sống không chỉ đời này, mà còn đời sau nữa, và đời đời trong Nước Thiên Chúa, thì Sa-tan ‘Sự Chết Ngàn Thu’ lại lôi kéo con người ta về phía chỉ sống sung túc khoái lạc ở đời này, không cần có đời sau, đời đời. Càng nhiều người quên đi, hoặc không cần có đời sau, thì Satan càng mãn nguyện, vì chúng luôn là chống lại Thiên Chúa.

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”.

Chính Lời Ngài đã mở lòng trí con người phân biệt Thiện, ác; sống, chết; thật, giả… và cũng chính Lời Người là sự Thiện, Sự Thật, Sự Sống làm cho cái ác, cái chết, cái giả dối phải hổ người bẽ mặt.

Cuộc chiến ấy, trước tiên ngay trong lòng mỗi người, và từng giây phút, từng ngày. Con người phải tự chia rẽ chính mình. Cũng trong một con người mà cái thiện cái ác, cái thật cái giả vẫn cùng nhau canh cánh. Bao lâu hãy còn sống đây, trên cõi đất này, thì dù là người có học cao, học rộng, có chức, có quyền, có nhiều đời nhiều năm theo đạo, sống đạo…, có ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình đang hoàn toàn thuộc về sự thiện, sự thật, sự sống đời đời.

Thăm viếng và giúp đỡ cụ Gia-cô-bê trong những ngày cụ lâm bịnh nặng, chúng tôi nghe rõ lời tâm sự của cụ với từng đứa con lúc riêng tư ngồi bên cha, chăm sóc cho cha, cũng chỉ một nội dung: “Hành trình Đức Tin là một cuộc chiến triền miên nghe con. Nhớ là: ma quỷ sàng con như sàng gạo. Ma quỷ rất ác độc nhưng cũng rất dễ thương, rất hung dữ nhưng cũng rất hiền lành, rất thô lỗ cộc cằn nhưng cũng rất ngọt ngào, nịnh nọt… Không cảnh giác, con rất dễ thua cuộc đó. Con phải chiến thắng. Nhưng phải nhờ đến tình yêu và sức mạnh của Chúa Giê-su mới chiến thắng được con à”.

Thiết nghĩ cụ đang nói đến cuộc chiến triền miên trong mỗi con người. Tôi vẫn tâm đắc nhất là câu kết của cụ: “Con phải chiến thắng. Nhưng phải nhờ đến tình yêu và sức mạnh của Chúa Giê-su mới chiến thắng được con à”.

Tôi có cảm giác đây là cả một kinh nghiệm chiến trường của cụ, khi cụ dùng hai từ “tình yêu và sức mạnh” của Chúa Giê-su.

Tình yêu ấy được Chúa Giê-su đề cập trong đoạn đầu Tin Mừng hôm nay: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”.

Ngọn Lửa của Thiên Chúa Cha được Chúa Giê-su mang đến cho trần gian, là lửa của Thánh Thần Chân Lý, lửa của Thánh Thần Tình Yêu: “Ai yêu mến sự Thật, thì nghe tiếng tôi”. “Ai sống trong Tình Yêu là thực sống trong Chúa”.

Như vậy, phàm ai không yêu mến sự thật thì không nghe tiếng Chúa Giê-su, thì chống đối Chúa Giê-su. Từ đó, trong thế giới loài người xảy ra sự phân rẽ giữa những người theo Chúa và người không chấp nhận theo Chúa, theo giáo lý của Chúa, theo con đường của Chúa. Cũng vậy, ai không sống trong Tình Yêu đích thực của Thiên Chúa thì chống lại Thiên Chúa. Không phải là một sự phân chia rõ ràng, một cuộc chiến triền miên đấy sao. Cụ thể hơn, ngay chính trong lòng mỗi người, mỗi người luôn phải ra sức chiến đấu để được sống đời đời, thì hẳn nhiên phải sẵn sàng tuyên chiến với cái giả trá điêu ngoa, với cái ác tiềm ẩn trong lòng, do ma quỷ điều khiển. Không ai có thể ỡm ờ, lấp lững giữa thiện ác, giữa Thiên Chúa, và ma quỷ. Phải dứt khoát với điều Ác để đón nhận cái Thiện của Thiên Chúa.

Ghi nhận cảm nghiệm về một hành trình Đức Tin đã đi qua của một cụ già, thiết tưởng mỗi người chúng ta phải ngộ ra chúng ta đang là những người lính anh dũng trong cuộc chiến tranh triền miên và hơn thế nữa, phải chiến thắng để bảo vệ Đức Tin, làm chứng cho Sự Thật, cho Sự Sống đời đời. Và chỉ trong Giê-su, chúng ta mới chiến thắng trong cuộc chiến triền miên ở cõi đất này, để chúng ta dành lấy một nền hòa bình là chính sự bình an tâm hồn khi hãy còn sống và chiếm hữu một chỗ trong Nước Thiên Chúa, Nước Hòa Bình.

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu, chân lý. Xin chính Ngài trở nên sức mạnh của mỗi chúng con trong cuộc chiến triền miên gian khó này. A men.

PM. Cao Huy Hoàng, 16-8-2013

 

5. Trung ngôn nghịch nhĩ

Khi cha Gioan Vianney đi rao giảng và giải tội cho giáo dân các xứ, giúp các linh mục ở các xứ quanh đó, thì các ngài bằng lòng và khen cha Gioan là người đạo đức sốt sắng. Nhưng khi thấy con chiên trong xứ của mình đua nhau đến xứ Ars xưng tội với cha Gioan, liền sinh lòng ghen ghét và trách cha Gioan: “Cha Gioan dốt lắm, La tinh không biết tiếng nào, phải học đi học lại thần học hai ba lần mà không hiểu, không nhớ. Chỉ nhờ thế của cha Balley, xin bề trên cho, mới không bị đuổi khỏi chủng viện và được làm linh mục. Đúng ra cha Gioan phải biết mình kém cỏi, phải đặt mình dưới các linh mục khác. Ai ngờ, cha lại dám tranh quyền với các linh mục thông thái và thánh thiện hơn mình, và đặt mình lên làm thầy dạy dỗ, coi sóc linh hồn giáo hữu của cả miền này…”

Lại có đấng khác nói những lời nặng hơn: “Cha Gioan tình tình lạ lùng, khác thường, không theo cách ăn ở của linh mục. Cha ăn chay hãm mình, mặc áo cũ rich, lấy cái vẻ bề ngoài cho người ta kính trọng và khen ngợi, làm mồi nhử người đến xưng tội với mình. Ai đến xưng tội thì bỏ bùa nó, khiến những kẻ đó xưng tội với cha Gioan về, luôn khen cha là nhân đức, là thánh sống và chỉ nghe theo lời cha dạy bảo, không còn nghe lời cha xứ của mình dạy bảo nữa.”

Có cha còn cấm hẳn giáo dân của mình đến xứ Ars xưng tội với cha Gioan. Có nhiều cha khi giảng lễ Chúa Nhật, vừa khuyên vừa cấm con chiên của mình đi xưng tội với cha xứ Ars, và nói nhiều điều xấu làm hại thanh danh cha Gioan.

Giáo dân thấy cha xứ của mình nói xấu, bôi nhọ cha Gioan, liền nghi cha xứ mình ghen tức, nên càng không tin, không nghe lời các cha ấy; lại rủ nhau đến Ars xưng tội với cha Gioan, họ đi từng đoàn năm mươi người, một trăm người đông hơn trước. Có nhiều linh mục chánh xứ thấy mình không bảo được giáo dân, viết thư trình Đức Giám mục, xin Đức Cha giải quyết vụ này. Nhưng Đức Giám mục làm ngơ, không viết thư hồi âm, cũng không thông báo gì. (Cha Lương, M Cardo, Cuộc Đời Thánh Gioan Vianney)

Đức Giám mục sở tại đã âm thầm điều tra về cha Gioan, sau này còn lên tiếng công khai bênh vực và khen ngợi lòng đạo đức của Cha Gioan Vianney. Từ đó tình thân giữa các linh mục quanh vùng mới dần chớm nở với lòng rộng lượng thánh thiện của cha Gioan.

Phải chăng Đức Giêsu đem đến sự chia rẽ, đố kỵ, bất an giữa ngay đoàn chiên, như Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật hôm nay?

Chia rẽ

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ." (Lc 12, 51). Quả thật, vì Cha Gioan Vianney nhiệt thành sống đúng theo Lời Chúa, làm đúng vai trò mục tử nhân lành, nên mới xảy ra chia rẽ với các mục tử khác. Nếu Cha Gioan e sợ các lời dị nghị, dèm pha, quy kết của các đấng, mà lơ là, sao nhãng mục vụ, thực thi Lời Chúa, thì hẳn cha Gioan đã ưu ái lãnh nhận bình an thế gian.

Đức Giêsu đến trần gian, cũng chẳng cần hưởng sự bình an thế gian. Dù Người không đến phân rẽ tôn ti trật tự xã hội, không gây bè kéo cánh, tổ chức chống đối chính quyền hay phe phái nào, nhưng vì Người mà thế gian chia rẽ, xã hội phân rẽ, cộng đoàn phân cực, gia đình lủng củng, kình chống lẫn nhau.

Thoạt tiên, Người mới bắt đầu giảng dạy, thì xã hội Do Thái bấy giờ liền bắt đầu rúng động. Phái Pharisiêu, các luật sĩ, tư tế đều liên minh chống lại giáo lý tân kỳ của Người. Vì quyền lợi, chức tước, thanh danh của họ bị thách thức và có nguy cơ tổn hại, hay sứt mẻ.

Khi Người kêu gọi, thâu nạp các môn đệ, thì các ông liền hăng hái đi theo Người, xa lìa vợ con, bỏ cả nghề nghiệp mưu sinh. Vào thời Roma bách hại, tín hữu theo Chúa phải trốn tránh trong những hang toại đạo. Hơn nữa, những gia đình nào theo đạo Kitô, còn bị hàng xóm, láng giềng, bạn bè thân hữu tẩy chay, tố giác. Cũng như thời Văn Thân dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã có biết bao Kitô hữu cũng chịu sự ruồng bắt, tàn sát dã man, khốc liệt không kém.

Hôm nay, tuy không còn cấm đạo công khai, nhưng sống giữa xã hội điên đảo, gian manh và hưởng thụ, ai quyết tâm sống chân thành theo Lời Chúa, khiêm hạ, bác ái, phục vụ tận tình, thì hầu như bị coi là khùng điên, dị nhân, quái nhân. Ngay chính gia đình, vợ hay chồng, con cái, cộng đoàn, cũng khó chấp nhận, huống chi bên ngoài xã hội. 

Bình thường, Đức Giêsu luôn ôn hòa, hiền lành, nhưng với sứ mạng Nước Trời, Người cứng rắn tuyên bố những điều kiện đi theo Chúa. Người không dùng những lời hoa mỹ mỵ dân, xuê xoa, gian trá, hòng mê hoặc lôi kéo tín hữu. Người không ba hoa, xảo ngôn, dùng lời có cánh để lấy lòng người nghe. Người nói thẳng nói thật, cùng muốn người nghe phải, dứt khoát chấp nhận hay không, phải quyết tâm theo Người hay không.

Trung ngôn nghịch nhĩ, lời nói trung thực thì khó nghe, hay thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Lời Người bộc trực đánh động lương tâm suy xét, ăn năn hối cải, hầu được ơn cứu độ.

Người minh bạch vạch ra đường phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và thần thánh, giữa Thiên Chúa và thế gian. Người không chấp nhận sự nhập nhằng, thỏa hiệp, hay đi nước đôi. “Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, chứ hâm hâm Ta mửa ra ngoài”. (Kh. 3. 15)

Người phân biệt chiên với dê, hay chiên thật với sói đội lốt chiên. Những ai sống theo Lời Chúa thì xa lìa những quyến rũ thế gian, những cám dỗ thân xác, những tham lam thế tục. Người kêu gọi hiếu đễ với cha mẹ, yêu thương bạn đời, con cái và mọi người, nhưng luôn ưu tiên thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa, thực hành Lời Chúa và đón nhận Thánh Ý Chúa.

Nhưng trong gia đình không phải luôn luôn có sự đồng thuận như thế, trong cộng đoàn hay xã hội cũng vậy. Những ai can đảm lội ngược dòng đời, mới theo Chúa được, mới làm chứng nhân thực sự. Vì thế Người mới mời gọi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.  Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26-27). 

Nguyên nhân gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ hay xã hội, chính là có sẵn sàng đón nhận Người hay khước từ Người. Có thành khần đem thực hành và áp dụng chính xác Lời Người hay không.

Hiệp nhất

          "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. (Lc 12, 49).  “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha“. (Ga 17, 20-21)

Sau khi chia rẽ tỏ tường chánh tà, thật ảo, phù phiếm và trường cửu, Đức Giêsu đem lửa tình yêu đến thế gian đang giá lạnh, đem lửa tinh luyện những tâm hồn sám hối, đem lửa thánh hóa những kẻ hướng thiện. Người mong ước con người hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân, đề hưởng được bình an.

Không phải thứ bình an thế gian, đặt trên nền tảng vị kỷ, kêu căng, tham lam, giả dối và bất công. Nhưng bình an của Chúa đem đến dựa trên sự thật, công lý và nhân ái, thuận thiên nhân hòa, hòa hợp nhuần nhuyễn với cả Thiên Chúa lẫn con người.

Nhờ cuộc tử nạn, Máu hy tế của Chúa Giêsu đổ ra trên Thánh Giá, đã thanh tẩy con người khỏi tội lỗi, để được giao hòa cùng Thiên Chúa và tha nhân. Đó chính là sự hiệp nhất, sự bình an đích thực mà Đức Giêsu ban tặng.

Lửa của Người đem đến qua Đức Chúa Thành Thần củng cố niềm tin, cậy, mến nơi các Thánh Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, cũng vẫn còn tiếp tục qua Bí tích Thêm Sức nhiệm mầu cho Kitô hữu hôm nay.

«Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn đều là dại trước mặt người đời, nhưng cao trọng trước mặt Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật. » (Đường Hy Vọng, số 110)

Lạy Chúa Giê su, xin ban cho chúng chúng con ngọn lửa nhiệt thành để sống đạo và truyển đạo đến mọi người.

Lạy Mẹ Maria, xin biến đổi chúng con trở nên nhiệt thành với Nước Chúa, nồng nhiệt cháy lửa yêu thương, nóng bỏng lửa phục vụ, để chúng con thêm sức mạnh tự cải hóa và cám hóa tha nhân. Amen.

AM Trần Bình An

 

6. Ngọn lửa tình yêu

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền An giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên. Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.

Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong nhà thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Đó là tâm nguyện của Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta: Thế giới này là một ngôi đền thờ rộng lớn mà mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.

Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế giới này, chính là ngọn lửa tình yêu vẫn bừng cháy trong trái tim Người; là ngọn lửa phục sinh đã bừng lên trong tâm hồn người tín hữu giữa đêm tăm tối, cũng là ngọn lửa Thánh Thần đã bừng sáng trí khôn các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần.

- Nếu con người cần cơm bánh để sống còn, thì họ cũng cần tình thương để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm.

          – Nếu lòng hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe lời Chúa, thì nhân loại sao chẳng rực sáng lên khi nghe lời yêu thương của Người?

          – Lời yêu thương đã được viết lên trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Chúa Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian.

- Như Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với Môsê nơi bụi gai cháy sáng và kêu gọi ông đi chu toàn sứ mạng, nay Người cũng sai chúng ta đi loan báo sứ điệp yêu thương cho trần thế.

          – Như Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người cũng mời gọi chúng ta hãy xua tan bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói với ánh sáng của tình thương cứu độ.

          – Như Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa để biến họ thành chứng nhân Nước Trời, nay Người cũng muốn chúng ta mang ngọn lửa tình yêu, thanh luyện và sưởi ấm các tâm hồn.

Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh”.

Lạy Chúa, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn ngồi trong tăm tối, sưởi ấm những kẻ đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa. Amen.

Thiên Phúc 

(53)

Bài viết liên quan

Bài đăng bởi Truyền Thông Giáo Xứ Tân Lộc

Pin It

Gửi phản hồi