ĐGH Phanxicô: Để có gia đình vững chắc, hãy cất điện thoại và tắt màn hình.

ĐGH Phanxicô: Để có gia đình vững chắc, hãy cất điện thoại và tắt màn hình.

Giuse Thẩm Nguyễn

Tại buổi tiếp kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: Để có gia đình vững chắc, hãy cất điện thoại và tắt màn hình.

Vatican News: “Để có nền tảng gia đình vững chắc, hãy cất điện thoại cầm tay và tắt máy truyền hình” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố như vậy trong buổi tiếp chung khách hành hương tại quảng trường Thánh Phê-rô vào ngày thứ tư, 13 tháng 11 năm 2015.

Khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để cùng ăn, cùng uống, bầu không khí gia đình sẽ ấm lên và giúp cho gia đình gắn bó với nhau hơn. Cho nên đừng để cho điện thoại cầm tay, hay máy truyền hình làm xa cách các thành viên trong gia đình.

Chúng ta thường hay gặp cảnh vài người ngồi bên nhau mà ai cũng chíu đầu vào cái điện thoại của mình hay cảnh gia đình ông chồng thì dán mắt vào truyền hình theo dõi trận đấu banh mặc cho bà vợ hay con cái muốn nói gì, làm gì cũng chẳng hề quan tâm.

Ngồi ăn với nhau chưa hẳn đã gần nhau. Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm này chưa ?Trong bữa cơm gia đình các con vừa ăn vừa nhắn tin trên điện thoại. Không ai nói với nhau một lời . Ai cũng như ăn vội, ăn cho xong, dù bà mẹ đã chăm chút để có những món ăn ngon mà mọi người ưa thích. Bữa ăn trở nên nguội lạnh và mọi người đều bị cuốn hút vào thế giới ảo của mình: điện thoại và máy truyền hình.

Trong buổi triều kiến tuần trước, Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở về sự tha thứ trong gia đình, hãy tha thứ như lời dạy của Chúa trong kinh Lạy Cha và hôm nay Ngài nhắc đến tầm quan trọng của việc gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Sự gần gũi không những chỉ là ngồi lại với nhau, cùng ăn uống nhưng nhất là dành thời gian cho nhau,cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, cùng tâm sư giữa các thành viên trong gia đình.

Thành viên trong gia đình cần dành thời gian cho nhau, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Người gặp khó khăn cần thổ lộ cho gia đình biết để chia sẻ, để giúp đỡ. Người có niềm vui hãy cùng chia vui với mọi người. Chính sự lắng nghe chia sẻ và cùng ở bên nhau là chất keo gắn bó các thành viên trong gia đình với nhau.

Đức Giáo Hoàng nói “ Một gia đình không ngồi ăn cùng nhau nhưng ai cũng bận rộn với cái điện thoại của mình, cái máy tính, hay cái màn ảnh truyền hình của mình thì rất khó là một gia đình êm ấm.”

Rất nhiều gia đình rơi vào thảm trạng nguội lạnh, đi đến đổ vỡ là do quá bận rộn với điện thoại và máy truyền hình. Con cái không nghe lời cha mẹ, cha mẹ không có thì giờ quan tâm đến con cái cũng chỉ vì ai cũng dành quá nhiều giờ cho các công cụ điện tử của mình.

Điện thoại cầm tay, máy tính, truyền hình là những dụng cụ điện tử, là phương tiện truyền thông không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của thời đại chúng ta, tuy nhiên nếu chúng ta mãi mê với những thứ đó mà quên đi con người, quên đi những liên hệ mật thiết gắn bó giữa các thành viên trong gia đình thì chúng ta đã đi vào một thế giới ảo, tự cô lập mình để làm nô lệ cho dụng cụ máy móc vật chất.

Phải biết làm chủ thời gian của mình, nhất là những giờ sinh hoạt, ăn uống, giải trí chung với gia đình. Để để đối phó với căn bệnh “ toàn thời gian cho điện thoại, máy tính, truyền hình”, nhiều gia đình đã tự hạn chế thời gian xử dụng những phương tiện này bằng cách lập thời khắc biểu rõ ràng cho mọi người, và chú tâm đến sự trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong gia đình.

Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến bí tích Thánh Thể như là một sự hiệp nhất.

Chúa Giê su đã lập ra phép Thánh Thể và qua thánh lễ như là một bàn ăn, nơi đó mọi người quây quần bên nhau, chia sẻ cùng tấm bánh, chia sẻ cùng chén rượu. Có sự liên hệ tương đồng giữa gia đình và thánh lễ. Sự hiện diện bên nhau chính là ý nghĩa của mái ấm gia đình, gia đình trong lòng Giáo Hội, và là dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa. Nói một cách khác Phép Thánh Thể là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau từ đó chúng ta biết được những nhu cầu của người khác.

Đức Giáo Hoàng lấy làm tiếc rằng những bữa ăn chung trong gia đình đã dần biến mất trong nhiều xã hội và chúng ta thường quá hoang phí thực phẩm trong khi có nhiều anh chị em khác trên nhiều miền của thế giới lại bị đói.

Kết thúc phần huấn từ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi cầu nguyện cho các gia đình và toàn thể Giáo Hội để mọi người nên hiệp nhất, gắn bó với nhau vì lợi ích của toàn thể nhân loại, đặc biệt trong năm thánh của lòng thương xót tới đây bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 đến 20 tháng 11 năm 2016.

Vietcatholic

Pin It

Gửi phản hồi